Tôi lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi đó trong những hồi ức, những kỷ niệm ngày nào cùng làm báo Tổ Quốc với cụ Trần Lâm. Và cũng từ đó, tôi phải trả lời nhiều cú điện thoại của người trong nước cũng như ngoài nước đang rất quan tâm tới sự kiện này. Trong đó có cả những câu hỏi của cơ quan an ninh thành phố, rằng tôi đã biết tin đó chưa? Và tôi có đi viếng Luật Sư Trần Lâm không? Tôi trả lời rằng, “Xin cám ơn sự quan tâm của quý vị, việc đó là việc riêng tư, đi hay không đi và đi thế nào là quyền tự do tối thiểu của tôi, xin quý vị nhớ cho” . Và điều gì có thể đến với tôi trong suốt hành trình này…thật khó mà xác định và tôi cũng chẳng quan tâm. Chỉ biết rằng trong tôi duy nhất là tâm thế đi và sẵn sàng đón nhận…
Trong tâm trạng đó, tôi bước vào nhà tang lễ giữa lúc lễ cầu siêu cho cụ Trần Lâm do các vị sư sãi áo vàng cùng các phật tử đang đi đến phần kết thúc. Chọn một góc ngồi có thể quan sát được toàn cảnh hiện trường, tôi rất buồn khi thấy về hình thức bài trí và cả nội dung tiến hành lễ viếng… là không xứng tầm với một tên tuổi lớn mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải kính trọng. Tuy vậy tôi không hề gặp khó khăn hay trở ngại nào trong việc… di chuyển, chụp ảnh, gặp gỡ người này, hỏi chuyện người kia... và chỉ có một chi tiết mà tôi thấy rất bất ngờ... khi bạn bè của cụ Lâm, chống gậy và đi xe lăn tới lễ viếng nhận ra tôi. Đáp lễ lại, tôi trao cho các cụ cùng xem tờ PHIẾU CÁ NHÂN của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao làm ngày cụ Trần Lâm về hưu (1/5/1983) mà năm đó, một lần đến đàm đạo với cụ, cụ đã trao gửi cho tôi như gửi gắm một nỗi niềm của một người biết trước chuyến đi xa không tránh khỏi của mình... thì bất ngờ một người đàn ông mặc đồng phục của công ty phục vụ tang lễ Thiên Thảo với cặp mắt mang hình viên đạn, anh ta xông vào chỗ chúng tôi khá thô bạo... Tôi giật mình, biết ngay anh ta là ai trong bộ đồng phục đó, tôi vẫn đàng hoàng đọc lớn:
QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC.
1945: Tự vệ Hà Nội.
1946: Cán bộ BDHV – Thông tin tuyên truyền Tỉnh Bộ Việt Minh Lạng Sơn.
1946/ 1947: Trưởng Ty Thông Tin Hải Phòng – Trưởng Ban Thông Tin Chiến Khu Ba.
1947/1948 Trưởng Ty Thông Tin liên tỉnh Quảng Yên Hòn Gay – Thường Vụ Huyện Ủy, Trưởng Ban dân vận Huyện Thủy Nguyên.
1949/ 1951: Trưởng Ban huấn luyện Tỉnh Kiến An.
1951/ 1961 Tỉnh Ủy Viên Kiến An – Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban tuyên huấn Kiến An.
1961/ 1964: Phó Giám Đốc Ty Giáo Dục – Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban kiến thiết Hải Phòng.
1961/ 1971 Chuyên Viên – Vụ Phó Vụ Địa Phương thuộc Ủy Ban Kế Hoạch nhà nước.
1971/ 1982: Thẩm Phán Tòa Án ND Tối Cao.
1982/ 6 – 1983: Chuyên Viên TANDTC.
Từ khi nghỉ hưu mở trường THPT tư thục – Làm Luật Sư Đoàn Luật Sư Hải Phòng.
Làm tại Hà nội ngày 1 Tháng 5 năm 1983
Trần Lâm.
Và tờ giấy này được truyền tay qua các cụ. Các cụ nhận ra những giai đoạn mà mình đã làm việc cùng cụ Trần Lâm. Cụ PBL (1926) người mặc vét mầu trắng tay chống can nói với tôi những ngày cùng cụ Lâm mở trường THPT tư thục đầu tiên của cả nước tại Hải Phòng. Cụ bảo: “Những năm tháng đó làm gì có nạn bằng giả, chứng chỉ giả, có thể mua được như bây giờ”. “Những năm đó, thầy ra thầy – trò ra trò” Và…
“Chúng tôi mở trường tư thục hoàn toàn là vì dân trí chứ đâu có núp bóng xã hội hóa để thương mại hóa học đường, làm giầu nhem nhuốc như nền giáo dục bây giờ”….
Suốt từ lúc đó trở đi, trong tôi như vang vọng những ước nguyện sẽ có một phép mầu nào đó:
Để các vị vua tập thể… còn nhớ đến một Trần Lâm, chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội ngay từ ngày cách mạng tháng 8 bùng nổ 1945, một đảng viên cộng sản từ lúc ĐCS còn là trứng nước… một nén hương dành cho bậc Trưởng Thượng đó vào lúc này chẳng lẽ lại làm cho ĐCS bớt đi một ánh hào quang rực rỡ của một đỉnh cao trí tuệ hay sao!
Để ông Phạm Vũ Luận – Đương kim BT Bộ Giáo Dục, ông Giám đốc Sở GD – ĐT Hải Phòng hôm nay… biết đến một Trần Lâm là chiến sĩ bình dân học vụ từ 1946, một Trần Lâm Phó Giám Đốc Ty giáo dục Hải Phòng 1961 – 1964, một Trần Lâm Hiệu Trưởng PTTH Hải Phòng 1983 - 1984… đã bị ngành GD – ĐT đưa vào quyên lãng. Một vòng hoa viếng dành cho một nhà giáo lão thành như cụ Trần Lâm lúc này chẳng lẽ lại là viêc làm “Không Đúng Quy Trình” như các quý vị vẫn nói.
Để ngành Thông Tin – Tuyên Huấn - Tư Pháp… đặc biệt là các luật sư đang chửi nhau, tố nhau, dọa khởi kiện nhau như mổ bò giữa diễn đàn quốc hội… Các quý vị nghĩ gì về Thẩm Phán Tòa Tối Cao, Luật Sư Trần Lâm đã từng dũng cảm nhận bào chữa miễn phí cho những gương mặt Dân Chủ nổi tiếng: Phạm Hồng Sơn, Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Lê Thị Công Nhân, Vi Đức Hồi… Ông đến với họ trong các buồng giam, đứng bên họ trong các phiên tòa… những mong cho họ bớt được một ngày tù cụ cũng không từ nan, mà không hề vì tiền bạc như đời sống tố tụng bây giờ. Chẳng lẽ một phút lặng lẽ cúi đầu trước một bậc Đại Thụ, một nhân cách sáng ngời như thế lại cũng là một việc làm không cần thiết hay sao?
Những ước nguyện hết sức bình thường như thế cứ luẩn quẩn ám ảnh tôi suốt thời gian tôi nấn ná ngóng chờ những gương mặt Dân Chủ thân quen mà tôi đinh ninh họ sẽ không thể không đến trong lễ viếng này. Tôi không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm khi đồng hồ đã chỉ 17 giờ chiều, đặt lên bàn lễ phong bì đề tên tôi và tên cụ Lê Hồng Hà – Nguyên chánh văn phòng Bộ Công An, nguyên Ủy Viên Đảng Đoàn Bộ Công An, thắp cho cụ Trần Lâm một nén hương, vái tiễn biệt cụ xong quay ra tạm biệt mọi người thì Ái Nữ duy nhất của cụ Trần Lâm cô Trịnh Ánh Hồng tiến đến cám ơn và cho tôi biết, gia đình đã thuê bao toàn bộ nhà nghỉ bên kia đường cho mọi người lưu trú lại chờ nghi lễ đưa thân phụ cô đi đài hóa thân hoàn vũ vào trưa hôm sau. Người phụ nữ thành đạt và giàu có đó ngập ngừng… diễn đạt rất lúng túng cái tình thế hết sức khó xử khi phải đối diện với những áp lực rất vô lý, rất không bình thường từ các ban ngành ở Đà Nẵng và ở cả Hải Phòng nhằm vào sự nghiệp kinh doanh của cô. Tôi bầy tỏ sự cảm thông của người không phải là doanh nhân như vợ chồng cô, nhưng…: “Gia đình tôi cũng đã từng rơi vào tình cảnh tương tự…”.
Vì lý do sức khỏe, tôi không lưu lại theo ước muốn trân thành của cô Hồng được. Cô Hồng sai con rể lái xe chở tôi ra bến xe Tam Bạc cho kịp chuyến xe cuối về Hà Nội. Đây là lần thứ 2 tôi gặp cô Hồng, lần trước khi nhận được tin cụ Trần Lâm bị tai biến ở Đà Nẵng, tôi là thượng khách của khách sạn Starlet cực kì lộng lẫy của vợ chồng cô bên bờ biển Đà Nẵng. Hôm đó, lần đầu tiên cô Hồng nói với tôi:
“Nhiều người nhầm tưởng em trưởng thành, thành đạt về kinh doanh là do em dựa vào cái bóng quá lớn của bố em. Người ta đâu có biết, em tự khẳng định mình bằng sự bươn trải của chính mình trên những khốc liệt của thương trường Thành Phố Cảng… Nơi đó không chấp nhận những đặc thù thường thấy của chính trị. Chính trị không phải là lựa chọn của vợ chồng em”.
Chia tay vợ chồng cô Hồng, tôi chỉ ao ước sẽ không có những gì là bất thường và khó xử sẽ xảy ra với gia đình cô trong những ngày tang tóc này. Vậy mà, khi về đến nhà… tôi vô cùng bất ngờ và thất vọng khi nhận được tin từ Facebook Phạm Thanh Nghiên:
“Một đoàn gồm 12 người từ Hà Nội đi Hải Phòng để tham dự tang lễ Luật Sư Trần Lâm đang gặp nguy hiểm. Một bọn người đi xe gắn máy đuổi theo xe ô tô chở đoàn và ném gạch đá vỡ cửa kính. Hiện tình đang rất khẩn cấp và nguy hiểm. Mong mọi người chia sẻ thông tin gấp”.
Đọc được tin dữ này, tôi càng nhớ lời người học trò và người bạn của tôi mà phần đầu bài viết này đã nói tới. Thế là những ước nguyện cuả tôi trong bài viết này thoắt trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Ngày 20 – 11 – 2014 đã đi qua, không chỉ một Nhà Giáo Trần Lâm bị quyên lãng mà “Con Người Chính Trị Trần Lâm!” ở thời khắc giã từ thế giới này… cụ vẫn phải nhận về mình những đọa đầy đến từ thể chế chính trị đương thời lại phải mượn bàn tay của những kẻ chỉ quen hành xử theo cách thức của đám xã hội đen.
Câu hỏi này xin được gửi đến tất cả những ai vẫn còn nghĩ đến nhau, vẫn còn nghĩ đến sự kết gắn của cộng đồng mình qua lời răn dậy của ông bà:
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài…
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”./.
Hà Đông 20 – 11 – 2014.
Nguyễn Thượng Long
- Nơi ở: Số nhà 4 – Đường Văn La – Phường Phú La Hà Đông – Hà Nội.
- ĐT: 0433521066 & 01652323836.
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com
Gửi ý kiến của bạn