Điều ai cũng có thể nhận ra, đa số những người đến để chia sẻ suy nghĩ, để rơi lệ, để tháp tùng quan tài nhà báo Vũ Ánh vào lò thiêu, và để tiếc nuối một sự ra đi “không lời từ giã” của một người làm báo trong nửa thế kỷ, là bạn truyền thông, bạn tù, và độc giả thầm lặng của ông.
Và một điều nữa không ai phủ nhận: Tất cả mọi người đều ngưỡng mộ ông!
“Tôi từng bị tù cải tạo năm năm rưỡi, trong một hoàn cảnh rất khổ cực, cán bộ rất gian ác, nên khi tôi đọc 'Thung Lũng Tử Thần' của anh trên nhật báo Người Việt, tôi cảm thấy rất thấm,” ông Tòng Triệu, cư dân Westminster, tự nhận là một độc giả thầm lặng của nhà báo Vũ Ánh, nói với phóng viên nhật báo Người Việt. “Điều làm tôi ngưỡng mộ ông nhất là tính bất khuất của ông. Ở trong tù khổ cực như thế mà dám làm báo thì thật là can đảm.”
Trong số người tham dự đám tang, có rất nhiều người ở gần cũng có, ở xa về cũng có, từng ở tù cải tạo với nhà báo Vũ Ánh qua hai trại tù Z30C ở Hàm Tân và A20 ở Xuân Phước cũng có.
Ông Nguyễn Ngọc Lập, bạn tù ở Z30C với nhà báo Vũ Ánh, nói về người quá cố với giọng ngưỡng mộ: “Vũ Ánh là một người có lối đặt tên rất độc đáo. Anh đã đặt tên cho ai là chỉ có chết tên thôi. Nhưng đó là chuyện dí dỏm trong tù. Điều đáng nói ở Vũ Ánh là trong tù anh không tham ăn tục uống. Chỉ trong lúc khốn nạn ở trong tù nó mới lộ tư cách con người. Còn sang đây cà vạt veston không có nghĩa gì hết.”
Ông P.C.T. (yêu cầu viết tắt tên,) một bạn tù ở trại A20 trong 5 năm, trong đó có một năm trong trại kiên giam và từng làm chung tờ báo “chui” Hợp Đoàn với nhà báo Vũ Ánh, kể: “Qua thời gian sống chung với Vũ Ánh, tôi có thể nói anh là một kẻ sĩ thời đại, tính tình hòa nhã, hiền lành, đạo đức, sống rất chân tình. Ngay cả với kẻ thù, anh không bao giờ hằn học. Anh là một người bạn tốt, dễ thương và tử tế.”
Cũng trong tang lễ này, hầu hết những người làm truyền thông lâu năm từ thời VNCH cho tới sau này khi sang Mỹ, hoặc lớp trẻ mới làm sau này, đều có mặt.
Nhà báo Dương Phục, người bạn vong niên của nhà báo Vũ Ánh từ trước năm 1975, từ Houston bay sang đưa tiễn bạn.
Ông nói: “Trong số anh em chúng tôi quen nhau mấy chục năm, Vũ Ánh là người đàng hoàng nhất. Anh không rượu chè, cờ bạc, trai gái... Ấy thế mà anh cứ bị dư luận 'đục.' Thật là buồn cười. Nhưng nói thật, tôi biết tính Vũ Ánh, anh cóc cần!”
Nhà báo Lê Phú Bổn kể: “Điều đáng nhớ ở anh Vũ Ánh là tính quyết đoán và tinh thần làm việc. Thêm nữa, anh luôn nâng đỡ đàn em. Tôi là người được anh đề nghị đưa vào Dinh Độc Lập để theo Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lấy tin tức.”
Ông Bổn là người từng làm dưới quyền nhà báo Vũ Ánh trong hệ thống truyền thanh quốc gia VNCH cho tới ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Với những nhà báo trẻ, thế hệ mà ít nhiều từng được làm việc chung với nhà báo Vũ Ánh, họ ngưỡng mộ ông qua cách làm việc và sự can đảm.
“Điều tôi ngưỡng mộ ông là khi còn làm chủ bút nhật báo Người Việt, trên thực tế, ông làm công việc 'bếp núc' của tổng thư ký, quán xuyến gần hết mọi việc, để lớp người trẻ như chúng tôi có thời gian đi viết những bài phóng sự đặc biệt phục vụ độc giả,” nhà báo Phạm Phú Thiện Giao, chủ bút nhật báo Người Việt, chia sẻ.
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm nhật báo Người Việt, bày tỏ: “Sự ngưỡng mộ của tôi đối với nhà báo Vũ Ánh là anh đã dám sống ngẩng cao đầu, nhất là trong một cộng đồng còn nhiều người hủ lậu, trong khi tôi vẫn bị ràng buộc.”
Nhà báo Ngụy Vũ, hiện đang cộng tác với đài phát thanh NVR ở Falls Church, Virginia, từng một thời làm việc cùng với nhà báo Vũ Ánh ở đài phát thanh VNRC, đứng lặng thinh một hồi, khi được hỏi cảm tưởng về sự ra đi của người quá cố.
Nhưng rồi anh thổ lộ: “Sự ra đi của anh Vũ Ánh cho chúng ta rút ra một bài học về tình người với nhau. Anh là một con người sống chính trực, nhưng có lúc chúng ta không bảo vệ được anh.”
“Tôi nghĩ, lúc còn sống, nhiều người nghi ngờ về anh hơn là lúc anh đã ra đi, trong đó có tôi. Đáng lý mọi người nên tử tế với anh hơn,” nhà báo Ngụy Vũ nói tiếp.
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ, hội trưởng Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California, ngưỡng mộ tư cách của nhà báo Vũ Ánh.
Ông khẳng định: “Tôi thấy Vũ Ánh là người làm báo rất có tư cách, rất xứng đáng.”
Trước khi di quan, bà Yến Tuyết, phu nhân người quá cố, phát biểu trong nước mắt: “Tôi không bao giờ nghĩ đến cảnh phải đọc điếu văn sớm như thế này, để tiễn đưa người chồng yêu quý của tôi. Xin cảm ơn những độc giả thầm lặng ủng hộ quyền tự do ngôn luận mà nhà báo Vũ Ánh luôn trân trọng.”
“Anh không chỉ là người bạn thủy chung, là chỗ dựa vững vàng, mà còn là người thầy có tính bao dung, có lòng quả cảm. Dù thực tế như thế nào, dù anh sắc bén trên báo chí như thế nào, anh rất thương gia đình và say mê viết báo,” nhà báo Yến Tuyết, cũng từng là thuộc cấp của nhà báo Vũ Ánh trước năm 1975, nói tiếp.
Bà kết luận: “Xin mọi người hãy nhớ nụ cười vui tươi và hy vọng của anh để thấy rằng dù đời sống còn nhiều khó khăn, chúng ta vẫn luôn hy vọng.”
Trước đó, qua sự điều hợp của nhà báo Lê Phú Nhuận, một người bạn lâu năm trong ngành truyền thông của người quá cố, nhiều đại diện truyền thông, độc giả, và đồng hương lên chia sẻ suy nghĩ về một nhà truyền thông được nhiều người ngưỡng mộ.
Trước khi quan tài được di chuyển, hàng chục chư tăng Phật Giáo, bao gồm các hòa thượng Thích Chơn Thành, Thích Nguyên Trí, Thích Tín Nghĩa, Thích Nguyên Siêu, Thích Phước Thuận..., làm lễ cầu siêu cho người quá cố.
Trước đó một hôm, Thượng Tọa Thích Viên Huy, trụ trì chùa Điều Ngự, cũng đến cầu siêu cho nhà báo Vũ Ánh.
Đúng 2 giờ 30, quan tài được sáu người bạn thân thiết nhất trong ngành truyền thông của nhà báo Vũ Ánh đi hai bên đẩy ra lò thiêu, trong lòng buồn bã.
Hàng trăm người nối theo phía sau thành một hàng rồng rắn trong sân nhà quàn.
Nhiều người cố để tay lên quan tài như chia tay với một người bạn mà họ ngưỡng mộ, trước khi nó được đẩy vào bên trong.
Nhà báo Vũ Ánh sinh ngày 5 Tháng Năm, 1941, tại Hải Phòng, qua đời đột ngột tại tư gia ở Garden Grove, California, vào trưa ngày Thứ Sáu, 14 Tháng Ba, hưởng thọ 73 tuổi.
Thời VNCH, ông tham gia hệ thống truyền thanh quốc gia vào năm 1964, lúc 23 tuổi.
Ông đi lên từ vai trò phóng viên chiến trường, làm trưởng Phòng Bình Luận, và trở thành Chánh Sở Thời Sự, bộ phận quan trọng bậc nhất của đài phát thanh Sài Gòn.
Ông là một trong số ít các nhà báo chứng kiến những giây phút cuối cùng của VNCH vào trưa ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh Sài Gòn.
Ông là người viết tin nhanh, gọn, dễ hiểu - những yếu tố quan trọng của truyền thông đại chúng. Ông cũng có tài viết bình luận và nhận định thời sự nhờ theo dõi sát các diễn biến thời cuộc hàng ngày.
Sau khi miền Nam sụp đổ, ông bị bắt đi tù “cải tạo” 13 năm. Trong lúc ở tù, ông làm tờ báo “chui” có tên Hợp Đoàn. Vì hoạt động này, ông bị cùm biệt giam với tổng thời gian đến sáu năm.
Ra tù, ông làm nhiều nghề khác nhau tại Sài Gòn, từ xẻ gỗ, dạy Anh Văn, cho đến đạp xích lô.
Ông sang Mỹ định cư theo diện HO vào năm 1992.
Tại Hoa Kỳ, ông làm việc cho nhiều cơ quan truyền thông khác nhau. Ông từng là chủ bút nhật báo Viễn Đông, tổng thư ký rồi sau đó là chủ bút nhật báo Người Việt. Ngoài ra, ông từng cộng tác và là trụ cột của nhiều cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Orange County, trong đó có nhật báo Việt Herald, đài phát thanh VNCR, đài truyền hình SBTN, đài Văn Nghệ Truyền Thanh, Little Saigon TV...
Những năm cuối đời, ông cộng tác và đặc biệt nâng đỡ tuần báo Sống Magazine, do một số nhà báo trẻ chủ trương.
Bài báo cuối cùng của ông mang tựa đề “Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí,” được gởi đến nhật báo Người Việt lúc 11 giờ 37 phút sáng của ngày cuối cùng trong cuộc đời ông.
Đỗ Dzũng/Người Việt
Gửi ý kiến của bạn