BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đoàn Quân Mũ Đỏ (2)

27 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 1568)
Đoàn Quân Mũ Đỏ (2)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Thằng Phụng đứng trước mặt Trang, nó đứng nghiêm, giơ bàn tay phải lên ngang trán, hô lớn:

-Tân binh Đinh Viết Phụng, số quân... chưa có, con trai lớn của Thượng Sĩ Đinh Viết Định, Đại đội ...

Nó ngưng lại, vì quên. Định nhắc con:

-Năm mươi!

Thằng nhỏ tiếp:

-Đại đội Năm Mươi, Tiểu đoàn Năm Nhảy Dù, trình diện và chờ lệnh Thiếu úy. Trang xoa đầu nó:

-Lát nữa bác Thái đến, con phải hô lớn hơn chút nữa... , anh Thái có nói mấy giờ tới không?

Định vừa ngước nhìn lên đồng hồ treo tường vừa sửa lại vành chiếc nón đỏ cho con:

-Khoảng nửa tiếng nữa thôi. Thằng Phụng hỏi Mẹ:

-Sao bác Thái làm Thiếu úy, mà bố chỉ có Thượng sĩ, hả Mẹ? Trang cười:

-Tại... bố con không đi đánh giặc như bác Thái!

Thằng bé không hiểu:

- Sao bố lại không đi đánh giặc?

Định bồng con lên:

-Bố sắp được ra vùng hành quân rồi! Thôi bố con mình ra cổng đón bác Thái. Vừ lúc đó, tiếng còi xe tin tin phía ngoài. Trang vui vẻ:

-Anh Thái đến.

Tiếng Thái oang oang: - Anh Định ơi!

Định vội bước ra, nắm chặt tay bạn kéo vào nhà: - Lâu quá mới gặp lại anh!

Thái vừa chào Trang vừa đặt hai chiếc hộp carton trên bàn rồi trố mắt nhìn thằng Phụng: - Lính nhảy dù tí hon. Cháu có bộ đồ bông đẹp quá.

Trang đưa mắt nhìn con. Thằng nhỏ đứng thẳng người, miệng hô lớn:

- Tân binh Đinh Viết Phụng, số quân chưa có, con của Thượng sĩ Đinh viết Định...

Đến đây, nó khựng lại, đưa mắt nhìn Mẹ cầu cứu. Trang nhắc:

-Đại đội Năm Mươi...

-Đại đôi Năm Mươi, trình diện và chờ lệnh Thiếu úy.

Định cười:

-Quên Tiểu đoàn rồi! Thái vui vẻ:

-Cháu tôi ngoan quá. Bác có quà cho cháu. Thái trao chiếc hộp tròn cho nó:

-Tặng cháu chiếc đĩa bay tự động.

Nó loay hoay một lát:

-Bác ơi, làm sao cho chạy? Thái chỉ chiếc nút trắng:

-Cháu đẩy nút này theo mũi tên đi.

Thằng nhỏ làm theo lời Thái và đặt đồ chơi lên bàn. Chiếc đĩa bay chớp đèn màu, chạy tới mép bàn là tự động quay trở lại.

Thằng bé vỗ tay:

- Hay quá, đĩa bay không rớt...

Như sực nhớ ra điều gì, nó ngẩng lên nhìn Thái và khoanh tay lễ phép:

-Cháu cảm ơn bác. Thái hỏi Định:

-Mới đây mà chị Trang đâu rồi? Sao không thấy bé Hòa?

Định cười:

-Bả vô bếp rồi. Sáng nay cô giáo Mai đi chợ về ngang qua đây. Bé Hòa đòi theo cổ qua bên đó chơi.

-Nhà cụ Năm ở gần đây sao?

-Bên kia cầu một quãng. Tôi chưa nói cho Mai biết là chiều nay anh lên chơi. Nếu không, hẳn là cụ Năm đã tới đây chờ gặp anh rồi. Ông già có vẻ chí tình, luôn ghé hỏi thăm tin tức về anh.

Rồi dò ý bạn:

-Anh có định đến thăm cụ không? Thái gật đầu:

-Để coi lúc nào tiện cho anh.

-Mình đi ngay bây giờ. Anh ở lại nói chuyện với cụ, tôi qua bên Trại một lát coi có gì lạ không?

-Đồng ý.

Định gọi Trang:

- Bà xã à!

Trang từ nhà dưới lên:

-Hai anh em định qua thăm cụ Năm phải không? Trang cười:

-Là tôi đoán vậy thôi. Anh Định nhờ cô giáo bồng bé Hòa về giùm em. Cần cô ấy phụ bếp nữa đó. Thái cười theo:

-Bữa ăn chiều nay sẽ ngon lắm. xin chị trao chiếc hộp vuông cho bé Hòa.

-Được rồi. Cảm ơn anh.

Trang mỉm cười nhìn theo đôi bạn.

Hai người dựng xe ở một góc sân. Từ phía nhà bếp, Mai bồng bé Hòa bước ra:

- Anh Định...

Định giơ tay:

-Đây là Thiếu úy Thái. Còn đây là cô giáo Mai, con bác Năm đó. Mai vui vẻ chào Thái:

-Rất hân hạnh được Thiếu úy ghé thăm. Ba tôi đang ở trong nhà, mời Thiếu úy và anh Định vô chơi.

Định lên tiếng:

-Lát nữa, cô Mai cho cháu về nhà trước giùm. Bà xã tôi có việc nhờ cô đó. Tiếng Mai dịu dàng:

-Dạ.

Rồi nàng kéo tấm màn che khung giường bên trái: - Ba! Anh Định đưa Thiếu úy Thái tới thăm Ba.

Định và Thái vừa vào tới nơi. Cả hai đều cúi đầu: - Thưa bác!

Già Năm ngồi dậy, tươi cười:

-Cảm ơn ông Định có lòng. Xin chào Thiếu úy. Chúng tôi mỏi mắt trông chờ Thiếu úy. Rồi già tiếp ngay:

-Mời hai vị ngồi. Mai, châm trà, con!

Định đỡ lấy bé Hòa trên tay Mai:

-Bé Hòa! Con chào bác Thái đi chớ. Con bé chắp hai bàn tay, miệng ấp úng:

-Chào bác!

Thái xoa đầu nó:

-Ngoan! Bác có quà để bên nhà cho con đó. Nó cúi đầu:

-Cháu cảm ơn bác.

Thái kéo ghế ngồi gần ông già:

-Thưa bác. Được tin vết thương bác đã lành, cháu rất mừng. Để bác và cô Ba mất công tìm kiếm, cháu thật có lỗi. Như cháu đã trình với bác, xin bác cứ coi việc dưới xứ là bổn phận của chúng cháu. Bác nói đến điều ơn nghĩa làm cháu không an lòng. Bữa nay được nghỉ, cháu lên anh chị Định và đến thăm bác.

-Cảm ơn Thiếu úy.

Định nói:

- Thưa bác, cháu có việc đi một lát. Chiều nay, vộ chồng cháu xin mời bác và cô giáo qua dùng cơm với anh Thái.

Cụ Năm tươi cười:

- Cảm ơn ông. Sớm mai nầy tôi thấy trong người không được khỏe, nên chỉ ăn chút cháo. Nhà lại vắng người vì vợ chồng thằng cháu mới đi Bình Dương có công chuyện. Thôi để cháu Mai qua bên ông bà.

Rồi cụ nói với Mai:

- Con qua bển phụ bà Định chuẩn bị cơm nước đi.

Định đứng lên:

-Con xin phép bác. Anh Thái hầu chuyện bác. Tôi đưa cô giáo và cháu về nhà trước. Thái nói:

-Chiều nay cô giáo làm bếp, thế nào chúng tôi cũng được ăn ngon.

Mai bồng bé Hòa ra ngoài sau khi cúi chào Thái:

-Thiếu úy ở lại chơi. Cụ Năm hỏi Thái:

-Thiếu úy được nghỉ phép bao lâu?

-Thưa bác, tối nay cháu phải có mặt tại đơn vị.

-Hai cụ nhà vẫn mạnh? Thái lắc đầu:

-Ba cháu mất từ hồi cháu còn nhỏ. Má cháu mất ít năm sau khi đưa cháu di cư vào Quảng Trị. Từ ngày gia nhập quân đội, cháu theo đơn vị vô Miền Nam.

Cụ Năm tỏ vẻ ái ngại:

-Thiếu úy ở Sài Gòn một mình?

-Dạ! Cháu ở chung với anh em trong Trại. Cuộc sống quân ngũ rày đây mai đó nên cháu chưa dám nghĩ đến việc tìm người bạn đời. Thêm vào đó, lâu nay giá sinh hoạt lên cao, cháu e sự thiếu thốn vật chất cũng làm cháu bận tâm trong lúc còn bao nhiêu bổn phận, bao nhiêu trách nhiệm đè nặng trên vai.

-Thiếu úy nghĩ như vậy cũng phải, nhưng trừ các vị chân tu, mấy ai thoát vòng thê nhi. Tôi cũng từng sống độc thân mãi đến năm ba mươi sáu mới kết hôn. Tôi tin đó là mệnh số.

-Bác theo Nho giáo?

Cụ Năm trầm ngâm:

-Cũng ảnh hưởng khá nhiều. Đúng ra, tôi không được học đến nơi đến chốn, chỉ tuân theo gia huấn: làm lành, tu thân...

-Thưa bác, sinh thời, ông thân cháu cũng tin vào số mệnh. Ông thường nhắc câu: “Nhân sinh tử hồ số, số hồ thiên mệnh”. Điều này khiến cháu cho rằng mình đi chiến đấu vì sự an nguy của Miền Nam tự do, vì hạnh phúc của đồng bào, còn sự sống chết là do Trời định đoạt.

Cụ Năm cười:

- Cho nên có những sự việc xảy ra như đã được một bàn tay xếp đặt. Lạ một điều là ta có cảm tưởng như việc đó tất nhiên phải xảy ra. Để tôi kể lại câu chuyện từ khi được trực thăng đưa về Dân Y Viện Cà mau. Trong những ngày đầu nằm ở đó, tôi tin tưởng rằng thế nào con cháu Mai cũng đến với tôi. Vì tôi đinh ninh rằng Thiếu úy đã báo tin giùm. Tại sao tôi lại tin như vậy? Tại sao mới gặp Thiếu úy lần đầu khi lâm nạn, mà sau khi chia tay, tôi đã coi Thiếu úy như một người thân? Có cái gi huyền bí, thiêng liêng khiến tôi tin ở Thiếu úy và chỉ còn chờ đợi sự việc tuần tự sẽ diễn ra mà thôi. Quả nhiên, mấy bữa sau, con gái tôi đến, như nó phải đến. Điều này, tôi cho là cái duyên tiền định, hướng dẫn con người tìm được nhau trong một vòng tao ngộ. Về lại Biên Hòa, tự nhiên tôi bị một động lực thúc đẩy, bằng mọi cách phải tìm được Thiếu úy để có ngày hôm nay.Cha con chúng tôi không được biết tên và đơn vị của Thiếu úy, nên cháu Mai rất ngần ngại khi phải thâm dò tin tức với tấm giấy vài hàng chữ của Thiếu úy. Các đơn vị Dù ở nhiều nơi, làm sao đi kiếm? Tuy vậy, có điều gì khiến chúng tôi tin tưởng là thế nào rồi cũng được gặp lại Thiếu úy. Quả nhiên, anh chị Định giúp chúng tôi.

Thiếu úy coi, từ bao giờ, con tôi đã dạy học chung trường với chị Định, và cũng đã từ bao giờ, gia đình anh chị Định và Thiếu úy đã thân thiết, coi nhau như ruột thịt. Nhờ vậy mà khi đọc tấm giấy, anh Định nhận ngay ra tuồng chữ của Thiếu úy. Những việc xảy ra từ trước đến khi tôi bị tai nạn và bữa nay chúng ta gặp lại nhau, khiến tôi càng tin tưởng vào sự xếp đặt của Trời.

Thái đặc biệt chú ý lời cụ Năm. Chàng góp ý:

- Thưa bác, sự việc đã xảy ra tuần tự như vậy, sao bác còn coi như một điều ơn nghĩa làm cháu thiệt chẳng an lòng.

Cụ Năm hạ giọng:

- Theo tôi, đó là cái duyên trong cái mệnh. Sự an bài biết đâu chẳng là ân tứ mà Đấng Tối Cao dành cho con người có chung một chữ duyên trong vòng tao ngộ. Chẳng hạn như gặp nạn rồi gặp may, gặp người thân thuộc, gặp điều kỳ ngộ. Nhưng dù sao, cũng vẫn phải theo thông lệ xã hội.

Ngưng một lát, cụ Năm nói tiếp:

- Nói giả tỉ, anh A ra đường lượm được gói đồ. Ảnh trả lại cho người làm rớt đến xin lại. Theo thông lệ, người đó phải nói đôi lời cảm ơn. Không thể nào cho rằng sự việc dĩ nhiên phải xảy ra như thế mà quay đi, không nói năng gì hết. Chính vì theo thông lệ của xã hội, mà tôi ước ao được gặp lại Thiếu úy để nói lên lòng biết ơn. Phần khác vì mến Thiếu úy cùng các chiến sĩ ta, qua cung cách các anh em đối xử với đồng bào dưới xứ. Còn chuyện được gặp lại Thiếu úy còn phải có duyên nữa.

Thái vui vẻ:

- Cháu hiểu rồi. Nghe bác nói, cháu thấy sáng ra. Nhiều điều thiệt mới lạ đối với cháu. Thế nào khi có hoàn cảnh, cháu phải lên hầu chuyện bác để học hỏi thêm.

Cụ Năm nhìn ra phía ngoài:

-Anh Định đã trở lại. Được gặp lại Thiếu úy, tôi mừng vô cùng, có lẽ sẽ hết bịnh. Tiếc rằng Thiếu úy không có thì giờ ở lại dùng cơm với cha con tôi.

-Xin bác coi cháu như anh Định mà đổi cách xưng hô...

Cụ Năm vui vẻ:

-Vậy từ nay xin kêu bằng anh. Có tiếng Định mé ngoài:

-Thôi, mình về kẻo họ mong. Anh Thái, xin phép bác về thôi. Thái đứng dậy:

-Bác nằm nghỉ. Cháu xin cáo lỗi. Cụ Năm nắm tay Thái:

-Anh đi mạnh giỏi. Xin cảm ơn anh về cuộc viếng thăm này. Chúc anh sức khỏe và thành công. Thái cúi đầu:

-Cháu thành kính chúc bác mau bình phục.

Nói xong, Thái đỡ cụ Năm nằm xuống, kéo tấm màn che lại rồi bước ra ngoài.

Định nói vừa đủ nghe:

-Anh thấy cụ Năm hiểu biết và tế nhị không? Tôi thật mến cụ. Thái gật đầu:

-Tôi cũng vậy. Thế mà bữa dưới Cái Nước, tôi chỉ thấy một nông dân bình thường. Ngờ đâu ông cụ “nhà nho” quá.

Định giơ tay:

- Thôi, mình về kẻo họ mong. Lâu lắm chúng ta mới ăn cơm chung. Hai chiếc xe gắn máy chạy ngược trở lại nhà Định.

Bé Hòa ôm con búp bê mà Thái vừa cho đang chơi với cu Phụng trước sân. Thấy bố và bác về, chúng nó reo lên:

- Bố! Bác!

Thái dựng xe bên tường rồi giơ tay bồng con nhỏ vô nhà:

-Bé Hòa ngoan lắm. Trang từ dưới bếp lên:

-Các ông tướng đi lâu thế, làm chị em tôi chờ mãi. và nói nhỏ với Thái:

-Cô Mai làm món cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng tuyệt cú mèo. Bữa nay bắt anh nhịn cơm. Thái dặt bé Hòa xuống:

-Ăn một món cô Mai làm là đủ no rồi.

Trang nói với chồng:

- Mình coi! Chưa chi anh Thái đã về hùa với cô Mai rồi! Có tiếng Mai phía sau:

-Chị nói gì em đó? Trang cười:

-Nói cô làm bếp giỏi thôi mà. Nào mời quý vị ngồi vào bàn kẻo thức ăn nguội hết. Tôi đưa hai đứa nhỏ xuống nhà dưới rồi lên ngay.

Định rót bia và nước ngọt ra ly:

-Nghe cô Mai có nhiều chuyện nói với anh Thái, sao nãy giờ ngồi im vậy? Mai lúng túng:

-Em nghĩ là ba em đã nói hết rồi, phải không? Thiếu úy?

-Chưa đâu. Ông cụ có nhiều điểm giống ba tôi ngày trước. Nếu có dịp, thế nào tôi cũng phải lên hầu chuyện cụ.

-Được gặp lại Thiếu úy, thế nào ba tôi cũng hết đau. Cha con tôi rất vui nếu được Thiếu úy lên dùng cơm.

Trang vừa bước đến gần, vừa nói:

- Khách sáo! Cô Mai cứ kêu anh Thái là anh cho thân mật. Cô đâu phải nhà binh mà xưng hô theo cấp bậc?

Thái tiếp lời:

-Vâng, xin cô Mai đừng gọi tôi là Thiếu úy nữa. Mai ấp úng:

-Nếu Thiếu úy cho phép!

Định cười:

-Nếu... anh cho phép chớ!

-Dạ!

Trang ngồi cạnh Mai:

- Ly nước của cô sao còn đầy vậy? Anh Thái, anh phải tận tình chiếu cố, cả món cá lóc của cô Mai, cả món thịt gà lá chanh của tôi nữa đó.

Thái nâng ly:

- Mời anh chị, mời cô giáo. Tôi không quen làm khách mà. Lâu lắm, tôi mới được ăn một bữa cơm gia đình như thế này. chắc lần sau còn hơi xa.

Mai nhìn Thái:

-Thiếu úy, à quên... anh ở Sài Gòn, cũng gần mà.

-Tôi sắp tham dự một chiến dịch, chưa biết bao giờ mới trở lại hậu cứ. Trang tiếp lời:

-Vì vậy buũa nay là anh Thái ăn Tết trước với chúng ta.

Định thêm:

-Biết đâu lại chẳng có sự thay đổi vào giờ chót? Nhà binh mà. Thái nói:

-Tôi cũng mong như vậy. Bốn năm qua, chưa Tết nào đơn vị tôi được ở hậu cứ. Trang cười:

-Ở hậu cứ? Mồ côi vợ như anh thì ăn Tết với ai?

Mai cười theo:

- Chắc anh Thái cũng có bà con thân thuộc, hoặc người đẹp nào ở Sài Gòn...

Định nhìn bạn:

- Cô đoán sai rồi. Bà con đã chẳng có, mà người đẹp cũng không, vì gàn như anh Thái, đâu ai thèm để ý!

Trang chế thêm:

-Người thế này mà... ế! Cô Mai coi có cô bạn nào... gàn gàn, làm mai cho anh Thái với! Mai cúi đầu:

-Em đâu có cô bạn nào... gàn gàn như chị nói!

Thái chỉ tay về phía Trang:

-Chị Trang chỉ bày đặt, thế nào cũng có bữa phải lo đồ mừng thiệt sự cho coi. Xong bữa, Mai phụ Trang dọn xuống nhà dưới. Chỉ một lát sau, Mai đi lên:

-Chị Trang không cho em rửa chén.

Định cười:

- Cô phải tiếp chuyện anh Thái. Tôi vô trại, chút nữa về.

Định đi rồi, có tiếng Trang từ nhà bếp:

-Anh Thái nhớ, trên đường trở lại Sài Gòn, anh cho cô Mai quá giang về bên nhà với bác Năm. Mai lắc đầu:

-Tôi chưa lần nào ngồi sau xe gắn máy. Sợ rớt xuống đường!

Thái nói:

-Lát nữa ra xe, tôi sẽ chỉ cách giữ sao cho khỏi té. rồi hạ giọng:

-Cô dạy buổi sáng?

-Dạ, cùng với chị Trang.

-Học trò có đông không cô?

-Trên bốn chục. Lẽ ra chỉ được nhận tối đa bốn mươi em. Nhưng vì học sinh đông quá.

-Ngày trước, đã có một thời gian tôi dạy học và cảm thấy rất vui.

Mai tươi cười:

-Nhưng cũng mệt trí, tôi theo đuổi nghề dạy học, vì thấy hợp với khả năng và ý nguyện của mình. Đôi lúc, tôi nhận ra trách nhiệm thiệt nặng nề mà khả năng của mình thì có hạn. Nhất là trong cuộc sống chật vật hiện nay, vì phải lo kiếm ăn, hầu như phụ huynh hoàn toàn phó mặc sự giáo hóa con em cho nhà trường. Có gia đình, mấy tháng liền, cha mẹ học sinh không ký tên vào học bạ lớp nhứt...

-Tôi hiểu chuyện đó, đôn vị tôi cũng có một trường tiểu học. Các đơn vị trưởng của luôn phải nhắc nhở binh sĩ phải cộng tác với nhà giáo để theo dõi việc học của con em.

Mai nhẹ nhàng:

- Nhà binh có kỷ luật chặt chẽ nên việc gì cũng dễ phải không anh?

-Kể ra thì tổ chức nào mà không có kỷ luật tốt. Điều cần là kỷ luật phải được tôn trọng. Bỗng nhiên, Thái hỏi qua vấn đề khác:

-Bác không được khỏe, cô đã đưa bác đi khám bệnh chưa?

-Ba tôi bệnh già. Lâu lâu mệt vài bữa. Sau lần bị cháy chân, ông cụ càng mất sức. Nhưng cũng không có gì đáng lo ngại. Dịp này được gặp lại anh, ba tôi sẽ khá hơn.

-Cảm ơn bác và cô đã dành cho tôi nhiều hảo cảm. Tôi chỉ xin...

Thấy Thái ngập ngừng, Mai nhìn chàng, chờ đợi.

Thái không nói tiếp ngay. Chàng thấy cặp mắt của Mai êm dịu quá. Lòng chàng mang mang. Bao nhiêu năm rồi, Thái sống trong đơn vị, vui buồn cùng anh em đồng ngũ. Chàng chưa để lòng vấn vương hình ảnh nào, kể cả hai người con gái Miền Trung, như lúc này khi đối diện với Mai.

Mai nhắc:

-Anh cứ nói.

-Xin Mai thứ lỗi cho tôi bày tỏ điều này. Cứ phải nghĩ rằng, những quan tâm mà bác và Mai dành cho tôi vì cho rằng chuyện dưới Cà Mau là điều ơn nghĩa. Tôi chỉ mong được bác và Mai coi như một người thân, bởi có duyên gặp nhau, như lời bác đã dạy.

Mai nhẹ nhàng:

- Cha con Mai được coi anh như người thân là điều thiệt lòng mong đợi. Xin bỏ qua những điều anh đang nghĩ về câu chuyện đã qua.

Không muốn kéo dài thêm những phút giây có thể vấn vương thêm nữa, Thái đứng lên: - Đã muộn, tôi đưa Mai về rồi trở lại Sài Gòn.

Mai đứng lên theo:

-Bao giờ Mai được gặp lại anh? Thái vui vẻ:

-Từ nay, mỗi khi có dịp đi Biên Hòa, thế nào tôi cũng ghé thăm Bác và cô. Trang từ nhà dưới đi lên:

-Anh Thái về hả? Tết này nếu không đi xa, không bị cấm Trại, thế nào anh cũng phải...

Thái nói tiếp:

-Tới đây! Dĩ nhiên rồi, thưa chị. Cảm ơn chị cho ăn.

Ba người ra chỗ đậâu xe. Mai ngồi phía sau.

Thái nói:

-Cô bám cái nắm tay vịn thiệt chắc, không sợ té đâu. Mai giơ tay vẫy Trang:

-Em về, chị Định!

-Hẹn sáng mai. Anh Thái về mạnh giỏi nha!

***


Thái đứng trước hàng quân:

- Lần này, chúng ta tham dự một chiến dịch được dự trù khoảng trên dưới bốn tuần lễ. Riêng ông Bách, có thể được thay thế khi sức khỏe không cho phép.

Bách đứng nghiêm:

-Thưa Thiếu úy, tôi có thể theo anh em được.

-Lát nữa, sau khi tan hàng, ông vô tôi nói chuyện.

-Dạ!

Thái nói tiếp:

- Về tổng quát, tham dự chiến dịch này, tức là chúng ta lại có một cái Tết Nguyên Đán thứ năm không được ở Sài Gòn. Tiểu Đoàn đã:

1 - Cho chúng ta 48 giờ nghỉ để ăn Tết trước với gia đình, hoặc bè bạn.

2- Tổ chức văn nghệ ca nhạc kịch đêm mai để anh em tham dự cho vui.

3- Chuẩn bị chu đáo quà Tết cho các gia đình cô nhi quả phụ củ tử sĩ cùng các thương bệnh binh còn đang điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, Viện Bài lao Ngô Quyền và Bệnh Viện Đỗ Vinh. Riêng việc này, Hạ sĩ Tân ở nhàsẽ tháp tùng Ban Xã Hội Tiểu Đoàn lo cho chu đáo.

Có ai cần hỏi gì thêm?

-Trung sĩ Đức xin trình Thiếu úy!

-Ông Đức, nói đi!

-Thưa, lưới mũ sắt đã nhận đủ, nhưng vẫn chưa có giầy nhảy số nhỏ...

Thái gật đầu:

-Tiểu đoàn đã xin được cung cấp giầy số nhỏ, nhưng hiện chưa có. Ông Bách, coi ai không tham dự cuộc hành quân này thì đổi đỡ cho anh em.

Còn ai hỏi tiếp? Nếu không, ông Bách phát giấy phép cho anh em.

Bách hô:

- Nghiêm!

Thái chào lại rồi rảo bước đến phòng làm việc. Một tấm giấy để sẵn trên bàn với dòng chữ: - Mời Thiếu úy Thái ra phòng khách Tiểu Đoàn, có cô Mai xin gặp.

Thái ngẩn người. Chàng đang tính lên Quang Trung thăm ông thầy học cũ, sau hai chục năm mới có tin. Không hiểu Mai đến có việc gì. Thái sửa lại vành mũ lưỡi trai rồi lên phòng khách.

Người con gái mặc chiếu áo dài màu tím nhạt reo lên:

-Anh Thái! Thái mỉm cười:

-Cô Mai mặc áo tím trông lạ hẳn đi.

Ngồi đối diện với Mai, Thái nghe giọng nói ngọt ngào:

- Lâu rồi, Mai không mặc áo tím. Vì Mai nghe chị Trang nói anh có người yêu thường mặc áo tím nên bữa nay thử coi anh tưởng là “cô ấy” không?

Thái cười:

-Chị Trang phá tôi hoài!

-Chừng nào anh lên đường tham dự chiến dịch?

-Vài bữa nữa.

-Anh lên Biên Hòa được không? Thái lưỡng lự:

-Tôi chỉ còn rảnh ngày hôm nay. Sáng nay, tôi định lên Quang Trung thăm ông thầy học ngày xưa sau hai chục năm mới được tin.

Mai vui vẻ:

-Anh cho Mai đi theo với. Mai có cô bạn trên Trung Chánh, lâu rồi Mai chưa đi thăm. rồi Mai nhẹ nhàng:

-Có làm phiền anh không?

Thái lắc đầu:

-Chỉ sợ đường xấu, nhiều ổ gà, ngồi xe gắn máy sẽ làm Mai mệt thôi. Mai cười:

-Mai không mệt đâu. Mình đi luôn nha, anh!

Thái đứng lên:

- Mai chờ một lát, tôi thay thường phục rồi ra ngay.

Ít phút sau, chờ Mai ngồi trên yên sau, Thái cho xe chạy ra khỏi trại Nguyễn Trung Hiếu:

-Bữa nay Mai không dạy học sao?

-Học sinh chích thuốc chủng ngừa, Mai nghỉ mới lên thăm anh được chớ!

-Bác khỏe hẳn chưa?

-Ông già em, lại xuống Cà Mau thâu huê lợi rồi. Cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng ba Mai phải có mặt.

Chiếc xe chạy bon bon theo hướng Tây Ninh.

-Anh kể chuyện Cô Bé Áo Tím cho Mai nghe đi.

-Chị Trang nói với Mai thế nào?

Mai ngập ngừng:

- Thì hai người ... yêu nhau!

-Mai tin không?

-Tin chớ, chuyện bình thường mà.

-Chị Trang bày đặt thêm đó.

Mai không nghe Thái nói thêm. Chiếc xe lồng lên khi qua một ổ gà.

-Đường xấu quá. Mai ráng chịu chút nghe!

-Không sao đâu anh.

Gần đến con đường vô Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Mai nói:

- Anh cho Mai xuống trước căn nhà có màu xanh nước biển đó. Chừng nào xong việc, anh ra đón Mai trở lại Sài Gòn.

Thái vừa dừng xe thì cánh cổng vụt mở, một thiếu phụ bước ra: - Mai!

Mai xuống xe: - Hà!

rồi giới thiệu:

- Đây là anh Thái, người quen của gia đình Mai. Còn đây là chị Vĩnh, tức cô bạn Hà cùng học Gia Long với Mai ngày trước.

Hà và Thái chào nhau.

Hà thân mật:

-Mời anh Thái và Mai vô nhà. Thái tươi cười:

-Hân hạnh được biết chị. Tôi có công việc phải vào phía trong này một lát. Sẽ trở lại ngay. Hà cầm tay Mai:

-Chúng tôi chờ anh.

Nhìn theo Thái lái xe đi, Hà kéo tay Mai:

- Nào, cô giáo! Vô đây, lâu lắm mới được chị ghé thăm. Anh Thái là...

Mai tiếp lời:

-Là bạn, cũng mới quen đây. Hà cười:

-Từ trước tới nay, đâu nghe nói chị có bạn trai? Cứ thú thiệt đi cho người ta mừng. Mai cười theo:

-Đã nói, anh Thái là bạn. Hỏi hoài không sợ người ta mắc cỡ sao? À ông bác sĩ của chị hồi này ra sao?

-Anh Vĩnh mới đi Đà Lạt công tác cho Nha QuânY. Hai người bước vào phòng khách.

Hà mở tủ lạnh:

-Chị ngồi chơi. Em lấy chai nước lọc .

Đặt ly nước trên bàn, Hà ngồi đối diện với bạn:

-Trưa nay chị và anh Thái phải ăn cơm với em. Mai lắc đầu:

-Anh Thái phải về Sài Gòn ngay!

Hà nhìn Mai: - Còn chị?

Mai ngập ngừng:

- Em cũng về, vì buổi chiều phải trở lại Biên Hòa. Em đâu có xin phép ba lên thăm chị mà ở lại được. Hè này em sẽ lên chị vài ngày.

-Anh Thái có vẻ ... nhà binh, phải không chị? Mai gật đầu:

-Ảnh là Thiếu úy trong một đơn vị Dù.

-Chị vừa giới thiệu anh Thái là người quen của gia đình, vậy tức là không phải hai người biết nhau từ trước?

-Ba em mới là người quen anh Thái trước. Chị nghi ngờ gì mà lục vấn kỹ thế?

Hà cười:

- Tại lần đầu tiên, em thấy chị ngồi xe chung với một ... chàng, nên cứ tưởng là vị hôn phu của chị. Nếu... chưa phải thì cho em xin lổi!

Mai cười theo:

-Tại sao lại nói... nếu chưa phải, thay vì... nếu không phải? Chị có ý nghĩ ... nghi ngờ người ta!

-Thế mà em sẽ... đúng.

-Đúng cái gì?

Hà trêu bạn:

- Cô giáo đừng tránh né nữa. Thế nào cũng phải cho em hay thôi.

Rồi thấy Mai lúng túng, Hà hiểu là đang có sự thay đổi trong tâm hồn bạn, nên hỏi sang chuyện khác:

-Chị thấy em hồi này thế nào? Mai chăm chú nhìn bạn:

-Chị đẹp hơn trước nhiều. Đám cưới cả năm rồi mà chưa có tin mừng sao?

Hà nhìn xuống bụng:

-Gần 3 tháng rồi! Mai vỗ tay:

-Chúc mừng anh chị. Phải mà anh Thái không mắc công chuyện, tụi em sẽ ở lại trưa nay.

-Chị ... biểu anh Thái dẹp cái ... công chuyện đó, ở lại ăn cơm trưa, được không?

Mai lắc đầu:

-Không dám... đâu! Việc nhà binh, làm sao hoãn được? Chắc chị ... làm tàng với anh Vĩnh lắm?

-Lâu lâu nhõng nhẽo một chút, cho vui vậy mà. Sau này có chồng, chị sẽ thấy, đôi lúc rất cần đến sự... nhõng nhẽo như vậy. À, làm sao bác lại quen anh Thái?

Mai đem câu chuyện, từ khi ông già mình gặp nạn ở Cà Mau cho đến nay, kể lại cho Hà nghe.

Hà cười:

-Đúng là... việc người thì sáng, việc mình thì quáng. Chị... yêu anh Thái rồi đó! Mai kêu lên:

-Yêu!

Hà nói tiếp:

- Đúng vậy đó, cô nương! Không yêu, sao chị mất công, mạnh dạn đi thăm anh Thái, khi hai người mới gặp nhau lần đầu ở nhà chị Trang? Không yêu, sao chị dám leo lên xe gắn máy cho “người ta” chở từ Sài Gòn lên đây? Theo em, đó là biểu lộ một niềm tin, hay là sự mặc nhiên ký thác của tâm hồn. Tình yêu bắt đầu như thế đó. Dù sao, em cũng có đôi chút kinh nghiệm về chuyện này. Chúng ta vừa rời ghế nhà trường, còn nhiều bỡ ngỡ trước cuộc đời. Nhất là thiệt dè dặt trong đối xử với những người khác phái. Thế mà, một buổi sáng, em đã ... dám leo lên xe cho chàng Vĩnh chở, từ nhà thờ Đức Bà ở về nhà, dù chỉ cách mấy trăm mét. Thì ra, em đã yêu Vĩnh từ bao giờ mà không hay. Bữa đó mới bắt đầu sự chứng tỏ. Nên em nghĩ rằng chị đã yêu anh Thái.

Mai cúi đầu:

- Em thiệt chưa hiểu rõ lòng mình. Từ bữa gặp anh Thái, em nhận thấy có nhiều thay đổi trong suy tư và cảm nghĩ. Còn việc đi thăm anh Thái và lên đây thì như một điều rất tự nhiên. Thế là em... yêu rồi hả chị?

-Đúng, để lát nữa, em dò ý anh chàng coi sao. Hai người đẹp đôi lắm. Có tiếng chuông cửa. Hà và Mai cùng đi ra.

Thái dựng xe vô cổng ngoài rồi nói với Mai:

-Có lẽ phải xin phép chị Vĩnh, tôi cần trở lại Sài Gòn. Còn cô giáo...

Mai nhìn Hà:

-Chị Vĩnh muốn mời anh ở lại dùng cơm trưa nay. Thái vui vẻ:

-Rất cảm ơn chị Vĩnh muốn cho ăn. Nhưng tôi phải trở lại Sài Gòn ngay sáng nay. Xin khất chị tới lần sau.

Hà giơ tay:

- Anh mắc bận, tôi không dám giữ, vậy xin vô uống ly nước đã. Cô giáo cũng không chịu ở lại và theo anh về Sài Gòn.

Thái nói:

- Dạ!

Thừa lúc Hà vô nhà trước, Mai hỏi Thái:

-Chuyện gì gấp vậy, anh?

-Chuẩn bị cho một vài công chuyện và dự đám táng người bạn học cùng khóa. Anh ấy đền nợ nước tại Vùng I Chiến thuật, tuần lễ trước đây.

-Còn việc anh sửa soạn hành quân?

-Tôi sẽ lo chiều và tối nay cho xong.

Hà mời khách ngồi rồi rót nước ngọt ra ly:

- Mời anh dùng nước.Từng nghe nói nhiều về những chiến công của Đoàn Quân Mũ Đỏ, nay mới hân hạnh được làm quen với anh. Nghe nói, anh lại sắp lên đường?

Thái vui vẻ:

-Thưa chị, vâng.

-Hình như các anh ít khi được nghỉ lâu?

-Sau một cuộc hành quân, đôi khi chúng tôi chỉ được nghỉ năm ba ngày, rồi lại ứng trực cho cuộc hành quân bộ, hoặc nhảy khác.

Hà hỏi lại:

-Ứng trực như vậy là gì, anh?

-Chúng tôi ở binh chủng Nhảy Dù, nhưng đúng ra là bộ binh nhảy dù, vì chiến đấu trên đất liền, bằng những phương tiện của bộ binh, có khi di chuyển bằng trực thăng. Đó là hành quân bộ. Còn hành quân nhảy, chỉ khác là được di chuyển bằng vận tải cơ và nhảy dù xuống trận địa.

Hà cười:

-Ứng trực như thế cũng như nằm nghỉ, phải không anh?

-Nhưng chúng tôi lại thấy căng thẳng, vì không biết mình sẽ được kêu đi lúc nào. Thà là được nghỉ hẳn, hoặc lên đường ngay, còn hơn.

Hà quay lại Mai:

- Nghe anh Thái nói chuyện hay quá. Bữa nào chị phải mời cho bằng được anh lên đây dùng cơm với vợ chồng em.

Mai nhìn Thái:

- Anh Thái sắp đi rồi, lại chẳng biết chừng nào về. Mà có về ít bữa, lại... đi. Em làm sao biết để mời được?

Thái nói tiếp:

-Để khi nào tôi có hoàn cảnh, sẽ lên thăm anh chị.

-Chắc phải chờ khi nào anh được đi phép thường niên, mới có hoàn cảnh.

-Tôi chỉ muốn nói, vào dịp tôi biết chắc được nghỉ mấy ngày liền thôi. Chớ mười năm lính, tôi chưa được đi phép thường niên bao giờ cả. Chị coi, trong lúc chiến tranh leo thang, phần vì nhu cầu chiến trường, phần vì đồng đội bị thương hay... hy sinh, tôi thiệt không có can đảm làm đơn xin phép năm được.

Hà gật đầu:

-Anh tha thiết với binh nghiệp...

-Thưa... không phải vì binh nghiệp, mà vì đời sống quân ngũ, với những ràng buộc của nhiệm vụ, với danh dự của một đoàn quân có ít. Nhiều chiến thắng vẻ vang góp phần vào việc bảo vệ cuộc sống an lành và thịnh vượng của đồng bào, và với những hy sinh cao cả của các anh hùng tử sĩ, và với những mối tình chiến hữu...

Hà tươi cười:

- Nghe anh nói, tôi thấy yêu đời sống quân ngũquá. Ông xã tôi làm thầy thuốc, lại không phục vụ ở

một đơn vị tác chiến, nên ...

Thái giơ tay coi đồng hồ rồi đứng lên:

-Mỗi người một nhiệm vụ mà chị. Tôi phải về, xin chị cho phép. Hà đứng lên theo:

-Không dám giữ anh lại. Cảm ơn anh đã tới thăm. Xin chúc anh lên đường mạnh khỏe, thành công. Thái nói:

-Xin chào chị.

Hà tiễn hai người ra chỗ để xe, dặn Mai:

- Chị về. Nhớ cho vợ chồng tôi gởi lời kính thăm bác. Khi nào thuận tiện, chị nhớ phải mời được anh Thái lên chơi với chúng tôi.

Sau tiếng “dạ”, Mai đã ngồi phía sau xe Thái. Hai người còn quay lại chào Hà, trước khi chiếc xe gắn máy chạy ra hướng quốc lộ.

Trên đường trở lại Sài Gòn, Mai nói:

-Anh đi dự tang lễ ngay khi tới Sài Gòn sao?

-Xin lỗi Mai..

-Tại Mai lên thăm anh bất tử mà. Anh cho Mai ra bến xe Biên Hòa. Còn nhiều bài vở chưa soạn, đang chờ Mai ở nhà.

-Bao giờ tôi được gặp lại Mai?

Mai nói nhỏ bên tai Thái:

-Mai đợi anh đi chiến dịch về lên thăm ông già và Mai.

-Mai nói thêm nữa đi.

-Nói gì hả anh?

-Bất cứ chuyện gì. Tôi muốn được nghe Mai nói bên tai như thế này, mãi mãi...

Không nghe tiếng Mai nữa, Thái kêu:

-Mai!

-Dạ!

-Mai giận tôi?

-Đâu có, anh!

-Sao Mai không nói thêm cho tôi nghe?

Giọng Mai ngập ngừng:

-Lúc ra đi, Mai định nói nhiều với anh. Thế mà đến khi gặp anh, Mai lại chẳng biết phải nói gì nữa. Mai thiệt vụng về, phải không anh?

-Mai!

-Sao anh hay kêu Mai vậy?

Thái cười:

-Để coi, Mai còn ngồi bên tôi không?

-Còn nè. Anh đi chiến dịch có lâu không?

-Có lẽ chưa đến một tháng đâu.

-1 tháng... lâu quá!

-Mai!

-Dạ!

-Rồi lâu ngày không gặp lại, Mai sẽ nghĩ về tôi như thế nào? Mai nhỏ nhẹ:

-Anh hỏi như vậy, làm sao Mai trả lời được?

-Còn tôi. Hẳn là tôi sẽ nhớ Mai nhiều lắm. Mai tin không?

-Tin.

Thái nhấn chân ga. Chiếc xe lao vụt đi. Mai hoảng hồn ôm chặt lưng chàng:

-Anh đừng chạy lẹ quá, làm Mai sợ!

-Về tới ngã tư Bảy Hiền, Mai cho anh chạy vòng vòng Chợ Lớn thêm ít phút nha!

-Chi vậy anh?

-Để anh được ở gần Mai lâu hơn là dự định...

Mai không nói thêm. Một lát sau, nàng mới lên tiếng:

-Anh!

-Mai bảo gì?

-Chừng nào về tới hậu cứ, anh phải lên Mai ngay nha!

-Chắc chắn. Mai khỏi cần dặn điều đó.

-Anh!

-Sao Mai hay kêu anh vậy?

-Mai bắt chước anh mà.

-Vậy hả?

-Mai thấy sợ quá!

-Sợ gì?

-Sợ anh!

-Làm sao?

-Không!

Đường Nguyễn Văn Thoại


Thái cho xe chạy xuôi đường Nguyễn Văn Thoại, đến ngã tư Trần Quốc Toản, rẽ về Lý Thái Tổ.

-Mai nói thêm cho ... anh nghe đi.

-Để lát nữa.

Hai người im lặng cho đến khi xe ngưng lại bến xe đò Sài Gòn-Biên Hòa.

Mai xuống xe, ngập ngừng bên Thái:

-Anh về chuẩn bị dự đám tang đi. Mai chờ xe chạy được rồi. Thái muốn cầm tay Mai, nhưng chỉ hỏi:

-Hồi nãy, Mai nói sợ... cái gì?

-Mai không sợ gì nữa đâu.

Thái nhìn đăm đăm vào mắt Mai:

- Mai đừng sợ gì hết. Anh sẽ về ... với Mai!

Tự nhiên nước mắt Mai trào ra. Nàng quay vội đi:

- Anh đi mạnh giỏi.

Nói xong, Mai rảo bước đến gần cửa xe đò.

- Mai!

Mai quay lại:

-Anh kêu Mai?

-Vâng, anh kêu... em! Cho anh gởi lời kính thăm Ba! Mai nghẹn ngào:

-Dạ! Em sẽ nói lại với Ba! Hẹn gặp lại anh!

-Em về bằng an.

-Cảm ơn anh!

Thái rồ máy xe và quay lại nhìn Mai bước chậm trên những bậc thang cửa xe. Mai còn giơ tay vẫy theo, khi xe Thái lao đi, ngược con đường Pétrus Ký.

+++


Anh,

Bao giờ anh trở lại?

Anh có thể biết là bao giờ anh trở lại không, anh? Em đã từng hỏi anh như vậy trước mỗi lần chia tay. Anh mỉm cười, không trả lời. Có phải chính anh, anh cũng chẳng thể biết được ngày nào anh trở lại.

Cuộc chiến này dai dẳng kéo dài chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt! Nhiều người ra đi không trở lại. Nghĩa trang quân đội Biên Hòa, hầu như ngày nào cũng có những đám tang chiến sĩ ta đền nợ nước. Những vành khăn trắng trên đầu cô nhi quả phụ của tử sĩ khiến cho khung cảnh bên trong bức tượng Tiếc Thương, như được điềm tuyết trắng trong một rừng cây xanh. Em từng ngồi xe qua khu vực này. Qua khung cửa xe, em ghi nhận những hình ảnh đau thương. Khách đi xe ngả nón, cúi đầu. Khung cảnh như thế đã in sâu vào lòng em, nên cứ mỗi khi chia tay với anh, em thực lo sợ đó là lần cuối chúng ta gặp nhau. Nhưng nhìn vào cặp mắt anh, em đọc được mối tình của chúng ta. Thiệt là mầu nhiệm, tình yêu cho em niềm tin, là anh của em rồi cũng có ngày trở lại. Cũng như những lúc nhìn em thiệt lâu, hẳn anh cũng đọc được tình yêu của em đã trọn vẹn dành cho anh. Em hiểu tại sao những tia nhìn ấy chưa được diễn tả thành ngôn ngữ, như những người yêu nhau thường nói với nhau. Bởi, đâu cần phải dùng lời nói để xác nhận sự ký thác của tâm hồn. Mà nói làm sao cho hết tình yêu mà chúng ta đã dành cho nhau. Dù vậy, chưa nói ra, thông thường như chưa một lời cam kết.

Vì anh luôn phải ra đi trong đoàn quân quốc gia ngăn chặn sự xâm nhập phá hoại của những người anh em bên kia chiến tuyến. Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này quả thiệt vô cùng thê thảm. Anh còn đi tới những khung trời nào xa lạ nữa trên đường bảo vệ sự ấm no, hạnh phúc của đồng bào Miền Nam ruột thịt? Không gian nào ở cuối con đường ấy và thời gian nào anh có thể dừng chân lại?

Mùa Xuân đang tới, mùa Xuân sắp tới, hay là một mùa Xuân nào còn xa xôi lắm? Anh đã hứa, thế nào cũng có một mùa Xuân anh về thăm em. Em hy vọng, em chờ đợi. Nhưng mùa Xuân đó ở chặng nào trên con đường dài dặc của anh? Tại sao không phải là mùa Xuân sắp về trên giải đất này?

Anh biết không? Hồi chiều, em đang quét sân thì anh Định đi ngang qua. Trông thấy em, anh Định ngưng xe và cho em hay:

-Thái lên đường rồi! Em ngạc nhiên:

-Em mới gặp anh Thái sáng qua mà! Ảnh nói còn mấy bữa mới đi mà! Anh Định cười:

-Nhà binh là như vậy đó. Cô sẽ còn thấy nhiều chuyện bất ngờ khác nữa! Nói xong, anh Định lái xe đi. Vừa lúc đó, Ba em từ trong nhà bước ra:

-Hai anh em nói chuyện chi vậy, phải anh con đi hành quân rồi không?

-Dạ!

Em trả lời Ba mà rưng rưng nước mắt. Ba an ủi em:

- Tết này, thế nào anh con cũng về!

Từ bữa đó, ngày nào Ba cũng nhắc đến anh. Anh con. Anh con. Người ngoài nghe Ba nói, tưởng như anh là con trai của Ba. Riêng em cảm thấy, trong giọng nói của Ba, có một tình thương yêu đậm đà dành cho anh và hầu như ông già đã gởi gấm nhiều kỳ vọng nơi anh.

Thư viết cho anh gởi về hậu cứ TĐ1ND, không biết họ có chuyển tiếp tới vùng hành quân cho anh không? Em mong anh nhận để còn cho em hay về sức khỏe của anh, về những chặng đường gian lao trong cuộc hành quân này của đơn vị anh. Ngày ngày, em đợi thư anh.

Thế cũng đủ cho em. Cuộc sống của em, từ nay, có một phần tư tưởng theo anh ra chiến trường. Như vậy, em nhủ lòng là, trên con đường phục vụ dưới cờ của anh, em cũng góp phần tâm tư vào cuộc chiến, cho sự sống còn của Miền Nam Việt Nam. Em đoan hứa là sẽ cùng anh đi trọn con đường ấy. Cuộc chiến tàn khốc này, có sự hiện diện của tất cả mọi người bên này vĩ tuyến, trong đó có anh và em. Ý nguyện đó, khiến em tăng thêm nghị lực, tiếp tục công cuộc xây dựng của các anh, để xứng đáng - dù chỉ một phần nhỏ bé - với những hy sinh vô bờ bến của các anh hùng tử sĩ, của tất cả các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa.

Em nguyện xin các Đấng Thiêng Liêng phò hộ anh, ban cho anh sức khỏe và may mắn. Xin anh tin rằng, trên những bước đường gian nguy nhất của anh, lúc nào cũng có em bên cạnh anh.

Em của anh.

MAI

+++


Em,

Anh vừa nhận được thư em do máy bay L.19 thả xuống vùng hành quân. Ở đây, cứ vào mỗi chiều cuối tuần, phi cơ của không lực ta lại đem những ... chờ mong tới. Các bạn anh đặt tên cho máy bay L.19 này là Cánh Nhạn. Kể ra, bộ Tư Lệnh Chiến Dịch đã rất chu đáo, trong lúc bận rộn bao nhiêu diễn tiến kế hoạch hành quân, vẫn không quên tiếp tế thư từ cho chiến sĩ.

Thế mà anh cho rằng bảy ngày mới có một lần thư, cũng khá lâu, mặc dầu anh rất ít cơ hội gởi thư hồi âm cho em. Bởi sự liên lạc với bên ngoài toàn bằng vô tuyến. Chỉ khi nào có phương tiện đặc biệt, thư về hậu cứ mới được chuyển giao. Nhưng anh vẫn ghi mỗi ngày ít hàng cho em.

Ngay tối bữa tạm biệt em ở bến xe Pétrus Ký, đơn vị anh được lệnh ứng trực hành quân không vận khẩn cấp. Trưa ngày sau, những vận tải cơ C.123 đã chở TĐ1ND trực chỉ Vùng Chiến Dịch. Cuộc sống của anh trong quân ngũ, cũng như hầu hết chiến hữu, đều có những chuyến đi bất ngờ như vậy. Có thế mới bảo mật được kế hoạch di chuyển, mới tránh khỏi những sơ hở đáng tiếc.



Bây giờ, anh ghi chuyện chiến dịch cho em:

Địa điểm đóng quân của đơn vị anh là một khu rừng rậm. Cỏ và sậy mọc quá đầu người. Nhiều thế đất trũng, sâu, có những thân cây đổ ngổn ngang. Đó là vết tích oanh tạc do khu trục cơ F5 của Không Lực VNCH. Đây là giải đất nằm giữa các Chiến Khu D. và Dương Minh Châu. Sau khi nhảy dù xuống và trước khi di chuyển đến khu rừng này, đơn vị anh đã đánh tan mấy chục tên địch, lợi dụng láng trại của công nhân đồn điền, chặn đường tiến quân của ta. Chúng đã buộc cả phụ nữ và các thiếu niên tham dự trận đánh.

Có lần, đơn vị anh bắt được thằng nhỏ chừng 16 tuổi trên lưng áo có in dòng chữ: “Sinh Bắc, Tử Nam”. Khi được khai thác, mới biết nó có người anh bà con đang có mặt ngay Đại đội 12. Hai kẻ ở hai chiến tuyến đã ôm nhau... khóc!

Trở lại đêm đầu tiên tại địa điểm đóng quân, anh ngủ ngon lành. Từ hồi 18 giờ, trời mưa lất phất. Những hạt mưa nhỏ túa trên cây rừng, trên những chiếc lều vải, không tạo được âm thanh nào đáng kể. Anh có cảm tưởng là đang sống giữa mùa Xuân trên đất Bắc với những lớp mưa phùn thê thiết.

Bỗng nhiên trời tối sập xuống. Tuyệt nhiên không một ánh lửa. Không ai được mở máy thu thanh. Địch quân có thể tấn công bất cứ giây phút nào. Sơ hở của một người có thể tác hại chung cho đơn vị.

Khuya rồi, anh vẫn chưa ngủ được. Bây giờ đã nghe tiếng mưa rơi buồn bã. Anh nhớ về em, nhớ những dòng chữ em viết cho anh.

“Bao giờ anh trở lại?” Anh cũng đã tự hỏi như vậy. Mùa Xuân này nữa là mười cái Tết kể từ xa đất Bắc. Lúc ra đi, anh nhủ lòng là, nếu còn sống, thế nào cũng có ngày anh trở lại. Đến nay, chuyện về thăm quê hương vẫn còn là điều mơ ước! Chiến tranh! Cuộc chiến do Miền Bắc đang gây ra, đến bao giờ mới chấm dứt?

Tuần lễ đầu tháng trôi qua thiệt mau. đơn vị anh lại vừa thắng một trận lớn. Ngoài những tổn thất về nhân mạng, địch còn mất về tay đơn vị anh 6 đại liên phòng không 50, 3 đại liên 30, 1 súng cối 60, 1 phóng hỏa tiễn B40, 26 trung và tiểu liên Tiệp Khắc.

Tiếp theo, vào một buổi chiều lộng gió, đơn vị anh di chuyển đến ấp Nam Phú. đây là chặng đầu tiến quân của Chiến Dịch giai đoạn II. Tại đây, anh đã gặp một khung cảnh bất ngờ đầy khích lệ, khiến anh sẽ không bao giờ quên được.

Với dân số khoảng năm trăm người, ấp Nam Phú nằm cách địa điểm đóng quân giai đoạn I của đơn vị anh khoảng hai ngàn thước về phía bắc, theo đường chim bay, giữa một trại Lực Lượng đặc Biệt và một đồn địa Phương Quân. Hầu như tất cả mọi người trong ấp đều có mặt trong buổi đón tiếp đoàn quân chiến thắng, mà Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch cũng như đơn vị anh không được biết trước.

Dân chúng đứng dày đặc hai bên lộ trình tiến quân. Cả các cụ già, cả trẻ em bên cạnh thanh thiếu niên nam nữ hân hoan hò reo khi toán quân đi đầu xuất hiện. Rất nhiều tràng hoa nổi bật trong màu xanh của rừng cây. Đây chỉ là sản phẩm địa phương, gồm những bông hoa rừng nhiều màu sắc, gồm cả hoa thơm, cỏ dại được kết lại bằng những giây leo. Người dân Nam Phú đã tự động tổ chức cuộc đón tiếp thật đơn sơ này. Anh em chúng tôi thấy cảm động hơn khi được quàng những tràng hoa mua từ những quán bán bông trên đường Nguyễn Huệ, trong những buổi lễ chính thức diễn ra trước khu nhà Văn Hóa Sài Gòn, sau các chiến thắng Kiến Phong, Đỗ Xá, Bình Giả, Nguyễn Văn Nho, Lam Sơn, Thần Phong II..., trước bao nhiêu ống kính quay phim, chụp ảnh, cùng tiếng hoan hô từ các loa phóng thanh.

Anh viết tiếp những dòng này cho em, sau khi đơn vị anh hoàn tất việc đóng quân trong Chiến Dịch giai đoạn II.

Từng lớp bụi theo bánh xe thổ mộ bay lên dọc con đường đất hẹp, gồ ghề. Lúa vàng chín khắp cánh đồng bát ngát. Nơi tạm trú của anh là một gò đất nổi giữa ruộng lúa và con đường đất đỏ. đứng trong vị trí, anh có thể nhìn thấy những hàng cao su phía cuối con đường cùng những căn nhà mái ngói vàng đậm.

Mùa Xuân sắp về trên giải đất này, giữa những niềm yêu thương ruột thịt của đồng bào và những chàng trai mang súng.

Bao giờ cũng vậy, mỗi dịp Xuân về, những kẻ phiêu bạt như anh đều nhớ lại quãng đời niên thiếu với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm. Kim Sơn, quê huơng anh xa vời vợi. Một con sông đào thẳng tắp, một bên là ruộng lúa phì nhiêu, một bên là con đường liên tỉnh số 10 trải nhựa, dẫn tới cố đô Hoa Lư.

Miền Kim Sơn (Ninh Bình), cũng như Tiền Hải (Thái Bình), là công trình chiêu dân lập ấp của Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa. Nhắc đến Ngài, anh lại nhớ một giai thoại mà có thể ít người biết: Ngôi đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tọa lạc tại Kim Sơn. Năm Quý Tỵ (1833), dưới triều Minh Mạng (1820-1840) tức năm Minh Mạng thứ mười.

Bốn, được cụ Nguyễn Công Trứ cho phá đi để tiện việc khai hoang. Ngờ đâu, dưới bệ tượng quan Trạng, có ghi bốn câu thơ Nôm:

Minh Mạng thập tứ,

Thằng Trứ phá đền!

Phá đền rồi lại làm đền,

Nào ai cướp vị, tranh quyền chi ai.

Quả nhìên, cụ Nguyễn Công Trứ phải làm lại ngôi đền này. Bởi, nếu không phãi cụ Trạng tiên tri, ai dám xách mé, kêu Uy Viễn tướng công bằng tục danh là... thằng Trứ?

Dân cư ở phía trái con đường, nếu đi từ Nga Sơn (Thanh Hóa) lên. Làng nào cũng có sông đào và hệ thống dẫn nước vào ruộng. Mùa Xuân mưa phùn theo gió bấc làm rát mặt, nếu bước trên lối đi lát toàn bằng đá tảng đến giáp ranh các huyện phía bắc. đường làng nhiều hình vẽ cung tên và đầy xác pháo. Bàn thờ Tổ nghi ngút khói hương, những bộ quần áo mới, tiền mừng tuổi. Anh nhớ từng con sông đào, từng lối đi quen thuộc, dọc ngang trong làng. Mực nước sông lên xuống theo thủy triều, đúng như:

- Tháng Giêng, tháng Bảy phân minh,

Mồng năm, mười chín, thìn sinh, tỵ hồi...

Căn cứ theo những chỉ dẫn truyền tụng từ xưa, chẳng cần phải ra sông, mấy cụ bô lão nằm nhà cũng có thể tính ra mực nước lên xuống để chỉ dẫn con nhà nông trồng cấy cho hợp thời vụ. Anh còn nhớ, vào những ngày con nước sinh, lòng sông cạn. Vào những ngày con nước lớn, cây lúa chỉ trông thấy ngọn.

Ba ngày Tết, anh mặc quần trắng, áo thâm chùng bằng vải phin bóng, đi chúc tuổi nhiều nơi, chạy tung tăng với vô số tiền “lì xì”.

Sân nhà anh cũng nhiều xác pháo. Anh lượm những chiềc pháo chưa nổ, châm ngòi đốt lại. Mồng bốn Tết , dân làng đi tảo mộ thật đông. Anh theo Ba lên nghĩa trang đầu làng, dưới ngọn gió bấc lạnh cắt da. Bà con làm cỏ phần mộ thân nhân, cắm hương hoa nhang nến. Người ta chào thăm nhau, chúc nhau sức khỏe, tiền tài, danh vọng... bằng năm, bằng mười năm ngoái.

Ngôi mộ tổ của dòng họ anh được xây cất từ năm 1896, Đồng Khánh nguyên niên. Cụ tổ anh được khắc hình trong bia đá, với phẩm phục vua ban.

Ba anh mặc áo dài mầu lam. Chỉ khi đứng trước bàn thờ hoặc lên mộ Tổ, ông mới mặc chiếc áo đó.

Lớn lên, theo học trên Kẻ Chợ, năm nào anh cũng về quê nghỉ hè và ăn Tết. Từ ngày ông Táo về Trời đến tiết Nguyên Tiêu là quãng thời gian thần tiên trong tuổi đời niên thiếu của anh.

Quê hương anh là như vậy, tiếc thay, bây giờ đã đổi đời, đổi chủ.

Tết cổ truyền lại sắp về trên Miền Nam đầy vết tích chiến tranh tàn phá. Từng ụ đất, từng giao thông hào. đêm giao thừa, hỏa châu rực sáng, không “tối như đêm ba mươi” nữa, khung cảnh này, thực không giống ...Tết chút nào.

Một thùng đạn làm bàn viết, một vỏ đại bác làm bình cắm bông... rừng. Tấm ảnh em ở giữa, một bên là vài cuốn sách. Bức thư của em còn mở ngỏ:

“Anh,

Miền xứ bưởi dạo này lạnh nhiều. Vài trận mưa lâm râm làm buồn thành phố. Giặc vẫn gây cảnh tang tóc khắp nơi.

Ngày xưa, mùa Xuân về có tiếng kêu của loài tu hú, bây giờ được thay bằng tiếng súng, tiếng máy bay. Núi Bửu Long cành cây trụi lá, du khách ít người. Tuy khu Tam Hiệp rộn rã bóng người qua lại, mà sao em thấy con đường buồn tênh, em nhớ anh quay quắt. Tết này, em vụng về, chẳng biết gởi quà gì lên anh...”

Những dòng chữ của em đã là món quà vô giá đối với anh. Mấy trang giấy đơn sơ mà đôn hậu. Lá thư của em an ủi anh sau những mất mát của chiến tranh, khìến những người ruột thịt của anh không còn nữa; sau những đổ vỡ của mối tình đầu.

Trước khi có em, anh đã dè dặt. Hoàn cảnh riêng tư làm anh dè dặt. Kinh nghiệm vào đời làm anh dè dặt. Hơn nữa, tình trạng bị đe doạ không còn đất để di cư thêm một lần, làm anh dè dặt, nếu người phương Bắc không từ bỏ mộng xâm lấn Miền Nam.

Phải có những người cầm súng chống trả cuộc xâm lấn hiện đang tiếp diễn hầu như vô tận này.

Bên này chiến tuyến để bảo vệ Miền đất Tự Do, dù sao cũng có những anh hùng tử sĩ. Người đã hy sinh, mỉm cười mãn nguyện vì đã đi trọn con đường ... quốc gia hưng vong..., đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ đồng bào phía nam vỹ tuyến 17.

Nên chi, bao lâu cuộc chiến còn tiếp diễn, không riêng gì anh mà các chàng trai khác trong bộ đồ trận, ai cũng có những dè dặt tương tự, chưa dám nghĩ đến chuyện lứa đôi.

Nhưng rồi đến một ngày nào đó, chuyện phải đến, rồi cũng đến, khiến chàng trai lãng quên mọi dè dặt. Vậy cứ tiến tới hôn nhân, hay cứ để người mình yêu chờ đợi? Chờ đợi đến bao giờ?

Anh biết một mối tình, như thế. Người con gái mang tên Hoa Sen yêu L., từ tuổi 16 trong miền bốn mùa thông reo, mát dịu.

Năm 1954, sau khi tốt nghiệp khóa sĩ quan tại trường Võ Bị đà Lạt, L. từ giã nàng về Hà Nội và được chỉ định phục vụ tại một đơn vị trú đóng tại Hải Phòng. Cuối năm đó, L. theo đơn vị vô Biên Hòa. Nàng vẫn trên đà Lạt.

Năm 1956, chàng được phép năm, lên thăm nàng. Ngày đó, tưởng rằng sắp có đám cưới, thì đơn vị L. di chuyển xuống Miền Tây.

Sáu năm sau, họ gặp lại nhau khoảng 15 phút trên quốc lộ 4: chàng ra Miền Trung, nàng đi thăm bà chị ở Mỹ Tho.

Năm 1963, đứa em gái Út của nàng lấy chồng, trong khi L. hành quân liên miên.

Chuyện tình cùa đôi bạn này khiến anh ưu tư cho ngày mai của chúng ta. Chiến tranh cứ đà này, chừng nào anh mới dừng chân lại được? Còn hoàn thành hôn sự, làm sao anh an lòng, nếu vạn nhất xảy ra điều không may?

Vậy còn tùy duyên phận của chúng ta.

Cuối thư, em viết rằng, nếu không có hoàn cảnh về với em, anh phải ghi chuyện Mùa Xuân Chiến Dịch cho em đọc.

Nào có gì đâu mới lạ. Theo thoả thuận ngưng bắn giữa đôi bên. tiếng pháo tạm thay cho tiếng súng. Anh sẽ sống giữa một vùng nông thôn vì sắp tới là giai đoạn Hành Quân Xây Dựng Nông Thôn.

Mùa Xuân sắp đến trong những ước nguyện chưa thành và tâm tư chưa trọn vẹn. Mối tình nhỏ bé của chúng ta, mối tình rộng lớn của dân tộc, những nguồn yêu thương hai bờ Vỹ Tuyến còn chưa tiếp nối.

Chiều nay, nơi đóng quân của đơn vị anh lại có mưa phùn và gió lạnh. Anh muốn bay về Biên Hòa để thăm Ba, thăm em. Xứ Bưởi có những hạt mưa bụi thế này không, em? Anh chưa quên những cảnh mưa phùn chưa đủ làm ướt vai áo thuở còn Hà Nội. Mấy năm liền trước cuộc di cư 1954, anh đã sống liên tục ở Cố đô Thăng Long sau một thời gian tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Kinh thành Hà Nội quả có làm cho những người cách xa hôm nay phải luôn nhớ về như nhớ người tình còn để lại, nhất là vào những dịp đón mùa Xuân mới. Hà Nội có những ngày mưa phùn, gió lạnh nhưng khung cảnh chợ Tết đồng Xuân, Hàng đào, Hàng đường... Ngọc Hà, Hồ Gươm... vẫn còn trong ký ức.

Bây giờ anh đang ở đây, cách xa em bao nhiêu cây số đường rừng, đường thẳng chim bay? Cuộc chiến tranh thê thảm do người phương Bắc gây nên này, bao giờ mới chấm dứt? Chừng nào chúng ta mới gặp nhau cuối con đường mà anh phải đi qua? Em đã viết cho anh: “Không gian nào là cuối con đường ấy và thời gian nào anh dừng chân lại?” Anh không thể trả lời, không ai có thể trả lời!

Chúng ta chỉ hy vọng, cũng như tất cả mọi người Việt Nam đều hy vọng, sẽ không còn chiến tranh tiếp diễn trên quê hương thống khổ, nghèo nàn và bị nhiều tàn phá của chúng ta.

Hòa bình trở lại. Anh sẽ tìm một mái nhà đơn sơ, một khu vườn nhỏ. Thiệt là giản dị phải không em? Dưới mái nhà đó, có anh, có em. Biết bao giờ giấc mơ này mới được thực hiện để chúng ta chung sống, nhất là vào những dịp cuối năm như thế này để đón mừng những ngày Tết cổ truyền? Mùa Xuân tới, hay còn phải chờ một mùa Xuân nào xa xôi nữa?

Sắp có chuyến trực thăng liên lạc từ Sài Gòn lên. Anh sẽ nhờ hậu cứ chuyển cho em, một phần những trang thư anh mới viết xong, trong những dòng chữ dài dặc mà anh còn viết tiếp cho em, trên đường chiến dịch.

Hãy trình với Ba, là anh kính thăm Ba với những lời cầu chúc tốt lành nhất.

Anh của em.

Thái

(Còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn