Trong suốt thời gian từ 1965 cho đến tháng Tư 1975, tôi làm việc song hành với Vũ Ánh trong cơ quan truyền thông chính phủ, và cũng chia xẻ nhiều điều mà người khác không có được. Vì thế, ngoài tình đồng nghiệp qua nhiều lần sinh tử có nhau, còn là một tình bạn nhiều trân trọng.
Năm 1966, đài phát thanh Sài gòn cử tôi và Vũ Ánh ra Đà Nẵng để phụ trách phần tin tức, thời sự cho một đài phát thanh mới thành lập. Tại đây tôi là người chứng kiến những bước đầu đời của Vũ Ánh đi vào cuộc hôn nhân thứ nhất, mà sau này cũng có nhiều oan khuất. Tôi cũng là người đã vác cuốc xẻng đào huyệt mộ để chôn cất một trong hai đứa con trai bé nhỏ của Vũ Ánh , đã chết vì phỏng nước sôi quá nặng.
Biến động miền trung đã đẩy chúng tôi vào một giai đoạn khó khăn khi đài phát thanh bị chiếm đóng. Chúng tôi phải thiết lập một đài phát thanh tạm trong phi trường Đà Nẵng cùng với anh Uyên Thao.
Rồi chiến trường mỗi ngày một sôi động. Vũ Ánh, Dương Phục và tôi chia nhau tháp tùng các cuộc hành quân của các đơn vị quân đội để thực hiện các phóng sự chiến trường, ngay tại mặt trận, phát ngay trên làn sóng của đài phát thanh Sài gòn, và được tiếp vận đi tất cả các tỉnh. Vũ Ánh và chúng tôi cũng chia nhau theo chân các chiến đoàn Nhảy Dù , hành quân khắp các vùng chiến thuật, khi Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng còn là Thiiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2-ND, Đại Tá Thọ còn là thiếu tá Tiểu Đoàn Trường TĐ 8-ND, và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam còn là Trung Tá Chiến Đoàn Trưởng chiến đoàn 3 – ND.
Chúng tôi vẫn ba đứa, Ánh , Phục, và tôi, dù còn là dân sự, lại được Bộ Quốc Phòng cho phép tham dự một khóa huấn luyện Nhảy Dù ( K,105) để có thể theo chân các cuộc hành quân nhảy dù từ trên phi cơ. Chúng tôi lại chia nhau ôm dù nhảy theo các chiến sĩ Mũ Đỏ , đánh vào các mật khu Việt cộng.
Rồi ngày tháng trôi qua, thâm niên và thăng cấp. Ánh và tôi đều được chỉ định vào chức vụ điều ành Sở Thời Sự, Bình Luận, Tin Tức. Vũ Ánh bên Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia. Tôi làm việc bên Việt Nam Thông Tấn Xã.
Các chức vụ cấp cao trong chính phủ thường thay đổi theo từng vị Thủ Tướng, và Tổng Trưởng Chúng tôi là bộ máy điều hành nằm phía dưới, nên ai đến ai đi mặc kệ, chúng tôi vẫn sống và làm việc với nhau trong nhiều năm dài. Tình cảm vì thế mà gắn bó.
Rồi 30/4/75. Vũ Ánh và tôi, hai đứa vẫn trấn giữ hai cơ quan truyền thông của chính phủ này cho đến những giây phút cuối cùng.
Tôi đi tù theo diện sĩ quan.
Vũ Ánh đi tù theo diện tham gia tổ chức chống cộng.
Tôi chưa tròn bảy (7) năm.
Vũ Ánh đã phải gỡ đến 13 cuốn lịch.
Đọc hàng loạt emails thương tiếc Vũ Ánh của các bạn tù trong trại kiên giam A-20, mới biết Vũ Ánh sống hiên ngang như thế nào trong trại tù cộng sản.
Vũ Ánh sang định cư tại Mỹ năm 1992, và lại tiếp tục cái nghề mà bạn ấy đã chọn : Viết báo. Phải có một khả năng như thế nào mới có thể được mời giữ chức Chủ Bút một tờ Việt ngữ lớn nhất hải ngoại.
Không thể không nhắc lại rằng Vũ Ánh là người viết bình luận hay và nhanh nhất, được Phủ Tổng Thống VNCH tin cẩn nhất, trực tiếp nhận chỉ thị của bí thư Tổng Thống ( ông Hoàng Đức Nhã ) khi cần phản bác các luận điệu phản chiến của một số chính trị gia Hoa Kỳ. Ông Tổng Trưởng Dân Vân Chiêu Hồi, kiêm bí thư của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu là ông Nhã vẫn còn đây trên đất Mỹ, là một chứng nhân cho điều tôi vừa nói. Cá nhân tôi, tôi vẫn thầm phục tài năng của Vũ Ánh.
Nhưng có lẽ điều làm chúng tôi quý Vũ Ánh nhất là nhân cách, trung thực, thẳng thắn và nhân hậu.
Trong điều hành công việc, tôi cứng rắn và nguyên tắc hơn Vũ Ánh rất nhiều. Nhưng éo le thay, cái mà người ta có thể chinh phục trái tim bạn bè, người thân, lòng nhân hậu, xuề xòa, xí xóa với thuộc cấp, che chở đàn em của Vũ Ánh lại là một yếu điểm, một nhược điểm khi điều hành một tờ báo tư nhân, nơi mà kỷ luật không nghiêm nhặt như trong một cơ quan công quyền. Phải chăng vì thế mà một ký giả tài ba như Vũ Ánh đã phải nhận lãnh nhiều oan khuất trong giai đoạn cuối đời?
Người vợ sau này của Vũ Ánh là bà Yến Tuyết , một cựu phóng viên tốt nghiệp đại học Vạn Hạnh, cũng đã được chính tôi phỏng vấn và dẫn dắt trong những bước đầu phục vụ tại đài phát thanh Sài gòn, cùng với Lê Phú Bổn, Hoàng Hà, Phạm Mạnh Đức … Nói như thế để thấy, chúng tôi sống và làm việc với nhau trong nhiều năm dài, coi nhau như anh em trong một đại gia đình.
Vì thế khi nghe Yến Tuyết nức nở bên kia đầu giây ; “Anh Nhuận cầu nguyện cho anh Ánh đi. Anh ấy đi rồi anh ơi !” , tôi sững sờ. Lại thêm một thằng bạn cùng trang lứa ra đi . Dù biết đời là thế mà sao vẫn không ngăn được giòng lệ thương cảm .
- Bà Vũ Ánh. Cô nữ phóng viên Yến Tuyết ngày nào. Tôi đang thầm cầu nguyện cho chồng của cô đây.
Houston 16 MAR. 2014
NLG 73 - Lê Phú Nhuận
Gửi ý kiến của bạn