BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Văn nghệ 'vô cảm'

02 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 1175)
Văn nghệ 'vô cảm'
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
“Nhìn cái xấu cái ác mà không bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi ai lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy!”

Một thanh niên tham gia biểu tình gần Tòa Đại Sứ Trung Quốc ở Hà Nội bị công an chìm bắt đi. (Hình minh họa: An Nam/AFP/Getty Images)


Những dòng chữ các bạn vừa đọc không phải là một định nghĩa lấy ra từ một cuốn từ điển nào mà chỉ là những ý tưởng của một em học sinh lớp 9 tại Việt Nam, trình bày trong một bài luận văn về tính “vô cảm,” là tĩnh từ mới, không thấy trong những tự điển cũ để nói về một trạng thái thờ ơ, tê cứng của tâm hồn trước những những điều đang xảy ra chung quanh mình, được thấy hoặc được nghe.

Thái độ này là thái độ của kẻ bàng quan đứng ngoài cuộc, cũng có thể xem là thái độ “tọa sơn quan hổ đấu,” mặc dù không có tính cách thủ lợi như trong một thành ngữ của Trung Quốc ngày xưa, nhưng rõ ràng là một thái độ thờ ơ, không thân thiện, không có trách nhiệm cũng không muốn dây dưa phiền toái đến mình. Một đứa trẻ qua đường bị xe đụng, bị thương nằm giữa đường, tài xế đã vô trách nhiệm bỏ chạy, khách qua đường cũng để mặc, thờ ơ, đi thẳng. Thái độ này phát sinh từ tâm trạng một phần không muốn dính líu đến sự việc như phải khai báo, làm chứng, mặt khác đã mất thời giờ mà chẳng lợi ích gì cho cá nhân mình. Đây chính là lối sống “ung dung tự tại,” hay kiểu “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại,” “sống chết mặc bây” mà chúng ta vẫn thường nghe thấy.

Đối với quần chúng, nhất là trong các quốc gia thiếu văn minh, không được hưởng một nền “công dân giáo dục,” chuyện này cũng dễ hiểu, nhưng đối với các nhà lãnh đạo, nhất đối với những người tự cho mình là kẻ sĩ, điều này không thể tha thứ được.

Sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư kể chuyện Vua Lý Thánh Tông, một năm trời trở lạnh, nhà vua nghĩ đến những phạm nhân đang chịu án trong ngục thất, ra lệnh cho các quan đem chăn chiếu phát thêm cho tù và nói rằng: “Trẫm ở trong cung, ăn mặc thế này mà còn thấy rét, những kẻ nghèo khó, những tù phạm phải trói buộc, cơm không có đủ ăn, áo không có mà mặc, thì khổ sở đến đâu!” Trong một câu chuyện khác, nhà vua nhân một buổi du hành ban đêm mùa Đông ra ngoài cung điện, thấy một kẻ ăn mày nằm co ro lạnh lẽo ở vệ đường, vua bèn cởi long bào đắp cho người ấy.

Những câu chuyện kể này có thể chỉ là giai thoại, nhưng quả thật nếu cấp lãnh đạo không biết thương dân, không biết nghĩ đến quyền lợi của dân, lo cho dân no ấm, “vô cảm” với nỗi nhục nhằn của dân thì chẳng khác chi một lũ cướp ngày có quyền lực trong tay.

Trong xã hội, kẻ sĩ là người dẫn đầu. Khổng Phu Tử yêu cầu kẻ sĩ sống phải có trách nhiệm với xã hội, với cuộc đời, với đồng loại, với con người. Dù xã hội này, cuộc đời này có thế nào đi chăng nữa thì kẻ sĩ vẫn phải tận lực nhập thế, nỗ lực dấn thân vào cuộc đời chứ không thể lấy lý do “tránh đời ô trọc” để lẩn tránh trách nhiệm kẻ sĩ: con người không thể tồn tại ngoài thế giới người, cũng tức là, con người không thể sống ngoài xã hội của chính mình. Tiêu chuẩn đầu tiên của kẻ sĩ này là biết nhục, biết xấu hổ, hiểu rõ rằng không biết nhục không phải là người.

Giới văn nghệ được xem như thành phần của kẻ sĩ dù xưa hay nay. Người trí thức, văn nghệ sĩ náu mình, thoát ly thực tế đời sống, ôm ấp những tri thức của sách vở, xa rời thực tế, được gọi là văn nghệ sĩ sống trong “tháp ngà.” Ở đây chúng tôi không nhắc lại các quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” và “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã được tranh luận nhiều. Nhưng nếu thực sự văn chương, kịch nghệ là một điều gì không ăn nhập với thời thế, nhất là thời thế hiện nay thì quả thật đó là một thứ trang trí không cần thiết cho con người. Thời bình, chúng ta đã nghe định nghĩa về một người nghệ sĩ là một kẻ “ru với gió, mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây” nhưng trong một đất nước đã đau khổ vì - chiến tranh, tù đày, chia ly, chết chóc và ngày nay, là áp bức, bất công, khốn cùng, sa đọa, vô đạo-văn chương, kịch nghệ có còn là thứ đứng bên lề cuộc chiến, bên lề cuộc đời, “trùm chăn,” không thấy, không nghe, không nói, không muốn dính dấp đụng chạm gì đến nỗi vui buồn của vận nước, hay “không dính đến chính trị” như cách nói của nhiều ca sĩ “mất trí nhớ” đương thời.

Bài thơ “Thạch Hào Lại”của Đỗ Phủ lại tả cảnh bắt lính của thời chiến tranh trong một đêm khi nhà thơ ghé qua Thạch Hào thôn, là một bài thơ hay được truyền tụng, vì mô tả được hoạt cảnh của một thời, để lại trong ta chút ngậm ngùi:

“Đêm khuya tiếng nói im rồi,
Vẫn nghe nức nở tiếng người khóc thương.


Sáng mai khách bước lên đường,
Chỉ cùng ông lão bẽ bàng chia tay.”

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)


Đỗ Mục, một đêm trăng ghé qua bến Tần Hoài, buồn trách bọn xướng ca không nhớ đến nhục mất nước, bên sông vẫn đàn ca xướng hát:

“Thương nữ bất tri vong quốc hận,
 Cách giang do xướng ‘Hậu Đình Hoa.’”


Nhà phê bình Nguyễn Mạnh Trinh đã viết về nhà văn Phan Nhật Nam, như là một nhà văn nhập thế, chia sẻ những nỗi đau của đồng đội, đồng bào: “Tôi muốn nói về một người lính và viết văn có lửa. Những tác phẩm của ông là kết tinh của xương máu, tủy, da của một người lính đã trải qua những thống khổ của cuộc chiến. Văn chương của ông không phải là một thứ cưỡi ngựa xem hoa mà là cuộc đời thực, của cảm xúc thực.”

Phải xem Việt Khang, một người nhạc sĩ trẻ ở trong nước như một kẻ sĩ:

“Tôi không thể ngồi yên
Khi nước Việt nam đang ngả nghiêng
Dân tộc tôi sắp đắm chìm
Một ngàn năm hay triền miên tăm tối.
 
(Việt Nam Tôi Đâu?)


Trước năm 1960, ở miền Nam chúng ta có kịch tác gia Vũ Đức Duy với những vở kịch ngắn nói về hiện trạng xã hội và thẳng thắn nói đến những thói hư tật xấu của con người. Ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ với những vở kịch lừng danh, phê phán thẳng vào con người trong xã hội, cũng được coi như kê kích thẳng vào chế độ cộng sản, đã đổi lại sự “dấn thân” của ông với cái chết của chính ông, vợ, Xuân Quỳnh, và một đứa con.

Tại hải ngoại, kịch nói không có cơ hội phát triển, có thể nói thảm cảnh chiến tranh, tù binh, vượt biển, những cảnh đổi đời sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975 ở hải ngoại và trong nước là những đề tài xúc động vô tận mà các nhà viết kịch có thể khai thác, nhưng tiếc thay, chúng ta thiếu những nhà viết kịch có tài. Khán giả dễ dãi bằng lòng với những vở kịch “xưa hơn trái đất” như “Trà Hoa Nữ” (La Dame aux Camélias) cả 166 năm, hay thời Pháp thuộc như “Ông Cò Quận 9,” “Lá Sầu Riêng,” “Đời Cô Lựu!”

Trong khi ngư dân của chúng ta bị đánh đập, xô đẩy, mất mạng ngoài Biển Đông, dân oan và người biểu tình quằn quại dưới roi vọt của nhà cầm quyền Hà Nội, thì ở trong nước cũng như hải ngoại, trên sân khấu, ca sĩ vô cảm vẫn oằn oại với trong những tư thế khích dục, lõa lồ, có khi phơi bày cả “nội y.”

Trong khi mỗi ngày chúng ta nghe những nguồn tin về phận người xót xa ở trong nước, thì trên màn ảnh người ta dễ dãi với những tràng cười không dứt với những lời nói châm chọc, thậm chí chửi bới nhau giữa hai anh hề diễu, không bài bản, không biên kịch và không hề có một ý nghĩa nào. Trong khi tàu giặc đã vào Biển Đông, thảm họa mất nước đã đến nơi thì thương nữ, văn nhân còn muốn về làm đẹp cho chế độ, ca hát, vẽ vời cho cái nơi chốn mà họ đã trốn chạy lúc ra đi.

Câu nói mà chúng ta đã nghe quá nhiều lần này, lại là của Karl Marx: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi khổ đau của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình.”

Sự quay lưng đó chính là thái độ “vô cảm” của những nhà lãnh đạo, sĩ phu và trí thức trong hiện tình đất nước hôm nay: “Nhìn cái xấu cái ác mà không bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Thấy cảnh tượng bi ai lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can!”

Huy Phương

Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn