BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đường đến Kỳ Sơn trại

01 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1289)
Đường đến Kỳ Sơn trại
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
29 tháng 3-75, Danang mất, một tháng sau-30 tháng 4, Saigon mất!

Đó là cách nói thông thường và chua xót của người dân miền Nam khi vùng đất nước trù phú đã hoàn toàn lọt vào tay CS. Hai mươi chín năm trôi qua như một giấc mộng; nói theo cảm quan của người mang nghệ sĩ tính, nhưng sự thực không phải là những giấc mộng với những người đẹp (mơ hoa!) mà hầu như là những cơn ác mộng dàn vật hằng đêm, thậm chí khi ở quê hương tạm dung nầy thỉnh thoảng chúng ta vẫn còn ướt đẫm mồ hôi với những cơn mơ đầy ma quỷ rắn rết của loài quỷ đỏ mà mỗi khi giật mình tỉnh giấc mới cảm thấy an tâm!

Giờ đây chúng ta đang ở thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta thuộc trong số những người may mắn được sống trải dài qua hai thiên niên kỷ chuyển tiếp, đáng lẽ chúng ta quên hết quá khứ mới phải, nhưng vũ trụ là một vật thể chuyển động không ngừng nghỉ, ý thức nhớ về quá khứ cũng biến thiên theo từng thời điểm. Tuy nhiên có những sự việc gây dấu ấn kinh hoàng đã hằng lên vỏ não những vết hằn không thể nào phai nhạt được. Vì vậy với tập thể HO chúng ta, nói đến quá khứ, chúng ta thường nhớ lại những năm tháng tù ngục, lao động khổ sai miệt mài trong các trại giam. Đề tài tuy có vẻ nhàm chán, nhưng thật ra mỗi người có mỗi kỷ niệm khác nhau, mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi cách nghĩ khác nhau, nên tựu trung đề tài vẫn hấp dẫn được người đọc và càng làm phong phú đến chua xót những hoạt cảnh khi đối diện với con người CS bằng xương bằng thịt.

Ngày 3 tháng 4, tôi trình diện ủy ban quân quản tại Tòa án thành phố Danang trên đường Bạch Đằng, bên hông sân Tennis của Câu Lạc Bộ Đoàn Kết. Vào khuôn viên tòa án, cái cảm giác thân quen không còn nữa mà chỉ có cái cảm giác lạ lùng đến tò mò khi đối diện với những khuân mặt tái xanh, mệt mỏi và lạnh lùng đến quái ác đang ngồi sau những chiếc bàn gỗ với chồng hồ sơ. Đứng sắp hàng chờ đến phiên, mọi người nhìn nhau, nói nhiều với nhau qua ánh mắt chán chường pha chút lo lắng. Chợt nhìn ra sân, tôi thấy Trung tá Võ Vàng dựng vội chiếc xe đạp, anh nhìn tôi cười, nhún vai rồi cũng đứng chung hàng chờ đợi. (Trung tá Võ Vàng sau nầy bị VC lập kế thủ tiêu ở trại I Kỳ Sơn trong khi anh đi lao động lấy tranh). Căn phòng xử án này tôi không lạ gì, vì trong thời gian qua, thỉnh thoảng tôi được giấy mời làm Phụ Thẩm Quân Nhân Tòa Án Quân Sự Mặt Trận cùng tham dự những phiên xử với Đại Tá Nguyễn Duy-- chánh thẩm-xử phạt những sĩ quan và quân nhân phạm pháp cần phải chế tài! Bây giờ tôi lại phải đến trình diện tại phòng xử án nầy với tư cách của một bị cáo với một tội danh mơ hồ là đã phục vụ cho một chế độ Tự Do! cái cảm giác nghịch lý đến tức cười!

Trình diện, bị hỏi đủ những thứ trên đời, làm lý lịch trích ngang, moi móc đến tận ba đời!, sau đó mọi người được tạm cho về ở nhà chờ đợi. Tôi là một quân y sĩ nên lại phải vào Tổng Y Viện Duy Tân trình diện tiếp. Thiếu Tá Y Sĩ trưởng khu ngoại thương, BS Phạm văn Lương, bàn giao Tổng Y Viện cho Ủy ban quân quản. (BS.L sau nầy cũng lên trại Kỳ Sơn và anh đã tự hủy mình bằng một liều chloroquine cực mạnh khi anh làm trưởng ban Y Tế tại bệnh xá tổng trại trung đoàn)!

Có nhiều bạn ở Tổng Y Viện vắng mặt, hoặc đã về với gia đình ở các tỉnh xa, hoặc đã "di tản chiến thuật", trốn vào Nam trong những ngày vừa qua... còn lại một số anh em Quân Y Sĩ chúng tôi vẫn kiên trì, tận tình chăm sóc cho các Anh em thương bệnh binh, nhất là các anh em ở khu ngoại thương. Phần nhiều là những chiến binh quả cảm, đã hy sinh một phần xương thịt mình cho quốc gia dân tộc, quyết giữ gìn mảnh đất Tự Do cho đất nước. Biết vùng đất tự do đã bị địch chiếm, với bài học Mậu Thân rướm máu đang còn âm ỷ, các anh em, mặc dù tàn phế, cũng nhất quyết rời bệnh viện với tấm thân tàn. Họ không thèm ở lại vì họ biết bệnh viện đã bị chiếm, những ngày sau, họ không biết số phận của những Quân Y Sĩ của bệnh viện sẽ đi về đâu, huống hồ là họ, những người đã trực tiếp cầm súng chống lại kẻ thù! Hơn nữa họ cũng không thể tin tưởng tay nghề của các "Y sĩ bộ đội", những ngưòi "hồng hơn chuyên", trình độ chuyên môn quá kém, một đôi khi chưa học xong bậc trung học hệ 10 năm! Chúng tôi săn sóc và yểm trợ thuốc men tối đa cho các anh em, cầm tay anh em mà rớm nước mắt. Có một đôi giường bệnh đã phủ tấm ra trắng lên thân xác các anh đã vĩnh viễn ra đi trong giờ thứ 25! Phía đầu giường là bát nhang nghi nhút khói cùng bát cơm trắng với quả trứng cô đơn của những đồng đội thắp vội vã cho các anh.. Những chiếc xe lăn ngập ngừng, xiêu vẹo đang chậm rãi xa lần cổng Tổng Y Viện trong nắng quái buổi chiều, thậm chí có những chiếc còn treo tòn ten những chai nước biển đang chuyền trên những tấm thân bệnh hoạn run rẩy, lăn bánh về một hướng vô định mịt mờ... Những chiếc bóng cô đơn đó có thể là những người con thiện chiến của những binh đoàn tinh nhuệ khét tiếng của vùng một hỏa tuyến: Sư Đoàn I bộ binh, những chiến sĩ Đại Đội Hắc Báo, Trung Đoàn 54, 56... những chiến sĩ thộc Liên Đoàn Địa Phương Quân, các đại đội biệt lập... Những chiến sĩ Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Công Binh Chiến Đấu, Thiết Kỵ v..v. Những chiếc xe lăn xa dần, xa dần trong trong nỗi ngậm ngùi tiếc thương của những quân y sĩ chúng tôi, những người cũng thất trận, hay nói một cách đúng hơn là đã bị đem con bỏ chợ, tuy nhiên chúng tôi còn có may mắn hơn các anh rất nhiều là còn một cơ thể lành lặn, còn có một mái ấm gia đình!!

Mấy ngày sau, ngày 5 tháng 4, buổi chiều khoảng 4 giờ, BS Phạm Văn Lương, Trần Hưng Toàn, Nguyễn Quang và tôi, từ TYV Duy Tân ra khu Chợ Mới gần đường lên phi trường Danang tìm mua một ít đồ ăn thì bị bắt vì lệnh thiết quân luật bất ngờ! Cùng bị bắt có Đại úy Tùng -Chi Đoàn Trưởng Thiết Quân Vận-, Nha Sĩ Trung Tá Phạm Văn Vịnh và rất đông mọi người... (Đại úy Tùng sau nầy cùng lên Kỳ Sơn với tôi. Anh cùng anh Cảnh--ở Lực Lượng Đặc Biệt, anh Thuyết--Quân Cảnh, và hai anh khác--tất cả 5 người--tổ chức trốn trại. Đi thoát được khoảng một tuần thì bị thượng cộng bắt lại, riêng anh Tùng, rất to con, chống cự đến cùng nên bị bắn chết tại chỗ!).

Tất cả mọi người bị bắt chiều hôm đó, đều bị chuyển đến tiểu đoàn 102 Công Binh Chiến Đấu ở Hội An (Tiểu Đoàn nầy là cứ điểm cuối cùng mà VC không chiếm được trong trận Mậu Thân vì sự chiến đấu mãnh liệt của anh em ở Tiểu Đoàn, nhờ vậy mà thành phố Hội An không bị thất thủ!), ở đó tôi bị nhốt vào phòng Y Tế của tiểu đoàn, trong phòng giấy tờ vương vãi khắp nơi, bàn ghế không có, phải trải giấy tờ ra mà nằm và lại một đều nghịch lý tức cười cho tôi nữa là các văn bản thanh tra về y tế còn đóng dấu và tên tôi ký rải rác khắp phòng! (tiểu đoàn 102 CB Chiến Đấu trực thuộc bộ chỉ huy Liên Đoàn 10 Công Binh Chiến Đấu mà tôi làm việc)

Ở Hội An một thời gian, chúng tôi bị chuyển vào tập trung tại quận Vĩnh Điện. Ở đó, chúng tôi phải đi săn nhặt lại những viên đạn đại bác 105 ly mà chuyển cho các xe bộ đội đến nhận, việc làm rất nguy hiểm nhưng bọn tôi cũng không màng!

Một thời gian sau, có thể nói hầu hết các quân y, nha và được sĩ ở tỉnh Quảng Nam Danang đều đủ mặt. Hồi đó Saigon chưa mất nên có một số anh em trong ngành bị chao đảo, theo đuôi, nhất là BS Lê ngọc D, BS Pham Văn L.. vì vậy sau nầy, khi VC đã chiếm toàn miền Nam, có một số quân y sĩ được cho về, khỏi phải tập trung ở trại Kỳ Sơn.

Ở thị trấn Vĩnh Điện, tên Trung Tá Thông, trưởng binh vận của VC tổ chức làm báo tường (bích báo) có một số anh em "lò đuôi chồn", hăng say cọng tác, có nhiều họa sĩ quân đội nổi tiếng cũng không khỏi sa vòng tục lụy nầy! Có một đoàn phóng viên ở những xứ CS như Đông Đức, Liên Sô, Tiệp Khắc v..v. đến thăm trại, và một số anh em đã hăm hở, "hồ hởi" đón rước!

Một thời gian sau, 30-4-75, Saigon, thủ đô của VNCH cũng thất thủ!
Ban giám đốc trại, vào khoảng gần cuối tháng 5-1975, thông báo với chúng tôi hãy sửa soạn "hành quân". Ngày hôm sau, khoảng mười chiếc xe hàng sang trọng, đến đón chúng tôi tại trại tập trung Vĩnh Điện, địa điểm nơi đến không được thông báo để giữ bí mật. Thấy đoàn xe đến đón, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì hành quân gì mà có vẻ nhàn rỗi và dân sự thế này! Chúng tôi lần lượt được gọi tên lên xe, có đồ đạc gì cứ chất lên thoải mái! Dân địa phương được trại mời đến xem, trầm trồ khen cách mạng sao mà khoan hồng độ lượng với ngụy quân và ngụy quyền đến thế, cho thuê xe chở khách rộng rãi, thoải mái như đi du lịch! Bọn tôi cũng bán tín bán nghi không biết đi đâu và vì sao gọi là hành quân? (Sau này mới biết, mậy cậu bộ đội méo mó nghề nghiệp, mỗi lần di chuyển đều gọi là hành quân!)

Đoàn xe chở chúng hướng về phía thị xã Tam Kỳ, sau một quãng đường khá xa thì quẹo vào con đường đất hướng lên vùng núi non hiểm trở. Đến đây, thình lình đoàn xe dừng hẳn lại, vệ binh sát khí đằng đằng quát bảo tất cả xuống xe, ai không tuân lịnh sẽ bắn tại chỗ!

Bọn tôi nhìn nhau ngạc nhiên, nhìn con đường xuyên sơn nhỏ hẹp lồi lõm, không biết đây là chỗ nào! Một anh bạn vọt miệng hỏi anh vệ binh đứng cạnh.

- Chúng tôi sẽ đi đến đâu đây anh?
- Câm cái miệng lại, không được hỏi linh tinh!
Chúng tôi nhìn nhau khúc khích cười:
- Mụ nội nó, cứ mở miệng ra là khẩn trương với linh tinh!
- Khẩn trương tập họp và đếm số nhanh lên, một vệ binh dõng dạc ra lệnh.
Chúng tôi vội vàng xuống xe và lấy hết đồ đạt lỉnh kỉnh. Có nhiều anh em đem theo cả những vỏ container chứa đạn 105 ly để chứa nước, những vỏ thùng đại liên, lò bếp, và đủ thứ trên đời, có nhiều người đem theo cả gánh đồ thăm nuôi cùng mùng mền chăn chiếu cồng kềnh trên vai rất khó nhọc..

Một anh bộ đội khoảng gần năm mươi nhưng dáng còn nhanh nhẹn, vai gánh đôi lồng gà, nói lớn:
- Cuộc hành quân còn xa, các anh xem đồ đạc gì nặng thì để lại, chúng ta cần khẩn trương bôn tập nhanh, các anh nghe chưa?
Chúng tôi lại tức cười nghĩ thầm di chuyển tù mà cứ ra lịnh nghe như sắp ra trận không bằng!
- Các anh trên đường đi phải giữ gìn trật tự, anh nào có ý đồ bỏ trốn, xử lý tại chỗ! Anh gánh đôi lồng gà ra lịnh.

Chúng tôi hết cười vì vấn đề xem ra nghiêm trọng. Các vệ binh tay cắp AK ngang hông trong tư thế chiến đấu, ra lệnh chúng tôi gồng gánh, sắp hàng một tiến bước. Nhìn đoàn xe đò đang tìm cách trở đầu về lại thị trấn, tôi bỗng cảm thấy bùi ngùi, ước chi mình là anh tài xế được tự do đi đó đi đây! Tôi chia xẻ ý tưởng đó với anh Ký đi cạnh tôi, anh phì cười nói thêm:
- Mụ nội nó tối nay lại được ngủ với vợ sướng tổ bà, còn tụi mình thì không biết bao giờ mới gặp lại vợ con!

Mấy người đi kế bên cũng thở dài thườn thượt chợt nghĩ đến thân phận mình!
Đoàn tù gồng gánh thất thểu như đoàn quân "bại trận" mệt nhọc lê bước trên con đường dài khúc khuỷu dưới ánh nắng oi bức. Đường càng xa càng phải lên dốc thoai thoải, gánh đồ trên vai càng ngày càng trở nên trĩu nặng, mệt muốn bở hơi tai! Vai áo tắm mồ hôi ướt sũng, miệng khát muốn cháy cỗ họng. Chai nước bới theo đã cạn mà đường "hành quân" không biết lúc nào mới tới! Tôi vọt miệng hỏi một vệ binh người thượng đi cạnh:

- Còn bao xa nữa mới tới anh?
- Quăng cái rựa là tới.
- Cha nầy nói xạo quá, tôi nói nhỏ với hai người bạn đi cạnh.
- Mụ nội nó nói thật đấy, anh Ký có vẻ từng trải nói với bọn tôi, anh tiếp:
- Mẹ nó, người miền núi, khi vác cái rựa trên vai đi đường xa, khi nào thấy mỏi vai quá không đi được nữa, quăng cái rựa xuống đất ngồi nghỉ, các anh đoán như vậy, khoảng đường là bao xa?

Bọn tôi ngẩn người ra tính toán chắc đoạn đường còn xa ít nhất cũng mười, mười lăm cây số không biết chừng, có khi còn hơn nữa! Chúng tôi tính ra xong thở dài ngao ngán!

Đoàn người bây giờ lặc lè đi như con rắn bị thương, chia cắt thành nhiều đoạn. Đồ đạc trên vai trở thành một cực hình vì vai đau và sức nặng càng ngày càng như đè đôi vai xuống. Hầu hết mọi người lần đầu tiên phải gánh gồng nặng nề nên không biết trở vai! Trên con đường quanh co đã vương vải nhiều đồ đạc mà trước dây anh em rất trân quí như container đựng nước, thùng đại liên, lò, có anh đành phải san sẻ cho người khác gánh thăm nuôi vì gánh không nổi! Có anh đành bỏ lại cuốn tự điển bên đường vì bây giờ nó là cục nợ đời nặng nề canh cánh bên hông!

Có nhiều nhóm vứt mẹ nó đồ đạc bên đường, nằm lăn ra nghỉ mệt, hoặc ngồi thở giốc và tìm đồ vứt bỏ thêm. Các quán cóc bên đường được chiếu cố tận tình. Đường, kẹo, trà, bánh và nhất là nước chè tàu dược anh em thu mua tối đa. Thấy mấy tay bộ đội mua rượu trắng uống tì tì, anh em cũng bắt chước mua trữ vài bidon uống lấy sức. Tôi và anh Ký cũng vào quán mua vài cái bánh tráng nhúng một ít nước và rượu trắng, quyệt đường lên rồi cuốn lại, ăn vài cái thấy khỏe và lên tinh thần hẳn! Thấy mọi người nghỉ mệt rỉ rả uống rượu một anh vọt miệng:

Xị thứ nhất khai thông trí hóa
Xị thứ hai đả phá cơn sầu
Xị thứ ba rượu dính đầy râu
Xị thứ tư đụng đâu đái đó
Xị thứ năm cho chó ăn chè
Xị thứ sáu như xe lội nước
Xị thứ bảy làm thước đo đường
Xị thứ tám đem đến nhà thương
Xị thứ chín thắp hương khấn vái!!
(xị thứ chín, mới thêm vào sau nầy)

Nghe xong bài "Kệ vịnh uống rượu" mọi người cười và tươi tỉnh ra, có người hỏi xị thứ sáu là ý nghĩa làm sao? Tôi cũng vọt miệng cười trả lời:
- Uống xong, mửa rồi thì công lực đã suy mà tiếp tục uống nữa thì cứ ì à ì ạch như xe đò lội nứơc lụt, không đâu vào đâu!
- Vậy chứ ý nghĩa xị thứ bảy?
- Uống tiếp tục thì đi một bước té một bước y như lục bộ đo đường vậy. Hai câu "kệ" sau cùng là kêu cấp cứu đem vào nhà thương; đã vào bệnh viện mà còn uống tiếp thì chỉ còn nước lên bàn thờ cho mọi người khấn vái mà thôi!

Bọn tôi vừa đi vừa nói chuyện đùa cho vơi bớt nỗi sầu, một chốc nặng quá lại phải dừng lại nghỉ chốc lác. Có nhiều anh kinh nghiệm nhắn mọi người khi nghỉ đừng ngồi bệt xuống đất vì khi đứng dậy sẽ rất khó. Thật vậy có nhiều anh khi đứng dậy phải nhờ người khác kéo và hai bắp chuối rất đau, có anh bị chuột rút la oai oái. Vì vậy sau này, mỗi lần nghỉ là bọn tôi cố đứng dựa vào vách núi thoai thoải để nghỉ lưng và khi đi tiếp khỏi phải có người kéo.

Chiều ở miền núi xuống rất nhanh, mọi người mệt bở hơi tai, nước uống mỗi lúc mỗi cạn, khí hậu oi bức, cả người như muốn bốc lửa. Anh bộ đội gánh lồng gà thúc mọi người lên đường, nhìn lại trong lồng có hai con gà choi choi chết từ bao giờ, anh tiếc rẻ liệng chúng bên đường, ra lệnh:

- Các anh khẩn trương lên đường, trời tối rồi phải giữ đội hình tiến bước, không được thừa cơ bỏ trốn sẽ bị xử lý! Các đồng chí khắc phục khó khăn, làm nhiệm vụ cho tốt.

Đoàn tù xiêu vẹo tiến về phía trước, trời nhá nhem, rồi sập tối rất nhanh. Sương và khí đá tỏa ra giăng mắc khắp nơi và đột nhiên khí lạnh ùa tới rất nhanh, có người cảm lạnh hắt hơi liên tiếp, vội vàng lục balô lấy thêm áo ấm mặc vào. Đoàn người chia ra nhiều toán, nhanh chậm tùy theo sức khỏe từng người. Tôi lạch bạch theo toán người gần chót, cứ bị vệ binh nạt nộ và thúc dục mãi. Trời đã khuya lắm rồi, chúng tôi chân nam đá chân xiêu đi trên con dường đất gồ ghề lồi lõm, mệt muốn chết. Trời lại đột nhiên chuyển mưa bay bay lạnh thấu xương, đưòng trơn như thoa mỡ. Nhìn đồng hồ đã hơn 1 giờ khuya, đang đi ngang qua khu rừng lau dày đặc hai bên đường, đột nhiên bọn tôi thấy toàn thể vệ binh đi kèm đồng loạt bật lưỡi lê dài, sáng loáng trên khẩu AK và nạt lớn:
- Các anh, tất cả rẽ trái khẩn trương lên!

Tôi giật mình nhìn mấy người bạn nói nhỏ "Bà nội nó, tại sao lại cho vào rừng lau rậm rạp nầy, thủ tiêu chăng?" Hình ảnh những hầm chôn tập thể ở Phú Thứ, khe Đá Mài, trường Trung Học Gia Hội v.v. trong vụ Tết Mậu Tân bất chợt hiện lên rõ mồn một trong ký ức tôi. Hai tay vệ binh nạt nộ xô chúng tôi vào rừng lau, tôi sắp té thì chợt nhìn thấy con đường mòn đầy lau lách, trơn trợt. Chúng tôi gắng gượng đi theo lối mòn, thỉnh thoảng lại vấp vào những gốc lau vừa mới bị phạt chéo góc còn những mũi nhọn sắt như dao làm chảy máu bàn chân dầm dề. Những bầy vắt đói máu người bám vào mọi chỗ trong thân thể mặc sức hút máu no nê. Chợt chúng tôi nghe tiếng suối reo trước mặt, trong cái tranh tối tranh sáng cũa những vì sao trên bầu trới đục ngầu, tôi thấy một giải nước long lanh của con suối chảy ngang. Hình ảnh con suối sinh động như một sức sống mãnh liệt làm chúng tôi như chợt tỉnh. Băng ngang con suối lạnh thấu xương, chúng tôi nghe tiếng người gọi nhau ơi ới từ phía xa xa trong lòng chợt vui vì biết được các bạn mình đã đến trước.

Trước mặt chúng tôi, dưới ánh sáng leo lét của những cây đèn dầu được thắp vội của các bộ đội, chúng tôi thấy các anh em đến trước đang đứng thành từng hàng trên một khoảng trống đầy cỏ dại, chung quanh là bóng tối âm u của các cây cổ thụ chằng chịt dây leo của khu rừng hoang sơ chưa khai phá. Thỉnh thoảng tiếng khỉ kêu vượn hú nghe văng vẳng đâu đây càng làm tăng vẻ thê lương ma quái. Trong tôi chợt nhớ câu chuyện đường rừng của Lan Khai "Xa xa, rõ thật xa, ngọn suối rì rào chảy..." nhưng ở đây sao không cảm thấy cái hoang sơ lãng mạng của rừng núi mà chỉ toàn cảm nhận sự đe dọa của hiểm nguy!
Sau màn gọi tên đếm số điểm danh là màn "biên chế" đội tổ.
- Báo cáo đồng chí thũ trưởng, quân số tù tàn binh 525 người, hiện diện đủ.

Anh chàng Bá (có lẽ là chính trị viên trại), miệng hô răng vẩu, môi thâm xì lại đội mũ cối nên hình tượng giống hệt như tấm bia tập bắn bằng giấy ở quân trường (nên sau nầy chúng tôi gọi anh chàng Bá là "Bá bia") báo cáo lớn với một người nhỏ con đứng xéo góc.

Chúng tôi nhìn lên thì mới hay anh trung niên gánh lồng gà thường đi bên cạnh chúng tôi là đại úy trưởng trại (anh tên Đải và có thể nói anh là một trong những cai tù dễ tính thời đó).
- Tốt, các anh là những tù tàn binh đã được đảng và nhà nước khoang hồng cho đi học tập cải tạo, cải tạo. Các anh phải giữ nội qui, nội qui, lao động tốt, để sớm được cứu xét, cứu xét mà về với gia đình, gia đình! Các anh tổ trưởng ở lại để nhận công tác ngày mai lao động, lao động!

Chúng tôi khúc khích cười vì trong câu nói anh luôn luôn nhấn mạnh và lập lại hai chữ cuối trong câu. Một anh nói nhỏ:
- Mẹ nó, mới đến chưa được nghỉ ngơi chút nào mà ngày mai lao động làm sao cho nổi đây?

Chúng tôi chia thành đội tổ xong và có vệ binh hướng dẫn về chỗ ngủ.. Chúng tôi giật mình khi bước vào chòi tranh mục nát, không giường không chiếu, mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc, đột nhiên tôi vấp vào một lỗ nhỏ dưới chân suýt té, nhìn kỹ thì ra lỗ thông hơi của căn hầm lớn mà chúng tôi đang trải tạm những tấm chăn nằm lên trên. Hỏi anh em thì mới hay đây là vùng Kỳ Sơn, một trong những mật khu của VC trong những năm chiến tranh ác liệt mà trong năm 68, anh em Biệt Kích cũng có lần xâm nhập qua.

Không diễn tả được nỗi ngậm ngùi của những "khách không mời mà tới", trong cái giá lạnh của đêm trong rừng, trong nỗi chua xót của những quân nhân thiện chiến bị ép buộc phải buông vũ khí trong khi trận chiến đang ở thế bất phân thắng bại, chúng tôi khi không phải lâm cảnh làm người tù màn trời chiếu đất, bị đi đày trên rừng sâu nước độc, sơn lam chướng khí đầy dẫy ở chốn sơn cùng thủy tận--chốn Lương Sơn Bạc--tuy nhiên đều trớ trêu là chúng tôi không thể tập hợp lại để trừ gian diệt bạo, cứu khổn phò nguy như 108 hảo hán Lương Sơn, nhưng chúng tôi bị tập họp lại chỉ để làm những người tù khổ sai với những đòn thù đè nặng trên lưng qua những năm thắng triền miên trải dài trong các trại tập trung mà hậu quả là có quá nhiều anh em đã bỏ mình nơi chốn tù đày, có quá nhiều anh em đã mang lấy thương tích, bệnh tật trầm kha, chỉ còn tấm thân tàn phế khi trở về xã hội tạm dung. Đã có quá nhiều tan vỡ gia đình. Xã hội và dân tộc Việt Nam mến yêu đã mang nhiều bất hạnh, khổ đau dưới ách thống trị vô thần và khát máu của bọn CS gian manh!

Nằm ngửa, gối đầu trên hai bàn tay nhọc mệt, nhìn qua những lỗ hổng của mái tranh mục nát, tôi chợt thấy một vì sao tội nghiệp khi mờ khi tỏ qua những tầng mây mờ đục, tôi đột nhiên nghĩ tới nhà tôi đang bụng mang dạ chửa, giờ đây đang một mình đơn côi phải chống chọi lại với biết bao nghịch cảnh của thời cuộc, của cuộc đời đẩy đưa, với biết bao cạm bẫy dăng mắc như những áng mây đen giông tố đầy trời, xô vào dồn dập...

Trong vô cùng của đêm đen bất tận, tôi chợt thiếp đi...và trong mơ hồ, tôi thấy hầu như ngôi sao tội nghiệp kia đang tiếng dần đến với tôi, an ủi, khuyến khích tôi, vững vàng và sáng dần lên dưới bầu trời sương khói...

Tôn Thất Sang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn