BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tiếng Khóc

18 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 1651)
Tiếng Khóc
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Một ngôi làng nhỏ, nằm ở ven bìa rừng. Bao năm nay dân chúng sống bằng nghề làm rẫy, làm vườn, chăn nuôi... Cuộc sống không giàu có lung lắm nhưng cũng tạm đủ sống, được một cái là thanh bình, chưa bao giờ có chuyện gây gỗ chứ đừng nói chi đến chuyện ăn trộm hay ăn cướp. Mọi người đối với nhau thật thà trong tình nghĩa xóm làng. Thanh niên tuy không học cao nhưng tất cả đều lễ phép và lo làm ăn, không chơi bời lêu lỏng. Cuộc sống bình dị trôi đi như dòng nước suối trong xanh.


Một ngày nọ, có một gia đình gồm hai vợ chồng và ba người con trai. Ba người con trai người nào người nấy cao to, khuôn mặt râu ria trông thật dữ dằn, gia tài chỉ có một chiếc xe trâu kéo lặc lè đi vô làng. Ban đầu ai ai cũng nghĩ họ là khách thập phương đi ngang qua, lỡ đường ghé lại nghỉ ngơi mấy hôm rồi tiếp tục cuộc lữ hành... Không ai tin là họ đến xin ông trưởng làng cho họ ở lại. Và, có vẻ như gia đình họ muốn... định cư lâu dài...? Trưởng làng thấy gia đình "người lữ hành" muốn ở - thì ông cho ở, có thêm người cho đông vui nơi đất rộng người thưa nầy. Ông chỉ cho họ đám đất phía cuối làng sát bìa rừng, nơi đó đã có sẵn một cái chòi. Cái chòi nầy trước đây dùng làm trạm canh thú rừng ban đêm vô làng bắt heo, bắt trâu bò.

 

 Gia đình người mới tới, nói:

 

 - Chúng tôi xin cảm ơn trưởng làng và dân làng cho gia đình của tôi tá túc - ở chỗ nầy rất yên tỉnh, gia đình tôi nhất định sẽ trả ơn!

 

 Vợ chồng người mới đến, ông chồng có tên là: Cái Dây. Người con cả tên: Cái Điền, người con thứ hai có tên: Cái Rìu, người con thứ ba Cái Chèo. Người mẹ dáng người đẹp, hiền hậu, còn người cha cao ráo, vạm vỡ, khỏe mạnh. Nhìn kỹ thấy trong đôi mắt của ông - hình như che giấu một toan tính nào đó... Ba người con ngoài mặt trông dữ tợn nhưng chưa thấy có hành động nào khiếm nhã với người chung quanh. Người dân trong làng thấy họ rất siêng năng, ngày ngày lo tạo dựng cơ nghiệp, họ lập vườn, đào giếng, nuôi gia súc... Mảnh đất nào người dân trong làng xưa nay chê đất xấu bỏ hoang không thèm canh tác thì họ đến xin hoặc mua rẻ. Sau đó, tận lực làm cho mảnh đất thêm màu mỡ, không mấy chốc mảnh đất đã trở thành vườn cây trái xinh tươi. Đến mùa trái cây chín ai muốn ăn thì cứ hái ăn, ăn bao nhiêu cứ ăn miễn đừng hái đem về. Họ canh tác kiểu lấy ngắn nuôi dài từ từ theo cung cách "tằm ăn dâu"... Lâu ngày đất của nhà họ Cái càng ngày càng nhiều - nhiều một cách hợp tình, hợp lý. Người cha Cái Dây lại có nghề thầy thuốc Bắc. Dân trong làng có ai bị bệnh ông ta đến chữa giúp mà không lấy tiền. Dần dần cơ ngơi và uy tín của nhà họ Cái bao trùm cả cái làng ven rừng, hầu như nhà nào ở trong làng không nhiều thì ít thảy đều mang ơn nhà họ Cái... Người trưởng làng nay đã già nua, lại bị bệnh... Vậy là họ "bầu" cho người đàn ông Cái Dây làm trưởng làng mới của họ.

 

 Người đàn ông Cái Dây từ chỗ "trên răng, dưới dái" bây giờ đã trở thành địa chủ! Trong tay có hàng chục mẫu đất, cơ ngơi nhà cửa, gia cầm, gia súc không kể xiết. Trong tay có tiền, có quyền, uy tín trùm cả cái làng miền sơn cước, chưa dừng lại ở đó. Ông Cái Dây bàn với ba người con trai kế hoạch làm ăn lớn:

 

 - "Các con cũng biết, cha nhắm đến ở đất vùng nầy với biết bao toan tính. Nơi vùng cao nguyên xa xôi nầy còn rất lâu mới có điện. Chúng ta sẽ làm một cái đập thủy điện nhỏ trên con suối. Chỉ cần một cái "tuyết bin" là chúng ta có nguồn điện để sử dụng và cung cấp cho cả mấy trăm ngôi nhà trong vùng nầy... Vậy muốn làm thủy điện chúng ta phải có vật liệu. Trước tiên sắm một cái máy phát điện, mua máy xay đá dăm, mua xe tải. Chuyện nầy cha giao cho Cái Điền. Sau khi hoàn thành thủy điện con sẽ xoay qua kinh doanh xe đò, xe chở hàng. Cái Rìu lo về vật liệu xây dựng các loại. Trước tiên làm một lò gạch, ngói. Cái Chèo làm một cái xưởng cưa dây, khai thác gỗ và đóng đồ mộc. Khi có thủy điện thì quay sang kinh doanh điện. Khi có điện - Ba sẽ mở cho mẹ các con một cửa hàng "tạp hóa phẩm" và một cửa hàng bán đồ điện. Ba ngành nầy kết hợp lại sẽ không có một ai dám đối đầu. Còn ba lo vấn đề "ngoại giao". Từ khi mới đến cái làng nầy ba đã có chiến lược, chiến thuật về lâu về dài, nghĩa là ba đã hình thành trong đầu một kế hoạch làm ăn cho tương lai các con. "Phi thương bất phú" mà đã buôn bán là phải có thủ đoạn, phải bóc lột... phải buôn gian, bán lận mới có lời nhiều, chứ thêm một bớt hai thì phỏng có được ích gì? Người dân phương Nam, dân rừng núi nơi đây hiền hậu, họ không suy nghĩ sâu xa như chúng ta, hơn nữa họ nghèo. Chúng ta từng bước dẫn dắt mọi người phục vụ tối đa cho quyền lợi chúng ta mà họ không cảm thấy bị bóc lột lại còn mang ơn chúng ta suốt đời. Đó là nghệ thuật kinh doanh. Tuy có bá đạo, có độc tài... Sách lược nầy từ thời Lã bất Vi cho đến Thương Ưởng ngày xưa đã từng làm, nhưng xét ra hai vị đó còn thua ba một bậc đó! Ba lấy cái - nhân nghĩa, từ thiện làm "cái áo thầy tu" để che giấu mưu đồ... Ba đã đổ công lao và trí tuệ qua việc làm "từ thiện" từ mấy năm nay - giờ đã đến lúc chúng ta "thâu liễm". Lực lượng phục vụ cho công việc làm ăn của cha con chúng ta là thanh niên, người dân trong làng nầy. Trước tiên chúng ta chọn một số thanh niên có trình độ văn hóa gởi ra tỉnh học cấp tốc một số lĩnh vực chuyên môn: Về cơ điện. Về quản lý, mậu dịch. Về chăn nuôi, trồng trọt. Chi phí chúng ta đài thọ, sau khi đỗ đạt chúng ta tuyển dụng lại họ, lương bổng trả tương xứng. Đào tạo số thợ xây tại chỗ. Còn lao động phổ thông thì phục vụ... như là một người công nhân. "Dụng nhân như dụng mộc", không có ai ở không hay thừa thải cả.

 

 Chúng ta phải ưu tiên xây nhà cho dân trong làng trước bằng phương thức trả góp lâu dài. Làm như vậy chúng ta có ba cái lợi:

 

 Một là: Chính các ngôi nhà ở trong làng quảng cáo dùm hàng hóa sản phẩm của chúng ta.

 

 Hai là: Chúng ta bán hàng cho họ bằng công sức của họ, và họ sẽ có trách nhiệm với sản phẩm, vật liệu do chính họ làm ra . Nghĩa là ta bán chịu cho họ đầy đủ số vật liệu để xây hoàn chỉnh một ngôi nhà, nhà lớn hay nhà nhỏ tùy nơi họ, với giá ưu đãi có lấy lời... Chúng ta tạo công việc cho họ làm cho họ, chúng ta trả lương cho họ và sẽ trừ nợ họ thiếu chúng ta dần dần vào lương, hay nông sản của họ thu hái hằng năm. Hàng hóa: máy móc TV, quạt điện, Radio, xe đạp, xe gắn máy... cũng bán như thế. Chúng ta sẵn sàng bán trả góp có tính lời.

 

 Ba là: Buộc mọi người dân trong làng phải lệ thuộc kinh tế vào chúng ta và làm cho chúng ta mãi mãi mà không có chuyện đình công đòi tăng lương hay rắc rối nầy nọ. Thậm chí họ còn mang ơn chúng ta lâu bền. Tuy nhiên chúng không nên dồn họ vô đường cùng. Cha biết các con ít học, nhưng cứ mạnh dạn mà làm, làm sai đến đâu thì sửa và bổ túc đến đó. Xưa kia ông Trần Thủ Độ cũng đâu có học hành gì nhiều mà có lắm thủ đoạn... Truyền thống Việt Nam xưa nay các vị lãnh đạo vua chúa cũng đâu có học hành gì nhiều mà đã làm nên lịch sử... Từ từ từng bước ba lo cho các con có cơ ngơi. Một khi có tiền thì chuyện vợ đẹp con xinh, chức quyền sẽ nằm trong bàn tay. Vậy các con cố gắng tuân thủ theo kế hoạch của ba mà làm cho thật hoàn hảo. Phải luôn luôn "tuyên truyền - hồ nghi - bạo lực" mọi việc trước khi quyết định một chuyện gì. Điều ba dặn sau cùng là: Một khi giàu có, hưởng thụ phải có chừng mực, kín đáo... Lấy vợ sinh con nối dõi tông đường để giữ cơ ngơi".

 

 Bộ mặt cái làng vùng núi thay đổi diện mạo. Những ngôi nhà tường gạch quét vôi với mái lợp ngói đỏ au thay cho những căn nhà tranh nứa từ lâu đời. Trong nhà vật dụng bằng điện như TV, máy nghe nhạc, quạt điện, thậm chí tủ lạnh cũng không thiếu. Đường hẻm trong làng được trải đá dăm không còn cái cảnh mưa thì sình, nắng thì tung bụi đất đỏ phủ ngập trời. Tất nhiên là người dân trong làng thiếu nợ nhà lão Cái Dây. Ngày xưa làm gì có quán cà phê, quán nhậu... Bây giờ thì ôi thôi đủ đầy... Xã tuy cách huyện lỵ khá xa, bây giờ đường sá đã mở mang tuy chưa tráng nhựa nhưng mặt đường cũng không đến nỗi sình lầy, lại có xe đò vô ra. Đây là có sự vận động lo lót của nhà Cái Dây, nên huyện mới có sự ưu tiên số một làm đường cho cái làng vùng núi hẻo lánh nầy. Mọi việc theo đúng y chang "kịch bản" của nhà họ Cái.

 

 Kinh doanh khai thác xem như đã hoàn chỉnh! Vợ chồng ông Cái Dây giao hết công việc làm ăn cho ba thằng con tung hoành... Vợ chồng ông cất một ngôi nhà gỗ không thua gì cung điện bên cạnh dòng suối thơ mộng, bao bọc chung quanh là rừng thông. Ông bắt đầu ăn chay trường, gõ mõ cầu cho phật trời phù hộ cho các con ông càng ngày càng giàu. Trời phật thương "tấm lòng thành" của ông nên mấy thằng con ông kinh doanh phát triển thành "công ty" lớn. Địa bàn hoạt động đã dời ra huyện, rồi ra tỉnh. Ba người con nhà Cái Dây bây giờ là Tổng Giám Đốc, có hàng nghìn công nhân, có nhiều nhà lầu, có nhiều xe hơi, có tài xế riêng. Thỉnh thoảng họ mới về làng thăm cha mẹ rồi lại ra đi. Hai trong ba người con trai họ Cái cưới vợ. Nghe đâu là mấy cô có - bằng tiến sĩ, nhà văn, hay hoa hậu...? Dân làng chỉ thấy mặt họ vào mấy ngày tết. Có một điều lạ là không thấy họ sinh con? Dân trong làng có người xầm xì, thắc mắc, chỉ dám nói sau lưng đoán già, đoán non mà thôi! 

 

 Bao năm qua... căn nhà gỗ của nhà ông Cái Dây khách khứa đến thường xuyên. Họ đến dự tiệc và bàn chuyện làm ăn... Hằng ngày vẫn có tiếng tụng kinh gõ mõ vang ra từ ngôi nhà gỗ của lão Cái Dây bên bờ suối, nhưng không ai quan tâm để ý. Lần hồi mọi người thấy khách khứa đến nhà lão Cái Dây mỗi ngày mỗi thưa dần, rồi không còn có ai đến nữa? Không biết lý do tại sao? Người trong làng chỉ nghe tiếng mõ cầu kinh từ căn nhà gỗ của ông Cái Dây vang ra càng ngày càng xa, kể cả buổi trưa. Tiếng tụng kinh gõ mõ càng dữ tợn...? Trong khi tuổi đời của ông càng ngày càng già...?

 

 Vợ ông Cái Dây, người đàn bà nói giọng Nam có khuôn mặt đẹp và tấm lòng nhân hậu. Xưa nay trong công việc buôn bán - bà như một cái bóng mờ, tất cả mọi việc đều do chồng bà bảo sao bà nghe vậy. Lâu rồi bà chỉ ở nhà cơm nước phục tùng cho chồng. Chẳng hiểu tại sao dạo nầy bà hay lang thang vào trong làng ghé thăm mọi người, bà ở lại với họ rất lâu, bà chơi với mấy đứa con nít, bà cho chúng nó quà bánh, quần áo..., thậm chí bà còn tắm rửa cho chúng nó không khác chi một người bà... lo cho các cháu. Người trong làng thương bà, họ bất chợt nghe từng tiếng thở ra nặng nề của bà, đôi mắt vô hồn của bà nhìn thăm thẳm vào không gian...! Người trong làng thấy thái độ của bà hơi lạ lạ...? Làm sao mà biết chuyện "thâm cung bí sử" của gia đình bà được, trừ khi bà nói ra. Họ cũng chỉ đoán mò, nhưng không có ý nghĩ xấu về bà. Họ quý mến bà, họ không biết chuyện gì xãy đến với gia đình giàu có nầy.

 

 Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Người xưa nói thế mà!

 

 Ba thằng con nhà Cái Dây thành đạt trong công việc kinh doanh, có thể nói là: vừa thủ đoạn, vừa gặp thời... Một khi đã thành đạt rồi thì tính tự cao, tự đại, bảo thủ, nổi lên. Cảm thấy thỏa mãn, lo hưởng thụ, phung phí, bỏ ngoài tai mọi ý kiến xây dựng của những người cộng sự ngay thẳng góp ý - dẫn đến phá sản... Ba ông tổng giám đốc, người thì hóa khùng bỏ đi lang thang, biệt tích, người thì tự tử. Người con út buồn đời uống rượu hút xách, rồi cũng chết! Không có trình độ văn hóa mà nắm chức vụ cao trong kinh doanh - thất bại là điều tất nhiên!

 

 Người dân trong làng bao năm làm công cho nhà Cái Dây dần dà đã trả hết số nợ cho nhà họ Cái. [Trả vừa hết nợ thì nhà cửa, đồ dùng mua trả góp bao năm cũng đến thời kỳ hư hao...!].Từ lâu họ cũng nhận biết nhà họ Cái có "toan tính" kinh doanh trên mồ hôi nước mắt, trên đất vườn của tổ tiên họ để lại. Họ biết nhưng họ để bụng thôi! Ai thù oán nhà họ Cái thì cũng giấu trong lòng... Những việc làm ăn có mưu đồ, có toan tính... không mấy nhân nghĩa ắt sẽ đến một lúc nào đó phải trả giá. Người dân họ thật thà nghĩ như vậy. 

 

 Một buổi sáng mùa đông sương mù rơi nặng hạt không khác gì mưa phùn, mấy con trùn nằm dưới đất lạnh lẽo chịu không thấu phải trồi lên mặt đất. Văng vẳng trong sương mù có... tiếng khóc than thảm thiết... Giọng khóc ai oán của người đàn bà làm mọi người giật mình hoảng hốt, lẫn sợ sệt... Tiếp theo là tiếng gõ mõ..., tiếng gõ dồn dập, từng hồi... từng hồi... như tiếng còi báo động. Mọi người định hướng... nơi tiếng khóc phát ra là ngôi nhà gỗ bên bờ suối. Họ tất tả chạy đến... Người đàn ông Cái Dây đã chết... Ông nằm trên sạp gỗ làm bằng ván cẩm lai, mặc áo màu nâu sồng, trên cổ đeo tràng hạt, hạt nào hạt nấy to bằng đầu ngón tay. Khuôn mặt teo tóp chỉ có xương với da! Ông trưởng làng hiện tại là một thanh niên còn trẻ, có học thức. Ông ta đứng ra làm chủ tang lễ cho người quá cố. Khi liệm xác... Người tẩm liệm thấy trong lòng bàn tay bên trái của người chết có hàng chữ "Xin tha thứ"! 

 Một người dân lớn tuổi trong làng nói:

 

 - Chừng ba bốn năm trước tôi nghe tiếng gõ mõ tụng kinh của ông ấy... Nghe, nhưng cảm thấy không thanh thản tâm hồn. Ngược lại tiếng mõ, lời kinh vang dội - như thúc giục, như níu kéo từng bước chân ngả vô bao toan tính đời thường... Thời gian sau nầy tôi nghe trong tiếng gõ mõ hòa trong lời kinh của ông ấy có phần êm dịu, thanh thoát...

 

 Có người lại nói:

 

 - Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt! Đâm hà bá, hà bá rị xuống sông!

 

 Cũng có người khác thông hiểu lẽ đời hơn, thì họ phân tích có tình, có lý:

 


 

 - Mấy năm trước ông ta đang làm ăn ngon lành. Bỗng nhiên lui về gõ mõ... Chẳng qua là ông ta lui về phía sau để làm "Thái Thượng Hoàng". Chỉ đạo cho đám con, đám đệ tử... kinh doanh buôn bán. Do đó tiếng gõ mõ câu kinh chẳng qua là che mắt người đời. Là tiếng thét thúc giục đi vào cõi... kinh doanh, đầy mưu mô, quỷ quyệt, gian ác, mà thôi. Mấy năm sau nầy, ông ta nhận ra hậu quả nhãn tiền "tham-sân-si" của chính mình gây ra cho bá tánh, nên ăn năn sám hối, một sự "hồi đầu thị ngạn"! Bởi ông ta ngộ ra được của cải thế gian chỉ là phù du như phấn thổ. Tiếng mỏ, lời kinh bây giờ là: Tâm thành, ăn năn sám hối! Trời phật dù có tha thứ đi chăng nữa nhưng với người đời - có câu "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng".

 

 Người dân trong làng tuần tự từng người một đợi đến phiên mình vào thắp nhang cho ông. Họ thương cho ông có ba người con trai mà "tuyệt tự"! tài sản thu vén bao năm nay giờ cũng đã tiêu tan! Họ cảm thông nhưng họ cũng trách ông... - cũng có người vô thắp nhang: vái...vái... nhưng trong lòng - thì thầm nguyền rủa: "chết..., tuyệt tự là đáng đời...!".

 

 Người đàn bà - vợ ông Cái Dây, thay chồng gõ mõ buổi sáng, buổi chiều, bà ăn chay trường, mặc áo nâu. Bà không có tội gì cả, bà chỉ là nạn nhân trong sự "toan tính" của chồng bà. Nạn nhân của cuộc đời ngắn ngủi mà toàn là chuyện tranh giành xâu xé đầy sự dối trá, lọc lừa... Bây giờ ngôi nhà chỉ còn lại một mình bà. Tuy vậy, bà không cô đơn, bà đã được người dân trong làng thương yêu đùm bọc. Ngôi nhà gỗ lúc nào cũng có tiếng cười của đám trẻ nít.

 

Trang Y Hạ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn