Đầu năm 1950, do mẹ tôi mang bầu, bà không đủ sức tần tảo buôn bán để kiếm sống nên phải “tản cư ngược” về Hà Nội, vùng tạm chiếm của quân Pháp. Nhưng cả gia đình họ Lê Phú của tôi, đứng đầu là ông nội tôi vẫn trụ lại ở vùng sơn cước Thanh Ba – Phú Thọ theo kháng chiến đến cùng. Đó là một “nỗi buồn” như lời mẹ tôi lúc về thành. Nhưng cũng nhờ thế mà một đứa trẻ 12 tuổi là tôi lại được chứng kiến trọn vẹn ngày 10-10-1954, một ngày lịch sử với Hà Nội.
Có lẽ, những người Hà Nội được chứng kiến Hà Nội ngày đó cũng không còn nhiều. Vả lại, có nhớ những hình ảnh ngày đó thì cũng ít người đủ kiên nhẫn để hoài cổ mà viết lên giấy trắng mực đen ở cái thời kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa này!
Với chứng bệnh nghề nghiệp, tôi thấy cần phải viết lại về cái ngày 10-10 năm ấy (1954)… để các tiểu thuyết gia sau này, các nhà viết tiểu thuyết lịch sử có chút tư liệu, chút cảm hứng khi ngòi bút của họ đụng đến… 10 tháng 10-1954 tại Hà Nội, thủ đô của nước Việt ngàn năm. Dù chỉ là một góc hẹp của Hà Nội qua cái nhìn của một người.
Đêm 9-10-1954 cả thành phố thiết quân luật. Đường phố như chết, không một bóng người, không có tiếng rao đêm quen thuộc. Nhưng hầu như tất cả Hà Nội đều thức trắng đêm đó, hồi hộp chờ đến sáng…
Nhà tôi ở đầu phố Hàm Long, gần ngã năm Phan Châu Trinh, Hàn Thuyên, Lò Đúc, Lê Văn Hưu… Mấy chị em tôi hay dán mắt nhìn qua khe cửa, trong ánh sáng vàng đục của những ngọn đèn đường, tôi nhìn thấy những tên lính Pháp cao lớn mang súng đi tuần. Gần sáng, lính Pháp chốt lại ở đầu phố nhìn ra ngã năm.
Khi trời chưa sáng hẳn, từng tốp bộ đội ta vai đeo súng từ từ tiến đến chỗ lính Pháp đứng. Những tên lính Pháp cao lớn đứng bên những anh bộ đội của ta bé nhỏ, chỉ cao đến ngang vai lính Pháp. Họ nói với nhau những điều gì đó, bàn giao cái gì đó… rồi lính Pháp từ từ rút lên phía Nhà Hát Lớn thành phố theo đường Phan Châu Trinh.
Khi lính Pháp rút rồi, chỉ còn bộ đội ta thì các cánh cửa hai bên phố đều bật tung, dân chúng ùa ra đường với cờ đỏ sao vàng trong tay reo mừng, hoan hô bộ đội. Đường phố tràn ngập niềm vui.
Cần phải nói thêm, mẹ tôi là một người buôn bán ở thành phố từ nhỏ, bà có kinh nghiệm. Trước đó, khi thấy nhiều người bí mật may cờ, mua cờ đỏ sao vàng… chờ ngày quân ta trở về, bà đã đi mua nhiều cây tre nhỏ, nhiều thanh gỗ nhỏ cắt ra để làm cán cờ. Cả cái phố Hàm Long đó đã mua cán cờ của mẹ tôi để đón bộ đội ta chiến thắng trở về!
Cũng phải nói thêm, trước ngày 10 tháng 10 năm 1054, đã có nhiều cán bộ Việt Minh thâm nhập vào Hà Nội, tá túc trong những nhà dân là cơ sở cách mạng hay những gia đình có người đi kháng chiến ở Việt Bắc. Nhà tôi cũng có một nữ cán bộ Việt Minh tên là Nhân đến ở.
Chị Nhân có chồng là một cán bộ hoạt động nội thành rất đẹp trai tên là Hồng Kỳ. Mẹ tôi đã xếp cho họ một căn phòng nhỏ ở tận cùng ngôi nhà, có cửa sau ăn thông ra đường Lê Văn Hưu để dễ thoát thân. Đứa con đầu lòng của họ đã “nên người” từ căn phòng bé nhỏ đó. Sau này họ vẫn qua lại thăm gia đình tôi. Những cán bộ Việt Minh vào thành trước có nhiệm vụ giải thích chính sách của chính phủ kháng chiến, khuyên đồng bào không theo Pháp đi Hải Phòng. Khuyên công chức của Hà Nội không đi Nam. Vì thế sau này mới có chế độ công chức lưu dung, sử dụng các công chức của chế độ cũ.
Cho đến 10 giờ sáng ngày 10-10 thì cả Hà Nội là một ngày hội lớn. Năm cửa ô Hà Nội (Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Cầu Rền, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa) chật ních người dân Hà Nội tưng bừng đón đoàn quân chiến thắng trở về. Các nghệ sĩ đem cả đàn gió, cả vĩ cầm, ghita ra góp vui trên đường phố. Các mẹ, các chị mặc áo dài, các bà nhà giàu tung hoa tươi lên đoàn xe chở quân tiến vào thành phố.
Có những câu chuyện thật cảm động.
Ở làng Đồng Nhân, quê ngoại của tôi, có bà mẹ tên là bà Lý Tiếp, bà đi bán nước mắm rong trên hè phố. Trước ngày 10-10, có người báo cho bà biết, con bà là chỉ huy cao cấp ở mặt trận Điên Biên Phủ, là cán bộ của Trung đoàn Thủ đô năm xưa, nên sẽ dẫn đầu đoàn quân tiến về Hà Nội… Bà không tin. Vì thế, sáng ngày 10-10 bà vẫn gánh nước mắm đi bán rong. Khi đoàn quân tiến vào một trong năm cửa ô, bà cũng chen vào đoàn người đứng hai bên đường để hoan hô. Bỗng bà nhận ra con trai của mình ngồi trên chiếc xe jeep mui trần dẫn đầu đoàn quân. Bà đã lao ra… Người chỉ huy cũng nhảy xuống xe… Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau và… khóc! Mọi người cũng khóc theo.
Người chỉ huy ấy là thiếu tướng Vũ Yên sau này, trung đoàn phó Trung đoàn Thủ đô năm xưa. Tên cúng cơm của ông là Nguyễn Văn Tịch, người làng của mẹ tôi – như bà nói. Mẹ tôi còn khoe với mọi người: - Thằng Tịch này ngày xưa, mùa nước lũ, nó bơi qua sông Hồng là chuyện thường (!).
Mẹ tôi và bao nhiêu người buôn bán nhỏ được gọi là tiểu thương của Hà Nội, cũng như bao nhiêu bà tư sản nhà giàu lúc đó, đã đem hoa tươi tung lên xe của đoàn quân chiến thắng trở về… Có hay đâu, chỉ ít tháng sau cái ngày vui đó, họ trở thành nạn nhân của cách mạng. Họ trở thành đối tượng phải “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”. Nhà xưởng của họ bị công tư hợp doanh. Đến nhà ở của họ cũng bị đo đạc để đưa thêm người khác vào ở, vì… mỗi gia đình chỉ được sử dụng tối đa 120 mét vuông!
Ông anh ruột của mẹ tôi bị quy là tư sản, có hai cái nhà đã “được” hiến cho nhà nước. Gia đình ông có chín người con, nhưng nhà vẫn phải xếp cho người khác vào ở vì… còn thừa diện tích.
Còn mẹ tôi, sau 10-10-1954 bà vẫn buôn bán nhỏ, nhưng vì không chịu được người ta gọi mình là “con buôn”, nên một lần nữa, đã theo ông nội tôi, bán ngôi nhà ở phố Hàm Long về làng Hoàng Mai thuộc huyện Thanh Trì mua vườn, làm một nông dân bất đắc dĩ.
Tôi không bao giờ quên hình ảnh của mẹ tôi, những đêm trăng gánh nước tưới rau, đôi vai gầy run run dưới gánh nặng…
Nhà văn Nguyễn Khải trong thiên tuỳ bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” đã miêu tả rất đúng chân dung của con người Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ: “Một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do thì cái đầu cũng được trưng thu luôn, từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, một đường lối, nếu họ không muốn dẫm vào vết chân của nhóm “Nhân Văn – Giai Phẩm”. Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng lom rom như kẻ bại trận”.
Người Hà Nội, sau 10-10-1954, trong đó có mẹ tôi, đúng như Nguyễn Khải đã mô tả!
Vì thế, nhân danh một người Hà Nội, tôi muốn nói với những người đang “cầm cân nẩy mực” ở thủ đô Hà Nội rằng: Quê tôi, Hà Nội, đang là một thành phố bệ rạc vào bậc nhất vùng Đông Nam Á. Khói bụi, kẹt đường, ngập nước, dân oan cả nước kéo về đây… kêu cứu. Nói tục, chửi bậy, chặt chém khách du lịch là nét văn hoá của đất ngàn năm văn vật hôm nay! Vì thế, không nên “ngộ độc ngợi ca, bội thực tự hào” (*) nữa!
Không cần phải bắn pháo hoa.
TP HCM 10/2014
Lê Phú Khải
(*) Thơ Nguyễn Duy