BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73330)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Long Phú

17 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 2903)
Long Phú
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


“Không ai tắm hai lần trên một giòng sông.”

Tôi không nhớ nguyên văn câu triết lý này, không biết triết gia Đông, Tây nào ngôn như thế. Chỉ nhớ chắc chắn là tôi “học” được câu này từ một vị giáo sư từng một thời là “hung thần” của Đại học Văn khoa Huế. Dù ông có dáng người nho nhã, trắng trẻo, với đôi kính trắng gọng vàng, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi thấy trên môi mỏng dính hé nở một nụ cười cho sân trường Đại học nở hoa.

Câu “Không ai tắm hai lần trên một giòng sông” dù bao hàm ý nghĩa triết lý cao siêu nào đi chăng nữa cũng mang ý hướng trần tục. Suy nghĩ nông cạn như thế nên tôi không chấp nhận ý tưởng này vì tôi đã tắm biết bao lần trên giòng sông Hương yêu mến của quê hương tôi, cũng như cách đây hơn hai thập niên, tôi cũng đã hai lần gần như chìm đắm trên đoạn cuối của giòng sông mở ra cửa biển Đại Ngãi vùng huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Mấy triết gia chỉ giỏi phát ngôn lung tung, khùng khùng, điên điên khiến lũ học trò chúng tôi điên đầu vì chẳng hiểu mấy ông muốn nói gì. Khi làm quen với bộ môn triết học ở năm cuối cùng chương trình trung học, chúng tôi đã gặp những giáo sư Triết dở dở, ương ương. Ông nào cũng bất bình thường trong ngôn từ, trong hành động, trong phong cách.

Nghĩ lại và nhớ lại cũng lắm điều thích thú! Giáo sư Triết của chúng tôi, một ông Tây cao, to, đẹp trai, đầu tóc húi cua, giống các sinh viên Võ Bị Đà Lạt. Không biết vì ông ta nghèo không đủ tiền sắm xe hơi như các giáo sư khác hay tại ông ta “Triết gia” nên lập dị, ưa làm chuyện khác đời, ông ta đến trường bằng chiếc Lambretta kiểu thể thao, máy nổ rền vang sân trường. Thằng con ông ta không bao giờ được bố chở trên xe mà suốt năm học phải đi ké xe bạn bè cùng lớp. Nhưng hắn không phải lúc nào cũng được bạn bè đèo trên xe gắn máy mà có lúc phải cong lưng đạp phụ xe đạp với thằng bạn nghèo trong lúc ông bố ra khỏi trường là rú ga cho xe Lambretta chạy xuống đồi trước Nha Địa Dư thành phố hoa đào. (Ngậm ngùi khi được tin Nha Địa Dư vừa bị cháy tiêu 1/3 toà nhà xây bằng đá!) Tôi còn nhớ như in phong cách “triết” của giáo sư Pujos.

Một hôm, thằng bạn tôi ngủ gục trong giờ Triết lý của ông ta. Giáo sư cầm tấm bọt biển lau bảng đen, ngắm nghía thật kỹ và quăng ngay vào đầu thằng học trò ngủ gục. Thằng bạn tôi giật mình tỉnh ngủ, ngơ ngác nhìn Thầy và triết gia sư phụ đã nghiêng mình kính cẩn chào xin lỗi vì đã phá giấc ngủ của đệ tử trong tiếng reo hò tán thưởng của lũ học trò chúng tôi. Đấy, triết lý và triết gia!

Riêng tôi, vượt biên không thành công, hai lần ra cửa biển Đại Ngãi, một lần bị công an biên phòng bắt, giam tại nhà tù huyện Long Phú. Một lần khác “cá lớn” mắc cạn tại cửa biển, tôi đã trổ tài “bơi lội Marathon” trốn về chợ Long Phú.

Hai lần tắm trên một giòng sông, thật rõ ràng và chính xác. Ai không tin thì về trại giam huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng, mở “computer” của trại xem thử có ai tên Nguyễn Văn Hai bị giam năm 1982, năm tranh giải bóng tròn thế giới tại Tây Ban Nha, thì can nhân đó chính là người viết. Nói cứ như thật! Việt Cộng lúc đó mà có hồ sơ phạm nhân can tội vượt biên giữ lại trong “computer” thì đất nước ta đã khá hơn bây giờ nhiều rồi.

Sóc Trăng


Chuyện tôi ở tù lần thứ nhất tại Long Phú, nhớ lại, tôi vẫn còn ê răng:

Để chuẩn bị vượt biên, tôi đã đi rảo khắp khu chợ trời bán sách báo thời xưa ở đường Bùi Quang Chiêu tại Sài Gòn, cố tìm mua cho bằng được cuốn truyện Papillon để xem tường thuật mấy pha vượt ngục của anh chàng này, vì tôi không được xem cuốn phim này! Chưa vượt biên đã tính chuyện vượt ngục! Đúng là cái số của tôi là số con rệp! Tàu cá lớn của tổ chức đã mắc cạn ở cửa biển Đại Ngãi và chúng tôi đã bị tóm gọn về một trại giam thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đây là lần vượt biên thứ hai bị thất bại sau lần bị tù ở huyện Trà Ôn. Tôi đã có ý định vượt ngục, thật ra thì vượt trại, chứ nơi giam giữ chúng tôi không phải là một ngục tù đúng nghĩa. Mấy anh bò vàng quản lý trại giam rất chịu chơi! Tối nào, lúc bắt đầu lên đèn, đèn điện hẳn hoi, là loa phóng thanh cũng hét lên:

“Văn nghệ!”

Thế là 3 phòng giam các can nhân đủ mọi thành phần gồm hình sự, chính trị, tệ đoan xã hội, đĩ điếm, và tù vượt biên đều thi đua trình diễn văn nghệ. Tha hồ ca hát nhạc vàng, nhạc xanh, vì mấy anh bò vàng chê nhạc đỏ! Thành phần nghệ sĩ trình diễn đa số là các sinh viên, học sinh vượt biên thất bại. May mắn cho trại giam là trong phòng giam nữ can nhân, có một ca sĩ thứ thiệt của đài phát thanh Sóc Trăng. Tôi còn nhớ tên cô ta là Hồng, không biết tên nghệ sĩ là gì, người xinh xắn, đẹp, duyên dáng và giọng ca khá truyền cảm.

Chắc quý vị muốn hỏi, tôi ở trong tù làm sao biết được dung nhan của cô ca sĩ. Số là: mỗi buổi chiều, tù nhân từng phòng được ra khỏi phòng giam, đứng sắp hàng trước cửa phòng để công an trại giam dẫn đi tắm ở một cái ao sau trại giam. Do đó mà mỗi lần các nữ tù nhân đứng sắp hàng là tù nhân, các phòng khác,chen nhau đứng ở cửa phòng giam để ngắm mấy cô và nhao nhao hỏi tên các cô. Cô Hồng vừa ca tân nhạc, vừa cổ nhạc. Tội nghiệp cho cô, tối nào cũng phải hát liên tu, liên tồn (Chữ của cố thi sĩ Bùi Giáng) Dù không còn lòng dạ nào thưởng thức văn nghệ, đầu óc lúc nào cũng tính chuyện vượt trại nhưng phải thú thật rằng mục văn nghệ mỗi đêm này cũng giúp tôi những phút giây thoải mái tinh thần.

Bằng những bữa ăn ngon nhờ được thăm nuôi đầy đủ, tôi mon men làm quen và hối lộ những tù nhân địa phương, hỏi xem từ trước đến nay có ai vượt trại thành công không và nếu thất bại thì phải chịu những hình phạt như thế nào.Tôi được biết là có người đã thành công trong khi được kêu đi lao động bên ngoài trại giam.

Những người bị bắt trở lại thì bị giam vào phòng tối, sau khi đã bị đánh nhừ tử. Phòng tối không có một chút ánh sáng lọt vào, tối như hủ nút. Đồ ăn, thức uống được đút vào một lỗ cống nhỏ chỉ vừa bằng cái chén. Có người ở trong đó đến lúc được thả ra thì đôi mắt như mờ hẳn đi, phải một thời gian sau mới sáng trở lại. Có hai phòng tối, liền vách nhau để giam riêng nam nữ. Không có trần nhà nên nếu muốn, thì có thể leo tường sang thăm nhau. Vì thế, đã xảy ra một chuyện buồn cười là có hai tù nhân phòng tối lén lút ân ái đến độ nữ tù nhân mang thai. Họ chỉ biết tên nhau mà không hề thấy mặt nhau.Thế mà vẫn yêu nhau ra rít. Nữ tù nhân mang thai đến ngày chuyễn bụng sinh con thì được tha về, còn người yêu của cô thì cho đến lúc tôi vào tù cũng vẫn còn bị giam ở phòng tối. Nghe đâu hai người đều là tù hình sự.

Tôi nghĩ thầm, nếu tôi vượt trại không thành công thì có bị ma đưa lối, quỷ đưa đường khiến vướng vào một mối tình nào thơ mộng trong bóng tối không. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều! Nói là liều, chứ tôi nghiên cứu kỹ lưỡng đường đi nước bước, bảo đảm thành công đến 80%. Trước hết, tôi cất kỹ một số tiền trong túi. Ngoại giao, hối lộ bằng thực phẫm thăm nuôi cho anh tù nhân trưởng phòng tức là loại tù thâm niên, “tù cha”.

Tôi khai bệnh đau đầu đông, không thể hớt tóc cao, gần như trọc lóc bình vôi, năn nỉ anh “tù cha” này đừng nắm đầu tôi ra cho anh thợ hớt tóc cũng là một tù nhân, một tháng hai lần hớt tóc cho bạn tù. Tôi hỏi thăm dò một tù nhân địa phương để biết được địa hình, địa vật của trại giam, như một sự tò mò hỏi chuyện lúc trà dư tửu hậu. Được biết trại giam nằm gần một ngôi chợ. Tại đây, có xe ôm thường xuyên chở người về Sóc Trăng. Đường về tỉnh này là một con hương lộ xấu tàn tệ, ổ gà chằng chịt, nếu một xe ôm khởi hành trước đó 10 phút thì không thể có xe nào đuổi kịp vì xe cộ lưu thông đều cùng một tốc độ như nhau do đường quá xấu. Hơn nữa, theo lời anh bạn tù này cho biết thì một tù vượt biên thoát khỏi trại giam cũng tỉ như một con gà lọt khỏi chuồng, không có giá trị gì mà phải theo đuổi.

Theo tôi suy đoán, bọn công an bắt người vượt biên cũng chẳng báo cáo về cấp tỉnh hay bộ nội vụ vì đây là một món lợi để tụi nó kiếm tiền vì tôi thấy tụi nó tha tù một cách tuỳ tiện, không theo đúng một thể thức luật pháp nào hết vì can nhân không hề được tuyên án. Bây giờ, chỉ còn chờ ngày được kêu đi ra bên ngoài lao động để tính đường cao chạy xa bay. Tôi đã “đấm mõm” anh “tù cha” xin được chỉ định ra lao động khi công an đến kiếm nguời bắt đi lao động, viện lý do là tôi muốn ra bên ngoài hưởng một chút “nắng đẹp miền Nam” chứ ở trong phòng giam, mặt mày xanh mét bệnh hoạn. Tôi lại còn hứa là sẽ tạt ngang chợ mua quà cho anh ta nữa. Thế là yên chí lớn, chờ ngày được cho đi lao động.

Tôi nhớ, vào một ngày thứ Năm, ban quản trại đến đứng trước cửa các phòng giam và bảo anh “tù cha” trưởng phòng chọn mỗi phòng 5 người để đi lao động tức là đi làm mấy việc lằng nhằng xây cất hay quét dọn cho các cơ quan trong huyện. Ít có can nhân thích đi lao động nên anh tù cha này cũng vờ vịt tìm người để chỉ định và dĩ nhiên anh chọn tôi.Tôi phải làm phụ thợ nề, xây cất một cơ quan, khuân vôi, cát, gạch, xi măng vv... Tôi đã quan sát cảnh vật xem có đúng như những gì ông bạn tù kể cho tôi không. Thấy y chang như những gì tôi đã học hàm thụ hơn 2 tháng nay, tôi quyết định lần đi lao động sau sẽ “Zoulou”.

Một tuần sau đó, tôi lại được anh tù cha chỉ định đi lao động. Tôi mang theo tiền, mặc một chiếc quần dài xắn cao quá đầu gối và hăm hở ra đi. Lại làm phu khuân vác như lần trước! Đến giờ nghỉ trưa, tôi giả vờ nhắm mắt ngủ, rồi he hé mắt nhìn tên công an dẫn chúng tôi đi lao động, xem chừng nó có ngủ hay không. Thấy anh chàng nằm ôm súng, mắt lim dim, tôi rón rén rời thềm nhà, trên tay cầm một mảnh giấy báo, dáng chừng như bị thôi thúc bởi mục khoái lạc thứ tư trên đời, tức là đang bị Tào Tháo đuổi chạy. Tên công an bỗng mở mắt quát:

“Đi đâu?”

Tôi lí nhí, mặt mày nhăn nhó ra cái điều đê sắp vỡ đến nơi rồi, không thể nào không đi tham quan lăng Bác được. Tên công an mặt hầm hầm bảo tôi đi nhanh lên mà về lao động tiếp. Tôi vội vàng ba chân, bốn cẳng chạy ra nhà xí của cơ quan và nhìn quanh, ngó quất xem có ai thấy tôi đang âm mưu thoát cảnh cá chậu chim lồng không, rồi nhảy tót qua hàng rào của cơ quan, để rơi mình vào một khu vườn của dân. Tôi vừa đi, vừa thả ống quần xuống và ngang nhiên, đi băng ngang qua khu vườn và ra trước con lộ lớn, chẳng dám nhìn ngang, nhìn ngửa, xem người trong nhà có thấy tôi hay không, vì vậy tôi cũng không biết lúc bấy giờ có ai ở trong nhà.

Và cứ thế, tôi tà tà ra cái quán cà phê trước chợ, vỗ vào yên xe một chiếc xe thồ, bảo tôi cần đi Sóc Trăng. Anh chàng xe thồ ngước mắt nhìn lên, rồi lắc đầu. Tôi lại đến một chiếc xe khác, trong bụng đã bắt đầu đánh lô tô vì trong quán cà phê, bò vàng ngồi lổm ngổm. May mắn quá, anh xe thồ này nhìn tôi rồi leo lên xe nổ máy. Tôi vội vàng leo lên yên sau, đưa tay ôm lấy eo ếch của anh, tình tứ và âu yếm không bút mực nào tả nổi. Tôi chưa từng được ôm eo một cô nàng nào mà chỉ “bị” ôm thôi, nhưng lúc bấy giờ tôi nghĩ là không có cái eo nào thơm và hấp dẫn như eo anh chàng xe thồ hôm đó.

Xe thồ chở tôi chạy được khoảng chừng 15 phút thì tắt máy.Tôi thót ruột, lo âu, mặc dầu biết là chẳng có con bò vàng nào rổi công đuổi theo một con gà sút chuồng. Tuy nhiên, tôi cũng cẩn thận bước xuống mương ruộng, nép vào một bụi cây giống như đang làm công tác thuỷ lợi trong lúc chờ cho anh xe thồ thay bougie xe gắn máy. Số tôi vẫn còn quý nhân phò hộ! Xe lại nổ máy và đưa tôi đến chợ Sóc Trăng, bến bờ tự do đầu tiên trong cuộc đời. Ôi, hai chữ tụ do quý báu làm sao! Nhớ lại lúc ở trong tù, chiều chiều, thay phiên nhau đứng nhìn qua cái cửa tò vò nhỏ bằng bàn tay, thấy cậu bé chăn trâu trên đồng cỏ mênh mông, bát ngát mà thèm nhỏ rải, ước ao được sống tự do thanh bình và ghen với số phận của cậu bé.

Đến chợ Sóc Trăng, tôi lủi ngay vào chợ tìm mua một đôi dép cho giống dân thành thị. Cũng may tù không được mang dép mà dân trong huyện cũng ít người mang dép nên tôi mới không bị lộ tẩy khi đứng đón xe thồ.

Màn “vượt ngục” của tôi kết thúc lúc tối ngày hôm đó. Tôi về đến nhà, mang trên tay một con gà mua ở bến bắc Cần Thơ về làm quà cho vợ con.Tôi gõ cửa nhà, vợ tôi nhìn tôi như người về từ cõi mộng. Chẳng bao giờ “cô nàng” có thể ngờ đức ông chồng lại có thể trở về sớm như vậy mà không cần hối lộ, lo lót cho công an. Nghe tôi kể chuyện vượt trại, vợ tôi chỉ biết thốt lên ba chữ “Em chạy Thầy” cũng giống như người chủ chốt vượt biên sau này gặp lại tôi, đã mỉm cười bảo: “Anh đúng là Thầy chạy!”

Phen này, để tránh cảnh bị giam tại Long Phú một lần nữa, tôi đã bơi trên biển suốt 6 tiếng đồng hồ. Tôi không phải là lực sĩ bơi lội của Mỹ, như Michael Phelps vì anh bơi nhanh nhưng chưa chắc đã bền dai như tôi. Tôi đã từng bơi lội, hụp lặn bao lần trên Hương Giang lúc thiếu thời nên bây giờ đã đến lúc tôi xử dụng tài bơi lội của tôi để trốn tránh cảnh tù tội. Còn nhớ thời xa xưa tôi đã năn nỉ Mẹ tôi cho tôi theo thằng bạn hướng đạo để ra sông Hương tập bơi lội. Mẹ tôi thương quý thằng con trai đầu lòng, sợ tôi sẩy chân, sẩy tay, theo Hà Bá nên bà nhất quyết không cho tôi đi tắm sông. Tôi đã vận dụng sức mạnh của nước mắt để thuyết phục Mẹ tôi và đã dám cả gan trích dẫn ca dao tục ngữ rằng: “Mẹ có phước con biết lội, mẹ có tội con biết trèo.” Thế là tôi đã được phép theo bạn ra sông tập bơi lội, sau khi Mẹ tôi đã cho tiền mua một cái ruột bánh xe hơi để tôi làm phao. Tập luyện mấy tháng mùa hè, tôi đã có thể bơi qua, bơi về sông Hương liền một mạch mà không cần bám tay vào chiếc phao.. Ai ngờ lúc tuổi ngoài bốn mươi tôi lại có dịp dùng tài bơi lội để trốn thoát lao tù.

Đêm đó, sau khi thấp thỏm đợi chờ trong lo âu hãi sợ trên ghe taxi, cuối cùng rồi gia đình tôi cũng sung sướng được bước lên tàu cá lớn. Nhưng chẳng may, tàu ra đến cửa biển Đại Ngãi thì vướng phải cồn cát, nằm một đống không di chuyển được, mặc dù thanh niên trên tàu đã nhảy xuống biển ra sức đẩy thuyền đi. Đành chờ lúc thủy triều lên. Tàu công an biên phòng ra bắt về trại giam vì tàu của chúng tôi không còn đi biển được vì bánh lái đã bị gãy lúc va vào cồn cát. Mọi người đều lo sợ và trông mong được công an ra bắt về giam.

Thật là mâu thuẩn! Ai lại trông chờ được bắt giam bao giờ! Nhưng, tình thế lúc bấy giờ là như thế, vì khi thủy triều dâng cao, tàu không có bánh lái sẽ làm mồi cho sóng biển và không biết sẽ trôi dạt vào bến bờ nào hay lênh đênh trên đại dương bão tố. Thế rồi, khi thủy triều dâng lên, thanh niên trên tàu chúng tôi đã dùng các thùng nhựa đựng dầu, trút dầu xuống biển và dùng các thùng đó như những chiếc phao để gắng sức bơi vào bờ nhác thấy cây cối xa xa một màu xanh nơi ven rừng. Dân vượt biên trên tàu, một số là người vùng này nên họ cho biết đám rừng cây bên bờ biển là một vùng kinh tế mới thuộc huyện Long Phú.Tôi suy nghĩ, không thể nào để bị bắt một lần nữa vì lần vượt biên thất bại trước đây cách đây mấy tháng, tôi đã bị giam tại Long Phú như tôi vừa kể lể dông dài trên đây và tôi đã vượt trại trốn về nhà. Nếu bị lũ công an Long Phú bắt lại thì lòi ra chuyện trốn trại lần trước, chắc tôi bị đánh trả thù mềm xương, tuy chưa chắc tụi nó còn nhớ mặt tôi.

Tôi bàn với vợ tôi:

- Em hãy lo cho hai đứa con, anh phải bơi đi trốn.

- Anh già rồi, không đủ sức bơi (bơi biển chứ không phải bơi cạn) đâu!

- Mấy lâu nay, anh vẫn chơi Tennis, sức còn khỏe lắm, không sao đâu.

- Em lo quá, sợ anh không đủ sức bơi như tụi trẻ.

- Bằng mọi giá, anh phải trốn, không thể để bị tù một lần thứ hai tại Long Phú.

Vợ tôi đành gạt nước mắt để cho tôi quăng xuống biển một can dầu trống không, đóng chặt nắp, dùng làm phao để lội vào bờ. Những người trên tàu ai cũng can ngăn tôi vì thấy tôi không còn trẻ (chứ chưa già), sợ tôi không đủ sức bơi vào bờ vì bờ biển còn rất xa, chỉ thấy mờ mờ một dải xanh xanh chứ không thấy rõ là cây cối gì. Tôi đành nhắm mắt thử liều một phen! Ném chiếc thùng nhựa xuống biển, tôi mặc nguyên áo quần vì sợ lạnh, phóng mình xuống nước, đầu chúi xuống, chân xếp lại thẳng đứng theo động tác của lực sĩ bơi lội mà tôi đã tập luyện những “ngày xưa thân ái” tuổi chưa tròn đôi mươi. Tôi biểu diễn một lần cuối cho vợ con tôi xem, tôi thầm nghĩ như vậy.

Vừa bám vào được chiếc phao, vẫy tay chào vợ con, bơi được vài chục thước thì nghe tiếng kêu cứu ơi ới ở đàng sau. Nhìn lại thấy một mái tóc dài trôi trên sóng biển, tôi đoán chừng là một cô gái nào đó cũng liều theo chúng tôi bơi vào bờ và chắc suy đi nghĩ lại, cô ta đã chùn bước, muốn bơi trở lại tàu và theo phản xạ tự nhiên, cô ta đã kêu cứu. Nghĩ thế nên tôi để mặc cho cô ta tự xoay xở chứ không ra tay “anh hùng cứu mỹ nhân” dù lòng cũng đôi chút áy náy vì tâm hồn đã lậm khá sâu vào những chuyện nghĩa hiệp trong truyện chưởng Tàu. Tôi là người nhảy xuống biển sau cùng nên tôi bơi gần cô gái đang kêu cứu nhất và do đó mà cảm thấy mình có nghĩa vụ cứu cô gái đang lâm nạn. Nhưng sau cùng, tôi đành phải lo tự cứu lấy bản thân.

Hai tay bám vào chiếc can nhựa, tôi chỉ dùng chân đạp để bơi trên sóng nước. Lúc bấy giờ tôi mới cảm thấy sức nóng mặt trời mãnh liệt và quan trọng như thế nào. Mỗi khi mặt trời bị mây che khuất, tôi lạnh quá chừng, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập và tôi run như dây đàn, như thằn lằn đứt đuôi. Chỉ khi nào mặt trời ló khỏi mây, bấy giờ tôi mới thấy người ấm lên và lội thoải mái như người dạo chơi bơi biển. Thỉnh thoảng, chân tôi vướng vào những đám rong biển hay những con vật gì nhơn nhớt mềm oặt mà tôi tưởng chừng như những con rắn biển, tôi lại quẩy mạnh đôi chân trong tâm trạng mất bình tỉnh, lo sợ. Bơi mãi mà bến bờ vẫn thấy còn xa tít mù khơi, tôi đâm ra nản chí, chỉ muốn buông xuôi vì thân xác đã mỏi rã rời, chỉ bơi theo bản năng sinh tồn.

Các bạn thanh niên nhảy xuống biển, rời tàu trước tôi, đã thấy rải rác tận đàng xa, tôi lại càng thất vọng thêm lên, chỉ nghĩ đến cảnh ra đi xa vợ xa con, chìm sâu đáy biển, làm mồi cho cá, cho tôm. Tôi đã liên tục cầu xin Tiên Phật. Chẳng biết có phải lời cầu xin của tôi đã động lòng họ hay không mà đột nhiên tôi bỗng thấy xuất hiện trước mắt một chiếc thuyền câu. Tôi vội vàng đạp chân mạnh và nhanh đưa tôi đến đó. Tôi bám vào be thuyền và năn nỉ họ cứu tôi. Hai vợ chồng trẻ, chủ chiếc thuyền câu, nhìn nhau như thầm hỏi ý kiến và gật đầu cho tôi lên thuyền. Người chồng ôn tồn bảo tôi rằng trước khi tôi đến đã có mấy thanh niên đến nhờ họ vớt nhưng họ từ chối vì thấy các thanh niên đang còn đủ sức, với lại thuyền họ nhỏ bé không thể chở nhiều ngưòi mà qua mắt được lũ công an. Thật thế, con thuyền quá nhỏ với hai vợ chồng và hai đứa con chưa quá 5 tuổi. Họ bảo tôi cởi áo quần bên ngoài, hong cho khô. Họ mời tôi một bửa cơm ngon chưa bao giờ ngon bằng, cơm trắng với cua luộc vừa mới lưới được.

Tôi được voi còn đòi tiên, thầm ước phải chi bây giờ có được một dĩa tiêu hay ớt bột khô chắm với cua tươi ngọt lịm thì ngon biết bao nhiêu. Những thứ gia vị này chắc là loại quý hiếm vì gia đình thợ chài nghèo này chỉ đãi tôi cua luộc chắm muối trắng. Tôi tháo chiếc đồng hồ mang trên tay, tuy thấm nước nhưng vẫn còn chạy tốt và tôi giật mình thấy tôi đã lội ròng rã suốt 6 tiếng đồng hồ trên biển. Tôi trao đồng hồ cho người chủ ghe, ân nhân của tôi với chiếc nhẫn cưới mà tôi đã mang theo phòng khi cần chi phí cho gia đình lúc đến trại tỵ nạn Nam Dương hay Mã Lai và xin hai vợ chồng chủ ghe cho tôi lại một ít tiền mặt để mua vé xe đò về lại Sài Gòn. Hai vợ chồng gom góp được 300 đồng, trao cho tôi để làm lộ phí về nhà. Tôi cảm ơn họ rối rít và nguyện với lòng chẳng bao giờ quên ơn họ.

Từ dạo đó đến nay, mỗi khi nghĩ đến chuyện vượt biên, tôi lại nghĩ đến gia đình ân nhân của tôi và tôi lại hối hận vì lúc đó tôi đã không hỏi rõ họ tên của họ, cũng như nơi cư ngụ để sau này đền đáp. Tôi tự an ủi và để tha thứ cho cái sự vong ơn của tôi rằng lúc đó dù tôi có hỏi thì họ cũng giấu không cho tôi biết tông tích vì sợ liên lụy. Sống dưới chế độ CS, không ai dám tin ai! Trên suốt đoạn đường từ nơi họ cứu vớt tôi đến bến chợ Long Phú, họ buộc tôi phải nằm trùm chăn kín mít trong khoang thuyền, sợ công an tra hỏi. Tôi cũng không nghĩ đến chuyện một ngày nào đó sẽ về đây thăm họ để đền ơn họ nên đã không hỏi về những gì liên quan đến họ.

Bây giờ đây, ngồi nghĩ lại mới thấy mình vô ơn. Đành chỉ biết trông chờ vào cơ duyên! Nếu quả thật, theo thuyết nhà Phật, tất cả đều do một chữ duyên thì biết đâu trong kiếp này, một ngày nào đó, trong một cơ duyên hi hữu, tôi có thể gặp lại ân nhân của tôi để đền đáp công ơn họ đã cứu vớt tôi trên biển cả mênh mông, giữ lấy mạng sống của tôi và giúp tôi thoát cảnh lao tù vì sau khi tôi bơi vào bờ thì chiều hôm đó công an huyện Long Phú đã cho thuyền ra hốt hết đám người vượt biên mang về trại giam. Vợ tôi hỏi dò đám thanh niên bơi vào bờ thì tất cả đều bơi được vào bờ, họ bảo rằng thấy một người bơi lạc vào hướng có vũng nước xoáy chắc là đã tiêu đời về thăm Hà Bá rồi. Vợ tôi gần như biết chắc 100 phần 100 người ấy là tôi vì không thấy tôi trong đám người dùng phao lội vào rừng. Vợ tôi đã sống trong nỗi đau khổ tuyệt vọng nghĩ rằng tôi đã vùi thân trên biển cả cho đến lúc nhận được quà thăm nuôi do bà ngoại các cháu gửi vào và nhận ra nét chữ của tôi cùng với chữ ký ghi trên giấy gói quà.

Hai vợ chồng ân nhân của tôi đưa tôi đến bến ghe chợ Long Phú. Lên bờ, tôi cố gắng đóng kịch “tỉnh bơ như người Hà Nội”. Tôi đi như lết đến bến xe, mua vé xe đò về Cần Thơ, rồi từ đây tôi xe khác về Sài Gòn.Tôi gần như không còn biết đôi chân của tôi đang ở đâu, có còn dính vào thân xác của tôi không. Chân tôi mỏi rã rời vì đã phải đạp liên miên 6 tiếng đồng hồ dưới làn sóng biển. Tôi không leo lên xe mà dùng hai tay đu người lên, đôi tay tôi còn khỏe vì chỉ bám vào cái can nhựa chứ không vẫy vùng như đôi chân. Tôi đến nhà người tổ chức, tin cho ông ta biết thuyền bị nạn mắc cạn ở Đại Ngãi để ông ta đi thăm nuôi các người vượt biên, thân chủ của ông. Tưởng cũng nên viết đôi lời cảm ơn người chủ chốt vượt biên này!

Ông ta là một người lương thiện, không có đầu óc con buôn chỉ biết trục lợi, một tấm lòng nhân hậu đáng ngợi khen, ông lo lắng hết lòng cho thân chủ. Chúng tôi chỉ đóng tiền mua “vé” một lần, và ông ta lo cho chúng tôi vượt biên đến lúc nào thành công mới xem là hết nhiệm vụ mà không lấy thêm một đồng xu cắc bạc nào. Cũng nhờ vậy mà tôi theo ông ta đến lần thứ tám để đến được trại tỵ nạn Galang trên đất Nam Dương. Lần thứ tám, tôi tự nguyện đưa tặng ông ta thêm 1 cây vàng gọi là tỏ lòng biết ơn ông ta đã giúp gia đình tôi đến nơi đến chốn không chán nản sau 7 lần thất bại và vào tù ra khám hai lần, một lần ở trại giam huyện Trà Ôn và một lần tại trại tù Long Phú.

Long Phú, cái tên định mạng mà tôi tin rằng đã mang đến cho tôi niềm hạnh phúc lớn, đưa gia đình tôi đến được bến bờ tự do “giàu sang, phú quý” hơn những người nghèo xấu số còn ở lại trên quê hương. Hiểu theo nghĩa nông cạn, giàu sang phú quý là có nhà, có cửa, có xe hơi, có nệm ấm, chăn êm thế thì tôi đang giàu sang phú quý chứ còn gì nữa. Mà xét cho cùng thì người nào vượt biên đến được xứ Cờ Hoa cũng giàu sang, phú quý như tôi và hơn tôi dù họ không ra đi từ cửa biển vùng Long Phú. Tôi luôn nhớ mãi, không bao giờ quên địa danh Long Phú vì nơi đó có ân nhân của tôi, nơi đó tôi còn một món nợ đang canh cánh trong lòng, cũng như nơi đó tôi đã tắm hai lần trên trên cùng giòng sông! 

Hoàng Đức

Nguồn Biệt Động Quân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn