BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77668)
(Xem: 63369)
(Xem: 40815)
(Xem: 32451)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phạm Phước Kiến - một trong những con chim đầu đàn của Học Viện CSQG, sớm ra đi nhưng ít được nhắc đến

04 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 3683)
Phạm Phước Kiến - một trong những con chim đầu đàn của Học Viện CSQG, sớm ra đi nhưng ít được nhắc đến
54Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.85
I.- Sơ lược tiểu sử :

- Tên họ: Phạm Phước Kiến

- Năm sinh: 1943

- Trú quán: Thị Nghè, Gia Định, Việt Nam

- Tình trạng gia đình: Độc thân cho đến ngày tử trận

- Liên hệ gia đình: mồ côi cha, có mẹ ruột sống trong một xóm lao động ở Thị Nghè, Gia Định (không rõ địa chỉ chính xác). Trong cuộc tổng công kích đợt 2 của Việt Cộng năm Mậu Thân vào Saigon, khu nhà của mẹ Kiến bị cháy rụi. Từ đó không một ai biết tin tức về người mẹ này.

- Học vấn: Tú tài II - 1963, tốt nghiệp khóa I Học Viện CSQG (1966)

- Nhân dạng: Cao : 1,65 mét - Nặng 50 kg

- Đặc điểm : xấu trai, da đen, mặt rỗ, mắt hơi lộ

- Sở thích : Tiếng đàn guitar và tiếng hát Hoàng Oanh

- Bản nhạc thích nhất : 8 điệp khúc và Đêm buồn tỉnh lẻ.

- Ưu điểm : nhân hậu, có tinh thần trách nhiệm.

- Nhược điểm : nhiều tự ti mặc cảm.

- Cấp bậc, chức vụ cuối cùng : Biên tập viên hạng 4, Phó trưởng Ty CSQG Tỉnh Quảng Nam kiêm Chỉ Huy Trưởng lực lượng Nhân Dân Tự Vệ Thị xã Hội An, Tinh Quảng Nam

- Ngày tử trận : Ngày N. tháng 5 năm 1968

II.- Hình ảnh nhớ được về cái chết của Kiến:

Kiến đã hy sinh trong khi thừa hành công vụ, được hầu hết đồng bào Thị Xã Hội An thương tiếc và ghi ơn.

- 6:30 pm ngày N tháng 5 năm 1968

“Tụi bây ở nhà chờ tao mua nước đá về uống Café”, Kiến vừa nói vừa khoác chiếc áo CSDC 4 túi bước lên xe, lẩm bẩm tiếp: “Tụi bây giao tao giữ tiền uống café không có bao nhiêu mà ngày nào cũng 2 cử café sửa thì tao lỗ. Bắt đầu từ bây giờ, cử chiều không có café sửa nữa, đá thôi”.

Ba đứa tôi cười ngặt nghẻo, rồi làm ra vẽ cung kính đáp : “ Thưa tùy ông Phó lo liệu ạ!”.

Thời đó Sĩ quan Cảnh Sát tốt nghiệp Học Viện CSQG từ trong Nam ra phục vụ tại Quảng Nam chỉ có 4 thằng tôi mà thôi. Tôi và Kiến khóa 1, còn khóa 2 thì có Vũ đình Bôn và Phạm hoàng Sanh.

Trong những năm 1966 - 1967, những sĩ quan Cảnh Sát trẻ được phân bổ về Tỉnh lẻ, thường gặp nhiều cảnh trớ trêu lắm. Cấp chỉ huy địa phương buộc lòng phải cho chúng tôi chức vụ theo ngạch trật, nhưng không muốn cho chúng tôi có thực quyền. Vì biết vậy, nên chúng tôi cũng không quan tâm vì nghĩ rằng làm chỗ nào cũng được lảnh đủ lương cả. Vả lại, tình hình an ninh của Tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ rất kém, áp lực của địch càng ngày càng mạnh, vòng đai an ninh của tỉnh thu hẹp đần. Tuy là sĩ quan Cảnh Sát mà tư thế hoạt động không khác gì sĩ quan Quân đội, nên chúng tôi cũng chẳng tha thiết gì đến nghiệp vụ chuyên môn của mình.

Hội An - 1930


Bốn đứa tôi cùng ở trong tư thất của Phó Trưởng Ty. Nói là tư thất cho oai chớ thật ra là một cái phòng, nền lát gạch bông. Một phần ba diện tích là hầm trốn pháo kích, phần còn lại, 4 góc để 4 cái ghế bố nhà binh cho 4 thằng ngủ. Giữa buồng là cái bàn nhỏ thấp, để chúng tôi có thể ngồi trên sàn nhà mà uống café hoặc chơi domino. Tư trang chúng tôi, mỗi đứa có một cái túi xách tay đựng vài bộ đồ dân sự và sắc phục cảnh sát kê ở đầu nằm, còn dưới ghế bố thì đầy đủ quân trang, quân dụng và vũ khí cá nhân, luôn trong tình trạng ứng chiến.

Tuy được bổ nhiệm về một địa phương vừa xa vừa kém an ninh, nhưng bốn đứa tôi cũng chẳng buồn vì tuổi đời còn trẻ, không cần tính toán bon chen và cũng dễ tìm được niềm vui tỉnh lẻ. Ngoài giờ làm việc ra, đi đâu chúng tôi cũng đi chung với nhau kể cả việc đi tuần tra NDTV hàng đêm hoặc đi tải thương khi VC pháo kích vào thị xã.

Chỉ có lần này, do muốn đổi café sữa thành café đá cho đỡ hao nên Kiến không rủ tụi tôi theo vì sợ chúng tôi bàn ra, và chuyến đi vội vã, riêng rẽ này là chuyến đi định mệnh của Kiến.

- 6:40 pm ngày N tháng 5 năm 1968

Tôi, Sanh, Bôn ra ngồi trước thềm phòng Cảnh Sát (cạnh tư thất Phó Ty) vừa cười vừa tán dóc về tánh chân thật của Kiến, thì Kiến lái xe về, thắng gấp trước mặt chúng tôi. Kiến không xuống xe, vói tay đưa cục nước đá cho Sanh và nói : “ Tao vừa nghe NDTV ở đường Cường Để báo qua máy truyền tin, có 2 kẻ tình nghi vào chùa Phúc Kiến không biết để làm gì. Tụi nó thấy lạ mặt, nhưng không dám hỏi, sợ đụng chạm vì 2 tên này mặc quân phục của Trung Đoàn 51 bộ binh. Tụi bây vô pha café đi, tao chạy tới đó xem có gì không rồi về liền.” Nói xong, Kiến lui xe lại, trở đầu, rồi phóng nhanh về hướng đường Cường Để. . .

- 7:05 pm ngày N tháng 5 năm 1968.

Café đã pha xong,ba dứa tôi chưa bỏ đá vào vì cố chờ Kiến về uống luôn. Chúng tôi đang sốt ruột, vì từ nhà tới chùa Phúc Kiến không đầy 5 phút lái xe, mà sao hơn 20 phút vẫn chưa thấy Kiến về. Thình lình chúng tôi nghe 2 tiến nổ lớn từ hướng đường Cường Để.

Dù chưa đoán được chuyện gì, chúng tôi vẫn nhanh nhẹn thay trang phục ứng chiến và mở máy FM5 để theo dõi báo cáo của các nhân viên cảnh sát đặc trách khu vực. Ngay sau đó, một chiếc xe của ban Cảnh Sát trật tự lưu thông chạy nhanh vào cổng. Chúng tôi thấy Thẩm Sát Viên Nguyễn Mân, một tay lái xe, một tay bịt trên trán đang rỉ máu, miệng la oái oái: “ Ôạng Phó bị rồi! Ông Phó bị rồi! NDTV đang tìm cách khiêng ông Phó ra xe nhưng không biết có được hay không, tôi vội chạy về đây báo cho mấy ông biết để lo giúp ông Phó!”.

Sau khi băng bó cấp thời tại chỗ, Mân bình tỉnh kể lại:

“ lúc ông Phó lái xe tới chùa Phúc Kiến thì tôi đang hỏi chuyện NDTV ở đó. Ông Phó gặp anh La Ngọc Anh, Chỉ huy Phó lực lượng NDTV Thị xã đến trình bày cũng giống như tin tức báo qua máy. Hai tên lạ mặt không có súng ống, nhưng mỗi đứa đeo 2 quả lựu đạn. Chúng đã vào chùa khá lâu mà chưa thấy ra. Có lẽ nghe kẻ tình nghi không có súng nên ông Phó không e ngại, muốn tìm để tra hỏi ngay. Ông phó mượn cây đèn pin của một anh NDTV đứng gần, rồi cùng La Ngọc Anh bước nhanh vào chùa.

“ Thấy ông Phó vào, tôi cũng xuống xe vào theo, nhưng vì ông ấy đi quá nhanh nên khi tôi chưa bắt kịp thì nghe tiếng ông Phó la: Nó đây nè, nó đây nè! Sau đó là 2 tiếng nổ liên tiếp của lựu đạn M 26. Nhờ còn ở ngoài nên tôi bị một mảnh lựu đạn nhỏ bay xớt ngang trán, còn ông Phó và La Ngọc Anh thì ngã quị trong căn buồng có tiếng nổ. Khói bay mù mịt, tôi không thấy gì nữa. Lúc anh em NDTV từ ngoài chạy vào tiếp cứu và tìm cách mang ông Phó và anh Anh ra thì tôi về đây báo tin cho mấy ông.”

Nghe xong, chúng tôi nghĩ ngay đến việc đặc công VC xâm nhập Thị xã giống như chúng tấn công hồi đầu năm, nên trình ngay Trưởng Ty, với đề nghị cho mở còi báo động giới nghiêm Thị xã, đồng thời trình xin Tỉnh Trưởng cho Cảnh Sát truy lùng đặc công để các lực lượng quân sự rảnh tay phòng thủ các căn cứ chính yếu và đánh trả khi VC mở cuộc tấn công.

- 7:20pm ngày N tháng 5 năm 1968

Ba đứa chúng tôi đang trên dường đi đến chỗ anh Kiến bị nạn thì còi báo động giới nghiêm Thị xã bắt đầu hụ. Anh em NDTV và một số Cảnh Sát Đặc Biệt đã khiêng được anh Kiến và anh La Ngọc Anh ra ngoài. Kiến bị gãy chân phải và một vết thương nơi bụng, nhưng vẫn còn tỉnh, còn anh Anh thì bị nặng hơn. Chúng tôi quyết định để Sanh theo Kiến tới bệnh viện, còn tôi và Bôn thì nhập vào lực lượng CSĐB để truy địch.

Hội An là một thành phố cổ, nhà cửa xây rất đặc biệt, chiều ngang thì không lớn lắm, nhưng chiều sâu rất dài. Một nhà nối liền hai con đường, cửa trước đường này, cửa sau đường khác, vì vậy rất dễ cho những kẻ phạm pháp trốn thoát khi có cuộc hành quân Cảnh Sát.

Chùa Phúc Kiến có mặt trước thông với đường Cường Để và cửa sau thông với đường Phan Chu Trinh. Lực lượng Cảnh Sát phải chia ra hai cánh : Cảnh Sát Dã Chiến truy lùng bên phía đường Phan Chu Trinh, còn Cảnh Sát Đặc Biệt phụ trách bên đường Cường Để.

11:00 pm ngày N tháng 5 năm 1968

Cuộc truy lùng kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa có kết quả.

Một điều lạ là hai tên hung thủ không phải chỉ có 4 quả lựu đạn như anh em NDTV đã thấy lúc đầu, mà khi lực lượng truy lùng đến gần chỗ chúng núp là có tiếng lựu đạn nổ. Nhờ cẩn thận, anh em cảnh sát vô sự, nhưng dân chúng trong khu vực có vài người bị thương vì miểng lựu đạn, chúng tôi lại phải lo tải thương, nên vòng vây của cảnh sát khép lại rất chậm.

Khi thấy đồng bào được khiêng lên xe tải thương, tôi và Bôn sực nhớ đến Kiến nên theo xe cứu thương vào bệnh viện để thăm. Trên đường đi, chúng tôi được biết anh La Ngọc Anh đã chết, còn Kiến thì vẫn tỉnh.

Chúng tôi gặp Kiến, Trưởng Ty Cảnh Sát, Bác sĩ Giám Đốc Bệnh Viện và Sanh trong phòng mổ. Kiến nằm trên giường, không có vẻ gì đau dớn cả. Kiến hỏi Bác sĩ:

- Liệu có sao không?

- Không hề gì đâu, vết thương ở bụng mổ lấy miểng ra là xong ngay, chỉ có chân là hơi lâu vì gãy xương, nhưng bảo đảm là lành bởi xương không bị bể vụn.

Tôi buột miệng đùa một câu để Kiến yên chí là không có gì:

- Có sợ chậm cưới vợ không?

Tuy cố nói đùa, nhưng khi nói xong, tôi cảm thấy ái náy và thương cho bạn mình quá!

Kiến đến với tôi không phải vì cùng chung một đại đội Sinh viên Sĩ quan của Học Viện CSQG, cũng không phải vì quen nhau trước khi vào Cảnh Sát màchỉ vì tôi là người bạn mà Kiến có thể tâm sự thoải mái.

Do hoàn cảnh khó khăn của gia đình và nhất là do sắc diện dưới mức trung bình của mình, Kiến không có, hay đúng hơn là không dám nghĩ đến tình cảm gái trai cũng như những sinh hoạt giải trí của giới sinh viên thời bấy giờ.

Một mẹ, một con, lớn lên trong khu lao động nghèo khổ, Kiến luôn mang một mặc cảm tự ti đối với bạn bè trong sinh hoạt hàng ngày. Để lột xác, Kiến muốn tập đàn, tập hát, tập nhảyà kể cả tập ăn diện, và tôi là người bạn duy nhất giúp Kiến mà Kiến không ngại ngùng.

Tôi cũng là người dàn dựng và vun đắp cho mối tình của Kiến:

- Lê Quyên, người tình đầu đời và cũng là cuối đời của Kiến, là nữ thư ký đánh máy của Trung Tâm Thẩm Vấn (P.I.C) Tỉnh Quảng Nam. Lúc đó tôi đang giữ chức vụ Trung Tâm Trưởng, nên rất dễ để tạo điều kiện cho hai người gặp nhau vào cuối tuần. Mối tình này nhanh chóng thành tựu và Kiến đã quyết định lập gia đình với Lê Quyên. Kiến đã sắp xếp mọi chuyện để tuần sau về Saigon rước mẹ ra làm đám hỏi và cưới một lượt luôn.

Nhưng bây giờ thì bị nạn! Đúng là số con rệp. . . . .

Chúng tôi định bước ra ngoài cho Bác sĩ chuẩn bị cuộc giải phẫu thì có tiếng trực thăng đáp xuống ngoài sân bệnh viện. Trưởng Ty Cảnh Sát nói:

- Đối với Tỉnh, Kiến cũng là viên chức có địa vị, nên tôi đã xin ông Tỉnh Trưởng giúp phương tiện đưa ra Đà Nẵng để giải phẫu thì sẽ tốt hơn, có lẽ đây là trực thăng đến chở Phó Kiến đó.

Sau khi xác nhận với phi công, chúng tôi đưa Kiến ra trực thăng. Sanh tình nguyện theo Kiến ra Đà Nẵng, còn tôi và Bôn trở lại tiếp tục truy tầm hung phạm.

0:05 am ngày N + 1 tháng 5 năm 1968

Ban truyền tin Ty Cảnh Sát Quảng Nam nhận được báo cáo là tất cả các quận trong Tỉnh đều bị địch bắn phá, nhưng không nghiêm trọng, vì việc phòng thủ đã được chuẩn bị, nhờ tin tức của Tỉnh báo động ngay sau khi Kiến bị nạn

0:45 am ngày N + 1 tháng 5 năm 1968

Tại Thị xã, tiếng lựu đạn địch nổ thưa dần và vòng vây Cảnh Sát từ từ khép lại. Cuối cùng, ta bắt sống được một và giết một. Tên đặc công bị ta giết trốn trên ngọn cây khế, trong một đường hẻm nối liền đường Cường Để và Phan Chu Trinh.

Lực lượng truy kích rút về, nhưng vẫn để lại một số Cảnh Sát Đặc Biệt theo dõi khu vực xung quanh chùa Phúc Kiến, vì chúng tôi biết chắc rằng có cơ sở hợp pháp ngầm giúp 2 tên hung thủ, nên mới có nhiều tiếng lựu đạn nổ hỗ trợ cho chúng trốn thoát.

4:00 am ngày N + 1 tháng 5 năm 1968

Tôi và Bôn được Ban truyền tin gọi lên máy để nhận tin tức của Sanh từ Nha CSQG vùng I gọi về.

Chúng tôi rụng rời khi nghe Sanh cho biết là Kiến đã ra đi! Kiến chết không phải vì bị thương quá nặng mà vì định mệnh an bài ! . . .

Ngày N+1 là ngày VC mở cuộc tổng tấn công đợt 2 trong năm Mậu Thân. Tất cả các Tỉnh trên toàn quốc đều bị địch đánh phá. Quân đội cũng như dân thường bị thương quá nhiều, nên bệnh viện phải tiếp nhận theo đúng nguyên tắc trách nhiệm. Quân y viện tiếp nhận thương binh, còn dân y viện thì nhận thường dân, nhưng Kiến lại là Cảnh Sát, không phải binh mà cũng không phải dân. Đúng là định mệnh!

Phi cơ chở Kiến bay vòng vòng hoài vì không bệnh viện nào chịu nhận cả. Cuối cùng, khi thấy Kiến đã kiệt sức vì máu ra nhiều quá, Sanh bảo phi công đáp đại xuống bệnh viện dân sự, rồi chạy tìm Bác sĩ để xin giải phẫu cho Kiến. Nhưng khi đem Kiến được vào phòng mổ thì Kiến tắt thở!

7:00 am ngày N + 1 tháng 5 năm 1968

Tuy tình hình chiến sự Quảng Nam trong đêm VC mở cuộc tổng tấn công đợt II không nghiêm trọng bằng các nơi khác, nhưng giao thông từ Hội An ra Đà Nẵng cũng bị nghẽn vì quốc lộ I có nhiều đoạn bị đắp mô, xe cộ phải chờ hành quân mở đường mới dám chạy. Tôi phải nhờ cố vấn Mỹ xin trực thăng của Air America chở tôi và Bôn ra Đà Nẵng.

Chúng tôi đến nhà xác bệnh viện thì gặp Sanh đang buồn bã đứng bên cạnh xác của Kiến. Sanh cho biết, sau khi đến Nha để liên lạc với chúng tôi, anh chạy trở về để canh xác Kiến vì lúc đó quá sớm, Nha Cảnh Sát chẳng có ai lo giúp Sanh cả.

Chúng tôi ra ngoài đường nhờ một Cảnh Sát Viên Đà Nẵng liên lạc với Hằng, là Thẩm Sát Viên khóa I, lúc đó phục vụ tại Ty CSQG Đà Nẵng giúp cho phương tiện di chuyển rồi cùng chạy tới Nha.

Cũng may, khi vừa tới nơi, chúng tôi gặp ngay Giám Đốc Nha, Quận Trưởng thượng hạng Võ Lương, nguyên là thầy dạy của chúng tôi trong Học Viện CSQG. Khi biết rõ sự việc, ông ra lệnh cho phòng Tâm Lý Chiến Nha phối hợp vơi Ty CSQG Đà Nẵng lo liệu hậu sự cho Kiến. Ông muốn quan tài Kiến phải được bọc kẽm và di chuyển về Nam để an táng vì gia đình Kiến ở Saigon.

Sau khi nhận lệnh, Trưởng Ty CSQG Đà Nẵng lúc đó là Quận Trưởng Cảnh Sát Phạm Công Bạch, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn SVSQ khóa I Học Viện, đã chu toàn công việc một cách nhanh chóng. Trong vòng nửa ngày, thi hài của Kiến được đặt trong quan tài bọc kẽm đàng hoàng, chờ đưa ra sân bay. Phòng Tâm lý Chiến Nha CSQG Vùng I cũng đã điện trình Tổng Nha mọi việc và xin Tổng Nha thông báo cho mẹ Kiến để cùng đến phi trường đón và đưa quan tài của Kiến về nhà.

10:00 pm ngày N + 1 tháng 5/1968

Nha CSQG Vùng I nhận được công điện của Tổng Nha, nội dung như sau: “ VC mở cuộc tổng tấn công trên toàn quốc. Tình hình chiến sự nghiêm trọng. Hiện có vài đơn vị đã xâm nhập vào các vùng ven đô. Phi trường Tan Son Nhứt giới nghiêm 24/24. Phi cơ không thể đáp xuống được. Yêu cầu quí Nha cho an táng cố Biên tập viên Phạm Phước Kiến tại chỗ. Tổng Nha sẽ giải thích và an ủi thân nhân đương sự sau.”

Ngày N + 2 tháng 5/1968

Nha CSQG Vùng I ủy nhiệm cho Ty CSQG Đà Nẵng thi hành lệnh của Tổng Nha.

Quận trưởng Cảnh Sát Phạm Công Bạch, Trưởng Ty CSQG Đà Nẵng đại diện Tổng Nha gắn huy chương Cảnh Sát Chiến Công Bội Tinh Đệ II đẳng cho cố BTV Phạm Phước Kiến, Phó Trưởng Ty CSQG Tỉnh Quảng Nam. Quan tài Kiến được phủ Quốc kỳ và đặt tại nhà quàn trọn ngày N + 2 để bạn bè, thân hữu từ Thị xã Hội An có thời giờ ra phúng điếu và chờ đưa tiễn đến nghĩa trang.

Ngày N + 3 tháng 5/1968

Khoảng 11:00 am, xe chở quan tài Kiến và đoàn xe đưa tiễn bắt đầu lăn bánh. Từ nhà quàn đến nghĩa trang xa độ 7 km. Một điều rất an ủi cho hương hồn Kiến là đám tang rất lớn, có thể nói là nhứt, nhì tại Thị xã Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Về hình thức, chưa có một đám tang nào có đoàn xe Cảnh Sát dài như vậy. Điều này dễ hiểu, vì 2 vị chỉ huy Cảnh Sát tại Đà Nẵng là 2 người thầy của Kiến nên họ đã vận dụng tất cả các phương tiện có thể được cho người học trò ngắn số của mình. Hơn nữa, một Phó Trưởng Ty Cảnh Sát tử trận là một điều rất hiếm, dù là thời chiến.

Về mặt tình cảm, tuy Kiến chết không có một người bà con thân thuộc nào bên cạnh, nhưng những giọt nước mắt tiếc thương thì không thiếu. Lúc đó, tôi không biết tại thương cho số kiếp bất hạnh của Kiến, hay nghĩ đến những đêm buồn tỉnh lẻ còn dài dài trước mặt, mà tôi khóc to như một đứa trẻ, và cứ khóc từng chập trên đoạn đường tới nghĩa trang. Xung quanh tôi, Bôn và Sanh cũng ứa lệ, còn Trưởng Ty Phạm Công Bạch thì cặp mắt đỏ hoe. Đặc biệt là tiếng khóc của cô Lê Quyên. Dù chưa thành vợ chồng nhưng cô vừa đi vừa ôm quan tài của Kiến mà khóc kể như một người vợ khóc tang cho chồng, khiến ai nấy đều mủi lòng!

Sau chúng tôi là một đoàn người lẫn xe dài cả cây số. Đó là những người dân của Thị xã Hội An, có cảm tình với Kiến, đã không ngại tình hình an ninh, bỏ cả công việc hàng ngày, thuê bao xe ra Đà Nẵng để đưa Kiến tới nơi an nghỉ cuối cùng.

Đà Nẵng - 1970


Xưa nay, khó có trường hợp dân có cảm tình với Cảnh Sát. Nhưng Kiến được dân thương vì cái chức Chỉ Huy Trưởng Lực lượng NDTV. Chức vụ này giống như một cục xương khó gặm đối với một sĩ quan Cảnh Sát, nhưng nó giúp Kiến có cơ hội sinh hoạt thân mật với đồng bào Thị xã và dần dần họ hiểu ra câu “ Cảnh Sát là bạn dân”, không phải chỉ có mục đích tuyên truyền. Họ thương Kiến vì Kiến là một ông Phó bình dân, đứng ngồi với họ đêm này qua đêm khác, không ngại giờ giấc, không sợ hiểm nguy. Họ trọng Kiến vì Kiến là một ông Phó trong sạch, đến nỗi sợ không đủ tiền uống hai cử café sữa một ngày. . . .

Có khóc thương, có níu kéo, có vướng víu rồi cũng đến nơi phải đến. Nghĩa trang chôn Kiến nằm ở phía Tây Bắc Thị xã Đà Nẵng, một nơi phong cảnh hữu tình, thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam. Có núi phía Bắc, có biển phía Đông và đồng cát chạy dài về phía Tây.

Cuối cùng rồi Kiến cũng thanh thản ra đi. Chỉ có chúng tôi, những kẻ ở lại, đã gặp thêm nhiều biến cố đau buồn của gia đình Kiến, để thấy lòng thêm xót xa về thân phận một con người.

Tháng 6 năm 1968

Nhân viên Ty CSQG Quảng Nam đều đồng ý trừ một số nhỏ của tiền lương mình để giúp mẹ Kiến. Ban Tâm Lý Chiến đã lấy số tiền này cộng với số tiền phúng điếu ngày Kiến chết, gởi về Tổng Nha, nhờ Tâm lý Chiến Tổng Nha chuyển lại cho mẹ đương sự. Nhưng tuần lễ sau, Tổng Nha lại hoàn gởi số tiền về Ty Quảng Nam, kèm theo công văn với nội dung : “ Tổng Nha đã cố tìm mẹ của cố Biên Tập Viên Phạm Phước Kiến nhưng không kết quả. Địa chỉ ghi trong hồ sơ cá nhân đương sự là địa chỉ của khu nhà bị cháy rụi trong đợt tổng tấn công của VC vừa rồi. Sau cuộc hỏa hoạn, có một số tử thi bị thiêu cháy không nhận dạng được. Đương sự không có một thân nhân nào khác ngoài người mẹ ruột. Yêu cầu quí Ty giữ lại số tiền trong một thời gian nhất định, sau đó có thể tùy nghi sử dụng vào công tác xã hội.”

Thật là bất hạnh. Toàn bộ gia đình của Phạm Phước Kiến, sĩ quan Khóa I Học Viện CSQG, không đầy một tháng, đã biến mất trong sổ bộ đời ! . . .

III.- Một cái chết đáng giá.

Kiến đã chết thay cho bao nhiêu sinh mạng của quân dân tại Thị xã Hội an. Việc cố truy tìm hai kẻ tình nghi giết Kiến đã phá hỏng kế hoạch tấn công của VC vào Thị xã.

Trong đêm Kiến bị nạn, chúng tôi biết có cơ sở hợp pháp ngầm giúp hung thủ, nên sáng hôm Cảnh Sát Đặc Biệt đã tra xét khu vực hiện trường, bắt được 3 tên thợ mộc cư trú bất hợp pháp, ngủ trong trại cây của ông thầu khoán Một, nằm cạnh chùa Phúc Kiến. CSĐB cũng tìm được một số lựu đạn giấu trong những thùng đồ nghề của chúng. Sau khi khai thác, chúng xác nhận là là tổ cơ sở hợp pháp thuộc Trung đội đặc công của Thị Đội Hội An.. Chi tiết kế hoạch tấn công Thị xã được tên tổ trưởng khai như sau:

1) Công tác chuẩn bị :

- Đưa cơ sở vào Thị xã : VC điều nghiên biết ông thầu khoán Một là người làm ăn, ham lợi, nên cho cơ sở tới xin làm công và chịu nhận lương thấp, miễn là ông chủ cho ngủ lại trại cây để khỏi phải đi về. Kết quả là chúng đã cài được 3 tên sống hợp pháp trong Thị xã mà cơ quan an ninh không hề nghi ngờ vì ộng Một là người làm ăn đàng hoàng.

- Chuyển vũ khí vào Thị xã : Khi đã quen cái quen nước, ba cơ sở hợp pháp này bắt đầu chuyển lựu đạn vào giấu trong trại cây. Chúng chỉ chuyển lựu đạn vì lựu đạn dễ giấu, khó bị lộ và lựu đạn là vũ khí chính yếu chúng dùng để tấn công ta theo kế hoạch.

2) Kế hoạch tấn công :

VC sẽ kết hợp lực lượng chính qui và địa phương cùng lúc tấn chiếm Thị xã Hội An. Kế hoạch được phân công thực hiện như sau:

- Trung đội đặc công : Từ chiều ngày N tháng 5 năm 1968, trung đội đặc công của Thị đội Hội An sẽ xâm nhập vào Thị xã từ xã Cẩm Nam, Chúng đi thuyền qua bến đò Hội An, đi từng 2 người một, không mang súng, chỉ mang lựu đạn và mặc quân phục Trung Đoàn 51 Bộ binh. Trung Đoàn 51 là trung đoàn biệt lập, đóng tại phía Bắc Thị xã, một đơn vị quân sự chính yếu của Quảng Nam, có nhiều chiến công diệt địch nhưng cũng nhiều đụng chạm đối với bạn. Vì vậy, VC giả dạng lính của đơn vị này sẽ ít bị nhân viên an ninh xét hỏi trong khi di chuyển.

Chúng dự tính trước 0: giờ ngày N + 1 tháng 5/1968 toàn bộ trung đội đặc công sẽ vào hết trong Thị xã, ẩn núp trong chùa Phúc Kiến và trại cây của ông thầu khoán Một để chờ giờ tấn công. Nhưng chỉ mới có 2 tên đầu tiên vào tới Thị xã thì bị Kiến phát giác!

- Thị đội Hội An : Từ phía Đông Bắc quận Duy Xuyên, đơn vị này sẽ di chuyển theo hướng Bắc đến lãnh thổ quận Hiếu Nhơn. Chúng sẽ pháo kích cầm chừng cho Chi khu Hiếu Nhơn co cụm lại, rồi hướng về hướng Tây, đến Thị xã Hội An bắt tay với trung đội đặc công.

- Lực lượng chính qui : Gồm 2 trung đoàn tự mật khu Gò Nổi thuộc quận Điện Bàn, sẽ di chuyển theo hướng Đông băng qua quốc lộ I vào Thị xã Cam Hải, dừng quân ở phía Bắc Thị xã Hội An, chờ giờ khai hỏa.

Đúng 0:giờ ngày N + 1 tháng 5/1968, đơn vị chính qui VC sẽ phóng tối đa hỏa tiễn 122 ly vào Thị xã và trung đội đặc công nằm sẵn ở đây bắt đầu hành động.

Mục tiêu đầu tiên là phòng Cảnh Sát thuộc Ty CSQG Quảng Nam, vì phòng này nằm cạnh chùa Phúc Kiến, là nơi chúng trú ẩn. Chúng chỉ cần leo qua tường phía sau là có thể đánh úp ta dễ dàng bằng lựu đạn, bởi lực lượng phòng thủ của ta sẽ dồn vào 2 vọng gác và các hầm trú ẩn ở phía trước, mỗi khi có chiến sự xảy ra. Sau khi thành công, đơn vị đặc công sẽ dùng súng ống của ta để tấn chiếm các nơi khác. Mục tiêu kế tiếp là những mục tiêu nằm ở phía Nam đường Trần Hưng Đạo gồm có nhà đèn, Ty Thông tin, Ty Cảnh Sát và cuối cùng là tư thất của Tỉnh Trưởng. Tại đây, theo dự định, chúng sẽ bắt tay với Thị Đội di chuyển từ xã Cẩm Châu sang để chờ tiếp thu Thị xã khi 2 trung doàn chính qui tấn công vào Tiểu Khu Quảng Nam và các căn cứ quân sự ở phía Bắc Hội An.

Kế hoạch này rất có thể thành công nếu thực hiện được suông sẻ, nhưng VC đã không đưa được trung đội đặc công vào Thị xã, bởi 2 tên đầu tiên xuất hiện trong thành phố đã bị ta phát giác ngay.

Có lẽ vì kế hoạch bị trở ngại trước giờ thực hiện, nên VC đã phải hủy bỏ việc tấn chiếm Thị xã, bởi lực lượng cấp trung đoàn di chuyển trên một lộ trình bị lộ sẽ là miếng mồi ngon cho phi pháo của ta.

Kết quả là chiến sự không xảy ra trong Thị xã Hội An.

Kiến chết để đổi lấy sự an bình của cả một thành phố. Một cái chết đáng giá !

IV.- Thay cho phần kết :

Kiến thương,

Hơn 30 năm rồi, thỉnh thoảng tao vẫn nhớ tới mày và cảm nghĩ của tao về cuộc đời mày cũng thay đổi theo thời gian và những thăng trầm của Tổ Quốc. Ngày xưa, tụi tao ố những con chim đầu đàn, cùng tổ với mày, đều nghĩ là mày bất hạnh. Nhưng bây giờ, “ bao mái đầu xanh giờ đã bạc” này đã thắm thía thế nào là bất hạnh và hữu hạnh.

Cuộc đời mày tuy ngắn ngủi, nhưng ít ra, khi nằm xuống, mày cũng đã nằm trên đất Mẹ, quan tài mày cũng phủ Quốc kỳ, cũng được mang 4 chữ “ Tổ Quốc Ghi Công ” và cũng thấm ướt những giọt lệ thân thương của nhiều bạn bè thân thuộc.

Không đầy 10 năm sau, những người cùng chung chí hướng với mày, nếu có nằm xuống, thì sẽ nằm ở những vùng hoang lạnh với 3 chữ : “phản Cách Mạng” trên đầu và không có lấy một giọt lệ thương tiếc nào nhỏ xuống cả, bởi vợ con, bạn bè không ai biết gì về số phận của họ ! . . .

. . . và bây giơ,ợ những kẻ tha hương còn lại này, không biết là bất hạnh hay hữu hạnh, nhưng hình ảnh của những ông già vô dụng trong viện dưỡng lão không phải là một điều hữu hạnh rồi !.

Ba mươi lăm năm trước, mày thường nghêu ngao câu hát : “ Mẹ Việt Nam ơi, con xin dâng, xin hiến trọn cả đời”, và mày đã làm được điều đó ! Trước mày, sau mày, cũng có những đứa con như vậy, nhưng tới giờ phút này, Mẹ Việt Nam vẫn đau buồn. Đau- bởi những đứa con lạc đường đã cắt da xẻ thịt Mẹ đem đổi lấy quyền lợi, địa vị. Buồn- bới các con ngoan của Mẹ vẫn còn xa Mẹ. Xa không phải vì khoảng cách của hơn nửa vòng trái đất, cũng không phải vì thiếu nhiệt tình tranh đấu để trở về với Mẹ, mà xa vì số phận, số phận một quốc gia nhược tiểu, muôn đời vẫn nằm trong quỹ đạo tính toán của các nước siêu cường !.

Kiến thương,

Để kết thúc tâm sự với mày, tao xin lập lại ý của một vị Tướng đã phát biểu trong buổi lễ khánh thành Tượng đài Chiến Sĩ Việt- Mỹ tại Thành Phố Westminster, California :“ Con người có hai lần chết; lần thứ nhất là lúc nhắm mắt lìa đời và lần thứ hai là khi không còn ai nhắc đến nữa!”

Tao hy vọng bài viết này sẽ làm chậm lại lần chết thứ hai của mày.

Dallas, tháng 9 năm 2003

Lâm Minh Sơn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn