BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giữ cái gì ?... (Tiếp theo và hết)

16 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 1209)
Giữ cái gì ?... (Tiếp theo và hết)
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Câu hỏi của tôi là : nếu mỗi người giữ được thứ mình đang có : một trường học, một viện nghiên cứu, một nhà xuất bản, một công ty, một tờ báo, một chức vụ…, nhưng lại không giữ được đất nước, không giữ truyền thống dân tộc, không giữ được văn hóa dân tộc, không giữ được đạo đức xã hội và cá nhân, nghĩa là không giữ được các giá trị tinh thần, không giúp đất nước phát triển mà trái lại ngày càng lụn bại… thì thử hỏi, những thứ mà mỗi người giữ được sẽ mang một ý nghĩa như thế nào ?

Lấy một ví dụ cụ thể, trong một lĩnh vực cụ thể là giáo dục :

Một ông hiệu trưởng nói : « tôi không làm gì được, tôi phải thỏa hiệp với Bộ Giáo dục, với chính quyền, dù Bộ có thối nát (chữ « thối nát » này tôi lấy lại chữ dùng của một quan chức giáo dục khi ông ta nói về Bộ Giáo dục) đến như thế nào, dù chính quyền có sai đến như thế nào chăng nữa tôi cũng phải thỏa hiệp, phải chấp nhận, mỗi dịp lễ tết tôi phải cử người đi « chúc mừng » Bộ với phong bì (hay là va li) hậu hĩnh, như tất cả các trường khác ; tôi phải cấm sinh viên bày tỏ lòng yêu nước ; tôi không thể bảo vệ giảng viên của tôi nếu họ có vấn đề với chính quyền, với Ban Tuyên giáo…, bởi vì tôi phải phát triển trường đại học của tôi. Mà tất cả đều biết rằng giáo dục rất quan trọng, thông qua giáo dục để làm thay đổi xã hội. Tôi phải thỏa hiệp để làm giáo dục, nhờ đó mà thay đổi xã hội. »

Mặc nhiên, đó là lập luận phổ biến hiện nay (có thể thay chữ « trường học » bằng một tổ chức bất kỳ trong xã hội). Chính trong lập luận này mà ta thấy, các trường học (các đơn vị) càng « phát triển » thì tệ nạn xã hội càng trầm trọng, bởi sự « phát triển » của trường học phải dựa vào phương thức vận hành của các tệ nạn. Các trường càng phát triển thì lãnh đạo trường càng phải tham gia sâu vào cơ chế tha hóa của xã hội, và bằng sự tha hóa của chính mình càng góp phần củng cố cơ chế đó, tức là củng cố chế độ hiện thời.

Nhưng họ đã « phát triển » trường của họ như thế nào? Họ có làm thay đổi được xã hội thông qua hoạt động của trường họ không ? Hoặc chỉ là một câu hỏi đơn giản : Họ có làm được giáo dục không ?

Trên thực tế, qua nhiều bài báo đã chứng minh, qua nhiều thống kê đã công bố, giáo dục Việt Nam thua kém kể cả ở cấp khu vực (thậm chí là khu vực nhỏ Đông Nam Á, so với Thái Lan, Malaixia…), chứ chưa nói là quốc tế. Kể cả trong số những trường đại học thu học phí của sinh viên cao ngất ngưởng cũng chưa có trường nào đạt đẳng cấp tiểu khu vực. Tị nạn giáo dục ở nước ngoài (đặc biệt là từ bậc đại học) đã trở thành một phong trào rầm rộ, mà con cái giáo viên chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Bởi hơn ai hết quan chức giáo dục và giáo viên các cấp (nhất là giảng viên đại học) hiểu rõ rằng chính họ đang tạo ra một vũng lầy được gọi là giáo dục, và nhất định không muốn con họ phải rơi vào vũng lầy đó, nếu họ có điều kiện kinh tế. Vậy « phát triển trường » phải được hiểu theo nghĩa nào ? Phải được hiểu là những người quản lý và lãnh đạo trường, cả giáo viên, có thể phát triển kinh tế « cá nhân » họ rất tốt, trường có thể mở rộng với số lượng lớn sinh viên vào trường, nhưng chất lượng đào tạo thì không quan trọng, không đạt tầm khu vực cũng chẳng sao.

Còn hoạt động các trường có « làm thay đổi xã hội » được không ? Căn cứ vào thực trạng xã hội hiện nay, không thấy các trường có dấu hiệu làm thay đổi xã hội, trái lại, bằng sự thỏa hiệp với chính quyền, các trường cũng góp phần làm cho xã hội xuống cấp, tức là góp phần làm cho xã hội thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Quay trở lại với một đoạn đã viết ở trên để hiểu logic này : các thầy phải « chạy » Bộ Giáo dục, thì các trò phải « chạy » thầy, quyết định thành lập trường được cấp loạn xạ, bằng dởm cũng được cấp loạn xạ. Trường học là nơi bộc lộ đầy đủ sự xuống cấp của xã hội và sự băng hoại của đạo đức. Vậy thì, đây là để trả lời cho câu hỏi thứ ba được nêu ở trên : trường học không thể thực hiện được chức năng giáo dục.

Quyết định của Đại học Công nghệ Thực phẩm TPHCM buộc thôi học với Phưong Uyên


Một trường đại học tuyên bố thực hiện giáo dục khai phóng, nhưng lại hoạt động dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của đảng ủy, hiệu trưởng hay giám đốc của trường hay chủ tịch hội đồng quản trị đồng thời lại lài bí thư đảng ủy, và đảng ủy vươn dài cánh tay đến tận từng khoa, từng bộ môn, thì làm sao có thể thực hiện giáo dục khai phóng đây ? Một trường đại học tuyên bố dạy cho sinh viên tư duy phản biện, trách nhiệm xã hội, lòng yêu nước thương nòi, trách nhiệm đối với đồng loại, cộng đồng…, nhưng trong thực tế lại không thể có hành động nào để hỗ trợ một sinh viên như Phương Uyên, không thể nhận một giảng viên như Phạm Minh Hoàng vào dạy, cấm sinh viên có những hoạt động chống ngoại xâm ; khi đồng nghiệp bị trù dập, bị sa thải, mất việc một cách bất công thì không những hiệu trưởng là người gây ra bất công đó, mà gần như toàn bộ giảng viên trong trường im lặng băng giá một cách tàn nhẫn và vô nhân đạo để đồng nghiệp phải chịu bất công một mình…, vậy thì những tọa đàm, những hội thảo, những bài học, những gì được rao giảng ở trường liệu có thể đảm bảo ý nghĩa giáo dục của chúng, hay cũng chỉ là giảng để mà giảng, tức là nói để mà nói thôi, còn giữa nói và làm, giữa phát ngôn và hành động, không cần phải có sự thống nhất ?

Nhưng nếu giữa lời nói và hành động không có sự thống nhất thì lời nói sẽ không có chức năng giáo dục, trái lại, lời nói đó sẽ chỉ có ý nghĩa như một sự lừa dối mà thôi.Nếu thầy cô chỉ nói mà không làm thì sinh viên cũng sẽ chỉ nghe mà không làm.

Làm sao có thể dạy cho sinh viên thực hiện cái điều mà thầy cô không thực hiện ?

(Tuy nhiên, mở ngoặc để nói rằng, sinh viên có thể vẫn giữ được khả năng đánh giá độc lập, và khả năng hành động độc lập của họ. Một đoạn vidéo được phát trên mạng quay cảnh sinh viên chất vấn hiệu phó của một trường đại học khi bị ông này ngăn cấm trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2011 cho thấy điều đó).

Và bởi vì thầy cô nói mà không làm nên các bài giảng sẽ trở nên dối trá một cách đáng sợ.

Vậy nên, một người hiệu trưởng nào mà phát biểu đại loại rằng : « Tôi không thể tham gia vào các hoạt động như phản biện xã hội, các hoạt động nhằm bảo vệ những người oan ức, cải thiện nhân quyền, tôi không thể chống lại bất công, không thể bảo vệ lẽ phải, không thể bảo vệ đất nước, không thể chống lại sự lệ thuộc vào Trung Quốc…, tôi phải thỏa hiệp và chấp nhận hết mọi thứ dù phi lý đến như thế nào, vì tôi còn một trường học phải phát triển để góp phần thay đổi xã hội bằng con đường giáo dục », người hiệu trưởng đó phải có khả năng dối trá gấp nhiều lần so với những hiệu trưởng chỉ im lặng mà thực hiện vai trò làm suy thoái xã hội và suy thoái con người thông qua trường học do ông ta quản lý.

 Nếu chúng ta thừa nhận rằng, trong gần nửa thế kỷ vừa qua, xã hội đã băng hoại trầm trọng dưới sự lãnh đạo của đảng, thì trường học, một công cụ của đảng (điều này được chứng minh bằng sự hiện diện của các tổ chức đảng trong mọi trường học, cả khu vực công lẫn khu vực tư, và được chứng minh bằng việc nhân sự của trường là do đảng ủy duyệt và quyết định, nhân sự cao cấp của trường ngoài công lập là do nhà nước bổ nhiệm), đã góp phần không nhỏ (nếu không muốn nói là góp phần quan trọng) vào sự băng hoại đó.

Đấy là lý do vì sao một ngày đẹp trời sẽ có những người cảm thấy chua xót, tổn thương, hụt hẫng, khi trót đặt lòng tin của mình vào một biểu tượng nào đó trong giáo dục. Những biểu tượng được chính thức thừa nhận, trong xã hội chúng ta, về cơ bản là kết quả của truyền thông, và do đó hầu như chỉ mang ý nghĩa truyền thông, chứ không hẳn được đảm bảo bằng các giá trị thực.

Đấy cũng là lý do khiến cho cả một đất nước có hơn bốn trăm trường đại học mà muốn tìm một người xứng đáng được gọi là nhà giáo dục thì sao mà khó quá. Đấy là lời than phiền của một phóng viên có lương tâm phụ trách mảng giáo dục của một tờ báo chính thống, khi tìm mãi không được một người nào đáp ứng được yêu cầu của mình để có thể làm một bài phỏng vấn về một vấn đề của giáo dục, ngoài một vài gương mặt đã quá quen thuộc. Người phóng viên đó rốt cuộc cũng từ bỏ chuyên mục giáo dục để viết về chuyên mục khác, vì thấy rằng rút cuộc không thể nào có giáo dục được.

Không có nhà giáo dục, bởi những người làm giáo dục có những thứ phải giữ, và buồn thay, những thứ đó lại không phải là giáo dục.

Và những người muốn giữ giáo dục thì lại phải bỏ trường học. Trường hợp của người giáo viên chống tiêu cực trong giáo dục Đỗ Việt Khoa là một ví dụ. Wikipédia tiếng Việt viết : « Tháng 5-2010, ông Khoa làm đơn xin thôi việc vì lý do không thể chịu đựng được sự trù dập của lãnh đạo các cấp. » (Trích nguyên văn từ link : http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%97_Vi%E1%BB%87t_Khoa )

Thứ khiến cho mỗi người « phải giữ » cũng chính là thứ khiến cho mỗi người « bị nắm », khiến cho mỗi người không thể nào thoát ra khỏi thân phận lệ thuộc của mình, không thể thoát khỏi guồng tha hóa của xã hội. Càng có nhiều thứ để giữ, hoặc cái thứ để giữ càng lớn, thì càng « bị nắm » chặt. Lãnh đạo đương nhiệm các cấp hiểu rất rõ điều này, bởi chính họ cũng « bị nắm », và vì thế họ rất biết cách « nắm » người khác. Nói cách khác, họ đang cố duy trì một hệ thống mà trong đó tất cả mọi người đều bị nắm giữ. Vừa bị nắm giữ, vừa cố giữ cho được những thứ của riêng mình, nên mọi người sẽ cùng nhau duy trì cái hệ thống đang nắm giữ họ, bất kể hệ thống đó đã mục nát đến tận cùng, đã vô nhân đạo và vô pháp luật đến tận cùng.

Ở Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay, những người ít bị nắm giữ nhất, hay nói cách khác, những người tự do nhất là những người chấp nhận trả giá, chấp nhận ở tù vì các hoạt động thể hiện tự do của họ ; hoặc là những người dám chối bỏ hết, từ bỏ hết, từ bỏ đến tận tài năng của mình, như Hữu Loan, Nguyên Hồng.

 Những người có điều kiện để tự do, để không bị nắm giữ, là những viên chức hoặc những người lao động sống được bằng những thu nhập chính đáng. Những người này có lựa chọn tự do hay không còn tùy thuộc vào nhận thức và bản lĩnh của họ, nhưng họ có điều kiện để thực thi tự do.

 Những người mất tự do là những người hưởng lợi từ sự thối nát của hệ thống, càng hưởng lợi nhiều càng mất tự do. Dĩ nhiên có ngoại lệ, nhưng nhìn chung là như vậy. 

 Hệ thống sẽ chọn vào vị trí lãnh đạo những người mà nó có thể « nắm » được, hay nói cách khác là những người sẵn sàng để cho nó « nắm » ; như vậy mới đảm bảo được sự vận hành « bình thường » (nghĩa là lúc nào cũng như lúc nào) của một hệ thống không thay đổi, và không có ý định thay đổi. Hệ thống đó để cho các thành viên hưởng lợi từ nó bằng cách chấp nhận bị trói chặt vào nó và chấp nhận đánh đổi tự do, phẩm giá, nhân cách của mình để lấy một ít (hay nhiều hoặc rất nhiều) quyền lực và quyền lợi vật chất gắn với quyền lực đó.

 Hệ thống tước đoạt hết sức mạnh của tất cả các thành viên, nhưng lại để cho tất cả mọi mắt xích của nó đều có chút ít quyền lực. Đó là lý do khiến ta có thể lập tức cảm nhận thứ quyền lực đó ngay tại thời điểm bắt đầu bước chân vào một cơ quan bất kỳ, ngay tại thời điểm tiếp xúc với người bảo vệ. Một người gác cổng cũng có cách để thể hiện và cảm nhận quyền lực của mình. Và cũng vì thế nên trong giới những người « làm khoa học » mới lan truyền một kinh nghiệm là muốn cho đề tài nghiên cứu các loại được duyệt kinh phí, thì phải « chạy » từ vòng gửi xe. Người giữ xe cũng có quyền lực và quyền lợi của mình. Vậy thì quyền lực và quyền lợi của những người đứng ở vị trí lãnh đạo sẽ như thế nào ? Một hệ thống như thế khiến tất cả đều lệ thuộc vào nhau, và nó vận hành (hiện tại nó vẫn vận hành một cách vững chắc) nhờ sự lệ thuộc lẫn nhau đó.

Điều đó cũng có nghĩa là những người càng đứng ở những vị trí cao trong hệ thống lãnh đạo thì mức độ lệ thuộc càng lớn, phạm vi lệ thuộc càng rộng, và hệ quả là họ càng ít có ý thức về tự do (và càng đánh mất ý thức về tự do thì càng đánh mất phẩm giá, tuy nhiên đây là một vấn đề cần được triển khai vào dịp khác, vì không thể chỉ nói trong vài câu).

Họ có thể có rất nhiều tiền, nhiều quyền lực, thậm chí có thể quy định việc tước đoạt tự do của người khác, quyết định sự sống chết của người khác, nhưng chính họ ở vào tình trạng mất tự do vào bậc nhất, đặc biệt khi mà tiền và quyền của họ lại được quyết định bởi người khác, chứ không phải bởi chính năng lực thực sự của họ.

Điều nguy hiểm là khi lãnh đạo cấp cao của một nước mất tự do hành động và mất tự do quyết định, và « bị nắm giữ » bởi lợi ích vật chất, thì toàn bộ quốc gia, dưới sự lãnh đạo của họ, cũng có nguy cơ sẽ bị đặt vào tình trạng suy thoái hoặc mất độc lập. Đó là tình trạng hiện nay của Việt Nam.

Nelson Madela, Václav Havel, Aung San Suu Kyi … không có gì để giữ cho riêng họ, mà họ có cả một đất nước, cả một dân tộc phải bảo vệ, và những giá trị nhân văn phải gìn giữ.

Còn đa số người Việt Nam hiện nay đang ở trong tình trạng : để giữ được những thứ họ đang có thì họ phải đổi lấy sự mất mát chung.

Có lẽ nên chăng, mỗi người, vào thời điểm này, cần dừng lại một khoảng thời gian đủ lâu để đặt cho mình câu hỏi mà các triết gia, văn sĩ, nghệ sĩ phương Tây vẫn thường đặt ra từ xưa tới nay : « Tôi là ai ? Tôi đang làm gì, ở đây, bây giờ ? ». Đặt ra mấy câu hỏi đó để suy ngẫm một chút về tác hại đối với xã hội, đối với con người và đối với chính mình, những tác hại do chính mình gây ra bằng những việc mình « đang làm ở đây bây giờ ».

Hoặc một câu hỏi khác cũng đáng được xuất hiện : mỗi người chúng ta đang giữ cái gì đây ? Cái mà chúng ta « phải giữ » thực chất là cái gì vậy ?

Hay ít nhất thì cũng đặt câu hỏi :

Làm sao để có thể vừa giữ được thứ này, vừa giữ được thứ kia, có cách nào để giữ tất cả mọi thứ cùng một lúc ?

Nếu có một (hay nhiều) cách cho phép cùng lúc giữ được những thứ cần giữ thì nên tìm những cách đó, chứ không nên tiếp tục tình trạng hiện tại, khi mà sự « phát triển » của từng đơn vị hay từng cá nhân lại là nguyên nhân khiến pháp luật bị vi phạm, xã hội bất công, đạo đức suy đồi, các giá trị tinh thần bị hủy diệt, nhân dân nghèo đói, đất nước tang thương và mất độc lập.

Nếu đất nước này mất đi, nếu dân tộc này phải làm nô lệ, nếu xã hội mất nhân văn, con người mất phẩm giá, nếu bản thân mình cũng phải làm nô lệ, cũng mất nhân tính, tha hóa, độc ác, dối trá, lừa lọc, thì việc mình giữ được thứ mình đang có liệu sẽ mang những ý nghĩa gì ?

Cho dù thứ mà mỗi người giữ được cho mình là gì, thì, cùng với thứ đó mỗi người sẽ để lại cho con cháu cả nỗi nhục nhã. Đó là điều không tránh khỏi nếu tình trạng chung tiếp tục duy trì như hiện nay. Nỗi nhục nhã sẽ là di sản chung mà mỗi người để lại cho xã hội, cho chính con cháu mình, cho các thế hệ tương lai, sau khi đã thu vén cho riêng mình những thứ cần phải giữ cho bằng được.

Cuối cùng, chính là câu hỏi ấy mà mỗi người cần phải trả lời : giữ cái gì ?...

Paris, 4/9/2014

Nguyễn Thị Từ Huy

Nguồn Blog Nguyễn Thị Từ Huy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn