BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đường tới sự ti tiện và nhược tiểu điển hình

22 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 830)
Đường tới sự ti tiện và nhược tiểu điển hình
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Đường tới thành Thăng Long, bộ phim cúng giỗ dịp 1000 năm Thăng Long có phải "phim Tàu nói tiếng Việt" hay không thì chỉ cần nghe ý kiến của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Tại sao cha ông ta cố gắng học tập Trung Quốc mà vẫn làm ra phong cách Việt Nam, còn chúng ta bây giờ muốn tránh xa tầm ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc mà làm ra cái gì cũng giống Trung Quốc. Và Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: "Đây là một bộ phim Trung Quốc. Không có gì phải tranh cãi. Biên kịch Trung Quốc. Đạo diễn Trung Quốc..". Khi cả cố vấn lịch sử văn hóa cho phim ĐTTTL, khi thành viên của Hội đồng duyệt phim đã nói như thế, và nhất là khi Hội đồng đã kết luận có nhiều yếu tố trong phim "mang màu sắc Trung Quốc"- cần phải sửa thì nhân dân chúng ta, những người nhiều khả năng sẽ phải trả cả trăm tỷ cho "tư nhân" nên xem qua trailer của bộ phim để thấy rằng sự yếu, kém chưa phải là tất cả đối với những nhà làm phim lịch sử Việt Nam.

Hội đồng duyệt phim, trong yêu cầu ngắn về những điểm bắt buộc cần sửa đã nhắc tới 3 chi tiết rất đáng chú ý: ĐTTTL dễ gây cho người xem cảm giác đây là bộ phim truyền hình TQ...Một số chi tiết trong phim cần tái hiện đúng với lịch sử, tránh mang dáng dấp dã sử TQ...Sửa lại những lời thoại hoặc quá hiện đại, hoặc mang màu sắc phim dã sử TQ. Và tiết quan trọng nhất là cái kết phim: Quyết định dời đô của vua Lý là thể hiện tầm nhìn của ông, chứ không phải bắt chước theo TQ.

Trong văn bản mời tài trợ cho phim, người ta đã giới thiệu: Tổng đạo diễn Cận Đức Mậu, người đã thực hiện những phim như "Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên", rồi Đạo diễn Trung Quốc Triệu Lôi, và tất nhiên, còn có thêm một đạo diễn Việt Nam Tạ Huy Cường. Ủa, mà đạo diễn Tạ Huy Cường là ai vậy? Rồi thì trailer quảng cáo đây là một bộ phim hoành tráng. Gần 700 bộ trang phục cổ mà chính cố vấn lịch sử văn hóa cho phim nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cũng thừa nhận là đã chọn kiến trúc và đạo cụ phong cách Tần- Hán. Bởi dù chúng quy mô và đồ sộ, xa lạ với ta nhưng "không thể nào làm khác được". Rồi thì trường quay Hoành Điếm. Rồi thì 400 diễn viên quần chúng cũng người Trung Quốc. Và bộ phim tự nhận là của Việt Nam đó đã chỉ quay ở VN có 4 ngày. Ngay cả khi nhìn thấy mấy diễn viên Việt có vẻ quen quen, thì xem trailer, người ta có quyền tin rằng đây chính thực là một bộ phim dã sử Trung Quốc nơi các gương mặt Tàu- Hoa- Việt đánh nhau lộn bậy và phần thắng cuối cùng thuộc về văn hóa Trung Quốc. Nói thêm là phim dã sử TQ có những tiêu chuẩn riêng, nó hay và hấp dẫn với ngay chính khán giả Việt. Nhưng rõ ràng đó không phải là món có thể đem đặt lên bàn thờ trong dịp cúng giổ tổ tiên. Một chi tiết khác là Tổng đạo diễn Cận Đức Mậu, người cũng từng làm phim "Đại Tống khai quốc". Không hiểu khi chỉ đạo cảnh Lê Hoàn đánh đuổi quân Tống (mà ông vừa ca ngợi) trên sông Bạch Đằng thì ông ta sẽ nghĩ gì? Ngưỡng mộ vua Lê hay bi thương cho Tống quân? Xin đừng có ai đó nói tình cảm của người làm phim không ảnh hưởng chút gì đến bộ phim.

Trailer quảng cáo ĐTTTL là "con đường đi từ nhược tiểu tới hùng cường vững mạnh" nhưng con đường mà người ta làm nên bộ phim này, cái cách người ta quảng cáo và háo hức với yếu tố Tàu, và biến nó từ một bộ phim tư nhân xã hội hóa thành phim "chào mừng ngàn năm", đang là con đường đi tới sự ti tiện và nhược tiểu điển hình.

Đây là một bộ phim tư nhân hiếu kính ông bà tổ tiên, là "xã hội hóa" kinh phí, là miễn phí hoàn toàn? Và vì tư nhân, vì xã hội hóa, vì miễn phí nên người ta muốn làm gì thì làm? Nhân dân thật thà và tốt bụng đến ngây thơ, đến ảo tưởng của tôi ơi, chuyện không đơn giản, không tốt đẹp như bà con nghĩ đâu. Cách đây hơn 1 năm, ngày 14-9-2009, Bộ Văn Thể có công văn 3055 "phúc đáp một công văn của Văn phòng Chính phủ" gợi ý việc họ tham gia Dự án phim ĐTTTL. Tại sao Văn phòng Chính phủ có công văn gợi ý này thì chắc chỉ mình họ biết. Bộ Văn Thể, sau khi được gợi ý lập tức nhiệt liệt hưởng ứng: Bộ phim được hoàn thành hứa hẹn là một công trình nghệ thuật hấp dẫn, mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn. Bộ kính trình Phó Thủ tướng xem xét đưa bộ phim vào nội dung chính thức của chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Một tuần sau đó, ngày 23-9, VPCP có công văn thể hiện ý kiến của Phó Thủ tướng ok đưa phim vào chương trình chính thức. Điều này có nghĩa là nhà nước sẽ đứng ra "xã hội hóa" thay cho những công dân cứng đầu không chịu góp tiền cúng ông bà? Và số tiền cho phim giờ cũng đã ngót ngét trăm tỷ chứ nào phải vò sò vỏ hến gì.

Năm ngoái, trên Thể thao và văn hóa, một ấn phẩm của TTXVN, trước những kinh phí khủng cho các bộ phim: 60 tỷ cho phim Chiếu dời đô; 50 tỷ do Thái sư Trần Thủ Độ; (Chưa kể 2,5 tỷ ném qua cửa sổ cho riêng việc thiết kế trường quay, thăm quan học hỏi Trung Quốc cho phim "Thái tổ Lý Công Uẩn"- vì phim này đã có quyết định "giãn tiến độ"), TS Nguyễn Hồng Kiên viết: Trong điều kiện còn nghèo như Việt Nam, thay bằng việc nhao vào làm phim kỷ niệm (hoặc để khẳng định tình yêu của mình với Hà Nội, với sự kiện Đại lễ 1.000 năm), hãy dành số tiền đó để làm một cái gì đó thiết thực hơn, có ý nghĩa lâu bền hơn và có giá trị hơn...Tất cả những bộ phim từ cuộc vận động sáng tác kịch bản, hoặc bằng cách này cách khác, đều đã được xếp kho. Và cái "bộ phim Trung Quốc do Việt Nam trả tiền", bộ phim tư nhân do một công ty có địa chỉ ở thủ đô nhưng mang cái tên Trường Thành làm giờ đã được kéo từ 12 lên 19 tập, và tỷ lệ thuận với yếu tố Tàu, kinh phí cũng đã lên tới cả trăm tỷ. Một sự nhạo báng lịch sử văn hóa dân tộc, một sự xúc phạm dân chúng không hơn không kém!

Ở ta, khán giả nhớ nhất bộ phim truyền hình "Hoàng Lê Nhất Thống". Nhớ là bởi nó chiếm giờ vàng, nó tra tấn khán giả đến hàng tháng trời. Và bây giờ, đến lượt bộ phim thứ hai gây "ấn tượng". Không phải vì mức kinh phí khủng, không phải vì nó tạo ra cuộc cách mạng trong việc làm phim lịch sử mà là vì- nói như tác giả Thiên Sơn- nó giống với việc ".. tổ tiên mình không thờ, lại nhờ người khác thờ hộ".


(Trung Hiếu: Diễn viên Việt thì vào vai vua chúa, Tàu thì đóng quân hầu)


Với 100 tỷ cho Đường tới thành Thăng Long, mỗi phút phát sóng tiêu tốn tương đương 100 triệu đồng, mỗi tập phim hơn 5 tỷ đồng. Người trong cuộc đã nói gì về bộ phim bom tấn này:

Giám đốc công ty cổ phần truyền thông Trường Thành, ông Trịnh Văn Sơn: "Người Hàn Quốc từng thúc đẩy kinh tế bằng điện ảnh, tại sao chúng ta lại không? Chúng tôi sẽ bán bản quyền 19 tập phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long cho các nước bạn sau khi phim phát sóng tại Việt Nam ”.

Tiến sỹ- Họa sỹ Đoàn Thị Tình, người chịu trách nhiệm thiết kế trang phục: "Đây là bộ phim lịch sử của Việt Nam , tự thân mỗi người trong đoàn làm phim đều hết sức cố gắng để bộ phim Việt hóa nhất.. (Chắc bà Tình nhầm, phim Việt sao phải cố gắng, và cố hết sức để Việt hóa?)

Còn Diễn viên- NSƯT Trung Hiếu, người đóng vai vua Đinh Tiên Hoàng trong phim thì mong muốn "khai hóa" dân Tàu: "Tất cả các diễn viên Việt Nam sang đều vào vai vua, chúa. Diễn viên Trung Quốc đóng vai hầu... Đóng phim lịch sử nước mình trên trường quay nước bạn cũng giống như được giới thiệu lịch sử của nước mình với nước bạn, diễn viên chúng tôi cảm thấy rất tự hào".


Đào Tuấn

18-09-2010

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn