BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76768)
(Xem: 63135)
(Xem: 40537)
(Xem: 32162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mũi Nai Hà Tiên – Điểm cực Tây của đất nước (P1)

24 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 5524)
Mũi Nai Hà Tiên – Điểm cực Tây của đất nước (P1)
57Vote
42Vote
38Vote
230Vote
12Vote
2.649
Năm nay, vợ chồng tôi mở tấm bản đồ đồng bằng sông Cửu long, nhìn trước nhìn sau chồng tôi reo lên: Điểm cực Tây đi em. Tất nhiên là tôi đồng ý, vì tôi cũng muốn đến miền đất thơ mộng đó, cũng là bởi ám ảnh bài hát …… nhớ thương vơi đầy nhắn về Hà Tiên , quê hương …….

Sau mấy ngày ghé thăm bà con cho đầy đủ thủ tục đứa con tha hương về quê cha đất tổ, chúng tôi cáo từ, qua phà An Hòa để đến miền đất cực Tây này.

 

Từ phà An Hòa, chúng tôi đón xe bus tới ngã ba Lộ Tẻ - nối liền 3 điểm du lịch, 1 đến Long Xuyên – Châu Đốc, 1 về Cần Thơ và 1 đến Rạch Giá, tức Kiên Giang – nơi có Hà Tiên. Ở đây có trạm chờ xe Phương Trang khá khang trang, có thể vào đó nghỉ ngơi ăn uống vệ sinh chuẩn bị cho 1 chuyến đi dài.

 

Từ ngã ba lộ tẻ, đến Rạch Giá là 60 km, được chia đều cho 2 địa phương Cần Thơ – Rạch Giá. Đường sá nói chung còn hẹp, 2 xe lớn phải chạy chậm để tránh nhau. Lại thêm tuy mang tiếng là Quốc lộ 80 nhưng ổ gà hơi bị nhiều, xóc lên xóc xuống đau lưng thấu trời. Nhà cửa dân cư hai bên cũng không sang trọng lắm, nhưng nói nghèo khổ thì không có nhiều. Vào thành phố Rạch Giá, xe chạy một vòng – không phải là để chúng tôi ngắm cảnh mà thực tế là để trả khách và đón khách mới đi Hà Tiên (chúng tôi đón chiếc xe này ở Lộ Tẻ - xe từ Trà Vinh qua chứ không phải xe Phương Trang) , vì chỉ chạy vòng vòng nên chụp được vài ảnh thôi.


 

Nhưng nói công bằng là Rạch Giá có hẳn 1 sân bay ngon lành, ngoài ra còn có bến tàu cao tốc để đi Phú Quốc và U minh Thượng. Và vị anh hùng của thành phố này chính là Thủ lĩnh nghĩa quân Nguyễn Trung Trực

 


 


 Vì không ghé lại, nên xe chạy ra khỏi thành phố, chạy theo QL 80 để đến Hà Tiên, trên đường đi chạy qua thị trấn Hòn Đất, nơi được nhiều người biết đến qua tiếng tăm của nhân vật chị Sứ.


 

 

Thị trấn này rất dài, chạy hoài chạy hoài mà không hết lại chỉ có nhà lụp xụp 2 bên nên tôi chán quá nhắm mắt ngủ. Giật mình dậy, không biết xe chạy tới đâu, tôi reo lên thích thú khi thấy biển quá gần, không có bãi cát như Vũng Tàu, Phan Thiết. Biển ở đây thân thiện như láng giềng, hiền lành quê mùa dân dã nên người ta làm nhà thô sơ trên biển, người ta họp chợ trên biển và cả WC trên biển.

 

Bắt đầu cửa ngõ vào Hà Tiên là tượng Tổng binh Mạc Cửu xây trên 1 quãng trường rộng, gần bến tàu cao tốc.


Xe chạy qua cầu Tô Châu xinh đẹp là nhìn thấy chợ thị xã, nhưng hơn nữa là thấy Khách sạn Pháo đài lừng lững trên cao trấn ngay cửa biển Hà Tiên . Sở dĩ gọi tên Pháo đài vì có nhiều lô cốt vững vàng ở đó, oanh oanh liệt liệt gọi là Kim Dự Lan Đào (1 trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên được Mạc Thiên Tích ca ngợi) nghĩa là hòn đảo vàng chắn sóng dữ. Nghe nói giá khách sạn ở đây rất bèo, còn được ngắm hoàng hôn trên biển và gió …. rất gió.


 Khi tới bến xe Hà Tiên, taxi chở đến một du lịch Mũi Nai , nơi tắm biển tốt nhất của thị xã. Từ Mũi Nai chắc bắt nguồn từ hình thể khu vực này cong vòng như 2 đầu sừng con nai hèn chi được ca tụng bằng cái tên Lộc trĩ thôn cư.

 


 

 

 


 


 

 


 Khu du lịch có 3 cổng, đầu trên có xây 1 khu nhà mát (mà hơi dơ), có đường chạy vòng theo biển. Đầu kia là vài cái resort nhưng đường ra biển không thấy thuận tiện chút nào. Biển ở đây không có tầm cản nên hứng hết hoàng hôn, 6 giờ chiều vẫn nắng chan chan. Bãi biển sậm màu bùn (khỏi cần tắm bùn tốn tiền he he), sóng không lớn lắm đánh dập dìu vào bờ kè. Hải sản tươi, giá chấp nhận, khách sạn cái không đạt yêu cầu thì cận biển, cái đạt tiêu chuẩn thì lội bộ thấy mụ nội luôn. Tóm lại , với người du lịch biển nhiều thì thấy rất chán.

 


Tối đó tôi ngủ mà ấm ách cái bụng, không phải vì buổi chiều tham ăn mà do nghĩ công mình ngồi xe khách (CLC) cả ngày chỉ tới được cái chỗ chán phèo này sao, kiểu này một đi không trở lại quá. Rồi tự hỏi vậy mà sao có cái bài : Tôi nhớ hoài 1 chiều …. Hà Tiên ơi. Rồi còn ông Mạc Thiên Tích, ông Đông Hồ nữa chi, lãng gian gì mà không không ca tụng Hà Tiên thập cảnh chớ. Sáng ra hùng hổ kêu xe ôm chạy ra chợ Hà Tiên tốn 30k/người (Hôm qua taxi 2 người 90k), ăn sáng xong tính kế đi ngắm cảnh vật Hà Tiên.

 

Từ chợ Hà Tiên chúng tôi đi xe ôm, phương tiện lợi hại của người Việt … nghèo. Tôi may mắn bắt được ông anh xe ôm đen như cột nhà cháy, quẹt mồ hôi cười hì hà nói mình người Khmer. Nhưng ông anh Khmer này đã nhiều lần chở bạn bè con cháu từ Sài Gòn về đây du lịch nên công việc này đối với ông quá thông thạo. Đầu tiên là đến ngôi chùa được Chúa Nguyễn sắc tứ Tam Bảo.

 

Ngôi chùa cổ này được xây dựng năm 1730 và lần sửa lại mới nhất là năm 1930. Trong chùa Sắc Tứ Tam Bảo, ngoài tượng Phật A Di Đà và đại hồng chung (Tiêu tự thần chung) có từ cách nay 300 năm, dấu tích xưa cũ còn sót lại chính là một phần bức tường thành của trấn Hà Tiên xưa. Bức tường dày tầm 20cm làm bằng ô dước vẫn còn tồn tại sừng sững với thời gian. Do chùa có bề dày lịch sử lâu đời nên được người dân địa phương kính trọng. Vì vậy, hiện tại đây là địa điểm tổ chức nhiều buổi lễ quan trọng của đạo Phật tại thị xã Hà Tiên.

 


Rồi tôi được đưa đến ngôi chùa có kiến trúc thật độc đáo, chùa Phật đà còn gọi là chùa lò gạch vì chánh điện được xây theo hình ảnh lò gạch. Ngôi chùa này mới được xây dựng nên ngoài kiến trúc ra không có gì để kể, à quên chụp được 1 chú tiểu thực dễ thương.


 

 



Kế tiếp chúng tôi đến chùa Phù Dung, nơi có câu chuyện tình bà bé bà lớn được viết thành vở cải lương Áo cưới trước cổng chùa. Tất nhiên chuyện được chuyển qua chuyển lại nhiều lần từ nữ sĩ Mộng Tuyết qua tới nhà văn Sơn Nam, rồi tiếp theo thi sĩ Kiên Giang thì chắc ăn là phải tam sao thất bổn.


 

Truyền rằng: Mạc Lịnh Công (Mạc Thiên Tứ) có một bà thứ cơ xinh đẹp và hay chữ. Mạc Lịnh Công, vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, đã từ chỗ sủng ái mà ra thiên ái. Cho nên, khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ.

 

Một hôm, nhân Mạc Lịnh Công đi duyệt binh vắng, ở nhà, Nguyễn phu nhân đem nhốt thứ cơ vào lòng một cái chậu úp, cho ngộp mà chết. Nhưng lúc đó, trời bỗng đổ trận mưa to. Mạc Công cũng vừa về đến, thấy trời đang mưa, ngạc nhiên sao chậu to không ngửa lên hứng nước mà lại để úp. Công bèn truyền lịnh giở chậu ra, thì nàng ái cơ đang thoi thóp sắp đứt hơi, nhưng may mắn hãy còn cứu kịp.

 

Nàng thứ cơ thoát chết, trở nên chán chường sự thế, xin Mạc Công cho nàng đi tu. Trước sự tình éo le đó, Mạc Công không biết làm sao khác, cũng đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho thứ cơ tu hành.
Bên am tự, cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Ao sen này hiện nay trồng cả sen hồng, còn nghe kể là dù nắng hạn đến cỡ nào vẫn không bao giờ hết nước. Còn ngôi mộ của bà thứ cơ có kiến trúc hơi lạ chút, hình tượng như cái mai rùa, chắc để kỷ niệm chậu nước úp lên bà ngày trước.

 

 

 

 Và tiếp theo là Đền thờ họ Mạc, giòng họ có công lao khai phá ra Hà Tiên xinh đẹp. ( Đáng lý ra phải tới chỗ này đầu tiên nhưng anh xe ôm rất chi là Lady first nên bắt khách tham quan thăm bà thứ cơ trước)


 

Năm 1780 có một di thần nhà Minh không thần phục nhà Thanh, tên Mạc Cửu, đã dong thuyền cập bến Hà Tiên. Thấy phong cảnh Hà Tiên có núi lạ sông đẹp, trời đất khoáng đạt, bèn thần phục và xin cư trú, được chúa Nguyễn Phúc Chu thuận phong là Tổng binh trần Hà Tiên. Mặc Cửu lấy vợ người Việt, sinh con đặt tên Mặc Thiên Tứ, thường gọi Mạc Thiên Tích. Hà Tiên thời Mạc Cửu đã sầm uất, tàu thuyền đi lại giao lưu buôn bán tấp nập. Năm 1736, khi Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tích nối nghiệp, cũng lấy vợ là người Việt. Hà Tiên thời Mạc Thiên Thích đất đai được khai khẩn, phố xá, chợ búa được mở mang, có thêm bốn huyện Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang, Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu, Bãi Xàu). Cùng với sự mở mang đất đai, phong trào văn chương thơ phú, luận đàm kinh sử cũng phát triển.

 

Xe lại vòng vèo tới Thạch Động, nơi khởi xướng tích tuồng chàng trai đốn củi khỏe mạnh nghèo nàn cứu công chúa Huỳnh Nga. Đàn kêu tích tịch tình tang, ai đem công chúa lên hang mà về. Thạch động này đứng ngoài cũng không thấy cao lắm, bên trong có nhiều hang động hiểm hóc nhưng đã được con người che lấp bớt bằng cách dựng nên một mái chùa, do vậy muốn kiếm đường lối vào cửa hang cứu công chúa xưa kia chắc đỏ con mắt. Phía sau Thạch động gió mát rười rượi, từ trên nhìn xuống xanh ngát màu lúa của một góc Hà Tiên. Thạch động nếu so thì không hùng vĩ như Ngũ hành sơn Đà Nẵng, thực chất nhỏ, rất nhỏ nhưng có đủ hang trời giếng tiên như ai. Tủm tỉm cười nghĩ tới ông Trời thiệt là quá rảnh, cao hứng hóa ra một hòn non bộ nhìn chơi.
 


 

 Chàng Thạch Sanh năm nào xuống hang cứu công chúa, chẳng biết có lưu lại bà con anh em gì không chớ người dân xung quanh đây cùng họ Thạch cũng khá nhiều, còn có hành khất và bán vé số nói tiếng Khmer nữa.


 



Phía ngoài Thạch động là tấm bia ghi lại tội ác 130 mạng người chết thời Pôn Pốt, chiến tranh luôn luôn đứng sau những ranh giới chủ nghĩa bất đồng, và người chết, chắc chắn là lính quèn và thường dân vô tội. Ngoài nơi đây, còn có 1 địa danh gọi là cống sập, cũng là nơi có rất nhiều người chết trong thời điểm đó. Biên giới 2 nước kề sát nhau, băng qua 1 ruộng lúa là tới liền mà.


 

 

Thêm 2 cây số nữa là tới núi Đá Dựng, người xưa gọi là Châu Nham lạc lộ, ý nói cò bay về đậu trên hòn núi, núi này nhìn xa rất đẹp.


Núi có hình thang cân, cao gần 100 m, trông xa như một khối đá vuông vức dựng giữa đồng bằng. Có lẽ vì thế mà có tên là Đá Dựng. Còn Châu Nham có nghĩa là núi ngọc. Sở dĩ được gọi như vậy vì trong núi có loại thạch nhũ sáng lấp lánh, trông như ngọc. Sách Đại Nam nhất thống chí và Nam Kỳ địa dư chí thì chép: Khi Mạc Cửu mới đến khai phá đất Hà Tiên, có bắt gặp tại đây một viên bảo châu vuông một tấc, vô cùng quý giá, nên gọi là Châu Nham.

 

 Là một tác phẩm kỳ vĩ của thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Tiên thêm phần diễm lệ, do đặc trưng cấu tạo, cấu trúc địa chất, cùng với sự xâm thực và tác động của thiên nhiên qua thời gian dài, nên trong lòng núi có rất nhiều hang động. Mỗi hang động mang nét bí ẩn, lạ lùng khác nhau. Hang Dơi có thạch nhũ hình bầu hồ lô. Hang Thần Kim Qui có khối đá xanh, dẹp hình con rùa. Ở động Bồng Lai, không khí trong lành. Vào động Mẹ Sinh Con, bạn sẽ có cảm giác hơi khó thở vì càng đi sâu, hang càng nhỏ dần, tối tăm. Ở động Khổ Qua, bạn sẽ rất thú vị khi ngắm nhìn những thạch nhũ có hình nom như trái khổ qua khổng lồ. Ở động Sám Hối, bạn sẽ thấy một tượng đá to như hình một nhà sư đang cúi nhẹ đầu vào vách đá trầm tư. Có những hang ăn thông với nhau tạo thành những “mê cung” với rất nhiều thạch nhũ muôn vạn hình dáng, đặc trưng của núi đá vôi bị xâm thực.
 

 Ngoài những hang động kỳ vĩ chứa đựng nhiều bí ẩn, núi Đá Dựng còn có truyền thuyết ly kỳ về câu chuyện Thạch Sanh – Lý Thông, rất nổi tiếng trong dân gian. Hang “Cội Hàng Gia” ở sườn núi Đá Dựng được cho là nơi sinh sống của Thạch Sanh. Ở trước cửa động có nhiều phiến đá ghép mí, chồng khít lại với nhau tạo thành một mái vòm tự nhiên. Theo truyền thuyết, một buổi sáng xưa kia, từ nơi đây, Thạch Sanh đã giương cung bắn chim đại bàng yêu tinh đang cắp nàng công chúa bay ngang qua núi Đá Dựng. 


 Cửa khẩu Xà Xía cách đó không xa, đây là đoạn cuối của QL 80, cột mốc 313 ở cửa khẩu này và cách đó không xa là cột mốc cuối cùng Việt nam – Campuchia 314


 

 

 

 


Tiếp theo tôi được ưu ái chở 1 vòng quanh bờ biển. Thật lạ lùng, biển ở đây, ngay dưới chân, có thể dừng xe thò chân xuống rửa. Biển gần gủi như láng giềng hàng xóm, biển ve vuốt nhẹ nhàng như bàn tay mẹ trên mái tóc con.


 

 

 

 


 Tiếp theo tôi lại đến cảnh đẹp Bình San điệp thúy, bây giờ là khu văn hóa Bình San



 

Đây cũng là nơi nói về bà cô Năm - tức Mạc Mi cô , vị thần hiển linh của Hà Tiên, theo lời kể của người dân, đã nhiều lần ngăn cản đạn pháo và bước chân cuồng sát. Anh xe ôm với thái độ hết sức kính cẩn kể cho tôi nghe bà cô Năm đã che chở người dân Hà Tiên như thế nào (tra google đi) và đặc biệt hơn anh đã kể về 1 Bà Cô Năm khác - rất khác với sử sách.
 

 

 

(Theo lời kể) Bà cô Năm vừa sinh ra đã biết nói, đã vậy bà còn báo trước được điềm lành dữ, nói được kẻ sắp qua đời. Có lần cha bà dẫn quân đi đánh trận, bà ôm chân cha ngăn cản nhưng ông vẫn cương quyết ra đi, trận đó ông bị thua suýt mất mạng. Dòng tộc coi bà là yêu quái nên ép cha mẹ bà phải chôn sống bà. Sau khi bà chết, những người lén đến mộ phần bà khấn vái đều được hưởng lộc bội hậu. Mấy trăm năm qua, bà cô Năm vẫn là vị thần linh hiển hách nhất xứ Hà Tiên này.


 Xe chạy đến cầu Tô Châu, lướt qua cửa biển để nhìn lên chiếc cầu thênh thang tô điểm cho 2 hòn núi Đại Tô Châu – Tiểu Tô Châu hùng vĩ hơn, thơ mộng hơn.

 


 

 

Dài quá, tạm ngưng, sẽ tiếp ở phần 2.

An Chu

P/s: Hà Tiên thập vịnh gồm: Kim Dự lan đào (đảo vàng chắn sóng – núi Pháo Đài), Bình San điệp thúy (núi một màu xanh – núi Bình San), Tiêu Tự thần chung (cảnh chuông chùa tịch mịch – chùa Tam Bảo), Giang Thành dạ cổ (trống đêm Giang Thành – lũy Giang Thành), Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây – núi Thạch Động), Châu Nham lạc lộ (cò đậu Châu Nham – núi Đá Dựng), Đông Hồ ấn nguyệt (trăng soi Đông Hồ – đầm Đông Hồ), Nam Phố trừng ba (bãi Nam sóng lặn, tục danh: Bãi Ớt); Lộc Trĩ thôn cư (xóm Mũi Nai), Lư Khê ngư bạc (Rạch Vượt)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn