BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72809)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện để ngẫm - Chuyện 1: Cổ Động

21 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1007)
Chuyện để ngẫm - Chuyện 1: Cổ Động
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Đấy là một trường tiểu học thuộc xã vùng cao ở tỉnh miền núi phía bắc. Trường được cắm trên một triền đồi nơi trung tâm xã, thuận tiện cho các em nhỏ cắp sách đến trường. Trước đây, ngôi trường được gọi trường cấp một của xã. Thời đó học sinh học cấp một đã lớn tuổi, nhỏ nhất là chín, mười tuổi, lớn đã là mười ba, mười bốn. Với lại thời buổi khó khăn nên không có chuyện đưa đón con em đến trường. Từ ngày thực hiện cải cách giáo dục, trẻ em đến trường đúng độ tuổi, nên tuyệt đại đa số các em đến trường phụ huynh phải đưa đón.

Mái trường hôm nay nhộn nhịp khác thường: cờ rông, trống nổi từ sáng sớm. Em nào cũng khoác trên vai chiếc khăn quàng đỏ rực rỡ, tíu tít rảo bước đến trường. Tiếng còi rít lên, từng hàng dọc xếp thẳng tắp, cô giáo phó hiệu trưởng quán triệt:

- Hôm nay toàn trường chúng ta tổ chức đường cổ động cho cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Trước khi xuống đường, chúng ta tập hô thử: các em chú ý, khi thầy giáo hô dứt điểm, các em đồng thanh hô ngay, hô khoẻ, to, dứt khoát, thể hiện tính cổ động cho ngày hội lớn của đất nước ta. Các em nghe rõ chưa?

- Rõ! Tất cả đồng thanh đáp.

Một thầy giáo trẻ tay cầm chiếc loa pin giơ lên ngang tầm với mõm, dõng dạc:

- Nhiệt liệt chào mừng cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp!

- Nhiệt liệt! Nhiệt liệt!

- Đi bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công đân!

- Nghĩa vụ! Nghĩa vụ!

- Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

- Muôn năm! Muôn năm!

- Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

- Sống mãi! Sống mãi!

- Các em chú ý: phải hô mạnh, dứt khoát. Một số em người dân tộc thiểu số nên nói tiếng phổ thông chưa chuẩn: sống mãi lại hô là sống mái.

Tiếng cười rộ lên. Cô giáo tiếp tục:

-Bây giờ chúng ta hô lại câu này:

- Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

- Sống mãi! Sống mãi!

- Được rồi, tốt rồi. Chúng ta hô lại một lần nữa...

Cuộc xuống đường cổ động bắt đầù. Đi trước là một tốp rước cờ gồm các anh chị học lớp năm người nhỉnh hơn so lứa tuổi, theo sau là từng lớp từ lớn đến nhỏ, đi đầu mỗi lớp có lá cờ nhỏ,cùng thầy hoặc cô chủ nhiệm lớp để quán xuyến và phân biệt các lớp khác nhau, cứ theo thứ tự mà đi. Và đương nhiên đi sau cùng là lớp một rồi đến lớp hai.

Cái nắng đầu hè bắt đầu dội xuống, mồ hôi bắt đầu vãi ra.Tiếng trống tùng rinh rinh, tùng rinh rinh thôi thúc các em rảo bước theo kịp hàng ngũ. Đoàn đi đến đâu được mọi người nghỉ tay ngước nhìn theo dõi, dù đang miệt mài lao động đến mấy. Ai cũng ái ngại cho các em bé lẽo đẽo vừa đi vừa chạy để kịp đoàn quân đang tiến vào các làng bản. Đến đường rẽ vào một làng hẻo lánh, đoàn quân tí hon rẽ trái tiến theo con đường quanh co, uốn khúc. Gặp một hố bùn lầy, các em hô nhau:

- Nhảy đi! Nhanh lên!

Một bé gái nhảy bị trượt, chân nhấn xuống bùn ngập đầu gối. Tiếng khóc rít lên, cô giáo chủ nhiệm lớp lao đến kéo em lên, một chiếc dép nhấn sâu trong bùn. Người em dính bùn bê bết. Cô giáo đành kéo em ra ria đường dỗ dành để đoàn quân tiếp bước.

- Thưa cô, lại có bạn ngã!

Cô giáo vội bổ nhào tới kéo em lên rồi lại dỗ dành. Tiếng cổ động lại vang lên.

- Nhiệt liệt chào mừng cuộc bầu cử hội đồng nhân dân các cấp!

- Nhiệt liệt! Nhiệt liệt!...

- Thưa cô, một bạn vãi đái ra quần rồi ạ! Bạn ấy khóc ri rỉ ở đầu hàng kia ạ!

- Sao lại đái ra quần? Cô giáo hỏi.

- Em buồn đái mà không dám đi vì các bạn cứ giục đi mau, em nhịn không được...

- Thôi được, em về nhà đi!

Cô giáo quay lại hai em bị ngã, ôn tồn động viên:

- Thôi các em về đi!

- Thưa cô, về bố mẹ mắng ạ! Thưa cô em mất dép về bố mẹ đánh ạ!

- Thưa cô một bạn ỉa đùn ra quần rồi ạ! Bạn ấy ngồi bệt xuống đất khóc rinh rích ở sau kia ạ!

Tiếng hô cổ động lại vang lên.

- Muôn năm! Muôn năm!...

Dứt lời, tiếng trống lại tùng rinh rinh, tùng rinh rinh...

Đoàn quân lại tiến bước vào sâu trong bản. Cái nắng chói chang thêm phần gay gắt. Từng tốp học sinh phá bĩnh, chạy ào vào cái giếng làng múc nước tu ừng ực cho đỡ khát. Tiếng các thầy cô chủ nhiệm lớp quát inh ỏi. Các em vội tháo chạy nhập vào hàng ngũ rảo bước theo đoàn.

- Trâu húc nhau! Trâu húc nhau! Đi nhanh lên xem cho thích! Tốp các em đi trước hiếu kỳ giục nhau.

- Trật tự! Chú ý vào để hô cho đồng thanh! Không khí trang nghiêm thế này mà còn đùa cợt,về lớp cô cho ăn “kiểm điểm”! Giọng cô giáo chủ nhiệm quát lớn chấn chỉnh đội ngũ.

- Thua rồi! Một con thua rồi! Các em lại reo lên.

- Kìa nó lao về phía ta! Nó đuổi nhau về phía ta! Thưa thầy cô, nó đuổi nhau về phía ta. Bây giờ làm thế nào?

Một cảnh hỗn loạn: cả thầy, cô lẫn trò dạt xuống đường, xô đẩy ngã đè lên nhau kêu oai oái. Phía sau, các em nhỏ hoảng loạn khóc thét ầm ĩ. Một thanh niên nông dân đang cày ruộng ngay đó nhìn thấy cảnh nguy hiểm lao vội lên bờ dùng mọi sức lực bẻ gẫy một cột rào ở bờ ruộng chắn trâu bò rồi giơ gậy quát to chặn đường lại làm con trâu bị đuổi rẽ sang lối khác. Mọi người hoàn hồn. Thầy cô cảm ơn anh nông dân dũng cảm cứu các em nhỏ, rồi chỉnh đốn đội hình tiếp tục tiến bước.

- Nhiệt liệt chào mừng cuộc bầu cử hội đồng nhân dân các cấp!

- Nhiệt liêt! Nhiệt liệt!

- Đi bỏ phiếu là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân!

- Nghĩa vụ! Nghĩa vụ!...

Tùng rinh rinh, tùng rinh rinh... Đoàn quân lại nối tiếp theo con đường mòn vào một bản bên trong.

- Thưa cô...

- Lại gì thế?

- Lại một bạn nữa ngã rồi ạ!

- Ngã thì dậy chứ sao!

- Bạn ấy ngã xỉu đi rồi ạ!

Hoảng hồn, cô giáo chạy tới thấy người em mềm như bún. Cô gọi một thầy giáo nhờ đưa em vào nhà dân gần đó rồi dùng quạt nan tay thoăn thoắt quạt cho em. Dân thấy vậy kéo đến xem,hỏi nhau:

- Cháu nó làm sao vậy?

- Say nắng! Bé quá em không chịu nổi, nghỉ mát tí là tỉnh thôi. Cô giáo giải thích, rồi cô ở lại luôn để chăm sóc bé gái học sinh thân yêu của mình.

Dưới đường đoàn quân tiếp tục hành quân. Tiếng hô: “Muôn năm! Muôn năm” vọng vào vách đá rồi lại vọng ra cánh đồng bậc thang khô cằn hoang vắng.

Phía trước có tiếng hô hoán.

- Lại chuyện gì vậy? Mọi người hỏi nhau.

- Chó điên! Chó điên! Đập chết nó đi! Chặn nó lại! Đằng trước có các cháu đang đi cổ động đấy, cẩn thận, chặn đầu nó lại! Tiếng ở đằng kia vọng lại.

Một cảnh xô đẩy hỗn loạn lại xảy ra. Tiếng kêu, tiếng khóc thét của những đứa trẻ inh ỏi. Các thầy cô giáo ai nấy lo thân mình, tháo chạy, bỏ mặc các em học sinh thân yêu của mình.

Hai thanh niên trai làng nhà gần đó vội chạy ra tay cầm gậy lao xuống đường chặn con chó điên. Con chó hoảng sợ chui ngay vào rặng tre bên đường. Gần chục thanh niên vây quanh búi tre truy bắt con chó.

- Đập chết nó đi, lấy về làm thịt!

- Chó điên có xài được không?

- Được hết! Cứ sôi một trăm độ con gì mà chẳng chết!

- Nhanh lên còn kịp bữa trưa!

Người ném, người chọc, rồi cuối cùng tốp thanh niên làng cũng túm được con chó lôi ra buộc cẳng rồi khiêng về làm thịt. Nước rãi tuôn ra, tiếng kêu ăng ẳng hoà lẫn tiếng hô “Nhiệt liệt! Nhiệt liệt!”

Tin dữ lan nhanh ra các làng bản. Người này truyền người kia về những đứa trẻ bị ngã, bị ngất xỉu, bị hoảng loạn... Các bậc phụ huynh tức tốc lao đến đoàn cổ động viên tí hon, người chạy lên, người chạy xuống dọc hàng quân tìm kiếm con em mình dắt nó về thẳng. Đoàn quân nhốn nháo rã đám.

Mấy người nhà của các em bị nạn bức xúc lao lên đầu hàng quân chặn lại, to tiếng:

- Ai là người phụ trách ở đây?

- Hiệu trưởng. Các bác đến gặp hiệu trưởng! Chúng cháu chỉ là người thừa hành nhiệm vụ thôi ạ! Cô giáo phó hiệu trưởng trả lời với giọng run sợ.

Được tin đoàn quân tí hon của mình trên đương hành quân cổ động gặp nạn, thầy hiệu trưởng cũng vội vã xuống hiện trường xem sao. Vừa đến đã gặp mấy bậc phụ huynh tra hỏi:

- Ông làm trò gì vậy? Ông bắt cả những đứa trẻ lên sáu, lên bảy tuổi đi hàng mấy cây số để cổ động. Ông có còn là người nữa không?

- Xin các bác bình tĩnh!

- Bình tĩnh sao được! Suýt nữa đứa nhỏ nhà tôi chết vì các ông! Một người cắt ngang lời hiệu trưởng giải thích.

- Đây là lệnh của trên chứ có phải nhà trường tự vẽ ra đâu!

- Trên nào mà bắt những đứa trẻ đi còn chưa vững xuống đường hô khẩu hiệu!

- Trường tiểu học chỉ có vậy thôi, lấy đâu ra người lớn! Nếu chỉ chọn lớp bốn và lớp năm thì có lèo tèo vài mống, hàng chẳng ra hàng, ngũ chẳng ra ngũ, còn ra thể thống gì về cuộc xuống đường cổ vũ ngày hội lớn của đất nước!

- Ai chẳng biết ngày bầu cử? Đài báo nói ra rả suốt ngày, khẩu hiệu dán đầy khắp mọi nơi. Phải chờ đến lượt bọn trẻ vắt mũi chưa sạch đi gào thét, hô hoán chắc!

- Đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi chỉ biết làm theo. Không thi hành, chúng tôi bị kiểm điểm, mất điểm thi đua, mất danh hiệu tiên tiến... Các bác hiểu cho chúng tôi, chúng tôi có cái khó của nó!

- Chúng tôi không thể chấp nhận được cách làm mang bọn trẻ đi đày đoạ, làm chúng hoảng loạn, suýt nữa còn bỏ mạng, một cách làm khốn nạn chưa từng có!

- Các bác có trách thì lên cấp trên mà trách. Tôi chỉ là người thực hiện, không hơn không kém. Cũng may mà hôm nay tuy gặp xui xẻo nhưng không xảy ra việc gì đáng tiếc: cháu bị ngất xỉu nay tỉnh lại rồi, các cháu khác tinh thần đã trở lại bình thường. Các bác thông cảm cho nhà trường, lần sau chúng tôi rút kinh nghiệm.

Lần sau hả? Hãy đợi đấy!

Vi Đức Hồi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn