BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sau 39 năm

05 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 960)
Sau 39 năm
57Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
57
Ngày 30 Tháng Tư năm 2014, lần đầu tiên người dân miền Nam Việt Nam đã can đảm xuống đường, không phải để ca ngợi mà để chống chính quyền. Họ trưng những biểu ngữ công khai nói lên những sự thật, sau 39 năm bị bịt miệng: 30-4 NGÀY TANG DÂN TỘC! 30-4 DÂN VIỆT MẤT QUYỀN CON NGƯỜI!

Tại sao cuộc biểu tình này có thể thực hiện trong một ngày “nhạy cảm” như vậy?

Dân oan biểu tình tuần hành ở Sài Gòn nhân ngày 30/4/2014 với băng rôn "Ngày tang dân tộc". (Hình: DLB)


Vì kỹ thuật tổ chức của dân Việt ngày càng tinh vi, nhưng cũng vì chính quyền không thể gán cho những người biểu tình tội “chống Cộng” trong ngày 30 Tháng Tư, cho công an đàn áp ngay lập tức. Nhìn trong hình thấy những bạn trẻ và các em bé chưa sinh ra trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Có cả những bà già có con đi theo cộng sản và chết, cho các quan chức bây giờ được hưởng giàu sang. Những người biểu tình đeo khăn tang trên đầu, trên đó viết chữ tự giới thiệu họ là những “dân oan.” Dân Oan một danh từ thường chỉ chung những người đã bị đảng cộng sản cướp ruộng, cướp đất để khai thác chia phần cùng với đám tư bản đỏ.

Nhưng tại sao dân biểu tình không bị đàn áp, có thể rất dã man như những cụ già, phụ nữ, trẻ em, ở Dương Nội, Văn Giang chống cướp đất đã bị đánh đập?

Vì chính quyền địa phương và guồng máy công an tại Dương Nội, Văn Giang có quyền lợi thiết thực cho họ khi đảng cướp đất của nông dân. Trên dưới tất cả đều được “chấm mút” trong những công trình rút ruột này. Còn guồng máy công an và chính quyền tại Sài Gòn thường không được ăn miếng nào khi các đồng chí lãnh đạo Bạc Liêu hay Cần Thơ cướp ruộng đất của nông dân. Có ngu gì mà họ lại chấp nhận cảnh đứa khác ăn ốc để mình phải đi dọn vỏ?

Cũng trong ngày 30 Tháng Tư năm 2014, một Hội Dân Oan Việt Nam ra đời. Trước đó ông Nguyễn Xuân Ngữ đại diện dân oan phía Nam đã gặp gỡ nhiều dân oan các tỉnh phía Bắc, đồng ý chọn ngày 24 Tháng Tư làm Ngày Dân Oan Việt Nam.

Cuộc nội chiến Việt Nam đã chấm dứt từ năm 1975. Ngay sau đó cho tới bây giờ, một cuộc chiến mới diễn ra. Một bên là chính quyền độc tài, tham nhũng, bất lực và thối nát. Bên kia là người dân đấu tranh đòi quyền sống làm người, quyền được hưởng tự do dân chủ. Những sinh viên học sinh, những nhà trí thức, và có những nông dân chân lấm tay bùn cùng tham gia mặt trận đấu tranh.

Sau 39 năm, dân Việt vẫn phải đấu tranh đòi quyền sống làm người, đòi được hưởng những quyền tự do tối thiểu như được nói, được suy nghĩ, được hội họp tự do. Sau 39 năm, dân Việt Nam vẫn nghèo khó nhất trong vùng Á Đông. Trong những năm tới còn lo sẽ nghèo hơn cả người Campuchia, người Lào. Sau 39 năm, mối họa phương Bắc cho thấy chính sách ngoại giao “cõng rắn cắn gà nhà” từ năm 1950 đã gây họa trường kỳ cho dân tộc như thế nào. Cho nên những người biểu tình năm nay đã nói đúng sự thật: 30 Tháng Tư năm 1975 là một Ngày Tang của Dân Tộc. Cảnh nghèo nàn chậm tiến, mất tự do và lệ thuộc ngoại bang hiện nay có thể đoán trước được từ ngày 30 Tháng Tư năm 1975, khi thi sĩ Nguyễn Chí Thiện ngồi ở trong tù cũng nhìn thấy “Một mối nhục nhằn, một mối đau thương” trùm lên đất nước.

Bài trước trong mục này kể lại những ngày kết thúc cuộc nội chiến ở nước Mỹ vào Tháng Tư năm 1865; nhân ngày 30 Tháng Tư. Cả bài chỉ kể chuyện về cung cách đối xử của những người chỉ huy miền Bắc nước Mỹ đối với người miền Nam thua trận. Những gì xảy ra ở nước ta vào năm 1975 thì chắc quý vị độc giả đã biết cả rồi. Khi đọc bài, chắc thế nào quý vị cũng nảy ra ý so sánh cảnh các cuộc nội chiến kết thúc, ở Mỹ vào thế kỷ 19 và ở Việt Nam trong thế kỷ 20.

Cuộc chiến tranh nào cũng tàn khốc, và gây nên nỗi hận thù. Nhưng khi quân miền Bắc chiếm Richmond, Tổng Thống Abraham Lincoln vào thủ đô của chính phủ miền Nam. Richmond lúc đó đã vô cùng hỗn loạn vì các cuộc cướp phá, đốt nhà, hôi của. Khi Tướng Weitsel hỏi ý kiến nên đối xử với người miền Nam thế nào, Lincoln bảo: “Hãy cho họ dễ dàng - Let 'em up easy!” Ông bị nhiều người phản đối, kể cả phó tổng thống của ông, và vị bộ trưởng chiến tranh. Vì vậy, khi nghe tin ông bị ám sát, người miền Nam lo lắng cho số phận của họ. Vị tướng miền Nam Joseph Johnson đã nói với Tướng William Sherman miền Bắc, khi hai người gặp nhau thảo luận về điều kiện đầu hàng: “Đây là tai họa lớn nhất cho miền Nam!” Nhưng sau cùng, tai họa cũng không xảy ra. Khi còn đang đánh nhau, Tướng Sherman từng nói với dân và quân miền Nam rằng: “Khi nào hết chiến tranh, các bạn cần gì cứ tìm đến tôi! Nếu tôi có mấy cái bánh cracker, sẽ chia sẻ với bạn; tôi sẽ bảo vệ gia đình các bạn.” Hai ông tướng bàn bạc mất mấy ngày mới đồng ý về điều kiện đầu hàng, cho quân sĩ miền Nam được tự do trở về nhà, mang theo ngựa hoặc lừa, để cầy bừa vườn ruộng. Sau đó, Tướng Sherman còn quyết định cung cấp cho tất cả 25,000 quân sĩ còn lại của Tướng Johnson mỗi người mười ngày lương thực. Sherman biết kho lẫm miền Nam đã cạn kiệt, chắc ông muốn những địch quân của mình, trên đường trở về nhà không ai phải đi xin ăn hay cướp bóc. Điều này không nằm trong các điều kiện đầu hàng đã ký kết. Khi “Old Joe” Johnson nhận được “quà tặng bất ngờ” đó, ông thẳng thắn ca ngợi: “Lòng yêu nước lớn lao” của vị tướng đối nghịch. Trước đây ông vẫn nghĩ rằng phải đối đầu với Tướng Sherman trên chiến trường nỗi bất hạnh của đời mình; nay hóa ra đó lại là điều may mắn cho cả đạo quân dưới quyền.

Nghĩ đến cảnh những người lính miền Nam nước Mỹ đem theo mười ngày lương thực trên đường về nhà, lại nhớ đến cảnh ở Việt Nam, sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Các sĩ quan và công chức miền Nam từ giã gia đình, “đem theo lương thực đủ dùng trong mười ngày;” có người đem theo đủ một một tháng, như ghi trong giấy mời trình diện. Họ ôm theo thức ăn, và quần áo, xà bông, khăn mặt, kem đánh răng, tự mình đi vào tù, ai cũng nghĩ rằng sẽ chỉ phải “học tập” một tháng là xong. Các lãnh tụ cộng sản ở Hà Nội tự vỗ bụng khen mình là “đỉnh cao trí tuệ” vì đã bày mưu đánh lừa được mấy trăm ngàn người tự nguyện chui đầu vào cái thòng lọng họ đã giương ra, sẵn sàng siết cổ. Bản thân ký giả này, nếu không may mắn thoát đi trước, chắc cũng đã tự nguyện chui đầu vào cái thòng lọng đó.

Nhiều người sẽ tự hỏi: Có phải người Mỹ vào thế kỷ 19 họ hiền lành, tử tế với nhau hơn người Việt Nam 110 năm sau hay không? Tôi không nghĩ như vậy. Đã đi qua nhiều nước và đọc truyện kể từ nhiều nơi, tôi vẫn tin chắc rằng loài người ở đâu cũng như nhau, không ai tốt hơn mà cũng chẳng ai xấu hơn ai.

Vậy thì tại sao chính quyền miền Bắc nước Mỹ, các tướng lãnh và quân đội của họ lại đối đãi tử tế với những đạo quân miền Nam và dân chúng miền Nam thua trận như vậy? Vì vào năm 1965, chế độ dân chủ ở nước Mỹ đã được thực hiện hơn nửa thế kỷ. Một nguyên nhân chính gây nên cuộc nội chiến là các tiểu bang miền Nam không công nhận người da đen có quyền công dân như người da trắng, trong khi miền Bắc đã làm luật giải phóng nô lệ. Nhưng trong thời gian nội chiến 4 năm, chính quyền cả hai miền đều dùng các Hiến Pháp bảo đảm các công dân được bầu cử tự do, báo chí tự do, hội họp tự do, bộ máy nhà nước phải tôn trọng hiến pháp, luật pháp và các công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật. Với thể chế tự do, những người lãnh đạo phải theo ý dân. Mà dân chúng nước nào thì cũng sẵn sàng bao dung, đùm bọc đồng bào của mình.

Vào năm 1975, chế độ miền Nam Việt Nam được đặt trên nền tảng dân chủ, mặc dù chưa vì trong cảnh chiến tranh không được đầy đủ như nhiều người dân mong muốn. Tại miền Bắc thì chế độ cộng sản hoàn toàn bác bỏ các quy tắc dân chủ, coi đó là một sản phẩm của chủ nghĩa tư bản. Nhưng nguyên nhân chính khiến cho chế độ miền Bắc thắng trận đối xử với quân và dân miền Nam một cách khắc nghiệt tàn tệ, là vì họ theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin.

Theo Mác-Lê Nin là theo một “tín ngưỡng,” mặc dầu vẫn là vô thần. Những người cộng sản tin những điều Mác-Lê Nin nói đều là “chân lý” tuyệt đối, không khác gì tín đồ các tôn giáo thời Trung Cổ. Tinh thần cuồng tín đó được nhồi sọ cho các đảng viên cộng sản, bảo họ chia thế giới ra làm hai phần; những người theo mình là bạn, còn tất cả những người khác ý kiến là kẻ thù. Và đối với kẻ thù, họ không cần áp dụng các quy tắc luân lý cũng như luật pháp nào cả. Cho nên họ tha hồ dùng thủ đoạn lừa gạt, dối trá, tha hồ dùng bạo lực, cho đến việc thu hộ khẩu, cắt tem phiếu, và bây giờ là thu hồi quyền sử dụng đất, để bắt mọi người phải phục vụ cho mình.

Các đảng viên cộng sản được đào tạo như vậy từ khi xin vào đảng, từ 1920, 30 cho tới năm 1975 vẫn như vậy. Trong thế giới cộng sản tình cảm giữa người với người bị xóa bỏ, thay vào đó là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng (viết hoa), tức là sẵn sàng tuân lệnh cấp trên. Những người như Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ đã được đào tạo như vậy.

Được “giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lê Nin” cho nên các lãnh tụ cộng sản vào năm 1975 trong lòng coi tất cả dân, quân miền Nam không phải là người, không phải là “đồng bào;” mà chỉ là những kẻ thù của cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới.

Người Việt Nam bình thường không đối xử với nhau tàn tệ như bọn lãnh tụ cộng sản vào năm 1975. Nếu được bỏ phiếu lựa chọn, chắc chắn dân chúng miền Bắc không ai nỡ bắt dân chúng miền Nam phải qua cảnh tập thể hóa, đánh tư sản, tù cải tạo. Vì chính họ đã bị đem ra làm thí nghiệm cho chủ nghĩa cộng sản mấy chục năm rồi! Chính chủ nghĩa cộng sản đã biến dân Việt Nam thành kẻ thù đối với nhau, chia rẽ cả dân tộc khắp mọi nơi chứ không chỉ chia hai miền Nam Bắc.

Một độc giả mới gửi thư hỏi, “Tại sao nội chiến Mỹ người ta nhanh bỏ qua, còn ở Việt Nam thì sau 39 năm rồi vẫn còn còn nhiều việc phải làm?”

Câu trả lời là: Vì suốt 39 năm qua, dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục sống dưới quyền cai trị của một đảng cộng sản.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn