Viết về người chết thật dễ. Bốc thơm người chết, thì ai cũng cho rằng đó là công việc đáng làm và nên làm. Sỉ vả một xác chết, thì cái xác chết ấy cũng chẳng thể lồm cồm bò dậy, để đòi cải chính. Bởi vậy, từ trước tới nay, thiên hạ thường hay đè người chết ra để mà khai thác rất kỹ.Nhưng viết về người sống, mới thật khó. Khó hơn nữa, người còn sống đó lại là bạn, là một văn hữu. Bốc thơm cũng không được, mà bốc thối lại là một điều tối kỵ. Bốc thơm vung vít, sẽ được vài ba kẻ thối mồm nào đó, phang cho một câu, rất dễ làm cho phừng phừng bốc lửa: “Mày được ăn cái giải gì, mà bốc thơm nó kỹ vậy”. Còn nếu bốc thối, viết lách lèm bèm về người bạn ta, thì sẽ được bạn ta đi một đường trách móc “Tao với mày, sống với nhau từ lâu, bạn sống có, bạn chết có, mà lại nỡ chơi nhau”. Đằng nào thì cũng kẹt. Sự kẹt ấy, được mô tả bằng câu thơ của Cung Trầm Tưởng: “Chưa bao giờ kẹt thế”.Với một cái tâm sự đó, hôm nay tôi viết về Duyên Anh. Nghe Phan Kim Thịnh nói, thì Duyên Anh tin tưởng ở tôi, ở cái sự tôi hiểu “chàng”, nên dù đã có nhiều cây viết cỡ lớn, đưa những đường bút nặng ký, cũng nên đòi hỏi một sự có mặt tôi. Và Duyên Anh cho rằng, tôi mà viết về Duyên Anh, thì những giòng chữ ấy mới được coi là thật thà.
Thì tôi cố gắng thật thà. Tục ngữ có câu “Thật thà như đếm”. Tôi cũng dùng cái thật thà như đếm ấy, để bắt đầu bằng những con số một, hai, ba. Một là Duyên Anh, hai là Thương Sinh và ba là Vũ Mộng Long.
Trong bài viết này, tôi cũng có nhắc tới vài ba văn hữu. Sự có mặt của các văn hữu, chỉ với tư cách chứng nhân. Còn nhân vật chính, vẫn là Duyên Anh. Và nói một cách khác, thì bài này, chính là bản truyện phim mà Duyên Anh là tác giả thủ vai chính.
Sự quen biết của tôi và Duyên Anh, mới chưa được một chục năm. Ấy mà tôi nhớ bàng bạc như vậy. Trí nhớ của tôi hồi này mòn lắm. Bởi thế, tôi chỉ viết được những điều gì mà tôi nhớ. Còn nững gì đã xảy ra mà các bạn tôi, các văn hữu của tôi, không thấy tôi viết tới, là vì tôi quên mất rồi, quên sạch hết cả rồi...
Một cô sinh viên của Đại Học Báo Chí Vạn Hạnh, hôm qua, có tới phỏng vấn tôi về những điều kiện để gia nhập làng văn làng báo. Cần phải có cái may mắn?... Có người nâng đỡ?... Có thực tài?... Tôi trả lời rằng cần phải có thực tài. Cái may mắn hay có người giới thiệu nâng đỡ, chỉ là một điều phụ, có cũng được mà không có cũng được. Có điều là nếu gặp may, có được người tốt nâng đỡ, thì thời gian được rút ngắn bớt. Nếu có tài, có thực tài, thì dù cho “ai đó” có muốn dìm mình xuống, nắm đầu mình đè xuống, thì cũng có phen ngóc được cái đầu lên, mà làm những phát gật gù hãnh diện.
Theo tôi, thì Duyên Anh đi vào làng văn, làng báo, đã nắm được cả ba yếu tố. Có cả ba thứ may mắn, được người nâng đỡ, và có thực tài. Như một bậc đế vương, nắm được cả ba thứ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, để vững ngôi cao. Cái may mắn như cái thiên thời. Được người nâng đỡ là vớ được địa lợi. Và cái thực tài, chính là cái nhân hòa đó vậy.
Nếu tôi nhớ không lầm, thì sự có mặt đầu tiên của Duyên Anh với làng văn là truyện ngắn Hoa Thiên Lý, đăng trên Nguyệt san Chỉ Đạo. Tôi cũng là một biên tập viên của Chỉ Đạo với các anh Ngô Quân và Nguyễn Mạnh Côn. Anh Nguyễn Mạnh Côn , hồi đó, xuất hiện như một ngôi sao Bắc Đẩu. Lừng lững và sáng chói. Ngắm một ngôi sao thì thấy rằng gần đấy mà cũng xa đấy. Gần thì như Nguyễn Mạnh Côn. Xa thì như Đằng Văn Hầu. Mà xa hơn nữa, thì là Nguyễn Kiên Trung. Nhưng chỉ biết rằng, truyện ngắn Hoa Thiên Lý gửi về Nguyệt San Chỉ Đạo, đã làm cho anh Nguyễn Mạnh Côn ngạc nhiên đến thích thú, vì lối viết của Hoa Thiên Lý thật nhẹ nhàng và dễ dãi, khác hẳn với lối viết nặng và nhức đầu của Nguyễn Mạnh Côn. Những người viết văn, yêu nhau và thích nhau ở sự trái ngược. Chỉ yêu, chỉ thích những cái gì mà mình không làm nổi. Nguyễn Mạnh Côn không thể viết được như Duyên Anh, và trái lại... Bởi thế, từ đó, ông Đằng Vân Hầu đã dành cảm tình đặc biệt với Duyên Anh.
Nói như vậy, không phải rằng nhờ Nguyễn Mạnh Côn mà Duyên Anh đạt được tới địa vị như bây giờ. Có một “cái chiếu” như bây giờ, Duyên Anh đã phải xông pha, dùng cả cái thực tài văn chương, thêm một chút khôn ngoan để tả xung hữu đột. Nói về cái khôn, thì Duyên Anh khôn lắm. Nguyễn Đình Toàn đã phê bình rằng “Thằng đó nó khôn quá, nên cứ quắt người lại”. Cùng một lúc xuất hiện trên Chỉ Đạo, và cũng được Nguyễn Mạnh Côn chú ý và nâng đỡ ngang với Duyên Anh, thì có Dương Kiên. Nhưng tới nay, so sánh về viết văn và làm báo, thì Duyên Anh được biết đến hơn Dương Kiên nhiều. Nói vậy, không phải là tôi đã làm một phát bốc thơm Duyên Anh và bốc thối Dương Kiên. Tôi chỉ làm một chuyện so sánh. Thế thôi!...
Điều mà tôi ưng ý nhất ở Duyên Anh, là Duyên Anh không dấu diếm cái dĩ vãng đói khổ của mình. Mà đâu có gì phải che đậy. Duyên Anh hãnh diện khoe với mọi người rằng mình là dân Thái Bình, con một Đông Y sĩ, tục gọi là ông lang. Những chuyện đó, bắt gặp nhan nhản trong những truyện mà Duyên Anh viết về tuổi thơ. “Con sáo của em tôi” đã được lựa chọn để in vào sách giáo khoa cho học trò học, và trong chuyện đó, Duyên Anh dã tả gia đình của mình như một gia đình rách vào bậc đáng nể của miền Bắc. Các văn nhân, thi sĩ, thường mắc bệnh “nói phét trong tiểu sử”, nhưng những người mắc bệnh ấy, rất may là không có Duyên Anh.
Những lúc về sau này, Duyên Anh thường hay biểu diễn những màn trưởng giả. Nhưng khi người ta có tiền, có xế, có biệt thự, thì kể tới làm gì... Chỉ cốt là đừng quên dĩ vãng. Như thế cũng đủ rồi...
Có kẻ cho rằng cái chất trưởng giả mà Duyên Anh có hiện nay là lây của vợ, một cô chiêu, vừa nứt trứng ra đã thấy mình nằm trên giường nệm. Tôi không tin như vậy... Con người, phải thích ứng với hoàn cảnh. Lúc nghèo, sống với cảnh nghèo. Còn bây giờ giàu có, ai cấm được Duyên Anh sống với lối sống của nhà giàu?... Một chiếc dương cầm, không thể kê được trong căn nhà lá, cũng như mặc một bộ quần áo rách, không thể dự tiếp tân tại nhà hàng Caravelle. Cũng có thể được đấy, nếu muốn được coi là kẻ “đờ-mi-pha, đờ-mi-tốc”. Nhưng Duyên Anh thì chẳng “pha” mà cũng chẳng “tốc” bao giờ... Xin đọc lại câu phê bình về Duyên Anh của Nguyễn Đình Toàn.
Thời kỳ được coi là thân nhất của tôi và Duyên Anh là thời kỳ mà nhật báo Sống còn sống, tòa soạn đặt tại đường Gia Long. Trước cửa nhật báo Sống có một quán cóc. Nơi đó là chỗ chúng tôi tụ họp mỗi buổi trưa, khi tờ báo vừa “khóa tin”. Góp mặt, còn có Hoàng Anh Tuấn và Hoàng Hải Thủy. Khi bàn nhau thành lập một “Hội những thằng viết văn lấy tên thật”, đã bị Duyên Anh chửi bới rất tận tình. “Chúng mày được bố mẹ đặt cho những tên đẹp, thì chúng mày lấy tên thật được. Còn những thằng chẳng may bắt phải một cái tên xấu, thì mang cái tên xấu ấy đi trên hàng đầu văn chương hay sao?”. Rồi Duyên Anh la lên ào ào. Thằng Thanh Nam, tên nó là Trần Đại Việt, ký cái tên ấy mà viết tiểu thuyết thì... còn mẹ gì là văn chương. Không khí buổi trưa trước cửa nhật báo Sống, nơi quán cóc vỉa hè ngày đó, được tả là rất vui, rất hấp dẫn, để rồi phải nhớ nhung tới nó như một cơn ghiền. Buổi trưa, mà không ghé qua ngồi đó, thì coi như ngày hôm đó vứt đi. Ngày đó, chúng tôi chưa uống rượu mạnh như bây giờ, chỉ uống bia 33. Ngày nào, những chồng vỏ chai bia 33, cũng được xếp cao ngất.
Các em trai, em gái búp bê của Duyên Anh cũng thích tới đó để chiêm ngưỡng cách bậc đàn anh văn nghệ, uống bia say sưa rồi ra gốc cây, đái tồ tồ. Các ông anh già cũng thích tới đó lắm, nhưng thường là chỉ ghé được một, hai lần. Không thể chịu nổi với những lời mỉa mai cay độc của lũ chúng tôi. Không hiểu sao hồi đó, chúng tôi, coi thường mấy anh văn nghệ già đến thế...
Thỉnh thoảng, Chu Tử cũng khập khiễng, run rẩy bước qua đường, ngồi vào ghế, góp vài câu chuyện rồi hai ngón tay vân vê vào nhau, xin một điếu thuốc lá lẻ. Anh vừa bị phơ mấy phát vỡ miệng, nên nói năng còn ngọng nghịu. Cùng một lúc, cũng có tin ông Thượng Tọa Thiện Minh bị gài lựu đạn vào xe hơi, lựu đạn nổ trúng bàn tọa, phải vào nằm nhà thương đỡ đẻ của ông Bác sĩ Nguyễn Duy Tài. Tuy rằng nói còn ngọng mà Chu Tử cũng xuất khẩu được ra một câu đối: “Thượng tọa ê bàn tọa. Chu Bình sứt miệng bình”.
Ngoài việc viết lách cho Nhật báo Sống, giữ trang Búp Bê, Duyên Anh còn viết một “phơi-ơ-tông” cho báo Xây Dựng của cha Thiên Hổ. Tôi nhớ hình như tiểu thuyết đó là Châu Kool, về sau khi in ra đổi tên là Trần Thị Diễm Châu và đã được anh Lê Dân quay thành phim. Đó là một tiểu thuyết viết về một thứ “nữ kê tác quái”...
Văn chương của Duyên Anh có nhiều sự trái ngược. Duyên Anh viết tiểu thuyết du đãng cùng một lúc với tiểu thuyết nhi đồng. Coi trang búp bê, cùng một lúc với khi viết những mục phóng sự và phim nham nhở. Trong đầu Duyên Anh, hình như có chứa đựng rất nhiều ô kéo. Khi cần tới một thứ gì, Duyên Anh chỉ cần mở cái ô kéo đó ra, là có đầy đủ tài liệu. Cố nhiên tài liệu đó không thể lầm lẫn, vì nếu lầm phóng sự nham nhở với truyện tuổi ô mai, thì có quyền... vỡ mặt. Có lẽ cũng vì cái sự “kiêm nhiệm” hơi nhiều ấy, mà một cuốn tiểu thuyết trẻ thơ của Duyên Anh mang tên Bồn Lừa, cứ hay bị thiên hạ hiểu lầm, một sự hiểu lầm tai hại bạc triệu...
....
Thương Sinh, là một bút hiệu của Duyên Anh, ký tên những phóng sự nham nhở và những mục viết lách chửi bới. Ngoài tên Thương Sinh, còn có những tên Nã Cẩu, Vạn Tóc Mai, Thập Nguyên, v.v... Nhiều quá, nhớ không hết... Những bút hiệu đó, nếu mang ra mà giảng nghĩa, thì rất ư là một sự đau khổ... Các búp bê của Duyên Anh mà hiểu được, chắc là khóc thét lên. Như Thập Nguyên chẳng hạn... Thập Nguyên có nghĩa là mười đồng. Mà mười đồng, dịch sang tiếng Tây là “đít-biệt”, dịch theo kiểu Tây bồi. Mà nói lái thì tục quá... Đó là nghĩa của bút hiệu Thập Nguyên.
Tên Thương Sinh lẫy lừng nhất, bắt đầu từ ngày mà Thương Sinh và tôi đẻ ra tờ tuần báo Con Ong. Trước đó thì Thương Sinh cũng đã làm mưa, làm gió trên Nhật Báo Sống bằng những phóng sự. Những tay viết phóng sự nặng ký lúc bấy giờ là Phan Nghị, Hoàng Hải Thủy và... Thương Sinh. Nhưng Phan Nghị, thì bắt đầu đi làm phóng sự... chiến trường, bốc thơm mấy anh tài xế tàu bay để bắt tí địa của ông Tướng Riu, Hoàng Hải Thủy thì tuyên bố giải nghệ. Chỉ còn một Thương Sinh múa những đường gậy hoa mỹ trong vườn hoang. Về sau này, cũng có xuất hiện vài tay phóng sự cò con, nhưng phần nhiều là xài lại những danh từ mà Phan Nghị, Hoàng Hải Thủy và Thương Sinh đã sáng chế ra... Tới lúc đó thì Thương Sinh cũng giải nghệ viết phóng sự; ngả hẳn về mục nham nhở, chửi bới rất hăng và rất tận tình...
Tòa soạn tuần báo Con Ong, lúc đó, gần như chỉ có ba người, bao thầu đủ các mục. Thương Sinh, tôi và Lữ Hồ, một anh nhà giáo rất nghiêm túc, biết rất nhiều bí mật sau hàng rao kẽm gai của Dinh... Về sau này, thêm thằng Hĩm về, vẽ vời tăng cường. Công việc viết lách chửi bới lúc đó được coi là rất có tính cách nhà nghề.
Thương Sinh viết rất khỏe, và có một lối viết khá lạ mắt. Tụt giầy ra, đưa cả hai chân lên ghế, ngồi với tư thế như ngồi trong cầu tiêu. Thương Sinh gọi đó là công việc bài tiết ra văn chương. Những tên mà Thương Sinh đặt cho các ông Dân Biểu, chính khách, các đấng Thượng Tọa, Linh Mục thì khỏi chê. Những cái tên ấy bám chặt lấy người, không làm cách nào tẩy sạch. Ông Dân Biểu Tượng Chàm, Cao Nhất Nước, Ông Già xe Đò, Ông Ngoại Ngớ Ngẩn, Chính Khách Yếm Thắm v.v... đều do Thương Sinh đặt tên. Những người đó đều được Thương Sinh lố bịch hóa thành hững bức tranh thời sự trào phúng, hoạt kê. Nhờ đó mà những người đó bớt đi được chất nghiêm trọng và thiên hạ không còn nhìn những người đó bằng con mắt suy tôn...
Không hiểu tôi đã đọc được ở đâu một mẩu đối thoại. Hai nhà văn, đã hỏi nhau một câu “Viết lách như anh mà chưa có thằng nào vác gậy tới nhà hay sao?” Thương Sinh thì đã có kẻ vác gậy tới nhà rồi. Hai người lính được một kẻ thuê mướn, đã đến nhà Thương Sinh đè nhẹ anh vài cú đấm. Đòn cũng chẳng đau lắm, và Thương Sinh rất hãnh diện về chuyện này. Nhất là trước khi âu yếm, hai anh lính này nói năng rất lễ phép, nói rõ mục đích của mình, tên của thân chủ, và thú nhận là rất ân hận khi làm công việc này. Một anh lính, còn đi một đường dặn dò “Xin anh ngày mai, dán ở trên mặt vài cái băng keo, để cho tụi em còn... lãnh tiền”. Thế là vui vẻ cả làng...
Thương Sinh có một cái tật là phũ miệng... Không bằng lòng ai, anh hay nặng lời, dù là bạn bè thân thiết cũng vậy. Theo như Hoàng Hải Thủy thì đó là sự dồn nén ở gia đình nên phải xì ra với bạn bè. Ở nhà nó, nó không dám quát vợ, mắng con. Đến con chó nhà nó, nó còn không dám biểu diễn một cú đá. Bởi vậy, nên nó mới “quặc” ra với tụi mình. Tuy biết thế, nhưng Hoàng Hải Thủy vẫn giận Thương Sinh nhiều lần. Gã Thâm ưa đưa bài chậm, khi thấy đưa chậm bài, Thương Sinh ngồi xổm lên ghế, viết trám ngay, rồi khi Gã Thâm đưa bài tới, là nhận ngay được một lời cảm ơn. Nhưng chỉ giận dỗi qua loa, rồi thì vẫn thân nhau, yêu nhau như thường. Trẻ con nhất là những đứa viết văn.
Cái số của Thương Sinh là đi làm công. Không thể nào làm được chủ. Thấy tờ tuần báo Con Ong với một tay mình gánh vác, đã thành công, tuy chỉ thành công trong sự chửi bới thiên hạ, Thương Sinh ức lòng lắm. Hắn bèn tuyên bố rằng từ nay không thèm ... rời ra, để mần riêng một tờ tuần báo trào phúng đối lập, khuôn khổ cũng như tuần báo Con Ong, mang tên là tuần báo Người...
Từ khi có tuần báo Người, Thương Sinh bắt đầu đánh bóng cái tên Vũ Mộng Long. Những bài viết về thanh niên, về tuổi trẻ, như loạt bài “Những con bò sữa trên đồng cỏ cháy”, ký tên Duyên Anh Vũ Mộng Long... Thương Sinh có ý định là để cho cái tên có năm chữ ấy, quen thuộc với độc giả, rồi cho rụng đi hai chữ đầu, chỉ còn lại ba chữ Vũ Mộng Long. Nhưng ý định đó bất thành, vì tuần báo Người chết sớm.
Tuần báo Người, được coi là một tác phẩm tổng hợp của Duyên Anh, Thương Sinh, Vũ Mộng Long... Truyện dài “Đốm lửa trong tù”, ký tên Duyên Anh. Phóng sự viết về nhà chùa, có một bài thơ nổi danh “Sao anh không về làm sư thành phố”, ký tên Thương Sinh. Còn những bài tham luận về tuổi trẻ, về thanh niên ký tên Duyên Anh Vũ Mộng Long. Một tay bao thầu hết, đủ các mục. Chỉ có những mục hí họa mới cần tới tay Tuýt và Hĩm. Tôi có cảm tưởng rằng, nếu Duyên Anh mà vẽ được, thì chắc hai thằng thợ vẽ ấy cũng được mời đi chỗ khác chơi.
Kể về sự nghiệp làm văn, làm báo thì Duyên Anh đã thành công. Tác phẩm của Duyên Anh như thế cũng là quá đủ. Sự hấp dẫn của tiểu thuyết Duyên Anh, tuy rằng chỉ thu gọn trong giới học trò, nhưng theo tôi, mỗi người chỉ nên lựa chọn một số độc giả. Về chuyện làm báo, cái tên Thương Sinh, cũng đã gây nhiều sóng gió giang hồ. Tới bây giờ, vẫn còn được coi chưa có ai thay thế nổi. Còn về cái tên Vũ Mộng Long, với tiểu thuyết mới nhất “Ngựa chứng trong sân trường”, tuy chưa đạt tới một mức giáo dục mẫu mực vì còn nặng chất “người hùng”, nhưng nếu cứ tà tà mà đi, cũng có thể đi tới nơi, về tới chốn.
Khoảng cuối năm vừa qua, Thương Sinh tuyên bố khai tử cái tên đó, và bỏ nghề làm báo, viết văn nham nhở... Trong một lá thư gửi tới tôi, có một đoạn Thương Sinh viết:
Một tay thiện xạ, bắn một trăm phát trúng cả trăm, thì cũng nên ngừng ở phát một trăm lẻ một. Nếu có bắn trúng, thì cũng chẳng thêm được chút danh vọng nào. Còn nếu bắn trật, thì danh tiếng của cả một đời cũng theo mũi tên đó mà bay đi mất... Đạo hữu hãy nên bắt chước tôi, chúng mình rửa tay, gác bút đi là vừa... Đạo hữu nghĩ sao?...
Tôi chẳng biết nghĩ sao... Và đành dùng câu đó để kết luận cho bài này...
Tháng 5-72
Dương Hùng Cường
Thì tôi cố gắng thật thà. Tục ngữ có câu “Thật thà như đếm”. Tôi cũng dùng cái thật thà như đếm ấy, để bắt đầu bằng những con số một, hai, ba. Một là Duyên Anh, hai là Thương Sinh và ba là Vũ Mộng Long.
Trong bài viết này, tôi cũng có nhắc tới vài ba văn hữu. Sự có mặt của các văn hữu, chỉ với tư cách chứng nhân. Còn nhân vật chính, vẫn là Duyên Anh. Và nói một cách khác, thì bài này, chính là bản truyện phim mà Duyên Anh là tác giả thủ vai chính.
Sự quen biết của tôi và Duyên Anh, mới chưa được một chục năm. Ấy mà tôi nhớ bàng bạc như vậy. Trí nhớ của tôi hồi này mòn lắm. Bởi thế, tôi chỉ viết được những điều gì mà tôi nhớ. Còn nững gì đã xảy ra mà các bạn tôi, các văn hữu của tôi, không thấy tôi viết tới, là vì tôi quên mất rồi, quên sạch hết cả rồi...
Một cô sinh viên của Đại Học Báo Chí Vạn Hạnh, hôm qua, có tới phỏng vấn tôi về những điều kiện để gia nhập làng văn làng báo. Cần phải có cái may mắn?... Có người nâng đỡ?... Có thực tài?... Tôi trả lời rằng cần phải có thực tài. Cái may mắn hay có người giới thiệu nâng đỡ, chỉ là một điều phụ, có cũng được mà không có cũng được. Có điều là nếu gặp may, có được người tốt nâng đỡ, thì thời gian được rút ngắn bớt. Nếu có tài, có thực tài, thì dù cho “ai đó” có muốn dìm mình xuống, nắm đầu mình đè xuống, thì cũng có phen ngóc được cái đầu lên, mà làm những phát gật gù hãnh diện.
Theo tôi, thì Duyên Anh đi vào làng văn, làng báo, đã nắm được cả ba yếu tố. Có cả ba thứ may mắn, được người nâng đỡ, và có thực tài. Như một bậc đế vương, nắm được cả ba thứ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, để vững ngôi cao. Cái may mắn như cái thiên thời. Được người nâng đỡ là vớ được địa lợi. Và cái thực tài, chính là cái nhân hòa đó vậy.
Nếu tôi nhớ không lầm, thì sự có mặt đầu tiên của Duyên Anh với làng văn là truyện ngắn Hoa Thiên Lý, đăng trên Nguyệt san Chỉ Đạo. Tôi cũng là một biên tập viên của Chỉ Đạo với các anh Ngô Quân và Nguyễn Mạnh Côn. Anh Nguyễn Mạnh Côn , hồi đó, xuất hiện như một ngôi sao Bắc Đẩu. Lừng lững và sáng chói. Ngắm một ngôi sao thì thấy rằng gần đấy mà cũng xa đấy. Gần thì như Nguyễn Mạnh Côn. Xa thì như Đằng Văn Hầu. Mà xa hơn nữa, thì là Nguyễn Kiên Trung. Nhưng chỉ biết rằng, truyện ngắn Hoa Thiên Lý gửi về Nguyệt San Chỉ Đạo, đã làm cho anh Nguyễn Mạnh Côn ngạc nhiên đến thích thú, vì lối viết của Hoa Thiên Lý thật nhẹ nhàng và dễ dãi, khác hẳn với lối viết nặng và nhức đầu của Nguyễn Mạnh Côn. Những người viết văn, yêu nhau và thích nhau ở sự trái ngược. Chỉ yêu, chỉ thích những cái gì mà mình không làm nổi. Nguyễn Mạnh Côn không thể viết được như Duyên Anh, và trái lại... Bởi thế, từ đó, ông Đằng Vân Hầu đã dành cảm tình đặc biệt với Duyên Anh.
Nói như vậy, không phải rằng nhờ Nguyễn Mạnh Côn mà Duyên Anh đạt được tới địa vị như bây giờ. Có một “cái chiếu” như bây giờ, Duyên Anh đã phải xông pha, dùng cả cái thực tài văn chương, thêm một chút khôn ngoan để tả xung hữu đột. Nói về cái khôn, thì Duyên Anh khôn lắm. Nguyễn Đình Toàn đã phê bình rằng “Thằng đó nó khôn quá, nên cứ quắt người lại”. Cùng một lúc xuất hiện trên Chỉ Đạo, và cũng được Nguyễn Mạnh Côn chú ý và nâng đỡ ngang với Duyên Anh, thì có Dương Kiên. Nhưng tới nay, so sánh về viết văn và làm báo, thì Duyên Anh được biết đến hơn Dương Kiên nhiều. Nói vậy, không phải là tôi đã làm một phát bốc thơm Duyên Anh và bốc thối Dương Kiên. Tôi chỉ làm một chuyện so sánh. Thế thôi!...
Điều mà tôi ưng ý nhất ở Duyên Anh, là Duyên Anh không dấu diếm cái dĩ vãng đói khổ của mình. Mà đâu có gì phải che đậy. Duyên Anh hãnh diện khoe với mọi người rằng mình là dân Thái Bình, con một Đông Y sĩ, tục gọi là ông lang. Những chuyện đó, bắt gặp nhan nhản trong những truyện mà Duyên Anh viết về tuổi thơ. “Con sáo của em tôi” đã được lựa chọn để in vào sách giáo khoa cho học trò học, và trong chuyện đó, Duyên Anh dã tả gia đình của mình như một gia đình rách vào bậc đáng nể của miền Bắc. Các văn nhân, thi sĩ, thường mắc bệnh “nói phét trong tiểu sử”, nhưng những người mắc bệnh ấy, rất may là không có Duyên Anh.
Những lúc về sau này, Duyên Anh thường hay biểu diễn những màn trưởng giả. Nhưng khi người ta có tiền, có xế, có biệt thự, thì kể tới làm gì... Chỉ cốt là đừng quên dĩ vãng. Như thế cũng đủ rồi...
Có kẻ cho rằng cái chất trưởng giả mà Duyên Anh có hiện nay là lây của vợ, một cô chiêu, vừa nứt trứng ra đã thấy mình nằm trên giường nệm. Tôi không tin như vậy... Con người, phải thích ứng với hoàn cảnh. Lúc nghèo, sống với cảnh nghèo. Còn bây giờ giàu có, ai cấm được Duyên Anh sống với lối sống của nhà giàu?... Một chiếc dương cầm, không thể kê được trong căn nhà lá, cũng như mặc một bộ quần áo rách, không thể dự tiếp tân tại nhà hàng Caravelle. Cũng có thể được đấy, nếu muốn được coi là kẻ “đờ-mi-pha, đờ-mi-tốc”. Nhưng Duyên Anh thì chẳng “pha” mà cũng chẳng “tốc” bao giờ... Xin đọc lại câu phê bình về Duyên Anh của Nguyễn Đình Toàn.
Thời kỳ được coi là thân nhất của tôi và Duyên Anh là thời kỳ mà nhật báo Sống còn sống, tòa soạn đặt tại đường Gia Long. Trước cửa nhật báo Sống có một quán cóc. Nơi đó là chỗ chúng tôi tụ họp mỗi buổi trưa, khi tờ báo vừa “khóa tin”. Góp mặt, còn có Hoàng Anh Tuấn và Hoàng Hải Thủy. Khi bàn nhau thành lập một “Hội những thằng viết văn lấy tên thật”, đã bị Duyên Anh chửi bới rất tận tình. “Chúng mày được bố mẹ đặt cho những tên đẹp, thì chúng mày lấy tên thật được. Còn những thằng chẳng may bắt phải một cái tên xấu, thì mang cái tên xấu ấy đi trên hàng đầu văn chương hay sao?”. Rồi Duyên Anh la lên ào ào. Thằng Thanh Nam, tên nó là Trần Đại Việt, ký cái tên ấy mà viết tiểu thuyết thì... còn mẹ gì là văn chương. Không khí buổi trưa trước cửa nhật báo Sống, nơi quán cóc vỉa hè ngày đó, được tả là rất vui, rất hấp dẫn, để rồi phải nhớ nhung tới nó như một cơn ghiền. Buổi trưa, mà không ghé qua ngồi đó, thì coi như ngày hôm đó vứt đi. Ngày đó, chúng tôi chưa uống rượu mạnh như bây giờ, chỉ uống bia 33. Ngày nào, những chồng vỏ chai bia 33, cũng được xếp cao ngất.
Các em trai, em gái búp bê của Duyên Anh cũng thích tới đó để chiêm ngưỡng cách bậc đàn anh văn nghệ, uống bia say sưa rồi ra gốc cây, đái tồ tồ. Các ông anh già cũng thích tới đó lắm, nhưng thường là chỉ ghé được một, hai lần. Không thể chịu nổi với những lời mỉa mai cay độc của lũ chúng tôi. Không hiểu sao hồi đó, chúng tôi, coi thường mấy anh văn nghệ già đến thế...
Thỉnh thoảng, Chu Tử cũng khập khiễng, run rẩy bước qua đường, ngồi vào ghế, góp vài câu chuyện rồi hai ngón tay vân vê vào nhau, xin một điếu thuốc lá lẻ. Anh vừa bị phơ mấy phát vỡ miệng, nên nói năng còn ngọng nghịu. Cùng một lúc, cũng có tin ông Thượng Tọa Thiện Minh bị gài lựu đạn vào xe hơi, lựu đạn nổ trúng bàn tọa, phải vào nằm nhà thương đỡ đẻ của ông Bác sĩ Nguyễn Duy Tài. Tuy rằng nói còn ngọng mà Chu Tử cũng xuất khẩu được ra một câu đối: “Thượng tọa ê bàn tọa. Chu Bình sứt miệng bình”.
Ngoài việc viết lách cho Nhật báo Sống, giữ trang Búp Bê, Duyên Anh còn viết một “phơi-ơ-tông” cho báo Xây Dựng của cha Thiên Hổ. Tôi nhớ hình như tiểu thuyết đó là Châu Kool, về sau khi in ra đổi tên là Trần Thị Diễm Châu và đã được anh Lê Dân quay thành phim. Đó là một tiểu thuyết viết về một thứ “nữ kê tác quái”...
Văn chương của Duyên Anh có nhiều sự trái ngược. Duyên Anh viết tiểu thuyết du đãng cùng một lúc với tiểu thuyết nhi đồng. Coi trang búp bê, cùng một lúc với khi viết những mục phóng sự và phim nham nhở. Trong đầu Duyên Anh, hình như có chứa đựng rất nhiều ô kéo. Khi cần tới một thứ gì, Duyên Anh chỉ cần mở cái ô kéo đó ra, là có đầy đủ tài liệu. Cố nhiên tài liệu đó không thể lầm lẫn, vì nếu lầm phóng sự nham nhở với truyện tuổi ô mai, thì có quyền... vỡ mặt. Có lẽ cũng vì cái sự “kiêm nhiệm” hơi nhiều ấy, mà một cuốn tiểu thuyết trẻ thơ của Duyên Anh mang tên Bồn Lừa, cứ hay bị thiên hạ hiểu lầm, một sự hiểu lầm tai hại bạc triệu...
....
Thương Sinh, là một bút hiệu của Duyên Anh, ký tên những phóng sự nham nhở và những mục viết lách chửi bới. Ngoài tên Thương Sinh, còn có những tên Nã Cẩu, Vạn Tóc Mai, Thập Nguyên, v.v... Nhiều quá, nhớ không hết... Những bút hiệu đó, nếu mang ra mà giảng nghĩa, thì rất ư là một sự đau khổ... Các búp bê của Duyên Anh mà hiểu được, chắc là khóc thét lên. Như Thập Nguyên chẳng hạn... Thập Nguyên có nghĩa là mười đồng. Mà mười đồng, dịch sang tiếng Tây là “đít-biệt”, dịch theo kiểu Tây bồi. Mà nói lái thì tục quá... Đó là nghĩa của bút hiệu Thập Nguyên.
Tên Thương Sinh lẫy lừng nhất, bắt đầu từ ngày mà Thương Sinh và tôi đẻ ra tờ tuần báo Con Ong. Trước đó thì Thương Sinh cũng đã làm mưa, làm gió trên Nhật Báo Sống bằng những phóng sự. Những tay viết phóng sự nặng ký lúc bấy giờ là Phan Nghị, Hoàng Hải Thủy và... Thương Sinh. Nhưng Phan Nghị, thì bắt đầu đi làm phóng sự... chiến trường, bốc thơm mấy anh tài xế tàu bay để bắt tí địa của ông Tướng Riu, Hoàng Hải Thủy thì tuyên bố giải nghệ. Chỉ còn một Thương Sinh múa những đường gậy hoa mỹ trong vườn hoang. Về sau này, cũng có xuất hiện vài tay phóng sự cò con, nhưng phần nhiều là xài lại những danh từ mà Phan Nghị, Hoàng Hải Thủy và Thương Sinh đã sáng chế ra... Tới lúc đó thì Thương Sinh cũng giải nghệ viết phóng sự; ngả hẳn về mục nham nhở, chửi bới rất hăng và rất tận tình...
Tòa soạn tuần báo Con Ong, lúc đó, gần như chỉ có ba người, bao thầu đủ các mục. Thương Sinh, tôi và Lữ Hồ, một anh nhà giáo rất nghiêm túc, biết rất nhiều bí mật sau hàng rao kẽm gai của Dinh... Về sau này, thêm thằng Hĩm về, vẽ vời tăng cường. Công việc viết lách chửi bới lúc đó được coi là rất có tính cách nhà nghề.
Thương Sinh viết rất khỏe, và có một lối viết khá lạ mắt. Tụt giầy ra, đưa cả hai chân lên ghế, ngồi với tư thế như ngồi trong cầu tiêu. Thương Sinh gọi đó là công việc bài tiết ra văn chương. Những tên mà Thương Sinh đặt cho các ông Dân Biểu, chính khách, các đấng Thượng Tọa, Linh Mục thì khỏi chê. Những cái tên ấy bám chặt lấy người, không làm cách nào tẩy sạch. Ông Dân Biểu Tượng Chàm, Cao Nhất Nước, Ông Già xe Đò, Ông Ngoại Ngớ Ngẩn, Chính Khách Yếm Thắm v.v... đều do Thương Sinh đặt tên. Những người đó đều được Thương Sinh lố bịch hóa thành hững bức tranh thời sự trào phúng, hoạt kê. Nhờ đó mà những người đó bớt đi được chất nghiêm trọng và thiên hạ không còn nhìn những người đó bằng con mắt suy tôn...
Không hiểu tôi đã đọc được ở đâu một mẩu đối thoại. Hai nhà văn, đã hỏi nhau một câu “Viết lách như anh mà chưa có thằng nào vác gậy tới nhà hay sao?” Thương Sinh thì đã có kẻ vác gậy tới nhà rồi. Hai người lính được một kẻ thuê mướn, đã đến nhà Thương Sinh đè nhẹ anh vài cú đấm. Đòn cũng chẳng đau lắm, và Thương Sinh rất hãnh diện về chuyện này. Nhất là trước khi âu yếm, hai anh lính này nói năng rất lễ phép, nói rõ mục đích của mình, tên của thân chủ, và thú nhận là rất ân hận khi làm công việc này. Một anh lính, còn đi một đường dặn dò “Xin anh ngày mai, dán ở trên mặt vài cái băng keo, để cho tụi em còn... lãnh tiền”. Thế là vui vẻ cả làng...
Thương Sinh có một cái tật là phũ miệng... Không bằng lòng ai, anh hay nặng lời, dù là bạn bè thân thiết cũng vậy. Theo như Hoàng Hải Thủy thì đó là sự dồn nén ở gia đình nên phải xì ra với bạn bè. Ở nhà nó, nó không dám quát vợ, mắng con. Đến con chó nhà nó, nó còn không dám biểu diễn một cú đá. Bởi vậy, nên nó mới “quặc” ra với tụi mình. Tuy biết thế, nhưng Hoàng Hải Thủy vẫn giận Thương Sinh nhiều lần. Gã Thâm ưa đưa bài chậm, khi thấy đưa chậm bài, Thương Sinh ngồi xổm lên ghế, viết trám ngay, rồi khi Gã Thâm đưa bài tới, là nhận ngay được một lời cảm ơn. Nhưng chỉ giận dỗi qua loa, rồi thì vẫn thân nhau, yêu nhau như thường. Trẻ con nhất là những đứa viết văn.
Cái số của Thương Sinh là đi làm công. Không thể nào làm được chủ. Thấy tờ tuần báo Con Ong với một tay mình gánh vác, đã thành công, tuy chỉ thành công trong sự chửi bới thiên hạ, Thương Sinh ức lòng lắm. Hắn bèn tuyên bố rằng từ nay không thèm ... rời ra, để mần riêng một tờ tuần báo trào phúng đối lập, khuôn khổ cũng như tuần báo Con Ong, mang tên là tuần báo Người...
Từ khi có tuần báo Người, Thương Sinh bắt đầu đánh bóng cái tên Vũ Mộng Long. Những bài viết về thanh niên, về tuổi trẻ, như loạt bài “Những con bò sữa trên đồng cỏ cháy”, ký tên Duyên Anh Vũ Mộng Long... Thương Sinh có ý định là để cho cái tên có năm chữ ấy, quen thuộc với độc giả, rồi cho rụng đi hai chữ đầu, chỉ còn lại ba chữ Vũ Mộng Long. Nhưng ý định đó bất thành, vì tuần báo Người chết sớm.
Tuần báo Người, được coi là một tác phẩm tổng hợp của Duyên Anh, Thương Sinh, Vũ Mộng Long... Truyện dài “Đốm lửa trong tù”, ký tên Duyên Anh. Phóng sự viết về nhà chùa, có một bài thơ nổi danh “Sao anh không về làm sư thành phố”, ký tên Thương Sinh. Còn những bài tham luận về tuổi trẻ, về thanh niên ký tên Duyên Anh Vũ Mộng Long. Một tay bao thầu hết, đủ các mục. Chỉ có những mục hí họa mới cần tới tay Tuýt và Hĩm. Tôi có cảm tưởng rằng, nếu Duyên Anh mà vẽ được, thì chắc hai thằng thợ vẽ ấy cũng được mời đi chỗ khác chơi.
Kể về sự nghiệp làm văn, làm báo thì Duyên Anh đã thành công. Tác phẩm của Duyên Anh như thế cũng là quá đủ. Sự hấp dẫn của tiểu thuyết Duyên Anh, tuy rằng chỉ thu gọn trong giới học trò, nhưng theo tôi, mỗi người chỉ nên lựa chọn một số độc giả. Về chuyện làm báo, cái tên Thương Sinh, cũng đã gây nhiều sóng gió giang hồ. Tới bây giờ, vẫn còn được coi chưa có ai thay thế nổi. Còn về cái tên Vũ Mộng Long, với tiểu thuyết mới nhất “Ngựa chứng trong sân trường”, tuy chưa đạt tới một mức giáo dục mẫu mực vì còn nặng chất “người hùng”, nhưng nếu cứ tà tà mà đi, cũng có thể đi tới nơi, về tới chốn.
Khoảng cuối năm vừa qua, Thương Sinh tuyên bố khai tử cái tên đó, và bỏ nghề làm báo, viết văn nham nhở... Trong một lá thư gửi tới tôi, có một đoạn Thương Sinh viết:
Một tay thiện xạ, bắn một trăm phát trúng cả trăm, thì cũng nên ngừng ở phát một trăm lẻ một. Nếu có bắn trúng, thì cũng chẳng thêm được chút danh vọng nào. Còn nếu bắn trật, thì danh tiếng của cả một đời cũng theo mũi tên đó mà bay đi mất... Đạo hữu hãy nên bắt chước tôi, chúng mình rửa tay, gác bút đi là vừa... Đạo hữu nghĩ sao?...
Tôi chẳng biết nghĩ sao... Và đành dùng câu đó để kết luận cho bài này...
Tháng 5-72
Dương Hùng Cường
Gửi ý kiến của bạn