BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bếp lửa ngày về

04 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 1095)
Bếp lửa ngày về
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Đã hơn bảy năm nay, một cái bếp lửa gia đình ấm áp reo vui đối với Hựu là một điều xa lạ, một niềm mơ ước không bao giờ với tới được. Những ngày ở Hoàng Liên Sơn, sau một ngày mệt mỏi buồn nản vì làm lụng cực nhọc, buổi chiều trên đường về Hựu thấy tay chân rã rời, miệng lưỡi khô đắng, chân thấp chân cao. Qua những con đường làng của một bản miền thượng du có tên gọi là Cẩm Nhân, anh chậm chân lại, nháo nhác nhìn vào những căn nhà sàn hai bên đường, nơi thấy thấp thoáng ánh lửa hồng của những bếp lửa gia đình, có tiếng trẻ thơ cười đùa, có tiếng nói của bà mẹ người sắc tộc, có tiếng chó sủa và tiếng con lợn ủn ỉn hay con trâu nghé ngọ trong chuồng gia súc ngay dưới căn nhà. Đôi khi Hựu mơ ước được ngồi gần bên bếp lửa ấy, hong đôi bàn tay lạnh cóng trên ngọn lửa, hít hà cái mùi thơm gỗ cháy, uống một ngụm nước chè, bóc một củ khoai nướng... Và ước ao thêm, bên bếp lửa ấy anh nhìn lại được những khuôn mặt thân yêu, nghe tiếng trẻ nhỏ, con chàng bi bô. Khung cảnh giản dị, tầm thường đó, tưởng chừng như quen thuộc nhưng thật đã quá xa vời.

Giờ đây, theo đoàn tù nhếch nhác nhanh chân trở về trại giam giữa một buổi chiều mùa Đông giá lạnh, Hựu chỉ khát khao thèm nhai tóp tép một miếng cơm hay một củ khoai nguội lạnh vào miệng để chặn đứng cái đói cồn cào trong dạ dày. Cái nhà bếp tập thể mái tranh vách nứa trong trại tù ấy, anh cũng có đôi lần mơ ước được tới sống ở đó một ngày mười tiếng để được no bụng hơn với những miếng cơm cháy thơm giòn, những bát rau còn nóng và nhất là để được hưởng cái không khí ấm áp bên bếp lửa hồng, trong khi bên ngoài anh em trong các đội tù đang lao động vất vả dưới trời Đông giá buốt. Điều đó, có lúc tưởng chừng như Hựu đã đạt gần tới, nhưng vì cái tính lạnh lùng, dửng dưng trong người anh vẫn còn tồn tại khó có thể thay đổi, và sau này có đôi lúc hối hận, Hựu đã biết rõ sự thay đổi đó có thể mang lại sự an toàn của mạng sống một người tù.

Dạo ấy, trại loan báo có một phái đoàn y tế từ trung ương về khám bệnh cho những người tù bệnh tật trong trại Cẩm Nhân. Trại nhấn mạnh đến hai chữ trung ương, thì phải hiểu rằng đây không phải là những anh y tá huyện, lếu láo thì ít nhất cũng là phái đoàn quân y của tỉnh, hay hách hơn thì từ Cục Quân Y của Quân Đội Nhân Dân đến từ Hà Nội. Ngay cả đơn vị quân đội canh tù cũng còn chưa bao giờ được nhận cái vinh hạnh ấy bao giờ, thế mà một nhóm tù cải tạo từ trong Nam ra đây mới nửa năm đã được trung ương chiếu cố. Một nhà bạt bằng vải trắng được bộ chỉ huy trại dựng lên trên khoảng đất trống, tuy là vẫn màu cháo lòng, nhưng ít ra thì đấy cũng là biểu tượng cho một điều gì sạch sẽ, thơm tho trong bệnh viện khiến cho người ta liên tưởng đến màu áo trắng của những vị y sĩ hay hộ lý dịu dàng, hiền hậu như những từ mẫu.

Lệnh trên ban xuống mỗi lán được cử một người đau yếu nhất để trình diện cho toán y khoa trung ương khám bệnh, điều này theo dự đoán, những người đau yếu này sẽ được chuyển qua làm việc nhẹ trong trại, hoặc được ghi vào hồ sơ chuyển lên Bộ Nội Vụ để được xem xét cho họ ra trại sớm. Ai lại không mơ ước địa vị của người đau yếu nhất của mỗi lán. Nội việc được nghỉ ở nhà một ngày, khỏi leo qua hai ngọn đồi, lội qua một con suối, và lúc về với hai mươi cây nứa trên vai đã là sung sướng rồi. Còn bao nhiêu điều hy vọng khác - mà đối với một người tù, càng hy vọng, càng có cơ hội sống lâu hơn để chờ tới một ngày được thả về.

Chiều hôm ấy, lúc trời đã chập choạng tối, y vụ đến đứng trước cửa lán gọi lớn:

“Ngày mai, anh Trần Công Hựu khỏi đi lao động, ở nhà chờ phái đoàn y tế trung ương khám bệnh.”

Thật tình không ai ganh tị với số mệnh của Hựu. Từ ngày ra Bắc rồi tập trung về đây, anh gần như nhẵn mặt với y vụ với những vụ đau ốm, thuốc men, nghỉ bệnh. Xuất thân là một anh học trò ốm yếu, động viên làm lính văn phòng chưa lội bộ một ngày, cái kiểu nhà binh mà trói gà không chặt, Hựu sa sút thấy rõ khi thiếu ăn và phải lao động cực nhọc. Mặt Hựu xanh mét, ho khan, thỉnh thoảng lại lên cơn sốt. Thêm vào đó, chỉ một tháng trước đây, cơn đau ruột đã hành hạ anh, khiến nửa đêm lán phải gọi cấp cứu để y vụ mang đèn, mang thuốc đến. Đây không phải là cơn đau bao tử thông thường, cũng không phải đau ruột thừa ở vùng bụng dưới bên phải, trái lại Hựu thấy đau quằn quại ở vùng rốn, cơn đau nổi lên từng hồi, khiến người anh vã mồ hôi, mệt muốn lả đi. Bạn bè đã dùng dầu nóng thoa giúp nhưng cơn đau càng ngày càng dữ dội. Y vụ xuống, cho anh uống những thứ nóng, gừng, riềng, sả đâm chung với nhau, nuốt vào như bỏng họng, nóng ran cả ruột. Hồi ấy, vì ra Bắc, cả trại không có lấy một bác sĩ “ngụy” như ở trong Nam, y vụ gà mờ chỉ chuyên trị mấy thứ cỏ dại, lá rừng. Hựu quằn quại suốt đêm, gần sáng anh thiếp mê đi, ngủ như chết cho đến chiều hôm sau mới tỉnh dậy, trong lúc các lán đi lao động đã lục tục trở về. Trận đau ấy làm anh nổi tiếng cả trại, cho nên không những Trần Công Hựu được lên danh sách người đau yếu nhất của lán, mà được xem như là người đau yếu nhất của trại.

Thế mà sáng hôm ấy, đứng trước những người nhân danh mang sứ mạng y tế, có quyền xếp đặt cho Hựu một chỗ ẩn náu qua mùa Đông, trút bỏ cho anh những khúc gỗ nặng, những bó nứa tre nặng trĩu trên vai, đem đến cho anh sự ấm áp của những bếp than hồng thì Hựu lại tỏ ra dửng dưng, không hề có một thái độ khúm núm trước những người quyền lực để xin một chút ân huệ. Nhất là sau khi hỏi sơ qua lý lịch, những người áo trắng có mặt trong phái đoàn đã không khỏi để lộ trên khuôn mặt họ những nét khó chịu, thất vọng khi nghe Hựu khai báo ngành nghề của anh qua bốn chữ “chiến tranh tâm lý.” Từ đó những lời hỏi thăm về bệnh lý Hựu chỉ còn lại là những lời hỏi gượng gạo, qua loa và những người này, sớm hơn thông lệ, đã đẩy Hựu ra khỏi căn lều vải màu trắng với kết luận: “Thôi cho anh về.” Sáng hôm sau, trước khi xuất phát ra cổng trại đi làm như thường lệ, những người bệnh tật được phái đoàn y tế trung ương chiếu cố hôm qua đều được biên chế về nhà bếp hoặc các tổ đan lát, trừ Hựu.

Những ngày mùa Đông, khi nhiệt độ xuống quá thấp ở Hoàng Liên Sơn, vào mỗi đầu hôm, trại cho các lán đốt lửa để sưởi ấm ngay giữa căn nhà, nhưng tù chẳng có gì để nấu nướng. Hựu thường bó gối nhìn những ngọn lửa và những thanh gỗ cháy để mơ mộng. Ánh lửa chiếu bóng những người tù áo chăn quấn kỹ hai ba lớp lên vách nứa, chập chờn như những bóng ma khổng lồ. Đống lửa phải được dập tắt lúc mười giờ, khi hồi kẻng ngủ vang lên và cũng là lúc nghe loáng thoáng giọng nói the thé của người nữ xướng ngôn viên chấm dứt chương trình đài phát thanh Hà Nội qua tiếng rè rè từ chiếc loa khuếch âm trên sân bộ chỉ huy trại. Lửa tắt, ngọn gió lùa vào liếp cửa đem theo hơi lạnh giá của vùng rừng núi. Cả lán đã nằm yên. Để giữ hơi ấm, Hựu không dám cựa quậy hay trở mình. Sau một ngày mệt nhọc, Hựu thấy ê ẩm toàn thân, và anh đắm mình vào giấc ngủ lúc nào không hay biết.

Lúc về Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh anh chàng y vụ già, người miền bắc, khập khễnh vì có tật ở chân, người phần nào có quyền đề nghị và tuyển nhân viên cho nhà bếp, đã cám cảnh vì thể lực yếu đuối của Hựu, nhưng lẽ cố nhiên chẳng có gì người ta đem cho không. Anh chàng đã ướm lời: “Lúc nào vợ anh ra thăm, nhớ kiếm cho tớ cái quần tergal và cái áo sơ mi nhé!” Rồi vợ ra thăm, nhìn cái vẻ tiều tụy của nàng cùng với các thứ quà khiêm nhường bới xách trong mấy cái giỏ lác, Hựu không có can đảm hỏi tới những thứ anh đã dặn đi dặn lại qua những bức thư gởi vợ được phóng qua hàng rào nhà thăm nuôi.

Những mùa Đông lưu lạc xứ Bắc cũng qua đi. Hựu được lên xe lửa chuyển trại về Nam, đó là những ngày vui nhất trong cuộc đời tù. Hựu đã gặp lại được mảnh đất miền Nam nắng ấm và sẽ không còn chịu đựng những ngày Đông tháng giá nữa.

Ba ngày trước khi Hựu được cầm tờ giấy ra trại trong tay, ngày hai mươi mốt Tháng Chạp năm ấy, cũng như những người tù sắp được tha, anh trở thành người tù tự giác, nghĩa là được ra khỏi trại mà không cần có lính gác đi theo. Cùng những bạn khác, từ trại Hàm Tân Rừng Lá, Hựu men ra đến Quốc lộ 1, ở đó có thể trông thấy những chiếc xe đò xuôi ngược Phan Thiết-Saigon quen thuộc, những hàng quán nhỏ hai bên đường với những nải chuối vàng treo lủng lẳng, những thẩu bánh kẹo để cạnh những chai nước ngọt, cùng những gói thuốc lá bao giấy đã ố vàng. Hựu được ngồi trên một cái ghế băng dài, uống ngụm trà. Tuy vẫn còn mặc bộ đồ tù có đóng dấu ở sau lưng, nhưng hôm ấy anh đã được hòa mình với đời sống của một người dân bình thường. Sau ngạch cửa là một bếp lửa hồng với những người đàn bà đang ngồi gói bánh tét, chuyện trò. Trên mặt đất, ngổn ngang những chiếc thúng mẹt đựng đầy vật liệu gói bánh. Trên bàn thờ, một cành mai rừng đơn sơ được cắm trong một chiếc bình sành. Không khí Tết miền Nam hầu như đã bao trùm khắp nơi. Nhưng hơn hết, cái bếp lửa ấm cúng hôm ấy soi rọi vào lòng Hựu bao nhiêu kỷ niệm, anh như gặp lại một người thân quen đã xa cách lâu ngày. Hựu nghe thấy đôi mắt anh cay cay, chẳng phải vì những làn khói nhỏ từ trong bếp bay ra, mà bếp lửa của một cuộc đời thường hôm ấy đã cho anh chút ấm cúng mà từ lâu không hề bắt gặp, không hề gần gũi.

Cả một thời xa xưa như trỗi dậy trong lòng Hựu, bếp lửa rơm khi mẹ nấu bữa cơm chiều mà Hựu thường xuống ngồi với mẹ, ánh lửa hồng soi rõ khuôn mặt mẹ, có khi đầy nước mắt vì kiếp làm dâu mà quê ngoại thì ở quá xa. Bếp lửa nấu bánh chưng bánh tét của chiều ba mươi tết ở quê nhà thuở còn thơ dại khi tuổi trẻ nao nức mặc áo mới, đón xuân sang. Bếp lửa của những ngày mùa Đông khi mẹ nhúm lửa lên để rang cho các con một nồi bắp rang mà nay Hựu như còn cảm giác hai nắm bắp rang còn nóng ở hai bên đùi khi mà thằng bé tham lam đã dồn đầy hai túi quần. Một bếp lửa gia đình, một bếp lửa đoàn tụ, bình an, không chia lìa, không ngăn cách mà dễ chừng đã bao nhiêu năm nay, cả một đời người Hựu không hề nghĩ tới. Phải trong gần bảy tám năm nay, khi tự do bị tước đoạt, khi thân ái phải chia lìa, khi gia đình phải ly tán, khi những gì hiện hữu bình thường mỗi ngày đã mất đi, khuất trong những nẻo tối tăm của tiềm thức, giờ đây, hiện ra Hựu mới thấy đó là những gì quen thuộc, thân ái anh đã đánh mất hay quên lãng.

Ngày ra tù, Hựu quyết định mặc nguyên bộ đồ tù màu xanh còn mấy chữ tên trại tù Phú Sơn ở sau lưng, anh muốn làm một cuộc trắc nghiệm để xem thái độ của người dân miền Nam, sau gần tám năm tan cuộc, đối với những người tù như Hựu ra sao? Bạn bè ra tù, người thì có thân nhân đón, người xuôi Nam, kẻ ra Trung. Khi ra tới quốc lộ, một mình Hựu đón chuyến xe từ Phan Thiết vào. Mặc dù trên đoạn đường Rừng Lá này dân vẫn thường gặp những người tù cải tạo mới được tha về, tuy nhiên những người dân bình thường trên chuyến xe đò hôm ấy đã dành cho chàng những ánh mắt và cử chỉ thân ái. Anh lơ xe đã nhất mực không lấy tiền xe của Hựu, mặc dù anh đã nói anh dư tiền trả tiền xe về tới nhà. Bà già đang nhai trầu ngồi bên mời anh trái quýt. Ở băng ghế trước, một đứa bé trai chừng ba tuổi, hai má ửng hồng quay đầu lại cười với anh qua vai của một người mẹ trẻ. Đã gần mười năm rồi còn gì, sự gần gũi của những người dân lam lũ trên chuyến xe đò làm Hựu mủi lòng.



Nhưng cũng vì chiếc áo tù, Hựu đã được một tay xe ôm tại bến xe, tự nhận là em út, đã cho Hựu thấy sự biến chất của một lớp người, trong giai đoạn mới bung ra kiếm sống, chỉ biết đồng tiền, bất kể nhân tình. Khi chuyến xe Phan Thiết về tới bến xe Bình Triệu, vừa mới đứng lên, Hựu đã trông thấy một đám người xe ôm mời mọc, trong đó có một người trung niên mặc một chiếc áo trellis đã bạc màu, nhắm vào Hựu. Y vồn vã:

“Ông anh mới về. Thôi đi xe em đi, em lấy rẻ, dù sao cũng huynh đệ chi binh mà ông anh!” Hựu nghĩ tới những người lính trong đơn vị cũ, ngày nay cũng đã kiếm sống bằng mọi nghề, anh đi theo người đàn ông một quãng, nơi để nhiều kiểu xe ôm đã cũ. Anh nói:

“Về đường Nguyễn Tri Phương - Chợ Lớn bao nhiêu?”

“Nhiêu thì nhiêu, chặt ai thì chặt, chứ không nhẽ chặt đàn anh!”

Y nói có vẻ chân tình, tay với cái túi vải của Hựu máng lên tay lái. Hựu chưa yên tâm và vẫn đứng yên chờ câu trả lời.

“Hmm Hmm.. lăm thôi ông anh !” Không hiểu sao trong lúc ấy Hựu lại nghe tiếng mười lăm, và anh nhẩm tính, thế là về tới nhà mình còn dư được tới ba mươi lăm đồng, đủ làm quà cho con.

Dọc đường về, Hựu cũng nhìn ra những con phố quen tên nhưng hình như đã lạ mặt, mang một màu sắc u tối, buồn bã. Dọc dường sá, xe cộ thấy thưa thớt, phần đông là xe đạp, chen lấn với đủ loại xe lam, xe gắn máy, nhưng mọi người cũng đã chuẩn bị đón xuân sang vì tiếng pháo đã nghe đì đẹt nổ xa gần. Người tài xế xe ôm vừa chạy vừa chuyện trò về tình hình than củi, gạo cơm. Y vẽ ra chút tương lai cho Hựu:

“Rồi ông anh kiếm cái xe tàng tàng như em đây cũng kiếm cơm qua ngày.”

Hựu lơ đãng nghe, buồn bã nghĩ đến một thứ tương lai mù mịt. Anh không biết tin nhà, cuộc sống của vợ con ra sao. Chuyến thăm nuôi cách đây đã sáu tháng, sau đó một lá thư viết vội vàng với những dòng động viên chung chung, vô tội vạ. Đây cũng là chuyến về bất ngờ không báo trước. Nhìn xuống bộ áo tù, lúc ấy Hựu chợt trách mình sao lại để cho con cái ấn tượng thấy hình ảnh của người cha trở về trong bộ đồ xanh này. Nhưng về sau, khi gặp lại, con anh đã kể chuyện:

“Khi cô giáo hỏi, các em ai là gia đình có cha đi cải tạo thì chúng con đã mạnh dạn đứng lên và đưa tay cao, nhưng cũng có lúc cô giáo hỏi ai là gia đình bộ đội thì con lại thấy tụi nhóc có vẻ rụt rè và nhìn về phía tụi con? Sao vậy Ba?”

Hựu đã không trả lời thẳng vào câu hỏi của con:

“Ba đã không làm điều gì sai quấy thì có điều gì con phải xấu hổ. Nếu Ba vào tù mà bạn bè con, bà con mình, lối xóm, làng nước ai cũng sung sướng, no đủ hơn thì Ba và bạn bè Ba cũng nên vào tù. Nhưng con cũng đã thấy đó.”

Xuống xe cách xa ngôi nhà chừng vài trăm thước, mới móc túi lấy tiền ra chưa kịp trả, Hựu đã nghe người tài xế xe ôm nói:

“Ông anh cho ba mươi lăm đồng!”

Lần này, y nói tách bạch, rõ ràng không ậm ờ như ban nãy.

“Sao lúc ở bến xe, anh nói với tôi là mười lăm?”
Hựu quá đỗi ngạc nhiên đã hỏi lại.

“Dạ, lúc nãy em có thưa với ông anh là cho ba mươi lăm đồng. Chặt ai thì chặt, chứ không nhẽ chặt đàn anh!”

Y lặp lại câu nói trơn tru như nó đã có sẵn đâu ở đầu lưỡi. Cùng lúc ấy Hựu nghe tiếng nói như reo của bà cụ Tám ở cách nhà Hựu mấy căn, cùng với tiếng kêu phụ họa của mấy đứa trẻ:

“Ông Hựu về, ông Hựu về rồi!”

Hựu dúi vội nắm tiền vào tay của ông “đàn em”, vội vã chào bà cụ và hấp tấp bước vội về căn nhà. Cũng là vôi gạch ấy, số nhà dù đã mờ nhạt vẫn còn nhìn ra, nhưng sao đượm vẻ hoang tàn, lạnh lẽo.

Hựu xô nhẹ cánh cửa khép hờ để bước vào nhà, đứa con trai nhỏ của anh, chào đời sau lúc Hựu vào tù, đang ngồi nhặt gạo trên một chiếc ghế nhỏ vội đứng bật dậy khi thấy có người lạ bước vào. Thoạt đầu nó có vẻ bỡ ngỡ khi nhìn thấy Hựu, nhưng sau khi Hựu đã ôm con vào lòng và nói, “Ba đây con” thì nó cũng ôm lấy cha, người ít ra cũng một lần được nhìn thấy khi theo mẹ lên thăm và thường xuyên được nghe gia đình nhắc nhở đến. Cùng lúc ấy, Hựu nghe tiếng ồn ào ngoài cổng, rồi anh thấy vợ hình như vừa đi đâu về, xuất hiện trên bậc cửa. Chị đứng đó, không kêu lên một tiếng, không bước lại gần anh, chỉ đứng lặng với hai dòng nước mắt trào ra. “Không biết hôm nay là thực hay mộng đây?” Đã bao nhiêu lần chị cầm lấy tay Hựu, nắm chặt tay anh, ôm lấy anh và nói: “Lần này thì anh về thật rồi phải không anh?”

Nhưng khi chị mở mắt ra, thì đây chỉ là mộng. Trời đã mờ mờ sáng, chị nghe tiếng xích lô máy nổ phành phạch dưới đường. Chị úp mặt vào gối, lặng lẽ khóc.

Hựu ôm vợ vào lòng, khẽ nói bên tai chị:

“Rồi mọi sự cũng đã kết thúc, phải không em?”

***

Phòng khách nhà Hựu bây giờ chỉ còn trơ trọi một cái bàn gỗ với ba chiếc ghế ngồi đã cũ. Trên tường hai bức tranh, trong đó có một bức sơn dầu do một người bạn họa sĩ vẽ cho vẫn còn treo ở chỗ cũ, cũng như vách tường bảy năm nay không có một lớp vôi mới, đã xám xịt, ám khói lửa củi từ nhà bếp. Bếp lửa bây giờ đúng là bếp lửa vì thực sự phải đốt bằng những thanh củi lớn do chính tay Hựu vừa bổ ra mấy hôm nay.

Tối nay là tối ba mươi Tết, tiếng pháo nổ râm ran từ chập tối, lan rộng như một cơn sóng từ khu phố này sang khu phố khác. Trước cửa nhà những đứa trẻ đốt pháo lẻ đã làm cho khói pháo xông thẳng vào nhà. Năm nay, Hựu về, nhà cũng đã có chút bánh mứt, hoa mai do bạn bè và lối xóm mang tới. Giao thừa, cũng theo tập tục những năm nguyên vẹn về trước, Hựu nấu trà, thắp nhang lên bàn thờ ông bà. Anh đứng lặng yên nhìn ngọn nến cháy bập bùng và làn khói tỏa ta từ nắm nhang đang cháy, suy nghĩ vẩn vơ.

Từ mấy hôm nay, Hựu cố giấu nỗi buồn đang ray rứt. Trong giây phút xúc động ban đầu anh đã nói với vợ là tất cả đã qua đi, nhưng sự thật trong thâm tâm Hựu, ngày ra tù chỉ là ngày bắt đầu một cuộc đời vô định, rồi ra chưa biết sẽ ra sao? Nhìn cảnh nheo nhóc của vợ con, nhìn lại thân phận mình, chàng cảm thấy một sự bất lực đè nặng, nó làm cho lòng anh không cảm thấy một phút thảnh thơi.

Cũng đêm nay, sau khi cơn pháo giao thừa đã bắt đầu thưa thớt, Hựu nói với vợ cần thở một chút khí đêm, anh lên gác, nhìn về Saigon sáng một góc trời, rồi nhìn về vùng tăm tối khác. Mấy hôm nay, trở về nhà, Hựu đã được nghe tin một số bạn bè đã qua đời, một số người đi xa, kẻ đang sống ở một phương trời nào đó, kẻ chưa biết sống chết ra sao vì chưa có tin về. Anh đã gặp lại một vài người quen cùng ở trong cư xá hay thuộc đơn vị cũ đang yên thân kiếm một nghề nghiệp nuôi miệng, một nồi xôi đầu ngõ hay một bàn vé số bên vệ đường. Còn Hựu, những ngày trong tù, anh cũng như hầu hết bạn bè có cái thói quen không suy nghĩ, không lo âu, vì suy nghĩ lo âu trong hoàn cảnh ấy, hoàn toàn không giải quyết được gì. Nhưng giờ đây, với cuộc sống trước mắt, sự thật bây giờ lại khác.

Hựu nghĩ tới hình ảnh bếp lửa anh vẫn thường mơ mộng mà lòng cảm thấy không vui.

Huy Phương

(trích trong tập truyện Những Người Muôn Năm Cũ - 2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn