Công an còn gán ghép cho ông những tội như “chống người thi hành công vụ”, “đánh cán bộ”, “giúp thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa”, “xúi giục dân oan đòi đất đai bị địa phương chiếm đoạt”.
Tải xuống để nghe.
Đối mặt nhiều mối nguy
Cách đây chừng 10 hôm, ông Kỳ đã lên tiếng qua Đài Á Châu Tự Do, hậu quả là ông bị công an mời tới trụ sở “làm việc”, nay ông lại phải đối mặt với mối nguy khác. Xin mời quý vị theo dõi câu chuyện với ông Kỳ từ Bình Thuận do Đỗ Hiếu ghi nhận.
Giấy triệu tập do công an gởi cho Ông Lê Hồng Kỳ. Hình do thính giả cung cấp.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, qua cuộc tiếp xúc lần trước với ông về việc công an địa phương mời ông tới trụ sở để làm việc về hồ sơ thương phế binh cũng như là đứng về phía bà con cô bác dân oan để đòi lại đất rừng mà nhà cầm quyền đã giành để nhượng lại cho các công ty khai thác nước ngoài, cái tin đó anh có được đón nhận và những người dân oan có theo dõi cuộc phỏng vấn đó không, thưa ông Kỳ?
Ông Lê Hồng Kỳ: Qua cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do vừa qua thì theo quan điểm của tôi nhận xét là có một số người dân họ rất phấn khởi. Phấn khởi là chỗ này, người ta nhận thấy và nhìn nhận quan điểm của tôi trả lời cho Đài là rất đúng, bởi vì tôi trả lời đúng với tinh thần và quan điểm trách nhiệm của một công dân đối với một đất nước, đối với những việc làm sai trái của cán bộ cầm quyền, các nhà lãnh đạo của địa phương họ nói một đằng làm một nẻo, luôn miêng nói là bảo vệ cho dân, làm cho dân nhưng thật ra không có cái gì cho dân cả. Họ phá hàng ngàn hecta đất này họ đưa cho doanh nghiệp tư nhân để liên kết trông cao su mà trong khi dân không có một tấc.
Vừa qua tôi có làm việc với ông Lê Hoàng Chính, thiếu tá công an huyện Đức Linh thì tôi có nói với ổng khi ổng hỏi tôi động cơ sao mà ông phải đi xin đất cho dân, thì tôi nói là mục đích của tôi là xóa đói dân nghèo khác với mục đích của các ông hiện nay. Mục đích của tôi là xóa đói giảm nghèo bền vững lâu dài, còn các ông chỉ là trước mắt. Ông chỉ cho người ta 10 triệu, 15 triệu họ xây dựng cái nhà tình nghĩa, rốt cuộc 15 triệu, 10 triệu họ xây không đủ, họ phải đi vay thêm tiền để họ xây. Họ xây thì họ thiếu nợ ngân hàng. Thiếu nợ ngân hàng vì bản thân họ đã không có tiền, nghèo mới đi xin vay mà họ lại thiếu nợ ngân hàng thì họ lấy gì để thanh toán ngân hàng? Họ phải cầm cố tài sản là sổ quyền sử dụng đất của họ.
Còn riêng của tôi là tôi đưa đất này cho họ. Tôi xin đất này của nhà nước chia lại cho họ, họ có đất họ làm họ ăn, có cái thặng dư ra họ tích lũy họ xây nhà, cuối cũng họ vẫn còn đất để canh tác mà nuôi con họ ăn học. Con họ có những người học cao đẳng, họ trưởng thành và trở thành những công dân tốt cho xã hội. Thì cái việc trả lời của tôi trên Đài, tôi nhấn mạnh như thế thì đúng quá cho nên họ mừng lắm, họ phấn khởi lắm.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, ông nói là bà con dân oan mừng và trong đó cũng chính cá nhân ông, nhưng mà sau đó có được mời lên công an huyện Đức Linh làm việc nữa hay không và sắp tới thì ông nghĩ là mình sẽ có thể gặp một vài trở ngại rắc rối gì không, vì là tiếng nói của hàng ngàn dân oan tại địa phương đó, thưa ông Kỳ?
Ông Lê Hồng Kỳ: Sau đó thì một hôm họ mời tôi lên làm việc về hồ sơ thương phế binh và hồ sơ xin đất, thì sau đó vài ngày họ mời tôi lên làm tiếp buổi làm việc sau ngày 13 vì cho rằng tôi đánh cán bộ, mà đánh cán bộ thì sự việc này là ngày 20-5-2010, cách đây vài tháng. Tự họ dựng lên cái chuyện cho tôi đánh cán bộ, nhưng cái ngày đó thực ra huyện Đức Linh mời tôi làm việc mà tại sao họ lại cho là tôi đánh cán bộ ngày đó, mà đánh cán bộ ngày đó tại UBND xã thì tại sao họ không bắt nhốt tôi lại tại đó, lập biên bản tại đó, mà họ thả tôi về rồi mấy tháng sau dựng lên chuyện tôi đánh cán bộ để mời tôi lên, cho rằng ông cán bộ đó ngất xỉu đi cấp cứu thế này thế nọ, hoàn toàn là vu khống cho tôi không.
Trách nhiệm công dân
Đỗ Hiếu: Thưa ông, rồi cũng qua một số tài liệu mà Đài Á Châu Tự Do chúng tôi nhận được nói rằng ông Lê Hồng Kỳ sẽ được bà con dân oan đề cử làm chủ tịch Hội Dân Oan Việt Nam, thì tin này ông nghĩ là nó có xác thực hay không?
Ông Lê Hồng Kỳ: Cái tin này thì nếu như mà tinh thần mà đứng ra làm một chủ tịch hội này hội nọ thì cái việc đó trọng trách nó hơi lớn, nhưng đối với cái trách nhiệm công dân mà đứng bảo vệ được cho những người dân mà mất quyền lợi với trình độ và khả năng hiện có của mình thì tôi cố gắng giúp được người dân bao nhiêu thì tôi giúp, giúp hết sức mình để bảo vệ quyền lợi cho họ và bảo vệ cái nền luật pháp vốn có của Việt Nam, không thể để cho cán bộ các cấp chà đạp lên luật pháp Việt Nam mà sống, tước bỏ quyền lợi thực của người dân. Họ dùng cái quyền lực có trong tay của họ mà đàn áp người dân để cướp đất của người dân. Mình phải đứng ra, phải bênh vực, phải bảo vệ người dân, bởi vì bản chất của người dân vốn dĩ là hiền lành, thật thà, chất phác, có gì nói nấy, nhưng từ cái chỗ hiền lành chất phác đó mà họ bị cán bộ hiếp đáp, đàn áp, chà đạp lên nhân phẩm của họ, cướp hết tài sản của họ. Cho dù đến chết bao nhiêu lần đi nữa tôi vẫn đứng ra bảo vệ cho người dân, chứ không bỏ, trong đó có quyền lợi của tôi nữa.
Ông Lê Hồng Kỳ. Hình do thính giả cung cấp.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, qua cuộc trao đổi vừa rồi đã được phát qua Đài Á Châu Tự Do thì ông cho biết hoàn cảnh gia đình rất là khó khăn chật vật về miếng cơm manh áo cũng như các phương tiện tối thiểu trong đời sống, không có điện, dùng đèn dầu, thì tình trạng đó đên nay ra sao, thưa ông Kỳ?
Ông Lê Hồng Kỳ: Ồ! Bữa nay nó vẫn giậm chân tại chỗ, anh à. Họ chỉ nói như thế thôi chớ họ chả giúp được gì cho gia đình chúng tôi đâu, bởi vì đến hôm nay họ cũng đâu có mắc điện lại cho tôi đâu, bởi vì họ quy trong cái đó họ cho tôi là vi phạm một cái điều gì đó của cái quyết định của một ngành, nhưng trong khi các cán bộ như ông chủ tịch huyện Đức Linh này thì ổng chà đạp luật pháp ổng sống, ổng chà đạp lên hiến pháp, ổng chà đạp luật pháp mà sống, ổng xem thường thủ tướng chính phủ, ổng đi cướp một trăm triệu, ổng lừa đảo chính phủ ổng lấy một trăm triệu thì nó cho là việc nhẹ, còn tôi có thiếu 65 ngàn đồng là cái việc nhỏ nhặn của Bộ Năng Lượng thì họ cho là tôi vi phạm pháp luật, họ tước cái quyền hưởng thụ của tôi. Cái việc này là hoàn toàn bất công, vô lý. Bởi vì ông Nguyễn Văn Hùng này ổng cướp đất của tôi, ổng lấy đất của tôi để cấp cho cán bộ mà tôi đã chứng minh rõ ràng rồi, có cơ sở pháp lý rồi.
Sau đó nữa báo chí đã đăng ổng đi ăn cướp, ổng đi lừa đảo chính phủ, lừa đảo thủ tướng, lừa đảo chủ tịch tỉnh, ổng lấy 100 triệu từ kênh Đông Hà không hư mà ổng cho là hư. Như vậy thì báo chí đã đăng, tôi đã làm đơn tố cáo mà chính quyền vẫn không chịu giải quyết, cố tình bao che và binh vực cho ông ta, bảo vệ hành vi vi phạm pháp luật của ông ta. Việc này rất là bất công, rất là vô lý mà hiện nay người dân bình thường họ không dám nói. Ai mà phát lên nói những điều giống như ông Lê Hồng Kỳ đây thì sẽ bị tù như ông Lê Hồng Kỳ, cho nên người ta sợ lắm, không ai dám lên tiếng nói mạnh mẽ của mình, dù biết vẫn để trong tâm mà thôi.
Đỗ Hiếu: Ông mới nói là ông Lê Hồng Kỳ bị trù dập, thật sự thì chúng tôi cũng mới được tin là nhà cầm quyền địa phương có thể là treo mạng sống của ông hàng tỷ đồng VN, ông có nhận được tin này chưa và ông có ý kiến gì về nguồn tin mà chúng tôi nhận được, thưa ông Kỳ?
Ông Lê Hồng Kỳ: Ngoài anh nhận được tin thì tôi có một số bạn bè của tôi thì họ cũng có ngỏ ý họ hỏi thử. Họ hỏi rằng cái tin đó có thật không ông Kỳ, bởi vì có tin rằng họ đưa ra cái giá 2 tỷ đồng cho ai đó cung cấp được bằng chứng để cho công an bắt nhốt ông trong suốt cái đại hội trong tháng 9 này nhằm dập cái hồ sơ của ông. Bởi vì tôi muốn trả lời với anh em và tôi trả lời cho anh Đỗ Hiếu thế này, muốn trả lời cho hoàn chỉnh câu hỏi này thì chúng ta phải lật lại cái vụ việc. Bởi vì lật lại vụ việc thế này, trong quá trình giải quyết của tôi thì luật quy định 3 tháng, gia hạn 3 tháng là 6 tháng, nhưng việc này đã thụ lý 9 tháng nay rồi mà chính quyền Bình Thuận không chịu trả lời kết luận nội dung tố cáo của tôi.
Và ông chủ tịch tỉnh có 3 văn bản hứa trong tháng 7; rồi tháng 8; rồi tháng 9, vào ngày 1 tháng 9 ông có một văn bản trả lời là sẽ kết luận trong tháng 9. Thì song song đó là ông chỉ đạo cho công an huyện Đức Linh liên tục mời tôi hai ba lần về hồ sơ thương phế binh, rồi hồ sơ xin đất, rồi dựng chuyện tôi đánh cán bộ để nhằm mục đích tạo ra khe hở, tìm ra chứng cứ để mà dập cái vụ việc của tôi, nhưng rốt cuộc không có, bởi vì mình là người ngay nói thật mà, không có gì hết, họ tìm đâu có ra chứng cứ. Cho nên cuối cùng thì cái việc ông chủ tịch tỉnh kéo dài vụ án của tôi ra, không giải quyết để tìm khe hở, tìm chứng cứ của tôi để hòng dập vụ án của tôi, dập tôi. Đó là có cơ sở, cho nên cái giá 2 tỷ này có thể kiểm chứng là có sự thật.
Đỗ Hiếu: Chúng tôi xin cảm ơn ông Lê Hồng Kỳ và một lần nữa cũng cầu cho gia đình và chính bản thân ông Kỳ được nhiều may mắn và nhiều sức khỏe để tiếp tục lên tiếng bảo vệ cho hàng ngàn dân oan quanh vùng ông sống.
Ông Lê Hồng Kỳ: Dạ, cảm ơn ông Đỗ Hiếu.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
21-09-2010
Gửi ý kiến của bạn