Cương lĩnh này, ra đời năm 1991 dưới thời Đỗ Mười làm Tổng Bí thư đảng vào lúc thế giới Cộng sảng đang vỡ ra từng mảnh, đã được Bộ Chính trị thảo luận 2 lần bổ sung cho phù hợp với những thay đổi của thế giới và trong nước từ sau Đại hội đảng X năm 2006. Sau đó Ban Chấp hành Trung ương đảng X họp thêm 3 lần trong 2 năm 2009 và 2010 cộng với hàng chục hội nghị của các cấp đảng gây tốn phí không biết bao nhiêu tiền bạc của dân, nhưng phần nội dung quan trọng nhất vừa được Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tiết lộ vẫn chứa nhiều lý luận lạc lõng, phản dân chủ và cực kỳ chậm tiến.
Dưới tiêu đề “Những định hướng bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991”, bài viết của ông Trọng được phổ biến rộng rãi ở trong nước từ ngày 05-09-2010 nói rằng: “Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn thách thức còn nhiều. Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan.
Đảng đã nghiêm túc tự phê bình và sửa chữa khuyết điểm để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.”
Viết như thế là cố ý che giấu những thiếu sót và sai lầm nghiệm trọng như sau:
Thứ nhất, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới công nhận là một đất nước có “tự do”.
Thứ hai, người dân sống dưới chế độ Cộng sản chưa hề được “làm chủ đất nước, làm chủ xã hội”, bởi vì cán bộ, đảng viên chưa thật sự là “đầy tớ của nhân dân” mà là ông chủ cai trị dân.
Thứ ba, đa số trong 86 triệu người dân vẫn chưa “thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu”. Cách biệt giàu-nghèo giữa thành phố và thôn quê càng ngày càng lan rộng, đào sâu.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên Cộng sản, nhất là những kẻ có chức có quyền vẫn ngang nhiên ăn trên ngồi trốc lên đầu nhân dân. Cuộc phê bình và tự phê bình trong đảng thực hiện từ khóa VIII dười thời Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư đảng đến nay vẫn như nước đổ lá khoai. Quốc nạn tham nhũng, lãng phí, ăn bớt, ăn chận, nói nhiều làm ít, gian dối, hống hách đàn áp dân, coi pháp luật như mớ giấy lộn của cán bộ, đảng viên đã hết thuốc chữa.
Về viễn ảnh của một thế giới Chủ nghĩa Xã hội mà đảng CSVN đang bắt dân phải “quá độ” đến đó nhưng chưa ai biết nó sẽ như thế nào thì Dự thảo Cương lĩnh bổ sung lại viết như mơ ngủ rằng: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.
Lý luận hoang tưởng vô căn cứ này của đảng CSVN không có gì mới, nếu so với Cương lĩnh nguyên thủy năm 1991. Hồi đó, nhóm sọan thảo do Nguyễn Phú Trọng, khi ấy là Trưởng ban Tư tường-Văn hóa Trung ương điều hành dưới quyền của Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng viết: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử”.
Khoảng cách thời gian từ 1991 đến 2010 là 19 năm, nhưng loài người vẫn dửng dưng với Chủ nghĩa xã hội trong khi hai nước Cộng sản kiên trì nhất là Cuba và Bắc Hàn lại mỗi ngày một kiệt quệ, lạc hậu hơn cả thời thế giới Cộng sản do Liên Xô cầm đầu chưa tan vỡ.
Do đó khi nói về điều được gọi là “đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, ông Trọng cho biết Dự thảo Cương lĩnh bổ sung đã vẽ ra rằng: “Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”.
Kinh tế ăn vay
Nếu Việt Nam có được một xã hội tốt như thế thì mấy hồi mà dân ta chẳng vượt lên đứng ngang tầm thời đại với các dân tộc trên thế giới ? Nhưng nếu lấy quá khứ và hiện tại để đo lường thì xã hội và nhà nước tương lai của Việt Nam do Cương lĩnh bổ sung của đảng phô trương chẳng qua cũng chỉ là chiếc bánh vẽ ra để nhìn mà thôi.
Trong lĩnh vực Kinh tế, ông Trọng cho biết Cương lĩnh bổ sung tiếp tục chủ trương: “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Ông giải thích: “Khẳng định sự cần thiết phải phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh".
Nhưng Cương lĩnh mới cũng khẳngh định rằng nền kinh tế lý tưởng này lại vẫn do nhà nước “quản lý” và “chủ đạo”.
Bằng chứng sau 24 năm thi hành chủ trương “Đổi mới”, quyền bình đẳng giữa các công ty của nhà nước và tư nhân trong và ngoài nước đã không được nhà nước Việt Nam tôn trọng như đã viết trong hằng hà sa số văn bản Luật pháp. Đây là một trong những lý do khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài chán nản bỏ đi nơi khác làm ăn.
Bằng chứng đã được tạp chí kinh doanh nổi tiếng Forbes trưng ra (8-9-2010) và được tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam đăng lại vào ngày 9-9-2010 như sau: “Trong báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu “Best countries for business” năm nay của tạp chí Forbes, Việt Nam đã tụt 5 bậc, xuống vị trí 118 trong tổng số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Với sự tụt hạng này, Việt Nam thiếu chút nữa thì rơi vào top 10 đứng từ dưới lên, theo đánh giá của Forbes.
Năm ngoái, Việt Nam còn được tạp chí chuyên xếp hạng của Mỹ Forbes xếp ở vị trí 113 trong báo cáo thường niên “Best countries for business”, không thay đổi so với vị trí của năm 2008.
Báo cáo năm nay của Forbes đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam ở nhiều điểm như những nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển nền kinh tế theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế, tỷ lệ đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp vào GDP giảm từ 25% vào năm 2000 xuống còn 21% vào năm 2009, tỷ lệ đói nghèo cũng giảm xuống, các biện pháp kích thích tăng trưởng được áp dụng tích cực trong thời gian diễn ra suy thoái toàn cầu…
Tuy nhiên, Forbes cũng chỉ ra rằng, suy thoái toàn cầu đã khiến nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của Việt Nam yếu đi. Bên cạnh đó, thâm hụt cán cân vãng lai và môi trường đầu tư nước ngoài còn hạn chế là những điểm yếu của kinh tế Việt Nam, có khả năng gây áp lực mất giá thêm đối với tiền đồng. Cán cân thương mại của Việt Nam được Forbes ghi nhận ở mức âm 6,4%, GDP/đầu người là 2.900 USD/năm, tỷ lệ nợ công so với GDP là 53,7%.
Xếp hạng môi trường kinh doanh của Forbes được thực hiện dựa trên việc đánh giá các tiêu chí gồm mức độ tự do hóa thương mại, tự do tiền tệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, năng lực sáng tạo, trình độ công nghệ, tình trạng quan liêu, mức độ bảo vệ nhà đầu tư, tình trạng tham nhũng, tự do cá nhân, gánh nặng thuế má…
Yếu tố đánh giá khiến Việt Nam giảm điểm trong báo cáo năm nay là yếu tố bảo vệ nhà đầu tư. Ở hạng mục này, Việt Nam xếp hạng 125, tụt so với năm ngoái. Còn lại, ở các tiêu chí khác, xếp hạng của Việt Nam không có sự thay đổi.
Có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ được Forbes xếp hạng năm nay, từ chỗ có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ được tạp chí này đưa vào báo cáo năm ngoái”.
Mâu thuẫn của chính sách kinh tế của đảng CSVN là ở chỗ làm kinh tế thị trường theo sách vở của Tư bản nhưng vẫn thòng vào cái đuôi vô nghĩa theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho đỡ ngượng, chẳng khác gì lấy râu ông nọ cắm vào cằm bà kia.
Việc làm không giống ai này đã được Nhà văn cựu đảng viên Phạm Đình Trọng, lật tẩy trong bài “Lời Cuối Với Đảng” của ông ngày ngày 27 tháng 4 năm 2010: “Nếu thẳng thắn công khai thừa nhận sự giã từ chủ nghĩa Mác Lê nin thì đảng Cộng sản, con đẻ của chủ nghĩa Mác Lê nin, không còn chỗ đứng, không còn vị thế độc tôn trong xã hội phi Mác xít. Vì thế, trong thực tế đời sống, đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn giã từ chủ nghĩa Mác Lê nin nhưng vẫn duy trì một xã hội Mác xít để duy trì chỗ đứng, duy trì vị thế độc tôn cho đảng Cộng sản, trong khẩu khí vẫn phải hùng hồn tuyên bố tiếp tục đi theo chủ nghĩa Mác Lê nin và trong đường lối kinh tế phải thòng thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa! Thế là sự ngụy trang đã hoàn hảo! Cả hệ thống tuyên truyền đông đảo, hùng hậu cứ việc tấu lên bài ca: Chủ nghĩa Mác Lê nin mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta! Chủ nghĩa xã hội tươi đẹp là ước mơ ngàn đời của dân tộc ta! Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sáng tạo vĩ đại của đảng ta!”
Ông Trọng là một trong số đảng viên kỳ cựu đã tự ý trả thẻ đảng để công khai vạch ra những sai lầm cố hữu và phản dân tộc của đảng.
Ông chỉ ra những mâu thuẫn của nền kinh tế “giở giăng giở đèn” của đảng: “Vậy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chọn lọc những gì từ hình thái kinh tế và hình thái xã hội trên? Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên không thể chấp nhận tinh hoa của nền dân chủ tư sản. Cũng không có giáo dục, y tế miễn phí. Đi học từ mẫu giáo đã phải đóng tiền. Những năm học tiếp theo số tiền cha mẹ phải chi cho con đi học càng ngày càng chồng chất. Kinh tế thị trường hoang dã ngang nhiên hoành hành trong giáo dục và y tế. Ngành giáo dục làm tiền học trò đã trở thành vấn nạn xã hội nhức nhối từ nhiều năm nay. Ốm đau vào bệnh viện phải trả đủ các loại tiền! Từ quyển sổ khám bệnh mỏng tang cũng phải mua giá cao. Nhiều người bệnh nghèo đành nằm nhà đợi chết vì không có tiền vào bệnh viện! Thế là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ còn là sự kết hợp của “lạnh lùng trả tiền ngay” với bạo lực chuyên chính vô sản mà thôi!
Chủ nghĩa xã hội đến bước đường cùng phải cầu cứu đến kinh tế thị trường để tìm lối thoát. Nhưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là lối thoát cho đảng Cộng sản mà thôi!”
Kiên trì...
Điểm sau cùng nhưng đóng vai then chốt trong Dự thảo Cương lĩnh bổ sung 2011 tiếp tục khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”.
Cương lĩnh nguyên thủy 1991 cũng đã viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”.
Như vậy thì bổ sung hay không bổ sung có khác gì đâu mà tại sao những người làm công tác tư tưởng của đảng phải làm ồn lên như ong vỡ tổ?
Chẳng lẽ những đảng viên này là những người không bình thường hay những chữ điên đã chui vào đầu họ nên người dân mới ra nông nỗi này?
Phạm Trần
Gửi ý kiến của bạn