BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72828)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đầu sông Mã...

14 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 1350)
Đầu sông Mã...
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84
1- Từ lâu giữa anh với Toại có những ý, tình, liên hệ riêng tư, bằng hữu chung quanh không ai hay.

Năm 1972 hai người viết chung Báo Đời của Chu Tử do bà Kim Anh đứng tên chủ nhiệm. Cũng không biết bà Kim Anh là ai, sau này qua Mỹ mới biết đấy là bà Hà Thượng Nhân. Đỗ Quý Toàn thay Trùng Dương làm chủ bút với bút danh Ông Đạo Cấy. Ông Đạo chuyên viết bài fond với văn phong châm chích hài hước riêng như mấy ông Kiều Phong, Lê Tất Điều; Sức Mấy, Đinh Từ Thức; Ao Thả Vịt, Chu Tử, v.v... Những cây bút chuyên viết phiếm luận rất hấp dẫn được độc giả Saigon, miền Nam thuở ấy mến mộ.

Báo Đời có lúc đứng đầu bảng các tuần báo của Saigon với ấn bản lên đến ba mươi ngàn số. Ông Chu rất vui, đặt lòng tin vào báo Đời hơn Sóng Thần, bởi nhật báo có nhiều va chạm, rối rắm, phiền hà. Gọi là tòa soạn cho oai chứ thường xuyên chỉ thấy Ông Đạo Cấy ngồi một mình phì phèo ống tẩu với nét mặt hóm hỉnh cười vui.

Toại giải thích với ông Chu về thành công của báo Đời... “Vì báo toàn là ‘Nước’ nên tràn đầy, mênh mông như nước...” Anh dẫn chứng: “Báo do Trùng Dương giữ chức chủ bút đầu tiên, Đỗ Quý Toàn khi điểm sách, nói chuyện văn chương nghiêm chỉnh lấy hiệu Hải Lưu; cậu Nam là Đại Lãng (vô tình mà có với tên con trai chứ không do chủ ý với chủ điểm “Nước” của tòa soạn), còn tôi là Tiểu Ba, cũng là Sông Mã...”



Toại giải thích: “Tôi là người Thanh Hóa, sinh ở Bái Thượng trên Sông Mã, sẽ có một ngày tôi với cậu Nam về đó... tắm!” Anh đồng ý với lời nói đùa mang Tính Thật vì bản thân rất thích nước, cũng bởi lá số tử vi mang Mệnh Mộc, Thủy Nhị Cục. Nước - Trong tâm thức, với cuộc sống là yếu tố bản thể, là một điều linh thiêng. Tuy nhiên chỉ là cảm nhận mơ hồ, phải sau này khi kinh qua cuộc đổi đời khốc liệt 1975 mới hiểu ra. Nhưng anh với Toại trở nên thân không phải do văn chương, chữ nghĩa mà bởi thích chuyện khôi hài quanh bàn rượu với chai bia. Anh ngỏ lời thân mật: Mẹ tôi cũng họ Ngô. Toại đổi giọng miền Trung: “Năm 54, tui di cư vô Huệ... Dzô một chai đi cậu NM!” Toại “noái” thêm: “Tôi với cậu là ‘Tam Hợp Hợi-Mão-Mùi’ nên cầm chai bia với nhau là đúng thôi.” Cũng cần nói thêm, báo Đời lấy truyện dài Bên Dòng Nước Biếc của Cung Tích Biền làm bài chủ lực. Biền lúc ấy là cây bút xuất sắc của văn, báo giới Saigon với những bài viết ngắn sắc sảo, độc đáo như trong tập truyện Ai Tỉnh-Ai Điên. Nhưng chữ nghĩa là một chuyện. Con người thật lại là chuyện khác. Anh với nhân sự này không thân thiết như với Toại dù cũng là dân thích ồn ào xung quanh bàn rượu. Sau này mới rõ tại sao dẫu bản thân là người dễ tính “chín bỏ làm mấy chục,” cũng xong.
2- Năm 1974 gia đình anh dọn về ở cùng nhà mợ, đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận. Vì CM là con trưởng, cũng do mợ đưa ý kiến và là quyết định: Thời thế thay đổi, lộn xộn, gia đình phải tập trung với nhau. Mợ là người buôn bán giỏi, tháo vát, giải quyết sự việc rất chính xác từ những ngày mới qua tuổi 20, một mình quán xuyến tất cả công việc của một gia tộc từ lúc ở Hải Phòng, Quảng Yên trước 1954. Vào Nam, mợ mở thương trường, doanh nghiệp ra miền Trung, lên Cao Nguyên xây dựng nên tài sản lớn với cách thế giao tiếp thẳng thắn, trung hậu... Dẫu cũng đã có lúc gặp nguy nan như năm 1960 bị mất khoản vốn cuối cùng 100,000 đồng vì bị kẻ gian theo dõi đánh cướp trên chuyến xe lửa Sài Gòn-Tuy Hòa. Xuống ga xe lửa, mặt không đổi sắc, về nhà đóng cửa phòng ngủ giấc sâu. Mãi tuần sau mới cho người nhà hay khi đã tìm ra cách thức giải quyết phần tiền bị đánh cướp. Vàng năm 1960 chỉ khoảng hơn 1,000 Đồng/1lượng.

Giao Thừa 1974 qua 1975 khi CM đang lo bàn thờ ngoài hiên lầu, hai con chơi đùa bên cạnh.. Anh đột nhiên ngủ thiếp, chìm vào giấc mơ... Trời trở nên u ám tối tăm, Nước rút xuống mau chóng... Cánh đồng trơ gốc rạ khô khan nứt nẻ, những đàn cá ùn ùn mắc cạn, cánh mang Đỏ Máu phập phồng, tròng mắt trợn trừng kinh hoàng, tuyệt vọng... Anh cố sức chạy nhưng nước rút xuống nhanh hơn, chân lại mắc vào bãi lầy xềnh xệch dầu và đinh sắc nhọn... Anh gào khản nhìn về trời cầu cứu... Trời đỏ rực màu máu! Bố... Bố... dậy! Hai con lay lay cánh tay... Cùng lúc bàn thờ ngoài hiên lầu bốc cháy lửa ngọn. Người đầm đìa mồ hôi lạnh và trong lòng u ám thê lương. Anh với tay ôm con mà trong đầu còn nguyên cảm giác xót xa nguy nan từ giấc mơ.

Sáng 30 Tháng Tư, 1975, chị LN con bà cô, người chăm sóc anh từ ngày tấm bé hốt hoảng báo tin.. “Cô KCg và mấy ông nhà văn, nhà báo dẫn cán bộ cộng sản đến nhà tôi tìm bắt anh ĐM (Đại tá ngành tình báo) và tìm cậu.” Anh nhảy xuống khu nghĩa trang sau nhà chạy bộ lên trường Collette trú ẩn với gia đình CQAh. Tâm cảnh chạy trốn giống hệt tình thế của giấc mơ đêm Giao Thừa, đồng thời chợt nhớ lời Mợ nói năm trước...Thời thế thay đổi, lộn xộn... Khi nói lời này giọng bà không vui dẫu luôn luôn cười tiếng rạng rỡ. Khi đã ngồi yên trong phòng nhà QAh, kiểm điểm lại sự việc... Anh nhớ lại lời Toại hôm ở tòa soạn báo Đời bất ngờ có đủ mặt những người viết... “Thằng cha này (ám chỉ CTBn) sao tôi nghi quá!” Anh có bị cái gì nó xúi bảo thế không? Anh hỏi Toại lơ đãng vì không mấy hào hứng về vụ việc khám phá chẳng vui vẻ gì. Toại chắc giọng: “Anh tin đi, chẳng phải lính nhưng tôi cũng có fermeture (vết khâu bụng sau khi giải phẫu) do đạn vi-xi tặng cho.” Anh nghe giọng Toại có vẻ bực bội lần nhắc lại chuyện bị đặc công cộng sản bắn nơi sân trường Văn Khoa năm 1967. Ngày Toại đúng 20 tuổi. Toại rất ít khi dùng “anh, tôi” trong câu chuyện giữa hai người.

3- Cục trưởng Cục Trại Giam, Bộ Công An Hà Nội, Hoàng Thanh đưa đôi mắt vô cảm bằng sành sứ trên khuôn mặt đất sét lạnh nhìn thẳng mợ, nói nhỏ không cảm xúc... Bà suy nghĩ kỹ. Cho chúng tôi biết. Ai cho bà biết anh NM, con bà đang bị giam tại đây, Phân Trại C/Trại 5 Lam Sơn để bà tới thăm?

Mợ nhìn lại không nao núng: Tôi chả cần suy nghĩ gì cả. Cậu ấy là con rể không phải con ruột. Vợ cậu ấy đi Mỹ nhờ tôi trên đường có việc ra lại Hải Phòng (Mợ chọn lựa không dùng chữ “về”) ghé đây thăm. Làm sao tôi biết được cậu ấy ở đây? Bố cậu là cán bộ ở Hải Phòng, tôi giúp chút quà (Mợ nhấn mạnh chữ “quà” một cách cố ý) tất biết được. Tôi cũng chẳng cần gặp mặt cậu ấy (Mợ hóa giải đòn hiểm của Hoàng Thanh một cách tự nhiên).

Cuối cùng thấy không gây được áp lực, Hoàng Thanh quyết định... Quay qua Trại Trưởng Đỗ Năm ra chỉ thị: “Được, cho bà ấy gặp anh NM mười phút, cho nhận quà thăm nuôi.”

Nhưng tất cả vẻ cứng cỏi, lạnh nhạt vụt mất đi khi mợ đối diện với anh... Mợ nói nghẹn: “Con cố gắng. CM và hai cháu bình an. Thôi mợ về.” Anh chỉ hỏi được câu ngắn: “Mợ đi Hải Phòng hay về Saigon. “Mợ về Saigon. Đi Hải Phòng làm gì.” Mấy mươi năm về với gia đình mợ chưa bao giờ anh thấy bà như muốn ngã quỵ như hôm ấy.

Ngày hôm sau, 17 Tháng Tư, 1986, Hoàng Thanh xuất hiện trong phòng biệt giam nói câu ngắn: Cho anh một giờ để chuẩn bị. Chuyển trại.

Chuyến đi như một giấc mơ khốc liệt. Khi lên xe, anh tưởng sẽ được đưa về Nam hay chí ít cũng được chuyển đến các trại trung ương gần Hà Nội để chuẩn bị cho một cuộc trao trả theo mong ước chủ quan của những người tù trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Nhưng chiếc xe quay đầu về hướng mặt trời. Nắng dọi trước mui xe command car chập chờn ánh lửa. Đồi núi càng đi càng mịt mù giăng mắc... Và khi đã biết chắc chuyến xe không xuống đồng bằng mà chuyển về hướng Tây, anh chìm dần xuống nỗi thê lương thê thảm. Người lạnh run phát lãnh.

Ngồi sau lưng Hoàng Thanh anh có ước tính... Nhảy xuống xe lao mình xuống vực! Nếu được chết hẳn sẽ là giải thoát nhẹ nhàng! Nhưng chỉ là ước tính vì thể chất quá suy yếu sau năm tháng kiên giam từ 1981. Thêm tinh thần vừa bị chấn động từ lần thăm nuôi hôm qua, và chuyến đi tuyệt vọng của ngày này... Anh nhìn mông chung quanh vô cảm giác... Núi đồi chập chùng giăng mắc như không thực. Khi qua phố chợ... Trong khoảng khắc, toàn bộ nhà của, con đường, cây lá như biến mất trong ánh nắng vàng không thật. Tất cả im lặng hóa thành Không - Cảm ứng khi đứng trước Hạ Viện Saigon sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975. Khi con người chạm mặt Sự Chết.

“Cảm giác chết” thật sự hiện thực khi leo lên chiếc dốc trại Thanh Cẩm... Bất động đứng trước mặt đám cán bộ trại đang tập trung xem tên đại úy ngụy viết văn - Tên tù cải tạo được đánh giá là nguy hiểm ngoan cố nhất hệ thống trại giam vùng Thanh Hóa, hậu thân của Lý Bá Sơ, chốn địa ngục trần thế thành danh từ những năm 50. Anh lãng đãng nghe đọc lệnh kiên giam cùm một chân, và nhìn những tên tù hình sự hả hê ấn chiếc khuôn có hai chữ “CT” bằng hắc ín lên lớp bông nõn trắng của chiếc áo ấm đắt giá mà mợ vừa đem đến hôm qua. Anh nói thầm... Thân không kể. Kể gì quần áo. Anh chỉ cay mắt khi nghĩ đến tình cảnh mợ đang tất tả đội mưa gió đi về trên đường vạn dặm sau 10 phút thăm nuôi. Anh không dám nghĩ đến CM và hai con mà những tấm ảnh bị xé vụn theo lệnh của Hoàng Thanh từ dưới trại Lam Sơn.

Khi vào phòng giam, anh kéo chân cùm tối đa về phía phải để có thể ra đứng nơi khung cửa sổ... Gió mát lạnh và tiếng sét rền vang khởi đầu trận mưa miền núi vũ bão... Mưa! Mưa! Mưa! Anh đứng nơi khung cửa sổ thụ hưởng những hạt mưa nguyên sinh như từ một thuở hồng hoang khai vũ trụ. Anh đã không được tiếp xúc với khí trời, mưa, gió, ánh sáng, tia nắng từ bao năm qua.

Hạt mưa cho sự an ủi, bình thản... Anh trở lại bệ nằm chìm xuống giấc ngủ sâu... Mẹ anh đứng trên núi cao, khuôn mặt sáng rực thanh thoát, hiền hậu xót thương nhìn xuống... Bạn anh, Ngô Vương Toại đến đưa cho bà một khung vàng. Mẹ đổ xuống những hạt vàng lóng lánh. Anh nói với bạn: “Mẹ tôi cũng họ Ngô.” Toại cười rạng rỡ, đắc ý: “Ngô Là Tôi. Tôi Là Vua!” Anh tỉnh giấc với tiếng sông đưa nước nơi xa... Có tiếng thuyền chài gõ nhịp trầm trầm khoan thai như nhắc nhủ, vỗ về... Bao đau thương từ năm tháng qua, nhục nhằn phẫn uất từ buổi thăm nuôi... Anh bật khóc vào lúc không ngờ nhất. Tuy nhiên anh thấy rất rõ... Đang có người thân yêu đâu đây. Người thật gần... Mẹ. Mợ. Bạn... Tôi Là Vua! Hình như anh cười trong bóng tối, nước mắt đẫm ướt má khi nhớ lại lời đắc ý, sảng khoái của Toại... Tôi Là Vua.

Kết Từ: Đầu năm 1994, Toại xuống Cali thăm anh trong ngày đầu anh đến Mỹ. Anh kể lại chuyện giấc mơ - Một Giấc Mơ Như Thật. Toại thú vị sảng khoái: “Anh thấy vậy là đúng. Tôi là Vua. Trong khi đợi làm vua, tôi làm báo. Anh lên DC ở với tôi. Nhà tôi không rộng nhưng có cái basement đủ cho anh ngồi viết. Phải viết không viết không được. Trong khi đợi làm vua thì làm báo.” Từ hứng khởi của bạn, anh có những câu:

Đầu sông Mã
Ông xưng Ngô Vương
Đã Toại lòng chưa?
Hóa ra lãnh búa!
Chúng đánh đầu ông!
Chúng bắn bụng ông!
Qua Mỹ...
Diễn Đàn ông khởi động!!


Toại cười thành tiếng: Anh đã làm thơ vậy tôi sẽ không làm thơ nữa. Để khỏi cãi nhau. Tôi sẽ vẽ.

Toại ơi! Hóa ra, “Đầu Sông Mã... ” Đầu năm 2014, năm Ngọ này bạn ra đi thật... Ra đi chưa kịp làm Vua nơi nước Nam. Nhưng yên tâm - Bạn đã là Vua của chúng tôi.

Để nhớ ngày Ngô Vương Toại về Trời/Làm Vua với bằng hữu
(3 Tháng Tư, 2014)


Phan Nhật Nam

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn