BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngọc Hoài Phương, Tính chất nhà báo trong thi ca

06 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1465)
Ngọc Hoài Phương, Tính chất nhà báo trong thi ca
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Tôi không rõ thời gian ở Việt Nam trước tháng 4, 1975, nhà báo Ngọc Hoài Phương có làm thơ nhiều không? Chỉ biết thời trung học, ông rất xông xáo, nhiệt tình với những sinh hoạt văn nghệ học sinh thời đó.

Nhưng giai đoạn này của Ngọc Hoài Phương đã chấm dứt sớm khi ông chính thức bước chân vào làng báo. Khoảng giữa năm 1964, ông nhận lời phụ trách trang văn nghệ, rồi mau chóng trở thành phụ tá tổng thư ký nhật báo Thời Luận của Giáo Sư Nghiêm Xuân Thiện.




Từ trái: Ngọc Hoài Phương, Đỗ Ngọc Yến, Du Tử Lê, Lê Thiệp, Đỗ Bảo Anh. (Hình: dutule.com)


Khởi tự bệ phóng nhật báo Thời Luận, tính tới ngày di tản khỏi Sài Gòn, Ngọc Hoài Phương được giới ký giả ghi nhận là, một trong những ký giả thành công nhất, qua nhiều vai trò, chức vụ của nhiều nhật báo, tuần báo khác nhau ở Sài Gòn.

Định cư tại miền Nam California, ngay những tháng năm đầu tiên của đời tị nạn, Ngọc Hoài Phương cũng đã trở lại với sinh hoạt báo chí, như một cái nghiệp mà, ông không thể bỏ được. Đó là thời gian ông cùng với cố ký giả Nguyễn Hoàng Đoan và một vài thân hữu nữa, dựng bảng Hồn Việt ở San Diego, trước khi di chuyển về vùng Los Angeles.

Khi tạp chí Hồn Việt được sang tên cho ông Đỗ Ngọc Tùng thì, Ngọc Hoài Phương là người được ông Tùng yêu cầu ở lại, tiếp tục trông nom tổng quát tờ báo này. Tới năm 1989, ông chính thức trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Hồn Việt do ông Đỗ Ngọc Tùng trao lại.

Cùng với sự thăng trầm của nền kinh tế Hoa Kỳ và sự phát triển rầm rộ, cạnh tranh gay gắt thuộc lãnh vực báo chí, truyền thanh, truyền hình của cộng đồng Người Việt tại Hoa Kỳ, như nhiều tạp chí khác, báo Hồn Việt phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để tồn tại.

Giữa lúc các tạp chí lần lượt phải đình bản thì, Hồn Việt của Ngọc Hoài Phương, với sự tiếp tay tích cực của cố nhạc sĩ Việt Dzũng, vẫn hiện diện đều đặn mỗi tháng...

Chìm trong tâm bão thời thế khó khăn ấy, nhiều người tỏ dấu ngạc nhiên, tự hỏi, lý do gì khiến Ngọc Hoài Phương không buông bỏ gánh nặng Hồn Việt?

Đôi lần, trong những gặp gỡ bằng hữu, nhà báo Ngọc Hoài Phương cho biết, ông cố duy trì Hồn Việt, để lấy chỗ đăng tải sáng tác của những người mới viết hoặc, những cây bút không có được sự quảng giao trong lãnh vực sinh hoạt văn nghệ.

Ông nói:

“Nếu tôi đóng của tờ Hồn Việt thì lấy chỗ đâu cho nhu cầu phổ biến sáng tác của những tác giả đó?”

Dù cố gắng với tâm nguyện đáng quý như vừa kể, cuối cùng, tạp chí Hồn Việt cũng đã phải đình bản. Cách đây gần hai năm. Thời gian này, cũng là thời gian những người theo dõi sinh hoạt của nhà báo Ngọc Hoài Phương thấy ông làm thơ có phần nhiều hơn.

Theo tôi, có thể đó là phản ứng tự nhiên của nhu cầu “cân-bằng-sinh-thái tinh-thần” của người có đời sống sống nghiêng nặng về tinh thần!?.

Nếu theo dõi sít sao sinh hoạt của nhà báo Ngọc Hoài Phương, ta sẽ thấy, kể từ ngày phải sống đời tị nạn nơi xứ người, Ngọc Hoài Phương đã dành nhiều thì giờ hơn cho thơ. Bằng cớ chỉ trong vòng ít năm, ông đã cho xuất bản hai thi phẩm. Một tựa đề “Cõi tạm,” ấn hành năm 1992. Và thi phẩm thứ hai, tựa đề “Vẫn còn cõi tạm,” ấn hành năm 1999. Cả hai thi phẩm như hai dấu ấn thi ca đậm nét, bất ngờ của Ngọc Hoài Phương, để lại trong lòng người đọc.

Trước khi bước vào “Cõi tạm,” trong Lời Tựa, cố thi sĩ Nguyên Sa viết:

“Được.
“Rất được.
“Tôi có lưỡng lự, nhưng chỉ mất đúng một phần trăm giây, tôi chọn ngay ‘rất được’.
“Một mai
Xa dấu chân người
Cõi riêng
Ta vẫn rượu mời riêng ta.

“Rất được.

“Ta còn ở lại chốn này
Để coi thiên hạ biến ngày thành đêm
Cõi trần
Một tỉnh mười điên
Một mai gột hết ưu phiền
Ta đi.”

“Rất được...

“Thơ Ngọc Hoài Phương gửi Mai Thảo ở đoạn trên, rất được. Thơ Ngọc Hoài Phương gửi Du Tử Lê đoạn dưới được quá...”

Trong cõi giới thơ Ngọc Hoài Phương thị phần dành cho bằng hữu, luôn không nhỏ, dù ở giai đoạn nào. Tác giả “Áo lụa Hà Đông” đã rất chuẩn xác khi ghi nhận:

“Tôi muốn nói thơ bằng hữu của Ngọc Hoài Phương gửi Mai Thảo, gửi Du Tử Lê, gửi Long Ân, gửi Nguyên Vũ, gửi Việt Dzũng, gửi Jeannie Mai, gửi Julie, gửi Đặng Đức Nghiêm đều rất được (...)

“Đêm nằm nghe kỹ, bạn sẽ thấy còn những nhịp điệu khác của trái tim tuyệt vời đó. Nhịp quê hương. Nhịp tháng 4. Nhịp lưu vong. Nhịp Chén sầu.

“Anh còn thức giữa đêm thâu
Nghiêng ly
thêm một chén sầu ly hương.

Và:

“Tháng Tư
Vẫn tháng Tư này
Ngồi đây đếm tuổi lưu đầy, chất cao.

“Thâm sâu giữa những nhịp tim là tiếng vọng của lặng im. Tiếng vọng của ý thức về thân phận. Ý thức về kiếp người, sự hữu hạn, sự phi lý, về cái chết ở cuối đường như yếu tính của sự sống, yếu tính của hữu thể. Ngọc Hoài Phương quan tâm tới triết lý từ bao giờ? Làm sao Ngọc Hoài Phương tìm được cái nghệ thuật đưa triết học vào thơ mà không làm dáng, thẳm sâu mà không ồn ào, đau đớn mà không khóc than. Triết lý Cõi Tạm. Triết lý cõi đời. Triết lý cõi trời. Triết lý cõi ta.

“Cõi này đã lỡ ghé qua
Thì trăm năm
Cũng chỉ là thế thôi
Cõi xưa
Đã bỏ đi rồi
Cõi sau chưa tới
Cõi trời thì xa.
Cõi người
Thế giới mù lòa
Ngồi nghe toàn chuyện quê nhà tang thương
Cõi riêng
sót lại cuối đường - cõi ta” (...)
(Trích Nguyên Sa, “Cõi Tạm,” tr. 5, 6, 7 ... 8)
.

Tính chắt, lọc, nhắm thẳng vào tâm điểm của hiện tượng, dù tâm cảnh hay, hiện thực đời thường, là một trong những nét đặc thù của thơ Ngọc Hoài Phương.

Dường như trong tất cả những bài thơ có được, tính tới hôm nay của tác giả “Cõi Tạm” ngày càng trở nên chắt, lọc hơn.

Đọc nhiều thơ Ngọc Hoài Phương những tháng, năm vừa qua, tôi thấy, càng lúc, thơ ông càng ngắn lại. Có nhiều bài chỉ hai câu. Hoặc, dài lắm, thì cũng chỉ tối đa bốn câu mà thôi.

Nhưng đó là sự lắng xuống, sắc lại rất khó đạt tới trong ngữ-cảnh phức tạp, muộn phiền nơi những năm tháng cuối đời tị nạn của một thi sĩ.

Tôi trộm nghĩ, có thể vì thói quen hay kỹ năng của một nhà báo có trên nửa thế kỷ tác nghiệp, đã trở thành thuộc tính của Ngọc Hoài Phương? Nên khi mục kích, ghi nhận một sự việc, một hiện tượng thì phản xạ tự nhiên, giúp ông nhận ra ngay, đâu là cốt lõi của sự kiện? Đâu là tâm bão của những thước phim chuyển động vút qua của cảm nhận?

Giống như một nhiếp ảnh gia lão luyện, nhìn vào một tấm-ảnh-tâm-trạng-thời-thế, Ngọc Hoài Phương thấy ngay ông phải chiếu ống kính hay, ngọn đèn nhà báo của mình vào những góc nào của dương bản? Ông có khả năng chụp bắt cái giây phút phù du kia bằng những con chữ...cũng sâu, kín như những góc khuất ấy. Và, chỉ một góc khuất ấy!?!

Nhờ vậy, người đọc thơ ông, tựa như được uống nước cốt của một loại loại rượu chưng cất, riêng. Rất riêng. Rất Ngọc Hoài Phương, vậy.

(California, tháng 3, 2015)

.
Sau đây, chúng tôi trân trọng kính mời bạn đọc thưởng lãm một số thơ mới/cũ, do chính tác giả Ngọc Hoài Phượng tự chọn.
.
Còn xa đường về
Ta giờ lưu lạc cuối trời
Sài Gòn, thôi cũng một thời đã qua!
Tháng Tư, vẫn nhớ quê nhà
Bao nhiêu năm lẻ, còn xa đường về...

Vô đề
Nắng xuân không ấm đời luân lạc
Quê cũ mù xa, chặn lối về.

Rừng hoang
Một góc rừng hoang,
Phật ở đây.
Trải bao năm tháng chẳng ai hay
Thế gian
rối rít trò điên đảo
Ai tỉnh?
Ai vờ ngất ngưởng say?

Con cá mắc cạn
Ta như con cá xa nguồn
Bao nhiêu năm
Vẫn chẳng buồn trách ai.
Cuộc đời
Bớt một
Thêm hai
Thế cho nên
Chuyện dông dài
Vậy thôi...

Đời cũng vàng theo cánh hạc bay
Một chút vu vơ gió đuổi mây
Dấu xưa còn đậm nét. Ô hay
Mùa Xuân lại đến, không hò hẹn
Đời cũng vàng theo cánh hạc bay.

Ngựa già
Ngựa già sau chặng đường dài
Bước trong xa vắng
Bước ngoài lẻ loi
Ngập ngừng: bước nữa hay thôi
Ngước nhìn: mây cuối chân trời vẫn xa.

Chút đá vàng còn sót lại ngàn sau
Ta vẫn sống như người xưa đã sống
Chẳng có gì để gửi lại cho nhau
Và, ta cũng biến như người xưa đã khuất
Chút đá vàng còn sót lại ngàn sau...

Ngọc Hoài Phương

Du Tử Lê

Nguồn Người Việt
Ý kiến bạn đọc
11 Tháng Năm 20198:07 SA
Khách
Hay de con trai ong duoc gap me ruot la Nghe si Dien anh Bích Liên nhe thua Chu Ngoc Hoai Phuong
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn