Con chuột cống lấp ló nơi lỗ cống ở góc phòng giam, chỗ thoát nước nơi cái sàn ngăn làm nơi rửa chén trong phòng thông ra ngoài. Nó ngập ngừng một lát rồi chui vào ăn vài hạt cơm còn vương vãi trên nền cái sàn rửa chén. Nó có vẻ quen thuộc với chỗ này mà chẳng hề sợ sệt mặc dù có bóng người động đậy trong mấy cái mùng giăng mắc xung quanh cái sàn nước. Hai con mắt của nó mở thao láo tròn đen nhánh như hai hột đậu đen. Nó vừa nhấm mấy hột cơm, thỉnh thoảng lại vểnh cái mõm nhọn có mấy sợi râu dài như nghe ngóng điều gì.
Mấy người tù trong cái phòng giam nhỏ này, nhất là mấy người nằm cạnh cái sàn nước như tôi đã qúa quen thuộc với con chuột này. Chúng tôi còn cố tình làm vương vãi một vài hột cơm làm thức ăn cho nó sau mỗi buổi cơm chiều như một thú tiêu khiển. Buổi tối, cứ khoảng sau tiếng kẻng báo ngủ ít phút là đã thấy nó xuất hiện. Mới ngày nào nó còn nhỏ bé như một con chuột nhắt thế mà bây giờ nó đã lớn thành một con chuột cống to mập như một trái bắp lớn.
Đã mấy tháng rồi tôi bị kỷ luật không được thăm nuôi kể từ đầu năm đến nay, chỉ vì nổi hứng hát góp vui mấy câu “nhạc vàng” trong đêm giao thừa. Sau đêm đó, một tên “ăng ten” đã báo cáo khiến cho tôi và mấy người khác bị nhốt kỷ luật ở phòng tối ba tuần rồi bị cúp thăm nuôi cho đến nay vì tội hát nhạc vàng phản động. Nhớ lại buổi tối đêm giao thừa, lần đầu tiên quản giáo không khóa cửa phòng giam, cho phép tù nhân được qua lại thăm hỏi nhau nhân dịp Tết. Nhân dịp này, các bạn tù đã tổ chức một “đêm không ngủ” để cùng nhau đón giao thừa với những màn ca hát, kể chuyện vui, ca vọng cổ cho đỡ buồn và đỡ nhớ nhà để mừng xuân cho quên đi những ngày đang bị tù tội. Không hiểu sao hôm đó tôi lại nổi hứng cầm giấy hát bài “Xuân này con không về” để tặng các bạn tù mặc dù bình thường tôi rất ít khi hát. Bản nhạc đã làm nhiều người xúc động có lẽ vì lời ca đã nói lên đúng tâm trạng của những người tù đang xa nhà trong những ngày Tết. Được mọi người vỗ tay, sẵn trớn tôi cao hứng hát thêm một bản nhạc nữa, bản nhạc này do một bạn tù khác đã đặt lời dựa theo một bản nhạc ngoại quốc. Vì thấy lời bài hát này rất đúng vớitình cảnh của mình và những người bạn tù trong đêm này nên tôi đã hát:
Ngày xuân nhớ nhà qúa
Ngày xuân biết bao xuân tình
Nhìn ra song cửa sắt
Thầm mơ ước bên gia đình
……………………….
Ngày xuân, trong ngục tối
Nhìn quanh những anh em tù
Nhìn nhau như thầm nói
Rồi sẽ có xuân xum vầy.
Đó là một ước mơ mà không một người tù nào không mong đợi, vậy mà tôi đã bị ăng ten báo cáo. Tên này đã bí mật báo cáo lên quản giáo tố cáo những người tổ chức và tham gia vào “đêm không ngủ” trong đó có tôi. Hành động này bị cho là phản động, chưa học tập tiến bộ, và đã kích động sự an tâm học tập cải tạo của các trại viên khác. Vì lý do đó, tôi và mấy người tham gia hát hò đều bị làm kiểm điểm và bị kỷ luật tùy theo mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Chỉ vì mấy câu hát “nhạc vàng” và “phản động” đó, tôi bị nhốt “cát-sô” (phòng giam tối) ba tuần lễ và sau đó bị cúp thăm nuôi cho đến nay mà không nghe quản giáo nói năng gì cả. Vì vậy, vào những ngày thăm nuôi, thứ ba và thứ sáu trong tuần, tôi vẫn hồi hộp ngóng đợi mong được gọi tên ra thăm nuôi nhưng đều thất vọng. Việc thăm nuôi cho tù ở khám Chí Hòa được căn cứ trên bì thư mà tù nhân gởi về cho thân nhân, coi đó như một tờ giấy phép thăm nuôi. Hàng tháng tôi vẫn được phép viết thư về cho gia đình, nhưng có lẽ những lá thư này đã không bao giờ được gởi đi. Chúng đã bị quản giáo vất vào sọt rác. Đã sáu tháng mất liên lạc với gia đình, mỗi lần thấy bạn bè cùng phòng có quà thăm nuôi, như một bản năng không thể đè nén, tôi không khỏi ngượng ngùng tủi thân khi thấy mình không được gọi tên ra thăm nuôi. Sự mong đợi được thăm nuôi là nỗi khát khao của mọi người tù vì ngoài việc được gặp lại thân nhân còn là việc được nhận chút thực phẩm “bồi dưỡng” bù đắp cho những bữa ăn thiếu thốn trong tù. Vào những ngày thăm nuôi, bạn bè chung phòng thấy tôi đã lâu không được thăm nuôi nên cũng thông cảm chia sớt cho tôi một chút từ món qùa thăm nuôi ít ỏi của họ. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy có một chút gì mặc cảm xen lẫn thèm thuồng thật đáng xấu hổ.
Có lẽ vì ăn uống thiếu thốn nên việc thèm khát cá thịt cũng là lẽ thường tình của những người tù. Hàng ngày, mỗi bữa cơm trong tù chỉ có một chén cơm gạo mốc với một chút canh đại dương. Các bạn tù gọi nó là canh đại dương vì nó chỉ là một miếng bí rợ to bằng hai ngón tay hay vài lát rau cải, rau muống nấu với nước muối. Nghĩ đến cá thịt rồi nhìn con chuột tôi không khỏi thèm thuồng muốn làm thịt nó. Con chuột này làm tôi nhớ đến chuyện ăn thịt chuột đồng ở thôn quê. Tôi chưa một lần ăn thịt chuột nhưng đã nghe nói chuột đồng là món ăn rất khoái khẩu ở nông thôn thế mà tôi lại bỏ lỡ một lần được ăn thịt chuột. Tôi nhớ có lần đi công tác về Miền Tây được bạn bè mời nhậu thịt chuột đồng trông thật hấp dẫn nhưng tôi vẫn lạnh cẳng không dám ăn vì vốn gớm ghiếc khi liên tưởng đến mấy con chuột cống ở thành phố. Các bạn chê tôi là cù lần, chết nhát, không phải dân chơi, dân nhậu chính hiệu, lúc đó tôi chỉ cười trừ chứ không dám bạo dạn thử một miếng cho biết. Vậy mà hôm nay không hiểu sao tôi lại thấy con chuột cống này không có vẻ gì gớm ghiếc. Chỗ tôi nằm ở ngay bên cạnh cái sàn nước, nên từ trong mùng, tôi đã nhìn thấy con chuột cống chạy qua chạy lại ăn mấy hạt cơm vãi. Cái thân hình tròn trịa của nó với bộ lông xám mướt sao hôm nay bỗng hấp dẫn đối với tôi. Tôi bỗng nảy ra cái ý định muốn chặn bắt nó làm thịt kho mặn làm thức ăn thử xem sao. Tôi thầm tự biện minh rằng mặc dù nó là con chuột cống nhưng chính tôi và mấy người bạn tù trong phòng này đã nuôi nó từ mấy tháng nay bằng chính những hạt cơm của mình thì thịt nó chắc cũng đâu có khác gì chuột đồng. Với tôi bây giờ, chuột cống hay chuột đồng gì thì cũng đều là chuột cả. Nghĩ thế nên tôi nói:
- Ê, con chuột này hôm nay coi hấp dẫn qúa. Có lẽ mình bắt nó làm thịt kho sả ăn cũng có lý lắm. Có bạn nào có muối sả không, ủng hộ cho một ít đi để tôi bắt con chuột này kho sả.
Thọ, người nằm cạnh tôi vốn là một cựu sĩ quan biệt kích vội nhổm dậy nói:
- Có lý đấy. OK! Tao có hũ muối sả bà xã tao mới thăm nuôi đây. Mày bắt nó đi, bọn mình làm thịt nó rồi kho chia nhau.
Đối với Thọ thì việc làm thịt chuột là một việc quá dễ dàng bởi vì Thọ đã qúa quen với những phương cách mưu sinh thoát hiểm của người lính biệt kích. Ngay sau đó, có tiếng anh Lập Què phụ họa theo:
- Thằng Tuấn nói có lý đó. Tao thấy con chuột này được đấy, bọn mình nuôi nó đã mấy tháng, bây giờ dứt điểm nó là được rồi. Bắt nó đi, tao cho mượn cái lon gô để kho thịt.
Anh bạn Lập, một cựu thiếu úy Địa Phương Quân, đã giải ngũ vì bị thương cụt một chân nên anh em gọi là Lập Què; mặc dù què, anh vẫn bị VC bắt cho đi cải tạo chỉ vì anh là một Phó Trưởng Ấp An Ninh ngoài Bình Định. Tuy bị tù nhưng Lập vẫn vui tính, anh thường hay nói đùa: “Ngày xưa, thầy bói đoán, số ta sướng lắm, nhiều khi không làm cũng có ăn. Bây giờ ta ở tù có làm chi mô mà ngày nào cũng có người nấu cơm cho ăn, nấu nước cho uống miễn phí là đúng qúa rồi.” Lập tuy không bị cúp thăm nuôi như tôi, nhưng vì gia đình ở xa nên anh cũng chỉ xuân thu nhị kỳ mới có qùa thăm nuôi.
Kế hoạch bắt chuột được Thọ giao cho tôi thực hiện vì tôi nằm sát bên cái sàn nước. Tôi khẽ vén mùng chui ra ngoài. Con chuột cống vẫn không có vẻ gì sợ sệt tiếp tục bên những hạt cơm rơi vì nó đã quen với mấy người bạn tù vẫn thân thiện với nó, cho nó thức ăn hàng đêm. Tôi nhoài người ra lấy tay đẩy cái viên gạch đã để sẵn bên cạnh cái lỗ thoát nước để phòng bít lối ra của con chuột, rồi đồng thời nhanh như chớp tôi cầm một cái sô nhựa úp chụp lên con chuột còn đang ngơ ngác không kịp phản ứng. Chỉ trong tích tắc, con chuột cống đã bị tôi úp nhốt trong lòng cái sô. Có lẽ đến lúc đó nó mới biết rằng nó đã bị mắc bẫy nên cố vùng vẫy tìm đường ra nghe lục xục bên trong cái sô.
Anh bạn Thọ lúc đó cũng đã chui ra khỏi mùng. Anh nói: “Để tao, để tao”, nói rồi một tay anh đè lên cái đáy sô, một tay chực sẵn phía dưới chờ cái mép sô hé ra để bắt con chuột vừa ló đầu ra. Mọi việc diễn ra rất nhanh, chỉ trong nháy mắt, con chuột đã nằm gọn trong tay Thọ. Nó cố vùng vẫy trong bàn tay rắn rỏi của Thọ, miệng kêu lên những tiếng chít chít nghe thật tội nghiệp. Anh Lập Què đưa cho Thọ một lưỡi dao lam để cắt tiết con chuột, anh nói: “Thôi, chúng tao sẽ hóa kiếp cho mày, để kiếp sau mày không phải bị đọa làm chuột nữa nghe con?”
Việc cắt tiết sau đó đã diễn ra nhanh chóng dưới bàn tay “đồ tể” khéo léo của anh bạn Thọ. Con chuột chỉ dãy dụa một hồi rồi im lìm bất động. Thọ để con chuột xuống sàn nước, từ cổ họng nó một dòng máu đỏ còn ứa ra chảy loang trên cái sàn nước đỏ ngầu. Lập vội múc một gáo nước dội cho trôi hết đi những vết máu. Trong khi đó, tôi nhóm lửa cho cái bếp “hỏa tốc” để nấu nước sôi cạo lông chuột và chuẩn bị thui chuột trước khi mổ bụng làm thịt con chuột. “Hỏa tốc” là tên gọi những bao nylon mà các bạn tù dùng làm nhiên liệu trong tù. Lửa đã được nhóm lên. Một lon gô nước được đặt lên bếp để nấu nước sôi.
Sau khi gô nước đã sôi, Thọ để con chuột vào trong cái thau nhôm vẫn dùng để chia cơm hàng ngày rồi đổ nước sôi vào. Thọ nhúng qua nhúng lại con chuột trong nước sôi rồi lấy ra tuốt lông con chuột. Sau khi tuốt lông con chuột xong, Thọ, một tay cầm đầu, một tay cầm đuôi con chuột hơ qua hơ lại trên ngọn lửa. Một ít lông chuột còn sót lại cháy bốc mùi khét tanh tưởi. Cũng may con chuột đã bị tuốt gần hết lông nên mùi hôi không qúa khét.
Trong lúc Thọ đang loay hoay rửa lại con chuột cho sạch để chuẩn bị mổ bụng thì bỗng nghe có tiếng nói bên ngoài song sắt buồng giam:
- Kẻng đã đánh lâu rồi, sao giờ này mấy anh còn thức? Mấy anh bắt chuột để ăn đó hả?
Thọ và mấy người bạn đều giật mình nhìn ra thấy nổi bật trong màn đêm bên ngoài song sắt một bóng người mặc áo công an màu vàng đang đứng nhìn với vẻ mặt khó chịu.
- Không có đâu cán bộ. Con chuột này đêm nào nó cũng chui vô phá qúa, tụi tôi rình mãi mới bắt được nó, hành tội nó cho dzui vậy thôi, chứ đâu có ăn. Thọ vội vàng ném con chuột vào thùng rác ở chỗ góc sàn nước rồi trả lời như vậy.
Đến lúc này các bạn tù mới nhận ra đó là tên quản giáo tên Đán. Hắn có vẻ không tin, hắn nói:
- Mấy anh đừng có chối nữa. Các anh ăn uống mất vệ sinh như thế, mai mốt có bệnh, đừng có khai bệnh xin thuốc. Anh nào là buồng trưởng buồng này ghi tên cho tôi mấy anh này.
Thọ vội vàng nói:
- Dạ thưa cán bộ, anh buồng trưởng đã ngủ rồi.
- Thôi được rồi, ngày mai các anh nói anh buồng trưởng đến gặp tôi.
Nói rồi tên quản giáo quay gót đi. Đán là tên quản giáo tương đối dễ chịu ở khu ED, khu giam tù chính trị khám Chí Hòa. Ở trong tù tôi đã học được cách cầm kéo và tông-đơ hớt tóc để dự định sau khi ra tù có thể sẽ hành nghề này. Nhờ khéo tay lại không hớt theo kiểu nhà binh như quy định nên tôi hay được anh em tù tin cậy nhờ hớt tóc mặc dù tôi không ở trong tổ hớt tóc. Ngay cả mấy tên cán bộ quản giáo trong đó có Đán nghe đồn cũng thỉnh thoảng nhờ tôi hớt tóc cho nhờ vậy tôi mới biết Đán là dân miền Nam, quê ở Bà Điểm, Hốc Môn. Đán khoe, Đán cũng có bà con đi lính cho chế độ Miền Nam, còn Đán ngày xưa cũng đi học ở Sài Gòn, nhiều lần tham gia biểu tình bị cảnh sát rượt chạy có cờ. Sau ngày 30/4/1975, nhờ là gia đình có công với cách mạng nên Đán được tuyển vào làm công an. So với mấy tên quản giáo từ Miền Bắc, Đán là tên tương đối không khó khăn như mấy tên khác. Nghe mấy bạn tù kể có lần còn bắt gặp những tờ báo cáo của ăng ten gởi cho Đán nhưng Đán đã dùng làm giấy đi cầu liệng bỏ trong nhà cầu lộ thiên ngoài bãi trồng rau muống.
Chờ cho Đán đi khuất, Thọ lại gần song sắt nhìn ra ngoài xem tên quản giáo đã đi thật chưa. Khi thấy Đán đã thật sự đi xa rồi, Thọ quay lại mở nắp thùng rác lấy ra con chuột đã liệng vào trước đó. Thọ cầm con chuột giơ lên cao, cười nói với mọi người:
- Cán bộ đi rồi, mình tiếp tục làm thịt con chuột chứ, sức mấy mà bỏ. Công trình từ nãy đến giờ, ngu sao!
Mọi người cùng cười sau câu nói của Thọ. Tôi phụ họa theo:
- Thằng cán bộ Đán nói vậy là nó muốn làm ngơ rồi, chứ nếu nó muốn phạt thì đâu cần gì phải đợi đến ngày mai. Ngày mai anh Ngữ cứ lờ đi, đừng có lên gặp nó làm gì.
Ngữ là buồng trưởng của phòng giam này còn thức nằm trong mùng đã nghe rõ hết mọi chuyện nhưng anh không lên tiếng. Cũng giống như các bạn tù khác, Ngữ cũng rất thèm thịt, nhưng chưa bao giờ Ngữ nghĩ đến chuyện ăn thịt chuột. Do việc ăn uống thiếu thốn hàng ngày trong tù khiến cho người nào cũng mơ ước, một mơ ước thật đời thường, được có một bữa ăn ngon với thịt cá đầy đủ. Để bù đắp vào những thiếu thốn đó, nhiều bạn tù đã không ngần ngại ăn cả những côn trùng như cóc, nhái, cào cào, châu chấu, ốc sên, cắc kè, … như anh Thọ Biệt Kích vẫn hay nói “con gì nhúc nhích là đều ăn được”. Nói tếu như vậy để ám chỉ, ngoài “con ốc bù loong” ra thì con gì thuộc loại động vật cũng đều ăn được cả. Cho nên, bây giờ có thịt chuột mà ăn thì thật đã là một hạnh phúc lớn.
Việc làm thịt con chuột sau đó tiếp tục được bộ ba Thọ, Lập và tôi tiến hành. Thọ lãnh phần xẻ thịt con chuột trong khi tôi lo nhóm bếp, còn Lập thì chuẩn bị gia vị ướp thịt. Con chuột được Thọ cạo lại lông cho sạch một lần nữa, cắt bỏ đầu, đuôi và bốn cái chân, rồi mổ bụng lấy ra bộ đồ lòng; tất cả mấy thứ đó đều vất bỏ vào thùng rác. Con chuột giờ chỉ còn lại cái mình được rửa sạch bằng nước rồi cắt ra làm nhiều miếng nhỏ bỏ vào cái thau nhựa mà Lập vừa đổ vào đó một ít muối sả và nước xì dầu. Thọ dùng tay trộn cho những miếng thịt chuột thấm đều trong nước xì dầu với muối sả trước khi cho hết vào cái lon gô của Lập. Bấy giờ thì cái bếp hỏa tốc của tôi cũng đã cháy lên ánh lửa bập bùng. Thọ để cái lon gô lên bếp rồi xoa tay nói:
- Xong ! Khoảng mười lăm phút nữa mình sẽ có một bữa thịt chuột hết xẩy. Bảo đảm không ngon không lấy tiền.
Anh Lập Què cũng cười nói:
- Thôi đi cha. Ở tù lấy tiền đâu trả mà nói ngon hay không ngon. Ở tù mà có thịt ăn thì dù là thịt chuột đi nữa cũng là “number one” rồi, hết sẩy rồi!
Mọi người ai cũng cười. Trong khi đó lửa đã bắt đầu làm cho cái lon gô nóng lên và mùi hương của gô thịt chuột kho sả cũng bắt đầu tỏa ra. Quả thật mùi hương của nó bay ra cũng hấp dẫn vô cùng, nếu không biết trước thì nào ai biết đó là mùi hương thịt chuột, mà lại là thịt chuột cống trong tù. Thọ hít hà rồi tự khen:
- Qúa đã, quá đã ! Ngon hết sẩy! Ta phải thưởng ta một bi thuốc lào mới được.
Nói rồi, Thọ lấy cái điếu cầy làm bằng vỏ đạn B-40, kỷ niệm mang từ trại Kà Tum về khám Chí Hòa ra rít một hơi thuốc lào. Tiếng điếu cầy rít vang lên ròn rã trong đêm tạo thành một âm thanh vui tai. Thọ nhả khói ra, dựa lưng vào tường, mơ màng nhìn theo làn khói thuốc trắng, cảm giác lâng lâng say theo khói thuốc. Tôi cũng miên man suy nghĩ, nếu không có chiến tranh ở biên giới Miên - Việt thì không biết Thọ và các bạn tù ở Kà Tum bây giờ đã bị đưa đi đâu. Do việc tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và Miên, chiến tranh đã nổ ra ở biên giới giữa hai nước vào cuối năm 1978. Để tránh ảnh hưởng của cuộc chiến tranh này, các tù nhân ở các trại cải tạo gần biên giới đã được lệnh di tản. Các tù nhân ở trại Kà Tum như Thọ đã được đưa về khám Chí Hòa. Từ ngày chuyển trại về Chí Hòa, hầu hết các tù nhân không còn bị lao động nặng nhọc như trước nữa. Ngoại trừ một số ít, khoảng vài chục người được chọn ra làm lao động trong đội nhà bếp hay đội rau xanh và lao động linh tinh, số còn lại bị nhốt vào các phòng giam tập thể ở khu ED. Từ ngày bị đưa về Chí Hòa, mặc dù không còn bị lao động nặng, nhưng suốt ngày bị nhốt trong phòng giam, nên ai cũng cảm thấy bị tù túng và nhớ tiếc những ngày “lao động vinh quang” trên rừng được gần gũi với thiên nhiên.
Còn đang mải mê thả hồn vào dĩ vãng, bỗng tôi nghe tiếng Lập:
- Lát nữa thịt chín, tôi đề nghị mình mời những ai còn thức, mỗi người một miếng thịt chuột cho biết.
Tôi nói “Đồng ý”, cùng lúc đó, Thọ giật mình mở mắt nói:
- Tôi cũng O.K; rồi nói thêm: “mấy ông để ý xem thịt đã chín chưa; coi chừng, đừng để cạn nước. Nhớ châm thêm nước và kho lâu một chút thì thịt mới ngon.”
Tôi lo việc canh chừng gô thịt, vừa mồi thêm “hỏa tốc” để giữ lửa, vừa châm thêm nước mỗi khi nước gần cạn. Càng lâu gô thịt càng tỏa mùi thơm thật hấp dẫn. Chẳng mấy chốc mà gô thịt chuột đã chín. Thọ kiểm soát lại một lần chót trước khi đổ hết ra cái thau nhựa đã chùi rửa sạch sẽ. Một vầng khói trắng tỏa lên cao cùng với mùi thơm của thịt kho quyện vào nhau tạo thành một hương vị cũng khá hấp dẫn. Thọ lấy đũa gắp một miếng thịt đưa lên miệng ăn thử, nói:
- Ngon, ngon! Không thua gì thịt ếch, thịt gà. Quý vị nào còn thức xin mời dậy ăn thử một miếng thịt chuột kho sả cho biết.
Không có tiếng ai đáp lại. Anh buồng trưởng Ngữ nằm trong mùng ngửi thấy mùi hương này cũng cảm thấy cồn cào trong bụng. Đến lúc này, Ngữ cũng bật ngồi dậy xin một miếng ăn thử rồi cũng tấm tắc khen ngon. Trong khi đó, tôi và Lập cũng mỗi người lấy một miếng thịt ăn. Lần đầu tiên tôi ăn một miếng thịt chuột, qủa thật lúc đó thấy nó ngon cũng chẳng khác gì một miếng thịt … gà.
Sau đó, chờ một lát vẫn không thấy có thêm ai ra sau lời mời của chúng tôi, Thọ nói:
- Mọi người chắc ngủ say hết rồi. Thôi bọn mình cũng chia chỗ thịt này xong rồi đi ngủ, khuya rồi. Lập chia đi.
Lập lấy đũa gạt chỗ thịt chuột còn lại ra làm ba phần gần bằng nhau, nhưng Thọ đã sửa lại để một phần nhỉnh hơn hai phần kia một chút. Thọ chỉ tay vào phần đó và nói:
- Phần đặc biệt này dành cho thằng Tuấn vì nó đang bị cúp thăm nuôi. Tôi và Lập lấy một chút này thôi.
Lập đồng ý ngay với đề nghị của Thọ:
- Rất đồng ý.
Cả ba sau đó lấy phần thịt của mình cất đi rồi trở lại chỗ nằm tiếp tục dỗ giấc ngủ nhớ về bữa thịt chuột đặc biệt vừa diễn ra trong đêm.
TOÀN NHƯ