BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

'Con bà phước, cái bang' Galang

10 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 3216)
'Con bà phước, cái bang' Galang
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi đặt chân đến trại tỵ nạn Galang vào trưa ngày 1 Tháng Sáu năm 1990 sau đúng 2 tháng rời Việt Nam.

Đoàn tàu chúng tôi đến trại với 655 thuyền nhân trên hai chuyến tàu định mệnh được nhập chung từ nhiều chiếc ghe vượt biển khác nhau đã đến được đất liền Mã Lai nhưng bị hải quân nước này gom lại và xua đuổi sang Nam Dương.

Hồi tưởng lại chuyến hải trình gian khổ và những ngày tháng bất ổn trong quá trình thanh lọc ở trại tỵ nạn mà cảm thấy thật thấm thía cho hai chữ thuyền nhân.








Cổng vào trại tị nạn Galang. Nơi đây nay đã thành di tích. (Hình: VOA)




Như bao thuyền nhân khác đến trại tỵ nạn sau ngày đóng cửa đảo định mệnh 17 Tháng Ba năm 1989, tất cả chúng tôi đều phải trải qua một quá trình 'thanh lọc' để xác định tư cách tỵ nạn chính trị của mình.

Chúng tôi đến Galang vào thời điểm thuyền nhân trôi tấp vào Mã Lai Á bị dồn đẩy sang Nam Dương ồ ạt nên số lượng thuyền nhân trên đảo từ năm 1989 không quá 3,000 người đã tăng đột biến lên hơn 14,000 trong vòng chưa đầy một năm. Tình trạng quá tải không có chỗ ở cho người tỵ nạn là một chuyện khá nhức đầu cho các nhân viên Cao Ủy và phòng kỹ thuật.

365 người chúng tôi được đưa thẳng vào Galang 2 và sống lây lất vật vạ tạm thời bên trong hội trường của văn phòng Cao Ủy và dọc theo hành lang của phòng xã hội. Nhìn cảnh những người “say sóng” nằm ngồi dọc theo hành lang các văn phòng của Cao Ủy Tỵ Nạn và toán JVA được các anh chị thiện nguyện viên của phòng xã hội và gia đình Phật Tử Long Hoa cũng như thanh niên Công Giáo trợ giúp nấu và chia nhau những tô mì gói nóng để đỡ đói qua ngày trong thời gian chờ đợi những nhân viên của phòng kỹ thuật dựng lên các barrack bằng plastic trên các nền barrack cũ của Zone F nó ám ảnh và theo tôi mãi trong những giấc mơ cho đến ngày hôm nay.

Galang, quán trọ trước cổng thiên đường đã không thật sự đến với chúng tôi, những thuyền nhân kém may mắn đã chậm chân đến trại sau cái ngày oan khiên mà Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền sở tại áp dụng để ngăn chặn làn sóng thuyền nhân bỏ nước ra đi tỵ nạn Cộng Sản ngày càng dâng cao. Sau những ngày dài chờ đợi và mất ngủ chúng tôi được đưa vào sống trong những barrack được lợp bằng plastic mới được dựng lên trong khu Zone F bốn bề gió lộng theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó.

Trải tấm chiếu Cao Ủy trên nền xi măng lòi lõm của barrack để xí chỗ xong là chúng tôi phải nghĩ đến việc sinh tồn trong những ngày dài sắp tới. Mỗi thuyền nhân được phát một đôi dép Cao Ủy, một cái mền và một chiếc chiếu, một cái tô, một cái chén và một cái ly bằng nhựa, mỗi 5 người được phát một cái lò xô nấu ăn bằng dầu, một cái can 5 lít đựng dầu hôi. Khẩu phần lương thực nghe đâu đã bị cắt giảm nên hàng tuần chúng tôi mỗi người chỉ được phát 3 gói mì, 2.8 kg gạo, 100 gram đậu xanh, 100 gram đậu nành, 100 gram đường và 100 gram đồ tươi có thể là bí rợ hay rau cải. Mỗi đầu tháng chúng tôi được cấp 9 lon cá mòi loại nhỏ, và 4 lít dầu ăn, có tháng Cao Ủy thay thế bằng ba hộp thịt hộp mà chúng tôi gọi là pa tê, khi thì 3 lon cá mòi loại lớn. Ăn cá mòi và tắm nước suối từ trên rừng chảy xuống được chứa trong những cái hộc được đào sẵn ở dưới hạ nguồn nên đã có rất nhiều người bị ghẻ ngứa, chúng tôi đã phải thức dậy thật sớm để sắp hàng lấy số ở bệnh viện Galang 2 chờ được chích thuốc vào mỗi sáng.

Với sức trẻ của tuổi minor vị thành niên, nhóm con “bà phước” không có thân nhân ở nước ngoài không cách gì chúng tôi có thể tồn tại và sống nổi với khẩu phần lương thực hạn hẹp mà Cao Ủy đã cấp phát thông qua nhà cầm quyền Indo, những người bạn của chúng tôi phải gom lại tìm cách mưu sinh để sống còn trong những ngày dài ở trại.

Có một câu chuyện làm cho tôi còn nhớ mãi là trong những ngày còn say sóng khi mới đến đảo. Tôi có theo chân mấy người bạn đi dạo ngoài chợ Galang 2 tình cờ được gặp lại dì Hai Ngọc Châu là bạn rất thân của mẹ tôi đã vượt biên và đến đảo vào năm 1987. Dì dượng và gia đình các anh chị lẽ ra đã đi định cư từ rất lâu nhưng vì dượng Hai bị bệnh phổi khá nặng nên đã bị các phái đoàn từ chối khi phỏng vấn và còn kẹt lại và đang chờ đi Pháp vào Tháng Tám năm 1990.

Mặc dù gia đình của dì lẽ ra phải đi Mỹ vì dượng Hai là cựu quân nhân của QLVNCH. Dì Hai và các anh chị đã rất thương và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong khoảng thời gian này. Thấy chúng tôi tơi tả không có quần áo mặc dì mua vải nhờ chị Một và chị Bưởi là người con dâu và người quen của dì may đồ cho chúng tôi, lâu lâu dì mua thịt heo rừng và đồ ăn ngoài chợ đem vào tiếp tế cho chúng tôi.

Mặc dù đã sắp đi định cư và đã hứa cho người khác cái thùng phi đựng nước cũng như cái tủ đựng đồ, nhưng vì thấy hoàn cảnh quá thê thảm của chúng tôi mà dì Hai đã trả tiền lại cho người ta để xin lại cho chúng tôi có cái thùng phi đựng nước uống và có tủ để đựng đồ. Thật quý vô cùng những tấm lòng vàng.

“Bún, bún đây, ai ăn bún đổi cá, đổi gạo không? Num bờ chốc tê, Num bờ chốc đo ko tê,” những tiếng rao lanh lảnh ở Galang 1 và Xóm Miên ngày nào vẫn còn âm vang và là động lực mạnh mẽ giúp cho tôi vượt qua hết những khó khăn và vấp ngã sau này khi đã được định cư tại Hoa Kỳ.

Tôi đến với cái nghề bán bún và biết làm ra tiền đầu tiên trong đời từ trại tỵ nạn Galang qua chú Trung và anh Hùng cùng tàu của tôi. Cuộc sống ở trại khổ quá mà không có liên lạc được với thân nhân ở nước ngoài để viện trợ cứu đói, chú Trung và anh Hùng con của chú Tư Xị đã đột phá tìm cách làm quen với anh Nhân chủ lò bún ở gần Suối Zone F Galang 2 để xin lãnh bún đem đi bán dạo vòng quanh các barrack ở Galang 2.

Chú Trung thấy hoàn cảnh anh em con bà phước của chúng tôi thê thảm quá nên chú kêu lại hỏi thăm tụi tôi có chịu đi bán bún không rồi chú hỏi xin ông chủ lò bún cho chúng tôi lãnh bún đi bán ngoài Galang 1. Tôi, Đức và 3 anh em Đành, Đạt và Chín nhận lời, thế là mấy anh em chúng tôi hàng ngày vào sáng sớm thay nhau gánh bún từ Galang 2 đem ra Galang 1 bán và đổi cá, gạo kiếm tiền mưu sinh trên đảo.

Là những công tử bột chưa nếm bụi trần gian, trại tỵ nạn Galang đã nhào nặn cho chúng tôi trở nên cứng cáp và trưởng thành hơn. Có những ngày mưa gió mà gánh bún thì còn nặng trĩu trên vai, chúng tôi len lỏi qua khỏi khu vực bệnh viện Galang 1 (lúc này đã được trưng dụng làm chỗ ở cho thuyền nhân) đi hoài mà gánh bún thì vẫn chưa vơi chúng tôi bạo gan tìm ra khu xóm Miên (vào cuối năm 1990 đã có gần 1,500 người Cambodia vượt biển đi tỵ nạn) lần đầu tiên món Num Bờ Chốc xuất hiện ở Làng Miên gánh bún ngày hôm đó được mua hết trong vòng 30. Thừa thắng xông lên sau đó anh em chúng tôi tăng số lượng bún lên gấp đôi, hàng ngày gánh ra bán thêm ngoài xóm Miên.

Chúng tôi học thêm tiếng Miên qua chị Hồng đi chung tàu. Chị Hồng là em vợ của chú Y Giang NiekDam là 'leader' tàu của chúng tôi, từ đó việc giao tiếp với bà con người Miên được dễ dàng hơn.

Có một câu chuyện bây giờ nghĩ lại rất là tức cười cho sự khờ khạo của tuổi trẻ chúng tôi, vì không quen ai ở ngoài Galang 1 nên chúng tôi cứ gánh hai thùng bún thật nặng đi thẳng ra xóm Miên bán trước, khi qua khỏi Cổng Chùa Quan Âm Tự đến gần khu vực Suối Miên, phần vì hai gánh bún quá nặng phần mệt nên chúng tôi quyết định chui vào một bụi cây ở gần đó giấu một thùng bún và gánh thùng bún còn lại trực chỉ xóm Miên. Trên đường về lại Galang 1 chúng tôi tấp vào lấy cái thùng bún giấu trong bụi cây, cả hai chúng tôi đã cười thật giòn và thật lâu khi nghĩ đến cảnh trở lại chỗ giấu thùng bún mà kiếm không ra vì cắc cớ có ông nào đi ngang tấp vào tè bậy mà thấy thùng bún và vác luôn về thì anh em chúng tôi chắc sẽ khóc bằng tiếng Miên luôn.

Có những người Miên thật tốt bụng khi thấy anh em chúng tôi bận quần áo tả tơi trong lúc vất vả mưu sinh đã kêu lại cho quần áo lành lặn để bận, buôn bán một thời gian thì chúng tôi bắt đầu có những mối tốt, họ đặt bún của chúng tôi hàng ngày để nấu món Bún Cá bán trong làng Miên. Anh em chúng tôi thay nhau mỗi ngày vào buổi chiều gánh bún đi bỏ mối ngoài làng Miên, khi thì 15 kg khi thì 10 kg tùy theo ngày. Thấy chúng tôi làm ăn được người chủ lò bún sinh lòng tham, anh ta tăng giá bún lên và sắm xe đạp chở bún ra ngoài làng Miên giành mối và bán sỉ với giá rẻ hơn. Bất mãn anh em chúng tôi không tiếp tục đi bán bún nữa. Sau này một số anh em trong nhóm con bà phước đã phải đi đánh bắt cá ngoài biển, bán bánh mì, bán cà rem, đào giếng mướn và một vài đứa thì làm nghề báo thư mà chúng tôi gọi đùa là những tay chuyên Bóp Cổ Thiên Hạ.

Galang là một trường đời đầy thử thách đã rèn luyện và huấn nhục chúng tôi được cứng cáp và trưởng thành hơn, từ cách đối nhân xử thế đầy tình người cho đến nhân tình thế thái bạc bẽo của cuộc đời chúng tôi đều được học từ trại Galang, có những bài học rất đắt giá và có những bài học không phải trả tiền mà chúng tôi may mắn được học qua những kinh nghiệm đau thương của bạn bè và chính cá nhân mình.

Trong những năm tháng đầu tiên ở trại tỵ nạn, chúng tôi lam lũ cực nhọc mưu sinh nhưng tinh thần thì rất vui và không có nhiều lo nghĩ cho đến khi bắt đầu có kết quả thanh lọc vào những đợt đầu tiên cho những đồng bào đến trại vào những ngày đầu tiên kể từ sau ngày đóng cửa đảo, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền sở tại vì muốn chặn đứng làn sóng thuyền nhân vượt biển tìm tự do nên đã tạo ra rất nhiều chuyện bất công trong vấn đề xác định tư cách tỵ nạn chính trị của thuyền nhân.

Thảm cảnh chèn ép buộc những cô gái Việt phải hiến thân để đánh đổi tấm vé công nhận là tỵ nạn chính trị xảy ra ngày càng nhiều. Nhà cầm quyền Nam Dương có toàn quyền quyết định tư cách tỵ nạn chính trị của thuyền nhân nên vô tình đã tiếp tay cho những nhân vật đang nắm vai trò sinh sát trên đảo lộng hành mặc sức chà đạp nhân phẩm và tiết hạnh của người phụ nữ Việt Nam trong khoảng thời gian khủng hoảng này.

Đã có rất nhiều trường hợp cả gia đình phải tốn rất nhiều tiền để hối lộ các giới chức cầm quyền và họ còn bị bắt ép phải hiến dâng con gái dưới tuổi vị thành niên của họ cho những tên phó hay trưởng đảo cũng như những nhân vật coi về phần an ninh và thanh lọc.

Đã có nhiều trường hợp lường gạt để lấy tiền của thuyền nhân khi hối lộ với chính quyền địa phương dẫn đến giết người để bịt miệng, vụ án ở Suối Chùa Kim Quang mà hai anh Sáu Koler và Nguyễn Văn Viễn là nạn nhân của những tên sát nhân này.

Bất công và đau khổ dày xéo tâm can của những thuyền nhân Galang, sau khi nhận kết quả rớt thanh lọc, anh Diệp Quang Huy đã gặp luật sư người Phi để tư vấn cho vấn đề khiếu nại của mình, bị tên Phi lùn xúc phạm, anh Diệp Quang Huy đã tẩm dầu tự thiêu ngay trước văn phòng Sơ Vấn Galang 2.

Minor Lưu Thị Hồng Hạnh đã đậu thanh lọc nhưng bị rút giấy đậu vì là minor đã phẫn uất tự thiêu ngay trong barrack của mình. Những thảm trạng của thuyền nhân thật là bi thương đã xảy ra rất nhiều vào thời điểm 1991-1996.

Giá trị của hai chữ tự do đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt, bằng đói khát của những ngày lênh đênh trên biển, bằng sự tủi nhục của thân xác phụ nữ Việt trên biển và trong đất liền, bằng sự rẻ khinh và xua đuổi của các quốc gia tạm trú, bằng những nấm mồ hoang lạnh trên các trại tỵ nạn của không biết bao nhiêu ngàn thuyền nhân đã bỏ mình nơi rừng sâu, đảo vắng.

Và hơn hết là bằng sự đấu tranh tuyệt thực biểu tình của hơn 4,500 thuyền nhân tại Galang, hơn 2,000 thuyền nhân tuyệt thực ngất xỉu phài vào cấp cứu tại bệnh viện Galang 2, hơn 20 thanh niên đã đâm bụng tự sát không thành. Anh Phạm Văn Châu đã tự thiêu trong buổi sáng biểu tình và được đưa sang Pinang chết mất xác. Anh Lê Xuân Thọ đã tẩm dầu tự thiêu và đâm bụng chết tại chỗ biểu tình được đồng bào quàn và giữ xác trong quan tài tại chỗ biểu tình cho đến ngày cuối cùng sau khi bị cảnh sát đặc nhiệm của Indo trấn áp.

Cuộc biểu tình suốt 179 ngày đêm của thuyền nhân Galang chống cưỡng bức hồi hương và đòi hỏi công bằng cũng như quyền tự do tỵ nạn chính trị của mình là cuộc biểu tình dài nhất và bi thương nhất trong lịch sử của thuyền nhân tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam. Là thuyền nhân vượt biển tìm tự do chúng ta không được phép quên chúng ta là ai và tại sao chúng ta đang ở khắp nơi trên thế giới này.

Galang một trời tâm sự...

Sông Tiền

Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn