Đáng lẽ bản góp ý này tôi gửi riêng cho Bộ trưởng (dân mình quen đóng cửa bảo nhau mà), nhưng rút kinh nghiệm lần trước, tôi gửi thư góp ý với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về tình hình chung của Ngành, đã chẳng nhận được phản hồi lại còn “Chuyển Thanh tra xem xét, báo cáo”, gây phiền toái cho cả hai đơn vị tôi có nêu ra làm ví dụ!… Lần này xin có vài góp ý căn cứ vào Bài trả lời báo chí của tân Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đăng trên Giáo dục & Thời đại Online, ngày 05/9/2010. Vì trả lời báo chí, “hỏi gì, nói nấy”, nên Bộ trưởng chỉ đề cập một số vấn đề của giáo dục phổ thông, không có tính hệ thống. Vậy tôi cũng xin “gặp đâu nói đấy” theo những ý kiến lần lượt trả lời báo chí của Bộ trưởng (Chữ in nghiêng, gạch dưới là lời Bộ trưởng). 1. Thành tích đầu năm học của ngành GD là “Về công tác chuẩn bị cho năm học mới, trước hết phải kể đến thành công của việc triển khai nhanh, hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trên phạm vi toàn quốc”… Việc này rất quan trọng, cần thiết, nhưng thực ra không phải nhiệm vụ cơ bản của ngành GD. Ngành GD phải bằng mọi cách chuyển việc này thành nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên của chính quyền địa phương. Ngành GD tham mưu, giám sát và đề xuất với Chính phủ… Chủ tịch tỉnh, thành nào không thực hiện được những nhiệm vụ giáo dục (xác định cho từng địa phương) thì khiển trách, cảnh cáo và kém quá thì cách cổ đi, để người khác làm! Từ những năm 1960 đã có quy đinh: xã, huyên nào muốn mở trường, chính quyền địa phương phải lo cơ sở vật chất trước đã. Việc xây dựng, tu bổ trường lớp do chính quyền địa phương phải lo. Hồi đó nước ta còn nghèo lắm, nhưng GV chúng tôi đi nghỉ hè, trở lại trường, thấy địa phương bảo quản tu bổ trường lớp khang trang hơn… Việc huy động nhân dân xây dựng trường cũng do Ban Bảo trợ học đường của địa phương làm hết. GV tuyệt nhiên không đụng vào chuyện tiền nong, xi măng, sắt thép… xây dựng trường. Chiên tranh làm mất nền nếp đi, nay phải khôi phục lại. |
2. Mục đích, mục tiêu giáo dục HS sao lại bị xé vụn ra thành một số việc lộn xộn, vụn vặt hế này: “ … Đặc biệt chú trọng việc dạy làm người, nâng cao kỹ năng sống, giúp học sinh có ý thức, biết tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ mình trước cái xấu, trước những cám dỗ và hành vi không lành mạnh”… HS thụ động như thế thì làm sao các em dám ngửng cao đầu với tư cách những “Con người mới” đang tiếp thu những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích của dân tộc và nhân loại để đưa “nước nhà bước đến đài vinh quang, sánh vai cường quốc năm châu”?…
3. GD là quốc sách hàng đầu, GV là nhân vật trung tâm của sự nghiệp GD, “Không thầy, đố mày làm nên”… Vậy sao nói đến lương, bổng, đời sống GV cứ thấy e dè?
“Những khó khăn đối với các thày cô giáo ở vùng sâu, vùng xa là rất lớn. Đối với chế độ lương cho GV, chúng tôi đã thảo luận với các cơ quan liên quan và đang trong quá trình nghiên cứu tìm hướng giải quyết thoả đáng”… GS 40 năm dạy học về hưu được hơn 3 triệu/tháng; những Trung tá trẻ măng, có người chưa hết phổ thông, về hưu lương hơn 5 triệu đồng. Mà cấp tá trong bộ đội, công an bây giờ nhiều vô kể! Sao các thầy cô giáo lương thiện, tâm huyết với GD cứ khốn khó mãi!
Nhân đây xin hỏi: sao Bộ lại phát động phong trào: “Mỗi nhà giáo phấn đấu thành tâm gương đạo đức và tự học”? Lộn xộn quá! Mỗi nhà giáo phải là một nhà chuyên môn giỏi, nhà sư phạm tốt chứ!
Cũng mong rằng Tết này tân Bộ trưởng đừng gửi Tâm thư kêu gọi lòng hảo tâm của các đại gia hỗ trợ các thày, cô giáo có tiền về quê ăn Tết! Thảm lắm! Vả lại Nhà nước có thiếu tiền đâu, 86.000 tỉ cho Vinashin làm thí nghiệm rồi vứt đi kia mà. Hà Nội chả cần nghĩ, sẵn sàng ném ra 50 tỉ cho làm cổng chào đó thôi! (May, không biết là thế nào, nên kế hoach bị hủy).
4. “Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt "Ba công khai", tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, cố gắng từng bước dùng chuẩn quốc tế để đánh giá khả năng, trình độ của học sinh”
Đọc chỗ này sợ quá. Xin Bộ trưởng đừng trộn lẫn GD phổ thông vơi Đại học, rồi Đại học lại thành phổ thông!
Nhà cháu xin lạy Bộ trưởng đừng bắt các em HS dân tộc, vùng khó khăn đang cố gắng đọc thông, viết thạo, biết 4 phép tính, làm sao chớ “ngồi nhầm lớp”, rồi Bộ bắt học “sáng Năm, chiều Một” lại hoảng loạn vì Bộ “tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, cố gắng từng bước dùng chuẩn quốc tế để đánh giá khả năng, trình độ của học sinh”... Cái món này, nhà cháu xin Bộ nên dồn hết tâm sức vào kiểm định chất lượng quốc tế các Học viện, các Đại học hàng đầu quốc gia và chất lượng các văn bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhất là của đội ngũ quan chức Nhà nước đương chức ấy ạ! Xin tha cho các cháu HS phổ thông để chúng chú tâm vào học những điều sơ đẳng: biết Bà Trưng, Bà Triệu không phải là chị em; biết Thác Bản Giốc, QĐ Hoàng Sa …ở đâu trên bản đồ, đó là một phần giang sơn của tổ tiên để lại đang bị Trung Quốc chiếm đóng!…
5. PV hỏi: Thưa Bộ trưởng, năm học vừa qua xảy ra một số vụ nổi cộm liên quan tới hiện tượng học sinh đánh nhau. Trong năm học tới, Bộ có chỉ đạo gì nhằm khắc phục hiện tượng này?
Bộ trưởng trả lời: “Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, từ năm học này chúng tôi sẽ đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy. Công tác tập huấn cho giáo viên về vấn đề này đã và đang được triển khai. (…) Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng sẽ chú ý rút kinh nghiệm, tập hợp các sáng kiến, mô hình tốt để nhân rộng triển khai trong nhà trường”
Xin đừng thấy “ai nói đâu, bâu đấy”! Không phải kỹ năng sống mà nhân cách sống mới giải quyết được vấn đề! Chương trình các môn học cho các cấp học, lớp học đã được Hội đồng Quốc gia duyệt, được ban hành có tính pháp quy. Dạy tốt – Học tốt tất cả các môn học đó, đạt được mục tiêu quy định cả Kiến thức – Thái độ – Kỹ năng là đáp ứng việc hình thành nhân cách HS theo yêu cầu của thời đại. Nếu chương trình nào, môn nào chưa đáp ững thì thay thế chính nó chứ không phải “bịa” ra môn Kỹ năng sống trùm lên các môn, làm rối nhiễu hệ thống!… Mà thế này thì còn đẻ ra nhiều dự án cho nhiều môn nữa! Cặp HS, đầu HS tha hồ nhét đầy!
6. “Chúng tôi chủ trương kết hợp chặt chẽ và vừa mới ký kết lại với Bộ VHTTDL, TW Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ VN, Hội khuyến học VN Chương trình phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…” “chúng tôi sẽ kết hợp với ngành công an để bảo vệ và hỗ trợ cho các cháu”...
Thưa Bộ trưởng, nhà trường là Thánh đường của Tri thức và những giá trị cao cả, tốt đẹp mà thầy giáo bằng nghệ thuật sư phạm tinh diệu của nhân loại, được chắt lọc hàng ngàn năm, truyền cho HS những giá trị ấy. Trường học sao chỉ có “thân thiện”? Sao lại phải kêu gọi, ký kết với các lực lượng bên ngoài (ít hiểu GD) xúm vào bủa vây HS, giẫm nát nhà trường, gây rỗi nhiễu việc Dạy tốt – Học tốt của nhà trường? Đã xẩy ra nhiêu vụ công an, dân phong tra khảo HS gây hậu quả nghiêm trọng, chưa đủ sao? Để cho những kẻ phàm phu như những Nguyễn Trường Tô đến trường học khua chiêng, gõ trống, răn dạy ba lăng nhăng thì làm sao GV chẳng thấy nhục, HS chẳng muốn phá bĩnh!…
7. Về việc quá tải, “Bộ chủ trương rà soát, điều chỉnh nội dung các môn học để giảm tải. Tôi tin rằng, khi chúng ta công khai chuyện quá tải đối với học sinh, các bậc phụ huynh, giáo viên và nhà trường đều ý thức được điều này để thực hiện cho tốt”.
Việc này năm nào cũng nói, nhưng không biết gốc vấn đề ở đâu thì làm sao giải quyết được? Cứ “công khai” ra là mọi người thực tốt thì đơn giản quá, sung sướng quá!
8. PV hỏi:Thưa Bộ trưởng, hiện tượng lạm thu đầu năm càng ngày càng trầm trọng. Bộ trưởng bình luận gì về điều này?
Bộ trưởng: … “Nhà trường chỉ là một chủ thể, không thể đơn phương giải quyết triệt để mọi vấn đề liên quan đến thu – nộp. Tôi biết không ít người với tư cách là công dân thì phản đối các khoản thu không đúng qui định, nhưng với tư cách là phụ huynh học sinh vẫn luôn sẵn sàng nộp tiền cho con em mình”..
Cũng giống như bênh nhân luôn sẵn sàng nhét tiền vào túi các bác sĩ, mặc dù họ không muốn nhận; các quan chức không muốn tham nhũng nhưng dân ta cứ bỏ tiền vào phong bì rồi đến thăm, để quên ở nhà họ nên họ mới “động lòng tham”!… Cái dân xứ mình quái đản thật! Chắc phải thay hết dân đi thì các quan mới liêm chính được!
Tôi cũng không có ý dám chê trách Bộ trưởng đâu, làm GD khó lắm; nói về GD cũng không đơn giản; chỉ trách các chuyên gia GD, các nhà giáo am hiểu GD cứ thấy các Bộ trưởng nói gì cũng tung hô, không biết nhắc nhở!…
8/9/2010
M.V.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Theo Bauxite Việt Nam
Gửi ý kiến của bạn