BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Vị Anh Hùng Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa từ 30 tháng 4 năm 1975

20 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 2105)
Những Vị Anh Hùng Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa từ 30 tháng 4 năm 1975
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41

 BIỆT-HẢI NGUYỄN VĂN KIỆT


 Ông Nguyễn Văn Kiệt gia nhập khóa 4 Người Nhái, năm 1970. Qua được một nửa chương trình thụ huấn, vì lý do gia đình, Ông xin rút lui. Khi trở lại nhập học khóa 5 Người Nhái, ông Kiệt đã khởi sự lại từ đầu với “Tuần lễ địa ngục” và tốt nghiệp năm 1971.


 Biệt-Hải Nguyễn Văn Kiệt đã phục vụ tại những đơn vị sau đây:

  • Biệt-Hải thuộc Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, Nha Kỹ-Thuật.

  • Toán Năm Căn, phối hợp với người Nhái Hoa-Kỳ, xâm nhập và phá vỡ công binh xưởng Việt-Cộng và giải thoát tù binh.

  • Toán sưu tầm tin tức tình báo.

  • Đội Xung-Kích Biệt-Hải, toán Hải-Cẩu.


 Những ân thưởng của Quân-Lực V.N.C.H. và Quân Đội Hoa-Kỳ:

  • Chiến-Công Bội-Tinh
    (Meritorious Unit Commendation)

  • U.S. Navy Cross

  • Biệt-Công Bội-Tinh

  • Ba Anh-Dũng Bội-Tinh với ngôi sao đồng

  • Hai Chiến-Thương Bội-Tinh

  • Bằng khen của Tư-Lệnh Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ


 Những hoạt động đáng kể nhất:

  • 72 lần đổ bộ ra Bắc

  • Giải thoát hai phi công Hoa-Kỳ

  • Cứu phi công Việt-Nam trên đường di tản – từ HQ 502


 Ngoài sự việc cứu sống phi công Việt-Nam trước mấy ngàn đôi mắt thán phục của đồng bào trên HQ 502, Người Nhái Nguyễn Văn Kiệt còn có những hoạt động âm thầm được William C. Anderson viết thành sách và được đạo diễn Peter Markle thực hiện thành phim, với tựa đề BAT 21, do Gene Hackman, Danny Glover, Jerry Reed và Michael Ng – trong vai người đàn ông Việt-Nam – thủ diễn.

 Chuyện phim BAT 21 được quay tại Sabah, Borneo và Malaysia, dựa theo những dữ kiện có thật sau đây – ngoại trừ đoạn kết bị đạo diễn thay đổi vài chi tiết:

 Đầu tháng 4 năm 1972, một phi cơ Hoa-Kỳ bị bắn rơi trong vùng kiểm soát của Việt-Cộng. Phi công thoát chết. Trong gần một tuần lễ, toán cứu vớt Hoa-Kỳ thực hiện hai cuộc hành quân chớp nhoáng, với mục đích cứu viên phi công, nhưng đều thất bại; vì quanh khu vực đó Việt-Cộng đặt rất nhiều hỏa tiễn SAM. Cuối cùng, Biệt-Hải và Người Nhái Việt-Mỹ tuyển chọn tình nguyện quân để đảm nhiệm phần việc cứu tù.

 Ông Kiệt, ông Trâm, ông Châu và ông Tất, thuộc toán Hải-Cẩu, tình nguyện. Đại-Úy Thọ là trưởng toán. Phía Người Nhái Hoa-Kỳ có Đại-Úy Thomas R. Norris và một sĩ quan cao cấp liên lạc tình báo.

 Sáng 11 tháng 4 năm 1972, khỏang 9 giờ, Toán cứu cấp được đưa đến bãi đáp trực thăng thuộc Căn-Cứ Yểm-Trợ Đà-Nẵng. Tại đây, hai chiếc trực thăng đưa Toán ra Quảng-Trị. Đến Quảng-Trị, tất cả đến phòng họp của Quân-Đoàn I. Đại-Úy Thọ, Đại-Úy Norris và sĩ quan tình báo Mỹ vào họp.

 Bấy giờ là ngày thứ bảy sau khi người phi công bị bắn rơi.

 Vì hệ thống phòng không của Việt-Cộng dày đặc, Toán cứu cấp không thể xử dụng phi cơ mà phải dùng quân xa để vào vị trí đã định. Sau 30 phút, Toán rời quân xa, sang M113. Khoảng một giờ sau, M113 đưa Toán đến vùng giáp tuyến với địch. Tại đây, Toán vào một hầm trú ẩn bằng xi-măng trên ngọn đồi nhỏ, cạnh quốc lộ 9 và sông Cam-Lộ.

 Tối 11 tháng 4, Toán chia làm hai tổ, đi sâu vào lòng đất địch khoảng 25 dậm. Nửa đêm Tổ của ông Kiệt, ông Trâm và ông Tất hướng về quốc lộ 9. Tổ của Đại-Úy Thọ, ông Châu và hai người Mỹ đến sát bờ sông Cam-Lộ. Nhiệm vụ của mọi người là yên lặng, lắng nghe và chờ đợi ông phi công tìm về hướng của họ.

 Trong sự im lặng rợn người, tất cả nghe tiếng nước khua nhẹ.

 Gần sáng, sương còn dày đặc, ông phi công đã lần dò ra khỏi vùng mà suốt đêm qua hai tổ đã đợi chờ. Vì vậy, tổ của ông Kiệt nhận trách nhiệm lục soát, tìm cho ra ông phi công.

 Để thi hành lệnh một cách tốt đẹp, tổ của ông Kiệt quay về hướng Nam, dọc sông Cam-Lộ. Đại-Úy Thọ chỉ định ông Kiệt làm tiền-sát-viên.

 Sau khi vượt khỏi ngọn đồi, nơi đóng quân của một đơn vị bạn, tổ của ông Kiệt thấy ông phi công đang đứng dưới nước, sát bờ, mang áo phao màu cam, đầu trùm một cái nón có lưới để ngụy trang và tay lăm lăm khẩu P.38.

Khi ông Kiệt và ông phi công thấy nhau, ông Kiệt nhanh trí gọi Đại-Úy Thọ và Đại-Úy Norris để tránh ngộ nhận. Đại-Úy Norris đến gần, trao đổi mật hiệu với ông phi công. Sau đó, tổ của ông Kiệt được lệnh đưa ông phi công về đơn vị bạn, nơi ngọn đồi.

 Trưa 12 tháng 4, dường như đã nhận biết ông phi công đã vượt thoát vùng kiểm soát của mình, Việt-Cộng ào ạc pháo kích lên ngọn đồi, khiến Đại-Úy Thọ, sĩ quan tình báo Mỹ và nhiều quân nhân bị thương. Tất cả được tản thương bằng M113. Trong chuyến tản thương đó, không ai hiểu tại sao hạ sĩ nhất Châu lại theo Đại-Úy Thọ về hậu cứ.

 Còn lại ông Kiệt, ông Trâm, ông Tất và Đại-úy Norris.

 6 giờ chiều, những người còn lại bàn thảo kế hoạch cho công tác kế tiếp: Cứu một phi công Hoa-Kỳ khác – Lt. Col. Hambleton – cũng bị bắn rơi trong vùng đất địch.

 Ông Trâm và ông Tất từ chối tham gia chuyến công tác đó, vì không muốn bị một sĩ quan Hoa-Kỳ chỉ huy. Ông Kiệt chấp nhận, vì nhận thấy đó là công tác khẩn thiết, đầy nhân đạo. Về sau, ông Trâm trở lại với ông Kiệt; ông Tất trở lên ngọn đồi.

 Tối 12 tháng 4, Đại-Úy Norris đề nghị xuống bờ sông Cam-Lộ chờ, với hy vọng Trung-Tá Hambleton sẽ men ra bờ sông như ông phi công đã được cứu thoát. Suốt đêm chờ đợi. Hoài công.

 Sáng sớm 13 tháng 4, ông Kiệt, ông Trâm và Đại-Úy Norris dùng thuyền nan chèo sâu vào đất địch. Đi được khoảng ba cây số, ông Trâm tỏ ra thất vọng vì nghĩ rằng chuyến công tác này có vẻ ít gay cấn. Cả ba người phải trở lại ngọn đồi để ông Trâm trở lên hầm trú ẩn.

 Sau đó, ông Kiệt và Đại-Úy Norris chèo về hướng Nam thêm vài cây số nữa thì bị đơn vị Thiết-Giáp ngộ nhận, quạt hằng loạt đại liên 50! Đại-Úy Norris liên lạc ngay với đơn vị Thiết-Giáp để xác nhận. Ông Kiệt và Đại-Úy Norris quay trở ra vì ngại bị bắn nhầm nữa.

 12 giờ đêm 13 tháng 4, Đại-Úy Norris và ông Kiệt tiếp tục kế hoạch, chỉ với một chiếc xuồng nhỏ, hai chiếc dầm, hai áo phao và một cái mền. Cả hai chèo xuồng theo dòng Cam-Lộ về hướng Bắc. Suốt đoạn đường, Đại-Úy Norris và ông Kiệt nghe tiếng quân xa di chuyển và tiếng người.

 Hừng đông 14 tháng 4, bên phải là đồng ruộng bên trái là rừng rậm, ông Kiệt và Đại-Úy Norris phát hiện cầu Đùi lờ mờ trong sương. Nhìn kỷ một lúc, ông Kiệt và Đại-Úy Norris thấy ba tên Việt-Cộng đang đi qua đi lại canh gác. Ông Kiệt và Đại-Úy Norris tấp xuồng vào bờ trái, cách cầu Đùi khoảng 150 thước. Nhờ sương mờ, địch không phát hiện được sự hiện diện của hai Biệt-Hải.

 Ông Kiệt và Đại-Úy Norris tấp xuồng váo bờ và quay mũi xuồng về hướng Nam. Bất ngờ ông Kiệt và Đại-Úy Norris thấy Trung-Tá Hambleton đang đứng dưới sông, khoát nước rửa mặt, cách chỗ hai người độ 50 thước. Cùng lúc đó Trung-Tá Hambleton cũng thấy Đại-Úy Norris và ông Kiệt. Ông Kiệt vội ra dấu cho Trung-Tá Hambleton giữ yên lặng rồi cho xuồng cặp sát mé nước, cạnh Trung-Tá Hambleton.

 Trong khi ông Kiệt lao nhanh xuống nước, chụp lấy bản đồ hành quân mà Trung-Tá Hambleton để cạnh mé nước thì Đại-Úy Norris dìu Trung-Tá Hambleton đến xuồng, tròng áo phao vào và đặt Ông nằm xuống, phủ mền lên. Lúc đó trong người Trung-Tá Hambleton chỉ còn một máy liên lạc, một bản đồ và một la-bàn. Trung-Tá Hambleton bị thương nhẹ nơi tay.

 Trời sáng hẳn. Ông Kiệt và Đại-Úy Norris hối hả xuôi Nam theo dòng Cam-Lộ. Chèo theo dòng sông được một đoạn, cả hai thấy một đại bác 76 ly 2 bên bờ, nòng súng hướng vế phía Nam.

 Đang chèo bên bờ phải, gặp cồn cát, ông Kiệt và Đại-Úy Norris vội lách sang bờ trái để khỏi mắc cạn thì nghe tiếng gọi: “Ê, lại đây!” giọng Bắc. Đại-Úy Norris và ông Kiệt quay lui và thấy ba tên Việt-Cộng đang đi bộ bên bờ trái, về hướng Đông. Người đi đầu và người đi cuối mang AK47. Ông Kiệt và Đại-Úy Norris ra dấu sẵn sàng ứng chiến. Nhưng nhờ thân người của Đại-Úy Norris không cao lớn lắm và cũng nhờ cả hai đều ngụy trang bằng bà ba đen cho nên ba tên Việt-Cộng đi luôn, không nghi ngờ gì cả.

 Vừa thoát khỏi ba tên Việt-Cộng, xuồng lại vào vùng hỏa lực mạnh của địch. Ông Kiệt và Đại-Úy Norris tấp xuồng vào bờ. Trong khi Đại-Úy Norris liên lạc truyền tin xin Không-Quân Hoa-Kỳ yểm trợ, ông Kiệt lấy lá cây ngụy trang cho Trung-Tá Hambleton.

 Chỉ vài phút sau, bốn Phantom đến oanh kích ngay tọa độ Đại-Úy Norris đã cho. Phòng không của địch bắn lên dữ dội. Trước khi rời vùng oanh kích, một Phantom thả hai trái khói mù xuống ngay địa điểm mà ông Kiệt, Đại-Úy Norris và Trung-Tá Hambleton đang ẩn trốn.

 Sau đợt không tập, Pháo-Binh được gọi, cày vùng đất địch. Lẫn trong khói mù, Đại-Úy Norris và ông Kiệt chèo nhanh về hướng Nam.

 Xế trưa 14 tháng 4, ông Kiệt, Đại-Úy Norris và Trung-Tá Hambleton về đến ngọn đồi trong sự hân hoan của các đơn vị Thiết-Giáp, Biệt-Động-Quân Biên Phòng, Biệt-Kích 81 Dù và hai Biệt-Hải Trâm và Tất.

ÔNG HOÀNG CƠ MINH

 Cố Phó-Đề-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải kiêm Tổng-Trấn Qui-Nhơn kiêm Tư-Lệnh Chiến Trường Bình-Định

 Ông Hoàng Cơ Minh xuất thân trường trung học Chu-Văn-An. Trước khi gia nhập khóa IV sĩ quan Hải-Quân Nha-Trang, Ông học dang dở tại Đại-Học Khoa-Học Hà-Nội. Sau khi tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu-Úy Hải-Quân, Ông ghi danh học Luật và lấy được hai chứng chỉ. Thời gian còn là sĩ-quan cấp Úy, Ông được gửi sang Hoa-Kỳ tu nghiệp tại The Naval Postgraduate School.

 Suốt thời gian phục vụ trong quân chủng Hải-Quân, ông Hoàng Cơ Minh giữ những chức vụ quan trọng sau đây:

  • Hạm trưởng nhiều chiến hạm.

  • Chỉ-Huy-Phó Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang.

  • Phụ tá tùy viên Quân-Lực Tòa Đại-Sứ Việt-Nam tại Đại-Hàn.

  • Trưởng khối Chiến-Tranh Chính-Trị, Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân.

  • Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ.

  • Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải.


Vào tháng 3 năm 1975, Ông kiêm nhiệm hai chức vụ:

§ Tư-Lệnh mặt trận tiền phương Quân-Đoàn II.

§ Tổng Trấn Qui-Nhơn.

 Suốt thời gian dài tị nạn tại Hoa-Kỳ, ông Hoàng Cơ Minh sống bằng một nghề rất bình dị, dành thì giờ âm thầm vận động để thành lập Mặt-Trận Quốc-Gia Thống-Nhất Giải-Phóng Việt-Nam. Mặt-Trận này ra đời ngày 30 tháng 4 năm 1980.

 Ông Hoàng Cơ Minh đã tự sát sau khi bị thương trong cuộc đụng độ nặng giữa Phục-Quốc-Quân của Mặt-Trận – do Ông lãnh đạo – với Việt-Cộng, tại biên giới Lào-Việt!

ÔNG ĐẶNG HỮU THÂN * Cố Hải-Quân Thiếu-Tá

 Ông Đặng Hữu Thân xuất thân trường trung học Võ-Tánh Nha-Trang. Khi còn theo học Võ-Tánh tên của Ông là Đặng Hữu Thản. Sau khi gia nhập khóa XII Sĩ-Quan Hải-Quân Nha-Trang, Ông đổi lại là Đặng Hữu Thân.


 Ông Đặng Hữu Thân phục vụ tại nhiều đơn vị Hải-Quân và được tu nghiệp tại Hoa-Kỳ.

 Chức vụ cuối cùng của Ông trong quân chủng Hải-Quân là Liên-Đoàn-Trưởng Liên-Đoàn Sinh-Viên Hải-Quân. Sau đó, Ông đắc cử nghị viên Hội-Đồng Tỉnh Khánh-Hòa.

 Sau ngày 30 tháng 4, ông Đặng Hữu Thân thành lập Mặt-Trận Dân Quân Cứu Quốc.

 Uy thế cá nhân của Ông rất cao. Tổ chức của Ông hoạt động mạnh và được mọi giới hưởng ứng. Có thể nói Mặt-Trận Dân-Quân Cứu Quốc là mối lo ngại lớn lao của Việt-Cộng lúc bấy giờ. Vì lẽ đó, bằng mọi giá, Việt-Cộng phải đập tan tổ chức của Ông.

 Sau khi bị bắt và bị kêu án chung thân khổ sai, ông Đặng Hữu Thân bị đưa về trại tù A30. Tại đây, Ông bị nhốt chung với những người tù mang án nặng, trong một trại giam riêng biệt, cạnh cổng gác chính.

 Trại giam này được bao bọc bằng nhiều lớp kẽm gai; ngay như mấy vách đất cũng được luồn kẽm gai vào giữa. Không ai được tiếp xúc với nhóm biệt giam này.

 Tuy giam Ông trong nhà tù kiên cố như vậy, nhưng Việt-Cộng vẫn lo ngại. Bất cứ một biến chuyển chính trị nào, dù lớn hay nhỏ, dù xảy ra trong nước hay ở hải ngoại, Việt-Cộng cũng đem Ông vào conex cùm lại!

 Dù thất thế và bị hao mòn vì những đêm bị cùm và những ngày lao động khổ sai, ông Đặng Hữu Thân cũng vẫn không dấu được nét bất khuất trong đôi mắt nhìn thẳng, vẻ hiên ngang trên khuôn mặt ngẫng cao. Ông vẫn bước những bước chắc nịch với đôi vai ngang như lúc Ông dẫn đầu Liên-Đoàn Sinh-Viên Sĩ-Quan Hải-Quân diễn hành vào dịp Quốc-Khánh 1972!

 Nhưng…chỉ một thời gian sau, mọi người tù đều buồn nản và thất vọng, vì người hùng Đặng Hữu Thân hết bị cùm, được thăm nuôi và được cán bộ tin tưởng nhiều! Khi được cán bộ và quản giáo tin tưởng, ông Đặng Hữu Thân tìm mọi cách xa lánh hẳn những người bạn tù, khiến mọi người nghĩ rằng Ông đã thấm đòn!

 Ngày 3 tháng 9 năm 1980, tin Đặng Hữu Thân trốn trại làm mọi người sửng sốt, xúc động và lo lắng. Tất cả bạn tù đều mong Ông trốn thoát để làm được một chút gì cho Quê-Hương.

Ông Đặng Hữu Thân trốn trại cùng với ông Quý, ông Thắng và ông Xuân. Sau khi thoát khỏi trại, bốn người chia hai ngã. Ông Quý và ông Thắng về một nẻo. Ông Thân và ông Xuân đi một hướng.

 Ông Xuân có chân trong một tổ chức chính trị Z, nhờ vậy ông Xuân biết đường về Cao Nguyên. Mục đích của ông Xuân và ông Thân là tìm đến lực lượng FULRO – Front Unifié pour la Libération des Races Opprimés. Trên đường đi, ông Xuân bị trật chân, sự di chuyển chậm lại. Ông Thân không nở bỏ ông Xuân!

 Ngày 26 tháng 9 năm 1980, hai mươi ba ngày căng thẳng trong từng mạch máu, trong từng ý niệm thời gian, bạn tù thấy ông Đặng Hữu Thân từ trên xe bị cán bộ tống xuống!

 Vẫn đôi vai ngang bướng bỉnh, vẫn gương mặt đượm nét bất cần, ông Đặng Hữu Thân chấp nhận bản án tử hình của “tòa án nhân dân” Cộng-Sản với thái độ bình thản như Nguyễn Thái Học năm nào bị Pháp đưa lên đoạn đầu đài tại Yên-Bái.

 * Ảnh do khóa 12 SQ/HQ/NT cung cấp.

 ÔNG LÊ ANH TUẤN - Cố Hải-Quân Thiếu-Tá Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận

 Ông Lê Anh Tuấn sinh ngày 12 tháng 12 năm 1943. Ông xuất thân trường trung học Chu-Văn-An. Ông học hết năm thứ ba Đại-Học Luật-Khoa thì gia nhập khóa 14 sĩ-quan Hải-Quân Nha-Trang.

Là người em út của một vị Tướng có nhiều uy quyền – Trung Tướng Lê Nguyên Khang – nhưng ông Lê Anh Tuấn không xin về những đơn vị ít nguy hiểm mà Ông lại tình nguyện về các đơn vị chiến đấu. Đơn vị cuối cùng do Ông chỉ huy là Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận, đóng tại Tuyên-Nhơn.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn đã tuẩn tiết trên một chiến đỉnh, bên sông Vàm-Cỏ-Tây gần kinh Thủ-Thừa, thuộc tỉnh Long-An.

 ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com

* Sắp theo mẫu tự tên của từng nhân vật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn