BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76181)
(Xem: 62953)
(Xem: 40364)
(Xem: 31960)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hầu chuyện “hoà thượng” Ngô Bảo Châu về Lề trái – Lề phải

29 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2086)
Hầu chuyện “hoà thượng” Ngô Bảo Châu về Lề trái – Lề phải
50Vote
40Vote
31Vote
21Vote
10Vote
2.52

Kính thưa BBT Danluan,Nhân có bài viết của GS Ngô Bảo Châu, tôi - một thanh niên đang sống và làm việc ở Hà Nội, có một vài suy nghĩ muốn trao đổi thêm, nếu BBT thấy phù hợp, xin cho đăng giùm. Xin chân thành cảm ơn.

Độc giả Dân luận

Trước hết xin được chúc mừng giáo sư Ngô Bảo Châu – Hoà thượng Thích Học Toán - về những thành tựu mà ông đạt được, đỉnh cao là giải “nobel toán học” mà ông mới nhận được. Có người bạn ví von đùa với tôi rằng công lực thâm hậu của ông chỉ có thể là do trời đất sinh ra và phải mất ít nhất 50 năm nữa nước trời đất Việt mới có trường hợp thứ hai.

Còn nếu ví von sang trường hợp của người tu hành thì công quả tu luyện của ông có thể sánh ngang với người đã đạt được phẩm hàm Đức Tăng thống Giáo chủ hay Đạt Lai Lạt Ma.

Với tất cả sự ngưỡng mộ những người tài (nhất là khi ông còn rất quan tâm đến nền giáo dục trong nước, cũng như vấn đề bô-xít), tôi đọc hầu như tất cả các tin bài có liên quan đến ông trong mấy ngày qua, và tất nhiên không thể bỏ qua bài “Tâm sự và giải đáp thắc mắc” trên blog của ông – Hoà thượng Thích Học Toán.

Bài viết ngắn gọn, súc tích ấy đã nhận được số lượng người truy cập cũng như phản hồi kỷ lục, và rất nhiều các trang tin, blog đã đăng lại, bình luận. Trong đó dư luận đặc biệt chú ý đến mục 5 của phần Giải thích thắc mắc. Xin được trích nguyên văn dưới đây:

Có một vài bác không quen, bình thường cũng tỏ ra rất hiểu biết, lần này cứ thắc mắc về chuyện Ngô Bảo Châu là lề trái hay lề phải. Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.

Bám theo lề [dù trái hay phải] là việc của con cừu, không phải là việc của con người tự do. Đây là câu nói hot nhất trong tuần, được nhiều người, nhiều nguồn trích dẫn. Thậm chí còn nâng nó lên một tầm cao mới – tầm cao Bổ Đề Cơ Bản version 2.0.`

Là người thuộc diện IQ thấp dù được sinh ra ở xứ đỉnh cao trí tuệ, tất nhiên rất khó để tôi có thể hiểu hết những ý nghĩa cao sâu đằng sau những câu chữ giản dị trên. Lại xưa nay vẫn tự nhận mình thuộc loại Lề trái, tôi không khỏi ngậm ngùi lã chã vì chỉ biết (nghĩ ngắn) rằng, đối chiếu với cái “Bổ đề” mới này, tôi cảm thấy mình được ví là con cừu (hình ảnh ẩn dụ của một con người tự / bị cầm tù về tư tưởng). Do đó với tất cả nỗ lực tuyệt vọng, tôi xin rón rén có mấy lời giãi bày về nội hàm của cái khái niệm Lề phải – Lề trái trong tầm IQ của mình.

Lề trái – lề của tự do


Từ mấy năm trở lại đây, cụm từ “Lề trái” – “Lề phải” bỗng dưng xuất hiện và được sử dụng rộng rãi. Nó ra đời bắt đấu từ một phát biểu của ông Bộ trưởng Thông tin Lê Doãn Hợp, trong đó ông nói (đại ý): báo chí sẽ được an toàn khi lưu thông trong lề phải. “Lề phải” ở đây tức là cái khuôn khổ pháp lý (Luật rừng) do Đảng (độc quyền) lãnh đạo và Ban Tuyên giáo, An ninh kiểm tra đôn đốc.

Ảnh minh hoạ và chú thích: Ngô Bảo Châu: Người tự do, nói năng cũng tự do, cũng đường hoàng, mạnh mẽ.


Từ đây cụm từ “Lề trái” – “Lề phải” được lan truyền trong dân gian, nhất là trên thế giới mạng. Mà những gì thuộc về dân gian thì rất khó phai nhạt, tan biến. Và nó cũng vô cùng giản dị và thâm sâu.

Trước hết nói về Lề phải: Nó được “mặc định” rằng đó là luồng thông tin đi theo sự chỉ đạo về mặt nội dung, tư tưởng của Đảng Cộng sản VN cùng toàn bộ hệ thống cốt yếu của nó: Tổ chức, Tư tưởng, An ninh, Nội chính…, nhằm mục tiêu: duy trì chế độ Đảng trị lâu nhất có thể. Đại diện tiêu biểu cho Lề này là các cơ quan: Báo Nhân Dân, Quân đội, Công an, Tạp chí Cộng Sản, TTXVN, VOV, VTV, và rất nhiều thành phần được gọi là “bồi bút”. Nói là lề phải nhưng không bao giờ có được lẽ phải, có được tranh luận, phản biện. Ở đó chỉ có áp đặt, nguỵ biện và lí luận cùn. Vì thế nó sẽ không bao giờ có được chính danh.

Về Lề trái: Gọi là “trái” nhưng thực ra là tiếng nói cho lẽ phải (công bằng, dân chủ, văn minh, vạch trần cái xấu-ác); và vẫn rất thường xuyên được “cài cắm” lẫn trong Lề phải bởi các cây bút tử tế. Lề trái ở đây cần được hiểu là những suy nghĩ, phát ngôn, bài viết của những người có tư tưởng tự do, mong muốn thúc đẩy một xã hội dân chủ, phát triển: không còn cảnh bịt miệng, tù đày, người bức hại người, công an bắt / giết dân thay vì bắt “cướp”; chứ không phải là “nỗ lực chống chính quyền” như ai đó nói (mà nó sai quấy mà không “chống” thì thật là lạ).

Đại diện cho Lề này là các trang mạng như RFI, BBC, VOA, Bauxite, Danluan, Thongluan, DCV, Talawas, Tienve.., hay hàng trăm, hàng ngàn các blog, diễn đàn; các văn nghệ sỹ, trí thức, nông dân, học sinh sinh viên, nhà báo, luật sư… vẫn đang hàng ngày lên tiếng về những vấn nạn, hiểm hoạ của đất nước.

Lề trái ở đây chỉ là uyển ngữ để chỉ những cá nhân, tập thể, tổ chức, cơ quan báo chí đang từng ngày đấu tranh cho một trong những quyền lợi căn bản nhất của con người: Quyền tự do tư tưởng. Một xã hội mà không có quyền tự do tư tưởng, quyền biểu đạt chính kiến thì đó chỉ là Trại gia súc được gắn danh Nhà nước. Và cũng vì cái “lề” này mà biết bao người dù hàng ngày, hàng giờ bị săm soi, vu khống, đàn áp, cô lập nhưng vẫn cố công duy trì các dòng thông tin được gọi giản dị là Lề trái. Bởi cái “lề” mà họ đang tạo ra sẽ giúp sức cho một nước Việt Nam Độc lập – Tự do - Hạnh phúc đúng nghĩa ra đời. Chính họ đang làm ra cái Lề Khai dân trí - Chấn dân khí hoàn toàn tự do, tự nguyện, tự dấn thân chứ không phải là bám vào nó.

Một điểm rất đáng chú ý ở dòng Lề trái là nó vô cùng dân chủ (nhiều khi đến mức hỗn loạn, quá trớn). Ở đây ai cũng được quyền lên tiếng, không ở nơi này thì nơi kia, và chỉ bị “trừng phạt” bằng lý lẽ phản bác của người khác trên tinh thần đối thoại sằng phẳng. Ở Lề trái, mọi ý kiến thuận chiều hay đối nghịch với “tiêu chí” của nó đều được hoan nghênh; đôi khi sự hoan nghênh cũng không hề dễ chịu, có người gọi là “ném đá tập thể”; nhưng dù thế nào cũng đều tốt cho cả hai, người ném lẫn người bị ném.

Lại nói về Lề phải (tất nhiên ở trong đó vẫn có biết bao nhiêu con người tử tế nhưng vì công việc, cuộc sống mà phải ngậm ngùi nín thở qua sông, cố gắng sống chung với lũ mà không để hôi tanh mùi bùn), tôi xin mạn phép hoạ lại phát biểu của giáo sư để chỉ nói với những kẻ đang bám theo nó để nói và viết như những con vẹt mong được hưởng bổng lộc ban phát rằng: Bám theo lề phải là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.

Lề phải đã là cản lực cho đất nước rồi, nói chi đến việc bám theo nó để mong được hưởng ân huệ, công danh phú quý trong khi thừa biết rằng những bổng lộc này được hình thành bằng bao bất công, dối trá, bao máu xương và nước mắt của đồng bào.

Tóm lại, Lề trái hay Lề phải chỉ là cách gọi để dễ phân biệt hai luồng tư tưởng, hành động có tính cách đối nghịch nhau: một bên tiến bộ, phát triển; một bên kìm hãm, nô dịch. Tất nhiên cũng không thể khu biệt và tuyệt đối hoá hai Lề này bởi, như đã nói, trong Lề Phải có xen lẫn Lề Trái. Và trong Lề phải còn có cả cao thượng, nhẫn nhịn, dằn vặt, bế tắc cần được chia sẻ, giải phóng. Còn Lề trái, nhiều khi cũng phải nhận về mình cả những điều xằng bậy điêu ngoa, cực đoan, chống cộng mù quáng, ấu trĩ, giáo điều… Những phát ngôn, bài viết của dòng Lề trái đây đó vẫn còn tâm lý sợ sệt, dè chừng; thông tin, lập luận có chỗ còn chưa được chính xác (chủ yếu ở các cá nhân). Nhưng cần phải khẳng định lại một lần nữa rằng, Lề trái chính là lề của Tự Do, nó không câu thúc hay cưỡng ép bất kỳ ai phải ăn khớp với nó, và cũng không vơ về mình những gì na ná với mình. Lề trái - trước hết và trên hết – là suy nghĩ, quan điểm, hành động của những con người, những tập hợp muốn xây dựng một xã hội tự do, công bằng và minh bạch; nơi mọi người có được quyền mở miệng mà không lo sợ sẽ bị “chính quyền nhân dân” vả cho văng hết cả ngô.

[Đến đây cũng xin bổ sung thêm là ở trong nước hiện nay, theo quan sát của tôi, ngoài 2 "lề" chính yếu kể trên thì còn vài ba "lề" nữa cũng rất thịnh hành, đó là: lề ngồi yên như núi (im lặng là vàng – ngậm miệng ăn tiền); lề múa đôi; lề vô cảm – liệt kháng; lề đối lập - phản biện trung thành.

* * *

Trên đây là đôi lời tâm tình về Lề trái – Lề phải trong hiểu biết của mình, mong cầu lắm thay sẽ thâu nhận được sự cảm thông từ ơn trên, bởi với một người đã ở tầm cõi trên như giáo sư thì “lề” nào cũng chỉ là “lề” của bầy cừu. Xin chúc giáo sư mạnh khoẻ, tinh anh để đưa toán học thế giới đi đến nhiều đỉnh cao mới. Và nếu có thể thì bằng quyền lực mềm của mình, mong giáo sư sẽ cùng các cá nhân, tổ chức uy tín chăm nom và canh gác cho hoà bình thế giới, đặc biệt là cho sự toàn vẹn, tự do, cường thịnh và kiêu hãnh của đất nước, dân tộc Việt Nam, cho sự tự do của những con cừu đau khổ.

Bản thân tôi đi ra nước ngoài nhiều. Nhiều lúc tôi thấy rất là nhục nhã khi cầm cái Hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét xem cái thằng Annammít này nó có dắt theo hàng lậu không. Tôi buồn lắm chứ, tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật, nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.

Đất nước mình, thưa giáo sư, đang được che bằng lớp vỏ ngoài hào nhoáng với bao “chỉ số ấn tượng” nhưng thực ra đằng sau đó là quá nhiều bất công, nghịch cảnh, hiểm hoạ trong ngoài, máu rơi, nước mắt. Mới từ đầu năm đến giờ mà đã 6,7 mạng người “đột quỵ bàng quang” trong và ngoài đồn công an. Tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, y tế, giao thông… đều be bét. Dân bị cướp ruộng nhiều quá, nhiều dự án quá. Công an “trung thành” quá, trong khi an ninh chính trị bị lũng đoạn, lãnh thổ, lãnh hải bị đe doạ từng ngày bởi “nước quen”. Phải có cách gì chứ không thế này thì gay lắm giáo sư ạ! (Mới nhất là hàng loạt các trang mạng, diễn đàn bị “tin tặc” bịt miệng, dân Bình Dương vừa bị cướp đất, vừa phải “làm việc” với công an, giảng viên Đại học Bách Khoa TPHCM Phạm Minh Hoàng bị bắt).

Nguyện vọng lớn nhất của tôi bây giờ là làm sao để xứ cừu của mình nó có được tự do, dân chủ, làm sao để lãnh đạo nước ta đi dự hội nghị các nhà lãnh đạo Hội đồng Bảo an LHQ với một cái tư thế... là mạnh mẽ. Mình phải là người có tiếng nói mạnh mẽ. Chưa bao giờ mình lại cần cất cao tiếng nói mạnh mẽ như lúc này, thời điểm mà chúng ta chuẩn bị làm lễ báo công lên các vị liệt tổ liệt tông vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Như vậy tôi muốn nói với giáo sư và quý vị độc giả Dân Luận rằng cái vai trò và vị thế của mình bây giờ cần phải ngang hàng với người ta, cũng nói năng đúng mức, đàng hoàng.

Nhưng làm sao để có được vị thế này khi thảm kịch độc tài đảng trị, công an trị đang còn hoành hành bạo ngược.

Giáo sư ơi, Tướng Giáp thì đã trăm tuổi, bộ ba Toàn – Chi - Hùng đáng tiếc là không còn trẻ khoẻ. Dân trí, dân khí trong nước còn quá u mê. Chỉ còn giáo sư là hi vọng cuối cùng để giúp nước Việt Nam thoát khỏi thảm cảnh tụt hậu, mất nước. Nếu mong giáo sư quay ngoắt 180 độ đối với chế độ đã có công đào tạo, ưu đãi để ông có được huy hoàng như ngày hôm nay thì quả thật là tôi không có cái đầu, còn ông không có trái tim. Tôi chỉ mong giáo sư mỗi khi có dịp về nước thì hãy cố gắng tiếp cận bằng được với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ông ấy là người tốt nhưng cô đơn, bất lực giữa bầy sói. Hãy cố gắng vừa động viên nhưng cũng vừa dần dần phân hoá cái nội bộ của ông ấy cho đại cuộc. Giáo sư ơi, vấn đề này là khó lắm đó. Nhưng thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam, tôi chúc ông phải nỗ lực để thực hiện cho bằng được cái này.

Cứu một người phúc đẳng hà sa, nói chi đến cứu vớt cả một dân tộc. Tấm huy chương của ông chắc chắn sẽ thiết thực và lấp lánh bội phần hơn một khi ông cứu giúp cho dân tộc này sớm thoát khỏi bể khổ bến mê, trầm luân lề trái - phải.

Tâm tình, giãi bày cũng đã khá dài. Xin kính chào giáo sư tự do Ngô Bảo Châu, Hoà thượng Thích Học Toán.

Nam mô Adiđà Phật!

 Tiểu hoà thượng
Thích Diễn Tiến
Ý kiến bạn đọc
30 Tháng Tám 20107:00 SA
Khách
Thật tuyệt, cám ơn nhiều Thích Diễn Tiến
30 Tháng Tám 20107:00 SA
Khách
A Di Đà Phật.Viết hay quá hè. Xin cám ơn sa môn Thích Diễn Tiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn