Như bao nhiêu đồng nghiệp khác, tôi cũng thật sự vô cùng ngạc nhiên khi nhận được cái tin này và tôi cũng không thể hình dung ra được một lý do chính đáng nào để đưa đến việc Tuấn lại có một quyết định vô cùng quan trọng như vây. Bỏ đảng tức là mất việc, mà mất việc tức là tự sát! Điều này rất đơn giản và ai cũng có thê hiểu được bởi ở trong cái đất nước mà gia nhập đảng là yếu tố đầu tiên cần phải có để có thể có những bước tiến xa hơn trong nấc thang nghề nghiệp. Mấy ai mà chịu bỏ đảng! Hơn nữa cái chức Phó Ban Biên Tập cho một tờ báo lớn như của chúng tôi, không phải là một chức vụ bé nhỏ. Thế mà, Tuấn lại dám tuyên bố bỏ đảng, như vậy không phải là tự chính mình đào một cái huyệt thật lớn để tự chôn mình hay sao?
Tuấn là người bạn thâm niên của tôi. Chúng tôi quen nhau từ cái thời mà hai thằng còn là sinh viên ở trường đại học Bách Khoa vào những năm 1980. Tuấn quê ở Long An. Cậu ta là con một của một gia đình liệt sỹ có công với cách mạng. Nghe nói ba và ông nội của Tuấn đã từng tham gia kháng chiến, sau đó đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Tuy xuất thân từ một gia đình cách mạng, nhưng Tuấn không bao giờ ỷ lại với cái lý lịch dầy cộm của mình mà có những thái độ kiêu căng và hống hách với bất cứ một ai. Đặc biệt là khi tiếp xúc với bất cứ người nào, tôi đều thấy cái vẽ niềm nở và thân thiện luôn trong ánh mắt của Tuấn. Ngoài ra, Tuấn còn là một người rất là hoạt bát, thông minh, đàn hát hay và đầy năng lực làm việc. Vì thế mà đã có hàng tá cô sinh viên đã một thời chết lên chết xuống vì Tuấn. Có lần tôi ghen tị và nói với Tuấn: "Sao trời lại không công bằng với mình chút nào vậy! Cái gì cậu cũng hơn mình hết và ngay cả cái lý lịch gia đình nữa chứ!" Tuấn chỉ hề hề và nói: "Cái này thì cậu phải hỏi ông trời, sao cậu lại hỏi mình?"
Từ thời còn là sinh viên, Tuấn biết tôi là con em của gia đình "Ngụy quân, ngụy quyền", nhưng không bao giờ Tuấn đề cấp đến điều đó. Có lần tôi hỏi Tuấn: "Này, cậu chơi thân với mình như vậy, cậu không sợ bị liên lụy hay sao?" Tuấn nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: "Ở trong mình, không có sự phân biệt giai cấp. Mình chẵng phải coi cậu như là một người bạn thân của mình đó sao?" Tôi thật sự cảm động với câu trả lời của Tuấn lắm, nhưng tôi vẫn cố tìm cách để moi ra thêm một điều gì đó từ nơi cậu ta, tôi hỏi tiếp: "Bây giờ thì không, nhưng sau này thì sao?" Tuấn khẻ cười và nói: "Mình lúc nào cũng như là lúc nào, rồi cậu sẽ thấy điều mình nói là đúng".
Sau này, khi hai thằng ra đều trường, tôi thì lông bông chạy tới chạy lui để tìm việc, còn Tuấn vì thuộc diện ưu tiên một của nhà nước nên đã được đưa đi đào tạo một khóa nghiệp vụ ba năm ở nước ngoài và sau khi trở về nước, Tuấn được kết nạp vào đảng và được phân công tác làm cán bộ tại một cơ quan báo chí do nhà nước quản lý. Qua bạn bè, tôi biết được Tuấn lúc đó đã là trưởng phòng tổ chức nhân sự. Tuy biết thế, nhưng tôi không hề liên lạc với Tuấn để xin xỏ, nhờ vả để được vào làm nơi cơ quan của nó. Dường như biết rõ được sự ngần ngại của tôi, Tuấn đã chủ động đến tìm gặp tôi tại nhà. Sau khi trao đổi với nhàu một vài câu chuyện về thời còn là sinh viên. Tuấn hỏi tôi: "Mình vừa được giao công tác về làm ở một cơ quan báo chí của nhà nước. Công việc thì nhiều, mà nhân sự thì thiếu hoặc không đủ năng lực để làm việc. Mình biết cậu có khả năng viết lách giỏi. Cậu có đồng ý đến làm phụ tá cho mình có được không?" Tôi tưởng là mình nghe lầm, nên tôi hỏi lại: "Cậu nói sao? Đến làm phụ tá ở cơ quan của cậu?" Tuấn chậm rãi nói: "Ừ, mình mời cậu về làm ở chổ của tớ, cậu nghĩ sao?" Tôi muốn hét lên vì vui sướng bởi vì mấy năm nay tôi có tìm được một việc gì ra hồn đâu. Tôi ấp úng nói: "Cậu cho mình vài ngày để suy nghĩ có được không?" Tuấn trả lời tôi: "Cậu cứ từ từ mà suy nghĩ, không có gì phải vội hết. Khi nào quyết định rồi thì cho mình biết". Nói xong, Tuấn từ giả tôi ra về. Kể từ đó, tôi đã được nhận vào cơ quan của Tuấn làm việc đến nay đã hơn mười năm.
Cái tin hôm nay Tuấn bỏ đảng làm tôi thật sự hoang mang và lo lắng cho thằng bạn thân của tôi. Điều gì đã xảy ra với nó vậy? Đụng chạm với lãnh đạo cấp trên ư? Điều này thì không đúng bởi vì Tuấn luôn luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao mà còn là một người chỉ huy giỏi. Hơn nữa, nghe đồn ông tổng Biên Tập thích Tuấn đến nổi muốn gả đứa con gái của ổng cho nó, nhưng nó lại từ chối khéo. Đụng chạm cấp dưới? Việc này thì hoàn toàn không có căn cứ. Tuấn luôn đùm bọc và giúp đở mọi đồng nghiệp dù người đó là cấp dưới của Tuấn. Như vậy thì là cái gì đây? Cái thằng quỷ này nó nổi tiếng là một thằng kín đáo. Nó không nói thì thôi, có trời mà cạy miệng nó ra được. Thôi, cách tốt nhất là đi hỏi nó là sẽ biết hết. Tôi lững thửng đứng dậy và đi về phía phòng làm việc của Tuấn. Đến trước phòng, tôi khẻ gỏ cửa. Tuấn ngước mặt lên, nhìn thấy tôi và nháy mắt ra hiệu cho tôi vào trong. Tuấn hỏi:
- Cậu có việc gì cần mình giải quyết à?
Tôi trả lời:
- Không, ghé ngang qua thăm cậu thôi. Dạo này câu sao rồi? Tôi dò xét hỏi Tuấn.
Tuấn đáp lại:
- Thì cậu thấy rồi đó, công việc lúc nào cũng bận rộn hết...
Tôi hỏi lãng qua chuyện khác:
- Má cậu lúc này có khoẻ không?
Tuấn im lặng vài phút rồi trả lời:
- Má mình mấy tuần này phải nằm trong bịnh viện.
Tôi ngạc nhiên và nói:
- Bác bịnh gì và sao cậu không cho mình biết để mình đi thăm bác.
Tuấn khẻ thở dài và đáp lại:
- Ừ, thì bịnh già đó mà. Chắc cũng không có việc gì đâu.
Tôi ngập ngừng một lát rồi đi thẳng vào vấn đề, tôi hỏi:
- Mình nghe nói là cậu từ bỏ đảng à?
Tuấn đáp:
- Đúng vậy, mình đã quyết định xin ra khỏi đảng.
Tôi ấp úng hỏi lại cho chắc:
- Cậu nói sao! Cậu xin ra khỏi đảng à! Cậu có biết là ra khỏi đảng có nghĩa là cậu sẽ mất việc luôn?
Tuấn đáp:
- Mình biết chứ. Họ đã khuyên mình ở lại, nhưng mình không đồng ý. Quyết định thông báo cách chức mình của bộ sẽ gửi xuống vào nay mai thôi.
Tôi hỏi với giọng dè dặt:
- Cậu có thể cho mình biết lý do tại sao cậu xin ra khỏi đảng không?
Tuấn cười khẻ và trả lời:
- Mình đã thấy rõ cái lý tưởng cộng sản không phải là cái lý tưởng mà mình muốn theo đuổi.
Tôi hỏi tiếp:
- Có phải là vì từ cái thiên phóng sự Dân Oan mà cậu đã thực hiện không?
Tuấn đáp lại với một giọng chua chát:
- Đúng vậy. Từ đó mình đã có cái nhìn khác đi đối với cái chế độ này. Tất cả chỉ là sự dối trá và đê tiện. Tuấn nói tiếp:
- Bọn đảng viên tham lam vô lại miệng thì nói là tôi tớ của dân, nhưng bọn chúng mới đích thực là những con sâu mọt hại dân, hại nước. Hôm nay mình đã thấy được cái bộ mặt thối tha của nó, nên không có lý do gì mình phải ở lại trong đảng làm gì.
Tôi ngậm ngùi nói:
- Mình hiểu cậu mà. Nói xong, tôi lãng qua chuyện khác:
- Thôi, chiều nay cậu ghé qua nhà mình làm vài chai bia đi.
Tuấn vui vẽ nhận lời:
- Ừ, chiều nay mình đến, lâu rồi hai thằng mình ít có dịp ngồi lại với nhau. Chiều nay uống cho đã nha.
Tôi đáp lại:
- Được, chiều nay tớ gặp lại cậu sau. Nói xong tôi bước ra và đóng nhẹ cánh cửa phòng lại.
Về lại bàn làm việc, tôi thả người ngồi xuống ghế và ngẫm nghĩ về quyết định xin ra khỏi đảng của Tuấn. Tôi thật sự không thể ngờ thằng bạn của tôi nó đã quá bình thản khi nói với tôi điều đó. Tôi không tiếc vì Tuần muốn rời bỏ cái địa vị của nó. Điều mà tôi xót xa nhất đó là nổi đau trong lòng của Tuấn. Cái đau mà không thể nói ra được. Cái đau khi mà cái lý tưởng mình một lòng theo đuổi đã phản bội lại mình. Có lẽ đó là điều mà Tuấn nhận thấy và đã quyết định từ bỏ cái chủ nghĩa cộng sản xa vời này. Tuấn đã là một đảng viên không như tất cả những đảng viên khác. Nó dám nhìn vào sự thật và vứt bỏ đi những tương lai đầy hứa hẹn của một đảng viên trẻ đầy năng lực để đổi lấy một cuộc sống bình dị như nhiêu bao người dân bình thường khác. Tuấn đã hơn tôi và hơn tôi rất nhiều.
Chiều Sài Gòn hôm nay có vẻ mát hơn những ngày khác, tôi chậm rãi dắt chiếc máy xuống đường, nổ máy và lái xe về nhà. Trong những tiếng xe, tiếng còi giữa dòng người hổn độn, tôi cảm thấy lòng mình vô cùng hạnh phúc bởi vì tôi đã có một người bạn chân chính trong cuộc đời của tôi...
Nông Đức Dân
Gửi ý kiến của bạn