BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62231)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Báo chí văn nghệ (1954-1957)

20 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 1134)
Báo chí văn nghệ (1954-1957)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Ba năm đầu ở phía Nam vỹ tuyến 17, không khí dựng nước Cộng Hòa vô cùng sôi nổi, trong đó báo chí truyền thông như tới mùa hoa Xuân nở rộ, người cầm bút chập chững vào đời vừa ngỡ ngàng, vừa hưng phấn, đọc thật nhiều, thu nhận bao nhiêu cũng không xuể.

Nỗi nhớ nhung mưa phùn gió bấc Hà Nội, tiếng sóng nhẹ nhàng ven Hồng Hà tan loãng đi rất nhanh, thay vào đó tầm mắt thanh niên chan hòa nắng vàng rực rỡ, bánh xe lãng tử vo vo trong mưa tháng năm, ào ào xối xả, rồi dập dềnh bao la sông nước Cửu Long giang, tôi rời mái nhà mẹ hiền chỉ vài tháng sau khi đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, 1955, đã bay trong tiếng nói như chim, đã chìm vào lời ca dăm câu vọng cổ, văn chương nào tả nổi. Hai miền gặp nhau, tuổi trẻ yêu mến nhau nhiều hơn là nghi kỵ.

Ôi! Tiếng Việt miền Nam
Nghe sao mà âu yếm
Giọng ngân dài lưu luyến
Cho lòng ta thương vương.


Ôi! Thương ai em thương thiệt là thương
Em, cô gái Đồng Nai lòng cởi mở
Từ quen em, nắng vàng thêm rực rỡ
Dừa thêm xanh và vú sữa thêm ngon.


Lời em thơm như măng cụt no tròn
Giọng em ngọt như xoài vừa chín tới
Những chữ ngân dài như gió thổi
Còn chữ C, G nghe đọc lỗi mà yêu
Giọng TR trong trẻo đúng bao nhiêu
Và anh nữa, ôi tiếng anh nũng nịu:
--Mong “ăn” mãi! Nhớ “ăn” hoài! “Ăn” có hiểu?
Em thương “ăn” quá xá là thương.
(Bàng Bá Lân, Tiếng Việt Miền Nam)

Trên đường đi dự Hội Chợ Kinh Tế Bình Định, 1957. Giám đốc nhật báo
Ngôn Luận Lê Tâm Việt và phóng viên Viên Linh đang chờ qua phà ở Tuy Hòa, phía sau
cây cầu sắt bị phá sập còn thấy một phần nổi trên mặt nước. Ảnh do tác giả cung cấp.


Từ 1954 tới 1957 có hàng ngàn đặc san xuất hiện, riêng trong quân đội theo tài liệu của tờ Chỉ Đạo số Xuân Đinh Dậu, 1957, đã có khoảng 200 loại tập san báo chí khác nhau. Chỉ sơ lược và điển hình trong phạm vi văn nghệ, có Văn Nghệ tập san 1954-1955, báo Quan Điểm của Mặc Đỗ Vũ Khắc Khoan Nghiêm Xuân Hồng 1955, Tiền Phong rồi đổi thành Văn Nghệ Tiền Phong và nhật báo Ngôn Luận 1955 của Hồ Anh, Đi Và Sống 1955 của Lê Minh Hoàng Thái Sơn, Văn Nghệ Mới (ở Huế) 1955 của Võ Thu Tịnh, Đỗ Tấn, nhật báo Tự Do rồi Văn Nghệ Tự Do 1954-1955 của các nhà văn mới ở Bắc vào như Tam Lang, Nguyễn Hoạt, Đỗ Thúc Vịnh, Mặc Thu, Lửa Việt rồi Người Việt 1955, sau thành Sáng Tạo 1956 của Nguyễn Sỹ Tế Lữ Hồ Mai Thảo, Chỉ Đạo 1956 của Ngô Quân Nguyễn Mạnh Côn, Nhân Loại của Tam Ích, Thiên Giang, bán nguyệt san Sống của Hội Nạn Nhân Cộng Sản của Ngô Trọng Hiếu Nguyễn Đức Quỳnh 1956 (Duy Sinh thư ký tòa soạn, Viên Linh biên tập), Bách Khoa 1957 của Huỳnh Văn Lang với Nguyễn Ngu Í. Đặc biệt là báo nào cũng trả nhuận bút cho người cộng tác, kể cả thơ. Ngôn Luận trả 150 đồng cho mục truyện ngắn “Mỗi Ngày Một Chuyện.” Tiếng Chuông và Nhân Loại mở cuộc thi viết truyện ngắn, giải nhất tới 2,000. [Hối đoái lúc ấy 37 đồng ăn 1 Mỹ kim; nhiều món quà gánh ngoài đường chỉ cần trả 50 xu, vì không sẵn tiền kẽm, người bán hàng xé đôi đồng bạc giấy lấy một nửa, nửa kia trả lại khách].

Cũng có mấy tờ báo trả nhuận bút cho thơ, 50 đồng một bài. Báo Bách Khoa và Sống trả 100 một bài. Tháng 5, 1956 tổng thống Ngô Đình Diệm ký nghị định về cuộc thi văn chương hàng năm, năm sau tu chính thêm, ghi rõ cuộc thi phải thực hiện chậm lắm là hạ tuần tháng 12, giải nhất là 10,000 đồng, giải nhì 7,000 và giải ba 3,000. Ngay năm 1957 các nhà thơ nhà văn tên tuổi được trao giải là Đinh Hùng, Nhật Tiến (hiện ở Quận Cam). [Doãn Quốc Sỹ và Nguyễn Kiên Trung (Nguyễn Mạnh Côn) cũng được trao giải văn nghệ quốc gia, người viết không nhớ rõ cũng trong năm này hay năm 1958]. Sinh khí văn học nghệ thuật miền Nam (nói rõ hơn là phía Nam vỹ tuyến 17) dâng cao từ tháng 7,1954, trong tâm thức dựng nước Cộng Hòa, đối nghịch với chế độ chuyên chính Cộng Sản, nhất là với sự xuất hiện của tác phẩm biên khảo “Tâm trạng của giới văn nghệ ở miền Bắc” 1956 của Mạc Định và “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” do Phong Trào Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản, 1959. [Hai bút hiệu trên là của cùng một người: Hoàng Văn Chí (1913-1988). Hai cuốn sách này đã gây dựng ý thức tự do sáng tạo trong giới cầm bút phổ thông ở miền Nam, và cảnh giác sự chỉ huy văn nghệ ở Hà Nội. Thơ văn hồi ấy cho thấy các nhà thơ ta tự đặt mình trong dòng tiến hóa chung của nhân loại, không thua kém một ai:

Anh, chiến sĩ Hung Gia Lợi
Tôi, người lính Việt Cộng Hòa
Ta cảm thông nhau vì tình nhân loại
Vì muôn dân, vì đất nước tự do.
... Một ngày anh vùng dậy
Đẹp mãi muôn đời
Có âm vang vọng lại nước nón tôi
Rộn lên tiếng hoan hô Hung Gia Lợi.

(Chỉ Đạo)

đất ta là của ta
đừng ai hòng cắt xẻ
chúng ta thương yêu nhau
cùng là con một mẹ
chiếm lại trọn đất đai
xóa sạch oán thù

(Thanh Tâm Tuyền, Phiên khúc 20, 1956)

Sáng nay tôi bước ra giữa thị thành
Để nghe nói nỗi niềm mới lạ
Tiếng xe tiếng còi tôi nghe đường sá
Cả âm thanh của cuộc sống mọi người
Một nụ cười chạy ẩn giữa môi tươi
Trên tim nóng trong linh hồn tất cả.

(Quách Thoại, Sáng Sài Gòn, 1956)

Đường xưa hoa vắng rụng
Triều dâng lên lòng tôi
Gói khăn làm chuyến nữa
Ngày mai ra đi rồi.


Trăng già nghe sóng vỗ
Triều cao lên mênh mông
Chim rừng đem thả gió
Ngày mai tôi lên đường.
(Viên Linh, Mở Cửa Trùng Dương, 1957)

Mấy năm gần đây giới biên khảo phê bình ở Hà Nội thường lộ vẻ ngạc nhiên về sự phong phú của Văn Học Miền Nam. Sống trong dòng văn học ấy từ những ngày tháng đầu cho tới tháng tư 1975, tôi không ngạc nhiên chút nào. Sài Gòn mở rộng hải cảng bến bờ giao tiếp với thế giới văn minh nhân bản hẳn phải khác với những khe cửa chật hẹp lén lút cóp nhặt Đông Âu và phương Bắc. Giữa thủ đô văn hóa miền Nam, nơi cuối cùng qui tụ tinh hoa truyền thẳng tới từ những tờ báo đầu tiên của đất nước, những Gia Định Báo những Phụ Nữ Tân Văn, những sách báo quí để lại nguyên vẹn từ trăm năm trước cho hậu thế, gương sáng người xưa không hoen ố không phai mờ, từ những Nguyễn Văn Vĩnh Tản Đà Ngô Tất Tố, từ Đông Kinh Nghĩa Thục tới Nam Đồng Thi Xã, từ Tân Việt tới Hàn Thuyên, từ Lý Đông A tới Nguyễn An Ninh Tạ Thu Thâu tới Nguyễn Thái Học, từ những Vũ Trọng Phụng Lê Văn Trương Khái Hưng Tiền chiến qua Hữu Loan Quang Dũng Vũ Anh Khanh, chúng tôi còn nguyên vẹn, không bàn tay nào bôi bẩn bẻ què bẻ cụt. Từ đó và từ năm châu bốn biển, từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết dân tộc họ Hồng Bàng qua các sĩ phu thiền sư thời Lý Trần Lê mở mang sơn hà, thủ đô miền Nam có tất cả. Từ đó mà nở rộ mà sáng lên, ánh sáng ngày nay đang tỏa khắp đất nước và những nơi nào trên vũ trụ có bàn chân người Việt.

Viên Linh

19 tháng 11, 2014

Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn