Khi cầm đọc môt cuốn sách, dù chọn chương nào trong sách để thử đọc trước, lối hành văn và nội dung của nhửng giòng chữ đầu tiên ấy sẽ khiến người đọc, hoặc buông sách xuống để cất vào tủ , hoặc tiếp tục theo dõi một cách tò mò, thích thú câu chuyện, hay mẫu truyện mà tác giả đã bỏ nhiều thời giờ và tâm lực để viết ra.
Trong suốt nhiều năm dài, nhất là từ khi có hàng trăm e-mails mỗi ngày, chưa bao giờ tôi đọc vèo một mạch cuốn sách nào như cuốn “ TÀN CƠN BINH LỬA” của đại úy “81- Biệt Cách Dù” Lê Đắc Lực.
Cuốn sách lôi cuốn tôi , - không phải vì văn hoa, thêu dệt , tô rồng vẽ rắn… để tự đề cao mình, mà vì tính trung thực và sinh động của nó, qua lời văn bình dị của một người lính trận. Đọc mà cứ tưởng chừng như đang nghe ông lính này “kể chuyện chiến trường”,kể từng chi tiết nhỏ nhặt của đời lính, của từng cuộc hành quân, mà nếu không thật sự chính mình trải nghiệm qua, khó lòng mà thêu vẽ ra được.
Tác giả tuần tự dẫn chúng ta đi về những địa danh đã một thời xuất hiện trên những tờ báo của Sài gòn năm xưa, và nghe rất quen thuộc như :
Đồng Xoài, Phước Long,
Đức Cơ, An Lộc,
Bình Long, Ba Lòng,
Tam biên, An Lão,
Từ Mật khu Mây Tào
Đến Tha La Xóm Đạo,
Đường hành quân hoa gạo rụng đầy vai ! (*)
Là một phóng viên chiến trường khi tác giả LĐL mới bước chân vào K.24 quân trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi cảm nhận được những điều rất thật của những tình tiết trong sách. Tôi nói “cảm nhận” bởi vì , dù là phóng viên chiến trường, tôi cũng chỉ gần gũi, đi theo từng bước chân của người lính trên bước đường hành quân, nhưng vẫn chỉ là một người quan sát, chỉ ghi nhận từ bên ngoài,để tường trình bằng những phóng sự từ chiến trường, nhưng vẫn không phải là người trong cuộc, với nhiều tính toán, những lo toan, với những mưu lược hành quân không thể tiết lộ, dù cuộc hành quân đã chấm dứt.
Nhưng cũng chính nhờ cuộc sống của một phóng viên từng cùng ăn, cùng ngủ trên Poncho giữa chiến trường với các đơn vị quân đội, tôi dễ dàng “cảm nhận” được những điều nói thật, không cường điệu, không tự tô vẽ cho mình.
Nếu có ca tụng chăng là khi tác giả nói đến công ơn của người Thầy dạy học năm xưa, đề cao tài ba của cấp chỉ huy trực tiếp của mình, luôn xem trọng tình chiến hữu của những người cùng mình vào sinh ra tử, nhất là những hy sinh xương máu của những người trai hùng, -vì mãi mê chiến trận mà quên cả đường về, dù gia đình vợ con đang mỏi mắt chờ mong !
Cuốn sách cũng lôi cuốn tôi với những sinh hoạt của một đơn vị quân đội rất đặc biệt, hoạt động riêng rẽ, từng toán rất nhỏ, chỉ sáu người, chuyên đánh du kích, đánh trong đêm tối, đánh trong âm thầm, đánh vào lúc bất ngờ nhất… nơi mà phóng viên chiến trường hầu như không thể được phép tháp tùng.
Những điều tôi vừa nói lại được xác nhận bời chính người anh cả của Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, - cựu đại tá Phan văn Huấn.
Thêm vào đó, đời lính trận không phải chỉ đối diện với súng đạn của quân thù , mà nhiều lúc cũng bị điên đảo, ngất ngư trước hỏa lực của Tình Yêu, của những trái tim non trẻ, đậm đà hương sắc đồng quê, mà tâm hồn như gửi trọn cho người lính hào hoa, về làng em, đánh đuổi giặc thù, đem lại an bình cho thôn xóm.
Có những chàng trai
một thời mang áo trận
Rất hiên ngang,
nhưng vẫn lụy vì Tình
Lúc ra quân,
đâu sá gì lằn tên mũi đáo
Sao lại ngập ngừng
bên tà áo trinh nguyên ? (*)
Và, Còn gì tình tự hơn :
Lúc dừng quân, mò dưới đáy ba lô
Thư dấu kín của một cô giáo trẻ
- Lời tình tự , tưởng chừng như nức nở
Bao tủi hờn , lệ ướt đẫm tờ thư ..! (*)
*
-Trời ơi,
sao em thốt lên chi lời hận tủi
Đời lính phong trần dong ruỗi đó đây
Người yêu ơi ,
xin gửi em một lời tạ lỗi
Xa nhau rồi,
xin người hãy quên tôi ! (*)
Ôi, những cuộc tình trong Cơn Binh Lửa
Binh Lửa tàn rồi, ai vẫn còn ôm nửa vầng trăng ? (*)
Nhưng rồi , những cuộc tình đẹp, những vòng hoa chiến thắng, những chiến công hiển hách, những trận đánh hào hùng…chỉ còn là những kỷ niệm thương đau khi “tàn cơn binh lửa”, khi cuộc cờ thế giới đến hồi kết thúc, với những trao đổi, mua bán lạnh lùng, tàn nhẫn giữa các đại cường.
Đọc TÀN CƠN BINH LỬA mà như nghe BCD-81 Lê Đắc Lực kể chuyện chiến trường ! Nghe để chia xẻ những hào hùng, những chiến công lừng lẫy ngoài mặt trận, để rồi cũng chia xẻ những ngậm ngùi, uất hận, những bi thương căm phẫn khi phải tức tưởi buông nòng súng thép bỏ lại chiến trường theo lệnh của người Tổng Thống cuối cùng, để rồicả một dân tộc, cả một đất nước được “bên thắng cuộc” dang hiến cho kẻ thù phương bắc , như đã và đang xãy ra, khi tập đoàn bán nước, buôn dân CSVN đã thực hiện được nhiệm vụ của quốc tế cộng sản: nhuộm đỏ quê hương Việt Nam./.
Houston 19 MAY 2014
[ NLG-73 Lê Phú Nhuận ]
(*) Cảm tác của NLG-73 khi đọc Tàn Cơn Binh Lửa..