Những tiếng vỗ đùi, chửi thề, cười vang thích thú khiến chiếc quán vốn yên ả nhiều năm qua bỗng dưng rộn rịp lạ thường.
Thế nhưng chương trình tin tức trên kênh truyền hình Cà Mau hình như quá thiếu cho họ khi sự nôn nao tìm hiểu số phận của 239 hành khách đã khiến những chàng trai chất phác trở thành những quan sát viên đói tin nơi cái xã cuối cùng của đất nước này. Trong khi cách đó hơn 400 cây số, tất cả các quán cà phê Sài Gòn lại thừa mứa tin tức về chuyến bay này một cách tội nghiệp. Cái thừa thải ấy không nói lên được khả năng chuyên môn của báo chí hay sự chuyên nghiệp của các cơ quan cứu hộ bao gồm Phòng không, Không quân, Hải quân, Bộ binh, Cảnh sát biển hay Cục Viễn thám và rồi có luôn cả Bộ giao thông vận tải, mặc dù không ai hiểu vai trò của cái bộ cầu sụp, đường hư, tàu chìm liên tiếp này như thế nào.
Qua sự kiện máy bay Malaysia người dân Sài Gòn học được nhiều bài học, mà bài học thứ nhất là cái điều gọi là khoa học kỹ thuật của Việt Nam quá tệ hại, đến nỗi khó mà tin nỗi trong thế kỷ 21 mà bộ phận tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của Việt Nam không khác gì vào đầu thể kỷ 20 lúc người ta mơ ước hệ thống định vị toàn cầu qua những máy móc hiện đại của không quân và hải quân, hai cơ quan xung yếu nhất trong việc bảo vệ quốc gia cũng như cứu hộ cứu nạn.
Nói vậy cũng oan, không hẳn đội chuyên cơ của Việt Nam là không có gì, ít nhất họ cũng có một cái I-pad để trên đùi cho phi công nhìn mà tìm chiếc phi cơ bị nạn trên khu vực mênh mông của Biển Đông. Hình ảnh này bị quốc tế nhạo báng, có luôn một bà xẩm lớn tiếng trước ống kính truyển hình quốc tế rằng bà không tin tưởng chút nào vào khả năng tìm kiếm của Việt Nam.
Báo chí công khai hơn, họ không rào đón như vậy. Phóng viên Nga Phạm của BBC tường trình trực tiếp có đoạn nói về Việt Nam rằng, mặc dù đất nước này có sự nỗ lực lớn lao nhưng phương tiện kỹ thuật của họ quá tệ. Việt Nam sử dụng những chiếc phi cơ già cỗi từ thời Liên Xô để lại và không được trang bị những phương tiện tối tân để điều tra trên chặng đường dài.
Thuốc đắng đả tật, sự thật mất lòng.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn khi được tờ báo Soha hỏi ý kiến của ông về nhận định này thì ngay lập tức ông phản ứng rất…dễ thương: "Việc họ đánh giá thế nào là quyền của họ. Thậm chí, dù chúng ta chỉ có một cái thuyền cứu hộ thôi thì chúng ta cũng vẫn quyết tâm tìm kiếm, cứu hộ.
Vấn đề ở đây là trách nhiệm của chúng ta thế nào. Họ có thể giàu có, đó là việc của họ nhưng chúng ta bằng cái tâm của mình thì chúng ta vẫn quyết tâm tìm kiếm, cứu hộ. Và thực tế, chúng ta đang thực hiện rất tốt việc đó.”
“Một cái thuyền cứu hộ thôi” nói lên mức độ duy ý chí không có điểm dừng. “Bằng cái tâm của mình” phô diễn sự ngoan cố không còn giới hạn.
Một chiếc thuyền có đại diện cho tự hào Việt Nam hay không? Mặc dù đất nước vẫn còn nghèo nhưng lòng tự trọng dân tộc không cho phép một cán bộ cấp cao nắm trong tay nguồn khí tài quan trọng chống xâm lăng lại “hờn dỗi” một cách dễ thương như vậy. Không ai giận ông khi nói lên sự thực, người ta chỉ cười cho cái sự so sánh khá …cộng sản của ông.
Cái tâm mà ông nói là điệp khúc của cả nước hiện nay đang đồng ca. Khi thất bại họ lấy cái tâm ra chống chế. Khi đổ vỡ cũng lấy tâm ra biện luận và nhất là khi thua kém ai thì cái tâm luôn là vũ khí sau cùng để chống lại đối thủ.
Chiếc máy bay bị nạn của Malaysia cần kết quả của sự tìm kiếm và do đó mọi cái được gọi là “tâm” xem ra không mấy phù hợp với xã hội chuộng sự thật ông ạ.
Có tất cả 31 tàu tham gia tìm kiếm, trong đó, Việt Nam 9 tàu, Malaysia 9 tàu, Trung Quốc 6 tàu, Mỹ 3 tàu, Singapore 3 tàu, Thái Lan 1 tàu. Về máy bay, tất cả 23 chiếc, trong đó, Việt Nam 9, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia: mỗi nước 4 máy bay và Singapore: 2
Danh sách này cho thấy Việt Nam không ngại tốn kém và đây sẽ là đề tài còn lâu mới chấm dứt khi có sự cố nào xảy ra cho chính nhân dân sau này, một vụ đắm thuyển của ngư dân chẳng hạn.
Ông Phạm Quý Tiêu Thứ trưởng Bộ GTVT nói với báo chí: "Cho đến bây giờ, mọi đánh giá tiên liệu đều cho thấy chúng ta rất ít có hi vọng tốt đẹp dù đó là một chút mảy may. Chúng tôi quyết tâm nỗ lực mọi khả năng tìm kiếm được để giải đáp câu hỏi cho thân nhân người bị nạn”.
Có thật không vậy? Ông Tiêu ơi, Việt Nam đâu có cái bổn phận ấy mà ông tự ôm vào mình. Tìm được, thế giới khen ngợi nhưng không phải là sự khen ngợi ngất trời đâu vì quan niệm cứu nạn trong hàng hải và hàng không là trách nhiệm chung toàn thế giới. Malaysia mới là nơi trách nhiệm giải thích cho thân nhân người bị nạn chứ không phải Việt Nam ông ạ.
Tất cả các phát ngôn của những người trách nhiệm cho thấy một điều là sự thiệt thành vượt lên trên mức bình thường không thể cho là phát suất từ trách nhiệm quốc tế. Theo nhiều comment trên mạng xã hội nó đang được thi hành với một quyết tâm chính trị cao nhằm thỏa mãn cho một thế lực nào đó phía sau.
Nhìn vào danh sách cán bộ cao cấp này không thể nghĩ khác đi cái giả thuyết … đầy thành kiến ấy. Vừa nhiều vừa tập trung đầy đủ những khuôn mặt cộm cán như thế này thì bảo sao người ta không nghi ngờ, đàm tiếu:
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam / Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng / Trung tướng Võ Quốc Tuấn – phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam/Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân/ Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Hải quân/ Đại tá Trần Văn Lâm - Sư đoàn Phó Sư đoàn 370/ Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy hải quân vùng 5/ Đại tá Lê Văn Minh, chỉ huy trưởng cảnh sát biển vùng 4/ Thượng tá Nguyễn Hữu Nhịp, hải đoàn phó, tham mưu trưởng hải đoàn 28 biên phòng / Trung tá Phạm Hồng Soi, Trưởng ban tuyên huấn Vùng 5 Hải quân/ Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Cảnh sát biển vùng 4/ Thượng tá Nguyễn Trí Thức Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 ….
Kể cả Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải người chủ trì cuộc họp tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn VN về các phương án tìm kiếm, cứu nạn máy bay mất tích và ông Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu.
Gần như toàn bộ nhân sự cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đều khẩn trương, hết lòng hết sức tập trung vào công tác tìm kiếm và có thể vì vậy mà sự tốn kém lên tới 20 tỷ mỗi ngày tức là 1 triệu Mỹ kim, thật không thể nói là không cố gắng.
Mỗi người một việc và việc nào cũng có vẻ khẩn trương, không có không được. Từ việc phát hiện ra vết khói tưởng là …dầu cho tới sự nghi ngở một cánh cửa máy bay rơi gần đảo Thổ Chu. Chưa kịp vui khi nghĩ rằng là công trạng nào ngờ chính cái điều gọi là nghi ngờ đó đã hại lấy mình. Malaysia chính thức nói với tờ Wahington Post hôm nay rằng Việt Nam đã quá vội vã khi tung ra những tin tức chưa được kiểm chứng làm cho dư luận bất lợi cho cuộc điều tra.
Bao nhiêu đó cũng đủ ê mình. Tiền mình bỏ ra bạc triệu mà nước chủ nhà chẳng những không biết một tiếng cám ơn lại còn nói bóng nói gió là mình …nhanh nhẩu đoảng. Thế có tức không chứ?
Báo chí đăng tin: “Khi bay ở tầm thấp, thủy phi cơ của Việt Nam đã phát hiện được vật thể nghi là mảnh vỡ cửa sổ chiếc máy bay bị mất tích. Mảnh vỡ được xác định là composite, nghi là miếng ốp bên trong cửa sổ máy bay. Phi công lái chiếc thủy phi cơ có chụp được ảnh nhưng không rõ.”
Cái máy dùng để chụp vật thể này là một chiếc máy ảnh Nikon S300 bình thường ai cũng có như chiếc I-pad vậy. Chiếc máy ảnh được báo chí cố tình ghi nhận trên người các cán bộ ngồi trên chuyên cơ đã làm công dân mạng khắp nơi, nhất là Trung Quốc dè bỉu. Những chiếc máy ảnh ấy không thể chụp xa quá 800 mét thì đem theo làm gì trong một hành trình dài hàng trăm cây số với chiều cao lớn gấp chục lần khả năng của một chiếc máy ảnh không chuyên?
Báo chí phấn khởi đến nỗi đi đâu cũng để ý tới bất cứ vật gì liên quan đến máy bay. Khi ngang qua chiếc phi cơ riêng của Đoàn Nguyên Đức, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai đậu tại cảng hàng không Phú Quốc, đã câu view bằng cách đưa tin gống như là ông Đức cũng đang góp phần vào việc tìm kiếm máy bay bị nạn! hết ý kiến!
Cuối cùng thì cuộc chơi bịt mắt bắt…máy bay thời hiện đại cũng phải kết thúc. Sáng 12-3, Việt Nam chính thức tuyên bố tạm dừng toàn bộ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn chiếc máy bay Malaysia MH370.
Có thể tự ái, cũng có thể hết tiền và cái có thể nhất là không lẽ cứ bay vòng vòng hết ngày này sang ngày khác như kẻ mù trên vòm trời bao la của biển cả để đổi lấy lời chì chiết nhức xương của mấy tên thối mồm hóng chuyện?
Chỉ có điều mấy triệu Mỹ kim chi phí không biết đòi ai đây nhỉ?
Cánh Cò
Theo Blog Cánh Cò
Gửi ý kiến của bạn