Cho dù đó là một quốc gia hùng mạnh, đứng đầu khối XHCN trên toàn thế giới như Liên Xô hay mấy chục năm cai trị độc quyền bằng bàn tay sắt của các ông Tổng thống-ngồi lâu-hơn cả Vua: Zine al Abidine Ben Ali (cựu Tổng thống Tunisia), Hosni Mubarak (cựu Tổng thống Ai Cập), Bashir al-Assad (Cựu Tổng thống Syria), Muammar al-Gaddafi (lãnh tụ Lybia)…
Xu hướng chung không thể cưỡng lại trên toàn cầu là hướng đến một mô hình thể chế chính trị tự do dân chủ, đa nguyên, đa đảng, pháp trị.
Ngay như Myanmar, quốc gia với chế độ quân phiệt cực kỳ hà khắc, từng đàn áp đẫm máu nhiều cuộc nổi dậy đòi dân chủ của nhân dân với hàng ngàn sinh viên, nhà sư và những người chống đối đã bị giết, hàng nghìn người khác bị cầm tù…., và vì vậy, Myanmar đã bị phương Tây cấm vận suốt nhiều năm liền. Thế nhưng, chỉ trong vòng 3 năm nay, kể từ khi Tổng thống Thein Sein lên cầm quyền, Myanmar đã có những bước chuyển biến rõ ràng, nhanh chóng và dứt khoát về phía dân chủ đến mức thế giới phải ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, trước những biến động dữ dội đó trên thế giới, vẫn có những chế độ độc tài trụ lại được, và từ nhà cầm quyền cho đến số đông người dân vẫn như đang đứng ngoài thời cuộc. Trong đó có chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo ở VN.
Khi nhìn sang Ba Lan, Đức trước đây hay Myanmar và bây giờ là Ucraine, không ít người Việt đã từng tự hỏi mình, hỏi nhau không biết bao nhiêu lần: Bao giờ sẽ tới VN? Và kịch bản nào cho VN, khi biến động có thể xảy ra, vào một ngày nào đó?
Từ trước đến nay chúng ta vẫn thường lo ngại nhất những điều sau:
Một, khi người dân không còn chịu đựng nổi phải đứng dậy đòi tự do dân chủ, nhà cầm quyền sẽ sử dụng bạo lực để đàn áp, sẽ có đổ máu. Điều này hoàn toàn có thể. Nhà nước độc tài nào cũng muốn giữ quyền lực đến cùng. Bảo vệ chế độ là bảo vệ tính mạng, quyền lợi, tài sản ăn cướp được của đất nước, của nhân dân sau bao nhiêu năm, không chỉ cho đời mình mà còn cho đời con, cháu, chắt, chút…Chưa kể, một chế độ có quá nhiều ân oán, nợ máu với nhân dân như chế độ cộng sản, tất phải sợ bị trả thù, vì vậy họ càng phải cố giữ.
Nhưng thật ra nhà cầm quyền VN có dám đi đến cùng trong việc đàn áp người dân không, nếu đó là cả một đám đông chừng vài trăm ngàn người trở lên?
Đừng quên VN không phải là Trung Quốc. VN hiện nay chỉ là một nước nghèo, còn đang phải đi vay, đi xin xỏ sự giúp đỡ của các nước khác, VN sẽ không dám hạ lệnh tắm máu nhân dân để sau đó hứng đòn trừng phạt, cấm vận của thế giới.
Cho dù núp dưới danh nghĩa quyết định của tập thể, cả đám lãnh đạo cao nhất cũng không dám ra lệnh cho quân đội nã súng bắn xả hoặc cho xe tăng nghiền nát người dân như Trung Quốc trong vụ Thiên An Môn. Lỡ cuộc nổi dậy thành công, họ sẽ trốn đi đâu được để tránh lệnh truy nã về tội ác giết người hàng loạt, như gương nhãn tiền mới đây nhất của cựu Tổng thống Ucraine, Viktor Yanukovych? Chạy sang Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Cuba chăng?
Ở các quốc gia độc tài nào thì đám an ninh, công an/cảnh sát đa phần cũng là đám tệ hại sẵn sàng nã súng bắn vào nhân dân nếu cần. Ở VN cũng vậy thôi. Đó là cái đám được nhà cầm quyền nuôi béo, cưng chiều, để trở thành “thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ”, chỉ biết “còn đảng còn mình”. Nhưng quân đội thì không phải lúc nào cũng thế. Những người lính đa số xuất thân từ tầng lớp nông dân, dân nghèo, không được hưởng nhiều bổng lộc của chế độ và cũng không có điều kiện để ăn hối lộ, kiếm chác như đám an ninh, công an nên nhìn chung lương thiện hơn.
Cứ nhìn lại diễn biến của phong trào cách mạng hoa lài ở các nước Bắc Phi, Trung Đông hay phong trào biểu tình chống chính phủ ở Ucraine thì thấy không phải ờ quốc gia nào quân đội cũng sẵn sàng bắn vào người dân, và còn tùy theo diễn biến của phong trào.
Giai đoạn đầu, quân đội có thể sẽ tuân lệnh nhà cầm quyền. Hy sinh, đổ máu là chuyện sẽ có. Nhưng nếu người dân chọn phương pháp ôn hòa và thông minh, đánh vào tình cảm, lương tri của người lính, kiểu như nhiều cuộc cánh mạng nhung trên thế giới đã từng thực hiện, người biểu tình mang theo cả trẻ em, người già với những khẩu hiệu “Chúng tôi/chúng ta là nhân dân”, những cánh hoa hồng… hay như người biểu tình Ucraine giơ những tấm gương trước ngực cho cảnh sát nhìn thấy hình ảnh mình trong đó, mặt hầm hầm, trang bị vũ khí tận răng, đối đầu với đám đông tay không, chắc chắn họ phải chùng tay, lưỡng lự.
Và nếu người đấu tranh cương quyết không lùi bước, khiến phong trào ngày càng lớn mạnh, lan rộng, tình hình chuyển biến, quân đội chắc chắn phải nghĩ đến “hậu vận” của mình. Đám quan chức thì có tiền chạy sang nước khác, còn người lính chạy đi đâu trốn đây?
Sự lo ngại thứ hai: khi có biến động xảy ra, Hà Nội có cầu cứu Bắc Kinh và Bắc Kinh có đem quân sang can thiệp để cứu đàn em?
Nếu nhìn vào hoàn cảnh của Ucraine trong mối quan hệ địa chính trị, văn hóa, lịch sử với Nga, chúng ta thấy có sự tương đồng so với Việt Nam và Trung Quốc. Chính quyền của cựu Tổng thống Ucraine, Viktor Yanukovych, ai cũng biết, chọn con đường thân Nga bất chấp nguyện vọng khác hẳn của người dân, cũng giống như nhà cầm quyền VN.
Và nếu Nga không dễ gì để mất Ucraine vào tay các nước châu Âu thì Trung Cộng cũng chẳng bao giờ muốn có một VN với một chế độ dân chủ, thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh và thân phương Tây, ngay sát bên cạnh. Nhưng khi biến động xảy ra, Putin có sẵn sàng cứu Viktor Yanukovych không, chúng ta đã thấy. Hoặc khi Myanmar quyết định đi theo con đường dân chủ, tách dần khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đành chịu.
Thêm nữa, tình hình chung ở các chế độ độc tài là khi chế độ đó còn mạnh thì đám đông từ quan đến dân sẽ sợ hãi, hết lòng trung thành, ca ngợi, nhưng một khi chế độ đó sụp đổ thì sẽ không có ai động đậy một ngón tay để khôi phục lại, sẽ không có ai nuối tiếc. Trái lại, những kẻ hôm nay hết mực trung thành, ca ngợi chế độ, chửi bới, bôi nhọ, thậm chí đàn áp người yêu nước, ngày mai sẽ quay ngoắt lại phủ nhận quá khứ, tung hô chế độ mới hơn ai hết.
Trong những giây phút sa cơ thất thế, trước khi bị xử bắn như cả hai vợ chồng nhà lãnh đạo Roumania, Nicolae Ceauşescu, bị lôi ra khỏi chỗ ẩn nấp cho tới khi bị treo cổ như cựu Tổng thống Iraq, Saddam Hussein, hay vẫn đang phải chạy trốn như cựu Tổng thống Ucraine, Viktor Yanukovych… những con người từng một thời quyền sinh quyền sát trong tay đó có lẽ đều có một suy nghĩ chung: Giá như được làm lại, giá như còn cầm quyền, họ sẽ bớt tham lam, bớt tàn ác hơn, chịu khó lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, chịu chia sẻ bớt quyền lực cho những cá nhân, đảng phái đối lập thì có lẽ không đến nỗi bị một kết cục như thế.
Nhưng có ai đang ở trên đỉnh cao quyền lực, hưởng hết mọi của cải trong nhân dân mà nghĩ được như vậy đâu. Còn quyền là còn hưởng, còn đàn áp, mặc kệ lợi ích của đất nước, khát vọng của nhân dân.
Nhà cầm quyền VN hôm nay cũng vậy thôi.
Cũng có thể họ tự tin vì người dân VN đa số hoặc vẫn chưa nhận ra, hoặc vẫn sợ hãi, hoặc thờ ơ không quan tâm đến chuyện chính trị; phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ thì còn quá yếu, chưa có một cá nhân, tổ chức, đảng phái nào đủ mạnh để có thể đối mặt với họ. Nhưng như đã nói, với xu hướng chung của thế giới là đều đi đến một thể chế, mô hình chính trị tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng, pháp trị, đảng và nhà nước cộng sản VN chắc chắn sẽ bị đào thải, không sớm thì muộn.
Đảng cộng sản đã cầm quyền quá lâu, quá đủ để chứng minh với nhân dân có thực sự là một đảng vì dân vì nước hay không, cái công nếu có của đảng đối với đất nước, dân tộc so với tội như thế nào; đảng cộng sản có thực sự muốn thay đổi, muốn đồng hành cùng thế giới tiến bộ và với nhân dân, hay chỉ muốn bảo thủ đến cùng vì quyền lợi của đảng, của các phe nhóm; và đảng đã bỏ qua bao nhiêu cơ hội cải cách ra sao để đến hôm nay VN trở thành một quốc gia lạc hậu hàng chục, hàng trăm năm ngay cả so với các nước láng giềng, nhìn vào đâu cũng thấy tình hình nát bét…
Sự kiên nhẫn đến mức nhẫn nhục của nhân dân đối với đảng cộng sản đã quá đủ, họ không còn có lý do gì để biện minh được nữa.
Chỉ có điều, càng chậm trễ thì cái hậu quả nặng nề mà đảng cộng sản để lại cho đất nước và nhân dân, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, môi trường, đạo đức xã hội, kể cả sự mất mát về lãnh thổ lãnh hải… sẽ càng lớn, quá trình xây dựng lại từ con số âm ấy sẽ càng lâu, càng vất vả bội phần.
Và điều cuối cùng là về phía những người đang trên đường đấu tranh đòi lại tự do dân chủ, đòi lại quyền làm người cho mình và cho người khác, phong trào dân chủ ở nước ta hiện nay đã quá yếu ớt, manh mún, lại bị nhà cầm quyền sử dụng mọi chiêu trò thâm độc để đánh phá, bôi nhọ, gây chia rẽ, nên đừng vô tình mắc bẫy mà tự mình lại xoay sang bất hòa, đánh lẫn nhau…
Mỗi người tùy theo vị trí, khả năng, tính cách của mình sẽ chọn cách đấu tranh khác nhau, có người mạnh mẽ dứt khoát đến cùng nhưng cũng có người ôn hòa, có người dùng ngòi bút, có người dấn thân, có người tuyên bố ly khai đảng cộng sản, có người âm thầm phía sau hỗ trợ…nhưng có lẽ, tất cả đều chung mục đích mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho VN với một mô hình thể chế chính trị khác. Sự thông cảm, hiểu biết, chia sẻ, gắn kết với nhau là vô cùng quan trọng.
Và có lẽ đã đến lúc tập hợp thành những tổ chức khác nhau cùng đấu tranh (trên thực tế điều này cũng đang diễn ra) để từng người không cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, không bị nhà cầm quyền dễ dàng sách nhiễu, cô lập, bức hại cách này cách khác.
Nếu không, VN sẽ mãi mãi đứng ngoài cuộc những sự biến chuyển của thế giới, mãi mãi “nhỡ tàu” như từ trước cho đến nay.
Song Chi
Theo Blog Song Chi
Gửi ý kiến của bạn