BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ăn Tết nay, nhớ lại Tết Mậu Thân 1968 tại quận 5, Sài Gòn

25 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 2446)
Ăn Tết nay, nhớ lại Tết Mậu Thân 1968 tại quận 5, Sài Gòn
58Vote
44Vote
35Vote
25Vote
15Vote
3.227

Hồi Ký


I- Đêm Giao Thừa

Chiều 30 Tết Mậu Thân, tôi được phân công sĩ quan trực tại Ty CSQG/Q5 Đô Thành Sài Gòn từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều. Suốt ca trực 6 tiếng, không có vụ việc gì quan trọng xảy ra trong phạm vi Q.5. Ngoài đường, dân chúng đi lại thưa thớt vì hầu hết ai cũng ở nhà lo chuẩn bị cúng rước Ông Bà theo tục lệ ngày Tết. Các xe rác chạy chầm chậm để các công nhân vệ sinh dọn dẹp các chậu bông kiểng và rác rến do người bán bỏ lại trên lề đường Tổng Đốc Phương và Đồng Khánh. Thỉnh thoảng vài tràng pháo nổ giòn trong không khí se lạnh của mùa Xuân sắp đến. Khoảng 17 giờ 30, Ban Truyền Tin thông báo cho tôi biết vừa có đụng độ giữa Trung Đội CSDC và VC tại nhà thờ Bảy Vàng đường Phú Định, ven biên Q.6 & Q.7. Sau đó, tin cho biết trung đội trưởng CSDC tên Hiếu đã tử trận trong khi chống trả bọn VC và 2 Ty CSQG Q.6 & Q.7 đang tăng cường nhân viên để tiếp viện cho đơn vị CSDC nói trên. Sự kiện này đã tố cáo bọn VC vi phạm thỏa ước ngưng bắn trong dịp Tết Mậu Thân 1968 và là cuộc chạm trán đầu tiên giữa lực lượng CSQG và VC tại Đô Thành Sài Gòn.

Đúng 18 giờ, tôi bàn giao lại phiên trực cho sĩ quan kế tiếp và về nhà ở cư xá Thanh Quang bên cầu Chữ Y cạnh lò heo Chánh Hưng ở phía sau Chi Trần Văn Quân. Lệnh báo động do Tổng Nha CSQG ban hành ra lệnh tất cả đơn vị CSQG phải cấm trại 100% và sẵn sàng chiến đấu chống VC đã tấn công vào Đô Thành. Tại cư xá, tất cả anh em đều trình diện Chi Trần Văn Quân để nhận lãnh vũ khí, đạn dược, lựu đạn... phụ trách phòng thủ mặt tường rào lò heo và mé sông Kinh Đôi ngó sang cầu Mật bến Phạm Thế Hiển. Suốt đêm giao thừa, anh em trong Cư Xá phải thức để cùng nhau canh phòng cẩn mật tăng cường an ninh cho Chi Trần Văn Quân. Súng nổ thay tiếng pháo giao thừa vang dội khắp nơi làm cho tinh thần anh em thêm căng thẳng thâu đêm rạng sáng mùng 1 Tết.

II- Ứng chiến tại Quận 5

Chiều mùng 1 Tết, tôi được lệnh của Thiếu Tá Lê Ngọc Trụ, trưởng ty CSQG/Q5, bằng mọi cách phải trình diện tại ty; tôi liền thay cảnh phục (áo trắng, quần xám) đội kết, mang súng lục trước ngực, dùng xe Mobylette cắm đầu chạy vô ty. Suốt lộ trình, nhờ mặc cảnh phục nên các toán nút chận của cảnh sát cho tôi chạy qua dễ dàng đến ty bình an (vì có tin một số nhân viên mặc cảnh phục trên đường đến đơn vị hoặc giữ trật tự cho các đoàn lân đã bị VC hạ sát dọc đường).

Lệnh cấm trại 100% được thi hành triệt để. Tất cả nhân viên tại ty và một số tại các Chi được điều động về ty để thành lập một đại đội xung kích, mặc sắc phục CSDC, trang bị áo giáp, nón sắt 2 lớp chia thành các Trung Đội Xung Kích được Thượng Sĩ Viên và Trung Sĩ Hoành (hai HSQ/ BĐQ cận vệ của Th.Tá Lê Ngọc Trụ) tập dượt tác chiến trong thành phố: đặt các lô cốt bằng bao cát tại 4 góc đường bao quanh trụ sở ty, ăn ngủ tại chỗ, dọc các dãy phố dưới mái hiên xung quanh để bảo vệ ty. Các xe Jeep tuần tiễu được tháo mui, gắn thêm 2 tấm bửng bằng sắt 8-10 ly vào 2 bên hông xe để chống đạn. Mỗi xe có 1 trưởng xa, 1 tài xế và 4 nhân viên ngồi đâu lưng nhau phía sau để sẵn sàng phản ứng kịp thời khi hữu sự. Mỗi toán tuần tiễu lúc này là 2 xe (12 nhân viên) để hỗ trợ lẫn nhau thay vì 1 xe như trước Tết.

Sau khi nhận áo giáp, nón sắt, súng lục Smith & Wesson với 1 dây nịt đầy đạn, tôi được lệnh dẫn 1 trung đội ra đóng tại ngã tư đường Trần Hoàng Quân và Sư Vạn Hạnh để giữ an ninh cho đồng bào khu Vũng Bột đang di tản ra khỏi khu này vì có tin VC đang trà trộn vào dân đồng thời làm các nút chận khám xét để phát hiện kẻ bị tình nghi hoặc vũ khí di chuyển.

Chúng tôi được phát mỗi người 5 màu ruban: xanh dương, vàng, đỏ, đen, trắng để gắn trên vai trái 3 màu; thay đổi mỗi 6 tiếng đồng hồ cùng với mật khẩu. Đứng trên lầu 2 của văn phòng Caritas Chợ Lớn (nằm ở ngã 3 Hùng Vương và Trần Hoàng Quân) theo dõi tin tức qua máy truyền tin, tôi được biết trong đêm Mùng 1 Tết, VC đã tấn công nhiều nơi trong Đô Thành như cổng sau Dinh Độc Lập, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở đại lộ Thống Nhất, Đài phát thanh đường Phan Đình Phùng, Bộ TTM/QLVNCH và nhiều cơ sở khác của chính quyền VNCH.




Riêng tại khu Vũng Bột nơi chúng tôi đóng quân, khi dân chúng đã di tản ra đường Hùng Vương lánh nạn vì VC đã cho phóng hỏa đốt cháy nhà dân nhiều nơi trong đêm. Xe chữa lửa chỉ chửa được vòng ngoài không thể vào sâu được trong hẻm vì súng VC bắn ra từng đợt. Suốt đêm lửa cháy trong xóm nhà dân, thỉnh thoảng nghe tiếng khóc than, la hét của đàn bà trẻ thơ thật thảm não! Có 1 đơn vị đặc biệt TQLC trong đêm đã len lỏi vào xóm tảo thanh bọn VC vì tôi nghe nhiều tiếng súng nổ vang. Đến sáng hôm sau, nhân viên cứu hỏa vào xóm khiêng nhiều xác chết VC ra xe chở đi. Một đơn vị của Ty CSQG Hải Cảng đến tăng cường do BTV Nguyễn Kim Hạc chỉ huy đã cùng chúng tôi xông vào xóm lục soát đã bắt được 7 tên VC bị thương đem ra băng bó tạm thời và tập trung ở tầng trệt văn phòng CARITAS để chuyển tiếp về Tổng Nha. Trung đội của chúng tôi đóng quân tại địa điểm trên đã 2 ngày 3 đêm; Ty Cảnh Sát tiếp lương thực bằng đồ hộp “Ration C”. Gần đó, chợ An Đông vẫn họp chợ đông đảo mặc dù trải qua ngày đêm súng nổ; có nhiều dân chúng đứng xem lính cứu hỏa khiêng xác VC ra xe chở đi.

III- Nhận nhiệm vụ mới

Vào sáng mùng 4 Tết, trung đội của tôi được lệnh di chuyển về ty. Tôi nhận sự vụ lệnh của trưởng ty cử XLTV trưởng Phòng Hoạt Vụ thay thế TSV Nguyễn Trung An bị bệnh đang nằm viện. Một chức vụ mới được giao cho tôi điều hành, đôn đốc, kiểm soát các Ban Tuần Cảnh, Công Xa, Vũ Khí và phối hợp với Phòng Hành Quân do Đại Úy Đinh Xuân Mai chỉ huy để mở các cuộc hành quân cảnh sát trong quận và liên quận dồn dập 3 cuộc hành quân ban ngày và 2 cuộc hành quân ban đêm trong thời gian chiến tranh vào thành phố. Với 2 tài xế và 4 cận vệ chia làm 2 toán luân phiên 24/24 ngày đêm, phần tôi ăn ngủ tắm rửa tại ty, nhờ các gia đình nhân viên cư ngụ trong cư xá cạnh ty nấu hộ.

Dân chúng chạy loạn trên cầu chữ Y, Sài Gòn, trong trận Mậu Thân 1968.


Còn một vấn đề tiếp tế thức ăn cho các quân nhân thuộc đủ các binh chủng, đơn vị đang nghỉ phép tại Sài Gòn được lệnh Bộ TTM tập trung tăng cường cho Ty CSQG/Q5 được chuyển đến đóng quân tại cao ốc đang xây cất dở dang trên đường Nguyễn Kim trước sân vận động Cộng Hòa là mối quan tâm đặc biệt của Phòng Hoạt Vụ, phải lo mua sắm đủ thứ nào gạo, củi, nồi, niêu, xoong, chảo, cá khô, nước mắm, hột vịt, tương chao, v.v... rồi giao cho các đơn vị đó tự nấu nướng ăn uống thêm vào với khẩu phần “Ration C”. Mặc dù ban đêm khuya khoắt tôi vẫn phải đích thân can thiệp với các chủ nhà để các sĩ quan “đề lô” của một đơn vị pháo binh tăng cường đóng dọc đường Tôn Thọ Tường lên ở trên lầu nhà dân để dễ quan sát.

Trong một cuộc hành quân, Trưởng Ty Lê Ngọc Trụ bị thương nhẹ ở bắp chân, phải băng bột, đi đứng khó khăn, nên Tổng Nha cử Thiếu Tá TQLC Lê Văn Hiền tạm thay thế Tr.Tá Trụ (được vinh thăng vào giữa tháng 3, 1968). Mặc dù nằm nhà dưỡng thương nhưng Tr.Tá Trụ vẫn theo dõi hoạt động của ty qua máy truyền tin. Các cuộc hành quân vẫn tiếp tục ngày đêm kể cả việc lục soát các ghe chài đậu dọc 2 bến Hàm Tử và Lê Quang Liêm. Tiểu Đoàn 5/TQLC có tăng cường Q5 một thời gian ngắn sau Tết được lệnh chuyển ra Huế.

Cuộc tổng công kích đợt I vào Đô Thành Sài Gòn của VC đã bị Quân Lực VNCH và Lực lượng CSQG bẻ gãy; không một cơ quan hay vùng lãnh thổ nào của Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định bị VC chiếm đóng. Chúng bị thiệt hại nặng, tan rả, hoặc bị bắt hoặc ra hàng. Nhiều thi thể VC được chở về tập trung trên lề đường Đồng Khánh - trước ty - để xe cứu hỏa đem đi chôn. Sinh hoạt người dân trở lại bình thường, rạp hát, nhà hàng, tiệm buôn mở cửa lại; xe cộ lưu thông tấp nập trên đường phố.

IV- Tổng Công Kích đợt 2

Nhưng đến đêm 4 rạng 5 tháng 5, 1968, VC lại mở trận Tổng Công Kích đợt 2. Tại Q5, chúng xâm nhập vào hãng xà bông Trương Văn Bền, khu vực Chợ Thiếc, lẩn lút trong khu đan lát tre mây trong nhiều hẻm xuyên qua đường Tôn Thọ Tường, khu Phú Thọ, đường Phùng Hưng và các đường phố khu người Hoa. Chúng xông vào nhà đục tường, khoét vách để chui lòn thông thương từ nhà này sang nhà khác ngay cả trên lầu để bắn sẻ từ trên cao. Lần này, Ty CSQG/Q5 được Tiểu Đoàn 35/BĐQ tăng cường do Đại Úy Hồ Văn Hòa (biệt danh con D. đầu đàn) chỉ huy đặt tạm BCH tại Ty Cảnh Sát.

Sáng ngày 5 tháng 5, 1968, nhận lệnh Th.Tá Hiền, tôi dẫn 2 Trung Đội Xung Kích lên chợ Thiếc để chận đánh toán VC đang ẩn núp trên lầu nhà dân bắn phá nên chợ không nhóm họp được. Chúng tôi rải quân dọc theo đường Phó Cơ Điều trước chợ Thiếc, phóng lựu M-79 lên các cửa sổ trên lầu sau chợ vì VC đang ẩn nấp trên đó bắn xuống. Thình lình có 1 xe Traction đen chạy vào chợ không chịu ngừng theo lệnh nhân viên nên lệnh nổ súng bắn xẹp bánh xe, tên lái xế bị lạc đạn chết tại chỗ. Khi đến lục soát xe, nhân viên tịch thu được nhiều súng K.54 và vô số mìn chở trong xe.

Lúc đó, Tr.Tá Trụ (đã lành vết thương) nghe tin báo cáo liền đích thân đến tận nơi khen thưởng và chuyển thành tích đạt được về Tổng Nha. Bọn VC thấy cảnh sát bao vây khu chợ Thiếc và chiếc xe Traction bị bắn liền bỏ chạy lẫn vào các hẻm hóc xung quanh chợ tẩu thoát. Chúng tôi rượt theo vào các đường hẻm nhưng không bắt được tên nào mà lại tịch thu được 10 khẩu súng trường AK-47 do bọn chúng vứt bỏ lại khi tẩu thoát vào các hẻm chằng chịt trong xóm đan tre mây này. Tôi báo tin về ty và tập trung số võ khí trên ở khoảng sân trống trước chợ.

Vài giờ sau, một phái đoàn của đài phát thanh quân đội đến làm cuộc phỏng vấn tôi cũng như ghi hình các chiến lợi phẩm vừa thu được. Phần tôi được đề nghị ân thưởng Đệ Tam Đẳng Cảnh Sát Chiến Công Bội Tinh, một huy chương đầu tiên trong thời gian phục vụ ngành CSQG, một ngành bán văn bán võ mà trước đây tôi chỉ ngồi trong văn phòng làm việc giấy tờ, nay phải xông pha ra chỉ huy ngoài chiến trận!! Sau ngày đó, chợ Thiếc nhóm họp lại buôn bán bình thường vì có nhiều toán cảnh sát tuần tiễu giữ an ninh quanh chợ.

Tướng Loan bị trọng thương trong trận tổng công kích đợt hai của VC


Thời gian này, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan TGĐ/CSQG bị thương ở mặt trận gần cầu Phan Thanh Giản đang điều trị tại BV Grall. Đại Tá Đàm Văn Quý lên thay thế một thời gian ngắn độ 2, 3 tuần thì bị tử thương trong khi đi thị sát mặt trận trên đại lộ Trần Quốc Toản gần đường Minh Phụng. Đại Tá BĐQ Trần Văn Hai được cử giữ chức vụ Tổng Giám Đốc CSQG. Lệnh giới nghiêm được ban hành từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng tai Đô Thành Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Tại Q5, VC xâm nhập các dãy phố đường Phùng Hưng, Nguyễn Trãi, Đồng Khánh, Lý Thành Nguyên, v.v... nổ súng bắn sẻ suốt ngày đêm. Chúng di chuyển xuyên qua các vách tường đục khoét thông thương từ đầu đến cuối phố. Tiểu Đoàn 35/BĐQ rải quân khắp các đường trong Chợ Lớn đã thanh toán nhiều ổ VC chiếm cứ nhà dân buộc chúng im tiếng súng. Đại Úy Hồ Văn Hòa, TĐT/ 35/ BĐQ được đặc cách vinh thăng thiếu tá tại mặt trận trong một buổi lễ long trọng ngay tại Ty CSQG/Q5.

Tôi còn nhớ, một sáng tháng 5, lệnh của Tổng Nha phải tìm bắt những phụ nữ mặc áo bà ba màu xanh dương vì đó là các nữ giao liên VC. Các toán tuần tiễu, các nút chận đã bắt giải về ty rất đông, ngồi chật cả sân trước ty. Sau đó tất cả được giải giao về Tổng Nha để Khối CSĐB khai thác.

Buổi sáng ngày 1 tháng 6, 1968, VC chiếm nhà hàng Soái Kình Lâm góc đường Đồng Khánh-Phùng Hưng và các dãy lầu kế cận, bắn phá về hướng đại lộ Tổng Đốc Phương, nơi đây chiến sĩ BĐQ dàn trận tiến tới nhà hàng để tiêu diệt bọn VC. Tr.Tá Trụ cùng tôi lên tầng lầu 10 của Khách sạn Phượng Hoàng (đang xây cất dở dang) tại góc Đồng Khánh-Tổng Đốc Phương dùng M-79 bắn về hướng nhà hàng để yểm trợ cho BĐQ và Cảnh Sát Xung Kích đang tiến quân dưới phố. Đến trưa thì mục tiêu được thanh toán.

 

Lính Biệt Động Quân - Sài Gòn 1968


 

Buổi chiều cùng ngày, VC tập trung vào khu Tam Chành góc Nguyễn Trãi-Lý Thành Nguyên, dùng đại liên và B-40 từ trong hẻm bắn ra khiến cho các đợt xung phong của ta bị chận đứng. Một CSV tên Long thuộc Ban Tuần Cảnh đã hy sinh trong đợt xung phong đầu tiên. Kho Tam Chành chứa thịt heo tươi mấy ngày bị cúp điện nên sình thúi chịu không nổi phải điều động xe cứu hỏa đến đem đi tiêu hủy. Trong cuộc chống trả bọn VC tại đây có sự hiện diện của Tr. Tá Nguyễn Văn Luận, giám đốc Nha Cảnh Sát Đô Thành đang quan sát và chỉ thị các đơn vị qua máy truyền tin, tôi có đến chào ông mà không ngờ đây là lần chót gặp ông một cấp chỉ huy khả kính để rồi chiều hôm sau 2 tháng 6, 1968, Ông đã tử trận cùng 4 vị nữa. Cuối cùng, BĐQ và quân đội Mỹ yểm trợ với xe Jeep có trí súng đại bác không giật 57 ly đến san bằng mục tiêu tan tành trong khói lửa mới buộc VC im tiếng súng tại khu vực này.

Ngày đau thương 2 tháng 6, 1968

Ngày 2 tháng 6, 1968, bọn VC vẫn còn ẩn núp trong các dãy nhà đường Nguyễn Trãi và các đường lân cận, vẫn nổ súng quấy nhiễu từng đợt. BĐQ được lệnh rút khỏi khu vực để trực thăng thả lựu đạn cay vào khu này đồng thời Cảnh Sát Xung Kích cho bắn lựu đạn cay vào kho hãng xà bông Trương Văn Bền vì VC vẫn còn ẩn nấp bên trong. Sau cùng chịu không nổi bọn chúng mới chịu buông súng ra hàng. Tất cả hàng binh đều được giải về Tổng Nha giải quyết. Những xác VC chết được xe cứu hỏa đến chuyển đi.

Hôm trước (1 tháng 6, 1968), Tr.Tá Trụ luôn kêu tôi cùng đi theo để chuyển lệnh qua máy truyền tin cho các đơn vị Cảnh Sát Xung Kích và các Chi trong Quận, nhưng trưa hôm nay (2 tháng 6, 1968) Ông lại lệnh tôi phải đích thân đi kiểm soát vòng rào kẽm gai giăng từ trường đua Phú Thọ đến cầu Chà Và ở bến Lê Quang Liêm, dọc theo các đường Lê Đại Hành, Thuận Kiều, Tổng Đốc Phương và đặt nút chận ở các ngã tư đường để ngăn chận VC có thể len lỏi cùng dân chúng vượt qua lằn ranh này tiến về hướng Sài Gòn. Những đoạn nào còn lỏng lẻo, tôi gọi về Ty xin chở các vòng kẽm gai loại “concertina” đến rào thêm cho chắc chắn.

Khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi hoàn thành công tác đang trên đường từ cầu Chà Và trở về ngang công viên trước Bưu điện Chợ Lớn chưa kịp đến BCH Hành quân đang đặt tại trường Phước Đức (góc Khổng Tử-Phùng Hưng) cách chừng hơn trăm mét, bỗng nghe tiếng trực thăng bay sát trên đầu tôi thấy hai cụm khói màu tím và xanh lục bốc lên trước cổng trường bên ngoài đại lộ Khổng Tử, liền sau đó là hai tiếng nổ chấn động cả khu vực, khói bụi bốc lên mù mịt, rồi các xe Jeep cảnh sát mui trần, mở đèn, hú còi chạy vút ngang qua chúng tôi, trên xe chở người bị thương đầy máu. Tôi kinh hoàng, bảo tài xế lái xe cùng tôi chạy đến BCH, xông vào khiêng Th.Tá Nguyễn Ngọc Xinh (chánh văn phòng của Tr.Tá Luận ) mình đầy máu chở đi cứu cấp nhưng ông đã từ trần ngay trên đường đến BV. Riêng Tr.Tá Trụ, trưởng ty đã bị bể sọ đầu, được anh em chở thẳng về ty, quàn thi thể qua đêm đến trưa hôm sau mới tẩn liệm.

Được biết, nguyên do chiếc trực thăng Mỹ lái đã phóng 2 hỏa tiễn xuống vị trí VC ẩn núp bên kia đường Nguyễn Trãi mặt sau của trường Phước Đức theo trái khói màu đỏ chỉ điểm mục tiêu nhưng vì đà bay quá thấp nên 2 hỏa tiễn trúng phải nóc trường phía trước nổ chụp xuống BCH Hành Quân đang ngồi trên các bậc tam cấp trước cổng trường đã gây tử thương và trọng thương toàn bộ sĩ quan cao cấp của BCH Hành Quân như sau:

A- Tử thương:

- Tr.Tá Nguyễn Văn Luận: Giám đốc Nha CSQG/ Đô Thành

- Tr.Tá Đào Bá Phước: Liên đoàn trưởng LĐ5/BĐQ

- Tr.Tá Lê Ngọc Trụ: Trưởng ty CSQG/Q5

- Th.Tá Nguyễn Ngọc Xinh: Chánh văn phòng Nha CSQG/ Đô Thành

- Th.Tá Phó Quốc Chụ: Giám đốc Nha Thương Cảng Sài Gòn.
(bạn của Tr.Tá Trụ đến thăm BCH Hành Quân)

B- Bị thương:

- Đại Tá Văn Văn Của: Đô trưởng Sài Gòn (bị thương ở mặt và tay)

- Tr.Tá Trần Văn Phấn: Trưởng Khối Nhân Huấn Tổng Nha CSQG (bị thương nặng phải cưa một chân).

Còn Đại Tá Nguyễn Văn Giám, tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô vừa rời BCH/HQ đi vệ sinh nên may mắn thoát nạn.

Tai nạn bi thảm kể trên đã gây xúc động cho toàn thể nhân viên Cảnh Sát Đô Thành mà cũng làm động lòng Trời nên ngay lúc đó một trận mưa to đổ ập xuống vùng này cho đến tối. Dân chúng phần đông là người Hoa lo sợ hoảng hốt cùng nhau trốn chạy ra hướng Sài Gòn trong khi hàng đoàn xe thiết giáp được tăng viện đến đậu giăng hàng ngang trên đường Tổng Đốc Phương, súng đại bác và đại liên chỉa thẳng nòng về phía Chợ Lớn làm thành một chiến lũy để đánh chặn VC nếu chúng còn lẩn quất trong vùng và toan vượt qua chiến lũy này.

Các cuộc hành quân cảnh sát phối họp cùng với Tiểu Đoàn 35/BĐQ vẫn tiếp tục duy trì cho đến khi không còn tiếng súng của VC trong khi dân chúng lần lượt trở về nhà bình yên sinh hoạt thuộc địa bàn Q5.

Đến giữa tháng 6, 1968, toàn thể lãnh thổ Đô Thành Sài Gòn đã sạch bóng VC, sinh hoạt dân chúng trở lại bình thường. Hai đợt Tổng Công Kích của VC vào Đô Thành Sài Gòn đã hoàn toàn thất bại vì Quân Lực VNCH và Lực Lượng CSQG đã đồng tâm hiệp sức đánh tan bọn chúng, đem lại an ninh trật tự cho đồng bào Thủ Đô mà chính bản thân tôi đã góp một phần nhỏ công sức trong thời gian phục vụ LL/CSQG/VNCH.

Lê Văn Lòng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn