BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Dư luận viên

24 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 972)
Dư luận viên
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi đang ngồi làm vài việc vặt ở nhà thì Tùng, cậu bạn ở cơ quan cũ của tôi đến. Chào “anh” xong, Tùng nói:

“Nhà anh Hảo có việc rủi lắm anh ạ.”

Tôi nhìn với ý dò hỏi.

“Thằng N. Chẳng biết có việc gì, chiều qua nó đi đâu đó với thằng T. Lúc đó anh Hảo chị Hiên không có nhà. Khoảng 4 giờ, anh chị ấy về, không thấy nó ở nhà, gọi điện cho nó, nhưng được một lúc thì thấy tắt máy. Lúc nhá nhem, anh chị nấu cơm xong đang chờ thì thấy taxi đến cổng, rồi hai người ở trong chui ra, kéo nó ra, xốc hai nách nó đưa vào nhà. Thấy bảo chị Hiên lúc đó ngất luôn… Em mới biết vậy.”

“Bây giờ nó đang ở đâu? Ở nhà hay bệnh viện?” Tôi hỏi.

“Hình như ở bệnh viện X. Chắc khoa cấp cứu.” Tùng nói.

“Thôi, đi. Đến đó.” Tôi nói và vào buồng lấy ít tiền.

Tùng quay đầu xe máy. Tôi ngồi lên và hai chúng tôi đến bệnh viện X.

Vào đến phòng bệnh nhân cấp cứu, tôi thấy hai vợ chồng Hảo đang phủ phục cạnh giường bệnh của đứa con duy nhất. Bác sỹ cũng đang ở đó, vẻ mặt có vẻ ái ngại.

“Sao thế này?” Tôi hỏi.

Hảo bỗng tru lên khóc. Còn Hiên vợ Hảo lại không khóc. Cô ấy rũ rượi, chỉ thấy vai giật nhẹ.

“Em không biết nữa.” Hảo thổn thức. “Hôm qua nó ở nhà không đi làm, em với mẹ nó đi có việc. Gần 4 giờ chiều về không thấy nó ở nhà, nhà em gọi cho nó nhưng được một lúc thì thấy tắt máy. Lúc đó bọn em cũng sốt ruột, nhưng không ngờ… Đến tối thì thấy hai người tầm ngoài 30 đi taxi đến, kéo nó ra rồi xốc nách đưa vào nhà. Em sợ quá, hỏi có việc gì nhưng hai người kia không nói. Họ lôi nó vào giường, đặt nằm ra đó rồi đi. Nhà em rú lên rồi ngất luôn. Em quát hỏi hai người đó “Các anh là ai? Làm gì con tôi?” nhưng bọn chúng không nói câu nào, ra xe biến mất…”

Hảo nghẹn lời không nói tiếp được.

Chú em của Hảo lúc ấy cũng có mặt ở đó, nói nhỏ với tôi:

“Chẳng biết chuyện gì anh ạ. Chỉ thấy thằng con em nói anh N. dạo này làm việc với an ninh, làm dư luận viên gì đó.”

“Đã có ai thử liên lạc với thằng T. để hỏi có chuyện gì chưa?” Tôi hỏi.

“Anh Hảo với em đã gọi cho nó hàng chục lần, nhưng toàn thấy trả lời tự động “không liên lạc được”.” Chú em Hảo nói.

Tôi nhìn bác sỹ, hỏi: “Tình trạng cháu thế nào ạ?”

“Xấu lắm bác ạ. Chắc tổn thương não nặng.” Người bác sỹ nói.

Tôi không biết nói gì với vợ chồng Hảo. Tùng cũng im lặng. Khoảng 40 phút sau, tôi và Tùng đưa cho Hảo ít tiền rồi về.

Hơn một tháng sau, qua mấy cuộc gặp gỡ, lân la dò hỏi, một việc mà trước đây tôi chưa bao giờ làm, trong đó có cả câu chuyện mà thằng cháu họ trong cái “ngành ấy” rỉ tai với tôi nửa úp nửa mở, tôi hình dung ra một màn kịch như sau – một sự hình dung kỳ lạ, cứ như sau khi xem một bộ phim.

*

N. đang gõ dở cái “còm” cho một bài trên một blog “lề trái” thì T. bạn nó đến. T. không vào nhà, đứng ở giữa ngõ móc móc hai ngón tay, nửa như khều, nửa như vẫy, nói: “Này, đi! Có việc. Nhanh lên!”

N. chưa bao giờ thấy T. có thái độ như vậy với nó. Xẵng giọng. Lạnh mặt. Có gì đó có vẻ nghiêm trọng.

N. dập laptop, xỏ quần, khoác vội áo, nhét điện thoại di động vào túi quần, khóa cửa nhà rồi đi theo T. Ngồi sau xe máy của T. đi được gần cây số, N. hỏi: “Việc gì vậy?” T. im. Vài phút sau mới nói: “Đến nơi biết.” N. muốn hỏi đi đâu nhưng lại thôi.

T. đưa N. đến một ngôi nhà ống, hẹp ngang nhưng có khoảng sân khá dài phía trước, nghĩa là cửa thụt sâu so với những nhà chung quanh có cửa chính sát mặt đường. Phía trên khoảng sân là một giàn dây leo, nên nơi này có vẻ hơi vắng ngay giữa phố xá nhộn nhịp. Ngôi nhà hình như đấu đuôi với một toà nhà của cơ quan an ninh với cửa mở sang phố bên kia.

Đến giữa sân, T. chỉ vào trong nhà và nói “Vào đó đi” rồi quay xe đi luôn.

Khi N. còn đang ngần ngại chưa muốn bước vào ngôi nhà lạ thì một người đàn ông tuổi trạc 35, rất chắc chắn, mặc quần bò và áo thun cộc tay, thò mặt ra cửa và vẫy N. vào. N. vừa bước qua cửa thì người đàn ông khép cửa và cài chốt lại rồi bật đèn. Trong phòng trước của ngôi nhà không có gì ngoài một cái bàn và hai cái ghế gỗ. Không có cửa sổ. Chỉ có lối đi hẹp thông vào bên trong khá tối. K. xỏ đôi găng tay. N. bỗng thấy lo sợ. Nhưng cảm giác đó chỉ kéo dài mấy giây. Một cú đấm thôi sơn giáng thẳng vào giữa mặt N. làm nó té ngửa ra, đập đầu vào tường rồi gục xuống nền nhà. Nó lồm cồm bò dậy, không bị ngất, nhưng hầu như không còn nhận thức. Mặt nó tóe máu. Khi nó lom khom đứng dậy, cú đấm thứ hai nện vào má trái, sát tai, làm nó lại gục xuống, chảy máu tai.

Người đàn ông, tên K., bỏ nó đó, đi vào phòng trong. K. nói gì đó với một nhân vật người đậm, tuổi tầm 45, có vẻ là cấp trên. 10 phút sau, K. đi ra, cầm theo gáo nước lạnh đổ ụp lên dầu N., lúc đó đang ngồi gục mặt, run bần bật.

N. ngước lên. Gần như không thể nhận ra cái mặt của nó nữa. Méo xệch và tái nhợt. Mấy chỗ sưng vù. Đôi mắt ngây dại. Nó có cái vẻ còn ghê gớm cả sự kinh hoàng. Máu, nước mũi và nước vừa dội vẽ trên mặt nó những vệt loang lổ trắng đỏ xen lẫn và tong tong rớt xuống áo, xuống háng, xuống nền nhà.

Người đàn ông lại đi vào bên trong, đem ra một chiếc laptop đang mở, đặt lên bàn. Rồi K. ngồi xuống một trong hai cái ghế. Vài phút sau, K. móc móc hai ngón tay, giống như T., ra hiệu cho N. lại gần rồi chỉ vào chiếc ghế kia. Phải đến dăm bảy phút sau, N. mới vừa đi vừa bò lại được chiếc ghế, rồi lẩy bẩy ngồi lên. K. không tỏ ra sốt ruột. Y đã có kinh nghiệm xử sự với loại người như N., tức là những “đối tượng” mà K. phải “làm việc” bằng nắm đấm. K. hiểu rằng sau những cú đòn thì bọn đó dù rất muốn tuân lệnh tức khắc, nhưng cơn choáng cùng với sự hoảng loạn và kiệt sức không cho phép nạn nhân chuyển động nhanh như lúc bình thường.

“Cái gì đây?” K. nói và dùng ngón tay trỏ chỉ vào màn hình laptop.

Phải vài phút sau, N. mới định thần nổi để xem cái gì đang hiện ra trên màn hình. Đó là một bài báo lề trái, bên dưới có cái bình luận khá dài, phải đến trăm mấy mươi chữ, mà chính nó viết từ hôm trước. Bài báo phê phán nhà cầm quyền về vấn đề gì đó, nhưng cái “còm” lại chửi tác giả chỉ vờ phê phán chính quyền mà thực ra là bênh vực. Trong “còm” có những câu nói rằng tác giả bài viết là “đặc vụ đội lốt nhà dân chủ”, là “tay sai của nhà nước.”

“Thưa… thưa anh… Đó là các chú các bác… giao cho em. Em… là… dư… dư luận viên ạ…” N. lắp bắp. Sự hoảng loạn cực độ và cặp môi sưng vều làm cho nó phát âm rất khó khăn.

“A, vậy ra mày lợi dụng danh nghĩa dư luận viên để lên mạng chửi chế độ, chửi lãnh đạo?”

“Không… không ạ. Em chỉ… chỉ làm theo chỉ đạo.”

K. giơ tay lên. Lần này chỉ là một cái tát, nhưng cũng đủ làm cho N. té nghiêng, chống tay xuống nền nhà. Rồi K. lại chỉ tay ra lệnh cho nó ngồi lên ghế.

“Vậy ra theo mày nói thì các anh lãnh đạo xúi mày chống nhà nước?” K. nói.

“Dạ không… không phải vậy ạ.” N. cố hết sức nói rõ ràng. “Nhưng các chú ấy nói phải chia… chia rẽ bọn dân chủ giả hiệu… làm cho bọn họ nghi kỵ lẫn nhau… Muốn… muốn thế thì thì phải vu cho bọn họ là mật vụ… tức… tức là an ninh ấy ạ.”

N. đứt hơi. Nó dừng lại, thở hổn hển một lúc rồi nói tiếp.

“Mà để việc vu khống có lý thì em… với bọn bạn em… phải giả vờ còn chống chế độ mạnh hơn bọn họ. Có nhiều kiểu “còm” anh ạ. Cũng có kiểu đứng về phía nhà nước chửi bọn chống nhà nước. Nói giống như báo nhà nước. Nhưng kiểu mà bọn em được giao thì khác…”

K. cười khẩy.

“Mày không phải dạy tao. Tao còn là bậc thầy mày. Tao thừa biết những chiêu đó. Nhưng giả vờ lên án nhà nước thì chỉ nói chung chung thôi. Đằng này mày viết còm y hệt bài chống chế độ, thì mày đứng hẳn sang bên kia với chúng nó còn gì. Mà mày đã lạm dụng chuyện này nhiều lần, thành hệ thống. Mày rõ ràng là tên phản động lợi dụng nhiệm vụ được giao để viết bài chống đối!”

Giọng nói của K. không hề gay gắt, thậm chí khá nhỏ, nhưng mỗi âm phát ra như một ngọn roi điện quất vào người N. làm nó run bắn. Nó trố mắt to thêm, mồ hôi vã ra trên cái mặt càng lúc càng tái nhợt. Một vẻ kinh hãi cực độ lộ ra trên mặt nó. Nhưng K. không mảy may xúc động.

“Mày không phải chỉ có tội ấy. Mày đã biết quá rõ những điều mà cấp trên của tao đã truyền đạt cho chúng mày. Với những thằng như bọn tao thì việc biết đó không sao. Nhưng với loại phản phúc như mày thì phải có cách để làm những điều biết đó bật vĩnh viễn ra khỏi đầu mày.”

“Thưa anh… Em biết tội rồi… Nhưng chú B…. chú ấy nói sao ạ?”

B. là sếp của K., là người đã từng khen N. thông minh, được việc.

“Chú B. hả? Chính “chú mày” ra lệnh cho tao xử lý mày đấy…”

N. càng trố mắt to hơn như muốn làm khóe mắt nứt ra.

K. đứng dậy, áp sát lại chỗ N. N. định sụp xuống lạy. Nhưng K. đã móc mấy ngón của bàn tay trái vào yết hầu nó, dựng nó lên, dùng cả hai tay xoay người N. quay lưng lại phía mình, rồi vung tay phải giáng một quả đấm cực mạnh vào gáy nó. N. ngã sấp, đập trán vào chân tường. Lần này nó ngất đi tức khắc.

K. đi vào trong lần thứ ba. Từ trong đó, một thanh niên mặc áo choàng trắng đi ra, tay cầm bơm tiêm. Thanh niên đó đi lại chỗ N., bơm cái dung dịch trong bơm tiêm vào ven của N. Xong, hắn im lặng biến vào trong.

Chợt điện thoại di động trong người N. đổ chuông liên tục. Một phút sau, K. đi ra, thọc tay vào túi quần N., rút chiếc điện thoại ra, tháo pin rồi lại đi vào bên trong.

*

Hơn hai tháng sau, tôi đến nhà Hảo. Vào đến ngõ, tôi thấy hai vợ chồng Hảo đang ngồi ở hè. Cả hai đều tiều tụy, vẻ mặt vô hồn. Hảo chưa đến 60 nhưng trông như ngoài 70, tóc bạc già nửa, còn Hiên kém Hảo vài tuổi nhưng trông như bà lão 80, tóc gần bạc hết. Cả hai đang dán mắt vào gương mặt đứa con trai 26 tuổi, vốn là đứa sáng sủa, thông minh, và trước đó vài tháng đã chuẩn bị cưới vợ. Bây giờ thì cái mặt nó trông ngây dại. Thỉnh thoảng nó khóc. Thỉnh thoảng cười. Rồi bỗng rú lên thất thanh, rồi quỳ mọp xuống la lối và liến thoắng nói những gì nghe không rõ, ngoài mấy từ “em lạy anh”.

NGUYỄN TRẦN SÂM

Nguồn Lề Bên Trái
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn