BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72807)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người phụ nữ bất chấp tai ương

02 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1310)
Người phụ nữ bất chấp tai ương
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Để tưởng nhớ chị Vũ Bội Trâm, người vợ tuyệt vời của nhà văn tuyệt vời, bọ phá lệ đưa bài của bác Ngô Minh khi mà bọ chưa có bài về chị.


Chị Vũ Bội Trâm, vợ cố nhà thơ Phùng Quán đã qua đời lúc 8 giờ 35 phút sáng ngày 15 tháng 8 năm 2010 tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội. Lòng tôi trĩu nặng tiếc thương chị và thương cháu Quyên, cháu Quân mồ côi cha mẹ. Mới hôm nào ra Đại Hội Nhà văn VIII, tôi đã cùng anh em nhà văn Huế như Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Mai Văn Hoan, Nguyễn Khắc Phê, Vĩnh Nguyên… đến Bệnh viện thăm chị. Chị nằm bất tỉnh, nhưng khi nghe tôi nói:” Em là Ngô Minh đây”, mặt chị sáng lên, hình như chị cười. Một giọt nước mắt chị ứa ra trên khuôn mặt hoang dại… Tôi quen thân gia đình anh Phùng Quán-chị Bội Trâm từ đầu năm 1980, đến nay độ 30 năm rồi. Anh chị coi tôi như đứa em trong nhà, có chuyện gì cũng kể. Từ ngày anh Phùng Quán qua đời, bao nhiêu bài viết của anh Quán hay những bài các nhà văn nhà báo viết về anh Phùng Quán, chị đều gửi vào Huế cho tôi cất giữ. Nhờ khối tư liệu đó, tôi và chị đã làm được mấy cuốn sách cơ bản về nhân cách và tài năng Phùng Quán như Nhớ Phùng Quán, Phùng Quán còn đây, Ba phút sự thật. Những cuốn sách được độc giả ca nước rất mến mộ.

 Đối với tôi , chị Bội Trâm là một người phụ nữ vĩ đại, người phụ nữ đã bất chấp tai ương để tạo dựng hạnh phúc của riêng mình. 79 tuổi đời chị đầy đắng cay đau khổ, tất cả chỉ vì chị đã gắn đời mình với nhà thơ Phùng Quán, một văn nhân nổi tiếng truân chuyên. Chị kể :” Anh chị bằng tuổi nhau, cùng sinh năm 1932. Năm 23 tuổi, chị gặp anh Quán. Anh ấy quen với em trai chị – nhạc sĩ Vũ Hướng, hồi đó anh đóng quân ở Cửa Đông rồi sau chuyển về 4-Lý Nam Đế , hay qua lại nhà chị 3-Hàng Cân và được cha mẹ chị thương như con trong nhà. Các con chị sau này thường hỏi: “Mẹ yêu cha vì cha đẹp trai hay vì cha làm thơ hay?”. Có lẽ chị yêu anh ấy vì yêu thơ. Thơ anh Quán hợp với cái tạng của chị: Yêu ai cứ bảo ràng yêu/ Ghét ai cứ bảo rằng ghét/ Dù ai cầm dao doạ giết/ Cũng không nói ghét thành yêu…. Chị yêu anh lúc mà cuộc đời anh cơ cực đau khổ nhất. Anh là “phần tử Nhân văn Giai phẩm”, dù có tác phẩm Vượt Côn Đảo được giải thưởng, tiếng tăm lững lẫy, có lúc được Ban Thông Nhất trung ương mời đến ký tặng đến 3000 cuốn để chuyển vào miền Nam, vẫn vị đuổi khỏi quân đội, khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Giữa Hà Nội phố phường xa lạ, anh không người thân, bạn bè xa lánh vì sợ liên luỵ, không nhà cửa, không có nghề để sinh sống, không lương ( chỉ được Hội Nhà văn trợ cấp mỗi tháng 25 đồng chỉ đủ để ăn cơm “đầu ghế”, bây giờ gọi là cơm bụi. Có lúc anh muốn về Quảng Bình sống để được câu cá trên sông Nhật Lệ. Chị Bội Trâm lúc đó là cô gái Hà Thành sinh ra trong một gia đình gia giáo, lại là giáo viên dạy văn của một trường danh giá- Trường Chu văn An. Chị yêu Phùng Quán, gia đình không đồng ý. Mẹ bảo :” Lấy chồng như thế thì thà nhảy nhảy xuống giếng cho xong”. Chỉ kể:” Chị đã nói với bố mẹ rằng: Con đã yêu anh Quán nên con không thể yêu người khác nữa. Nếu bố mẹ không cho con lấy, con xin vâng lời, nhưng con sẽ không lấy người đàn ông nào khác nữa”. Nhà trường thì kiểm điểm lên kiểm điểm xuống vì kết hôn với “bọn Nhân văn Gia phẩm”…Nhưng chị đã quyết đến với anh, chị muốn lấy tình yêu của mình để che chở cho trái tim đau khổ cô đơn “tứ cô vô thân”của anh. Cả đời chị chỉ có một người yêu duy nhất : Đó là Phùng Quán ! Chị kể với tôi :”Nhiều lúc chị sợ anh tự vẫn. Chị nghĩ mình cần phải gắn bó với anh để ràng buộc anh với cuộc đời!” Nên chị đã khảng khái trước mọi người :” Người mà tôi lấy làm chồng chỉ có thể là người tốt. Thời gian sẽ chứng minh điều đó !”. Và chị đã đúng. 30 năm sau, Phùng Quán đã được phục hồi hội viên Hội Nhà văn, được in sách, được viết và được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó là hạnh phúc mà chị phải đổi bằng nước mắt và khổ đau.

 Lấy một “phần tử’ Nhân văn Giai phẩm nên không thể tổ chức đám cưới đàng hoàng như mọi cô gái khác, vì không thể đứng tên chú rể Phùng Quán trên thiếp mời. Chị Vũ Bội Trâm có lẽ là người con gái Việt Nam duy nhất lấy chồng không có lễ tơ hồng, không đám cưới, không được mặc áo cưới, không lên xe hoa, không có đưa dâu, không có phòng tân hôn sang trọng, không chụp ảnh, quay phim…như các đám cưới bình thường khác. Để thông báo với bà con lối phố, chị bàn với gia đình chỉ làm ít đĩa trầu cau mang đến từng nhà bảo là “trầu cau chạm ngõ của cô Trâm“, thế là xong. Đối với những người thân thiết, anh Phùng Quán làm một tấm thiếp báo tin, mặt trước là hai bông hoa do bạn thân, họa sĩ Lê Huy Quang vẽ, mặt sau có đôi chim bồ câu và mấy chữ của Phùng Quán viết tay . Đây là thiếp báo tin gửi cho cô giáo Mai Thị Từ của chị Trâm :” Chúng em đã ra ở riêng ngày 12-1-1962. Chúng em nhờ những bông hoa này mang tin vui đến với cô. Mong cô chia vui và mừng cho hạnh phúc của chúng em”. Cái chữ ”ra ở riêng” ấy mới chính xác và hoàn cảnh làm sao. Tiệc cưới của Phùng Quán – Bội Trâm cũng lạ lùng như tình yêu của hai người. Gọi là “tiệc cưới” cho oai, thực chất là một bữa cơm tươi tại nhà bà mẹ nuôi Tưởng Giơi bên Hồ Tây. Bữa cơm chỉ có bốn người khách là vợ chồng nhà thơ Tạ Vũ- Nguyễn Thị Điều, hai người bạn thân anh Quán là nhà văn Xuân Đài và nhà báo Xuân Trung. Phùng Quán ra chợ mua hai con gà về để làm tiệc thì một con chết. Câu trộm được ít cá Hồ Tây , ký nợ lít rượu bà Hai Hạnh đầu phố nữa là có tiệc. Bữa tiệc xong, Tạ Vũ say rượu nên vợ chồng phải ngủ lại. Nhà bà Tưởng Giơi có một cái giường đơn, nhà thơ Phan Vũ ở xưởng phim cho mượn thêm cái giường của anh nữa là hai. Hai cái giường kê sát nhau, chỉ lọt bàn chân. “Đêm tân hôn” ấy vợ chồng Phùng Quán – Bội Trâm ngủ trên cái gường đơn ấy cạnh vợ chồng Tạ Vũ. Thật là một tiệc cưới và đêm tân hôn chưa từng có trên đời !

 Lấy nhau 20 năm, đã có hai đứa con là Phùng Đỗ Quyên (1963) và Phùng Quân ( 1965) , mà mẹ con chị Bội Trâm vẫn ở nhà mẹ ở Hàng Cân, còn Phùng Quán thì trú ở nhà bà Tưởng Dơi. Một tuần chị Trâm mới đến thăm chồng một lần. Những năm tháng ấy, Phùng Quán thường xuyên đi cải tạo lao động ở Thái Bình, Thanh Hoá, Việt Trì, rồi đi tăng gia một mình ở rừng núi Thái Nguyên suốt ba năm liến… Vì phải “phấn đấu cải tạo tốt”, nên có khi nửa năm không về gặp vợ cơn. Gay go nhất là tiền mua sữa, mua sắm tả lót cho con. Tất cả trông nhờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi của chị Trâm và mấy đồng tiền câu trộm cá của Phùng Quán. Những ngày ấy, bạn bè như nhà văn Tuân Nguyễn, Xuân Đài…phải san sẻ chút tiền lương ít ởi để cho chị Trâm mua sữa nuôi con. Bao nhiêu cơ cực dồn lên đôi vai của người phụ nữ gầy nhỏ này. Thương chồng, chị Bội Trâm chỉ biết nuốt đau thương để nuôi con. Năm 1981, Trường Chu Văn An thương tình mới cho vợ chồng Quán -Trâm một góc nhỏ phía sau trường vốn là nơi chứa đồ mộc thí nghiệm của trường. Dù khổ, vợ chồng cũng đã được sống bên nhau để cùng nuôi con. Phùng Quán đêm ngày “cá trộm, vui chui, rượu chịu”. Rồi nhờ anh bạn Phùng Xuân Bính ở Nhà văn hóa Hà Nội giúp ít gỗ thải loại, hoạ sĩ Hương Quân cho tiền mua lá gồi, Phùng Quán cặm cui đục đẽo làm được cái “chòi ngắm sóng” . Tôi đã nhiều lần từ Huế ra ngụ trên cái chòi ấy. Rồi gian nhà sau trường Chu văn An ấy bị giải toả, Chòi ngắm sóng không còn, chị Bội Trâm đã tậu được ngôi nhà đàng hoàng ở tầng hai phố Vĩnh Phú, thì anh Quán không còn nữa. Chị Bội Trâm dành hẳn một phòng căn nhà mới ấy để thờ chồng và để trưng bày các kỷ vật của anh chuyển từ Chòi ngắm sóng về.

 Khi Phùng Quán vừa được niềm vui được phục hồi Hội nhà văn, được in sách với cái tên của mình, thì chị Bội Trâm bị căn bệnh hiểm nghèo : Ung thư vú. Đó là năm 1987. Chị Trâm lúc đó vừa được mổ, được điều trị bằng tia phóng xạ, nhưng cái tay phải vẫn to phình lên. Đêm ngủ phải buộc cái dây để treo tay lên không lủng lẳng. Bệnh tật như thế nhưng chị vẫn hàng ngày cơm nước chăm chồng con, lo đồ nhậu mỗi khi bạn bè văn chương tới. Những ngày đó, buổi sáng nào thức dậy trên Chòi ngắm sóng, sau khi làm chén rươụ diệt sâu bọ, Phùng Quán đều đọc bài thơ “Kinh cầu nguyên buối sáng” tặng vợ : Tôi sẽ đi với em/ Cho đến tận mút chót con đường / Cho đến lúc tôi nằm dài dưới đáy huyệt ! / Có thể em chết trước tôi / Cũng có thể tôi chết trước em / Nhưng không sao cả em ơi/ Ngày lấy em tôi đã có lời nguyền / Nếu tôi bỏ em lại bơ vơ dọc đường / Tôi sẽ bị trời chu đất diệt !…”. Nhưng nhà thơ Phùng Quán đã ra đi trước vợ đến 15 năm. Anh mất năm 1995 vì bệnh xơ gan cổ trướng…

 15 năm anh Phùng Quán xa cõi tạm, chị Vũ Bội Trâm đã lao động hết sức mình để tiếp tục giới thiệu với bạn đọc những tác phẩm của chồng. Chị dành những năm tháng còn lại của cuộc đời mình để sắp xếp, chăm chút những trang bản thảo của chồng. Đằng sau những trang di cảo là tấm lòng của người vợ muốn tìm và chia sẻ, cảm thông với tâm sự của chồng. Chị đọc và chọn tuyển tập Thơ Phùng Quán cho nhà Văn học 2003, chị cùng với tôi làm nhiều tập sách về Phùng Quán đã nói ở trên, chị còn cắm cúi đọc lại từng chồng di cảo của anh để lại và đã phát hiện ra tập bản thảo “ Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào”, đưa đến bạn đọc một tập hồi ký chân thực và hấp dẫn. Hôm ra mắt cuốn sách “ Phùng Quán còn đây “ ”Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào” ở Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Hoa Lư, tháng 10/2007, chi nói với mọi người : “Hơn 30 năm sống với chồng nhưng giờ đây, qua những tác phẩm tôi mới hiểu hết anh ấy!”.

 Chị Bội Trâm ơi, chị là người biét tin ở con người, tin ở lẽ công bằng, tin ở thời gian, nên chị đã thắng tai ương cuộc đời. Mối lần ra Hà Nội đến thăm chị ở khu chung cư Vĩnh Phú, em thực sự cảm phục sức làm việc của chị . Bị nhiều thứ bệnh nan y thế mà chị vẫn đọc những trang di cảo đã nhoè mực của anh, để chia sẻ với anh những câu thơ, những ghi chếp về cuộc đời. Và sự dấn thân đó đã làm cho sức khoẻ chị yêu dần và con bạo bệnh 30 năm trước đã tái phát…

 Khi ở Hà Nội, tôi thấy ngày nào chị cũng thắp nhang, rót rượu lên bàn thờ anh Quán rồi khấn : Anh Quán ơi, anh đã cho em được sống như em muốn!

 Vâng, chị đã được sống như mình mong muốn , chị Bội Trâm ơi !

 Ngô Minh

 Theo Blog Quechoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn