BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những người quanh tôi

28 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 2091)
Những người quanh tôi
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Từ cổng trại chúng tôi được đưa thẳng vào một hội trường mà sau này chúng tôi được biết là Nhà Văn Hóa. Tại đây, đồ đạc tư trang một lần nữa bị sới tung bởi các tù nhân thường phạm hình sự trong đội thi đua. Những người này làm việc rất nhiệt tình và cực kỳ cẩn thận dưới sự giám sát của ba người sĩ quan trại tù, một người tên Lâm, hàm đại úy phụ trách an ninh, một người tên Luận hàm đại úy phụ trách giáo dục và một sĩ quan trực trại tên Thăng cũng hàm đại úy. Ba người sĩ quan này đều trạc tuổi tôi (tức sinh khoảng 1958 đến 1962). Thái độ làm việc của ba người này có vẻ không hạp nhau, nếu không muốn nói là có sự hiềm khắc lộ ra trong ánh mắt và cử chỉ. Cái nắng gay gắt đã không xâm nhập được vào nơi này vì căn hội trường nằm chìm hẳn dưới những rặng dừa cao nghễu nghện, xanh ngắt và chi chít quả. Tôi hướng tầm mắt ra ngoài những khung cửa sau khi đồ đạc tư trang đã qua kiểm xét và gói lại đàng hoàng. Ngay trước tầm nhìn của ô cửa là một cái chuồng khỉ dựng trên một cây cột. Trong căn chuồng chừng vuông 1 mét rưỡi là một chàng khỉ đang thản nhiên vạch cu ra tí toáy. Chuồng cao khoảng hơn thước, sơn màu trắng nổi bật giữa một khoảng đất rộng trồng toàn một thứ cây rất giống cây giềng. Phía sau miếng đất vuông vức chừng 1000 mét vuông ấy là một dãy nhà mà sau này tôi được biết đó là khu vực nhà bếp, người sĩ quan phụ trách đội nhà bếp tên là Sử, cũng cấp hàm đại úy, tuổi sinh khoảng 1958. Sau khu vực nhà bếp là hai bức tường vôi trắng, tường ngoài cao hơn tường trong và có hàng rào thép gai dựng trên đỉnh tường, chiều cao của hàng rào bên trong, tính cả hàng dây thép gai khoảng 4 mét, dây điện đeo móc nhì nhằng cùng với những chụp bóng đèn. Xa hẳn phía ngoài các bức tường trắng là màu xanh ngát của những ngọn tre. Tôi nhủ thầm: “Cổ lũy, ngọn tre cao thế ắt là trồng trên lũy đất. Muốn có lũy đất dài như vậy ắt phải có hào. Vượt được hai bức tường cao sẽ phải bơi qua hào rồi mới leo lên lũy tre dầy đặc. Phần ngoài cùng không biết còn những gì. Mìn dưới hào, trên lũy áp dụng chế độ gì? Này khó khăn đây…”.





Tôi vốn thích mạo hiểm từ thủa nhỏ, từng trốn học bò ra bò vào những dãy hàng rào căn cứ Long Bình của lính Mỹ. Cắt lựu đạn, trái sáng ở các hàng rào ấy đem về cho mấy ông đi đánh cá. Tôi không run sợ khi tháo gỡ những thứ trời đánh ấy… nhưng nghĩ đến mìn hay lựu đạn thả dưới nước thì, quả thực là tôi tiêu tan nhuệ khí đến mấy phần. Ý tưởng vượt ngục của tôi bị che ngay bằng một mảng tối tiêu cực, ngay trong những giờ đầu tiên bước chân vào trại tù A20 Xuân Phước. Một trại tù sau này tôi được biết với cái tên Thung Lũng Tử Thần A20 với khoảng 2 ngàn nấm mồ vùi sơ sài chung quanh trại tính đến năm 1993, kể từ 1976.

 

Người chịu trách nhiệm làm thủ tục hành chính là một tù nhân có vóc dáng rất trí thức, trắn hơi hói, tay dài hơn người bình thường, cao lớn gần ngang với tôi, trạc tuổi gần 60. Ông nói chuyện với tôi bằng một số câu tiếng Pháp phát âm rất chuẩn của dân tây học từ bé.

 

- Thành ở Pháp học ngành gì ?

- Em không là sinh viên. Em là công nhân bình thường. Thợ hình.

- Anh em cả mà, chẳng việc gì phải ngại. Có gì cần tôi giúp, cứ nói với tôi.

 

Tôi đã quen với linh mục K là như vậy. Nhưng khác với những anh em khác, tôi giữ một khoảng cách đặc biệt với ngài. Tôi là một tín đồ Công giáo. Việc trọng kính các vị linh mục là điều đương nhiên có sẵn ở trong tâm thức, tuy nhiên, ở vào hoàn cảnh này, những người làm việc cho ban giám thị, thú thực tôi đều tiềm tàng một ý tưởng khinh miệt, nhất nữa các vị ấy lại là người mang phẩm hàm của các tôn giáo.

 

Linh mục K song song bước cùng tôi những bước đi từ nhà văn hóa, xổ ra cánh trái, vượt qua khu vườn giềng để đi về phía mặt cổng trại, nhắm hai căn nhà quét vôi trắng bên tay mặt. Trời nhiều ánh sáng vì chắc đang khoảng 2 hay ba giờ chiều. Tôi được dắt vào khu vực cách ly số hai và được chỉ định đặt tư trang xuống một bệ nằm chung của căn nhà mang tên nhà số ba. Trong nhà rộng chỉ có chừng bốn năm người tù đang có thái độ chờ đón chúng tôi. Nhà nền đất nện ở giữa lối đi, hai bên là các bệ nằm và trên hàng sạp cao khoảng 1m70 là hai hàng bệ nằm nữa. Mỗi bệ nằm khoảng 30 người, bốn bệ khoảng 130 người là chật ních, mỗi người được chừng gần một chiếu đơn chỗ nằm. Khi tôi bước vào, buồng số ba rất sạch sẽ. Một người trực sinh gốc Bến Tre, tuổi nhỉnh hơn tôi khoảng 4 tuổi, giọng miền Nam vồn vã nhưng có hơi kiểu cách:

 

- Mấy anh em đợi một chút nữa, cán bộ trực trại vào sẽ xếp chỗ rõ ràng ai ở đâu? Giờ thì nghỉ chút đi, có trà, mấy anh dùng trà không ?

 

Mấy anh em bên Mỹ không ai lên tiếng, chỉ có Đăng người về từ Canada bắt chuyện ngay với người tù trực sinh này. Tôi nhìn anh ta với cái nhìn thân mật, không nói gì thêm. Tất cả với tôi còn quá mới mẻ. Bầu không khí quí báu tôi còn chưa tận hưởng hết vì đã gần 10 tháng sống trong căn hầm tù hôi thối của B34 Sàigòn. Tình cảm giữa con người với con người, giữa những người cùng mang ý thức và lý tưởng chung… còn làm bối rối trong tâm hồn tôi rất nhiều. Không thẻểmột giờ một buổi mà tiêu hóa trọn vẹn được.

 

Tôi bước chân ra cửa căn buồng chung số 3. Bước xuống bậc thềm tam cấp để đặt chân hẳn xuống mặt sân đất rộng. Giữa sân có hai cột bóng chuyền và những chi tiết vẽ sân bóng. Phía trái cửa nhà số 3 là cổng vào khu cách ly, hiện đã đóng kín, bên cạnh cổng vào có một giếng nước rất rộng, chung quanh giếng có xây gờ để tù nhân sinh hoạt giặt rửa ngay tại chỗ. Có mương dẫn nước ra khu chăn nuôi phía sau nhà cách ly nơi tôi vừa đi qua và nhìn thấy một tù nhân chỉ còn có một chân đang chăm bón mấy dàn bí và mướp.

 

Trong khoảng sân rộng hai cây dừa lớn ngay góc sân, đối diện với bờ giếng và sát cạnh nhà số 1, ngăn cách bởi hàng tường cao khoảng 3 mét với hàng rào trên cao. Tôi bước đến sát một gốc dừa, nhìn lên đỉnh ngọn nơi trĩu nặng ba bốn buồng dừa. Không biết ai đã trồng những cây dừa này, cả một vùng thung lũng bạt ngàn dừa và dừa, trong trại cũng toàn dừa với dừa. Tất cả các cây dừa nơi đây đều cao nghễu nghện và tươi tốt làm tôi nhớ ngay đến những rừg dừa ở Palawan những năm tôi làm người tỵ nạn chờ được đi nước thứ ba tại Phi Luật Tân. Những rừng dừa ấy hoàn toàn không thể so sánh về sự tươi tốt như những cây dừa ở nơi đây. Một màu xanh bạt ngàn và một không gian mát dịu.

 

Tôi buông bỏ tất cả những ý tưởng đã đeo mang theo tôi suốt gần 10 tháng đã qua . Buông hẳn những sự tính toán. Buông hẳn những mưu mô che lấp sau nụ cười măng trẻ. Tôi sờ tay vào thân cây sù sì và thầm nhủ: “Từ đây ta khỏi phải suy tư, khỏi phải tính toán, khỏi phải che đậy. Xong rồi. Nơi đây ta có thể dừng chân để tu tĩnh, lặng lẽ cho xong kiếp con người”.

 

Cánh cổng khu cách ly lạch cạch mở khóa, mấy người sĩ quan đi vào buồng vì yêu cầu chuyển nhà. Cả nhóm 10 người lại lách cách ôm đồ đạc sang nhà Một. Trong lúc chuyển đồ, một người tù cao lớn, tóc cứng, mặt như Trương Phi đến gần tôi và nói: “Qua bển, cẩn thận nha em. Tụi anh không bảo vệ được em nữa đâu… Em ở Pháp về phải hôn ? Có biết Trần văn Bá không ?”. Tôi sững người nhìn thẳng vào mắt người tù có mái đầu đinh tóc như rễ tre. Đây là lần thứ nhất sau gần 10 tháng tù giam, tôi được nghe một câu hỏi, một tiếng nói mà mình mong đợi. Giọng anh miền nam, chân thực như tống ra theo luồng hơi thở. Anh cầm cái bị cói trên tay tôi. Tôi nghẹn giọng, nói vừa đủ để anh ta nghe được: “Anh Chín là người thầy của những người như tụi em”. “Trời đất, bộ tổ chức lại bị nữa hở ?”. Tôi thật sự xúc động trước thái độ thảng thốt của người tù miền nam đáng kính: “Không, là em nói vậy thôi, chớ em không phải người ông Túy”. Ngần ngừ vài giây, tôi nói tiếp “tan rã hết rồi anh ạ. Cánh anh Bá tan hết rồi. Chỉ còn tinh thần Trần văn Bá …”. Bước chân người đàn ông cơ hồ như loạng choạng đi một chút. Tôi cảm giác được sự hụt hẫng của anh, sự không muốn tin điều vừa nghe được từ chính miệng tôi. Tôi cũng cảm thấy anh thật tình dành cho tôi sự tin tưởng. Tôi cúi mặt xuống, dấu đi giọt nước mắt đang đoanh tròng, bước nhanh về phía cổng cách ly.

 

Nhà Một đã nhá nhem. Hơi người nồng nặc và gần hai trăm tấm lưng trần luồn lách đi lại. Tất cả đều vừa từ đồng về hoặc vừa từ lò gạch vào trại, ai cũng nhễ nhại mồ hôi. Đây là nhà giam nhốt thường phạm hình sự. Án trong nhà này không ai dưới 16 năm. Cướp của giết người, hiếp dâm… đủ thứ tội tồi tàn. Tôi im lặng để nhà trưởng và cán bộ xếp chỗ nằm. Nhà trưởng nhà này có tên là Toại Chí. Sau này tôi nghe nói nhiều về nhân vật này, lúc thì ông xác nhận mình là tù chính trị, lúc thì xác nhận là tù vượt biên. Ông không có người nào xác nhận chung tổ chức và ông lại được ban giám thị tin giao làm đội trưởng đội thi đua nên hầu hết các anh em đều giữ khoảng cách, tuy nhiên, ông lại kết giao khá thân với ông Michel Muôn của nhóm tôi, một điều sư phụ hai điều sư phụ.

 

Sau khi đã xếp được chỗ nằm, tôi bắt mạch rất nhanh nhóm đại bàng thủ ở góc trên và cuối của góc nhà, đối diện với đám tù hải ngoại mới vào trại nằm chen chúc ở sàn dưới. Tôi chào hỏi qua loa với mọi người rồi ngước lên trên đám chiếu ấy hỏi vọng “Trển có chỗ ngồi thoải mái không, cho lên kiếm chút cà phê được không?” . Có tiếng hỏi qua hỏi lại rồi một tiếng cất lên “Mời đại ca lên ngồi với tụi em”. “Đại ca đại cán mẹ gì, tui cũng dân đầu đường chớ cao sang mẹ gì”. Cả đám cười hô hố. Tôi cầm tay ai đó đang đua xuống, bấm chân vào bệ gở sàn dưới và bật mình lên, khoanh chân ngồi với những người anh em hình sự. Có tiếng suýt soa “cha, mới trỏng ra mà bật còn ác à nha”. Tôi cười cười, kéo trong bụng áo ra mớ bánh hồi trưa mua của bà cụ ở Đại Lãnh, còn khá nhiều.

 

- Thằng nào có cà phê làm cái cho xôm tụ đi. Thèm cà phê quá mạng.

 

Hai ba đứa nhốn nháo đứng dậy, thái độ hớn hở nhưng đứa lầm lỳ ngồi trong góc lên tiếng:

 

- Để tao. Tụi bây để tao làm cho ông anh.

 

Tôi thật sự cảm thấy chan hòa. Tôi biết mình vừa dùng đúng ngôn ngữ, tác phong của dân đầu đội trời chân đạp đất. Tôi cũng không dấu được chút cảm giác bâng khuâng. Tôi vốn xuất thân không cao sang gì. Từ ruộng đồng khốn khó, mò mẫm kiếm ăn trên từng chuyến xe lửa với số phận thằng cùng đường đi buôn lậu (1979 kinh tế VN ngăn sông cấm chợ rất khốc liệt, năm ba ký cà phê cũng là buôn lậu, năm ba ký gạo cũng là buôn lậu). Từ rừng với vài miếng võ liều, về Sàigòn sống giữa chợ đời chụp giựt, hàng ngày đổ từng bát mồ hôi trên những chiếc xích lô cà khổ “đêm ngủ hè phố ngày tập cua rơ”.

 

Đêm ấy, góc buồng tù số Một náo nhiệt hẳn. Đủ thứ câu chuyện thượng vàng hạ cám của giới giang hồ được phun ra. Nhà trưởng nhắc nhở hai lần, tập đoàn đầu gấu đã tụ về hầu hết ngồi đấu láo, có đứa đã nổi cáu đòi ăn thua đủ, tôi bảo, kệ họ, việc của ai người nấy làm. Vào tới đây rồi thì sợ nó cũng phí đi, mà nèn nhau ban đêm nó cũng chẳng đẹp đẽ gì, muốn gì đề sáng ra cũng chưa muộn …

 

Thâm ý của tôi là cần gởi cho ban giám thị một tín hiệu, rằng việc cách ly nhóm tôi với những đội tù chính trị, hòa lẫn vào đám hình sự … chỉ chứa sự nguy hiểm cho trại chứ không lợi ích gì.

 

Sáng sớm hôm sau, nhóm tù hải ngoại lại phải vác hành lý về lại nhà Ba. Anh em gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, dù là chỉ có một đêm, dù chỉ ngăn bởi có một bức tường.

 

… Được ba hôm, tôi nói với Dũng:

 

- Em không thể chịu được cảnh sống chung nhóm 10 người. Anh em trong xứ không có cả con cá khô mà ăn, trong khi hai đêm rồi, bia bọt những hằng trăm lon. Tệ hại quá đáng.

 

- Ừ, vậy hai đứa tách ra.

 

Hai anh em tôi tách ra, ăn cơm trại với vài bìa đậu phụ mà ngon ơi là ngon. Xúc động nhiều khi thì bó rau “ngoài 12”. Khi thì vài trái trứng của nhóm Fulro. Lúc lại nải chuối của “Nam trật duột”. Anh em ở chung với nhau, quần đùi xà lỏn, kiến thức như miếng bánh xèo, gặp dầu nóng thì nổi lên lềnh bềnh… chẳng ai dấu được ai cái cóc khô gì. Thằng phét lác sẽ hiện nguyên hình là thằng phét lác. Đứa hèn hạ, trước sau gì cũng bị phơi áo giữa… sa trường khốc liệt.

 

A20, quả là một trường đại học độc nhất vô nhị trên hoàn vũ cuối thế kỷ 20.

 

A20 Phạm Văn Thành
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn