BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39430)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đỗ trung cấp thời Thiên đường (K3)

28 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1043)
Đỗ trung cấp thời Thiên đường (K3)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hôm sau tôi quay lại Bộ Đại học, chờ ông Vụ trưởng tan họp, hỏi cho ra nhẽ. Ông này cho biết: Việc lên danh sách học sinh do máy tính thực hiện, có thể do trục trặc nào đó nên không có danh sách!

- Sai sót này ai chịu? tôi hỏi.

- Anh thử sang Ngân hàng nhà nước xem!

Thấy đây chỉ là cách đá trách nhiệm vòng vo. Nếu tôi có sang Ngân hàng nhà nước chắc cũng chỉ đến thế thôi. Tối hôm đó, về phòng ngẫm nghĩ, thấy vô lý hết sức, dẫu vẫn tin rằng mình đang sống ở xã hội thiên đường.

Tham khảo ý kiến một vài người, tôi quyết tâm viết đơn kiện. Tất nhiên, đơn phải đứng tên cha tôi, vì ông là thương binh, mà thương Binh dẫu sao cũng là tầng lớp công thần, dễ làm cho người ta tôn trọng. Đơn tôi viết đại ý:

Cộng hoà XHCN….Độc lập tự do Hạnh phúc

Đơn khiếu nại

Tôi là… thương binh chống pháp hạng 4/5, có con gái là… thi đại học, đủ điểm vào Trung cấp nhưng không nhận được giấy báo. Ra Bộ Đại học hỏi lý do thì nhận được câu trả lời là như thế, sang Ngân hàng nhà nước thì nhận được câu trả lời như thế… Lên Trường Trung cấp hỏi thì nhận được câu trả lời như thế….

Cách giải thích của Bộ Đại học là sai sót do máy tính, vậy phải chăng mọi sai sót do máy tính đều không thể khắc phục? Phải chăng mọi sai sót đều có thể đổ cho máy tính? Ai là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sự sai sót này?Rất mong nhận được sự trả lời của các cơ quan liên quan.

Ký tên:….

Viết xong đơn, tôi hì hục chép thành ba bản, ký thay cha tôi, hôm sau tôi gửi cho Vụ Trung học một bản, gửi cho Vụ Đào tạo NH Nhà nước một bản, bản còn lại lưu dự phòng rồi nhờ ông Hoà đánh tiếng một câu: Các ông làm thế nào chứ ông thương binh này ông sẽ kiện đến cùng đấy, không cẩn thận sẽ lôi thôi to.

Hai ngày sau, tôi lên gặp lại ông Vụ trưởng, ông thông báo, đã có cách giải quyết rồi, chúng tôi sẽ gửi danh sách bổ sung lên trường, anh có thể lên đó để lấy giấy báo.

Để chắc ăn, tôi lại lặn lội lên Bắc Ninh, lại lộc cộc đạp xe, lại qua bữa trưa bằng ba quả chuối tiêu với nước lã, lại vào gặp lại ông Trưởng phòng Đào tạo, hỏi về chuyện giấy báo, ông này cho biết: Chúng tôi có nhận được công văn của bộ, nhưng hiện tại, học sinh chúng tôi đã gọi nhập học rồi, chỉ tiêu tuyển sinh, sổ sách đã khoá rồi nên không gọi thêm nữa.

Tôi lại chạy về gặp ông Vụ Trưởng vụ Trung học, ông xin lỗi tôi. Tôi không chịu, bảo ông: Lần trước ông bảo sai sót, rồi đổ cho máy tính, rồi hứa bổ sung, lần này tôi có đáng tin ông nữa không.

Ông lại xin lỗi, lại thề thốt, rồi cho tôi số điện thoại bàn, rồi bảo, anh yên tâm, chúng tôi sẽ phân bổ chỉ tiêu bổ sung. Sau này tôi mới hiểu, các chỉ tiêu tuyển sinh gắn liền với tiêu chuẩn học bổng, tem phiếu, kinh phí đào tạo. Những thứ này được rót từ trên xuống, hết chỉ tiêu coi như không thể tuyển sinh thêm.

Hôm sau, tôi ga ga, nhảy tàu ra về với cái túi rỗng không và một niềm hy vọng mong manh. Không có vé, buộc phải chui vào ga rồi leo lên nóc nằm với đám buôn lậu. Trời đã sang thu, ban đêm gió lùa lạnh thấu xương nhưng mình vẫn tin vào một ngày nào đó, tương lai sẽ đỡ cực hơn. Lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ của Chí Thiện: Tiếng răng lạnh đập vào nhau khổ sở/Tiếng dạ dày đói lả bóp bâng quơ/Tiếng tim buồn thoi thóp đập bơ vơ… sự mệt mỏi đã kéo tôi vào giấc ngủ chập chờn trong tiếng gõ đường ray như tiếng đập của con tim.

Về đến nhà được ba hôm, em gái tôi nhận được giấy báo do ông bưu tá chuyển đến. Nhìn thấy gương mặt hân hoan của em, tôi thấy nhẹ cả người. Dẫu sao thì mình cũng đã có được bàn gỡ bớt tệ hại ở vào một thời điểm tồi tệ.

Niềm vui vì chuyện học hành chỉ là một phần, phần quan trọng hơn, kỳ tuyển quân năm đó, em tôi không phải nhập ngũ. Còn tôi, đã chuẩn bị sẵn sàng cho đời binh nghiệp thế chỗ cho em gái. Đầu năm sau đó, tôi trở thành quân nhân và bắt đầu cho quãng đời binh nghiệp ở những cánh rừng nhiệt đới xứ Chùa Tháp.

Bốn năm sau, tôi trở về nhà với thân hình tàn tạ vì sốt rét, vì những thương tích của chiến tranh trong sự ngỡ ngàng của mẹ. Tôi đã làm lại cuộc đời của mình từ những ngày như vậy.

Em gái tôi hiện là Trưởng phòng kinh doanh Agribank YT . Dẫu không thành ông nọ bà kia, nhưng cái hiện thực ấy cũng là ước mơ của nhiều người xuất thân từ nông thôn nghèo khó. Nay nhớ lại một thời đầy trắc trở và bi kịch như là một trải nghiệm để suy ngẫm.

Phan Thế Hải

Theo Blog Phan Thế Hải
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn