Thức giấc trong im vắng, một thứ im vắng rờn rợn pha lẫn thú vị, cảm giác như toát mồ hôi dù trời gây gây lạnh vì đang có bão ngoài biển Đông vào. Trải qua giấc mơ ngắn sống lại buổi chạy loạn ngày bé.
Chiều ấy Tây bắn cà-nông tới tấp và càn về, đạn nhọn líu líu trên ngọn tre. Nó thả bom napalm cháy rực một góc làng. Thịt da, máu người tung tóe trên cánh đồng muối trắng xóa. Chập choạng tối thì im, sau lũy tre lại đỏ đèn và rầm rập tiếng chân, tiếng người quay về gọi nhau í ới. Chưa hiểu gì nhiều nhưng ấn tượng ghét Tây có từ những lần như vậy. Những năm khôn lớn sau đó hiểu Tây phải kéo cờ trắng ở Điện Biên Phủ là chuyện không thể khác được. Và hình như cái giá mà Tây phải trả còn hơi rẻ! Lẽ ra phải là cuộc tháo chạy kiểu Dunkerque hồi Chiến tranh thế giới lần 2 mới thật sự là đáp án của lịch sử.
Đất nước này chỉ mấy chục năm mà bao nhiêu loạn lạc đủ thứ lính nước ngoài và trẻ con sớm biết tên súng đạn, tên những cuộc hành quân bằng tiếng Tây rồi tiếng Mỹ, chắc không ở đâu như thế cả. Ấn tượng Loạn in sâu trong lòng những người cùng thế hệ với tôi mà giờ còn sống. Sự bình an ngoài đời và cả trong tâm hồn bị đánh cắp, mất mát không được bù đắp mà thật sự thì cũng không thể bù đắp bởi bình an gắn liền với cả một tuổi thơ! Hồi nhỏ tôi nghe người theo đạo Công giáo hát "Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an...”, còn tôi tôi có câu hát nào như thế đâu?
Loạn lạc tấn công càn quét bình an và không ngờ cuộc “càn” này lại dai dẳng đến tận bây giờ như nước chảy vào chỗ trũng làm những bước chân đi lẹp nhẹp! Những ngày này đọc báo và cả nhìn ti-vi thấy đúng là đang có khá đủ thứ “loạn”. “Loạn” cò bệnh viện hoạt động công khai níu kéo người bệnh vào những phòng mạch tư mọc tua tủa quanh các bệnh viện thật trớ trên so với câu “chăm sóc sức khỏe nhân dân”. “Loạn” phí học đường kiểu máy bay tàng hình cánh cụp cánh xòe, trên ra lệnh cấm thu phí linh tinh, dưới không phản đối nhưng đường ta ta cứ đi, chỉ khổ phụ huynh vừa phải móc túi thêm vừa ngơ ngác hỏi “kỷ cương, sư phạm ở đâu?”. “Loạn” giao thông làm chết 30 người mỗi ngày tương đương một trung đội quân thời chiến, giải pháp đưa ra toàn là giải pháp kỹ thuật, còn điều quan trọng là ý thức của người lái xe thì hỡi trời đó là một thứ “loạn”…phớt lờ!. “Loạn” từ những tên lưu manh đầu đường xó chơ xin đểu, cướp bóc, đến đại loạn lừa đảo tài chính, siêu lưu manh tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng. Và có cả “loạn” môi trường do các nhà máy vô tư xả thải tươi ra sông vv. và vv…tức là còn rất nhiều thứ loạn khác nữa, bao trùm lên lãnh vực kinh tế, văn hóa và giáo dục và bao nhiêu lĩnh vực khác.
Ê ẩm nhất là “loạn” sử dụng bằng cấp dỏm, giả trong giới quan chức, như vụ một Thứ trưởng khai có bằng tiến sĩ ở nước ngoài nhưng trường sở tại nói không phải bằng doctor, chỉ là tờ chứng nhận tu nghiệp! Không thể quên có những “loạn” giết người, trong đấy vợ giết chồng như vụ một nhà báo đang ngon giấc bị vợ tưới xăng đốt tử vong (và ngược lại), con giết cha, cha ra tòa vì giận vợ giết luôn đứa con 18 tháng tuổi…
Những người thuộc thế hệ sau tôi có hạnh phúc là từ bé đã không in sâu trong lòng cảnh loạn lạc của chiến tranh, nhưng nay họ là nhóm người đi ngoài đường nhiều nhất, có quan hệ xã hội nhiều nhất, họ chứ không ai khác đang gánh bao nhiêu và cũng gây ra bao nhiêu là “loạn”! Đến nay không còn chiến tranh, không có người ra đi không trở về, không còn những chiếc hòm bằng kẽm mà trong đó có khi là đất thay vì thây một người đưa từ máy bay xuống cùng với một khuôn dáng nhàu nhĩ tan tác của người phụ nữ không kịp cuốn khăn tang. “Ngày mai đi nhận xác chồng/ Và đi để biết mình không là mình” ai đó đã làm thơ như vậy khi đột xuất trở thành một trong những tình huống có vẻ không nhàu nhĩ (vì là nhà thơ?) mà lạnh lùng chết người như thế.
Cuộc chiến tranh đã kết thúc mấy mươi năm, nhưng hiện nay thực sự có thanh bình không? Không! Văn hóa, lối sống, lòng tin, kỷ cương của xã hội đang bị nhiễu loạn gây ra một bầu không khí bất an, thì bình an thế nào được?.
Thơ tôi làm sao tránh khỏi loạn lạc khi tôi làm ra nó từ trái tim này, từ mảnh đất này, thơ tôi đầy những “loạn lạc” mà có lẽ tự trong tâm khảm nhận thấy những cơn loạn đó từ tuổi cần được nuôi dưỡng bởi một thứ khác, là sự bình an tỏa ra từ người lớn, từ không gian sống…Gần 50 năm trước, một buổi chiều bơ vơ ở Đà Nẵng tôi đã có những câu thơ này “Đời sống đen như tóc em đen/ Màu mực đen vẫn viết thư tình/ Những đêm đen hằn sâu ký ức/ Có thể nào em giúp anh quên”. Và theo dòng, nhiều năm trong thơ mình, tôi cứ dai dẳng và âm thầm đi tìm sự bình an, là thứ cao hơn cả mọi thứ. Tìm và thấy là hai vế của một đẳng thức nhưng nhiều khi lại mơ hồ e ngại biết đâu đó có thể là một bất đẳng thức!
Tôi sinh ra năm đầu cuộc Chiến tranh thế giới lần 2 và tất nhiên sẽ ra đi trong những năm sắp tới- một thời loạn lạc, vậy là đời tôi không phải một thời bình an! Thôi cũng đành, thở thật dài mà nói thế, đành là mong sự bình an sẽ có cho những đứa cháu của tôi mà đứa lớn nhất mới 6 tuổi đang chuẩn bị vào lớp Một vào đầu tháng 8-2014. Một thời vua Nghiêu, một thời vua Thuấn, một thời Nguyên Phong…thảng hoặc hiện ra nhưng lại chỉ trong ước mơ khi... tỉnh ngủ! Bí quan hay chính là hiện thực?
Gửi ý kiến của bạn