BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76768)
(Xem: 63135)
(Xem: 40537)
(Xem: 32162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nỗi buồn tướng Vịnh

09 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 3120)
Nỗi buồn tướng Vịnh
52Vote
42Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.54
Tôi là người viết nhiều. Vậy mà, sau khi nghe, đọc những điều ông Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói “với Trung Quốc” ngày 25.8, ngòi bút của tôi bỗng như bị khô mực, ý tưởng bỗng trở nên rối loạn. Tôi hoang mang khi không thể phân định được những lẽ đúng sai mà tướng Vịnh đã nói, đã ám chỉ. Vì đã có rất nhiều bài bình luận về chuyện này, nên tôi không đi vào chi tiết, chỉ lạm bàn dưới dạng tản văn...

1. Cái nguyên tắc “ba không” mà tướng Vịnh đưa ra đã lạc hậu và xưa cũ lắm rồi. Chính trị, ngoại giao thì cũng chỉ là “cuộc đời lớn” của chính con người – hình đồng dạng của sự ứng xử trong đời. Cay đắng nhất của kiếp người là mỗi chúng ta có rất nhiều “bạn”, nhưng lúc gian khó, tuyệt vọng, tất cả các dạng thức “bạn” đó đều bỏ chạy.

Đừng trách người mà hãy tự trách mình: Bắt cá nhiều tay như thế thì chẳng khác gì câu thành ngữ của phương Tây – một con chim trong tay hơn rất nhiều con trên cây. Làm bạn với tất cả mọi quốc gia cũng chẳng khác gì nói tôi yêu tất cả loài người – bao gồm cả tội phạm ma túy, trộm cướp, găng-tơ, những kẻ giết người...

Cách nói đó cũng là “mô hình” chung của mệnh đề rất quen tai: một số đồng chí chưa tốt, một số con sâu. Nó phản ánh cái nửa vời, cái đoản kiến của tư duy, cái lập lờ của tình cảm (chân thành), cái bối rối của phương pháp tiếp cận, cái dại dột cũ mòn trước một thế giới đang được rạch ròi hóa, cụ thể hóa.

Chưa bao giờ đất nước Việt Nam cần một đồng minh chiến lược như lúc này. Đừng tự hào vì “tài năng” đi giữa Liên Xô – Trung Quốc để mưu lợi một cách cơ hội nữa. Vì dẫu có thành công trong một giai đoạn nào đó thì về lâu dài, chẳng ai tin anh. Đã không tin thì không thể có hợp tác chân thành, không thể có sự hết mình với tư cách là đồng minh.

Trong cuốn sách Biểu tượng thất truyền, Dan Brown có cho biết rằng thuở xa xưa, những người thợ điêu khắc đã “sửa chữa” sai lầm của mình khi tạc tượng (đá nứt nẻ, mẻ, sứt) bằng cách nấu sáp nóng chảy để xóa mờ các dấu vết chắp vá, hàn kết. Vì vậy, một pho tượng có giá trị là pho tượng được khẳng định rằng nó “không có sáp” (sine sera) – và, đó là nguồn gốc của chữ “chân thành” trong tiếng Anh (sincerely). Như vậy, nếu không có chân thành, nếu quan hệ ngoại giao mà khi nào cũng ngập tràn sáp, ngập tràn sự nửa vời của son phấn thì cái kết cục tất yếu sẽ là sự tan chảy dưới ánh nắng mặt trời nghiệt ngã của chân lý. Mà chân lý là cụ thể: Không thể chân thành với tất cả mọi hạng người, nhưng nhất thiết phải có sự chân thành trong quan hệ đồng minh chiến lược theo nguyên tắc ràng buộc của các lợi ích chiến lược, đó là con đường sống còn khi tình thế hiểm nguy, phức tạp trở thành mối đe dọa lừng lững trên đầu mình. Làm gì bảo vệ được lợi ích chiến lược nếu bấy giờ mình là kẻ thân cô, thế cô vì cứ muốn ôm chân cả kẻ thù và bạn hữu? Bài học từ Hoàng Sa năm 1974, từ chiến tranh biên giới năm 1979, từ Trường Sa năm 1988…, chẳng lẽ chưa đủ thuyết phục về cái cách tìm sai “bạn” đồng minh chiến lược hay sao? Hãy giở Hiệp ước hữu nghị Việt – Xô, 3.11.1978 ra sẽ thấy Liên Xô đã cam kết thế nào và đã rất “lấy làm tiếc” khi Trung Quốc tấn công Việt Nam ra sao.

2. Tướng Vịnh tuyên bố với phóng viên mạng Hoàn cầu của Trung Quốc rằng “về phần Việt Nam, chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành đồng minh quân sự của Mỹ”(!)?

Có lẽ, tướng Vịnh chưa bao giờ đọc lịch sử để biết các chính khách phương Tây ăn nói ra sao? Ví dụ, khi phê phán Chính phủ Pháp vong ân bội nghĩa về chuyện Mỹ cứu nước Pháp khỏi phát xít Đức năm 1945 mà quay ra phê phán Mỹ quyết liệt trong chuyện tấn công Iraq, TT Bush nói: “Người Pháp là dân tộc không thích nghĩ về quá khứ” (tức là ăn cháo đái bát!). Hoặc, để đe dọa Liên Xô, trong diễn văn nhậm chức năm 1981, R. Reagan nói rằng “và, các kẻ thù tiềm tàng của nước Mỹ cần phải biết rằng chúng ta sẽ tăng cường sức mạnh vì chúng ta biết rõ đó là cách tốt nhất để khỏi phải đem sức mạnh đó ra dùng”...

Cụm từ “không bao giờ” là cụm từ hầu như không có trong tự điển ngoại giao, bởi vì nó không đúng, nó vô lý và nó... dại khờ, nói trắng ra là ngu xuẩn. Không có cái gì được hạn định bởi không bao giờ! Đó là chân lý của muôn đời vì sự biến thiên của nhận thức, sự không tưởng có thật đã được lịch sử chứng minh rất nhiều lần. Tại sao lại không thể nói là “trong một tương lai xác định (có thể nhìn thấy được), Việt Nam chưa có ý định liên minh quân sự với bất kỳ nước nào”? Nói như tướng Vịnh chẳng khác gì ném vào mặt Ngoại trưởng Mỹ một cái gì đó thật đau lòng, bởi chỉ cách đó mấy ngày, chính bà Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, và người Trung Hoa đã tức tối vô cùng. Họ tức tối có nghĩa là Việt Nam đã giành điểm tối đa. Vì sao lại không hiểu cái lẽ tối thiểu thông thường đó?

3. Không thể hòa giải với Trung Quốc chừng nào họ không thật tâm giải quyết cái lưỡi bò, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi sự níu kéo chỉ là vô ích.

Xin hỏi tướng Vịnh là nếu nhà hàng xóm lấn chiếm đất đai của ông, đánh đập vợ con ông thì ông có hữu nghị với họ không, khi họ không trả lại phần đất lấn chiếm, khi họ cứ tiếp tục đánh đập, hãm hại những người thân thiết (ngư dân Việt Nam)? Chắc chắn là không. Đừng có ảo tưởng tin vào lòng tốt của bá quyền đại Hán. Một trong những đại Hán có thể “nói chuyện” được nhất là tướng Lưu Á Châu đã nói thẳng ra rằng “Mục đích duy nhất của quyền lực là thay đổi để có quyền lực lớn hơn nữa” (Viet Studies).

Làm sao tướng Vịnh có thể nói “sự phát triển của Trung Quốc, trong đó có quốc phòng (Tân Hoa xã dịch là phát triển quân sự), Việt Nam ủng hộ và vui mừng”? Thứ nhất, nếu Tân Hoa xã dịch sai thì ông phải đính chính cho công luận biết. Thứ hai, chẳng có nước nào lại vui mừng khi nước láng giềng tăng cường sức mạnh quân sự trừ phi giữa hai nước đã có hiệp ước liên minh quân sự. Thứ ba, những điều tướng Vịnh nói chỉ diễn ra mấy ngày sau khi Trung Quốc thăm dò dầu khí cách bờ biển Quảng Ngãi có 90 hải lý – trắng trợn chà đạp chủ quyền, an ninh của Việt Nam, nên không thể chấp nhận được. Vui mừng cái nỗi gì khi chúng nó ba bề bốn bên toa rập, bao vây và ép Việt Nam như ép mía trên mọi lĩnh vực? Không thể nhân nhượng, không thể đan tay vào nhau (bó tay) hoặc cúi mình khúm núm đưa cả hai tay ra vồ lấy một tay của người ta được nữa (cứ nhìn ảnh sẽ thấy).

Đôi khi tôi chợt nghĩ hoang mang rằng phải chăng rất nhiều người đang sợ sự phát triển của lòng yêu nước? Họ sợ vì cho rằng một khi lòng yêu nước được dâng lên vô bờ bến sẽ trở thành những đợt sóng có sức mạnh phi thường cuốn trôi đi tất cả mọi rác rưởi của sự ngu tối, đớn hèn, tham lam, thiển cận? Ước gì điều tôi nghĩ bị sai.

Cách đây mấy năm, con gái tôi đi học quân sự về nói: “Ba ơi, các thầy nói “thằng Clinton”, “thằng Bush”; trong khi ba dặn không được nói như thế, làm sao hở ba”? Tôi không thể trả lời. Cách đây ít ngày, con trai tôi đi học quân sự về, kể: “Các thầy nói các em chuẩn bị tinh thần chứ rất có thể Tàu nó sẽ đánh mình”. Lời kể đó là liều doping cần thiết để cho tôi viết những dòng này. Ít nhất, tôi tin, không ít sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã ý thức được mối nguy hiểm cận kề. Tại sao tướng Vịnh lại không hiểu?

Cách đây hàng chục năm, tôi đã thuộc nằm lòng bài thơ Tố Hữu viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trong đó có bốn câu thật hay, tôi xin đọc lại cho tướng Vịnh nghe: Tưởng lại đưa anh ra chiến trường/ Đường về vó ngựa thẳng dây cương/ Ngày mai ai biết chiều nay phải/ Vĩnh biệt anh nằm dưới bóng dương. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không bao giờ lầm tưởng. Là người lính, ông luôn thẳng dây cương trước mọi kẻ thù chứ chẳng bao giờ bó gối, đan tay. Chắc ông sẽ không tin “Ngày mai ai biết chiều nay phải vĩnh biệt” những can trường, sự hy sinh và lòng dũng cảm vô bờ của người lính trước những đe dọa, chà đạp thô bạo của kẻ thù? Bởi đó quả là nỗi buồn xa xót đến tận cùng trong mọi trái tim Việt đang nhức nhối, đớn đau...

Huế, 5.9.2010

HVT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn