BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73174)
(Xem: 62202)
(Xem: 39377)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những người đọc Duyên Anh

12 Tháng Sáu 197212:00 SA(Xem: 1488)
Những người đọc Duyên Anh
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Một ngày rất gần đây, đúng ra là cách đây một tháng, tôi có dịp nói chuyện với một thiếu phụ duyên dáng ái mộ tiểu thuyết và thích gặp những người viết văn. Những ai quá mê tiểu thuyết thường mê luôn cả người viết những tiểu thuyết làm mình say mê. Họ tưởng tượng ra người viết như những siêu nhân hoặc phải hào hoa phong nhã, tình tứ lắm, căn cứ trên những tác phẩm mà nhà văn đó viết. Theo như kinh nghiệm của tôi, thường thì những cuộc tìm gặp này giữa người viết và người đọc chẳng đưa các đương sự đi tới đâu, ngoài việc làm cho người đọc thất vọng vì người viết không giống với mẫu người hào hoa mà họ tưởng tượng và người viết bị mất một số thì giờ vô bổ.

 Người thiếu phụ độc giả tôi nói tới đây là người Huế. Và đàn bà Huế có lẽ là những người đàn bà đa tình nhất ba miền Việt Nam. Nàng nói với tôi là nàng lãng mạn và nàng mê tiểu thuyết lắm. Nàng là nữ sinh Đồng Khánh và nàng nói đến Duyên Anh:

 - Thời còn đi học, em mê tiểu thuyết Duyên Anh lắm. Lạ kỳ là cả lớp em có 45 đứa thì cả 45 đứa đều mê tiểu thuyết Duyên Anh. Em mê đọc Duyên Anh suốt thời gian em còn đi học, đến khi em lấy chồng, có con thì em hết mê đọc Duyên Anh. Bây giờ đôi khi em cũng đọc những truyện mới của Duyên Anh nhưng em không còn thấy hấp dẫn em như trước nữa...

 Tôi cũng nghe nhiều người trưởng thành khác nói với tôi về tiểu thuyết Duyên Anh: "Truyện của hắn có gì lạ đâu mà nghe nói bán chạy quá vậy??" Những lời phê bình này về Duyên Anh làm cho tôi thấy rõ ràng tiểu thuyết của Duyên Anh đúng là tiểu thuyết của tuổi thơ. Tuổi thơ và của tuổi học trò. Khi hết còn thơ ấu, khi hết còn là học trò, người ta không còn là độc giả của Duyên Anh nữa.

Nhà văn Duyên Anh


 Như người thiếu phụ Huế nói trên đây về Duyên Anh. Thời nàng còn là nữ sinh cách đây đã 10 năm. Cả lớp học của nàng có 45 nữ sinh thì cả 45 nữ sinh đều mê tiểu thuyết Duyên Anh. Làm gì có nhà văn Việt Nam nào kể từ ngày Việt Nam có tiểu thuyết đến giờ, chiếm được số độc giả học trò đông đảo đến thế??

 Người thiếu phụ đa tình mê tiểu thuyết ấy bây giờ đã có chồng, có con, nàng vẫn còn đọc tiểu thuyết nhưng nàng không còn đọc những tiểu thuyết viết về tuổi học trò của Duyên Anh nữa. Nhưng lớp thiếu nữ sau nàng, lớp em nàng, tiến lên thay thế nàng trong những học đường và lớp nữ sinh đó lại tiếp tục say mê đọc tiểu thuyết Duyên Anh. Khi nào nước ta còn những học đường và trong học đường còn những nữ sinh mơ mộng - mà nữ sinh nào mơ mộng chẳng nhiều thì ít, mơ mộng mà nghề của nữ sinh mà - ngày đó tiểu thuyết của Duyên Anh vẫn còn độc giả và do đó vẫn bán chạy.

 Riêng trong gia đình tôi cũng có hai độc giả trung thành của Duyên Anh: một là con gái tôi, Kiều Giang, năm nay 16 tuổi, nữ sinh trường Nguyễn Bá Tòng, hai là đứa con trai út của tôi, Hải Triều 10 tuổi, học trường Mai Khôi. Mỗi lần thấy tờ Tuổi Ngọc giới thiệu một tiểu thuyết mới của Duyên Anh là Kiều Giang thúc tôi đến tòa soạn lấy về. Trong tủ sách riêng của Kiều Giang, tất cả những tiểu thuyết của Duyên Anh nằm ở chỗ trang trọng nhất. Mới đây chú Hải Triều cũng bắt đầu bầy tỏ sự mê đọc tiểu thuyết của Duyên Anh. Hải Triều cũng đòi tôi đi xin chú Duyên Anh những bản tiểu thuyết cho riêng chú. Chú không khoái đọc chung với chị Kiều Giang.

 Ở Việt Nam, kể từ ngày có tiểu thuyết tới giờ, cũng có nhiều nhà văn viết về tuổi học trò lắm chứ? Nhưng vô tư mà nói, chưa ai được học trò mến và đọc nhiều bằng Duyên Anh. Tôi nghĩ rằng học trò, từ 10 tuổi tới 16, 17 tuổi, đều là độc giả của Duyên Anh. Và học trò con gái thường bỏ tiền ra mua tiểu thuyết hơn học trò con trai. Nam sinh có nhiều thứ giải trí cần dùng đến tiền hơn là nữ sinh. Và đó là điều giải thích tại sao tiểu thuyết của Duyên Anh lại bán chạy. Trong khi những tiểu thuyết khác của những người viết cũng nổi tiếng nhất nhì cõi đời này chỉ in được nhiều lắm là 5.000 quyển, bán được chừng 3.000 quyển trong mất tháng phát hành đầu đã được coi là chạy lắm. Những tiểu thuyết của Duyên Anh được in ở nhà in Nguyễn Đình Vượng lên tới 10.000 cuốn. Và những nhà phát hành Đồng Nai, Sống Mới sẵn sàng trả hết tiền trước để mua hết số 10.000 cuốn truyện đó của Duyên Anh, một việc mà họ rất ít chịu làm với những nhà văn khác. Nhiều nhà văn in sách ra đến năn nỉ họ mua dùm và vì cảm tình lắm, họ chỉ mua mỗi lần chừng 100 cuốn với lời hẹn nếu bán hết sẽ lại mua thêm.

 Nhà phát hành không dại gì bỏ tiền ra mua tiểu thuyết để cất vào kho, mua với mục đích là làm cho ông bà tác giả đó hài lòng. Họ chỉ chịu mua khi tiểu thuyết bán được và họ có lời. Theo sự hiểu biết của tôi, cũng chưa nhà văn nào kiếm được nhiều tiền nhờ tác phẩm bằng Duyên Anh. Nhờ có tiền và có óc tính toán, không chịu để cho các nhà xuất bản đứng giữa bóc lột văn tài của mình, làm giầu trên tác phẩm của mình một cách phi lý, Duyên Anh, trong những năm gần đây, tự xuất bản lấy tác phẩm của anh và nhờ vậy, số tiền anh thu về tăng lên gấp bội. Riêng cuốn Nhà Tôi, Duyên Anh in lấy, bán lấy và thâu tiền lời chừng 1 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền 400.000 đồng bán bản quyền Nhà Tôi để quay phim. Cũng cuốn truyện Nhà Tôi ấy nếu anh đem bán cho nhà xuất bản, và nhất là nếu anh túng tiền, bản quyền tác giả nhà xuất bản trả chì nhiều lắm là 50.000 đồng. Và cũng quyển Nhà Tôi đó đem bán cho nhà làm phim, nếu Duyên Anh túng tiền và cần tiền "bao nhiêu cũng được miễn là chi ngay" như đa số chúng tôi, tiền bán cũng chỉ nhiều lắm là 100.000 đồng.

 Tôi quen biết với Duyên Anh từ lâu lắm rồi, từ ngày anh mới bắt đầu viết tiểu thuyết ở nhật báo Xây Dựng và chưa nổi tiếng lắm. Sự giao du thân mật ấy giữa Duyên Anh và tôi kéo dài đã 10 năm. Thời đó chúng tôi cùng bắt đầu viết loại phim chửi bới trên nhật báo, anh ký tên là Thương Sinh và tôi ký Gã Thâm, và giữa Thương Sinh và Gã Thâm từng có lần chửi nhau trên báo tưng bừng.

 Kể về tính xấu - nếu muốn - thì Duyên Anh có hơi nhiều, nhưng ta nên gọi đó là những khuyết điểm hơn là những tính xấu. Khuyết điểm nặng nhất của Duyên Anh, theo tôi, là anh thành công trong nghề văn quá sớm, quá dễ. Anh lại có tài viết hơn người nên anh cóc cần ai cả. Sự kiện này rất khó chịu cho những ai phải cộng tác với anh trong những tờ do anh chủ biên. Chúng tôi có cảm giác bị anh coi thường, có bài cũng được không viết cũng chẳng sao, anh ôm lấy viết hết. Do đó, anh không đối xử với anh em chúng tôi tốt bằng anh Chu Tử, anh Nguyễn Mạnh Côn. Sở trường của con người ta nhiều khi cũng chính là sở đoản. Bởi vì viết được hơn người. Duyên Anh chỉ là người viết tốt nhưng chưa phải là người chủ biên tốt. Tuy nhiên, hiểu rõ Duyên Anh hơn nhiều người, tôi tin rằng nếu Duyên Anh gặp nhiều thất bại tan tành như anh Chu Tử chẳng hạn, hoặc khi anh 50 tuổi như anh Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh sẽ quí anh em hơn vì thấy cần anh em hơn. Chỉ khi đó anh mới trở thành cái cột trụ vững chắc cho một tờ báo. Duyên Anh hãy còn trẻ lắm. Năm nay anh chưa tới 40. Tôi nghĩ rằng anh sẽ còn có dịp học hỏi nhiều ở đời.

 Duyên Anh tự kiêu. Điều đó chẳng phải là bạn thân của anh ta cũng có thể biết. Phần nào sự tự kiêu của anh có lý. Với một số vốn học ít ỏi, một thân một mình di cư vào Nam, thời gian đầu vào Sàigòn anh phải sống trong Nhà Hát Lớn cùng với cả ngàn gia đình đồng bào di cư nghèo khác, mỗi gia đình chỉ chiếm được một cái chiếu. Duyên Anh, khi ấy chỉ là Vũ Mộng Long, đã phải làm nhiều thứ nghề lặt vặt để kiếm sống. Có lần tâm sự, và dường như chính Duyên Anh đã viết trên một hồi ký nào đó của anh, Duyên Anh nói với tôi rằng cho đến năm anh ngoài hai mươi tuổi, chưa bao giờ anh ôm mộng trở thành văn sĩ. Anh viết truyện ngắn vì một trường hợp ngẫu nhiên: Năm 1961, 1962 gì đó anh xin được một chân thư ký trong Nha Tổng Giám Đốc Thanh Niên thời đó do ông Cao Xuân Vỹ nắm. Nha này xuất bản 1 tờ nguyệt san với tiền của chính phủ, báo in ra phát không cho những ty Thanh Niên tỉnh và chàng thư ký trẻ tuổi được dùng vào việc ấn hành tờ báo. Chàng đọc bản thảo và thấy rằng thiên hạ viết dở quá, mình cũng có thể viết được như thế và chàng bèn viết. Rồi truyện ngắn đầu tay của Duyên Anh được nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trang trọng đăng ở tờ Chỉ Đạo. Truyện ngắn này nếu tôi nhớ không lầm, là truyện "Con sáo của em tôi", một truyện viết về tuổi thơ và loài vật, cũng giống như truyện "Chim hót trong lồng" của nhà văn Nhật Tiến.

 Rồi cách mạng 63 cho hai anh em ông Ngô ra nghĩa địa và cho "Lãnh tụ Thanh Niên Cộng Hòa" họ Cao đi tù, và chàng thư ký Vũ Mộng Long được giới thiệu tới làm việc với linh mục Nguyễn Quang Lãm, chủ nhiệm nhật báo Xây Dựng. Thoạt đầu Duyên Anh viết tiểu thuyết trang trong. Những Luật Hè Phố, Dấu Chân Sỏi Đá, Điệu Ru Nước Mắt được sáng tác trong thời gian này. Rồi các nhật báo sau cách mạng đi vào thời kỳ chửi bới và vì nhu cầu, Duyên Anh viết thêm mục phim ở trang nhất ký tên là Thương Sinh. Tuy nhiên, mãi tới khi về cộng tác với tờ Sống của Chu Tử, cái tên Thương Sinh viết phóng sự nham nhở mới nổi bật lên và được cả nước biết.

 Trong chàng trẻ tuổi Vũ Mộng Long có hai người viết: Duyên Anh và Thương Sinh. Hai người viết ấy khác hẳn nhau. Người viết Duyên Anh chuyên viết về tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, người viết Thương Sinh chuyên moi móc những chuyện bẩn thỉu của người đời, tàn nhẫn và sống sượng đến phát sợ. Nhưng người viết Thương Sinh chỉ là giai đoạn. Loại phóng sự nham nhở chỉ sống được trên những nhật báo và dù có viết hay mấy cũng không thể trở thành tác phẩm. Vũ Mộng Long biết rõ hơn ai hết điều đó và anh đã khai tử không tiếc thương con người Thương Sinh trong anh để chỉ còn sống với con người Duyên Anh.

Hoàng Hải Thủy
Văn Học - Số 149 tháng 6 năm 1972
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn