Nói chung, sửa và sửa một cách triệt để Hiến Pháp là một nguyện vọng vừa nung nấu, vừa cháy bỏng. Vì nó chứa đựng hy vọng đổi đời. Đời của một dân tộc trong đó có đời của mỗi công dân. Và đặc biệt là hy vọng không bị liệt vào những kẻ khác người, có thể đi lẫn với xung quanh mà không xấu hổ, không bị coi là lập dị. Phải đảm bảo quyền tự do, tự quyết, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật những hành vi cá nhân của mình. Phải đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp, quyền phúc quyết hiến pháp của dân, quyền quyết định vận mệnh của Chính phủ, của chế độ.v.v..
Nhưng chuyện chẳng đi đến đâu cả, và sẽ chẳng đi đến đâu hết.
Tại sao? Ai cũng biết, nhưng không ai dám nói ra. Đó là sự hèn đớn, suy sụp của tinh hoa dân tộc, sản phẩm của một khủng hoảng đức tin và đạo đức, sinh ra từ một hệ tư tưởng và một hệ thống giáo dục tội lỗi.
Ông Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ Trưởng Tư pháp thắc mắc: "Vì sao chỉ trong 46 năm từ 1946 đến 1992 mà ta có đến 4 hiến pháp - không kể những lần sửa đổi? Nước Mỹ 200 năm qua chỉ có một Hiến pháp. Hiến pháp 1980 dự định là Hiến pháp của cả thời kỳ quá độ, nhưng chưa kịp thi hành đã bị thay thế bằng Hiến pháp 1992, rồi 2001 lại sửa, giờ lại sửa tiếp. Không lẽ việc sửa đổi Hiến pháp đã trở thành truyền thống?".
Không có gì khó hiểu. Và chính ông cũng biết. Hiến pháp phải thay đổi vì Cương lĩnh chính trị của đảng thay đổi. Bởi vì, Hiến pháp chỉ là công cụ để thể chế hóa, luật pháp hóa quyền lực của đảng. Nhận thức của đảng thay đổi, lợi ích của Đảng thay đổi, nghĩa là Cương lĩnh của Đảng thay đổi thì đương nhiên Hiến Pháp phải thay đổi. Thậm chí, chỉ cần tương quan sức mạnh trong nội bộ đảng thay đổi, thì vũ khí hay công cụ quyền lực phải thay đổi tương ứng . Hiến Pháp trước hết phải bảo vệ Đảng, tức là bảo vệ sự tồn tại của Đảng, bảo vệ quyền và lợi ích của Đảng. Và vì vậy, khi đảng cần nó có hình thù như thế nào, nó phải biến đổi để có hình dạng như vậy. Còn nó có hợp lòng dân, hợp với thời đại hay không, thì tùy cơ ứng biến. "Trình độ dân trí của ta còn thấp ", nói thế nào chả được, thế nào dân chả nghe.
Nhưng cái xảo trá lập lờ của những người soạn thảo Cương lĩnh( lần này là Nguyễn Phú Trọng và Tô Huy Rứa) là lúc nào cũng núp dưới danh nghĩa "trung thành với lý tưởng XHCN ", nhằm tìm kiếm lá chắn của chính nghĩa. Chính vì vậy mà dự thảo sửa đổi đầy rẫy những "xã hội chủ nghĩa " : "quá độ xã hội chủ nghĩa ", "kinh tế thị trường định hướng xã hôị chủ nghĩa ", nhà nước "pháp quyền xã hội chủ nghĩa ", "dân chủ tập trung "xã hội chủ nghĩa, nhân quyền xã hội chủ nghĩa ... và phải hiểu rằng, chữ xã hội chủ nghĩa ở đây có nghĩa là "sự giám sát và điều khiển của Đảng ". Kinh tế thị trường do đảng chỉ đạo, nhà nước pháp quyền do đảng điều khiển, dân chủ tập trung do đảng quyết định, nhân quyền nhưng phải được đảng chấp thuận.
Và muốn sửa Hiến pháp phải có chỉ đạo của Đảng. Không phải dân muốn sửa là sửa.
Từ tháng 10/2007, ông Uông Chu Lưu, phó chủ tịch Quốc hội đã nói : "... phải tổ chức việc nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện các chế định của Hiến pháp, làm cơ sở cho việc thực hiện một số chủ trương, đường lối, chính sách đã đề ra trong nghị quyết của Đảng".
... việc sửa đổi hiến pháp "cần chờ ĐH Đảng toàn quốc để sửa đổi cương lĩnh, trên cơ sở đó, đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp thì sẽ đáp ứng được nhiều yêu cầu hơn. "Bây giờ nếu chúng ta sửa Hiến pháp, rồi sau khi Đảng sửa cương lĩnh, lại đặt vấn đề sửa Hiến pháp nữa thì rất phức tạp".
Theo ông Nguyễn văn thuận, chủ nhiệm UB Pháp luật: "Kinh nghiệm chúng ta có, cách làm cũng có, chỉ vướng ở chỗ chủ trương sửa đổi Hiến pháp là của Ban chấp hành TW, cho nên nếu đưa ngay ra QH lần này thì không ổn vì TW chưa cho chủ trương, nhưng phải có cách nào đó để báo cáo trình vào thời điểm thích hợp để có thể sau đợt này sẽ báo cáo Bộ Chính trị".
Quốc hội họp ngày 17/06/2010 nói: "Việc sửa đổi Hiến Pháp phải tiến hành trên cơ sở cập nhật cương lĩnh chính trị, chiến lược phát triển KT-XH 2011 – 2020 mà ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ thông qua".
Rõ ràng là chẳng có gì mà không hiểu! "...các chế định của Hiến pháp" chỉ để "làm cơ sở để thực hiện đường lối, chính sách đã đề ra trong nghị quyết của Đảng". Phải chờ đảng cho phép. Phải chờ đảng ra luật Mẹ trước. Hiến pháp không phải là Đạo luật gốc của mọi đạo luật, không phải là khung của hệ thống pháp lý, không phải là Luật mẹ của các luật con. Không phải Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất. Bên trên Hiến pháp là Cương lĩnh của Đảng cộng sản. Bên trên Quốc hội là Bộ Chính trị. Hiến pháp nằm bên dưới và bên trong cái cũi Cương lĩnh. Hiến pháp bị Cương lĩnh giam hãm. Quốc hội bị cầm tù hay chỉ là một con rối .
Sửa cái gì và sửa như thế nào, không phải là quyền và là việc của dân. Nếu cứ gọi là Quốc hội là Dân, Đại diện cho Dân, là của Dân, đáng lẽ là cơ quan cao nhất quyết định mọi chuyện hệ trọng nhất của đất nước, thì lại phải "trình", phải "xin chỉ đạo của Bộ chính trị".
Chuyện tày đình, chuyện quan hệ tới vận mệnh và phát triển đất nước như "nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê", như "phát triển theo con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa " là việc riêng của đảng, đảng lựa chọn và quyết định áp đặt cho đất nước, dân không được động đến. Ngày 10/09/2010, Ban Tuyên giáo TƯ đã có hướng dẫn cụ thể: “Không đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Như vậy còn gì nữa mà đòi. Không được đụng đến học thuyết Mác- Lê và vai trò lãnh đạo của Đảng. Nghĩa là điều 4 của Hiến pháp 1992 không được bàn đến. Nghĩa là tất cả vẫn nằm dưới sự kiểm soát và cai trị của đảng cộng sản. Nghĩa là vẫn còn nguyên hệ thống kìm kẹp. Mọi chuyện bàn cãi, tranh luận mà đảng kêu gọi, báo chí háo hức đều là chuyện vô bổ, chuyện giả dối như những đại hội trước, chẳng để làm gì.
Ông Nguyễn Đình Lộc nói: "năm 2001 lúc sửa Hiến pháp, đưa được vào Hiến pháp điều Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân thì rất mừng, sướng quá, xem đó như một thắng lợi. Nhưng 10 năm trôi qua, giờ nhìn lại thấy giật mình hỏi: chỉ đưa vào từng đó là đủ, là hết à? Rõ ràng là không phải, vì cả 5 chương về bộ máy nhà nước chúng ta vẫn quy định theo cách cũ ".
Thật tội nghiệp cho một vị Bộ trưởng, người đứng đầu ngành Tư Pháp của một đất nước, mà thấy "đưa được vào Hiến pháp điều Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân" thì "sướng quá, xem đó như một thắng lợi ". Thế tức là từ năm 2001 trở về trước, Đảng đã "cướp đoạt "mất Nhà nước của Dân. Bộ trưởng là quan chức cao cấp của Đảng mà "sướng quá " thì sự ấm ức, uất hận về một sự đè nén, áp bức và bất công, đúng là đã có từ lâu. Và "xem đó như một thắng lợi ". Ai thắng ai đây? Có phải Bộ trưởng muốn nói: dân thắng Đảng? Nghĩa là từ trước tới nay Đảng chống lại dân. Từ trước tới nay dân và Đảng là hai phía đối lập? Dân phải liên tục đấu tranh, giành giật từng «thước đất " mà Đảng cướp mất?
Có vẻ đúng là vậy. Từ sau đổi mới, trong dân gian, người già thường hay nói: "Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan". Đảng đã biến chất. Đảng đã sợ dân, và ghét dân. Còn dân thì không còn ai tin đảng nữa. Ngoài đường phố, danh từ "đảng" có nghĩa là "xấu". Người ta nói: "Thằng cha ấy đảng viên nhưng mà tốt" hoặc "Hắn là Bí thư nhưng không ăn cắp ".
Chính Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc nhớ lại: "Ông Lộc ơi, ông ở bộ Tư pháp, gần đây chúng tôi có nghe một từ lạ lắm là thị trường nhân sự. Nhân sự hiện nay trở thành thị trường để mua bán, và từ mua bán đó cho nên bộ máy chúng ta tiêu cực đi đến hư hỏng. Vì có chức có quyền, mua chức mua quyền đều có giá của nó từ cao đến thấp."
Nhân sự là một loại thị trường! Ai, cái gì tạo ra loại thị trường này? Đó là cơ chế đảng lãnh đạo. Tổ chức nhân sự là độc quyền của đảng. Đã là độc quyền thì không còn giám sát. Độc quyền phải đem lại đặc lợi. Và đặc lợi là mục đích của mọi thứ thủ đoạn và tội ác.
Và đúng là dân đã phải chiến đấu chống lại đảng. Nhưng bao giờ dân cũng thua. Ông Lộc nói: “Bây giờ nhìn lại mớ chua xót. Mười năm trôi qua mà cả 5 chương về bộ máy nhà nước vẫn quy định theo cách cũ ". Nghĩa là chẳng có gì thay đổi về chuyện "tam quyền phân lập ". Và tới đây nữa, cũng chẳng có gì thay đổi. Vẫn là "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ", tức là pháp quyền dưới sự cai trị thống nhất của Đảng, bởi vì chủ nghĩa Mác- lê là Chuyên chính vô sản, là độc chiếm chính trị và quyền lực chính trị, phân quyền chỉ là hình thức, vẫn chỉ là chuyện "treo đầu dê, bán thịt chó ". Còn cái chuyện Tòa Hiến pháp thì còn lâu. "Hãy chờ đấy !". Định xét lại cả Hiến pháp à ! Không thể được, vì có điểm nào của Hiến pháp hiện nay là hợp Hiến đâu, bỏ hết à ? Nhưng Hiến pháp thực chất là Cương lĩnh. Xét xử Hiến pháp là xét xử Cương lĩnh. Ai cho quyền xét xử Cương lĩnh đảng. Xét xử cương lĩnh là xét xử Bộ Chính trị. Không thể được. Bộ chính trị là cha mẹ dân, là người xỏ mũi lịch sử.
Tóm lại là Hiến pháp không việc gì phải sửa đổi. Bởi chính bản thân Hiến pháp thực chất không tồn tại, nó chỉ là cái bóng vụng về, chắp vá và đầy mâu thuẫn của Cương lĩnh. Cho nên kỳ Đại hội này, xin kiến nghị với Đảng giải tán Quốc hội bù nhìn đi. Với tư cách cơ quan lập pháp tối cao, thì Bộ Chính trị và Ban bí thư là đủ rồi và đấy mới là Quốc hội thực thụ, vả lại dưới Ban bí thư là hệ thống các ban nghiên cứu, các học viện đủ loại, làm sao phải cần các Ủy ban nào của ai nữa !
Và với tư cách là căn cứ cao nhất tạo khung cho pháp luật, thì chỉ cần Cương lĩnh của Đảng là đủ . Đây chính là Hiến pháp của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thật là nhất cử mà tiện cho vạn sự. Không phải lo cưỡng ép gượng gạo điều 4 vào Hiến pháp để lập lờ đánh lận Đảng và Dân tộc. Cứ cái gì của dân tộc cũng vơ vào là của đảng. Rồi cứ cái gì cuả đảng cũng lợi dụng danh nghĩa dân tộc. Quân đội, Công an và Tòa án là của dân thì đảng kêu là của Đảng, phải trung thành tuyệt đối với đảng, chấp hành mệnh lệnh của đảng đàn áp thẳng tay những gì chống lại đảng. Còn cả bộ máy khổng lồ của riêng đảng, không làm gì, không tạo ra gì cho dân cho nước thì đảng cố tình gán ghép là từ "nhân dân mà ra ", "do dân nuôi dưỡng" để lập lờ sống nhờ tiền thuế của dân .
Giải tán Quốc hội thì Đảng sẽ bớt cho đất nước một tổ chức vô công rồi nghề, ăn tốn tiền của của dân của nước. Mọi việc hiên nay của quốc hội, đều do ban bí thư đề xuất và trực tiếp chỉ đạo, có ý kiến sát sạt của Bộ chính trị, tại sao còn phải cần một Ủy ban thường vụ Quốc hội với đầy đủ các loại ủy ban bên dưới nữa. Thừa. Không cần và không nên lãng phí của dân! Và như vậy, dân sẽ không cần đòi phải phúc quyết Hiến pháp.
Hoặc có cách khác, thực tế hơn, nghiêm túc hơn là rút bỏ Cương lĩnh. Bởi vì, cương lĩnh chính trị của một đảng chỉ có giá trị quy phạm hay dẫn dắt đối với những thành viên của nó, tức là những người tự nguyện thừa nhận tôn chỉ, lý tưởng và các quy tắc hoạt động của nó. Không có ràng buộc pháp lý. Không có giá trị gì với những người theo đảng phái hay đức tin khác. Càng không thể là hướng đạo cưỡng bức một dân tộc. Nếu muốn được thừa nhận, cương lĩnh của đảng phải được đưa ra Trưng cầu dân ý.
Trên thế giới, mọi chính phủ, thực chất vẫn do một đảng lãnh đạo. Nghĩa là tất cả đều là đảng cầm quyền. Nhưng không phải đảng độc quyền. Đảng sẽ cầm quyền khi thắng cử, bằng cương lĩnh tư tưởng và chương trình hành động của mình. Cương lĩnh và chương trình hành động của họ phải cọ sát công khai với các cương lĩnh và chương trình của các đảng phái khác. Người mà họ chọn lọc giới thiệu là hạt nhân ưu tú và xuất sắc nhất của họ. Những đối thủ lọt vào vòng chung kết phải đối chất công khai trước công chúng. Sau đó phải trực tiếp và đích thân giải thích chương trình và trả lời chất vấn của công chúng trên phương tiện truyền thông đại chúng. Về nguyên tắc, càng nhiều chương trình cạnh tranh công khai trước toàn thể công chúng quốc gia bao nhiêu, càng có xác xuất lựa chọn tối ưu nhất, hoặc ít sai sót nhất. Nghĩa là càng có nhiều đảng phái hay tập hợp chính trị khác nhau ganh đua lành mạnh thì càng tốt. Nhân dân và quốc gia là người thụ hưởng và giám sát cuối cùng. Cơ chế dân chủ không thể thông qua Mặt trận do đảng lãnh đạo hiệp thương. Các lực lược chính trị tự chọn lựa, giới thiệu và bảo vệ ứng cử viên của mình. Bên trong cái vòng đảng lãnh đạo thì không thể có cơ chế nào là dân chủ thực sự. Đừng tìm ở Mặt trận.
Cho nên hoặc giải tán Quốc hội để khỏi mang nhục là Quốc hội bù nhìn, chỉ "để thực hiện đường lối chính sách đã chỉ ra trong nghị quyết đảng", nhận Cương lĩnh đảng thay cho Hiến pháp, hoặc là phải hạ bệ cái tổ chức nằm bên trên Quốc hội ấy xuống. Giải phóng Hiến Pháp khỏi sự lệ thuộc vào Cương lĩnh. Còn giữ cái cũi, cái lồng Cương lĩnh ấy thì bàn thêm chuyện sửa đổi Hiến pháp để làm gì. Chạy đi đâu cũng vẫn trong cái lồng ấy .
Theo cá nhân tôi, thì giải pháp nào cũng được. Miễn là không thừa, không dẫm đạp lên nhau, tiêu tốn tiền của của dân.
Bùi Quang Vơm
* Mọi trích dẫn in nghiêng đều lấy từ vienamnet.vn
Theo x-caphe.vn
Gửi ý kiến của bạn