BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73217)
(Xem: 62210)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mâm cơm chiều 30 Tết

19 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 955)
Mâm cơm chiều 30 Tết
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


Mình khéo đến nỗi mẹ chỉ cần đi chợ về, để mọi thứ đó. Mình nhìn là biết làm món gì, làm bao nhiêu bát, đĩa. Mâm cơm chiều 30 hay ngày 1 lúc đầu do bố mình làm. Rồi mẹ làm và mình làm.

Bố biết gói giò, gói bánh chưng. Mỗi lần bố gói, bố gọi ngồi xem bố làm, mai kia bố mất còn biết đường mà làm. Mình ngồi xem chỉ thuộc mỗi cách gói giò xào. Bánh chưng thì chịu, lóng ngóng túm lá lại đúng như từ gói thành một đùm đùm. Lúc lớn thì bánh chưng người ta bán sẵn rồi, chọn người quen mua về, đỡ phải gói. Nhưng các món nấu thì vẫn phải làm.

Đầu tiên món măng phải làm từ mấy hôm trước, măng khô ngâm nước vo gạo, cứ ngâm rồi lại thay thế đến mấy ngày. Rửa sạch, tước bỏ phần măng già. Thái vừa phải rồi cho vào xào thật lâu với mắm muối. Xào cảm thấy được thì cho chân giò chặt khúc vào xào qua tí , đổ nước xâm xấp ninh lom đom lửa.

Kế đến hôm 30 là cắt tiết gà, làm lông, làm lòng. Nước luộc gà sẽ để nấu hai bát miến, hai bát bóng. Bóng cũng phải ngâm từ hôm trước với nước vo gạo, sau đó dùng rượu và gừng giã nhỏ xát lên miếng bóng để tẩy mùi hôi. Rửa sạch bóng ( bì ) rồi thái miếng, xào qua bóng chút cho ngấm gia vị rồi bỏ ra. Lấy nước luộc gà đun sôi, thả từng viên nấm viên mọc. Đấy, cái nấm cũng phải ngâm, rồi dùng dao sắc nhỏ cắt cái phần cuộng. Giò sống viên lại đắp vừa cái nấm. Thả su hào, cà rốt đã cắt tỉa vào nước luộc gà, sau đó thả nấm, cuối cùng thả bóng. Sôi trào cái là bắc ra khỏi bếp.

Lúc múc món bóng ra bát cũng phải theo lời mẹ dặn. Su hào và cà rốt múc ra trước, để các miếng bóng thái hình thoi xếp châu đầu nhọn vào nhau, đuôi choẽ ra, rải ít hành mùi lên trên bóng và sau cùng múc canh với nấm viên mọc chan lên trên. Bát canh bóng phải thơm, nước trong, miếng bóng không nhũn, không sượng, su hào dòn, mọc chín tới.

Bát miến thì dễ hơn, mộc nhĩ ngâm vớt ráo nước thái nhỏ, lòng mề gà, tiết trần qua thái nhỏ. Phi hành thơm rồi cho cả vào xào gia vị cho săn lại là vớt ra. Nước luộc gà nấu miến, vớt miến ra rắc hành mùi, để lòng mề lên trên rồi chan nước.

Thế là xong hai bát miến, hai bát măng, hai bát bóng. Vừa vặn hết sạch nước luộc gà.

Món thịt đông, quá đơn giản, món này thịt mẹ chọn rồi, chỉ thái vừa cho vào đun với mộc nhĩ. Thấy nhừ vớt ra để nguội là khắc đông.

Món xào thì hì hục thêm một chút, vì hoa lơ, su hào, cà rốt, đậu ván mỏng, tim bầu dục thập cẩm. Quan trọng là lửa to và cho cái gì vào trước, cái gì vào sau.

Nồi cá kho thì mẹ sẽ làm, cái đấy cần kiên nhẫn mà mình thì lại không có đức tính ấy.

Gà đã nguội, lúc này chặt không sợ vỡ thịt, chặt gà xong xếp phần da xuống một cái đĩa, sắp đầy dùng cái đĩa khác úp ngược phát. Thế là có đĩa gà da vàng óng, thái tí lá chanh nhỏ như sợi chỉ rắc lên trên, đã xong.

Sắp mâm, thái gìo, bóc bánh chưng dùng cái lạt xắt miếng để lên đĩa, vớt hành kiệu mẹ muối ra đĩa, làm bát nước mắm.

Nhớ nhất những năm cả nhà chỉ còn mỗi mình chưa lấy vợ, ở cùng mẹ. Mọi thứ vẫn làm như thế, cơm cúng chiều 30 xong, loanh quanh đến tối là nấu xôi, làm gà giao thừa. Năm nào cũng vậy, dù đi lang thang với đám bạn giang hồ, nhưng cứ đến gần Tết là về với mẹ, dù tiền có lúc chẳng có đồng nào. Nhưng quyết về để làm cơm cúng chiều 30 cho mẹ.

Thế mà cũng mất khối cái Tết không ở nhà, những cái Tết đó lúc ở trong quân đội, lúc ở nhà tù, lúc ở nước ngoài.

Chiều 30 năm nay thật đơn giản, một nồi măng, một con gà luộc, một cái bánh chưng. Thế là xong bữa cơm cúng chiều 30. Nhàn đến não nề.

Nhớ cứ mỗi chiều 30 Tết, lúc bé mong có áo mới, lớn chút mong có xe mới, có ít tiền mới để mừng tuổi, đi chơi bài, vợ con rồi mong sửa sang nâng cấp nhà mới. Bỗng nhiên năm nay thấy những mong ước đó chả còn nghĩa lý gì.

Có chăng chỉ mong mỏi một chế độ mới mà thôi, duy nhất bây giờ mong vậy. Một chế độ mới để bao nhiêu đứa con tha hương viễn xứ, bao người con, người vợ, người mẹ, người chồng được đoàn tụ xum họp với gia đình. Tràn ngập trong đầu khi viết những dòng này là hình ảnh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Quốc Quân, Lê Văn Sơn, Phương Anh và các anh em Vinh một thời từng sống với nhau và nhiều anh em khác nữa.



 Người Buôn Gió

18-02-2015



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn