Thành phố Houston, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, ngày 3 tháng 9 năm 2010
Thưa tất cả quý anh chị trí thức trẻ hải ngoại,
Chúng tôi, thế hệ cha hoặc anh của quý anh chị, rất ngưỡng mộ và hãnh diện vì những thành tựu khoa học, y tế, nghệ thuật, thể thao, thương mại đủ các ngành nghề do các anh chị đã mang lại khắp nơi trên thế giới. Ngược lại, chúng tôi – những người dân sự và quân sự trong cuộc chiến Quốc Cộng vừa qua – chẳng những không đóng góp gì vào các sự thành tựu đó, mà lại bày ra những tấm gương xấu khiến cho các anh chị cảm thấy buồn và xấu hổ, nhưng không thể nói ra vì sợ mang tội bất kính với các bậc trưởng thượng (?).
Chính chúng tôi cũng không vui vẻ gì để nói ra những khuyết tật của thế hệ mình (vì cứ nghĩ xấu chàng thì hổ ai? Chẳng lẽ vạch áo cho người xem lưng?). Nhưng mới đây, nhân đọc bài viết “Niềm Tin và Đạo Đức” của Lưu Á Châu, một vị Tướng Trung Quốc; một bài trả lời phỏng vấn của tù nhân Trương Văn Sương, người được dư luận tôn vinh là một Nelson Mandela Việt Nam, và bài tham luận “Sự Thật Giải Phóng Con Người, Giải Phóng Đất Nước” của nhà văn Trần Mạnh Hảo, chúng tôi không còn do dự nữa. Chúng tôi sẽ noi gương những tác giả ấy để mạnh dạn nhìn lại bản thân chúng tôi với hy vọng sẽ đóng góp vào tư duy, nhận thức của các bạn trẻ, những người cùng mang dòng máu như chúng tôi. Các anh chị được thừa hưởng nền giáo dục khai phóng của các quốc gia văn minh. Các anh chị được tiếp cận với nền văn hoá tôn trọng phẩm giá con người. Đặc biệt, các anh chị không mang nợ xương, nợ máu, không chịu trách nhiệm trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn Quốc Cộng. Các anh chị hãy hành động theo lương tâm sai bảo, đừng sợ hãi bất cứ áp lực từ phía nào. Bởi vì tất cả áp lực ấy đều là ảo, không đủ khả năng và sức mạnh làm chùng bước anh chị.
Chúng tôi là sản phẩm của một nền văn hoá nô dịch của Tàu, của Tây, lại là nạn nhân của một cuộc chiến tranh ý thức hệ không những bằng súng đạn, mà còn bằng “võ miệng” tuyên truyền để hạ bệ cái gọi là “chính nghĩa” của nhau. Miền Bắc lên án Miền Nam tay sai Đế Quốc Mỹ; Miền Nam chửi Miền Bắc là Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà. Mặt mũi hai phía đều lem luốc. Ông Hồ Chí Minh phải tranh thủ sự ủng hộ của Nga Tàu để được làm lãnh tụ cộng sản. Ông Ngô Đình Diệm được Hoa Kỳ ủng hộ để lãnh đạo Miền Nam thành một tiền đồn ngăn chặn làn Sóng Đỏ. Ông Ngô Đình Diệm dù tài giỏi đến mấy mà không được Hoa Kỳ ủng hộ thì cũng không thể nào trở thành lãnh đạo Miền Nam. Nói tóm lại, dân Việt Nam mình không thể tự bảo nhau để đưa một nhân vật xứng đáng trở thành người cầm lái con thuyền quốc gia. Ngay như cụ Trần Trọng Kim là nhân vật khả kính, cũng là người được Nhật đưa lên làm Thủ tướng. Ngay như Đảng Cộng sản đang cầm quyền hiện nay trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam thì vẫn còn có phe thân Tàu, phe thân Mỹ để tranh thủ chiếc ghế lãnh đạo.
Hai câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương phản ảnh khá đúng tình cảnh lêu têu bêu của chúng tôi:
“Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”
Người Việt Nam của thế hệ chúng tôi nói chung, bất kể thuộc ý thức hệ nào, ở phe thắng trận hay phe thua trận, đều mang trong người hai thứ tâm bệnh: mặc cảm tự tôn và mặc cảm tự ti. Tự tôn cho mình là Con Rồng Cháu Tiên có bốn ngàn năm văn hiến (một truyền thuyết ảo). Tự ti vì mang tâm trạng nhược tiểu thấp kém. Hai thứ tâm bệnh mặc cảm đó xung đột thường xuyên trong một bộ não, đã biến người Việt lớp chúng tôi thành một kẻ dị dạng giống như loại người từ hành tinh khác đến. Cái tâm bệnh đó có thể chữa được bằng con đường Sám Hối để tự Giác Ngộ. Tức là dũng cảm nhìn lại bản thân để tự chữa thì sẽ có cơ may bình phục. Nếu không có can đảm tự chữa thì chỉ còn có cách thay máu! Sự thật đó phũ phàng, nhưng chúng tôi phải nhìn nhận, đúng không thưa quý anh chị?
Theo nhận định của chúng tôi, Lưu Á Châu (Liu Ya-zhou) là một nhà phê bình rất can đảm và tâm huyết đối với đất nước của ông. Can đảm vì xuất thân từ giới cầm quyền, Lưu Á Châu là Con rể của Lý Tiên Niệm, Cố Chủ tịch Nước Trung Quốc; ông Lưu Á Châu là một vị Tướng đang giữ chức lớn (Chính Uỷ Trường Đại học Quốc phòng) trong một thể chế vẫn còn độc tài mà mọi hành vi hay tư tưởng rất dễ bị quy cho cái tội phản động. Tâm huyết vì dám đả phá nền văn hoá cổ truyền của nước mình được nhiều thế hệ tôn vinh, để thăng tiến nước mình trong cộng đồng nhân loại; chứ không phải làm giảm giá trị nước mình. Bài viết của Tướng Lưu Á Châu có thể ví như một quả bom nổ nhằm phá tan một nền văn hoá bị đóng băng. Không những thế, Tướng Lưu còn có khả năng nhìn thấy sức mạnh của Hoa Kỳ mà một người sống ở Hoa Kỳ tương đối lâu như chúng tôi, nhưng không đủ tinh tế để nhìn thấy như ông ta.
Ông Lưu Á Châu nói: “Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược”. Đạo Đức Kinh của Lão Tử viết ra chỉ có 5 ngàn chữ, chưa thể coi là nhà tư tưởng. Khổng Tử là một bậc thầy được tôn vinh là Vạn Thế Sư Biểu được ông đánh giá: “Khổng Tử có thể coi là nhà tư tưởng chăng? Thế hệ chúng ta xem xét ông thế nào? Tác phẩm của ông bị xem xét ra sao? Tác phẩm của ông chưa từng cung cấp cho nội tâm người Trung Quốc một hệ thống giá trị có thể đối kháng quyền lực thế tục. Cái mà ông cung cấp là tất cả xoay xung quanh quyền lực”. Sau khi phê phán hai danh sĩ lập ra Lão Giáo và Khổng Giáo, ông kết luận: “Nếu Nho học là một tôn giáo thì đó là một tôn giáo rởm; nếu là tín ngưỡng thì là tín ngưỡng rởm; nếu là triết học thì đó là triết học của xã hội quan trường hoá. Xét trên ý nghĩa này thì Nho học có tội với người Trung Quốc. Trung Quốc không thể có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược. Xã hội Trung Quốc là xã hội binh pháp, dân tộc ta chỉ tôn sùng nhà mưu lược. Một Gia Cát Lượng chẳng mấy thành công về sự nghiệp lại được người ta kỷ niệm nhiều lần. Ông ấy bụng dạ kém khoáng đạt, cách dùng người cũng chưa thích hợp”. Do đó đường lối cai trị của các triều đại Trung Quốc và Việt Nam sử dụng nhiều mưu mẹo để giữ quyền chứ không sản sinh ra được nền dân chủ như các nước Phương Tây. Nhà Nước Cộng sản Việt Nam cai trị đất nước cũng bằng mẹo, tức là bằng mánh khoé để giữ địa vị chứ không thi hành chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân như tự do, dân chủ, nhân quyền để được có cái thế chính thống (legitimacy).
Thưa quý anh chị trí thức trẻ,
Việt Nam ta là “một nước nhỏ bé nằm mơ màng bên góc bể Thái Bình Dương”, một nước từng bị Tàu đô hộ có dã tâm đồng hoá bằng cách bắt buộc dân mình ăn mặc như Tàu, nhồi nhét Nho giáo, Lão giáo, tập tục thờ cúng cả ông Quan Vân Trường. Tổ tiên anh hùng của ta nhiều phen nổi dậy đánh đuổi ngoại xâm để giành độc lập. Sau khi giành được độc lập, vua chúa xứ ta vẫn phải xin phong vương và triều cống như một chư hầu để được yên ổn làm ăn. Nói một cách rốt ráo hơn, tổ tiên ta có lúc giành được quyền tự chủ trong việc sử dụng lãnh thổ và cai trị nhân dân, nhưng về mặt văn hoá thì từ vua quan của ta đến dân chúng vẫn là nô lệ Tàu! Nô lệ về nếp sống lẫn nô lệ về tư duy. Người Tàu mang trong người những khuyết tật gì thì người Việt ta cũng đều mang cái khuyết tật đó. Cái tinh thần “trung quân” đặt lên hàng đầu và tinh thần “ái quốc” đứng vào hàng thứ nhì. Giai cấp, thứ bậc được đặt ra một cách ngăn nắp để tạo nên một xã hội ổn định nhằm phục vụ kẻ thống trị. Bất cứ ai có tư duy chống lại hệ thống cầm quyền thì đều bị “tru di tam tộc” (chặt đầu cả ba họ: họ nội, họ ngoại, họ vợ hoặc chồng). Nguyễn Trãi là một công thần giúp vua Lê Lợi dựng nên triều đại Nhà Lê; nhà thơ Cao Bá Quát ngang tàng của chúng ta đều bị tru di tam tộc, là hai sự kiện điển hình.
Tướng Lưu Á Châu kể mẩu chuyện người đàn bà ghen tương định nhảy lầu tự tử, hàng xóm hiếu kỳ bu lại xem và mong người phụ nữ đó nhảy xuống để thấy máu đổ; không một ai có ý định cứu nàng. Tới chừng cảnh sát mang được người đàn bà đó xuống thì có kẻ lấy làm tiếc rẻ, vì mất một dịp chứng kiến cái chết của một người! Cái ác đó cũng có trong máu người Việt mình. Cùng mang thân phận mất quê hương, phải sống nhờ vào đồng đất nước người, thay vì đùm bọc tương trợ nhau, người Việt tị nạn ta có một tâm thế hết sức lạ lùng. Đó là thấy ai giàu có thì ghen ghét; thấy ai nghèo thì khinh khi. Ngồi với nhau thì nói xấu người vắng mặt, kể những chuyện phòng the bịa đặt để chế giễu như câu chuyện làm quà, mà người kể phải nằm dưới gầm giường nạn nhân thì mới biết. Lấy sự bất hạnh của người khác làm niềm hạnh phúc của mình. Cái tâm lý đố kỵ không muốn ai hơn mình, cái dã tâm đó có xu hướng phát triển mạnh mẽ là vì không bị pháp luật trừng trị. Thành lập đảng để cứu nước thì trở thành băng đảng, giết người để bịt miệng, hù doạ khủng bố. Dù sao Miền Nam trước năm 1975 còn có chính quyền, nên những tội ác đó còn bị kiềm hãm. Sau năm 1975, tất cả đều bị rơi vào tình trạng cá đối bằng đầu cá mè một lứa, thì những phần tử xấu, vô đạo đức mặc sức tung hoành. Hiện tượng tồi tệ đó sở dĩ mà có là do đa số người Việt Nam mình thụ động, bị hấp thụ nền văn hoá Trung Quốc! Tuy nhiên, vẫn có những thành phần tốt, có đạo đức, có văn hoá. Tôi không vơ đũa cả nắm.
Sau 35 năm tiếp cận với nền văn hoá, văn minh phương Tây, người Việt mình trong tiềm thức vẫn mang tinh thần nô lệ bị Trung Hoa và Pháp đô hộ, chưa thể gột rửa được. Người có “charisma” để lãnh đạo vốn đã hiếm; nhưng bất cứ người nào muốn đứng ra lãnh đạo thì tức khắc bị bôi nhọ, bị phỉ báng bằng mọi hình thức diệt đối thủ ngay. Sự bôi nhọ, sự phỉ báng được phụ hoạ bởi những bè đảng, những phần tử vô ý thức triệt để tiếp tay một cách hăng hái. Vì thế quang cảnh trong cộng đồng biến thành bát nháo, người ta chơi đủ thứ loại âm nhạc của đông tây kim cổ bằng nhiều nhạc cụ khác nhau, cho nên chẳng có cách nào tìm ra một nhạc trưởng có khả năng điều khiển ban nhạc lạ lùng ấy được.
Xin kể một mẩu chuyện bên lề, nhưng khá phản ảnh thực trạng ngày hôm nay ở hải ngoại. Mùa hè năm 1995, tôi sang thăm một người anh em sinh sống bằng nghề câu cua ở thành phố Lafayette, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ. Tôi thấy cái thùng đựng cua của người Mỹ có nắp đậy, còn cái thùng đựng cua của anh bạn Việt Nam không đậy nắp. Tôi hỏi tại sao anh không dùng cái nắp để đậy thùng cua của anh. Người bạn trả lời: Tại vì cua của ông Mỹ câu là cua Mỹ; còn cua của em câu là cua Việt Nam. Tôi không hiểu ý nghĩa của câu trả lời, bèn gặn hỏi lý do tại sao cho rõ hơn. Người bạn trả lời: “Tại vì cua Mỹ mà con nào bò lên tới miệng thùng thì con cua ở dưới đẩy lên, nên ông Mỹ phải đậy nắp để cua không thể ra ngoài được; còn cua do em câu là cua Việt Nam, hễ con nào có sức bò lên miệng thùng thì con ở dưới kéo xuống, nên em đâu cần đậy nắp?”. Tôi không ngờ anh bạn câu cua của tôi là người có tính tình chất phác, nhưng lại rất ý nhị, sâu sắc. Anh bạn tuy ít học, nhưng do sự quan sát thực tiễn sinh hoạt của người Việt mình, nên anh mới có nhận định vừa chua chát, vừa khôi hài.
Xin kể một khuyết tận của bản thân để các anh chị trí thức trẻ chia sẻ và cảm thông. Một hôm tôi dặn một đứa con gái tôi như sau: “Hôm nay cha mệt, cần đi ngủ sớm. Nếu có bác nào gọi cha thì con nói cha đi vắng, chưa về. Con hãy hỏi bác là ai, xin số điện thoại, khi nào cha con về thì cha con gọi lại bác”. Con tôi đáp lại bằng câu hỏi: “Cha ngủ thì con nói cha ngủ, con chỉ xin tên và số điện thoại của bác để mai cha gọi lại. Tại sao cha dạy con nói dối?”. Do ảnh hưởng của nền luân lý cổ truyền, không muốn làm phật lòng người gọi điện thoại cho mình, tôi vô tình dạy cho con tôi nói dối. Cái lối nói dối đó mà tôi cho là khôn khéo muốn làm đẹp lòng người khác có thể do bị ảnh hưởng bởi cái “nho giáo cổ hủ” mà ra. Phản ứng của con tôi như thế, tôi nghĩ rằng đấy là nhờ nền giáo dục Hoa Kỳ. Thế hệ tôi không dám làm trái ý cha mẹ, bậc bề trên vì sợ mang tội vô lễ, bất kính. Con tôi đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời. Tôi tin rằng các anh chị ở vào lứa tuổi em hoặc con tôi, cũng được dạy dỗ bởi nền giáo dục khai phóng của Phương Tây, thì các anh chị cũng sẽ có phản ứng tương tự như con tôi: sẵn sàng nói ra sự thật mà không sợ làm tổn thương người nghe, miễn là giữ lễ độ, lịch sự. Bởi vì, Sự thật trước hết sẽ giải phóng mình để giải phóng đất nước.
Người Việt thuộc thế hệ chúng tôi mang nhiều khuyết tật, nhưng hễ ai nói lên khuyết điểm của họ thì họ thường thường dẫy nẩy lên như đỉa phải vôi. Họ phản ứng lại bằng cách chụp mũ, bôi nhọ, nói quanh hoặc đổ tội làm mất đoàn kết quốc gia, phương hại chính nghĩa Chống Cộng. Một phần họ tự cho mình nắm chân lý và phần khác là do kém khả năng lý luận và kém đạo đức tối thiểu để phục thiện.
Người tù Trương Văn Sương được người Việt tự do phong là Nelson Mandela. Tôi gọi anh là vị Bồ Tát xuống trần để chuyển một thông điệp: “Dân tộc Việt Nam phải biết thương dân tộc Việt Nam”. Anh Trương Văn Sương có bố là người Trung Hoa và mẹ là người Khmer. Anh được coi là người Việt Nam chỉ vì anh sinh đẻ ở Việt Nam. Về huyết hệ, anh là người nước ngoài, không dính dáng gì đến máu mủ dân tộc Việt. Dù bị cộng sản Việt Nam dùng cực hình đày đoạ nhiều năm trời, chỉ được thả ra để chữa bệnh một năm rồi phải trở lại án tù chung thân, anh Sương vẫn là người bất khuất. Trả lời cuộc phỏng vấn của đài RFA, anh Sương đang mang án tù nhưng vẫn giống như vị quan toà nghiêm khắc lên án cộng sản là kẻ có tội, nhưng anh sẵn sàng tha thứ để cùng nhau tiêu diệt cái ác, diệt tham nhũng hầu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thịnh vượng. Không ai có thể bảo rằng anh Trương Văn Sương nói theo chỉ thị của nhà cầm quyền cộng sản để đề cao chủ trương hoà giải-hoà hợp dân tộc.
Nếu người nào tự hào về nòi giống Việt mà không làm theo thông điệp của anh Trương Văn Sương, thì rõ ràng kẻ đó thuộc loại người vô cảm. Tuy là người chống Cộng, tôi vẫn nhận thấy lời của Karl Marx nói rất đáng được nghe theo: “chỉ có thú vật mới dửng dưng trước nỗi thống khổ của đồng loại và chỉ biết chăm chút cho bộ lông của chúng”. Đó là lý do tại sao ta phải chống lại CÁI ÁC.
Anh Đỗ văn Minh và tôi sẽ cùng nhau ghi lại cho mai sau một số dữ kiện để các nhà viết sử có thể căn cứ vào mà ghi chép cho chính xác. Chắc chắn chúng tôi sẽ tường thuật về một số nhân vật có ảnh hưởng đến quần chúng đã gây nên tình hình “bát nháo” trong cộng đồng hiện nay. Những nhân vật này có bằng cấp, có tên tuổi, có địa vị xã hội được quần chúng đánh giá cao do tư tưởng lầm lạc “phi cao đẳng bất thành phu phụ” đã được truyền tụng từ đời này sang đời khác nên tưởng người có học, có địa vị xã hội thì có nhân cách. Nhưng thực chất một số phần tử hữu danh này được đánh giá là trí thức, lại là hạng người vừa bất tài, vừa kém đạo đức, vừa sa sút nhân cách. Những nhân vật mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong những bài viết tới là những nhân vật tiêu biểu khiến cho cộng đồng bị người bản địa khinh khi.
Chúng tôi mong được quý anh chị trí thức trẻ theo dõi và đánh giá tính trung thực của từng sự kiện. Chúng tôi đã từng hoạt động trong đoàn thể đấu tranh, nhưng hiện nay là những người độc lập, không thuộc phe phái nào, luôn luôn lấy sự vô tư, đạo đức và trách nhiệm của người cầm bút làm tôn chỉ.
Bằng Phong Đặng văn Âu
(Trích: loạt bài “Đem tâm tình viết lịch sử”, viết chung cùng Đỗ Văn Minh, Trời Nam Net).
Gửi ý kiến của bạn