BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72637)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hòa giải, tại sao không?

30 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 1287)
Hòa giải, tại sao không?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Cái còn vĩnh viễn là Người Việt Nam
Hoàng Cầm

1.
Nhiều lúc nghĩ lại, có hai người “cộng sản” trong gia đình tôi. Người thứ nhất tôi gọi bằng Ông Dượng, chồng của Bà Dì, tức vai chị của Ngoại. Người kia tôi gọi bằng Bác, hay Dượng rể. Cả hai không phải là người miền Bắc, nhưng vào bưng biền từ hồi kháng chiến chống Pháp.

Một cảnh đốt sách thật tang thương tháng 5 năm 1975 ở Sài Gòn


Sau năm 1975, Bố tôi trốn chui trốn nhủi ở Sài Gòn, phần vì là sĩ quan của chế độ cũ, phần mới trốn tù vượt biên. Vậy mà thình lình một hôm Ông Dượng theo Ngoại, ra tận chỗ bố con tôi trốn, thăm. Từ chân cầu thang, giọng ông sang sảng, chan chứa: “tau đi thăm cháu tau, xem ra làm sao?”

Buổi trưa ông ngồi xếp bằng dưới nền đất, trên người còn nguyên bộ đồ kháng chiến màu xanh rừng. Tóc ông bạc trắng, trông hiền lành, đôi mắt lúc nào cũng long lanh. Buổi ấy ông nói gì tôi không để tâm, chỉ loáng thoáng biết chuyện “người kháng chiến cũ,” và sau lần gặp gỡ này, tôi không bao giờ gặp lại Ông Dượng nữa, cho đến khi nghe tin ông bệnh rồi mất ở ngoài quê. Có điều từ lần ông ghé thăm đột ngột đó, chuyện người trong một gia đình điềm chỉ, đấu tố nhau thì may mắn không xảy ra với Bố và gia đình tôi. Cho dù sự hồi hộp, lòng bán tín bán nghi là điều đã ám ảnh Bố một thời gian rất dài. Chỉ cần một tiếng động vừa đủ nghe, tiếng chó sủa vang, hay tiếng chân người đi trong khuya, cũng làm Bố bật người ngồi dậy và thức trắng đêm…

Cũng thời gian đó, Bố trốn ở trong nhà của Dượng rể. Tôi nhớ Dượng kể lại, nguyên cớ lúc Dượng nằm ở bệnh viện ngoài Huế, Việt cộng tấn công, khi rút đi gánh theo Dượng ra bưng. Sau 1975 Dượng trở về, dù được vời ra Bắc cho giữ chức trọng, nhưng nại cớ khả năng không cho phép để ở lại trong Nam, hành nghề y và sống đời thanh đạm cho đến ngày qua đời. Một lần Dượng kể, “ở ngoải thanh trừng nội bộ dữ lắm!” Nhưng dữ gì thì dữ, Dượng vẫn giấu gia đình tôi ròng rã sáu bảy năm trời trong nhà, chờ tìm đường trốn thoát. Hồi đó Dì Dượng lúc nào cũng thắc thỏm âu lo, cũng hồi hộp, nhưng tấm lòng vẫn đong đầy sự đỡ đần, đùm bọc.

Tôi tin, có một chủ nghĩa cộng sản hà khắc, nhưng không phải người cộng sản nào cũng giống người cộng sản nào. Vì đã có rất nhiều trường hợp người cộng sản quay lưng hoặc từ bỏ chủ nghĩa mình từng theo đuổi, ngay cả việc chống lại nó một cách kịch liệt sau đó. Mà chủ nghĩa nào cũng có những tình huống như vậy.

Khuya hôm qua, một người bạn ở Việt Nam gởi cho xem một bài báo trên tờ Pháp Luật, chua thêm một câu nhận xét cay nghiệt. Do bài báo ấy trích lại những phát biểu của một số nhân vật xuất thân là quân nhân quân lực VNCH, có tiếng tăm trong cộng đồng Người Việt lưu vong, ca ngợi chính sách “hòa giải dân tộc” của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam nhân chuyến viếng thăm Trường Sa và Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Qua đó ông thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn huyên thuyên: “Chúng tôi trân trọng và để lại tất cả những gì còn trước năm 1975. Nếu nhân dân không tôn trọng, không lấy nghĩa đồng bào, nghĩa tử là nghĩa tận… thì làm gì còn mộ như thế này. Các vị cứ nói cộng sản tàn phá trong khi nghĩa trang thì còn nguyên mộ. 40 năm nay nếu không có nhân dân địa phương chăm sóc, vun đắp thì mộ có còn không? 40 năm nay tấm bia này vẫn nguyên vẹn nằm đây, có ai phá phách không?”

Tôi sực nhớ bài viết của người bạn trẻ Nguyễn Lân Thắng - “Những nấm mộ đi tù” - Thắng sinh trưởng ở miền Bắc cũng trạc tuổi tôi, chiến tranh chỉ có thể biết tới nhiều hơn là những gì anh thấy được sau này, qua sự đối đãi của chế độ đối với người đang sống và cả với người đã chết. Trong câu nói lấp lửng của thứ trưởng Sơn, tôi thấy một điều rất rõ, chỉ có người dân mới thương lính VNCH, mới thương dân, nên gìn giữ mồ mả người chết mà không phân biệt quốc-cộng. Còn chế độ cầm quyền hiện thời, một tấm bia tưởng niệm thuyền nhân đã bỏ mình trên đường vượt biển xa tít nơi các hải đảo, cũng đục khoét đi, xóa dấu vết đi.

2.
Mấy ngày này, tôi nghe nhiều bạn trẻ, chắc chỉ đồng trang lứa với mình nhắc đến hai chữ “hòa giải.” Có bạn cao hứng chỉ bày lòng nhân ái cho người Việt ở trong nước và cả những người Việt lưu vong nhân dịp 30 tháng Tư. Vui thì có vui thật đấy, tâm tình Việt Nam của những thế hệ sau chiến tranh, ở đâu và lúc nào cũng thiết tha một ngày đoàn viên. Nhưng lo thì cũng có lo. Hình như không ít bạn trẻ vô tình hoặc cố tình diễn đạt ý nghĩa việc “hòa giải dân tộc” như là cách thỏa hiệp với thể chế chính trị hiện nay của Đảng Cộng Sản Việt Nam. 39 năm, người Việt lưu vong có thể xoá bỏ hận thù dễ dàng, nếu quên đi quá khứ buồn phiền do chiến tranh, nhưng để “dứt” hẳn ra khỏi cội nguồn Việt Nam, để không cần nhọc lòng tranh đấu cho mọi lẽ bất công còn đầy rẫy nơi quê nhà, như cái oan cái ức, cái nghèo khó và bao cái chết tức tưởi, vô cớ xảy ra hằng ngày v.v…, thì đó là điều mà không ai có thể làm.

39 năm rồi, không ít người Việt Nam là nạn nhân của sự chia rẻ vì ”cái loa phường,” ở trong và ngoài nước đã xích lại gần hơn, đã hòa giải rất nhiều. Bởi trong hoàn cảnh nghiệt ngã, họ cần đứng về một phía, đấu tranh với cường quyền để mong tìm lại một nền Văn Minh Nhân Văn Việt Nam, đánh dấu từ thời điểm suy tàn, trong một ngày định mệnh 30 tháng Tư, 1975.

Bấy giờ 39 năm sau, trong tình tự dân tộc, người dân Việt Nam ở mọi nơi tự hòa giải theo cách của mình mà không cần ai vận động như một chiêu bài của nhà cầm quyền hầu toan tính củng cố ngai vị. Vì tất cả thấy rõ một nhu cầu chung: Cần hóa giải ách nạn Cộng sản trên quê hương.

Ngày 28 tháng Tư, 2014
UYÊN NGUYÊN

Nguồn Blog Uyên Nguyên
Ý kiến bạn đọc
30 Tháng Tư 20147:00 SA
Khách
Tuyệt vời ! Cám ơn bạn, bài viết rất hay , mang tâm trạng của đa số người Việt hải ngoai...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn