BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73245)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Có Một Chỗ, Về Nghe

09 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 1894)
Có Một Chỗ, Về Nghe
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Lúc mấy thằng bạn trong lớp đến tuổi đôn quân gặp lại Tịnh, nó đã vào Không Quân, làm chuyên viên cơ khí. Thời chiến, ở quân đội mà “đi không phải đi bộ” như ai đó tiếu lâm là cái khoẻ thứ nhất. Nên Không Quân cũng là nơi đám bạn cùng lớp tôi nhắm đến nếu lỡ thi rớt. Dân Không Quân, chẳng là hoa tiêu, cũng ngon lành nên thằng nào không ham vào đó. Đóng ở phi trường, như Đà Nẵng thì chỉ sợ pháo kích. Mà vụ đó thì trời kêu ai nấy dạ. Tới số thì ở đâu cũng chết.

 

Phi trường Đà Nẵng (1960)


 

Tịnh bỏ học ngang xương, xin đi lính hồi nào không thằng nào trong đám bạn cũ biết. Đến khi thấy hắn mặc đồ Không Quân, ngồi xe gắn máy đợi ai đó ở cổng trường, dĩ nhiên là trường nữ, thì mới hỡi ơi. Tôi biết nó vừa nhảy xuống một bực thềm nữa trước đám chúng tôi, những đứa từng học chung. Thấy nó lạ hẳn ra, biết chửi thề chứ không như thằng Tịnh hiền khô nói giọng Huế trong lớp phần đông là học trò sinh ở Đà Nẵng. Nhìn Tịnh, không biết nên vui hay buồn cho nó. Đâu ai muốn bỏ học trong môi trường này, lúc việc học là hy vọng cuối để tạm thời khỏi vào quân đội. Tịnh đi lính chắc có điều chi buồn. Chỉ có trời với hắn mới biết. Cùng lúc, tôi mừng cho Tịnh vì hắn đi trước thời gian đôn quân nên may mắn vào được Không Quân. Lúc này, những đứa phải đi theo lệnh đôn quân một là Thủ Đức hai về Nha Trang, ba thì làm gì chỉ có đương sự và gia đình biết! Còn thứ tư là gì? Tôi nghĩ có những đứa coi trời bằng vung thứ thiệt, tình nguyện vào các đơn vị “chằn ăn trăn quấn” để phỉ chí tang bồng. Lúc giáo sư Trần Ngọc Quế dạy về Nguyễn Công Trứ, thầy đọc “vòng trời đất dọc ngang ngang dọc / nợ tang bồng vay trả trả vay...” nào ngờ cũng nhập tâm nhiều đứa trong đám học trò.

Nhưng Tịnh không phải là thằng đầu trong nhóm bỏ học vào đời. Khoảng năm lớp ba, lớp tôi có thằng Nhỏ bỏ đi bụi đời. Cô giáo Hoài hỏi mấy đứa ở gần nhà Nhỏ khi thấy học trò không trở lại trường mới biết. Mà cô giáo không làm gì được để “cứu” Nhỏ cũng như thằng Ba, Võ Văn Ba người Huế, ngày nó cũng bỏ học vì ba ở Biệt Động Quân chết trận! Hai đứa này trong đám bạn học tôi là hai đứa vào đời trước, rất sớm, vì hoàn cảnh gia đình. Sau này Huỳnh Lâm Thành nổi chứng du côn rồi không biết hắn lưu lạc về đâu.

Tôi nghĩ Tịnh cũng biết những đứa đó vì cả bọn học chung từ lớp 5 (tức lớp 1 sau này) của thầy Hạp ở trường Nam Tiểu Học. Lúc đó nhà Tịnh ở đâu khúc Cầu Vồng. Khu vực này còn có một biệt danh độc địa là “xóm chuối”. Có thể vì môi trường sống, chị em ta qua lại mỗi tối nên Tịnh trưởng thành sớm hơn mấy đứa khác trong lớp. Nó kể nhiều điều mà sau này, những thằng khác theo nhau “bước xuống cuộc đời” như ai đó nói mới biết rồi thử và bị đau lần đầu. Mẹ kiếp cái câu “uống cà phê đen đái ra cà phê sữa” ai vung vít nghe được ở đâu lúc đó mới buốt tận tâm can!

Từ phải, hàng đứng: Nguyễn Văn Nghị [gật], Tuấn, Tấc hí, Phi Dũng, Anh què, Huỳnh Thạch, Mùi Lê, Sơn Nam, Cung Thế Hồng Minh, Anh đùi heo, Lê Xuân Dung, Quang xẹp hí, Mùi Nguyễn; hàng ngồi Trần Quốc Hùng, Nguyễn Trọng Tiến, Hồ Hữu Nhơn, Trương Duy Long. Sân bóng rổ trường Phan Chu Trinh. Sau lưng là đường Duy Tân. Ảnh Giáo Sư Pháp Văn Đặng Đăng Khoa.
Tôi hỏi Tịnh: “Mi đóng ở mô?”

Hắn cười hề hề nói:

“Phi trường Đà Nẵng. Trước sau gì cũng đi nên đi cha nó cho rồi mi ơi!”

Đúng là cách nói của đứa sống bạt mạng. Lúc đó hắn đâu có vậy. Lên bảng, lập bập trả bài không được là lầm lì trở về chỗ ngồi, bên Hương “heo”, bên tôi, bên Trần Đại Bữu Ngọc, bên Tạ Vân Nhứt. Năm tên to con bị dính vào cái biệt danh chung là Ngũ Đại Hồ khi lớp học địa lý về Mỹ Quốc và biết thêm về năm cái hồ lớn của quốc gia này. Ngũ Đại Hồ thì được nhưng nếu có đứa nào xấu miệng, sửa lại là Ngũ Rợ Hồ khi nói về năm thằng tôi là có chuyện.

Giờ một trong Ngũ Đại Hồ đã là lính, nằm trong binh chủng “người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm...” Tôi thấy mà ham vì biết mình mê phi cơ, lúc nào đó đã mơ có ngày ngồi vào phòng lái “con chim sắt” để bay lên cao. Nhưng giấc mơ nhí chết rồi từ trứng nước khi tôi khám phá ra mất một cái răng là hỏng chuyện. Tôi thích kẹo ngọt từ bé. Mà đứa bé nào lại không thích kẹo! Cứ thế, mẹ cho tiền là chạy ra quán mua kẹo. Nhưng ăn mà không biết lo cho răng nên một lúc mẹ phải đưa lên nhà thương Việt Nam ở đường Hùng Vương trong thị xã để xin nhổ răng. Trời ơi là đau khi nha sĩ cho kềm vào miệng để nhổ răng nhưng tôi đâu biết, giấc mơ trở thành phi công bị hụt hơi vì mất răng sẽ đau hơn dầu chiều cao và trọng lượng tôi đâu có thua anh phi công thật sự. Nên thấy bạn mình vào được Không Quân, dầu không là hoa tiêu tôi cũng mừng cho nó.

“Ê đang chờ ai đây?” Tịnh hỏi lại:

“Mi làm cái chi mà đi ngang chỗ ni? Nhà mi dưới Gia Long tê.”
 
“Tao ra Kỳ Sơn mua sách.” “...”

“Nghe mi học bên Phan Thanh Giản từ dạo nớ. Răng mà bỏ đi sớm rứa hí?”

Tịnh nhúng vai cóc cần:

“Chỉ tốn tiền mạ tao thôi. Bà già nuôi mô nổi!”

Thế đó rồi mỗi đứa mỗi ngã.

Ngày tôi về lại thành phố, lang thang gặp Trần Đại Bữu Ngọc ở đường Hùng Vương. Hắn không thể to con hơn nữa từ dạo được dính vào một trong năm đứa của băng Ngũ Đại Hồ thời trường Nam Tiểu Học. Tại vì hắn mà tôi chọn Pháp Văn làm sinh ngữ chính khi chuẩn bị điền đơn để thi vào đệ thất bên Phan Chu Trinh. Hắn xuất thân trường Pháp, qua học chương trình Việt nên bị nhập tâm “văn chương Pháp hay hơn...”, “tiếng Anh khó học...” Tôi tưởng nó cũng chọn sinh ngữ giống mình nên nghe lời “quân sư” điền vào mẫu đơn mầu xanh của thí sinh chọn Pháp Văn. Hai đứa đều đậu đệ thất. Lên đến trung học Phan Chu Trinh mới biết nó học bên Anh Văn. Cà chớn thật thằng Ngũ... Rợ Hồ Bữu Ngọc.

Nhìn tôi trong bộ đồ lính hắn ước mơ “có quyền cho những đứa học giỏi ở lại đi học”. Tôi muốn cám ơn hắn nhưng lúc đó ông già hắn chỉ là sĩ quan trung cấp, nuôi nguyên cả đàn con đứa nào cũng tên Ngọc đã ứ hơi nói gì đến chuyện khác, mà là chuyện khó còn hơn “gánh đá vá trời” ở miền Nam thời chiến.

“Thằng Nhứt đang kèm cho con thầy Kỳ. Nhớ Nhứt không?”

“Răng mà không nhớ. Tên hắn không thể quên được vì có chữ lót là Vân, như nhân vật Tạ Vân Nhạc trong truyện chuởng Thái A Kiếm. Hắn làm trưởng lớp năm lớp nhất. Còn Hương “heo” nữa mi. Một trong những họa sĩ của lớp.”

Ngày Đà Nẵng mất, chạy đi mỗi thằng mang được chút ít của trường. Thằng Tịnh Không Quân về đâu khi phi trường bị tràn ngập? Trước đó chừng vài ngày, Lữ Đoàn về tới phi trường, vận tải cơ C130 chờ sẵn. Dân kỳ cựu trong đại đội đứng nhìn phán một câu: “Chưa bao giờ đi hành quân mà phi cơ đợi mình!” Chuyện gì đây? Ai biết! Tối trên đường từ Phước Trường về sân bay Đà Nẵng, ngang chỗ nào cũng thấy dân nhớn nhác. Lúc đó Tịnh có ở gần chắc nó sẽ không nhận ra tôi. Nó sao ngờ được tôi về đơn vị này cũng như bọn tôi chẳng tin Tịnh bỏ ngang việc học đăng Không Quân.

Một trong năm thằng Ngũ Đại Hồ có tôi bỏ xứ từ 1975. Mình thua. Mười mấy năm sau đến thằng Hương “heo”. Nhớ trường lắm, hai thằng đi họp mặt để mong gặp lại bạn bè. Mừng có. Thất vọng cũng không ít!

Một bữa đọc email tôi đùa đùa nói muốn bỏ trường này rồi. Chi hỏi:

“Học trường nào Chi xin cho. Quen biết lớn lắm đó.”

Sau câu hỏi là nụ cười mầu vàng :-) của yahoo messenger.

“Nam Tiểu Học em. Anh sợ làm người lớn lắm rồi!”

“Có lý nghe. Con nít là khoẻ nhất. Không biết chửi nhau, tranh giành danh lợi!”

Máy điện toán của tôi bị cúp ngang internet. Ngày hôm sau mở ra, yahoo messenger cho thấy một lời nhắn “offline message”: “Ê dzu, đừng ‘bỏ trường mà đi’ lần nữa nghe chưa. Chấm hết!”

An Phú Vang

12, 13 tháng 8, 08

Nguồn QuyênBook
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn