Thế là Anh đã thoát ra khỏi cõi dương trần đày ải. Tin anh mất không làm em ngỡ ngàng, nhưng cớ sao trong lòng em tê dại...
Từ những ngày khởi đầu của Phong Trào, vì công việc anh Huy giao phó, em đã không đến thỉnh thị anh thường xuyên nên dường như giao tình giữa anh em mình không được đằm thắm. Hơn một năm sau, kể từ ngày họp mặt mấy chục anh em ở số ... Nguyễn Đình Chiểu, khởi điểm của ngày hình thành Phong Trào, cũng là ngày giỗ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy năm 1992, Phong Trào bị đàn áp. Ngày 11/11/1993, một số anh em bị bắt, một số bị nghiêm cấm, quản thúc tại gia... Trong hoàn cảnh lúc ấy, anh vẫn nhớ đến em, gửi tiền cho em và những lời khích lệ, an ủi.. Từ đấy em hiểu anh hơn trước.
Ngày 12/02/1995, được tin anh và anh Đồng Tuy, cùng Biên và Châu bị tống giam vào khu ED của Chí Hòa, khu dành cho các can phạm trong án tử hình và chung thân. Ngày ấy anh đã 75 tuổi, hai chân anh gầy guộc, từ những ngày bị thuộc cấp Mai Chí Thọ hành hạ ở những năm 46 - 47, đi đứng không vững, làm sao anh có thể chịu đựng được cuộc đầy ải này.
Lần xử án thứ nhất, anh em mình mới được gặp lẫn nhau, mừng là anh vẫn còn như thép nguội, kể cả tinh thần và thể xác. Đứng trước vành móng ngựa địch, anh ôn nhu nhưng bất khuất, sang sảng trong giọng nói, thản nhiên khinh thị những lời buộc tội của đám quan tòa rô bô. Sau phiên xử, anh em chúng ta được về ở chung cùng khu ED khám Chí Hòa, tối tăm, khắc nghiệt.
Ngày ấy anh không muốn chống án, vì chúng ta không chấp nhận chế độ lẫn bản án. Nhưng rồi anh Năm ra lệnh chống án. Quyết định mang tính cách có tính toán chính trị ấy, tuy không muốn nhưng anh đã chấp hành. Lần phúc thẩm, ôi anh Bẩy, anh quả là anh Bẩy Bốp của em. Anh đã chỉ vào mặt tên chánh án và bồi thẩm đoàn, nghiêm khắc cảnh cáo: "Đảng cộng sản các anh chắc chắn sẽ bị nhân dân giải tán!..." Anh bị đàn áp ngay tức khắc. Hai tên công an nhào tới, bẻ quặt hai tay anh ra sau lưng, xô đẩy, kéo lê tấm thân già còm cõi, đem cùm ngược tay ngoài hành lang... Mọi người tham dự phiên tòa đều khóc. Bây giờ anh đã ra đi, anh Đồng Tuy thì ở mãi tận Hòa Lan, bệnh hoạn, đau yếu, anh Năm vẫn còn bị đày ải trong lao tù, hun hút khói sương từng ngày...
Em còn nhớ mãi, một hôm anh đi "chợ", "chợ" là lối buôn báncủa "Căng tin" trong tù với giá cắt cổ. Anh đi chợ chỉ là kiếm cớ quẳng cho em hai gói thuốc lá "con Mèo": "Đính! Giáng Sinh, quà cho mày!" Phạm Tường hỏi: "Còn quà cho em?". Anh bảo: "Nó là thằng Công giáo duy nhất trong đám chúng ta. Phải an ủi nó. Mày không có!" Anh nói chưa hết câu, công an trờ tới, quát nạt, xô đẩy. Anh nghiêng nghiêng chiếc đầu hớt trọc, khập khểnh bước từng bước, điếu thúc chụm vào hai tay, an nhàn thở khói...
Tinh sương sáng hôm sau, ngày 25/12/1995, bẩy anh em bị tống vào xe bít bùng, cùm chân hàng dài vào những thanh sắt, cái cùm sắt tàn độc nhất trong lịch sử nhân loại xiết chặc lấy ống quyển nhói buốt, còn bị những chiếc dùi cui đập vào ống quyển để xô đẩy, dồn nén cùng 50 tù hình sự đi "trường". Tất cả được, Xuân Lộc, Đồng Nai. giải lên Z30A. Suốt chặng đường dài chồm xốc, chật cứng, gian khổ, anh vẫn cười nói như không.
Đêm đầu tiên bị giam chung buồng với bọn tù hình sự trọng án tại buồng 4 trại B ( trước là trại A), như có sự sắp xếp định mệnh, em lại nằm ngay đúng cái chỗ mà em đã nằm trước đây mà mười năm về trước em bị giải từ miền Bắc vào. Thò tay xuống gầm sàn, em moi được tờ giấy nhỏ, bài thơ em làm dở dang đã dấu vội vào khe ván năm nào, rồi quên đi. Hôm ấy, cảm khái đọc cho anh nghe một bài thơ bất chợt mà em còn nhớ được hai câu:
"Thoắt chốc mười năm trở lại đây
"Chứa chan" núi cũ tóc sương bay"...
Rồi sáng hôm sau thức dậy, lệnh chuyển trại qua khu 4 giam tù chính trị, tiền bạc, đồ đạc ... bị bọn hình sự đêm qua trấn lột gần hết. "Đòn phủ đầu! Bọn trẻ con!" Và anh cũng chẳng ta thán gì... Bắt đầu những ngày tháng khổ sai, dù anh đã 75 tuổi vào năm ấy, với cái liềm trong tay, lết tấm thân còm cõi già nua đi cắt cỏ, anh cũng chẳng ta thán gì.
Ngày 21/08/1977, toàn bộ tù chính trị và tôn giáo được chuyển ngược về trại B, khu biệt lập, hàng rào sắt, biệt lập với tù hình sự, một" trại tù trong lòng trại tù". Từ ngày ấy, anh tương đối được thảnh thơi, không phải đi lao động. Ngày từng ngày, tất cả tù chính trị của hầu hết các trại miền Nam được chuyển về đây. Anh em tù có dịp gặp gỡ, quần tụ bên nhau chung một khu gồm 2 dãy nhà và 4 buồng, đội 15, 16, 18 và đội già, trong ấy có anh.
Từ ngày ấy, càng lúc em càng hiểu rõ anh hơn. Ở trong anh, ngoài sự uyên bác, sâu sắc đến từng chuyện kim cổ, trường đời, trong tất cả mọi việc. Sự hiểu biết bao la của anh cộng với lời khoan dung, độ lượng, yêu thương, nhân ái của anh đã được hầu nhu toàn bộ anh em tù chính trị yêu mến, gồm trên 200 người. Anh gần gũi với mọi người, trong đó có các vị chức sắc các tôn giáo của Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Fulro và các tổ chức đủ mọi thái độ chống cộng khác nhau. Tuy tính anh như thế, vui vẻ như thế, nhưng đối với hòa thượng Không Tánh, Linh mục Trí, Thích Huệ Năng, Thầy Huân... anh đều giữ lễ nghiêm cẩn và tôn kính.
Lớp trí thức trẻ tuổi như Phạm Trần Anh ( chung thân), Trần Trọng Kim ( chung thân), Lê Thể ( chung thân)... toàn là những án 15, 20 năm trở lên còn sót lại, họ quây quần bên anh, tình như anh em, cha con. Những ngày thảnh thơi ấy, mỗi buổi sáng, họ ngồi với nhau; chung quanh anh, cà phê, thuốc lá và đàm thảo. Anh còn soạn sách dạy chữ Nho cho một số anh em muốn học, phương pháp của anh giản dị, chia chữ theo từng bộ khác hẳn Tam Thiên Tự, Ngủ Thiên Tự, Nhất Thiên Tự.
Có một lần trong buổi tọa đàm, anh đã vô tình lỡ lời khiến bên anh em Hòa Hảo bực bội, anh Huy đã phải xin lỗi và giải thích, rồi mọi việc cũng êm đẹp. Ngay đêm đó, sau ngày thăm nuôi, buồng đãi trà lá, bánh kẹo, lồng vào đó là buổi sinh hoạt, kiểm điểm của tổ chức. Để tránh tai mắt rình mò của bọn an ninh, thường tập trung chỉ có anh Huy, anh Đồng Tuy, anh và em nằm gần nhau. Lần ấy, anh Năm Huy nghiêm khắc phê bình anh, đến độ em e ngại vì sự có mặt của mình. Anh đã im lặng chăm chú lắng nghe và tiếp nhận chân thành những lời phê bình ấy. Lần ấy, em còn nhớ từng lời anh, với giọng ôn nhu đầy tình yêu thương, anh phát biểu:
"Trước tổ chức, tôi hoàn toàn nhận lỗi vì sự vô ý vừa qua. Từ ngày tôi giơ tay chấp nhận Thầy Ba ( Nguyễn Ngọc Huy) và Thầy Năm ( Nguyễn Đình Huy) là lãnh tụ, dù cho đến chết tôi vẫn giữ trọn lời thề. Trước khi thành lập Phong Trào, theo ý muốn của Thầy Ba, tôi không cần biết đến gian nguy, không so đo hơn thiệt, tôi đã chấp hành mọi mệnh lệnh. Nay Thầy Ba không còn nữa, Thầy được Thầy Ba chỉ định sự kế thừa ấy, tôi hoàn toàn tuân phục và tôn kính tổ chức do Thầy lãnh đạo. Nay trước các anh, tôi nhận khuyết điểm và sẽ không bao giờ tái phạm."
Hôm ấy, sau phần tự kiểm điểm của anh, cả em và anh Đồng Tuy cũng bị kiểm điểm về việc thảo luận tử vi với một số anh em khác sau khi anh Năm Huy nhắc... " Đừng để mọi người nói rằng tổ chức của chúng ta là tổ chức mê tín, bói toán..."
Từ hôm ấy, không một ai có thể cạy răng anh Đồng Tuy về tử vi. "Thôi, khẽ chứ, ông Huy ông ấy la!..." Còn anh, anh vẫn đến tham dự những buổi quần tụ của thân hữu, nhưng chỉ chừng vài mươi phút là anh rút lui. Nhiều anh em níu giữ, anh thân mật nói: "Tụi bay để tao tản hàng. Lỡ lại nói năng lung tung, cha Huy chả ấy la..."
Trong anh em, ai cũng biết chuyện của anh. Anh thường nói: " Đời tôi có bốn điều không bỏ được. Thứ nhất là Tổ Quốc. Thứ nữa là tổ chức, sau mới đến vợ con. " Các bạn hỏi điều thứ tư là gì? Anh cười: "Thuốc lá!" Rồi anh nắm tay đấm mạnh vào bụng: "Bay thấy không? Còn ngon lành chớ!" Em cười cùng đám đông. Có nguòi hỏi: "Anh Bẩy! Sao cái chân anh cà kheo vậy?" Anh bảo: "Pháp nện, Việt minh đập, có gì mà lạ mẩy!"
Anh Bẩy ơi! Nay anh đã ra đi, nhưng trái tim anh, tấm lòng anh, khí tiết của anh còn ở lại với em, ở lại trong lòng mọi người, trong lòng Tổ Quốc mà suốt đời anh đã hiến dâng, tận tụy. Nay anh dong chơi cõi thọ, làm sao anh không hiểu đuọc lòng đau xót của em, của tất cả bằng hữu, đồng chí của chúng ta.
Hương thơm của lòng nhân ái, đức hy sinh, kiên cường của anh là gương sáng cho em, cho anh em còn lại, và hơn thế nữa, anh đã quên đi chính mình, chính cá nhân mình, ngay cả những tự ái, vì chính cá nhân là khởi thủy của mọi tham vọng, chia rẽ và phân hóa. Anh đã vượt lên trên tất cả bởi lòng khiêm cung, nền tảng vô cùng cần thiết cho sức mạnh kết hợp.
Anh Bẩy ơi! Em đội ơn anh dạy dỗ bởi tấm gương của chính cuộc đời anh.
Than ôi, anh Bẩy! Vĩnh biệt anh.
Anaheim ngày 12/11/2001
Trần Thúc Vũ
Gửi ý kiến của bạn