BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngỡ ngàng đời chiến sĩ

06 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1512)
Ngỡ ngàng đời chiến sĩ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Ngày xưa còn nhỏ, thường năm giờ sáng, tôi đã thức dậy học bài bên ba má tôi đang ngồi uống nước trà với kẹo thèo lèo và đủ chuyện Đông, Tây kim cổ. Tôi mê nhất ông cụ kể chuyện Kinh Kha vào Tần với cái đầu Phàn Ô Kỳ và bản đồ nước Yên mà giúp Thái Tử Đan ám sát Tần Thủy Hoàng. Tôi giận Tần Vũ Dương, tên giang hồ tứ chiếng mà nhát gan, làm hỏng đại sự. Ba tôi giỏi Hán Văn, thường ngân nga hai câu thơ của Kinh Kha làm bên bờ Sông Dịch mà cái đầu cứ ngả qua ngả lại như biểu lộ một cảm khái u hoài: “Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thủy hàn. Tráng Sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn” và dịch thoáng nghĩa, đậm một chút lòng “Gió thổi hiu hắt buồn và nước giòng Sông Dịch lạnh. Người Tráng Sĩ một khi đã ra đi thì không bao giờ trở về”.

Bóng dáng Kinh Kha đi theo tuổi nhỏ của tôi cùng lớn lên với Bài Ca Sông Dịch của Vũ Hoàng Chương “...Tám phương trời khói lửa. Một mũi dao sang Tần. Ai trách Kinh Kha rằng việc người đã lỡ. Ai khóc Kinh Kha rằng thềm cao táng thân. Ai tiếc đường gươm tuyệt diệu, mà thương cho cánh tay thần. Ta chỉ thấy. Tơi bời tướng sĩ, thây ngả hai bên. Một triều rối loạn, ngai vàng xô nghiêng...”. Sống trong một đất nước chiến tranh nhiều hơn hòa bình, chúng ta hiểu được tâm sự của một Thái Tử Đan và tính can cường con người Tráng Sĩ Kinh Kha. Không nói quá xa mà chỉ từ năm 1954 đất nước qua phân, Người Việt Quốc Gia có biết bao nhiêu người hiên ngang đâu có thua gì Kinh Kha, coi nhẹ tử sinh, sống chết không màng danh phận, một mình quyết tử trong lòng địch. Họ là những anh hùng khác gì Đại Úy Le Blanc và đồng đội trong cuốn phim“Héros Sans Retour” chiếu năm 1964, mà những ngày đũng quần còn mài ghế nhà trường, tôi phải phục lăn, thèm bắt chước. Nhưng bản chất là kẻ nhát gan lại sợ chết, tôi làm sao mà bắt chước cho được. Chỉ cùng đồng đội “tác chiến” với địch quân tới trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 là dữ lắm rồi. Đời người, ai lại không gặp biết bao nhiêu chuyện tréo cẳng ngỗng, có khi đáng buồn cười mà cũng nhiều lúc phải chảy dài những giọt nước mắt. Và không ai phủ nhận được rằng, người chiến sĩ tang bồng hồ thỉ kiếm cung làm sao mà không thường xuyên bắt gặp chuyện đời bất thường đến ngỡ ngàng, bàng hoàng tột cùng ý nghĩa và cường độ cảm xúc. Từ khi vào quân trường để được dạy làm người đánh giặc, những cái kỳ cục “không giống ai” đã đè cái-tôi-đáng-ghét xuống làm thứ dân.

Từ đó, ngày23 tháng 01 năm 1967 đến nay cũng đã 43 năm 4 tháng 25 ngày thì, biết bao nhiêu chuyện trời ơi đất hởi thăng trầm một đời bể dâu. Những chuyện mình không bao giờ nghĩ nó sẽ xẩy ra thì nó cứ xẩy ra. Những chuyện ngờ ngờ trước mắt thì mình không thấy bao giờ. Những chuyện mình mong ước có khi hão huyền thì không nói làm chi, mà cũng có khi trong tầm tay nhưng bao giờ nắm bắt được? Những chuyện lớ ngớ, lẩm cẩm cứ đeo đuổi tuổi già mà chọc ghẹo, không nghĩ thời trai trẻ chiến trường xông pha mà châm chước....Tất cả thình lình xuất hiện một cách ngỡ ngàng như trêu ngươi...anh và tôi, những Người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa đau trong lòng biết chừng nào, không thua trận mà phải đầu hàng!

Dĩ nhiên tôi đã biết rồi, bom đạn thời chiến tranh giết người một cách vội vàng, dã man, không lựa chọn. Nhưng có những cái chết thật lạ lùng, thật bi thương, thật bất ngờ, thật mau quá. Thằng bạn tôi con một, khi xưa rớt Tú Tài I vẫn nhong nhong vài tuần lớp Đệ Nhất chơi. Ra trường Đồng Đế hơn 2 năm, đụng trận liên miên vẫn sống nhăn răng. Vào Thủ Đức, lon Chuẩn Úy chưa kịp rửa, bồ chưa kịp gặp, cha mẹ chưa kịp mừng, lời hẹn bạn bè chưa kịp giữ, đã bị thiêu sống ở Hòa Tân, Gò Công, xác không nhận ra hình hài. Nghe tin, cha chết liền tại chỗ. Mẹ như người mất trí đầu đường cuối phố ơi ới “con ơi, con ơi”. Người bồ chờ ngày đám cưới nhất định “ở góa” suốt đời. Chúng tôi không tìm đâu ra nó mà đưa đám, nói gì ngồi ở Thanh Bạch, vô Vĩnh Lợi. Cái thằng nầy có tật, về Sài Gòn chỉ thích ngồi gần như suốt sáng ở Thanh Bạch nhìn gái dạo phố Lê Lợi và người ta dập dìu qua lại đằng kia Chợ Bến Thành rồi chun đầu vào cái Rạp Ciné Vĩnh Lợi nghèo nàn nhiều chuột kế bên, mà dán mắt vào những phim cũ rích chiếu “permanent” suốt cả ngày với ổ bánh mì paté cầm trong tay.

Đường Lê Lợi - Sài Gòn 1968


Năm 1970 tôi ở nhà ông chú, chủ lò bánh mì trên đường Trưng Nữ Vương, khu Nại Hiên Tây thuộc Thị Xã Đà Nẵng, nhiều đêm bị Việt Cộng pháo kích đạn hỏa tiễn 122 ly, chết biết bao dân thường vô tội, thảm cảnh hãi hùng lắm! Một cái đầu người rớt lên rớt xuống mấy lần khi chở tới Bệnh Viện Duy Tân.

Nhà hàng nổi bên bờ sông Hàn - Đà Nẵng 1970


Một gia đình chết trọn, ai chôn cất ai!? Hai mẹ con Bà Hai mới hồi hôm đến mua bánh mì đây, bây giờ chết không toàn thây mà 2 ổ bánh mì còn nguyên đó. Một chú nhỏ Nhân Dân Tự Vệ thường 11 giờ đêm đến “xin” bánh mì cho toán lót dạ ban đêm cũng chết bên người vợ mới cưới tháng trước. Chiến tranh mà! Ai cũng nói như vậy. Không. Thằng bạn tôi chết không kịp ngáp lời từ biệt. Nó chết bị thui sống như loài súc sanh tồi tàn, tanh tưởi. Nó chết mà không biết ai là nó, nó là ai. Ba nó đó. Má nó đó. Bồ nó đó. Bạn bè nó đó. Nó ra đi, chẳng ai ngỡ ngàng. Tôi quen nó mấy chục năm không chết. Mới đó đã không còn. Ngỡ ngàng! Ngỡ ngàng vì nó là bạn bè lối xóm của tôi, là bạn học của tôi, là chiến hữu của tôi, là đồng ngủ của tôi nữa...nếu không thì cũng “chiến tranh mà”.

Vào tháng 4 năm 1972, Quân Bắc Việt xã láng hơn 40 ngàn quân, gồm Bộ Binh, Công Binh, Thiết Giáp, Pháo, Phòng Không... rót hơn 200 ngàn quả pháo đủ loại trong hơn 2 tháng trời vào Thành Phố An Lộc nhỏ chút xíu chút xiu vài cây số vuông mà thua vẫn thua nhục. Đối phương cũng phải cúi đầu. Đồng Minh cũng phải khâm phục. Đồng bào cũng phải vinh danh “An Lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”. Hồi đó đọc báo hằng ngày, tôi nghĩ là, mình sẽ mất An Lộc, Bình Long là chắc. Nhưng anh hùng thay! Lẫm liệt thay! Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa người người nằm xuống, người người đứng lên đã dựng cờ chiến thắng. Làm sao mà không ngỡ ngàng!?

An Lộc 1972


Đầu tháng Giêng năm 1975, ông bạn Tư của tôi, Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Phước Long dắt lính chạy giặc qua Tỉnh Quảng Đức đang bình yên của tôi. Ảnh nói “nó đông người, nhiều tăng, vũ khí tôi tân” mình thua. Phước Long mất! Tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên mất. Nó sát nách chúng tôi quá! Chúng tôi không còn đường 14 về Nam. Tôi bàng hoàng. Tôi ngỡ ngàng. Dầu ai cũng biết rằng, nó sẽ thua vì chính quyền trung ương không đủ sức giữ cho nó còn, không màng nó còn.

Rồi khuya ngày 9 tháng 3 năm 1975, người anh vợ làm ở Bệnh Viện Quân Y Ban Mê Thuột gọi cho biết, ở đó Việt Cộng đang tấn công. Việc Cộng Sản Bắc Việt sẽ đánh Ban Mê Thuột ai cũng biết. Có điều các lực lượng chiến đấu của ta mỏng quá, ít quá, thô sơ quá... đành chịu mất Ban Mê Thuột như bỏ mất Phước Long. Tôi nhớ, chiều ngày 8 tháng 3 năm 1975, ở Ninh Hòa trời đang mưa mà “dám” bảo tài xế lái xe về Ban Mê Thuột. Quốc Lộ 21 nầy ai dám đơn thương độc mã ban đêm một chiếc Jeep với ba anh lính qua Đèo Phụng Hoàng? Đường rừng, núi, dốc, đồi, ngoằng ngoèo im thin thít. Chắc Việt Cộng chê bọn thằng ngu không đánh tốn đạn, không bắt tốn cơm. Chúng tôi đến Ban Mê Thuột bình yên lúc 10 gìờ đêm. Sáng hôm sau, tiếp tục về Quảng Đức, chúng tôi qua Cầu 14 trên sông Sêrêpôk nối hai Tỉnh Darlac và Quảng Đức, lúc nào cũng lạnh lùng, đìu hiu... Đến Đức Lập, đậu xe đi vòng vòng khu chợ kiếm nước uống. Những anh lính “mừng Đại Úy đi công tác về”. Định lên căn nhà gổ của ông triệu phú Trần Trọng Lưu nhờ chú quản lý, pha cho vài ly cà phê cứt chồn, anh em uống cho tỉnh táo, nhưng thôi. Khu phố trước Quận nhỏ hơn thổ trạch một nhà và ít người hơn ngày đám giổ một giòng họ, sinh hoạt cũng ồn ào, bình yên. Đến Ngả Ba Dakson, qua Cái Am Đầu Lâu, chúng tôi ngậm ngùi kiếp nhân sinh. Gọi là Cái Am Đầu Lâu vì mấy miếng ván sơ sài che cái đầu người của ai ở trỏng. Mấy anh lính phất phơ bìa rừng, thong dong với cây súng cầm tay như thách thức mạng sống nơi âm u chiến trường, quơ quơ tay như lời chúc “thượng lộ bình an”. Ai có thấy gì đâu bóng dáng chiến tranh hờm sẳn. Về đến Gia nghĩa, mệt đừ. Một đêm ngủ ngon cho đến nửa khuya, ông anh vợ gọi báo Việt Cộng đánh Ban Mê Thuột. Ừ thì chiến tranh, nay đánh chỗ nầy, mai đánh chỗ kia vậy mà, tôi cũng không quan tâm gì. Ngủ.

Ban Mê Thuột - 3/1975


Qua ngày hôm sau, ngày 10 tháng 3 năm 1975, Việt Cộng tấn chiếm Quận Đức Lập mới thái bình ngày hôm qua đó mà. Tôi đi trong lòng chiến tranh mà không thấy chút nào súng ống, bom đạn, bóng dáng thập thò Việt Cộng. Đức Lập là một Quân phía Bắc của Tỉnh Quảng Đức, Nam của Darlac. Vậy là Nam và Bắc hai đầu một chặng Quốc Lộ 14 đã nằm trong tay địch, bít Quảng Đức ở giữa. Dân sợ. Lính lo. Một sáng hạ tuần tháng 3 năm 1975, Mục Sư Hồ Hiếu Hạ dắt đàn con chiên người Thượng chăn cả mấy bầy bò, dê, cừu và cõng cả heo, gà, vịt, định băng rừng, lội suối, vượt sông Đa Đung rộng thênh thang mà đến Lâm Đồng. Tôi nhìn theo mà ngỡ ngàng hết sức. Ngỡ ngàng vì biết là Mục Sư sẽ không đi tới đâu được khi đùm túm số đông người gia cảnh lượm thượm như vậy. Những anh em của tôi nói “làm sao mà đi?”, “tại sao mà di tản?” Mục Sư Hồ Hiếu Hạ, “người chống Cộng, linh hoạt, vui vẻ nhưng khó tính”, người địa phương ai cũng nói như vậy. Nhưng tôi, đơn vị trưởng an ninh ở đây, tôi hiểu ông hơn hết. Một lần ổng đã hy sinh lắm mới đành đoạn cưa cho tôi một nhánh lớn của cây mai đang rộ bông vàng mùa Xuân trồng trước Thánh Đường. Tôi biết, ổng quí nó vô cùng. “Anh là người đầu tiên và cuối cùng tôi tặng”, ổng nói như vậy. Lính của tôi nói “Đại Úy trúng số độc đắc rồi”. Bây giờ tôi vẫn không quên. Chẳng biết hiện nay Mục Sư đang ở đâu? Dự đoán chúng tôi không sai. Chiều, Mục Sư mệt quá rồi! Con chiên mệt quá rồi! Gia cầm, gia súc như đừ lắm rồi! Họ về lại là đương nhiên. Nhưng cả một tôn giáo rủ nhau mà chạy, bảo sao không nhốn nháo cái Thị Xã Gia Nghĩa nhỏ như một vòng đai chiến đấu, vào cái lúc tứ phương chộn rộn? Tôi đã thấy vắng bóng mấy ông lớn, vắng mặt mấy bà lớn. Thành phố hốt hoảng như đang cơn binh biến. Hết sức ngỡ ngàng, vào thời điểm bất ổn đó, Đài BBC đọc bản tin Thị Xã Gia Nghĩa đã bị Việt Cộng đánh chiếm, khi mà chúng tôi đang ngồi uống nước trà trên mặt hầm lô cốt một cách thái bình. Thiếu Tá Cừ giận quá “Địt mẹ, bố còn ngồi đây”. Trung Úy Thu từ Đức Lập chạy về, hùa theo “Đụ má, nói bậy nói bạ”. Không biết những tỉnh khác, Đài BBC có làm những việc tương tự như vậy không? Họ vô tình hay cố ý đưa tin thất thiệt một cách vô trách nhiệm, thiếu thận trọng, không trong sáng, có lợi cho Cộng Sản biết mấy.
Từ đó đến nay, hơn 35 năm rồi, tôi có bao giờ nghe lại cái đài ác ôn đó nữa đâu. Sáng ngày 23 tháng 3 năm 1975, như những ngày vừa qua tôi phải lo đàn em Đức Lập về nhiều quá mấy hôm nay, không đi họp ở Tiểu Khu được như hằng ngày. Thiếu Tá Phạm Cừ đi một mình, về nói lại, Trung Tá Tham Mưu Trưởng Phạm Đức Dư ra lệnh di tản. Di tản!? Tôi biết, cái ngày đó phải xẩy ra, sẽ xẩy ra. Nhưng tôi không sao dấu được nỗi bàng hoàng, ngỡ ngàng! Quảng Đức nằm trọn lõn trong rừng. Bắc thì Việt Cộng đã chiếm Ban Mê Thuột kéo dài xuống Đức Lập. Tây là Tỉnh Mondolkiri của Campuchia. Nam là Phước Long và Lâm Đồng. Phước Long không còn. Lâm Đồng nghe cũng lộn xộn như Tuyên Đức ở phía Đông.

Những người lính Phước Long chạy lên Quảng Đức về tới phi trường Biên Hòa ngày 12/1/1975


Xế hôm đó, chúng tôi bỏ Thị Xã Gia Nghĩa, bỏ Tỉnh Quảng Đức chạy trốn Việt Cộng, gọi là di tản cho oai như Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bô Binh tan hàng tháng 4 năm 1972 và Trung Tá Phạm Văn Đính, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 56 phải ra đầu hàng giặc vậy mà. Ai không buồn? Ai không đau? Ai không ngỡ ngàng? Ai không ngậm ngùi? Quảng Đức của tôi, hơn nửa tháng sau, Việt Cộng trong rừng mới lò mò ra, không tốn một viên đạn nào. Mình chạy nhanh quá mà. Việt Cộng đâu kịp tiếp thu. Tôi về đến Bảo Lộc, tỉnh hình ở đây cũng bát nháo khác gì Gia Nghĩa. Việt Cộng đang còn ở đâu đâu trong rừng hay trong hốc bà tó nào đó. Bấy giờ không ai nói gì đến chiến đấu nữa mà chỉ nói “làm sao chạy về Nha Trang, về Phan Rang, về Phan Thiết... đây?” Đừng nói ai chỉ huy ai di tản. Đêm ngày 2 tháng 4 năm 1975, chúng tôi chứng kiến Nha Trang hải hùng quá. Người người đổ ra đường mà chạy, mà la, mà cướp phá, mà bắn loạn xà ngầu. Có ai chết cũng chẳng ai cứu. Người ta lo cứu người ta là chạy khỏi nơi nầy sớm chừng nào tốt chừng nấy. Chúng tôi len lỏi một cách khó khăn và hoảng hồn mới xuống được Cầu Đá, đạp ọp ẹp lên hàng trăm thân thể người chết cuộn trong bọc nylon mà đi trong đám đông hàng chục ngàn người. Họ là những xác người chết mấy hôm trước từ những chiếc xà lan Miền Trung kéo vào, bỏ đó không ai chôn. Họ là xác những người mới chết bị đè bẹp trong đám đông hỗn loạn tối nay. Xin những oan hồn uổng tử tha tội cho những bước chân người chúng tôi vào lúc đi tìm cái sống dẫm lên cái chết của người! Tại Cầu Đá, chỉ có đi tới chứ không thể đi lui, chỉ có đi thẳng, không làm sao quẹo trái, quẹo phải được. Biết bao nhiêu giấy tờ, hình ảnh quí giá biêt chừng nào của tôi đành chịu mất trong trường hợp nầy. Cái Samsonite kẹt cứng trong người với người phải bỏ, không thì mình bị dẫm đạp lên ngay.

Chiếc tàu đậu đó, đầu sát bờ khoảng 5 thước mà phần đuôi xa khoảng vài chục thước. Một là mạnh, nhảy bám dây lưới leo lên. Hai là yếu, rớt xuống biển. Biết bơi còn sống. Không biết bơi thì ôm nhau xuống biển, chìm nghỉm. Tới bờ đá là nhảy ngay, chậm một giây thì lớp người đằng sau như giòng nước lũ đùa mình xuống biển liền. Khiếp đảm lắm! Về Cát Lái chiều ngày 3 tháng 4 năm 1975 mới biết mình còn sống qua 2 ngày 2 đêm hãi hùng trên chiếc tàu được sắp xếp trước của Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu, đang là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Vợ ở nhà làm người đàn bà vạn lý tầm phu, từ Vũng Tàu về thấy chồng mừng chảy nước mắt. Rồi hơn 20 ngày sau, Tổng-Thống-Dân-Không-Bầu Dương Văn Minh, người ta gọi là Tổng-Thống-Hai-Ngày vào khoảng hơn 11 giờ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tức ngày 19 tháng 3 năm Ất Mão, tuyên bố “hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện”. Tôi hết sức ngỡ ngàng một cách u mê. U mê vì còn tin có một giải pháp hòa hợp hòa giải hay trung lập gì đó trong một thế lực không còn gì, không có gì. Người ta đã nghĩ ngày mình thua từ sau Hiệp Định Paris ký ngày 27 tháng 1 năm 1973 hay ít nhất cuối tháng 3 năm 1973 khi lính Mỹ về nước hết. Tôi thì không, nghĩ rằng mình còn mạnh lắm. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn cả một Miền Nam chưa sứt mẻ mà. Chưa thua Tổng Công Kích Tết Mậu Thân Năm 1968, Quảng Trị, Thừa Thiên và An Lộc năm 1972 thì “sức mấy” Việt Cộng làm được gi!? Cả một ngày hôm qua từ chiều cho đến khuya, còn kéo dài tới sáng hôm sau, rầm rập tiếng máy bay trực thăng lớn nhỏ đủ kiểu đủ cỡ làm rát cả Thủ Đô Sài Gòn đang cơn hấp hối. Trên nóc nhà tôi sau Rạp Ciné Văn Hoa Dakao, sáng cả bầu trời đêm 18 Âm Lịch mới vừa qua Rằm. Hình hài những chiếc trực thăng vội vã ra đi, ra đi biền biệt, mang theo những con người hớt hãi, tuyệt vọng, tiếng than và nước mắt. Tôi ngước nhìn lên, lòng trĩu nặng tâm tư bời bời, tan nát. Vợ tôi đứng bên lấy khăn “mouchoir” lau cho tôi những giọt nước mắt sao cứ chảy, cứ chảy không ngừng, nói “Thôi, người ta sao, mình vậy anh à”. Tôi nghe được tiếng nói hết sức xúc động của người vợ đang rưng rức giòng lệ ứa ra. Vợ tôi chạy vào nhà, ôm gối khóc nức nỡ. Người anh em cột chèo, Đại Úy Quân Nhu, không nói không rằng một tiếng, châm điếu thuốc ra ngồi dưới gốc cây bình bát trước nhà, đầu gục xuống, nhả làn khói trắng dài thê lương! Mấy bà xã ra Chợ Tân Định mua vài đùi gà Mỹ làm sẳn về “làm đồ nhậu cho mấy ổng uống giải sầu”. Hai đứa tôi lấy hai bà chị em cũng đã 6, 7 năm rồi nhưng chưa bao giờ có thì giờ ngồi lại với nhau, nói gì uống với ăn.

Sáng sớm, nếu không có lẹt đẹt vài tiếng súng AK muộn màng thì không biết bao giờ chúng tôi thức giấc một giấc ngủ thật dài từ chiều hôm qua mà quên đi lời kêu gọi thê thảm của Đại Tướng Dương Văn Minh. Một Trung Tá Trung Đoàn Trưởng đầu hàng. Một Sư Đoàn tan đoàn rả đám. Một Tỉnh Phước Long không còn trong lảnh thổ Việt nam Cộng Hòa. Rồi di tản tiếp theo những di tản. Rồi những đổ vỡ tiếp theo những đổ vỡ. Còn gì!? Mất nước! Dẫu là nam nhi, đời kiếm cung tang bồng ngang dọc, ai không chảy những giòng nước mắt mà chê là nhi nữ thường tình? Những con người trở mặt nhanh hơn lật bàn tay, đeo băng đỏ lăng xăng chạy xe Jeep, xe Lam, xe găn máy, ngay cả xe đạp, phất cờ màu đỏ, xanh và ngôi sao vàng của cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam đi làm an ninh và chỉ điểm cho bọn trong rừng ra trả thù và ăn cướp.

Thằng bạn tôi, Tham Sự Hành Chánh cũng khoe ra cái giấy chứng nhận là đoàn viên của cái Hội Sinh Viên Yêu Nước, nói là “cho chắc ăn”. “Cho chắc ăn” thì cũng đi tù rục xương như người ta. Không biết bây giờ mầy đang ở đâu hởi cái thằng giỏi thói tráo trở, khôn vặt Nguyễn Sĩ Chiêu? Lời kêu gọi trí trá, giảo hoạt của bọn Ủy Ban Quân Quản làm mình cứ tưởng là sẽ đi “học tập cải tạo” 10 ngày. Mười ngày đến cuối tháng 4 năm 1984 mới được về đèo theo một năm quản chế. Cái xã hội gì, cứt quý như vàng!? Ở trại tù trong Nam phải canh, không thì bị ăn cắp. Ở trại tù ngoài Bắc phải trộn với tro hay than đá mũn đóng thành bánh dấu trong kho. Người ta lái ghe đi bán cứt, đi mua cứt. Có khi người ta giết nhau vì cục cứt. Một bà cụ không kiêng dè gì hết, nói “chúng tôi có són bao nhiêu đi nữa cũng phải ráng mà về đến nhà mới tè, không để phí một giọt nào giữa đường”. Nói như chuyện đùa mà có thực một trăm phần trăm tôi đã trải qua trong cái gọi là học tập cải tạo ở Trại An Dưỡng Biên Hòa hay ở Xã Lạc Hồng, Huyện Trấn Yên, Tỉnh Yên Bái, chứ không phải nghe nói bâng quơ, bêu rếu, tếu. Khắp hang cùng ngõ hẻm, những người bạn tôi đó, bây giờ có người, vợ đã đi lấy chồng cán bộ; Có người con bị đuổi học; Có người tả tơi đạp xích lô; Có người còm cõi ngồi bán mấy tấm giấy số; Có người đi bốc xếp, khuân vác.; Có người trong núi trong non kinh tế mới; Có người ôm thùng cà rem đi bán; Có người đi xin ăn...Tất cả sống đời thiếu ăn, thiếu mặc, tồi tàn, hạ cấp, bị hết thảy người ta miệt thị, khinh rẻ..

Còn bút mực nào tả cho đủ nỗi oan khiên, đoạn trường của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa Thua Trận còn kẹt lại! Ra đường, mình cảm thấy sao như người lạc chợ trôi sông, cù bơ cù bất, bơ vơ giữa những con người cũng là Việt Nam, mà lạ hoắc la huơ, quê mùa, hống hách. Những Cửa Hàng Bách Hóa Tổng Hợp, những Tụ Điểm Bán Buôn Chất Đốt Thanh Niên, những Nhà Đẻ, Xưởng Đẻ, Hợp Tác Xã May Đo, Doanh Trại Quân Giải Phóng, Bến Đỗ Ô Tô Con... nghe sao tréo bản họng.



Những con đường bóng dáng kỹ niệm xưa, bây giờ đã đổi tên hết trơn. Đường Công Lý có Dinh Độc Lập, Chùa Vĩnh Nghiêm, Dinh Hoa Lan đổi tên Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đường Tự Do có Bộ Nội Vụ, Nhà Hàng Caravelle, Continental Palace, La Pagode, Vũ Trường Maxim’s đổi thành Đồng Khởi. Dân nguyền rủa “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý. Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do”. Đường Phan Thanh Giản có Trường Trung Học Tư Thục Phan Sào Nam, Rạp Ciné Long Vân, Bịnh Viện Bình Dân, Trường Nữ Trung Học Gia Long đổi là Điện Biên Phủ và ngay Chung Cư Minh Mạng tôi ở, cũng đổi ra Chung Cư Ngô Gia Tự như con Đường Minh Mạng là Ngô Gia Tự vậy. Ôi, Bùi Chu là Tôn Thất Tùng, Phát Diệm là Trần Đình Xu, Duy Tân là Phạm Ngọc Thạch, Lê Văn Duyệt là Cách Mạng Tháng 8, Trần Quốc Toản là 3 tháng 2 loạn xà ngầu, biết đâu mà mò. Một năm quản chế không được bước ra khỏi Sài Gòn và hằng tuần phải trình diện Công An Phường với quyển sổ báo cáo công việc hằng ngày. Một năm mới được trả quyền công dân qua buổi họp của bà con quanh nhà gọi là Tổ Dân Phố, hầu hết là đàn bà và một tên Công An Khu Vực mắt lé, con nít, nhà quê, đọc không ra chữ. Rồi Mỹ có chương trình ra đi trật tự Orderly Departure Program để cho anh em Cựu Tù Nhân Học Tập Cải Tạo là Former Re-Education Center Detainees tái định cư ở Hoa Kỳ. Gia đình tôi có hai vợ chồng với trai, gái, lớn, nhỏ năm đứa con, theo tên HO 14 mà rời Việt Nam sáng tinh sương ngày 18 tháng 11 năm 1992 và Phi Trường Thái Lan tối cùng ngày để vào Phi Trường Quốc Tế KCI của Kansas City, Tiểu bang Missouri qua ngày 19. Thấy Thái Lan mới thấy 17 năm Việt Cộng cai trị đã làm cho đất nước Việt Nam thụt lùi sự tiến bộ đến chừng nào. Phi trường người ta hiện đại, to lớn, văn minh, sạch sẽ quá sức. Mình, cơm còn bửa đói bửa no. thì nói gì. Cơm phải chia gạo ra 6 tô cho 6 đứa vừa con vừa cháu ngồi lựa bông cỏ ra mới nấu ăn được. Hằng hà sa số bông cỏ đủ loại trong gạo, có khi còn nhiều hơn gạo. Tụi nó phải có một cây tăm xỉa răng, một cái chén nước. Nhúng đầu cây tăm vào nước cho ướt mới chấm dính được bông cỏ. Đố ai mà lựa bằng tay không cho được. Vẫn cứ hợp tác xã, vẫn cứ tem phiếu, vẫn cứ hộ khẩu, vẫn cứ tiêu chuẩn, vẫn cứ cái gì cũng quốc doanh của cái thứ Xã Hội Chủ Nghĩa thì muôn đời Nước Việt Nam không bước ra khỏi vòng tối tăm, nghèo đói, lạc hậu được.

Nhớ lại khi máy bay cất cánh cao dần cao dần và xa dần xa dần Phi Trường Tân Sơn Nhất, lòng tôi như chùng lại cái tâm trạng nửa vui nửa buồn mà nước mắt thì chảy dài! Có ai muốn bỏ nước mà đi đâu? Đứa con gái út của tôi 7 tuổi, ôm cứng ông nội không chịu đi. Ba tôi đứng đó nhìn con cháu ra đi không biết bao giờ trở lại. Tôi quây mặt qua chỗ khác mà lòng đau nhói. Nhưng phải ra đi. Ra đi cho đến bây gìờ đã hơn 18 năm rồi mà tôi chưa một lần quây về. Ba tôi chết đó, cũng không về. Mồ ba tôi chôn đâu cũng không hay. Những đồng tiền tôi gởi về cho các anh chị và các cháu lo liệu rõ ràng là chưa đủ tấm lòng. Tiền đó, tình đâu!? Tôi biết. Tôi buồn lắm. Ngày tôi đến Mỹ, người của Hội Cựu Quân Nhân, của Don Bosco, của các anh chị em chưa từng quen biết đón ở phi trường một đoàn xe dài như một phái đoàn ngoại giao cao cấp. Hết sức ngỡ ngàng. Hết sức cảm động. Lòng bổng nao nao câu thơ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị “Đồng thị thiên nhai lưu lạc nhân. Tương phùng hà tất tằng tương thức”. Và một chiều Chủ Nhật vài ngày sau đó, anh bạn Đình, Đại Úy Không Quân lái trực thăng HU-1B chở tôi đến Don Bosco tham dự buổi họp định kỳ hằng tháng của Hội Cựu Quân Nhân. Anh em gặp nhau mừng hết sức.

Tôi đã khóc thật sự. Đã hơn mười bảy năm dài mới thấy lại Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Đã hơn mười bảy năm dài, mới hát lại một cách công khai, hùng hồn Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa “Nầy công dân ơi! Quốc Gia đến ngày giải phóng...”. Ai có chai lòng bao nhiêu đi nữa cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động! Và mới qua đầu hôm sớm mai, tuyết đã rải trắng xóa bầu trời. Đẹp quá! Mấy đứa con lớn của tôi vén màn cửa sổ coi không chán. Nhưng tôi, vợ tôi và hai đứa nhỏ bảy tuổi và năm tuổi lạnh chết cha. Cái cô Lý, cô Hoa, chú Tý nhà ta làm việc ở Don Bosco mướn nhà cho mình ở Mùa Đông mà không có heat, không có gas. Họ trịch thượng ra kiểu ta đây, người qua trước chê kẻ qua sau ù ù cạt cạt không biết gì. Vốn bạn bè thường nói, tôi là thằng ngay và ngang tính nên, có kiêng dè thằng nào, con nào đâu, “xạt” liền, “nạt” liền.

Dẫu sao đi nữa, chúng tôi cũng đã hết những ngày giang nắng, chạy mưa thời làm nhang, bán nhang độ nhật, nuôi con khổ thấy mẹ. Tôi vừa có foodstamp dư mua đồ ăn khỏi trả tiền vừa có tiền mặt welfare trả nợ Việt Nam. Việc gì cái thuở ban đầu cũng đáng ghi nhớ. Làm sao mà không nhớ cho được cái công việc đầu tiên của tôi ở Mỹ là housekeeping cho Lữ Quán Comfort Inn nằm bên trong đường Front. Chú Thanh, người Thủ Đức bình dị, người Trung Úy Biệt Kích lì lợm, ngày đầu tiên không chịu được, nổi sung “Đụ me! Tôi về, không làm”. Giải thích, năn nỉ lắm, chú chịu ở lại. Lúc ăn trưa, chú nói mà không dấu được nỗi buồn xa xăm rằng “Ở tù về nghèo xơ nghèo xác, bà con ruột thịt xa lánh hết trơn. Ngày giổ họ, mình ráng đạp chiếc xe đạp sườn ngang cũ rich, đèo con gà mái dầu thật mập về Sài Gòn cúng. Người ta biết lấy con gà, không biết hỏi mình một tiếng. Dựng chiếc xe đạp cà tàng vào hiên nhà, ra sau hè vấn điếu thuốc rê, tới lu nước múc một gáo nước lạnh uống, vào bàn thờ thắp ba cây nhang lạy, tôi ra về trước mắt mọi người, có ai nói năng gì đâu!? Đã ra tù hai năm rồi, cả nhà tôi chưa có ai được ăn một miếng thịt. Con gà mái chở đi, chúng tôi thèm chảy nước miếng lắm chớ. Bà con mình tàn nhẫn quá, nói gì người dưng nước lã! Hai anh em tôi ráng hết sức cũng chỉ tới 2 tuần, đúng 10 ngày hay 80 tiếng đồng hồ. Ở đây đã có hai cha con Trung Úy Thiện, người Huế làm từ vài tháng trước rồi. Họ chắc cũng không vui gì nhưng cũng không thấy buồn. Chùi cầu tiêu đầy cứt, rửa bồn tắm đầy lông, dọn những cái quần lót đầy máu me mà buồn ứa nước mắt. Hai anh em vì vậy mà cố gắng 2 năm trời lấy cho được cái Diploma về Microprocessor Technology vào năm 1994 của trường Electronics Institute treo chơi cho đỡ tủi.
Cũng nhớ, giữa năm 1993 ở Lake Land, Florida vì sợ làm housekeeping ở Kansas City, Missouri mà chạy về đó làm kitchen-helper. Gọi kitchen-helper cho ngon cơm vậy thôi, chứ thực ra chỉ là thằng rửa chén cho bếp Nhà Hàng Nhật Bổn của một chú lùn trẻ tuổi Phù Tang. Thằng con trai, chưa đến ngày vào trường, phụ ba kiếm tiền bước đầu trên đất Mỹ xa lạ, làm bus-boy, dọn dẹp chén bát; “Clean up” bàn ăn, bàn nấu, vách; “Mop” sàn nhà; “Vacuum cleaner”, mấy tấm thảm. Nó nói “Ngán nhất là chùi mấy cái “hood” treo trên bàn nấu đầy dầu, mở, trơn, cứng, khó chùi hết sức. Mệt lắm! Ngày nào trong tuần mà chùi cái của nợ đó, gần như trăm phần trăm thằng con về nhà muốn bỏ ăn. Thấy con mà tội nghiệp, Mình thì đã đành, nhìn con không cam! Cũng không sáng sủa gì ở đây, 5 tháng sau, gia đình lại đùm túm trở về Kansas City xứ lạnh tình nồng của Missouri ở cho đến bây giờ cũng gần 20 năm dài thường thược.

Người ta nói, trong cái may có cái rủi, trong cái rủi có cái may. Đúng hết sức cho trường hợp hai vợ chồng một ông bà Việt Nam ở đây. Đã đưa nhau qua Mỹ nhưng sống khác gì mặt trời với mặt trăng như từ ở Việt Nam. Bả lúc nào cũng chỉ trích nặng nề chồng, gia đình chồng và mang tiếng ba cái lăng nhăng, ý muốn bỏ chồng mà đi. Ổng chồng thỉnh thoảng cải chính sơ sài, nhẹ nhàng. Không may hay rất hên không biết chừng, ông chồng xìu xìu ểnh ểnh của bả lại bị tai nạn xe hơi nằm cấp cứu trong emergency room của bệnh viện North. Bà vợ ân tuyệt, tình đoạn nhất định cuốn gói qua Cali dù có ai khuyên đi nữa. Nhưng được nghe rằng “auto insurance, life insurance, trường hợp của ảnh sẽ được bạc triệu”, bả đâu chịu bỏ đi, nhất định ở lại. Không biết “ảnh sẽ được bạc triệu” bao nhiêu nhưng, hai vợ chồng bây giờ nhìn có vẻ hạnh phúc, có tiền. Rủi cho nên hai vợ chồng mới may ăn ở đến bây giờ và có trọn đời, mãn kiếp không thì không biết!? Có những điều, những cái, những việc, không thấy, không tin. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chuyện nầy có lạ gì ở đây nhưng, làm sao tin được ở Việt Nam? Có lúc ngồi một mình, nhìn mây trời Thu lãng đãng những chiếc lá vàng vàng đỏ đỏ phất phơ mà nhớ ngày xưa. Năm đó sau Hiệp Định Paris 1973 bắt 7 tên Việt Cộng ở Nghi Xuân, lấy 6 AK47, 3 B40, 1 K54, 1 radio, 1 máy truyền tin mà vui với một Anh Dũng Bội Tinh dù là Ngôi Sao Đồng của Trung Tá Nguyễn Hữu Thiên lúc đó làm Tiểu Khu Trưởng cấp cho. Cũng phải nhớ mà nhắc đến cái anh chàng Cẩn, Thiếu Tá Trưởng Phòng Tổng Quản Trị hồi đó, ngồi mài mỏng đít trên cái ghế văn phòng “đếch” làm gì, cũng có cái Anh Dũng Bội Tinh, em dũng bội tinh như người ta. Rồi lại nghĩ, tại vì Trung Tá Cao Văn Chơn thế Đại Tá Phan Đình Niệm làm Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Quảng Đức trong hơn một tháng mà Thiếu Tá Tư, người Huế, Trưởng Phòng 2 bị phục kích ở Đạo Nghĩa chết thay tôi một cách oan uổng. Xe tôi đã đi trước một đoạn quá dài, nhưng cuối cùng, anh ta đã vượt qua dành tôi cái chết sau đó chưa tới 3 phút. Tụi Việt Cộng đã phục kích ngay cùi chỏ lên dốc Nghĩa Chánh. Số mạng! Biết làm sao!? Tiếc là, việc đó không phải của “các ông đơn vị trưởng phải làm” theo lệnh kém cõi, hời hợt, vô lý của một ông Tiểu Khu Trưởng dỡ ẹt. Một Đại Úy cũng tên Tư nhưng là người Miền Nam lên thay. Rồi lên Thiếu Tá, cũng là Thiếu Tá Tư bị Việt Cộng bắn chết, không phải ngoài chiến trường mà vượt ngục “học tập cải tạo?”. Tôi nhớ ông bạn Tư gốc Sĩ Quan Đà Lạt nầy, nhắc hoài tôi một câu “kệ, ổng nói gì nói, cải lại làm gì anh” khi tôi phân bua, lý luận với Trung Tá Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Nguyễn Hữu Thiên trong những lần họp cuối ngày ở Tiểu Khu hay đầu tuần trong Tòa Hành Chánh Tỉnh. Cuối năm 1973, Đại Tá Phạm Văn Nghìn thay thế Trung Tá Nguyễn Hữu Thiên, dân địa phương người ta nói “Năm ngàn đi, sáu ngàn về”. Ông Sáu Ngàn bình thường trình diễn tướng tá rất oai vệ kiểu ta đây anh hùng, làm ai cũng sợ, ai cũng nể. Ngày 17 tháng 3 năm 1975, một đám dân đông đảo và hỗn loạn đầy con nít, ông bà già, nam thanh nữ tú, xe hơi, xe gắn máy ùa lên Phi Trường Gia Nghĩa đang có mấy chiếc trực thăng ở trển, mong chạy ra khỏỉ thành phố sớm chừng nào tốt chừng nấy. Đại Tá đi với mấy anh cận vệ escort, súng đạn đầy người, truyền tin tạch tạch tè tè hết sức oai phong, rút súng bắn bể hết các bánh xe từ dưới dốc lên trên phi trường. Chưa đủ người ta khiếp, ổng lấy một cây M16 bắn một tràng lên không trung, mặt hầm hầm giọng Quảng Bình “chạy đi đâu, chạy đi đâu”. Đố ai mà không tán loạn. May xe tôi đang công tác ở đây, đậu hơi xa, nếu không cũng bị bắn, Đại Tá đâu có chừa ai.

Tôi cho rằng, việc làm của ổng lúc đó có phần hơi quá đáng, võ biền. Lẻ ra, ổng nên giải thích và trấn an đồng bào, cho dân tình bình yên thì hay biết mấy. Rồi khi Quảng Đức vào thời ly loạn trong cơn hấp hối, tìm ổng đâu không thấy. Ổng đã ngủ khò bên Lâm Đồng từ hồi nào rồi, làm ai cũng chê bai ổng là kẻ hèn nhát, bỏ lính, bỏ dân, trốn chạy nhanh hơn thỏ đế, chưa nói đến những việc ổng làm, đáng trách hết sức. Rất tiếc, có những người ngồi ở trên trời viết chuyện ở dưới đất, nói bênh cho ổng chỉ huy cuộc di tản, nói bậy Quảng Đức mất ngày 22 tháng 3 năm 1975. Bây giờ kể ra có khác nào kẻ phản phúc nói xấu cấp trên sa cơ thất thế của mình, tốt lành gì! Có điều, các ổng cùng một mẻ như Thiếu Tướng, Thủ Tướng, Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ, đá lính đau quá, ức lắm, la lên một tiếng hỗn hào đôi lời trút giận vậy thôi. Tôi không dám làm tài hay như những người thuở xưa giỏi làm “tà lọt” cho xếp, giữ nhà cho mấy bà, lúc nào cũng khúm núm, cúi đầu dạ dạ vâng vâng mà chúng tôi thường trêu là “À Vos Ordres Xin Tuân Lệnh”, bây giờ chửi thầy, chửi bà đủ các ngôn từ xấu xa nhứt. Có phản phúc lắm không!? Một chuyện, tôi không bao giờ quên cái ông Đại Tá nầy là, khoảng 6 giờ chiều một ngày cuối năm 1974, sau khi Toán Thám Sát của tôi báo cáo đã hạ sát được 2 Việt Cộng, tịch thu 3 súng AK và một B40 trong một cuộc phục kích những ngọn đồi nằm bên phải đường vào Đức Xuyên, gần Chi Khu Khiêm Đức, đã ra lệnh “lôi xác tụi nó ra, bỏ ở Ngả Ba Khiêm Đức”. Vào lúc chạng vạng, núi rừng âm u, tôi với 7 anh em nữa phải đi vào rừng nhiều cây số “lôi xác tụi nó ra, bỏ ở Ngả Ba Khiêm Đức”. “Lôi xác tụi nó ra” đâu phải dễ. Thay nhau khiêng, vác, cõng, kéo trong đêm rừng âm u núi, đồi và canh bị phục kích nữa. Chết như chơi! May, 11 giờ khuya thầy trò về không có gì. Nhưng, đại khái những cái lệnh chết người như thế đó xét cũng đâu cần thiết lắm phải nướng lính như vậy. Hồi mới qua, xuống downtown thi bằng lái xe, sớn sác làm sao mà cả người mình táng vào tấm tường kính sáng, trong, dầy cợm. Kính không bể. Mình sưng cái trán một cục. Thằng Mễ nào, con Mễ nào chùi gì kỹ dữ quá, mắt cataract của người trên 50 tuổi có 9 năm lính, 9 năm tù, 8 năm sống ngất ngư dưới chế độ khắc nghiệt Xã Hội Chủ Nghĩa thấy đường đâu mà tránh. May không ai thấy, không thì quê chết. Lái xe bên Mỹ chưa quen nước quen cái, đi Highway, Trafficway cứ lộn vô Exit, lộn ra Exit mà lạc đường hoài. Mình cũng tự an ủi cho mình rằng, ai lái xe ở cái xứ sở nầy mà chưa từng bị lạc? Một hôm lộn tới lộn lui làm sao nhiều tiếng đồng hồ vẫn không biết đường mà về. Rề rề tới cây xăng dùng điện thoại công cộng gọi về nhà bảo thằng con giỏi tiếng Anh dắt ba về. Nó hỏi “Ba đang ở đâu?” Tôi lúng túng trả lời là “Tao không biết tao đang ở đâu nữa”. Nó cằn nhằn quá, “Làm sao con tìm ba ra?”. May, ở đó cũng không xa nhà. Tôi đưa tờ giấy có ghi địa chỉ và số điện thoại cho hai người Cảnh Sát. Họ gọi con tôi không được rồi bảo theo họ mà về. Chắc thằng con tôi đã đi mà cũng không biết đi đâu để tìm tôi rồi. Già ở Mỹ khổ thiệt, có cái miệng mà cũng không nói được, có chiếc xe chạy thì chạy lạc hoài. Một sáng ngày mùa Đông, tuyết rơi trắng trời, lạnh thấu xương, ông bà Thanh cùng thằng con trai lớn vào nhà năn nỉ hết sức, nhờ tôi cùng đi đến văn phòng luật sư đã có anh Liêm hẹn rồi. Hết sức ngỡ ngàng! Tôi tự hỏi, “Ông bà nầy có chuyện gì mà cần luật sư?” Chẳng biết trời cao đất rộng là dường nào, “Ừ thì đi giúp chú thím” cũng chẳng chết thằng Tây nào. Chú bắt tôi phải veston, cravaté như hai cha con của chú cho lịch sự.

Trong lúc ngồi chờ khoảng nửa giờ đồng hồ, chú vừa kín đáo vừa bí mật vừa trịnh trọng rút ra tờ giấy được cuộn tròn, dấu hết sức kỹ lưỡng trong mình thím. Đố mà tôi biết gì, tôi thấy gì trong lúc nầy và ở đây. Chú nói “Anh chỉ nói, nhờ luật sư lảnh giùm tôi số tiền mười một triệu tám trăm tám mươi ba ngàn đồng theo như giấy tờ ghi ở trỏng”. “Trời ơi! Chú giỡn chơi”, tôi lạnh cả người nói với chú như vậy. Đã đến đây lại ra về hay sao? Tôi vừa đưa Tờ-Giấy-Bạc-Triệu, chú Thanh nói như vậy vừa đánh liều ba xí ba tú cái vốn liếng ngọng nghịu, kém cỏi tiếng Anh của mình những năm học ở Trung Học và Đại Học hồi xưa. Tếng Anh mà học người Việt nam, nói đố thằng Mỹ nào nghe cho thấu! Người luật sư già không biết có nghe được gì không, nhìn cô thư ký đã trẻ lại còn thật đẹp mà nói với cô ta điều gì đó, tôi không nghe, không biết. Hai người lững lờ mĩm cười, tôi thấy như có cái gì hơi bất bình thường, có cái gì dè biểu trong đó. Liếc qua Tờ-Giấy-Bạc-Triệu, người luật sư già nét mặt vừa như thương hại mà cũng vừa như khinh bỉ cái bọn nhà quê nghèo mà ham, tay quăng Tờ-Giấy-Bạc-Triệu ra bàn, miệng nói “Đây chỉ là Sweepstake, một loại giấy quảng cáo, đùa chơi thường thấy ở Mỹ mà thôi, các ông bà chẳng cần làm gì, không cần gì tôi”. Chưa kịp dứt lời, ông ta đã đứng dậy, đi vào không thèm“shake hand”, không cần“see you again” gì hết. Cô thư ký còn nói được một tiếng “sorry” nhưng kèm theo một nụ cười nửa miệng trịch thượng, đầy ngạo mạn, rẻ rúng. Đau lòng! Chuyện nửa vòng trái đất, vấp váp cũng là thường nhưng ham ăn của trên trời rớt xuống kiểu nầy thì mất mặt KBC quá.

Nhà thơ Rudyard Kipling của Anh nói: “Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet”, đại khái chúng ta thường nói, “Đông là Đông, Tây là Tây. Đông Tây không bao giờ gặp nhau”. Ai biết bên Mỹ chơi cái kiểu gì lạ vậy. Cũng như một người anh em bạn tôi, tại thành phố nầy. Một hôm nhậu đả quá theo kiểu ta đây “không say không về”. Đúng, chú ta say mèm mới về. Nhưng người say có bao giờ chịu là mình say, cứ lái xe về? May là, đêm khuya khoắc ngày Chủ Nhật, xe chạy ngoài đường cũng lơ thơ tơ liễu. Xe chú chạy tự do lane nầy qua lane kia chưa có gì đáng tiếc xẩy ra. Cũng còn chút tỉnh táo, thoáng nghĩ, “Phải nhấn nút emergency cho đỡ nguy hiểm”, chú quờ quạng tìm hoài cái nút tam giác mà không ra. Ngừng xe lại, mở to đôi mắt và định thần cho tỉnh táo, thấy rồi, chú nhấn nút, vịn xe đi chung quanh xem cho chắc ăn. Bốn đèn trước sau đã cháy, tắt, cháy, tắt. Trước khi tiếp tục con đường về nhà, luôn tiện chú dựa đầu vào xe, đứng “xả cái bầu tâm sự” xuống đầy đường một cách thoải mái và khoái chí. Một chiếc xe chạy qua bóp còi te, te, te. Một chặng dài, xe Police theo sau “quây đèn” vàng, đỏ, xanh nhấp nhá. “Chết cha rồi!” Chú nói nhỏ giọng nhừa nhựa. Một cách khó khăn, chú tấp xe vào lề. Một Cảnh Sát bước tới, hỏi “do you need help?” Bình thường, tật cà lăm và kém Anh Văn đã làm chú nói mà không ai hiểu rồi, huống gì bây giờ. Chú bấm nút cho cửa chạy xuống, thò đầu ra ngoài nói một tràng nhiều quá mà sau nầy kể lại, chú cũng không biết mình đã nói gì. Hơi rượu bay ra nồng nặc. Còng Số 8 lạnh và đau nơi hai cổ tay, chú tỉnh rượu liền và biết mình lảnh thẹo. Chi phí cho mọi sự qua đi cũng hết cả ba ngàn đô la. Ba ngàn đô la lúc mình mới qua chưa hơn một năm và đi làm mới được vài tháng. Vợ nhằn quá! Biết sao!? Ham vui cũng có cái giá của nó. Có một điều, chú ngộ ra rằng, bây giờ mình đã lớn tuổi rồi, đâu còn thuở sung sức ngày xưa đánh giặc liên miên rồi nhậu cũng liên miên, có sao đâu!? Hồi còn ở Trại Tù K1 Vĩnh Phú, khoảng những năm 1979, 1980 không biết từ đâu, những anh em trong tù đồn là,”Những bọn tù mình sẽ được Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Liện Hiệp Quốc bốc đi Mỹ, Canada, Úc...”. Những người giỏi tiếng Pháp còn tô thêm, “Phủ Cao Ủy Tỵ Nan Liên Hiệp Quốc là le Haut-Commissariat des Nations Unies pour le Réfugiés, viết tắt là HCR”. Tôi khoái nghe ba cái chuyện tào lao nầy nên, thuộc lòng mấy chữ Pháp, bây giờ viết lại mà không sợ sai. Có nhiều bà, nhiều chị vạn dặm ra “thăm nuôi” chồng còn đem theo đôi giày, bộ đồ vét, cái cà vạt và lời dặn dò, “Anh đi bình yên”. “Anh đi bình yên”, không phải Mỹ, Canada hay Úc mà “anh đi bình yên” dưới lòng đất Bắc lạnh lùng, khắc nghiệt, không có một nấm mồ. Trong những tột cùng đau khổ và bi ai, con người vượt ra thực tại, lang thang đi tìm mộng để ủy lạo tâm sự. Mộng thường không thực, xa vời, hư ảo, tếu. Những người tù tiếp tục lao động khổ sai, biệt xứ, còm cõi tháng ngày xơ xác, lầm lũi theo số phận an bài. Những bà vợ ở nhà, có người chung thủy keo sơn, có kẻ thiếu kiên nhẫn đợi chờ, bỏ đi. Những đứa con nhẹ tình ruột thịt với cha, có khi còn oán hận. Đời tù một người chiến sĩ, trăm cay ngàn đắng! Sống đau hơn chết để khỏi sống một đời tang thương.

Năm 1984, tôi ra tù từ Trại Tù Z30C Hàm Tân. Đã 9 năm “Giải Phóng”, người ta đem đất nước Việt Nam thụt lùi lại trăm năm văn minh tiến bộ. Tôi đi “Xe Con Chở Khách” về Phan Thiết. Một chiếc xe đò lỡ chạy bằng than củi, cũ kỹ, dơ dáy, nóng...Người trên xe toàn là mấy bà, ngồi chật ních không làm sao nhúc nhích cục cựa. Hàng hóa toàn là “hạ cám” không có “thượng vàng”, chất nghẹt xe, ngộp thở. Thùng than gắn sau xe đỏ rực, nóng hết sức nóng, thỉnh thoảng phà vài cục than lửa vào xe như muốn đốt cháy cái tàn tích lạc hậu của cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa, trở về ít nhất cái thời trước “Ngày Giải Phóng”. Hồi đó từ Sài Gòn ra Phan Thiết, chúng tôi đi Xe Đò Hiệp Hưng, mỗi người một ghế bành, ngồi thoải mái. Trong xe có máy lạnh, có TV, có nhạc, có một bịch nước trà đá. Có những chuyện, đố trời mà biết, nếu ai không ở trong cái đất nước thời Việt Cộng phá hết cái văn minh, sự giàu có của Miền Nam Việt Nam đem cái nghèo đói, dốt nát ngoài Bắc vào, gọi là giải phóng. Đường phố Sài Gòn, người dân nghèo đói nằm đầy, lây lất kiếm ăn. Từ khúc đường Minh Mạng nối dài qua Ngả Sáu Chợ Lớn đến Đại Học Xá Minh Mạng, Trường Trung Học Chu Văn An, qua bên kia là Công Viên Văn Lang, người dân sa cơ thất thế từ Vùng Kinh Tế Mới về, sống không ra kiếp sống con người, nếu không muốn nói là cặn bả, rát rưởi bên lề xã hội Sài Gòn đổi đời. Nhìn đồng bào ruột thịt như vậy, hỏi ai không bàng hoàng, không xúc động!? Đã những năm 1985-1988, ở bến xe đò Bình Triệu, mua vé xe khó biết chừng nào. Xe chạy 8 giờ sáng mà phải sắp hàng lúc 12 giờ khuya vẫn có khi phải về không. Chỗ đứng sắp hàng có thể là người mà cũng có thể là cái ghế, cục gạch, chiếc chiếu...”xí phần” để bán chỗ mỗi cái 5 đồng. Tài xế, lơ xe là ông hoàng, là hung thần gây biết bao nhiêu oan khiên cho chị em phụ nữ buôn chuyến đường dài. Ngày xưa tôi học, “Chủ Nghĩa Cộng Sản nhằm bần cùng hoá nhân dân”, bây giờ mới thấy, sao mà đúng quá. Rõ là, chuyện mấy tay Việt Cộng ngu muội, nói một ngàn lẻ một đêm cũng không hết cái dã tâm phá tan đất nước Việt Nam, lẻ ra sánh ngang bằng Đại Hàn, Đài Loan hay ít nhất như Singapore, Thái lan, Nam Dương, đâu tàn tạ như Căm Bốt, Lào lúc bấy giờ! Nói cho cùng, họ chính là những kẻ thù, là những tên tội đồ của dân tộc, đáng bị lịch sử phết đen mấy chữ ngắn gọn “Việt Cộng là một khối u ác tính, là dấu tích dã man của nhân loại trên đất nước Việt nam”. Cách đây hai năm và mới Thứ Sáu vừa qua, ngày 7 tháng 5 năm 2010 tức ngày 24 tháng 3 năm Canh Dần, thằng con út ra trường Đại Học 4 năm như chị nó, vợ chồng chúng tôi mừng lắm. Nghĩ, nếu không qua đây mà kẹt ở Việt Nam thì tụi nó làm gì trời! Dẫu không hơn ai nhưng không thấy băng đảng, xì ke ma túy, rượu trà say sưa, cá độ football, đi casino, trai gái lăng nhăng...là mừng rồi. Ngày hôm qua, tới nhà một anh bạn ăn giổ, gặp hai ông ngồi khoe con, đứa đang học Bác Sĩ, đứa đã ra Nha Sĩ. Họ huyên thuyên không còn chỗ nào mình chun lời nói vô. Nhưng họ không dám khoe những đứa con bán trời không mời thiên lôi. Vợ chồng tôi như đa số anh chị em ở đây, nhà cửa, xe cộ không mắc nợ, cơm ăn đầy đủ, vui vui làm một, hai chai beer với ban bè, xem TV với ba xã, gỏ cọc cọc computer, nhìn các con lành lặn lại có một chút học vấn... là hạnh phúc lắm rồi. Dám gì đòi hỏi nữa. Có ích kỹ lắm không? Người ta hết sức tội nghiệp, đẻ con ra đã tật nguyền, nhà cửa lại nghèo đói, cái ăn cái mặc còn chưa đủ, tìm đâu ra cái học, có gì để khoe với khoang. Mình dẫu không nói quá lời nhưng nói quá nhiều, người ta cũng tủi chứ. Tội nghiệp! Những năm tháng đầu qua Mỹ, cứ mùa football là mình buồn thúi ruột. Mở TV ra là thấy mấy anh chàng Mỹ to con lớn xác, ăn mặc kỳ quái, quăng banh bầu dục rồi ôm nhau vật lộn chất đống mà người coi sao đông quá, hào hứng quá. Mình cứ nghĩ, football là đá banh chứ. Ai đời, football là môn chơi lạ quá là lạ, trên trái đất, chỉ có ở cái xứ sở nầy mà thôi. Nhưng dần dần, các con tôi cả trai lẫn gái, lớn và nhỏ, đều mê hết trơn. Nhưng may, không có đứa nào cá độ. Cá độ football, basket ball, baseball ở đây đã có đứa tán gia bại sản, có đứa chạy qua Tiểu Bang khác trốn nợ, có đứa vợ chồng ly dị chớ giỡn sao.

Rồi ngày một, ngày hai ham vui với con, tụi nó chỉ cho. Mấy năm nay vợ chồng tôi cũng biết được chút chút. Hóa ra football quăng nầy lại hay hơn football đá thời mình ở Việt Nam gọi là túc cầu mà bây giờ Việt Cộng gọi là bóng đá. Chúng tôi cũng biết vui khi đội Dallas Cowboys được “touch down”, “interception” hay không vui chút nào khi Quartback Tony Romo bị “intercepted” hay”sacked”, “fumbled”. Đội Kansas City Chiefs của ông Lamar Hunter dù là đội nhà nhưng vợ chồng tôi không thích chút nào. Nó càng ngày càng tệ, không muốn coi, nói gì ủng hộ, thà Indianapolis Colts, New Orleans Saints...còn hơn. Ngày 7 tháng 2 năm 2010 vừa qua, trận Super Bowl lần tứ 44 giữa Saints và Colts. Ai có ngờ, Saints thắng Colts 31/17. Trận nầy sơ sơ có trên 100 triệu người coi. Tiền quãng cáo 3 triệu cho 30 giây. Tổng Thống Obama cũng mê huống gì dân thường, đã mời các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, các viên chức chính quyền vào Toà Bạch Ốc cùng coi cho vui. Super Bowl Ngày Chủ Nhật là ngày hội lớn của người dân Mỹ, có đủ cả trai, gái, già, trẻ, giàu, nghèo, homeless...luôn cả bệnh hoạn cùng vui vầy mà.

Một đời người, người ta cho trọn lỏn trong môt trăm năm là ba vạn sáu ngàn ngày. Nhưng mấy ai có được!? Tuổi trẻ thì không biết gì. Tuổi già trên năm mươi đã thấy gần đất xa trời. Tuổi thanh niên, trung niên, người Việt Nam đã bị vùi dập trong thời chinh chiến. Một bầu trời trong xanh, trăng sao, thanh bình đâu dễ tìm thấy cho những mối tình thơ mộng, lãng mạn. Chiến tranh cay nghiệt luôn len lỏi vào hang cùng ngõ hẻm, rừng sâu, biển thẳm. Tôi biết chạy tản cư từ trong bụng mẹ thời Việt-Pháp-Nhật. Cha mẹ dạy trốn đạn dưới hầm trong nhà khi Việt Minh với Pháp bắn nhau lúc chưa tới mười tuổi. Trên đường cái quan, trong các hương lộ mấy lần suýt chết vì mìn, lựu đạn của mấy anh du kích của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Rồi cái tuổi đẹp nhất hai mươi, ba mươi và kéo qua tới bốn mươi thì quân trường, chiến địa và tù đầy. Thêm một chục năm nữa đến cái tuổi năm mươi phải sống cảnh cá chậu chim lồng oan nghiệt trong một xã hội có mị danh và chơi chữ là Xã Hội Chủ Nghĩa Chủ Nghĩa Xã Hội vô nghĩa, vô nhân, vô hậu, vô cùng man rợ như kiếp người nô lệ sống thời tiền sử. Những oái oăm, éo le của những mối tình trong thời chiến tranh, thấy mà đứt ruột. Thằng bạn tôi đó, hôn thê của nó mười năm tình ái, chờ ra Thủ Đức làm đám cưới. Chưa chi, nó đã chết cháy ở Hòa Tân như đã nói ở trên. Con nhỏ ở vậy suốt đời cho đến bà già góa, chưa bao giờ có một tấm chồng. Sự sống và cái chết, lằn ranh mỏng manh quá đến nỗi nụ cười, tiếng khóc vẫn còn bóng dáng, hình hài, âm thanh tiếc nuối chưa chịu ra đi dù đã ra người thiên cổ từ hồi nào. Bạn bè không nói đâu xa, chỉ thời Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết và Trung Học Chu Văn An Sài Gòn hằng ngàn đứa, bây giờ đếm trên đầu ngón tay.

Chiến tranh ngoại lai đã giết chết tụi nó hết trơn. Chiến tranh vô lý hết sức, tụi nó dù bạn bè, dù anh em ruột thịt, đã quây đầu súng bắn chết nhau. Sự chia lìa, ly tán là tan thương xiết kể. Anh em, bà con thân thuộc hằng ngày vẫn thấy nhau như kẻ thù truyền kiếp trong cái nề nếp mang chất giáo điều Cộng Sản đã đi vào lịch sử loài người như những trang kỳ quái nhất của nhân loại. Ngồi đây, nghĩ đến những đứa bạn ngày xưa chịu chơi ngoài mặt trận, bây giờ không còn tay, không còn chân, không còn mắt. Một thằng em bạn, ngồi rung cặp đùi cụt: “Ngày xưa xả thân vì nước. Ngày nay bán nước nuôi thân”. Họ còn đó là những ám ảnh nỗi đau không rời. Họ không đau vì là thương binh chứ chưa là phế binh, mà đau vì bắt phải buông súng đầu hàng vô điều kiện. Bây giờ chung đụng với kẻ thù cao ngạo, ngang ngược, xách mé, miệt thị bằng nửa con mắt. Đau lắm! Nhục lắm! Chưa nói, họ làm gì, làm sao để mà sống cho chỉ cá nhân mình, nói gì vợ, con, cháu, chắt...Người anh cột chèo, Đại Úy Pháo Binh, giải ngũ từ năm 1968, hiện đang sống ở Việt Nam, thường tâm sự: “Trước nghịch cảnh, mình muốn tự tử nhưng, không đủ can đảm. Thường đêm thắp nhang van vái, “Xin ông bà linh thiêng cho mình đi sớm. Có lẻ số còn chịu kiếp đọa nên anh vẫn sống lì trên thế gian đầy oan khốc. Chú may qua Mỹ, cũng nhờ ơn trên. Dẫu gì, cũng không chung đụng với bọn đầu trâu mặt ngựa. Ảnh thường kêu tụi Việt Cộng là đầu trâu mặt ngựa từ sau Hiệp Định Genève năm 1954, bỏ Bắc vào Nam.

Đất nước Việt Nam không may nằm sát bên Tàu quá to lớn và tham lam mà phải bị gần một ngàn năm thống thuộc. Và cũng gần một trăm năm bành trướng thuộc địa và Đạo Thiên Chúa mà Việt Nam bị người Pháp đô hộ. Năm mươi sáu năm kể từ 1954 đến nay, đất nước Việt Nam vô phước lại bị những thằng, những con ngụy danh chuyên chính vô sản đem tổ quốc thụt lùi tiến bộ cả năm mươi năm, trăm năm, chưa nói đến tàn sát đồng bào ruột thịt của mình hằng triệu, hằng triệu mạng người còn dã man hơn Giặc Tàu, Giặc Tây, Giặc Nhật. Ôi Việt Nam, bao giờ thôi chinh chiến!? Ôi Việt Nam bao giờ không còn cái bọn Cộng Sản tham tàn, bán nước, hại dân.

NGUYỄN THỪA BÌNH
Kansas City, Missouri, ngày 18 tháng 5 năm 2010
( 9 giờ 30 đêm ngày 5 tháng 4 năm Canh Dần)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn