BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73217)
(Xem: 62210)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ân tình mây bay

05 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1493)
Ân tình mây bay
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
(…từ một chuyện dở dang liên quan đến đồn trạm kiểm soát Dầu Giây và huyện Thống Nhất Đồng Nai, một huyện được đặc biệt chú ý song song với sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo địa phận Xuân Lộc. Huyện này là huyện trọng điểm an ninh của chế độ cộng sản khi mới cầm quyền ở miền Nam, vì qui tụ bốn cộng đồng công giáo miền Bắc di cư 1954 là Hố Nai, Tam Hiệp, Xuân Lộc và Túc Trưng Gia Kiệm). Một số chi tiết trong bài viết chỉ là một nửa của sự việc thực…).

*

…tháng 3. 1978

Người đàn bà lấy chân đá đá vào lưng tôi, vừa đá vừa nói với mấy người công an 30.

- Bắt chi thằng này. Mặt nó còn búng ra sữa bắt nó làm gì …

- Thưa Dì …

- Nói thả là thả! Mặt mũi này mà phản động nỗi gì. Rồi mấy cái xứ đạo cả huyện lại ầm lên. Thả nó ra! Có là phản động thì cũng chỉ là đám cắc ké kỳ nhông. Bắt nó, bứt giây động rừng... cả cái huyện này hầu hết là bắc kỳ công giáo bộ tụi bây không biết à …

Ba bốn tên công an 30 lật sấp mặt tôi xuống đất, một đứa ngồi hẳn xuống để cởi những nút thừng đã bị siết quá chặt ở cả hai cánh khuỷu lẫn hai cổ tay và hai cổ chân. Kiểu trói giật khuỷu, làm cả tay và chân quắp ngược lại phía sau lưng.

- Đù mẹ, số mày lớn lắm đó thằng nhóc!

Thằng nhóc! Tôi nín câm chịu đựng. Đám này hơn tuổi tôi chừng hai ba tuổi, một nửa là dân nam cờ, gần phân nửa là dân bake chín nút đám trốn lính chế độ cũ, phần tư còn lại mới vào từ Bắc, bọn này già tuổi hơn.

Dây tháo hết, tôi cố gắng quỳ lên dù đầu gối đã muốn cứng lại. Họ bắt tôi đêm qua, giữa đoạn Bàu Cá về Trảng Bom trên quốc lộ 1. Hai xe Honda 67 đều thoát, tôi bị bắt vì tụt xuống xe cho C… lái chiếc 67 nòng không xoáy có thể nhẹ nhàng chẻ hướng vào những con đường đất đỏ tắt ngang qua rừng cao su để nhắm ngược về hướng Cẩm Đường. Trong yên xe là những tài liệu và truyền đơn của phong trào Kháng Chiến Liên Tôn. Đám công an ba mươi cũng chạy xe Honda nhưng chắc chắn sẽ không đuổi được cặp đôi của H… trên đường tối quốc lộ, bắn cũng khó trúng mà lại sẽ lạc đạn vào dân. Xe của C… chẻ vào rừng cao su, điều hiển nhiên là đám công an 30 huyện Thống Nhất sẽ không dám lao theo vào rừng, phần vì không rành những đoạn đường ổ gà đầy bất trắc trong rừng cao su, phần vì sợ bị C… bật lại khi lâm vào đường cùng. Chắc chắn thông tin họ nhận được qua những cụm đặc tình đã mật báo là đám chúng tôi sử dụng vũ khí thành thạo và không ngán ngẩm gì chuyện đọ súng …

- Đi đi thằng ông nội. Đừng dại dột nữa nghe. Không có lần thứ hai như bữa nay đâu …

Tôi lí nhí cám ơn, sửa mấy cái cúc còn lại cho ngay ngắn chiếc áo caro không còn nhận ra là màu gì, vuốt lại quần dài đen còn bê bết đất và máu. Từ đêm qua, tôi đã bị dần đến mềm oặt. Năm bảy cú bá súng đánh vào bụng bằng sức trai tráng 19, 20 làm tôi tái dại cả người. May mà nước da tôi trắng và các cơ bắp mang dạng học trò. Nước da trắng với thân hình thư sinh cao lều khều khi bị lột trần, chắc chắn đã làm giảm chất lượng những đòn đánh của đám công an 30 trẻ măng này.

Ôm bụng khó khăn bước từng bước một ra khỏi khu vực công an huyện Thống Nhất, vốn sát ngay bên một trại tù cải tạo nhỏ, nằm khuất hẳn vào bên trong khu ấp Thanh Hóa của xã Hố Nai 3 sát biên giới với căn cứ quân sự Long Bình cũ. Tôi cố gắng để không bị gập mình xuống. Bụng đau quặn thắt, cảm giác nếu giờ gập người xuống, chắc chắn máu sẽ thốc ra hết mà chết. Nội tạng, ruột gan…cơ hồ chẳng còn cái gì dính với cái gì! Đau quá, tôi ngồi bệt xuống bên vệ đường đất nện. Đây là đoạn đường những năm đầu «giải phóng» tôi thường đi qua. Bên tay mặt, cách một con rào là trường phổ thông cấp 3, nơi năm trước tôi còn cắp sách ngồi học lớp 10. Giờ trong những lớp học cuối cùng bậc trung học kia, chắc chắn có những đứa bạn của tôi. Những đứa bạn chưa kịp thân nhau vì là tứ xứ gặp nhau khi thi đậu vào cấp ba chế độ giáo dục mới. Chưa kịp thân vì là hầm bà lằng thắn cấu quốc gia cộng sản ngồi chung một lớp. Chưa kịp thân vì tôi đã đầy ắp ý tưởng chống đối kịch liệt, những giờ văn, sử …với tôi là những giờ tra tấn đầy nhục nhằn. Mái trường tôi đã bỏ đi khi chưa xong lớp 10, bạn chưa đủ thân và Thày chưa tìm được một ai để kính.

Từng bước từng bước, rồi tôi cũng chập chững ra được đường lộ. Qua khu quán xá ồn náo gần cổng trường, nhìn thấy cửa ngôi giáo đường giáo xứ Thanh Hóa tôi như được tăng thêm nhiều sức lực. Tôi thèm được bước vào ngôi thánh đường đơn sơ ấy …nhưng nghĩ đến B… tôi đành dập đi ý định. Nhà B… ở phía sau thánh đường. Vô phúc tôi đang lọ mọ vào sân nhà thờ mà đụng phải bố mẹ hay em gái B…thì sẽ là tai họa giáng xuống cho gia đình họ. Tôi cảm giác là có những ánh mắt vẫn bám sát theo tôi. Khu vực này là khu vực duy nhất có sự trà trộn sống lẫn nhau giữa người miền Bắc di cư và người miền Nam hoạt động cho Mặt Trận Giải Phóng thời kỳ 1960/1975.

Nguyên một giải đất quốc lộ 1, cây số thứ hai tính từ thị xã Biên Hòa kéo dài đến cây số thứ 20 là Trảng Bom, rặc là những xứ đạo tập trung đồng bào công giáo di cư từ các tỉnh miền Bắc, duy nhất đoạn cây số thứ 14 là khu vực giáo xứ Thanh Hóa có sự sống lẫn của chừng 30 nóc gia là người miền Nam. Đây được hiểu là những gia đình bám trụ chiến lược, vì với tính cách của đồng bào công giáo di cư, sự sinh hoạt của khoảng 30 nóc gia người miền Nam bám trụ mặt đường quốc lộ 1 này thật không hề dễ thở chút nào.

Tính theo đường chim bay, vùng đuôi chiến khu D, đoạn cuối sông La Ngà và vùng Trị An …chỉ cách tổng kho quân sự Long Bình có 4 hay 5 km. Tất cả các cuộc đánh của đặc công VC vào kho đạn Long Bình thời kỳ 1970 đều xuất phát từ mật khu Trị An, qua các trạm dân sự chuyển tiếp là Thanh Hóa và Trảng Bom (km 14 và 19 quốc lộ 1 đoạn Hố Nai).

Mùi thức ăn bay ra từ những quán nhậu làm tôi muốn nôn mửa. Tôi không cảm thấy đói, mà óc ách rã rời đến bải hoải tứ chi. Nhiều con mắt tò mò nhìn nhưng chắc đều nghĩ tôi là trộm cắp nên chỉ lắc đầu ái ngại. Điều tôi sợ nhất lúc này là có đứa bạn cùng lớp nào đó nhìn thấy mình! Dù mặt mày chắc chắn đã bầm dập, nhưng tướng tôi cao đặc biệt, nếu gặp, thế nào chúng cũng nhận ra. Càng sợ hơn khi nghĩ đến một người con gái gốc giáo xứ Bùi Chu với mái tóc dài chấm thắt lưng…

Tôi thu hết sức bình sinh, đi dần ra sát mặt lộ. Sang bên kia đường, đi qua phần cổng nhà thờ Thanh Hóa một chút, đứng lại giơ tay vẫy những chiếc xe lam (môt loại xe khách ba bánh chạy bằng máy xe Lambretta), chiếc thứ ba dừng lại. Trong khoang xe khoảng bẩy tám người khách, hầu hết là đàn bà phụ nữ. Tài xế dừng xe, bước hẳn xuống nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi.

- Anh về đâu ?

May quá, là giọng Bắc của dân xứ Hànội. Tôi cố nói rõ tiếng với cái môi chắc đã vều ra dị dạng.

- Nhà thương Thánh Tâm.

Mắt người tài xế có vẻ thảng thốt. Ông nhìn nhanh vào khoang xe. Hai hàng ghế vẫn còn trống mỗi bên cho một người. Nhìn lại tôi ông hỏi.

- Cậu ngồi đằng trước được không ?

Tôi cảm thấy ấm lòng, cảm thấy như được vỗ về trong hoàn cảnh nghiệt ngã không tưởng. Chắc ông ta nhận ra giọng nói Bắc kỳ di cư của tôi và chắc đã liên tưởng đến chuyện khác chứ không đơn giản chỉ là chuyện trộm cắp và bị công an đánh. Tôi cũng hiểu rằng ông tránh việc quần áo dây đầy bùn và máu khô của tôi sẽ làm phiền đến người khác, gây bất nhẫn cho cả tôi và mọi người. Tôi gật đầu, dù biết sẽ rất khó khăn, vì phía trước của xe lam, bên cạnh tài xế, chỉ là hai chiếc thùng đạn đại liên 30 biến cách đóng vào thành xe để làm thành chỗ ngồi vắt vẻo cho người phụ tài, lơ xe.

Tôi không có đồng bạc nào trong người. Nói đi đến nhà thương Thánh tâm để tôi từ đó sẽ xin mượn tiền của ông bác sĩ Quế, một người thân của chị tôi, nhà ở giáo xứ Mai Trung, sát phía sau nhà chị tôi ở giáo xứ Kẻ Sặt.

Bám vào vai người tài xế, tôi bậm môi nghiến răng ngồi ngay ngắn lên nắp thùng đạn. Nhìn kỹ tôi đã ngồi chắc chắn ông mới đạp máy xe. Tiếng máy Lambretta quen thuộc, mùi săng pha đặc thù của giới xe lam làm cho tôi một cảm giác yên tâm. Xe chạy qua phần đất nhà dòng mẹ Catarina, hiện đã thành trụ sở của “ủy ban ND” xã Hố Nai 3. Ông chao người nói vừa cho tôi nghe.

- Cậu chắc bị theo!

Tôi gật đầu không nói gì.

Xe đổ dốc khu vực giáo xứ Sài Quất, người tài xế bỗng đặt bàn tay xương xẩu lên mu bàn tay trái của tôi, ngón tay khượi khượi như ý bảo tôi lật ngửa bàn tay mình lên. Tôi ngửa tay, trong lòng bàn tay của ông là một nắm tiền lẻ, ấn nhanh vào lòng bàn tay tôi...

Có tiền, tôi như trút được gánh nặng ngàn cân, vì sẽ thoát cảnh phải vào nhà thương Thánh Tâm gặp ông bác sĩ Quế để mượn tiền, vì câu chuyện sẽ chắc chắn lan ra và đến tai Thày Mẹ tôi: điều tôi không bao giờ muốn. Chưa kể việc ông anh rể tôi sẽ nảy sinh cực kỳ cay đắng với tôi, vì đã có lần ông lên tiếng đuổi tôi ra khỏi nhà ông khi nghe biết tôi có dính dáng đến một ổ kháng cự!

Tôi nắm chặt mớ tiền lẻ, nhìn sang ông như một cách biểu đạt lòng biết ơn sâu sắc. Một lát sau, xe dừng ngay đầu đoạn đường chợ Thái Bình. Tôi khẽ trườn mình xuống, đúng lúc mu bàn tay phải như có người nắm lấy. Nhìn lên bàn tay mình đang nắm chặt thanh sắt khung xe, tôi thấy bàn tay người phụ nữ ngồi sát sau lưng tôi ban nãy đang gõ gõ vào tay tôi.

- Nhờ em đưa cho mấy nhỏ …

Ánh mắt trợn lên nhìn vào mắt tôi! Giọng miền Nam lạc lõng. Ánh mắt như một lời ra lệnh. Tôi mở lòng bàn tay, nắm chặt lại mớ tiền giấy, tia mắt quét thật nhanh ngang mắt bà …

- Chú cho cháu xuống đây …

Người tài xế và hầu hết những người còn lại trong xe đều có vẻ ái ngại nhìn. Tôi quay người, cố giữ dáng bình thường, nhắm thẳng cổng nhà thờ Ngọc Đồng, đi vào khuôn viên đến sát cánh cửa gỗ đang đóng im ỉm. Tôi ngồi tựa vào thành cửa, biết chắc thế nào vị Linh Mục cũng sẽ bước ra. Ông là người của dòng họ gia đình tôi, tên là Cha Sự. Ông không biết tôi nhưng tôi biết rõ ông và còn biết ông là một vị Linh Mục hiếm hoi không hề sợ người cộng sản, giáo dân nơi đây lại rất kính trọng ông. Tôi đến nhà thờ trong hoàn cảnh này, chắc chắn ông sẽ giúp cho tắm rửa, quần áo lành lặn. Đây là điều tôi đang cần nhất để có thể hòa mình vào sinh hoạt bình thường của xã hội. Tôi muốn nhanh nhất biến khỏi đất Hố Nai mà không ai có thể biết chuyện đã xảy ra với tôi trong hơn chục giờ vừa qua. Mớ giấy tờ tùy thân đám công an chắc chắn đã biết là giấy tờ giả nhưng gốc gác tôi ở đâu chúng chưa tìm ra được. Cách nói của người đàn bà ra lệnh phóng thích hình như đâu đó đã có đoán ra được phần lớn gốc tích của tôi! Bà ta là ai ?

*

Tôi là người gốc gác làng Sặt Hải Dương, gọi Bố là Thày gọi Mẹ là Bu. Mẹ tôi người làng Ngọc Cục (sát cạnh Hành Thiện chứ không phải Hành Thiện như tôi đã lầm nghĩ nhiều năm nay).

Thày Bu tôi vào Nam, trú ở Cam Ranh rồi sau đó mới vào Biên Hòa. Nơi dừng chân của Thày Bu tôi là ngôi làng hẻo lánh mang tên Đồng Lách. Làng cách quốc lộ 1 khoảng 3 cây số đường mòn độc đạo. Dân làng 100% là dân công giáo miền Bắc di cư năm 1954.

Hai vị Linh Mục lập xứ, tôi nhớ có một vị tên là Thụ. Đây là một vị Linh Mục có nhiều sáng kiến, đã tận dụng sự hỗ trợ của chính phủ đệ nhất Cộng Hòa vào nhiều công trình nửa công nửa tư, trong đó có một công trình còn lưu lại đến tận bây giờ là khu Ao Cá Cha. Thời 1955 tới 1975 là một sự thất bại về phía vị Linh Mục, vì Ao Cá không sinh lợi được đáng là bao, mà khu vực ấy, lại trở thành một địa điểm trung chuyền lý tưởng cho các đội đặc công cộng sản xuất phát từ chiến khu D đánh vào căn cứ Long Bình, tổng kho của quân đội Mỹ và của quân đội Viêt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1968/1975.

Các đội đặc công ẩn nấp và được nuôi dấu từ đây, phóng lên cây số 14 của quốc lộ 1 (địa phận giáo xứ Thanh Hóa) và xâm nhập căn cứ Long Bình. Nhiều vụ nổ kho đạn Long Bình thời 1970 là di chuyển theo hướng tấn công này. Vị Linh Mục này cũng là tác nhân chính gây nên cảnh nhiễu nhương của sinh hoạt toàn làng Đồng Lách, bằng cách thúc ép nguyên một làng người dân tộc Nùng, thay vì ở phần đất cách biệt với đồng bào dân tộc Kinh Công giáo, thì lại tạo thành xóm dân tộc Nùng nằm ngay phần ngang của đầu cổng làng. Lý do được vị Linh Mục này đưa ra là để tránh tình trạng cộng sản tuyên truyền dụ dỗ đồng bào Nùng. Lý do thứ hai là qua việc ưu đãi ấy, có thể cải đạo được cho cả tập thể xóm người Nùng! Y tưởng này bị bị đồng bào Nùng phản đối gay gắt.

Cộng đồng người dân tộc Nùng sống chủ yếu bằng nghề nông và săn bắn, gắn bó mật thiết với núi đồi và con trâu. Chính phủ đệ nhất Cộng Hòa giúp người Nùng bằng cách ưu đãi cung cấp trâu giống. Sau 10 năm, đàn trâu của đồng bào Nùng đã lên đến hàng ngàn con.

Đàn trâu ấy, ngày ngày xuất phát từ đầu làng, đi xuyên qua làng để vào bìa rừng hoặc ra hai cánh đồng phía cuối làng hướng vào bìa rừng chiến khu D! Những bước chân của đàn trâu hàng ngàn con rầm rập đi đi về về hàng ngày, đã đẩy nguyên một cái làng dân tộc Kinh vào một ốc đảo, được bao bọc bởi những con đường bùn bụi mịt mù. Mùa mưa bùn sâu tới bụng, mùa nắng bụi mờ trời phảng phất nặc nồng mùi phân trâu!

Đồng bào Nùng sinh hoạt không có nhà vệ sinh (chung hoặc riêng). Tất cả nhu cầu đại tiểu tiện… đều ra bờ ruộng hay bụi cây ven làng. Làng Đồng Lách với tên mới là Đông Hải (1956) 10 năm đầu (1955/1965) còn là một ngôi làng khá sạch đẹp. Nhưng từ sau 1966 thì trở thành một ngôi làng đầy …cứt trâu! Đâu đâu cũng cứt trâu, dọc theo chiều dài của khuôn viên nhà thờ là một con đường lúc nào cũng ngập ngụa phân và nước tiểu của trâu. Đàn trâu hàng ngàn con, khi từ đồi rừng trở về, đi ngang qua khu vực nhà thờ đều thường dạng chân đứng ị! Đầu làng, mùa mưa phân trâu thành bùn ngập mặt dép người bộ hành!

Đó là lý do vì sao Đồng Lách, dù chỉ cách quốc lộ 1 đoạn Hố Nai khoảng 3 km …nhưng dân Hố Nai không ai dám bước chân vào làng! Cũng từ Bắc tha bôi đời di cư vào Nam, sau 10 năm, người Đồng Lách bị coi thường như một thứ dân mọi rợ!

Đó là chưa đề cập đến tình trạng an ninh “chóng mặt” của ngôi làng này.

Những năm đầu đệ nhất Cộng Hòa, cả hai làng được chú ý đặc biệt. Các đoàn Thanh niên Cộng Hòa sinh hoạt rất đều đặn. Học sinh hoàn toàn đầy đủ mọi điều kiện để theo đuổi học vấn. Cán binh cộng sản hoàn toàn bó tay, không xâm nhập được vào sinh hoạt của làng.

Nhưng sau 1964, tình hình biến đổi hẳn. Tình trạng xôi đậu, ngày Cộng Hòa đêm cộng sản, đường di chuyển của các đơn vị đặc công cộng sản dùng làng thành một đơn vị nuôi dấu gián tiếp. Những người dân công giáo miền Bắc di cư, làm ruộng làm ao, làm rừng…đều bị mua chuộc hoặc ép phải làm việc cho bên bộ đội chính qui miền Bắc. Giềng mối dân trong làng lỏng lẻo, rơi vào những phản ứng ích kỷ, phân biệt gốc gác vùng miền. Cơ sở văn hóa nghèo nàn. Những người cán bộ ấp dần dần thành dung tục, dốt, hợm hĩnh, ngoại trừ vị trưởng ấp gốc người Bắc Ninh hiền lành điển trai nhưng lại lậm máu mê cờ bạc và lối sống phong tình.

Đó là những cơ sở đầu tiên để những đơn vị pháo hỏa tiễn của quân đội chính qui cộng sản hoạt động hiệu quả cho mục tiêu phá hoại phi trường Biên Hòa những năm 1970 và rất sớm, làm tê liệt phi trường quân sự trọng yếu này vào tháng 4. 1975



*

Năm 1972, khi chiến sự Quảng Trị bùng nổ dữ dội, làng tôi nhiều quan tài phủ cờ vàng được xe tải không mui GMC chở về vội vã. Quan tài nào cũng đóng kín hai lớp vì tử thi đại đa phần đều đã sình trương bốc mùi. Lớp thiếc hàn bên trong và lớp gỗ dày bên ngoài, dù đóng hàn chặt thế nào, những chiếc quan tài ấy cũng đều được đục phá để mở ra. Tiếng đục phá quan tài. Tiếng khóc rú của những người mẹ. Tiếng nấc khô của những người cha già sương gió. Tiếng thút thít của những người vợ trẻ … mấy tháng trời quyện lẫn với mùi tử thi làm không gian sinh hoạt toàn làng như cô đặc lại. Làng tôi hầu hết thanh niên đi lính rằn ri. Không Nhảy Dù thì Thủy Quân Lục Chiến, không Cảnh Sát Dã Chiến thì Biệt Động Quân, nhẹ nhàng nhất thì cũng là Sư Đoàn 18. Người gốc Bắc Ninh hầu hết chọn binh chủng Dù hoặc Thủy Quân Lục Chiến. Người gốc Kẻ sặt đa phần là ….trốn lính. Người gốc Kiến An không rõ rệt tính cách …

Một đêm về sáng, tiếng động cơ trực thăng quần đảo dữ dội ngay cánh đồng cuối làng sát nhà tôi. Tiếng chuông lễ sớm năm giờ rưỡi hòa lẫn với tiếng đại liên 60 làm bật dậy sinh hoạt mọi nóc gia. Lễ tan, tôi cắm đầu chạy ra đồng về hướng con suối có cây sung cổ thụ. Chiều hôm qua tôi đặt một loạt bẫy để mong bắt được mấy con chim Cuốc ăn đêm dọc khu vực có gốc sung to lớn. Tôi rất thích ba cái trò đặt bẫy bắt chim bắt chồn, cả việc cắm câu đêm. Những thứ này nhà tôi lúc ấy không cần, nhưng với tôi là một cái thú khiến tôi mê say. Cây sung là một giang sơn của chúng tôi. Cành sung cổ thụ cao ngất ngưởng. Trèo lên đu ra cành phía suối rồi “ ùm” xuống mặt nước ở độ cao hàng 20 mét …là sự thích thú vô ngần. Gốc sung ba bốn người ôm, cành giơ ra dài ngoẵng giữa trời. Cách cây sung khổng lồ chừng 40 mét là ba gốc soài cổ thụ mỗi gốc cũng chừng ba người ôm! Bọn trẻ con chúng tôi chọn nơi đây là không gian thứ tư trong những không gian chơi đùa hoang dã của trẻ làng Bắc di cư (không gian nào cũng có những tán cây soài, quéo, vú sữa hoặc me … khổng lồ, ít nhất gốc cũng từ hai người ôm). Quãng suối dưới gốc sung hình như là một bãi tắm của người lập thôn lập xóm ngày xưa, hoặc của các vị điền chủ cũ đã đào khoét đất bên bờ cong, uốn theo đoạn vòng khuỷu của con suối làm thành một vũng nước quẩn sâu tới hơn đầu người với sải tay. Có bờ cát vàng mịn, nước trong vắt, hai bên bờ dày đặc các lũy tre xanh um và hai bên suối là hai cánh đồng dài xuống tận mãi con sông Rạch Đông, một phụ lưu của dòng Đồng Nai đoạn thượng nguồn.

Làng tôi có một con suối phải nói là quá đẹp. Tiếc rằng giờ đây, nghe bảo đã hoàn toàn thay đổi. Đã thành đục ngàu vì ô nhiễm, rất nhiều đỉa vì máu từ một lò mổ trâu bò xả thải trực tiếp phía đầu nguồn! Đây là con suối bắt nguồn từ những ngọn đồi gần khu vực xứ đạo Ngũ Phúc, Hố Nai. Trước 1975, dân xứ đạo Ngũ Phúc hầu như không ai biết đến nguồn suối nước tự nhiên này, vì lúc ấy các khu đồi còn là rừng tre rậm rạp, dân Hố Nai rất sợ vào những khu rừng này vì lẩn khuất đâu đó là các đơn vị …Việt cộng. Con suối chạy lòng vòng rồi áp theo sát bìa làng tôi, ra cánh đồng và chấm dứt ở đoạn đồng lúa phì nhiêu sát cạnh con rạch Đông. Tổng chiều dài con suối chừng 10km, làm thành một đường giao liên vô tình giữa Rạch Đông, Núi Chùa, Đồng Lách, Hố Nai, Long Bình. Một đường hoạt động bí mật của các đơn vị đặc công quân giải phóng MTGPMN và lính chính qui Bắc Việt.

…Tôi đang lúi húi sắp xếp lại những cái bẫy, bỗng tai nghe có tiếng đàn bà rên kiểu như sắp chết! Tóc gáy tôi dựng lên! Không dám nhìn lại phía sau lưng, tay lóng cóng chân muốn khụyu xuống bờ suối! Tôi cảm giác là qủi ma hiện hồn nên sống lưng lạnh toát.

Trong khoảnh khắc hoảng loạn ấy tôi liên tưởng đến đức bà Maria. Hình ảnh mà gia đình tôi tôn kính đặc biệt, bất giác miệng tôi lẩm bẩm “…Ave Maria, Ave Maria …”! Một luồng sức mạnh vô hình ập ngay đến với tôi khiến sự sợ hãi vơi đi rất nhiều. Tôi nhớ lời Mẹ tôi dặn “ không việc gì phải sợ hãi ma quỷ. Mình sống ngay thẳng thì không có ma qủy nào nào được quyền làm hại mình …”. Chân tay tôi bắt đầu cử động được, thu hết can đảm tôi từ từ ngoái lại sau lưng, tay nắm chắc cán con dao vót bẫy...

…một người phụ nữ tóc dài lõa xõa, mặt trắng nhợt đang nhìn tôi! Áo đen bó sát sũng nước, cúc áo phần trên bật ra lộ một phần bầu vú căng trắng bệch. Bà nửa nằm nửa ngồi một chân gấp lại một chân duỗi thẳng trên nền đất nhão ven bờ suối. Chân duỗi thẳng máu đọng vũng trên lớp quần đen sát ngay phần bẹn. Đôi dép râu cao su đặc thù của Việt cộng! Tay trái cầm khẩu súng ngắn đặt trên đùi, đầu mũi súng hờ hững không mục đích…

Tôi ù té bật người lên bờ suối. Tuổi 12 nhưng sức vóc tôi to như đứa 14, 15. Chỉ hai ba phát nhảy là tôi đã lên hẳn được bờ suối. Lên hẳn bờ suối tôi nhắm hướng làng chạy thục mạng. Phía đầu làng, một tốp lính địa phương quân đang bắt đầu công việc lùng soát. Mải nhìn về đội lính tôi vấp phải bờ ruộng té lăn nhào. Lồm cồm bò dậy, bất giác tôi hình dung đến những tràng đạn sẽ bắn lên thân thể một người đàn bà. Tôi nghĩ đến lời Chúa trong thánh kinh “không được giết người, không được phán xét ai …”, “thương kẻ làm mất lòng ta, cứu kẻ trong cơn khốn khó …”. Một thứ tiếng nói vô hình thúc bách tôi trở lại với người đàn bà đang đợi chết. Một sức mạnh vô hình cho tôi hình dung lại cây súng nhỏ bà cầm nơi tay và trí óc non nớt chợt hiểu ra rằng tôi vừa thoát chết với cây súng ấy.

Tôi khom người, vừa chạy vừa cúi nhắm trở lại chỗ vừa gặp người đàn bà. Nhìn thấy tôi hơ hải vạch lá cây đến gần, mắt bà như sáng lên, miệng khẽ động đậy vừa như mỉm cười lại vừa như sắp khóc. Tôi lội hẳn xuống suối đến gần bà, đưa tay đỡ phần lưng của bà tôi nói.

- Dì xuống suối đi mau. Lính sắp tới rồi.

Bà buông mình theo đà kéo của tôi. Cả thân bà úp sập vào mặt tôi. Tôi xoay người, lấy lưng làm gối cho bà nằm lên. Nước suối ngang gần ngực làm cho sức nặng của bà nhẹ đi nhiều. Tôi dò dẫm bước đi, ngược dòng nước, bà không nói gì, tay ôm cổ tôi, vẫn nắm chặt khẩu súng, một khẩu súng nhỏ mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy.

Cách chỗ bà nằm về phía ngược con suối chừng 200 thước là khu vườn của ông Ba Lơ. Một người bị câm điếc gốc làng Sặt. Trong vườn có nhiều bụi chuối tiêu và một đống rạ con. Đống rạ này tôi có khoét thành một cái hầm nho nhỏ để dấu những thứ linh tinh mà tôi có được, từ chiếc bình tông của một ngươì lính miền Bắc đến những viên đạn đại liên 50 của xe tăng M113 và những khung gọng bẫy chim bẫy chồn. Ông Ba Lơ là người hiền lành, nhà sát gần nhà tôi và khu vườn này tôi được ông cho phép muốn làm gì thì làm. Tôi nghĩ đến đống rạ có cái hầm và khu vườn mùa nắng ít khi có người lai vãng. Tôi vượt ngược dòng nước là vì vậy chứ không hề biết rằng mình đang làm một chuyện có tính cách …kỹ thuật đặc công!

Nước suối chảy êm, tôi cõng được bà lên vườn rồi bới đống rạ ấn bà vào trong cái “hầm” bé tí của tôi. Khi đã thấy kín và không thấy dấu máu, chỉ thấy vết chân đi của tôi làm vệ cỏ có vẻ bị đè xuống, tôi cắt hai cành tre nhỏ làm thành chổi xùa qua xùa lại cho mất dấu rồi xuống suối, cầm luôn theo hai cành tre vừa bơi vừa đi xuôi theo dòng nước đến sát gần phía cánh đồng ráp núi Chùa. Từ đây tôi đi tắt lên một giải đồi để về vùng đồi có tên là đồi Thanh Bình. Giải đồi này vốn từ thủa lập làng, đồng bào Nùng đã yêu cầu được sống tại đây nhưng không được phía chính quyền đồng ý, theo gợi ý của Linh Mục Thụ.

Băng qua ba ngọn đồi, tôi về nhà tìm những tấm băng cá nhân mà nhà tôi có sẵn. Mẹ tôi bán hàng tạp hóa và có bán thuốc trụ sinh, thuốc cảm thuốc bổ B1, B12 và nhiều cồn alcool. Tôi gom vào một bao nylon nhỏ, chờ buổi trưa bỏ vào túi bẫy đi ra đồng tiếp. Đương nhiên không ai nghi ngờ gì tôi cả. Tôi là đứa nổi tiếng nghịch phá ngoài đồng ngoài suối, đồi rừng… bất kể giờ nào, việc thấy tôi ngoài đồng là chuyện bình thường với dân làng và với lính dân vệ hay địa phương quân. Tôi mang theo một nắm cơm nén thật chặt với muối vừng, cho cả con chó hiền nhất đi theo.

Tôi ra đồng đúng lúc toán mấy ông lính trở vào lại làng. Đây là lính địa phương quân. Mấy ổng kêu tôi nếu có thấy người lạ thì báo cho mấy ổng. Đây là một tiểu đội trong đại đội của một ông Đại Úy tôi rất ghét. Ông Đại Úy này đem cả mấy cô gái bán bar vào nơi đóng quân trong làng tôi để hành lạc. Làng tôi dân công giáo toàn tòng, đại đa phần thanh niên là đi lính rằn ri sống nay chết mai, đám sĩ quan địa phương quân kiểu như thế này tôi không phục, nếu không muốn nói là rất ghét.

Loáng thoáng, tôi nghe mấy ông lính nói đại khái là “ …nó đã thoát rồi. Dấu máu như vậy và vết mới di chuyển nơi các trũng nước như thế là nó đã bơi được về rạch Đông…” Tôi yên tâm khi nghe lõm bõm được họ nói qua nói lại, biểu phải báo cáo thế nào với Đại Đội.

Xuống đến gốc sung tôi trèo lên một cành to ngồi quan sát. Cánh đồng buổi trưa im ắng. Mùa này buổi trưa chỉ có đám chăn trâu và những đứa nghịch phá mới ở ngoài đồng. Trèo xuống men theo bờ suối đầy những bụi tre rậm rạp tôi vào vườn ông Ba. Ngồi ở căn lều ọp ẹp chừng năm phút, cột dây cổ con chó vào cọc lều tôi đi đến gần đống rạ khẽ hắng giọng. Không có tiếng trả lời! Cúi xuống lớp rạ chặn cửa hầm tôi khẽ rút tưng bó xếp dạt sang một bên. Một dáng người nửa nằm nửa ngồi hiện ra sát vách hầm trong cùng, tay vẫn cầm khẩu súng. Lúc này bà mới lên tiếng, rất nhỏ, giọng miền Nam.

- Coi chừng có người nhìn thấy, lính họ giết chết em đó…

Tôi im lặng, lấy thuốc trụ sinh ra tán nhỏ rồi lấy băng cá nhân, loại của quân đội VNCH, nói.

- Dì đau ở đâu con rửa rồi băng...

Bà im lặng nhìn tôi, ở má hơi ửng lên sắc hồng, tay chỉ vào vùng đùi trái sát bẹn. Tôi ngẩn người ra. Dù là tuổi 12, hình dung của tôi vết đạn bắn sẽ là vết thương lớn từ ngoài xiên vào hoặc xiên qua cơ thể. Tôi đã nhìn thấy nhiều tử thi chết do máy bay bắn Tết Mậu Thân khi cùng Bố tôi vượt đoạn đường gần đền thánh Martin, khu tập trung xác lính miền Bắc bị bắn do máy bay trực thăng. Vết thương thường là tan nát đầu hoặc ngực, bụng, chưa thấy ai bị …đùi trong bao giờ. Chắc biết tôi khó hiểu bà lên tiếng.

- Không phải đạn máy bay!

Tôi cầm cuộnn băng cá nhân, chắc là đã há cả mồm ra.

- Cây cọc sắt. Một cây cọc sắt … chị nhẩy gấp quá! Trợt! Dính …chân vô đầu cọc sắt …

Ạ! Tôi hiểu ra. Ra mấy người này dùng cây sào để leo, vượt hàng rào kiểu hàng rào ấp chiến lược hoặc hàng rào các khu quân sự, trong lúc quýnh quáng do bị lộ đã đạp hụt rồi rơi ngã trúng cọc sắt hàng rào. Đây là cách tránh mìn hoạc lựu đạn của dân đặc công VC mà tôi thường được nghe mấy ông lính mặc đồ đen hay kể.

Ngần ngừ một lúc rồi tôi cũng phải kéo quần người đàn bà ra hết, cả lớp quần dù mỏng dính bên trong. Con trai tuổi 12 với thân hình 14, 15 tôi không thể tránh khỏi lờ đờ khi nhìn tận mắt những chi tiết thầm kín của phụ nữ, dù là một bên đùi tím bầm, bẹn trong lòi cả mỡ đỏ lòm, nhưng đùi và bẹn bên còn lại tròn trĩnh lõa lồ trắng toát trước mắt tôi, chỉ xa chưa đầy nửa mét! Da thịt mịn săn chắc với những vết xước vừa khô máu đỏ hồng.

Không gian trong đống rạ quá hẹp. Hơi nóng hừng hực vì cửa lỗ chui vào tôi buộc phải che lớp rạ ngụy trang kín mít. Tay lập cập, vừa đổ cồn vừa thẫm bông lau. Chắc chắn bà rất đau và cực kỳ xót. Người bà oằn cong lên, mọi bộ phận trong người đều gồng cứng lên với hàm răng nghiến ken két. Vết thương sát mép bẹn, miệng xé rộng gần bằng gang tay của tôi, sâu thấu xương. Rửa cồn rồi rắc thuốc rồi cuốn băng! Bình thường những việc này tôi không lúng túng vì từ 10 tuổi đã tập tành với những sinh hoạt cộng đồng với Đoàn Thiếu Nhi Công Giáo, cảnh băng bó của lính hoặc dân bị thương vì mìn hoặc lựu đạn với tôi cũng không xa lạ … nhưng trong hoàn cảnh này thì thật khó khăn. Tôi vừa rửa, rắc thuốc vừa cố hướng con mắt chỉ nhìn vào vết thương. Tôi như muốn nghẹn thở. Lần đầu tiên trong đời giáp mặt với sự thầm kín đàn bà, lại sát da sát thịt, hơi thở lồng cả vào nhau! Tim tôi đập dồn dập như tiếng cối giã giò tiệc đám cưới, đến cả tháng sau vẫn cứ còn bị lâng lâng mất hồn …

Mỗi buổi trưa tôi đều gói cơm nắm và đem bông băng ra bó thuốc. Thày Mẹ tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì, vì việc tôi đi ra ngoài đồng những buổi trưa là việc hết sức bình thường. Tôi học hành những môn toán không được tốt nên thường chẳng bao giờ có chuyện tôi học bài buổi trưa. Lớp lại là lớp ở Nhà Thờ nên giờ rảnh khá là nhiều.

Buổi trưa ngày thứ tư tôi mò ra đống rạ. Người đàn bà không còn. Trên chỗ bà vẫn nằm là một vuông lá chuối non đã cuộn tròn héo hắt, bên trong, một đoạn tóc đen nhánh bện hình võng rất chặt.

Tôi bần thần nghĩ đến chặng đường băng qua hai cánh đồng để về vùng đất của bà ở khu vực Rạch Đông. Chắc chắn bà sẽ không dám xuống nước trườn theo dòng suối. Chắc chắn người đàn bà ấy phải vừa chống gậy vừa lết trên mặt ruộng cho đoạn đường chim bay gần 3 cây số. Mặt ruộng mùa khô với những phi tuần trực thăng bay đêm không bao giờ có tín hiệu báo trước!

Phạm Văn Thành
Tháng Tư 2014

Nguồn Blog Phạm Văn Thành
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn