BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Duyên Anh - Cánh cửa mới của văn chương Việt ngữ

12 Tháng Ba 198612:00 SA(Xem: 1718)
Duyên Anh - Cánh cửa mới của văn chương Việt ngữ
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nước Việt Nam, kể đi từ vua Hùng lập quốc, có những mốc tiên khởi đánh dấu công cuộc tranh đấu cho độc lập và sinh tồn không thể lầm lẫn.

 Năm 43, hai phụ nữ Việt Nam Trưng Trắc và Trưng Nhị đánh mốc đầu tiên cho sự yêu chuộng độc lập, bất khả đồng hóa của giống Lạc Việt, qua việc lãnh đạo toán dân nổi lên đánh chiếm 65 thành trì, đuổi Thái Thú Tô Định về Tầu.

 Năm 1076, Lý Thưởng Kiệt ghi dấu mốc khác, khi khẳng định một cách không dời đổi nước Nam là Một quốc gia độc lập với quốc dân, với kẻ thù phương Bắc chỉ lăm lăm muốn đồng hóa nước ta bằng bốn câu thơ:

 Nam quốc sơn hà Nam đế cư
 Tuyệt nhiên định phận tại Thiên Thư
 Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
 Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

 Nhưng, cho dù với hùng khí và sức đề kháng tuyệt vời của dân Việt, nước ta vẫn lệ thuộc vào văn hóa Tầu: Văn học nghệ thuật phỏng theo Trung Hoa và văn chương, chữ viết hoàn toàn bằng Hán tự. Phải đợi đến năm Thiệu Bảo thứ tư, đời vua Trần Nhân Tôn (1282), Hàn Thuyên mới đánh mốc khai phóng văn chương thuần túy Việt Nam qua bài Văn tế cá sấu, viết lần đầu bằng chữ Nôm. Sự khai phóng của Hàn Thuyên phù hợp với tinh thần tự chủ của người Việt, nên sau ông nẩy sinh biết bao nhân tài đầy văn Nôm lên một tư thế không thể ngờ vực như Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ, Cáo Bá Quát v.v... Dẫu vậy, văn chương ta vẫn nặng nề dưới ảnh hưởng văn chương Hán tự. Các tác phẩm của văn nhân Việt Nam vẫn nằm trong quỹ đạo Trung Hoa mà không có bóng dáng một nền văn minh nào khác. Không kể các điển tích toàn vay mượn từ các tác phẩm Hán tự, chữ Nôm cũng mới chỉ là mô phỏng của chữ Hán, với chút ít thay đổi.

 Năm 1651, Alexandre de Rhodes ghi dấu mốc quan trọng khác, với việc biên soạn và ấn loát bộ tự điển đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Cho dù lối phiên âm và cách viết có khác đôi chút với chữ quốc ngữ hiện thời, nhưng đó là lối ký âm tiếng Việt hoàn toàn tách rời Hán tự. Nếu Alexandre sáng chế một lối viết cho một dân tộc nào khác, có lẽ nó bị lãng quên trong bẽ bàng. Nhưng ở Việt Nam, nó đánh đúng vào sự khao khát độc lập và tự chủ nên được toàn dân đón nhận và kiện toàn, để chỉ cần ba thế kỷ sau, trong 50 triệu dân Việt chỉ còn một số rất ít có thể đọc được chữ Hán và chữ Nôm cho mục đích nghiên cứu hoặc dịch thuật.

 Trương Vĩnh Ký đã có công mở cánh cửa để Việt Nam đón nhận những tư tưởng, văn học nghệ thuật của các nền văn minh khác trên thế giới, khiến nước ta không chịu ảnh hưởng độc tôn của Trung Hoa, bằng công trình dịch thuật tư tưởng Tây phương ra chữ quốc ngữ. Ông đã đánh dấu một mốc khác, khi sáng tác và xuất bản lần đầu tiên bằng chữ quốc ngữ một tác phẩm văn chương vào năm 1866, đó là cuốn "Chuyện đời xưa". Việc làm của Trương Vĩnh Ký được nối tiếp và khơi rộng thành trăm lối ngàn ngành bởi Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Tản Đà, Nhất Linh cùng trăm ngàn văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, ký giả, học giả tiền chiến và đương thời cả Bắc lẫn Nam, để chỉ với 100 năm sáng tác, số lượng ấn phẩm của ta không thua kém bất cứ nước nào. Dẫu sao văn chương Việt ngữ vẫn còn nằm ở lãnh vực quốc gia. Ta cần một con kình ngư có mãnh lực thoát sông rạch, đưa Việt ngữ vẫy vùng chốn biển khơi bát ngát.

 Con kình ngư đó chúng ta đã có: DUYÊN ANH

Vào năm 1986, Duyên Anh đánh một mốc mới bằng cách mở cánh cửa cho văn chương Việt ngữ ra thế giới với việc cho phép nhà xuất bản Belfond - một trong ba nhà xuất bản tiểu thuyết văn chương lớn nhất Paris - phiên dịch và xuất bản cuốn "Một người Nga ở Sài Gòn" được viết bằng Việt văn ra Pháp văn (bản nguyên thủy Việt ngữa do Nam Á, Paris, xuất bản).

 Chúng ta không thể nhìn sự việc này một cách hời hợt, nếu chúng ta không thể hiểu được sự kiêu hãnh thống trị của hai ngôn ngữ Anh, Pháp. Không có việc dịch ra Anh hoặc Pháp ngữ các tác phẩm tiểu thuyết văn chương đương thời, tác giả còn sống, từ một ngôn ngữ thứ ba, trừ một ít ngoại lệ dành cho các tác phẩm đoạt giải Nobel, hoặc các danh tác không thể chối cãi của Tagore (Ấn Độ), Boris Pasternak, Cholokov, Sojennitsyne (Nga Sô), Alberto Moravio (Ý Đại Lợi), Eric Maria Remarque, Feinrich Boell, Hermann Hess (Đức), Wanatabé (Nhật Bản) v.v... Các tác giả có vẻ như thái sơn bắc đẩu đối với dân tộc Trung Hoa và cả một phần dân Việt như Lương Khải Siêu, Lâm Ngữ Đường, Lỗ Tấn không hề được các nhà xuất bản lớn Anh, Pháp ngữ tìm dịch. Hẳn có nhiều ấn phẩm có tính cách khảo cứu, chính trị, khoa học, kỹ thuật của các ngôn ngữ khác đã được dịch ra Anh văn hoặc Pháp văn do chính tác giả tự xuất bản lấy tiếng, hoặc được các nhà xuất bản đại học, hội dđoàn, đảng phái, giáo hội in ra và phát hành với số lượng ít khi lên tới 5000 cuốn, vì thế nó không hề được chấp nhận như một tác phẩm có giá trị văn chương quốc tế.

 Cũng không thiếu những tác phẩm "best seller" được phát hành trăm ngàn cuốn, sau đó được dịch ra nhiều chục thứ tiếng khác nhau do các tác giả từ các quốc gia không nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp sáng tác. Nhưng đáng buồn thay nó bắt buộc phải viết nguyên thủy bằng Anh hoặc Pháp văn, để được các nhà xuất bản lớn ở Newyork, Londres hoặc Paris xuất bản, và ta phải coi đó như những tác phẩm của C.V. Ghorghiu (Lỗ Ma Ni), Han Suyn (Trung Hoa), Chou Ching Lee (Trung Hoa) v.v...

 Trở lại với tác giả và tác phẩm Việt Nam, từ lâu đã thấy nhiều bản dịch Pháp ngữ, và gần đây bản dịch Anh ngữ cuốn Truyện Thúy Kiều của đại văn hào Nguyễn Du, nhưng đều do các nhà xuất bản đại học ấn hành cho mục đích tìm hiểu văn chương Việt Nam. Vài tác phẩm cổ điển khác cũng nằm trong số phận đó. Nhiều tác giả Việt Nam đã có tác phẩm bằng Pháp ngữ hoặc Anh ngữ như Petrus Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Khiêm, Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Xuân Nhị, Trần Đức Thảo, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đình Thi, Trần Minh Tiết, Pierre Lê Ốc Mạch, Lê Thành Khôi v.v... hoặc mới đây Lucien Trọng, Võ Văn Ái, Đoàn Văn Toại, Trần Văn Đôn, Trương Như Tảng, Hoàng Đế Bảo Đại, Thái Quan Trung, Nguyễn Ngọc Ngạn, Huỳnh Sanh Thông, Vũ Ngự Chiêu (Nguyên Vũ) v.v... cho xuất bản các tác phẩm của họ. Song đó là những tập hồi ký, tài liệu, nghiên cứu và đều có mẫu số chung là phải viết nguyên thủy bằng Pháp hoặc Anh văn. Chắc chắn các tác phẩm đó không được dịch ra từ một áng văn Việt ngữ.

 Do đó, tôi không sợ lộng ngôn khi nói Duyên Anh với "Một người Nga ở Sài Gòn" là một tiền lệ cho văn chương Việt ngữ. Bằng tài năng, tận dụng sự chính xác và bóng bẩy của Việt văn, Duyên Anh đã khiến một nhà xuất bản tiểu thuyết văn chương lớn, với số lượng ấn hành quảng đại quần chúng ở Paris phải dịch ra Pháp ngữ tác phẩm của mình, và sau đó, theo tôi nghĩ, sẽ còn được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nữa.

 Còn gì mong hơn, tiếp theo Duyên Anh, còn những con kình ngư khác, sóng vai hoặc vượt xa, buộc thế giới chấp nhận thực tế sáng chói của văn chương Việt ngữ. Để từ đó, chắc không lâu chúng ta sẽ được đọc những tác phẩm Việt văn đoạt giải Nobel. Dẫu sao ta vẫn phải vinh danh kẻ đầu tiên đã có công mở cánh cửa mới cho văn chương Việt ngữ: đó là Duyên Anh.

 Mai Trung - Tạp chí Á Châu, số 23, xuất bản tại Paris
Ý kiến bạn đọc
02 Tháng Chín 20147:00 SA
Khách
Nhung Mai Thao., Vo Phien.., Nguyen Mong Giac., Nguyen Xuan Hoang..." ao thung vai nhau " chua dang xach dep cho Duyen Anh.., chua mot nha van noi tieng cua Viet Nam cuoi doi viet van.." con lua " nhu DA..., chi tiec ong chet som nen tuoi tre VN hai ngoai thieu mat mot nguoi " giu lua "...Buon thay...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn