Trình bày tại Lễ Giỗ Phan Châu Trinh ngày 22-3-2015 tại Orange County,
do Hội Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Nam California tổ chức.)
Kính thưa quý vị Quan khách,
Quý vị Giáo sư và đồng môn Cựu học sinh Phan Châu Trinh,
Kính thưa quý vị,
Tôi là một cựu HS/PCT, và cũng là một cựu GS/PCT. Tôi có mặt ở trường PCT khoảng mười năm. Lúc còn đi học, tôi chỉ lo học hành và vui chơi với bạn bè. Khi trở về làm việc tại trường PCT, tôi có cơ hội quan sát sinh hoạt nhà trường. Mỗi tập thể, dù là bất cứ tập thể nào, đều có truyền thống riêng. Tập thể học sinh PCT cũng có truyền thống riêng của chúng ta.
Là một cựu HS/PCT, tôi không thể viết và không thể nói về truyền thống của chúng ta, tránh việc người ta bảo tôi là “áo thụng vái nhau”. Vì vậy, tôi chỉ xin trình bày nền tảng căn bản xây dựng nên truyền thống của anh chị em trường chúng ta.
Theo tôi, tôi có thể chủ quan và thiếu sót, truyền thống HS/PCT bắt nguồn từ các nền tảng chính:
- Sự tuyển chọn hằng năm vào lớp đầu tiên bậc Trung học tức lớp đệ thất hay lớp 6.
- Ảnh hưởng của địa lý bến cảng Đà Nẵng.
- Ảnh hưởng của truyền thống Quảng Nam.
- Ảnh hưởng của tư tưởng Phan Châu Trinh (PCT).
Thưa quý vị,
1) Giống như các trường công lập trên toàn quốc, muốn vào học trường PCT, học sinh phải qua một kỳ thi tuyển. Dân số Đà Nẵng đông, nhứt là trong thời kỳ chiến tranh, học sinh càng ngày càng nhiều, nên cuộc thi tuyển vào trường PCT càng ngày càng khó. Cuộc thi tuyển đã sàn lọc học sinh ngay từ đầu khi mới vào trường. Nhờ vậy việc đào tạo tương đối dễ dàng. Niềm hãnh diện nho nhỏ của học sinh chúng ta khi được vào học trường PCT là nền tảng đầu tiên xây dựng truyền thống của học sinh PCT.
2) Ngoài dân chúng địa phương là người Quảng Nam, cư dân thành phố cảng còn gồm rất nhiều người tứ xứ đến sinh sống. Người từ bắc vào (nhứt là sau cuộc di cư năm 1954); người từ nam ra.… Gốc gác khác nhau, địa phương khác nhau, sống chung với nhau, tiếp xúc với nhau, thông cảm nhau, chấp nhận nhau, cùng nhau cộng tác để phát triển, nên người Đà Nẵng nói chung cởi mở, vui vẻ, ít cục bộ.
Đà Nẵng có những điều kiện thiên nhiên thuận lợi: nằm ở giữa nước Việt Nam, trên quốc lộ 1 là con đường huyết mạch bắc nam, lại có đường bộ sang Lào và Miến Điện. Đà Nẵng có cảng sâu, phi trường rộng. Nhờ vậy sinh hoạt kinh tế Đà Nẵng khá phồn thịnh. Đời sống dân chúng tương đối thoải mái. Người Đà Nẵng càng thoải mái hơn nữa nhờ thời tiết cảng mát mẻ, điều hòa giữa các mùa.
3) Đà Nẵng nằm trong tỉnh Quảng Nam. Người Quảng Nam có hai truyền thống không thể phủ nhận là tính hay cãi và hiếu học.
Người ta thường chế giễu “Quảng Nam hay cãi”. Tuy nhiên trong việc học, người Việt chúng ta thường nói: "Hoàn toàn tin ở sách chẳng bằng không có sách”. Người Pháp thì bảo: “Sự bàn cãi làm nẩy sinh sáng kiến”. Lạm dụng sự hay cãi cũng như lạm dụng thuốc bổ đều không tốt, nhưng học mà im lặng thụ động, không cãi thì không tiến bộ được. Tranh cãi thực tế giúp cho việc học hành mau khả quan.
Trước đây, dân chúng Quảng Nam cũng như dân chúng toàn quốc, mưu sinh bằng nghề nông, lam lủ, khổ cực. Muốn thăng tiến cuộc sống, người Quảng Nam phải cố gắng học hành, thi cử đỗ đạt để tiến thân. Do kết quả thi cử thời Hán học, người Quảng Nam nổi tiếng về truyền thống hiếu học.
Học sinh PCT cũng như những học sinh Quảng Nam khác, chắc chắn được nghe kể lại và rất hãnh diện về truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân Quảng Nam. Kết quả thi cử của học sinh trường PCT chúng ta từ năm 1954 đến năm 1975 thật khả quan, đến nỗi khi làm giáo sư nhà trường, tôi đã từng chứng kiến nhiều lớp đệ nhất tức lớp 12 thi tú tài đỗ 100% liên tiếp nhiều niên khóa.
4) Ngoài những ảnh hưởng trên đây, học sinh PCT còn rất hãnh diện về nhân vật lịch sử mà nhà trường hân hạnh mang tên. Đó là nhà cách mạng PCT. Tuy đỗ phó bảng Nho học, nhưng PCT không ra làm quan, mà cùng các nhà trí thức Nho học cấp tiến, tổ chức trực tiếp vận động duy tân với dân chúng. Những người trong phong trào Duy tân hoạt động thiện nguyện, công khai, bất bạo động qua nhiều hình thức khác nhau, không gia nhập đảng phái hay hội kín. Chủ trương của phong trào Duy tân là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, nghĩa là mở mang, nâng cao trình độ hiểu biết của dân chúng, chấn hưng tinh thần dân chúng và phát triển đời sống dân chúng trở nên đồi dào thịnh vượng.
Riêng PCT suốt đời bôn ba tranh đấu chính trị bất bạo động, đòi hỏi độc lập cho đất nước, không đòi hỏi quyền lợi và địa vị cho cá nhân. Ông là nhà vận động dân quyền và nhân quyền đầu tiên ở Việt Nam. Hoạt động của PCT là một tiến trình vận động bất bạo động, ngày nay vẫn còn thích hợp trong việc tranh đấu đòi hỏi dân chủ và dân quyền ở Việt Nam.
Người Việt khi đặt tên con, thường chọn một tên có ý nghĩa và mong con mình sẽ đạt được kỳ vọng đó. Các bậc thầy của chúng ta, mà tôi biết chắc chắn là có thầy Bùi Tấn, thầy Trần Ngọc Quế, đã chọn tên nhà cách mạng PCT để đặt tên trường chúng ta. Không biết các thầy có hy vọng rằng chúng ta sẽ đi theo con đường PCT hay không? Anh bạn của chúng ta, nhạc sĩ Nhật Ngân rất tin tưởng điều nầy, nên anh đã sáng tác bản nhạc “Phan Châu Trinh đường chúng ta đi”.
Đặc biệt, một may mắn lớn cho học sinh chúng ta là giáo sư Hoàng Bích Sơn đã sáng tác bản hiệu đoàn ca “Phan Châu Trinh hành khúc” rất hùng hồn. Hầu như học sinh PCT nào trước năm 1975 cũng thuộc lòng bài ca nầy, mà chúng ta vừa được nghe khi bắt đầu buổi lễ hôm nay.
Chúng ta thường xuyên hát bản nhạc của GS Hoàng Bích Sơn trong các buổi chào cờ hoặc trong các buổi lễ của nhà trường, đã góp phần không nhỏ nhắc nhở truyền thống học sinh PCT chúng ta: "Phan Châu Trinh muôn đời quyết theo gương Người / Phan Châu Trinh muôn đời chí khí hiên ngang / Là học sinh Phan Châu Trinh ta quyết bước theo chân Người giữ vững dân quyền / Rèn tâm chí quyết chí cùng nhau tiến quyết tiến / Ghi nhớ ơn Người đoàn ta quyết đi lên.”
Kính thưa quý vị,
Bốn yếu tố trên đây là nền tảng căn bản để xây dựng nên truyền thống học sinh PCT. Truyền thống đó tạo bản lãnh giúp học sinh PCT luôn luôn vững tin trong học hành, thi cử và trên đường đời khó khăn. Còn một yếu tố quan trọng nữa mà tôi không tiện trình bày ở đây là công trình giảng dạy của tập thể giáo sư PCT, vì tôi là một thành viên của tập thể nầy. Xin các thầy cô và đồng nghiệp thông cảm. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là thành quả của học sinh PCT từ học đường ra xã hội, chính là bằng chứng cụ thể công lao đào tạo của nhà trường. Và học sinh PCT quả xứng đáng với những công lao đó.
Xin cảm ơn tất cả quý vị đã lắng nghe và trân trọng kính chào quý vị.
TRẦN GIA PHỤNG
(Orange County, 22-3-2015)
Gửi ý kiến của bạn