Chục năm trước đây, tôi có viết bài khuyến khích các ca sĩ, nghệ sĩ ở hải ngoại về Việt Nam trình diễn, nhưng phải mang theo phong cách của một chiến sĩ tự do. Có nghĩa là về nước nhưng không quỵ lụy CS, không khúm núm, thấy bất công là phải đấu tranh, phải lên tiếng. Ca sĩ, nghệ sĩ, cần được hiểu, là người của quần chúng, được quần chúng mến mộ. Trong tất cả những cuộc đấu tranh, muốn mau chóng gặt hái thành công, phải cần có sự xuất hiện của những ca sĩ và nghệ sĩ đứng vào phía hàng ngũ của cuộc đấu tranh, để có thể vận động, thu hút sự quan tâm đông đảo của quần chúng, đồng bào. Hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ, nếu cứ tiếp tục ở hải ngoại trình diễn, sẽ không giúp ích gì nhiều cho quê hương Việt Nam mình, chi bằng về nước, trực diện với CS, hát cho đồng bào mình nghe, sẽ hữu ích cho cuộc đấu tranh lắm. Có thể những ca sĩ, nghệ sĩ sẽ bị những gò bó về bản hát, về nội dung trình diễn, v.v..., nhưng rồi, tâm của một người chiến sĩ tự do sẽ vượt qua tất cả, vì bất cứ khó khăn nào cũng sẽ có hướng giải quyết. Chúng ta về nước, là tìm mọi cách để thay đổi cái đầu óc của CS, chứ không phải để chạy hùa theo những sai lầm, bất công, độc ác của CS, diễn biến hòa bình là thế.
Cách đây vài tuần, khi đọc bích chương quảng cáo về sự trình diễn của ca sĩ Khánh Ly ở Hà Nội vào ngày 9/5/2014, tôi mừng lắm. Nói ngay, Khánh Ly chính là nhân vật rất nổi cộm, vì mang nhiều tính cách chính trị, mà được trình diễn ngay tại thủ đô Hà Nội, thì còn gì bằng. Nói tới Khánh Ly là nói tới những năm đầu tiên của cuộc đấu tranh. Những bài Khánh Ly hát "Sài Gòn Vĩnh Biệt" (*1) và "Người Di Tản Buồn" (*2) của nhạc sĩ Nam Lộc đã làm xúc động hàng triệu người Việt trong và ngoài nước. Cái hay của nhạc sĩ Nam Lộc là lôi cuốn người nghe chú ý và bàn cãi về 2 chữ "Vĩnh Biệt" trong tựa đề bài hát, nhưng lời cuối bản hát lại là một thổn thức, một lời thề hứa chắc chắn "sẽ trở về". Nói tới Khánh Ly, khó ai có thể quên được 2 cuộn băng "Lửa Rực Trời Đông" và "Người Về Từ Khu Chiến" được phát hành để tiễn đưa chiến sĩ tự do Võ Đại Tôn trở về nước và chào đón chiến sĩ tự do Hoàng Cơ Minh trở về từ khu chiến.
Lẽ dĩ nhiên, khi nói đến ca sĩ Khánh Ly, mà không nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là một sự thiết sót lớn. Khánh Ly và Trịnh Công Sơn như bóng với hình về âm nhạc, nghệ thuật. Có lẽ tiếng hát Khánh Ly hoàn hão với nhạc Trịnh Công Sơn hơn bất kỳ ca sĩ nào. Và với riêng 2 người, tình nghệ sĩ bó chặt vào nhau về tinh thần, giao cảm, có thể xem là bất khả phân ly.
Người ta có thể kết tội TCS đã theo VC, lên đài phát thanh Sài Gòn, hát bài ca "Nối Vòng Tay Lớn" vào những phút cuối cùng của cuộc chiến, nhưng cá nhân tôi thì không. Sống trong một xã hội nhân bản như thời VNCH, có ai từng vỗ ngực rằng "tôi không bị CS lừa"? Cá nhân Linh, cũng từng bị CS lừa, dù rằng trước đó Linh đã rất ghét CS qua vụ Mậu Thân chôn sống 7000 dân vô tội và CS pháo kích vào Sài Gòn vào năm Mậu Thân và vào dân di tản ở Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa (tựa đề bài viết của nhà văn Phan Nhật Nam) năm 1972. Ai lại không muốn đất nước mình hết chiến tranh. Hòa bình đến với quê hương VN phải cao hơn việc "ghét CS". Thế là ngay ngày 30/4/1975, Linh chở bà chị đi chiếc PC có ghé bãi cỏ bên cánh trái của Dinh Độc Lập để xem xét những diễn biến chính trị xảy ra. Khi đoàn quân được chở trên những chiếc Molotova đầu tròn (trên xe và trên thân thể ốm xanh của những anh bộ đội đều có cắm nhiều nhánh cây xanh dùng để ngụy trang) và vài chiếc xe tăng tiến vào dinh độc lập. Một trong số quần chúng đứng xung quanh thốt lên một câu, mà Linh nghe rất rõ:
- Sâu bọ lên làm người.
Làm sao mình có thể chấp nhận sống với một Nhà nước luôn dối trá, lường gạt dân? Nhà Linh trên lầu cao nên nhìn rất rõ chỉ có 2 chiếc máy bay A37 chúi đầu xuống phi trường Tân Sơn Nhất thả bom vào chiều ngày 28/4/1975, ấy thế mà sau này trên mấy báo CS lại nói có 5 chiếc. Linh ở ngay Dinh Độc Lập, lúc đó, có những người bận áo trắng, mang băng đỏ ở cánh tay gần nách, mở cỗng rồi chỉ đường cho xe tăng lái vào Dinh chứ có ủi sập cỗng Dinh hồi nào, mà sau này Linh coi lại những thước phim thời sự có chiếu lại việc xe tăng "ủi sập cỗng Dinh Độc Lập?". Khi rời Dinh, Linh đến Trần Quốc Toản và Ngã Tư Bảy Hiền, có thấy một đoàn quân rất đông, đang đi bộ, đầu đội nón cối, trang phục màu xanh lá cây, trong đó có một người đi trước cầm đầu, không đội nón, tay cầm khẩu súng lục chĩa lên trời, vừa đi vừa hét to:
- Việt Cộng tới, bà con ơi, chạy, chạy...
Linh kể quý vị nghe vì không hiểu tại sao họ lại nói thế, trong khi chính họ là VC. Xe chạy về đến ngã tư Phú Nhuận gần nhà thì lúc đó Linh đã bắt đầu vẫy tay để chào mừng những tên CS chiến thắng. Coi như người dân Sài Gòn bỗng nhiên trở thành "hân hoan" chào đón kẻ chiến thắng, trong đó có Linh. Nhưng chỉ không đầy 2 tháng sau, khi cá nhân mình bị tước đoạt hoàn toàn những quyền tự do cơ bản, Linh nhận ra mình đã bị lừa, và thầm nhủ:
- Chế độ CS này cần phải bị tiêu diệt, không còn cách nào khác.
Thiện hạ thường nói, bản chất của CS là láo và bịp, chắc không sai đâu. Thế rồi cá nhân Linh cũng bị CS bịp khi mình cũng vỗ tay, reo hò theo sự chiến thắng của CS. Không phải chỉ riêng cá nhân Linh bị lừa, hàng trăm ngàn sĩ quan, quân dân cán chính của VNCH đều bị lừa, ngoan ngoãn trình diện để bước vào trại tù lao động khổ sai, được gọi với danh từ đẹp là Học Tập Cải Tạo. Cũng như hàng ngàn người đã vượt biên rồi, tranh đấu đòi trở về nước bằng chiếc tàu Việt Nam Thương Tín, cũng bị lừa, phải vào ngay những trại tù. Sau này, khi Linh có dịp nói chuyện với ca sĩ tóc đen Quốc Hương của CS, người nổi danh với bản nhạc "Tiểu Đoản 307", ông ta có kể rằng, ông ta có nhận nhiệm vụ vào Nam để gặp TCS và vận động TCS sáng tác những bài hát ca tụng "Bác và Đảng", nhưng trong 6 tháng, ông TCS không viết được một bài nào. Nhạc của ông bị cấm hát và ông còn bị đày ra nông trường, và sau này ông được Võ Văn Kiệt thả. Kết luận, có thể TCS cũng bị lừa y chang như chúng ta.
Thế rồi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở thành một trong 5 nghệ sĩ được trúng giải thưởng của World Peace Music Awards Kỳ II, được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 2004 tại Nhà Hát Lớn Thành Phố Hà Nội. Nhưng tiếc thay, Bộ Văn Hóa Thông Tin ở Hà Nội đã không cho phép ông Matt Taylor, người tổ chức chương trình trao giải thưởng, nên đã hủy bỏ vào phút chót, để phải tổ chức tại San Francisco, và lúc đó có mời Khánh Ly trình diễn. Đây là cái đểu cáng của nhà cầm quyền Hà Nội nhận bừa TCS là người của mình, đến nỗi gia đình Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải cùng đến đặt vòng hoa và đưa tiễn linh cửu của ông sau khi ông mất đi vào 1/4/2001. Nếu nhạc sĩ TCS là người của Hà Nội, tại sao không cho phép ông Matt Taylor tổ chức WPMA II để vinh danh TCS tại Nhà Hát Lớn Hà Nội ???
Cách đây vài năm, 2012, nhà cầm quyền Đà Nẵng lại đặt tên TCS cho một con đường. Đây chẳng qua là chiêu bài của CS để lừa bịp dân mình. Nhắc đến người nghệ sĩ này, nhà cầm quyền Hà Nội rất nhức nhối về câu “20 năm nội chiến từng ngày” trong bài hát Gia Tài Của Mẹ. Đối với CS, đây là một cuộc "chiến tranh giải phóng", đối với dân, nôm na đây là một cuộc "nội chiến", chính xác phải là "chiến tranh xâm lược". Chính câu nhạc này đã tố cáo bọn Hà Nội đã gây ra cuộc nội chiến thảm khốc chết trên 3 triệu dân khi xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh, đem quân vào miền Nam. Sau này, vào cuối đời, TCS để lại 2 bản nhạc "Em Ơi Đừng Tuyệt Vọng" và "Tiến Thoái Lưỡng Nan" với những nội dung vô nghĩa, nhưng tựa đề có thể làm ta liên tưởng đến chủ nghĩa CS trước việc tiến thoái lưỡng nan, tiến lên tư bản, hay thoái lùi CS, đều phải bị tiêu diệt trên quê hương Việt Nam, và em ơi đừng tuyệt vọng.
Trở về với Khánh Ly và hiện tại, đêm trình diễn "Hà Nội Live Show", cộng việc Hà Nội gần đây đã thả một số tù nhân đặc biệt như anh Đinh Đăng Định, anh Nguyễn Hữu Cầu, anh Cù Huy Hà Vũ, anh Nguyễn Tiến Trung, và anh Vi Đức Hồi, cộng việc hàng vài chục bài viết về chủ đề hòa hợp hòa giải, khiến cho người ta liên tưởng đến một sự thay đổi đặc biệt, hay một bước lùi quan trọng nào đó từ phía Hà Nội. Đặc biệt trong chủ đề HHHG, có một bài viết mang tựa đề "Nước Mỹ sau nội chiến và bài học hòa hợp dân tộc"(*3), như một sự công nhận lá cờ vàng 3 sọc đỏ được xuất hiện trong tiến trình HHHG, giống việc chính phủ HK công nhận lá cờ của phe miền Nam bại trận, sau cuộc nội chiến. Nhưng đêm trình diễn "30/4 Nhớ Về Sài Gòn" của Khánh Ly tại tiểu bang Arizona HK, có lẽ sẽ làm Hà Nội nhức nhối vô cùng, vì bị gài vào việc tiến thoái lưỡng nan. Muốn tiếp tục "Hà Nội Live Show" thì quá bể mặt và không biết Khánh Ly sẽ làm gì, nói gì với người Hà Nội trên sân khấu, mà chúng ta có thể mường tượng ra được, đó không phải là những lời nói tốt cho nhà cầm quyền Hà Nội. Còn muốn hủy bỏ chương trình "Hà Nội Live Show", cũng không dễ, cũng bị bể mặt, vì vé của 3500 chỗ ngồi đã bán hết sạch, và nhiều khi ban tổ chức phải bồi thường hợp đồng đã ký kết cùng Khánh Ly.
Phải công nhận, ca sĩ Khánh ly có bản lãnh.
Ngày 14 tháng 6 năm 2014
Mỹ Linh
Nguồn: freevietnamnow.blogspot.com
Đính kèm:
(*1) Sài Gòn Vĩnh Biệt
(*2) Người Di Tản Buồn
(*3) Mỹ Sau Nội Chiến, nên vào đọc, rất hay
Gửi ý kiến của bạn